15/10/2024
515
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XXIX Thường Niên - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Lời Chúa: Is 53,10-11; Dt 4,14-16; Mc 10,35-45

Tôma Lê Duy Khang

Bài 1

Bối cảnh của Tin Mừng hôm nay đó là sau khi Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ ba, như vậy nghĩa là Chúa Giêsu đã loan báo cuộc khổ nạn của Chúa hai lần trước rồi.

Tin Mừng hôm nay là việc các môn đệ tranh giành quyền lực với nhau, hình ảnh đó cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được các môn đệ của Chúa không hiểu, cũng không nhớ được như gì Chúa đã nói.

Chúng ta hãy nhớ lại khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều không chỉ một lần mà đến hai lần, thế nhưng khi các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. Người răn bảo các ông: "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê! " Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh? " Các ông đáp: "Thưa được mười hai." "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh? " Các ông nói: "Thưa được bảy." Người bảo các ông: "Anh em chưa hiểu ư? " (Mc 814-21).

Hoặc khi Chúa Giêsu sống lại hiện ra với các môn đệ hết lần này đến lần khác nhưng các ông không nhận ra, nhưng Chúa vẫn cứ hiện ra, để cho các ông biết là Chúa đã sống lại.

Chính vì con người hay quên như thế nên Chúa hết lần này đến lần khác hiện ra với các ông giải thích Kinh Thánh, cho xem tay và cạnh sườn, rồi lại giải thích Kinh Thánh nữa.

Lễ lòng Chúa thương xót cũng là một minh họa cho chúng ta, là Chúa muốn nhắc để chúng ta nhớ về lòng thương xót của Chúa.

Và việc nhắc đi nhắc lại chúng ta thấy nó giống như phương pháp trồng hoa lấn cỏ, để giúp đẩy lui những cỏ rác nơi con người.

Có một vì thiền sư tuổi cao sắp qua đời vào giờ phút lâm chung các đệ tử của ông ngồi xưng quanh và chờ đợi sư phụ truyền đạt lại cho họ những kiến thức uyên thâm về cuộc đời và vũ trụ. Vị thiền sư chỉ yên lặng và nhắm mắt, bỗng ông cất tiếng hỏi các đệ tử của mình: các con có biết cách nào diệt trừ được cỏ dại không?

Ai nấy đều ngỡ ngàng, không ngờ sư phụ của mình lại chỉ hỏi một câu đơn giản như vậy.

Một đệ tử nói có thể dùng xẻng xúc hết cỏ dại ạ, vị thiền sư khẽ gật đầu cười nhẹ sau khi nghe câu trả lời.

Một đệ tử khác lại nói: có thể dùng lửa đốt cỏ ạ. Thiền sư vẫn mỉm cười.

Vị đệ tử thứ 3 quả quyết thưa thầy có thể rắc vôi lên cỏ có thể diệt sạch cỏ dại.

Vị đệ tử thứ 4 tiếp lời phương pháp của họ chưa đúng, theo con phải cắt bỏ gốc rễ đào sạch rễ thì cỏ mới biến mất hoàn toàn được.

Sau khi các đệ tử nói xong vị thiền sư nói: các con nói đều hay, từ ngày mai các con sẽ chia nhau những mảnh vườn cỏ dại riêng và loại trừ cỏ dại theo cách riêng của mỗi người, chúng ta sẽ kiểm tra lại khu vườn vào giờ này năm sau.

Đúng một năm sau khi ra sức diệt cỏ, các đệ tử đã cùng nhau ngồi nhìn lại mảnh vườn, rõ ràng họ đã ra sức tìm mọi cách để diệt cỏ dại, nhưng không hiểu sao cỏ dại vẫn đều mọc lại như cũ, họ tò mò không biết sư phụ của mình đã thực hiện cách nào để tiêu diệt cỏ dại, bèn đến thăm khu vườn của vị thiền sư quá cố, kỳ lạ thay khu vườn um tùm dày đặc cỏ dại ban đầu không còn nữa, thay vào đó toàn là những hoa màu rực rỡ. các đệ tử chợt ngộ ra hóa ra trông hoa màu là cách tốt nhất để loại bỏ cỏ dại, họ ngồi xuống trên mặt đất rợp bóng cây mùa màng đã chín rộ, nhưng vị thiền sư năm ấy nay đã qua đời, đây là bài học cuối cùng mà sư phụ đã truyền lại cho họ, những người đệ tử xúc động rơi nước mắt vì biết ơn.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó để đón nhận, đón nhận những lời nhắc nhở, những lời dạy dỗ chân tình, có thể điều đó chúng ta nghe nhiều lần làm mình buồn chán, nhưng đó là tình thương, mời gọi chúng ta hãy đón nhận. Amen.


 

Bài 2: Truyền giáo


Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy lệnh truyền truyền giáo của Chúa Giêsu: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

Và trong lệnh truyền truyền giáo này chúng ta thấy Chúa Giêsu để cho con người tự do lựa chọn, đó là ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, còn ai không tin thì sẽ bị kết án.

Nếu nói cho tự do thì làm sao lại phải bị kết án, tội nghiệp vậy?

Thưa, chúng ta phải hiểu là không tin có nghĩa là không tin mà vẫn chịu phép rửa thì sẽ bị kết án, chịu phép rửa mà không giữ đạo, mà không sống đạo sẽ bị kết án.

Mở rộng ra nữa đó là không tin sẽ bị kết án này chúng ta được mời gọi hiểu theo nghĩa là không công bằng, mình sống không công bằng sẽ bị kết án.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện của Chúa Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi." (Mt 11, 21-21).

Hay câu chuyện của mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ." Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. (Mt 12, 38-42).

Như vậy, lệnh truyền truyền giáo này như là một lời thức tỉnh dành cho mỗi người chúng ta, chúng ta là những người tin Chúa phải sống đạo tốt lành, để được ơn cứu độ, nếu chúng ta không sống đạo tốt lành chúng ta sẽ bị luận phạt vì đã tin mà không sống, vì mất lẽ công bằng với người khác, nghĩa là đối với chúng ta chúng ta đã chọn lựa rồi, thì không thể thay đổi được.

Và lệnh truyền truyền giáo này dành cho những người chưa được biết Chúa, họ có tự do tin hay không tin là chuyện của họ, nhưng chúng ta có bổn phận sống tốt lành, nếu có cơ hội nói về Chúa cho họ biết, chứ không ép buộc người khác vì bất cứ lý do gì, cứ để cho họ có tự do để chọn lựa, bởi nếu chúng ta ép buộc mà họ không có tự do, thì trách nhiệm đó thuộc về mỗi người chúng ta, chúng ta sẽ bị luận phạt.

Xin cho chúng ta hiểu được như vậy, để ý thức hơn, để cẩn trọng hơn trong việc truyền giáo, để cẩn trọng hơn trong việc đề nghị ban bí tích, hay trao ban các bí tích cho người khác, và qua đó giúp chúng ta tôn trọng hơn trong việc cử hành các bí tích. Amen.




Lm Trầm Phúc

Các môn đệ theo Chúa thông thường như người ta theo một ông thầy danh tiếng để đạt một mối lợi nào đó. Hai đứa con ông Dêbêđê cũng thuộc hạng cầu danh đó. Các ông bảo mẹ mình đến cầu xin Chúa Giêsu cho hai con mình được ngồi bên tả hữu bên tả Thầy khi Thầy được vinh quang.

Chúa Giêsu trả lời : “ Các anh không biết các anh xin gì !” Ngài đặt các ông trước viễn tượng tương lai của Ngài là uống chén với Thầy và chịu phép rửa với Thầy. Các ông không biết uống chén và chịu phép rửa với Thầy là gì, nhưng vẫn chấp nhận, vì các ông tưởng lầm rằng Thầy sẽ được vinh quang. Chúng ta theo Chúa lắm lúc chúng ta chỉ mong Chúa ban ơn cho chúng ta được thành công trong cuộc sống, được nhiều lợi tức. Chúng ta vẫn thích vụ lợi hơn là cho đi. Chúa Giêsu muốn chúng ta biết chia xẻ với Ngài  những gì liên hệ tới Ngài hơn. Theo Ngài là quên đi những gì thuộc về mình mà chỉ nghĩ đến những gì thuộc về Ngài mà thôi. Yêu tức là cho đi và cho hết. Chúng ta dám yêu như Ngài không ?

Nghe hai anh em con ông Giêbêđê xin ngồi bên hữu và bên tả Thầy, các môn đệ kia tức tối, nhưng nhờ dịp đó, Chúa cho họ một bài học mới, bài học phục vụ. Thế gian chỉ mong đè đầu thiên hạ, Chúa Giêsu ngược lại,Ngài phục vụ và ban mạng sống đến nỗi không còn gì để cho. Bài học nầy hôm nay vẫn cần và càng cần hơn xưa, vì hôm nay, con người không còn biết yêu thương là gì nữa. Con người chỉ biết khai thác lẫn nhau, người mạnh hiếp người yếu, người giàu và quyền thế thì lạm dụng người nghèo yếu thế. Những cảnh bóc lột dã man diễn ra hằng ngày. Chúa Giêsu chỉ phục vụ và ban mạng sống. Chúng ta dám theo Chúa trên con đường phục vụ không ?

Mẹ Têrêxa Cancutta, thánh Phanxicô Assisi,thánh Vincentê đệ Phaolô và biết bao đấng thánh đã dám làm đầy tớ, phục vụ mọi người, nhất là những người cùng khổ. Có lẽ chúng ta không thể làm như các thánh đã làm, nhưng chúng ta vẫn có thể làm được những việc nho nhỏ, giúp đỡ những người bệnh nhân neo đơn. Những việc nhỏ bé đó không ai hay, không ai biết nhưng rất hữu ích và đẹp lòng Chúa biết bao !

Chúa Giêsu chẳng những nói mà làm. Ngài đến trong tấm bánh và trở thành của ăn cho chúng ta. Đó là cách phục vụ trọn vẹn nhất. Đó là tình yêu nguyên chất , nếu chúng ta có thể nói  thế. Chúa đến để phục vụ và việc phục vụ nầy

chứng tỏ tình yêu vô giá của Ngài. Ngài vẫn là Thiên Chúa, là chủ tể mọi loài, nhưng Ngài chấp nhận làm thân nô lệ và hiến mạng sống vì chúng ta. Đó là con đường Ngài muốn chúng ta bước đi. Hạnh phúc là cho đi chứ không là chiếm hữu. Những người không có đức tin chỉ biết chiếm hữu vật chất mà thôi và sau cùng họ cũng phải ra đi với hai bàn tay trắng. Có lẽ họ để lại cho đàn con nhiều của cải và cuộc đời vẫn tiếp tục. Nhưng chúng ta có Chúa. Của cải chỉ là  phương tiện. Tình yêu mới thực sự là giá trị đích thực. Và Thiên Chúa mới là Tình Yêu. Chiếm hữu Thiên Chúa mới là của cải đích thực. Xin Chúa cho chúng ta đủ can đảm để chỉ chiếm hữu một mình Chúa, vui sống với một mình Chúa, yêu thương một mình Chúa thôi. Đó là nguồn hạnh phúc bất diệt của chúng ta.

 



Lm. Thái Nguyên

Đi và mời mọi người

Chủ đề cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay được Đức Thánh Cha Phanxicô lấy từ dụ ngôn Tin Mừng về bữa tiệc cưới. Tôi xin tóm tắt suy niệm của Đức Thánh Cha để chia sẻ về bài Tin Mừng này.

Sau khi các vị khách từ chối lời mời của nhà vua, ông truyền cho các gia nhân: “Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. Qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta nhận thấy rõ một số khía cạnh quan trọng của việc loan Tin Mừng, đặc biệt đúng lúc cho tất cả chúng ta là những môn đệ truyền giáo của Đức Kitô, trong giai đoạn cuối của tiến trình Thượng Hội Đồng, mà khẩu hiệu là: “Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ”, nhằm tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội, là rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay.

1. “Đi và mời!” người khác đến dự tiệc của Chúa

Trong lệnh nhà vua truyền cho các đầy tớ có hai từ diễn tả trọng tâm của việc truyền giáo: các động từ “đi ra”“mời” mọi người đến gặp gỡ Thiên Chúa và sống hiệp thông với Người. Là Đấng giàu lòng thương xót, Thiên Chúa không ngừng ra đi để gặp gỡ mọi người, và kêu gọi họ đến hưởng hạnh phúc trong Nước của Người, ngay cả khi Người phải đối diện với sự dửng dưng và chối từ của họ. Đức Giêsu Kitô, Mục tử Nhân hậu và sứ giả của Chúa Cha, đã ra đi tìm kiếm những con chiên lạc nhà Israel và Người còn muốn đi xa hơn nữa, để đến được cả với những con chiên xa xôi nhất (Ga 10:16). Cả trước và sau khi phục sinh, Người thường xuyên nói với các môn đệ, “Hãy đi!”, nghĩa là cho họ tham gia vào chính sứ vụ của Người (Lc 10, 3; Mc 16,15). Về phần mình, Hội Thánh luôn trung thành với sứ vụ đã lãnh nhận từ Chúa, sẽ tiếp tục ra đi đến tận cùng trái đất, không bao giờ mệt mỏi hay chán nản trước các khó khăn và trở ngại.

Chúng ta đừng quên rằng tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi tham gia vào sứ vụ phổ quát này, để toàn thể Hội Thánh có thể liên tục cùng với Chúa của mình đi ra “mọi ngả đường” của thế giới hôm nay. “Cái bi kịch trong Hội Thánh hôm nay là Chúa Giêsu vẫn đang gõ cửa, nhưng từ bên trong, chúng ta lại không mở cho Người đi ra! Chúng ta thường trở thành một Hội Thánh ‘giam hãm’ không cho Chúa ra, mà cứ giữ Người lại “làm của riêng mình”, trong khi Chúa đã đến là để truyền giáo và muốn chúng ta là những người truyền giáo”

Một khía cạnh khác của dụ ngôn là vua không chỉ nói với các đầy tớ “hãy đi”, nhưng cũng bảo "hãy mời”: "Đến dự tiệc cưới!”. Các đầy tớ chuyển lời mời của vua với sự thúc bách nhưng cũng đầy kính trọng và dịu dàng. Khi rao giảng cho thế giới “vẻ đẹp tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô chết và sống lại từ cõi chết”, các môn đệ truyền giáo phải rao giảng với niềm vui, sự độ lượng và nhân hậu vốn là những hoa quả của Chúa Thánh Thần trong lòng họ (Gl 5, 22). Không phải bằng gây áp lực, cưỡng ép hay chiêu dụ, nhưng bằng sự thân thiện, cảm thương và dịu dàng, và bằng cách này phản ánh cách hiện hữu và hành động của chính Thiên Chúa.

2. “Đến dự tiệc cưới”. Chiều kích cánh chung và Thánh Thể của sứ vụ Đức Kitô và Hội Thánh.

Sứ vụ của Đức Kitô liên quan đến thời gian viên mãn, như Người đã tuyên bố lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai của Người: “Thời gian đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần kề” (Mc 1,15). Chúng ta biết rằng nơi các Kitô hữu thời kỳ đầu, nhiệt tình truyền giáo đã có một chiều kích cánh chung rất mạnh. Họ cảm nhận được tính cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng. Ngày nay cũng vậy, điều quan trọng là giữ vững thái độ này, vì nó giúp chúng ta rao giảng Tin Mừng với niềm vui của những người biết rằng “Chúa đã đến gần”.

Trong khi thế gian bày ra trước mặt chúng ta những “bàn tiệc” của chủ nghĩa tiêu thụ, sự tiện nghi ích kỷ, sự tích luỹ của cải và chủ nghĩa cá nhân, thì Tin Mừng kêu gọi mọi người đến với bàn tiệc của Thiên Chúa, bàn tiệc ngập tràn niềm vui, sự chia sẻ, công lý và tình huynh đệ trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác. Lời mời đến dự bữa tiệc cánh chung mà chúng ta đem đến cho mọi người được kết nối với lời mời gọi dự bàn tiệc Thánh Thể, ở đó Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng lời Người và Mình Máu Người. “Đối với chúng ta, tham dự bàn tiệc Thánh Thể là thực sự cảm nếm trước bữa tiệc cánh chung đã được các ngôn sứ tiên báo (x. Is 25, 6-9) và được Tân Ước mô tả như là ‘tiệc cưới Chiên Con’ (Kh 19, 9), sẽ được cử hành trong niềm vui của sự hiệp thông các thánh” (Sacramentum Caritatis, 31).

3. “Mọi người”. Sứ mệnh hoàn vũ của các môn đệ Chúa Kitô trong Hội Thánh hoàn toàn hiệp hành và truyền giáo

Suy tư thứ ba là tiệc cưới dành cho “mọi người”, không trừ một ai. Ngày nay, trong một thế giới bị xâu xé bởi những chia rẽ và xung đột, Tin Mừng của Chúa Kitô vẫn là một tiếng nói dịu dàng nhưng kiên quyết kêu gọi các cá nhân gặp gỡ nhau, nhìn nhận mình là anh chị em của nhau, và vui mừng trong sự hoà thuận giữa các khác biệt. Vì “Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2, 4). Các môn đệ truyền giáo của Đức Kitô phải luôn chân thành quan tâm tới hết mọi con người, bất kể tình trạng xã hội hay thậm chí luân lý của họ thế nào.

Dụ ngôn bữa tiệc dạy chúng ta rằng, theo lệnh của nhà vua, các đầy tớ đã đi tập hợp “tất cả những ai họ gặp, bất luận tốt xấu” (Mt 22:10). Và còn hơn thế nữa, cả “những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” (Lc 14, 21), tóm lại là những người anh chị em hèn mọn nhất của chúng ta, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, họ trở thành những khách mời đặc biệt của vua. Bất cứ ai, bất luận nam hay nữ, đều được Thiên Chúa mời gọi thông phần vào ân sủng của Người, ân sủng có sức biến đổi và cứu sống. Người ấy chỉ cần thưa “vâng” trước món quà cho không này của Thiên Chúa, chấp nhận nó và để mình được nó biến đổi, mặc nó vào mình như một chiếc áo cưới” (x. Mt 22, 12).

Sau cùng, chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên Đức Maria, người đã xin Đức Giêsu làm phép lạ đầu tiên ngay tại một tiệc cưới ở Cana xứ Galilê (x. Ga 2,1-12). Chúa đã ban cho đôi tân hôn và tất cả các khách mời tràn trề rượu mới, như một điềm báo trước bữa tiệc cưới mà Thiên Chúa đang dọn sẵn cho mọi người vào ngày tận thế. Chúng ta nài xin sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng của các môn đệ Chúa Kitô trong thời đại chúng ta. Với sức mạnh phát sinh từ sự dịu dàng và tình âu yếm của Mẹ, chúng ta hãy ra đi đem đến cho mọi người lời mời của Đức Vua, Cứu Chúa của chúng ta. Thánh Maria, Ngôi Sao loan báo Tin Mừng, xin cầu cho chúng con!

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được Chúa gọi mời vào sứ vụ,
là được nên nhân chứng Đức Ki-tô
đem đến cho con người ơn cứu độ,
đó chính là ân phúc quá lớn lao,
cho đời con trở thành lời loan báo.

Nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn còn đang mong đợi.

Có những khi con sống như người đời,
ham địa vị và tranh quyền đoạt lợi,
cũng hơn thua cũng mưu mô tính toán,
làm tông đồ mà khoe khoang tự mãn.

Có khi con sống đạo rất mơ màng,
chỉ cần được lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi nhiệt tình với sứ vụ,
con cứ lo phòng thủ với biện minh,
để mình sống an nhàn khỏi hy sinh,
mà vẫn thấy đời mình là chân chính.

Con muốn bắt đầu lại từ hôm nay,
vượt qua một lối sống không hay,
đáp trả tình yêu Chúa quá cao dầy,
vẫn đong đầy từng ngày sống của con,
con không biết phải sống sao cho trọn,
nhưng lòng con chỉ chọn Chúa mà thôi.

Xin cho con sống sứ vụ hết mình,
như lệnh truyền khi Chúa đã phục sinh,
là đem đến Tin Mừng cho thiên hạ,
để mỗi ngày nhân loại thêm biết Cha,
tin Cha là Đấng toàn năng cao cả,
là niềm vui ơn cứu độ chan hòa. Amen.