10/09/2024
526
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XXIV Thường Niên - Giáo phận Mỹ Tho











 







GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Lời Chúa: Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35

Lm Trầm Phúc

Hơn hai năm, các môn đệ đã theo Chúa, nghe lời Ngài giảng dạy, sống với Ngài. Hôm nay, Ngài muốn các ông nhận xét về Ngài như thế nào, để giúp các ông đi sâu hơn về sứ mệnh của Ngài.

Con đường đến vùng Xêdarê Philipphê rất xa. Dọc đường, Chúa Giêsu đưa ra mấy câu hỏi : “Người ta bảo Thầy là ai ?” Thực ra Ngài biết tất cả nhưng muốn cho các ông ý thức hơn về vấn đề nầy. Vì thế sau khi các ông trả lời, Chúa Giêsu hỏi trực tiếp : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Phêrô thay mặt anh em tuyên xưng : “ Thầy là Đấng Kytô”. Một lời tuyên xưng đáng giá. Nhưng Ngài lại bảo các ông đừng nói với ai. Tại sao ? Vì người khác có thể hiểu lầm như chúng ta đã thấy ở Nadaret.

Chúng ta cùng tuyên xưng với Phêrô  và xin Chúa củng cố niềm tin của chúng ta, giúp chúng ta tin một cách chính xác hơn, vì theo thời gian, chúng ta dễ bị xao lãng, chỉ tin một cách lơ là mà không còn xác tín, như Chúa trách dân Do thái qua lời tiên tri Isaia : “Dân nầy thờ Ta bằng môi bằng miệng mà lòng nó xa Ta muôn trùng”.

Sau khi các môn đệ tuyên xưng đức tin, Chúa Giêsu mới cho họ biết những gì đang chờ đợi Ngài : Ngài sẽ bị các đầu mục Do thái loại bỏ và giết chết. Nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại. Phêrô vừa mới tuyên xưng đức tin đã không thể chấp nhận một sự thật phũ phàng như thế. Ông đã phản ứng và Chúa Giêsu, nhờ dịp đó, cho ông một bài học đích đáng : Chúa nói : “ Satan ! lui ra đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Satan ở đây có nghĩa là chướng ngại. Phêrô là chướng ngại vì ngăn cản chương trình của Chúa. Chúa Giêsu đến là để ban mạng sống chứ không phải để tìm vinh dự cho mình. Phêrô muốn bảo vệ Thầy,vì ông chưa hiểu được sứ mệnh của Thầy. Có lẽ chúng ta cũng như Phêrô, chỉ mong thành công về phương diện vật chất chứ không hiểu được giá trị của hy sinh. Đúng như Chúa nói : tư tưởng của chúng ta chỉ là tư tưởng của loài người. Cần phải nhìn cao ơn, xa hơn. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhìn cuộc sống với cái nhìn của Ngài. Sống là hy sinh, là đi theo Chúa trên con đường bỏ mình, là cho đi trọn vẹn không hối tiếc, vì chúng ta phải chết đi để sống lại vinh quang như Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.

Sau khi quở trách Phêrô, Chúa gọi các môn đệ và dân chúng lại và nói : ‘ Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Với những điều kiện khắc khe như thế thì số người dám theo Ngài chỉ là một số nhỏ thôi. Ai trong chúng ta cũng muốn sống dễ dàng, sung sướng, không mấy ai muốn sống khắc khổ, cực nhọc. Các môn đệ đi theo Chúa, nghe Chúa dạy hằng ngày, thấy những phép lạ Chúa làm vẫn không thể hiểu phải sống thế nào. Các ông tranh nhau xem ai là người có địa vị cao nhất. Hai con ông Dêbêđê cũng xin được ngồi bên hữu bên tả Thầy.

Con đường theo Chúa không dễ chút nào. Đa số người tín hữu chỉ giữ đạo, đọc kinh, dự lễ, nhưng theo Chúa, bỏ mình, vác thập giá thì chắc không mấy người nghĩ đến. Cố gắng thi hành những bổn phận đạo đức cũng cực khổ lắm rồi, cần chi phải rườm rà lo bỏ mình, vác thập giá ? Hãy để cho các linh mục, tu sĩ lo vì họ không lo gia đình, làm ăn. Chúa Giêsu mời gọi mọi người không trừ ai.  Ai cũng có thể theo Ngài và nhiều nggười tín hữu cũng sẵn sàng hy sinh bước theo Ngài trên con đường bỏ mình.

Chúa Giêsu biết điều đó, vì thế Ngài đến với chúng ta, cho chúng ta nuốt Ngài vào trong chúng ta để sống với chúng ta, nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Hãy ăn lấy Ngài vì Ngài sẽ là sự sống và là sức mạnh cho chúng ta trên cõi đời nầy, và là hạnh phúc của chúng ta trong cõi đời sau. Chiếm hữu lấy Ngài, gắn bó với Ngài trong suốt cuộc đời trần thế của chúng ta, chúng ta sẽ được Ngài nâng đỡ và ban cho chúng ta niềm hạnh phúc mà chúng ta hằng mơ ước, ngay trên cõi đời đầy lao nhọc gian truân nầy. Hãy tin vào Ngài vô điều kiện, chúng ta sẽ không thất vọng đâu.



Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Người ta bảo Thầy là ai? Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô." Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

Như vậy, nghĩa là Chúa Giêsu biết mình là ai, rồi sau đó Chúa loan báo cuộc khổ nạn: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.” nghĩa là Chúa biết được sứ vụ của Chúa, sứ vụ mà Isaia đã từng loan báo mà trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe: “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi?”

Thế nhưng các môn đệ không biết Chúa Giêsu là ai, cũng không biết được sứ vụ của Ngài, ngay cả thánh Phêro người được mạc khải để trả lời câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra, nhưng ông không hiểu được điều mà mình tuyên xưng, chính vì thế khi Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn ông đã kéo Chúa Giêsu ra một bên và bắt đầu trách Chúa.

Chúng ta thấy, chính vì không biết Chúa là ai, nên ông đã không biết mình là ai, cụ thể ông đã mạnh dạng tuyên xưng: dù ai có bỏ thầy nhưng con thì không, nhưng sau đó thì sao? thưa sau đó ông đã chối Chúa.

Mãi đến sau này khi đã biết Chúa là ai, nên khi Chúa Giêsu hiện ra ở biển hồ Tiberia đã hỏi Phêro anh có yêu mến Thầy không? Thì ông đã trả lời thật với lòng mình, không gian dối.

Trong kinh Lạy Cha chúa Giêsu dạy chúng ta: Lạy Cha chúng con ở trên trời, để cho chúng ta biết Chúa là Cha chúng ta, còn chúng ta với nhau là anh em.

Trong đời sống thường ngày của mỗi người chúng ta cũng thế, nhất là trong tương quan họ hàng với nhau, nếu họ hàng không thường xuyên tới lui với nhau, không biết người lớn là người nào, thì chúng ta có biết mình là ai không? Thưa không biết.

Chẳng hạn như hai anh em bà con chú bác ruột nhiều năm không gặp, không biết người lớn là ai, thì ra đường cũng coi nhau như người dưng thôi, nhưng khi biết được cha mình với cha người đó là anh em ruột thì biết mình là anh, còn người kia là em, bà con chú bác ruột.

Nghĩa là biết mình trong tương quan với Chúa, trong tương quan với anh em mới là cái biết mình rõ ràng nhất.

Còn nếu chỉ biết mình do tự mình mà biết, thì cái biết mình đó có thể là cái biết mình sai lầm, nghĩa là không hiểu mình là ai, điều này rất nguy hiểm.

Một ngôi chùa trên núi có nuôi một con lừa, mỗi ngày nó đều ở trong phòng xay thóc lúa vất vả cực nhọc kéo cối xay, thời gian lâu dần, lừa ta bắt đầu chán ghét cuộc sống vô vị này. Mỗi ngày nó đều trầm tư, “nếu như có thể ra ngoài ngắm xem thế giới bên ngoài, không cần kéo cối xay nữa, như thế thật là tốt biết mấy!”

Không lâu sau, cơ hội cuối cùng đã đến, vị tăng nhân trong chùa muốn dẫn lừa ta xuống núi để thồ hàng, lòng nó hứng khởi mãi không thôi. Đến dưới chân núi, vị tăng nhân đem món hàng đặt lên lưng nó, sau đó trở về ngôi chùa. Thật không ngờ, khi những người đi đường trông thấy lừa ta, ai nấy cũng đều quỳ mọp ở hai bên đường cung kính bái lạy.

Lúc bắt đầu, lừa ta không hiểu gì cả, không biết tại sao mọi người lại muốn dập đầu bái lạy nó, liền hoảng sợ tránh né. Tuy nhiên, suốt dọc đường đều như vậy cả, lừa ta bất giác hiu hiu tự đắc hẳn lên, lòng thầm nghĩ thì ra mọi người sùng bái ta đến thế!

Mỗi khi nhìn thấy có người qua đường thì con lừa lập tức nghênh ngang kiêu ngạo đứng ngay giữa đường phố, yên dạ yên lòng nhận sự bái lạy của mọi người. Về đến chùa, lừa ta cho rằng bản thân mình thân phận cao quý, dứt khoát không chịu kéo cối xay nữa. Vị tăng nhân hết cách, đành phải thả nó xuống núi.

Lừa ta vừa mới xuống núi, xa xa đã nhìn thấy một nhóm người đánh trống khua chiêng đang đi về phía mình, lòng nghĩ, nhất định mọi người đến để nghênh đón mình đây mà! Thế là nghênh ngang đứng ngay giữa đường lộ. Thực ra, đó là đoàn người rước dâu, đang đi lại bị một con lừa chắn ngang đường, người nào người nấy đều rất tức giận, gậy gộc tới tấp…

Lừa ta vội vàng hoảng hốt chạy về chùa, khi về đến nơi thì cũng chỉ còn lại chút hơi tàn. Trước khi chết, nó căm phẫn nói với vị tăng nhân rằng: “Thì ra lòng người hiểm ác đến thế, lần đầu khi xuống núi, mọi người đều cúi đầu bái lạy ta, nhưng hôm nay họ lại ra tay tàn độc với ta đến thế”

Nói xong liền tắt thở!

Vị tăng nhân thở dài một tiếng:

“Thật đúng là một con lừa ngu ngốc! Hôm đó, thứ mà mọi người bái lạy chính là bức tượng Phật được ngươi cõng trên lưng mà thôi.”

Điều bất hạnh lớn nhất trong đời người, chính là cả một đời mà không nhận thức được bản thân mình.

Xin cho mỗi người chúng ta biết Chúa là ai, biết ông bà cha mẹ của chúng ta là ai, biết anh em của chúng ta là ai, có như thế chúng ta mới biết chính mình là ai một cách toàn diện. Amen.



Lm. Thái Nguyên

Làm người phục vụ

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn của Ngài, để khi sự việc xảy ra thì họ sẽ không quá ngỡ ngàng và hoang mang, nhưng họ vẫn không hiểu, hoặc không muốn hiểu. Nói rằng các ông sợ không dám hỏi lại, nhưng đúng hơn, các ông muốn tránh né vấn đề. W. Barclay đã bình phẩm thái độ này như sau: Tâm trí con người vốn có năng khiếu lạ lùng để loại bỏ điều họ không muốn thấy. Chúng ta có khác gì họ đâu? Cũng vậy thôi, chỉ tiếp nhận phần nào mình thích và phù hợp với mình, và từ chối không chịu hiểu phần còn lại. Không dám đón nhận tất cả thì đời chúng ta cũng không đạt tới điều gì cả.

Dù Đức Giêsu đã báo về cuộc thương khó, nhưng dường như các môn đệ tìm cách hiểu khác đi. Họ đoán biết Thầy sắp kết thúc hoạt động rao giảng, nhưng sẽ kết thúc một cách huy hoàng bằng cuộc cách mạng tái lập lại Israel. Thế nên giữa các ông bắt đầu có một cuộc tranh chấp về địa vị trong vương quốc mới của Thầy. Các ông tranh cãi nhau ngay trong lúc đi đường xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Chúng ta biết là các môn đệ ngay từ đầu không phải là những người lành thánh. Họ không bỏ mọi mọi sự mà theo Thầy để rồi không được gì. Dù họ chỉ là những người bình thường, có thể là tầm thường, nhưng khi có dịp thì vẫn mơ ước làm công hầu khanh tướng. Khi biết Thầy định lập vương quốc, thì đương nhiên họ toan tính nắm giữ quyền hành, chỉ có điều là mơ ước đó đi ngược với đường hướng của Thầy.

Khi về đến nhà, Đức Giêsu bảo các môn đệ ngồi xuống, Ngài vờ hỏi xem họ đã bàn chuyện gì khi đi đường. Họ làm thinh không trả lời. Trong bầu khí trầm lắng, Ngài nhẹ nhàng đưa ra cho họ một cách thế để trở nên những con người lớn lao thực sự:“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Lời này có lẽ làm cho các đồ đệ vừa sượng sùng trước cái ham muốn quyền thế, vừa rơi xuống chiếc mặt nạ ảo tưởng về chính mình. Bởi vì người đứng đầu mà phải sống như người đứng cuối, thì có ai muốn đứng đầu nữa không? Hơn nữa, họ có tài sức gì mà đòi cho mình một vai trò hay vị trí lớn lao trong Nước Chúa. Chúng ta xem ra cũng hay ảo tưởng về mình.

Đức Giêsu còn minh họa bằng một hình ảnh sống động khi đặt đứa bé vào giữa họ rồi ôm lấy nó, và tuyên bố: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Khi nói và làm như thế, Đức Giêsu đã thực hiện một hành động phục hồi mang hai chiều kích: con người và tôn giáo; vừa nhận mình là tôi tớ của mọi người, vừa mở rộng vòng đai khép kín của Giáo hội đến tận những người hèn mọn nhất. Đó chính là sứ vụ của Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ. Để nhấn mạnh thêm bài học quan trọng này, Ngài đã kết luận:“Ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Như vậy, ai đón nhận Ngài trong bản thân những kẻ bé nhỏ là đón nhận chính Thiên Chúa. Lạ thay! Thiên Chúa mang khuôn mặt một con trẻ. Đó là sứ điệp rất mới và rất lạ của đoạn Tin Mừng này.

Quả thật, trước giáo huấn của Chúa Giêsu, việc đua đòi danh vọng trở nên cái gì hàm hồ đối với những ai bước theo Ngài. Nhưng dường như ai cũng háo hức về chức tước, địa vị, quyền thế, vì nó không chỉ thỏa mãn được nhu cầu thể hiện bản thân, mà còn vì được công thành danh toại trước mặt người đời:“Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”, hoặc “Không công danh thà nát với cỏ cây”. Chức vụ, địa vị, là điều phải có trong mọi tổ chức xã hội cũng như Giáo Hội. Nó xấu là bởi vì người ta quy về mình, lo chiếm hữu cho mình. Nhưng nó lại rất tốt khi người ta coi đó như một phương tiện phục vụ để đem lại bình an và hạnh phúc cho tha nhân. Tuy nhiên, kẻ ham mê quyền cao chức trọng thì không thể là người tốt được.

Thực tế, việc ham muốn đứng đầu vẫn là một cám dỗ không ngừng đối với đời lẫn đạo. Rất ít người mong đứng đầu để phục vụ, mà để hưởng thụ và sống trên người khác. Dù có phục vụ đi nữa thì cũng phục vụ như kẻ có quyền. Không mấy ai có được tính cách phục vụ như Đức Giêsu. Nếu phải coi ai là “Người lớn nhất”, thì chắc phải là người phục vụ nhiều nhất, với lòng khiêm nhường và tình yêu vô vị lợi. “Người lớn nhất” không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng con tim để yêu thương; không đứng trên cao để điều khiển, nhưng xuống dưới thấp để hầu hạ. Không phải chỉ Giáo Hội, mà bất cứ một tập thể hay cộng đoàn nào cũng rất cần những người đứng đầu theo kiểu mẫu của Đức Giêsu. Nhà truyền giáo Albert Schweitzer nói: “Người hạnh phúc nhất trong anh em là người đã tìm thấy con đường hiến thân phục vụ”.     

Cầu nguyện  

Lạy Chúa Giêsu!
Ngài là Con Thiên Chúa Đấng toàn năng,
nhưng không đến trần gian làm bá chủ,
mà là đến để hiến thân phục vụ,
để đem lại hòa bình cho thế giới,
và trở thành giá cứu chuộc cho đời. 

Ai cũng muốn mình nên cao trọng,
nên chạy theo danh vọng quyền hành,
dùng mọi phương kế để đua tranh,
đưa đến bao nhiêu chuyện chẳng lành.

Chúa dạy con muốn nên người lớn nhất,
phải làm người nhỏ nhất giữa anh em,
làm cao phải biết cúi mình phục vụ, 
làm lớn phải hành động thật khiêm nhu.
        

Nhìn ngắm tượng ảnh Chúa Giê-su,
con thấy tay Ngài không chỉ lên đầu
mà chỉ vào trái tim bị đâm thâu,
một trái tim bốc lửa vì yêu dấu.

Điều đó thật đã làm cho con hiểu: 
đứng đầu thì phải sống như người hầu,
và vui lòng đón nhận những thương đau,
như chính Chúa đã nêu lên gương mẫu.

Phục vụ nào cũng đòi con xả kỷ,
không tìm mình và cũng chẳng mong chi,
chỉ mong sao ý Chúa được thực thi,
và ai cũng thấy mình được yêu quý.

Xin cho con đừng toan tính điều gì,
nhưng chân thành và phục vụ cho đi,
đặt mình làm tôi tớ của mọi người,
nhận ra vị trí mình là ở dưới,
để góp phần cho cuộc sống đẹp tươi. Amen.


 


Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Theo sách giáo lý Công giáo dạy, ta biết rằng: khoảng 30 tuổi, Chúa Giêsu bắt đầu đi giảng đạo. Ngài vừa giảng đạo, vừa làm phép lạ, vừa chữa lành cho những bệnh nhân và xua trừ ma quỉ, khiến cho rất nhiều người quý mến Ngài. Ngài đi đến đâu, dân chúng cũng muốn đi theo để ủng hộ. Nếu dùng từ ngữ của giới trẻ diễn tả, có thể nói rằng: Dân Do thái là “Fan hâm mộ” cuồng nhiệt của Chúa Giêsu, còn Chúa Giêsu là “thần tượng” của họ.

Mặc dù được nhiều người mến mộ, được coi là “thần tượng”; nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn làm một cuộc thăm dò, xem coi dân chúng có thực sự biết chính xác về mình hay không. Nên Ngài hỏi các môn đệ: “Theo các con, thì người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8,27). Các môn đệ được dịp bàn tán công khai trước mặt Thầy, mà không cần suy nghĩ. Các ông thay phiên nhau tấu trình: “Thưa Thầy, có người nói Thầy là tiên tri Êlia. Thưa Thầy, có người cho rằng Thầy là một ngôn sứ nào đó. Và cũng có người nghĩ rằng Thầy là Gioan Tẩy giả, người đã bị chém đầu, nay “sống lại” làm người đó ạ” (x. Mc 8,28).

Nghe xong, Chúa Giêsu có vẻ chưa hài lòng! Vì dân thần tượng Ngài, nhưng lại chưa hiểu đúng về Ngài. Thế nên, Ngài tiếp tục hỏi các môn đệ, để tìm xem coi có ai thực sự “biết rõ” Ngài không: “Còn các con, các con nghĩ Thầy là ai?” Phêrô tự tin trả lời: “Thưa Thầy, Thầy là Đấng Kitô!” Hình như Chúa Giêsu rất hài lòng về câu trả lời “Thầy là Đấng Kitô”. Chúa Giêsu có vẻ vui lắm! Ít ra, là phải như vậy chứ! Học trò là phải biết Thầy của mình chứ! Phấn khởi trong lòng, nhưng Chúa Giêsu cũng rất thận trọng khi dặn các học trò: “Các con đừng nói cho ai biết nhé!” Vì sao Chúa không muốn học trò của mình nói công khai cho mọi người biết Ngài là Đấng Kitô mà người dân đang trông chờ? Dựa vào Kinh Thánh, ta đưa ra câu trả lời, mà không sợ bị sai rằng: Vì “Giờ của Chúa” chưa đến. Vì chưa đến lúc thuận tiện, nên Chúa rất thận trọng, và chưa muốn công khai Danh Tánh của mình!”. Vậy, Giờ của Chúa là giờ nào?

Đó là “Giờ” mà Chúa Giêsu vác Thánh Giá lên đồi Canvê chịu đóng đinh, như Lời Ngài nói trong Phúc âm: “Thầy đi Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày Thầy sẽ sống lại.” (Mc 8,31).

Suy niệm thêm, chắc chắn ta có đôi dòng suy nghĩ: khi Chúa bước lên đồi Canvê chịu khổ hình thập giá, hình như Chúa muốn kéo chúng ta vào cuộc, để ta cùng uống chén đắng, cùng chịu đau khổ với Ngài, như lời Ngài phán: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình và phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Mc 8,34). Còn về phía chúng ta, khi “vác thập giá khổ đau của cuộc đời” mà bước theo Chúa, với niềm tin, ta cũng rất muốn kéo Chúa vào cuộc, để Ngài chia sẻ gánh nặng với ta, mỗi khi ta thất vọng, chán chường, như lời Chúa hứa: Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). 

Từ những suy nghĩ đó, ta có thể khẳng định rằng: việc Chúa vác Thánh giá cứu độ ta, với việc ta vác thập giá đi theo Chúa, cả hai có liên quan với nhau, tạo ra những hình ảnh đẹp và có giá trị. Đẹp từ bản chất bên trong, vì tự nó ẩn chứa một tình yêu hy sinh quên mình. Chúa chết vì ta; và ta chịu đau khổ vì yêu mến Chúa.

Cho nên, mỗi khi nhắc đến chuyện “vác thập giá theo Chúa”, tôi đều có cảm giác “lạ”, vì không biết phải diễn tả thế nào để mỗi người chúng ta cùng cảm nhận.

Khi gặp khó khăn hay phải đương đầu với những bệnh tật nào đó, nếu ta biết “kéo Chúa vào cuộc”, biết phó dâng tất cả những đau khổ của ta cho Ngài, thì hầu như nỗi buồn trong ta không còn nữa, mọi nỗi đau như được tan biến, tâm hồn cảm thấy bình an. Một cảm giác thật tuyệt vời!

Không giống như trường hợp của Henry, một nhà văn vô thần, nổi tiếng của nước Pháp, khi bước vào tuổi xế chiều, ông bị mù đôi mắt. Vì không có niềm tin tôn giáo, ông không chấp nhận sự mù lòa của mình, ông phản ứng một cách điên cuồng. Để rồi cuối cùng do tuyệt vọng, ông tự giải thoát bằng việc dùng súng lục bắn vào cổ họng để tự kết liễu đời mình trong vô vọng (tự sát).

Chính vì thế, mà việc “chấp nhận đau khổ” của người Công giáo, chính là vác thập giá đi theo Chúa Giêsu. Điều đó mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống. Như một câu chuyện kể rằng: Có một đoàn người đông đảo, đang lầm lũi từng bước tiến về Thiên đàng. Trông họ rất mệt mỏi, vì trên vai mỗi người là một thập giá nặng và dài, kéo lê dưới đất, đường thì xa, thập giá lại sần sùi và hình như mỗi lúc một nặng, và khó vác hơn thì phải. Có người cảm thấy chán nản với cây thập giá nặng nề của mình, rồi họ bắt đầu nghĩ ra những sáng kiến. À, tại sao mình lại không cưa bỏ bớt thập giá nhỉ? Nói xong, một người dùng lưỡi cưa, cưa bỏ phần chân của cây thập giá. Rồi hô to: “Hay quá, thập giá của tôi bây giờ gọn nhẹ và dễ vác hơn rồi.” Thế là, là vài người nữa, cũng bắt chước sáng kiến “Cưa cụt thập giá của mình.”, với thái độ vui vẻ. Rồi đoàn người, vẫn tiếp tục bước đi. Những người cưa bớt thập giá, bắt đầu “tăng tốc”, hả hê, hớn hở, vượt qua những người đang vác thập giá nặng và dài trên vai. Kẻ trước, người sau, rồi ai cũng đến được bờ vực thẩm, bên kia là thiên đàng (Không nhảy qua được, không thể lội qua và cũng không có đường đi vòng). Thế là, cả đoàn phải dừng lại, tìm cách vượt qua để bước vào Thiên đàng phía bên kia. Từng người đặt cây thập giá của mình xuống, làm chiếc cầu đi qua. Có điều thú vị là tất cả thập giá không cưa bớt chân của những người chấp nhận hy sinh vác lấy, đều đủ độ dài bắc qua vực thẩm để bước vào Thiên đàng. Còn thập giá của những kẻ ngại hy sinh, đã cắt ngắn, đều bị thiếu hụt, không bắc qua được bến bờ Thiên đàng, họ tỏ vẻ nuối tiếc, quá muộn màng. Một diều thú vị nữa là chiếc cầu thập giá của ai, nấy qua, chứ không được đi ké của người khác. Nghĩa là ai có công sẽ được thưởng. Rất công bằng! Điều đó như muốn nhắc rằng: Trong cuộc đời, ai cũng có thập giá riêng, có thể là nặng nề, sần sùi và khó mang. Ai mang nó với những toan tính ích kỷ, nó mãi là thập giá vô dụng, nhưng ai vác lấy với tình yêu hy sinh, nó sẽ trở thành cây “Thánh giá”, mang lại ơn bình an cho tâm hồn.

Lạy Chúa Giêsu, có những lúc con cô đơn, thất vọng, xin nhắc con nhớ rằng: trong vườn Giếtsêmani năm xưa, Chúa cũng đã từng buồn đến chết được. Xin Chúa cho con luôn biết yêu đời, mặc dù có lúc đời chẳng đáng yêu. Cho con can đảm vác thập giá theo Chúa, vì biết rằng: cuối cùng, chiến thắng sẽ thuộc về những ai có niềm tin và niềm hy vọng. Amen.