03/09/2024
532
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XXIII Thường Niên - Giáo phận Mỹ Tho











 







GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Lời Chúa: Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37
 


Lm Trầm Phúc

Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ ở nhiều nơi, vì thế, đi đến đâu người ta cũng mang đến cho Ngài những người bệnh khác nhau và hôm nay, khi đến miền Thập Tỉnh, người ta mang đến cho Ngài một người điếc và ngọng để xin Ngài chữa lành.

Chúa Giêsu làm một vài cử chỉ hơi lạ khi chữa cho người câm điếc này. Đối với nhiều bệnh nhân khác, Ngài chỉ phán một lời là mọi sự đếu xảy ra như Ngài muốn, và hơn nữa, Ngài không cần nói một tiếng nào, chỉ cần sờ vào áo Ngài thì cũng lành bệnh như người đàn bà bị loạn huyết. Đối với ông sĩ quan Rôma đến xin chữa bệnh cho con gái. Khi đến nơi thì đứa bé đã qua đời. Chúa chỉ cần nắm tay và kéo em dậy là em sống lại. Tại sao ở đây, Chúa phải làm nhiều cử chỉ lạ lùng như bôi nước miếng vào lưỡi anh, thở dài và nói Epphata? Nhiều nhà chú giải vẫn không giải thích một cách rõ ràng những hành động nầy của Chúa mà chỉ suy đoán thôi. Ai hiểu thế nào tuỳ ý.

Chúng ta cũng tạm hiểu theo một vài nhà chú giải. Trước hết, Chúa Giêsu đem người điếc ra một nơi riêng biệt vì Ngài định làm những cử chỉ lạ thường cho người tàn tật. Chúng ta không biết tại sao Ngài không phán một lời cho gọn mà lại làm nhiều cử chỉ lạ thường: Ngài đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Ngài ngước mắt lên trời, thở dài và nói: “Epphata nghĩa là hãy mở ra”. Làm như Ngài phải khó nhọc lắm mới chữa cho anh điếc này.

Ngài đang ở vùng xôi đậu, tức là người Do thái ít hơn người bản xứ. Ngài không muốn làm những phép lạ phi thường mà chỉ muốn cho người dân thấy Ngài dùng những phương pháp thông thường để chữa bệnh: Ngài chạm đến những nơi bị bệnh, dùng nước miếng là một thứ thuốc người địa phương thường dùng để chữa bệnh. Nhưng kết quả vượt xa những gì người ta mong đợi. Và dân chúng phải thốt lên: “Ông này làm việc gì cũng đẹp cả; ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”! Sau khi chữa bệnh, Ngài cấm không cho ai kể lại cho người ta. Ngài không muốn cho người ta hiểu lầm về Ngài. Sứ mệnh của Ngài không chỉ lo cho phần xác, nhưng là chữa trị tâm hồn. Việc này đòi hỏi nhẫn nại và kín đáo. Ngài cấm người ta đồn về phép lạ Ngài vừa làm, nhưng làm sao bịt miệng người ta khi họ thấy trước mắt một sự lạ chưa từng thấy? Đó là những dấu hiệu đầu tiên để dẫn họ đến niềm tin. Ngài tỏ lộ từ từ những quyền năng siêu việt của Ngài. Ngài muốn để cho người khác nhận thức về Ngài và đúng như Ngài muốn, Mọi người, khi nhìn thấy phép lạ đã nhận định rằng: “Ngài làm việc gì cũng tốt đẹp cả: Ngài làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”. Dấu lạ chính là một tiếng nói hữu hiệu nhất dẫn đưa con người đến với Ngài.

Chúng ta đôi khi trở thành người điếc, không nghe lời Chúa. Chúng ta thích những gì thế gian biểu diễn hơn lắng nghe lời Chúa, vì thế gian hấp dẫn hơn, thích hợp với sở thích chúng ta hơn. Thế gian có đủ mọi thứ hấp dẫn chúng ta. Chúng ta thích nghe nhạc, thích bóng đá, thích hát xiệc, thích youtube và đủ các thứ trò chơi khác, còn lời Chúa thì khô khan và đòi buộc. Nhưng mọi sự chỉ là tro bụi, vui đó rồi buồn đó. Tắt tivi rồi, chúng ta trở lại với thực tại trơ trọi của chúng ta. Không gì thoả mãn tâm hồn chúng ta. Chúng ta cần cái gì tồn tại và mang lại cho chúng ta nguồn bình an.

Chỉ có lời Chúa mới mang lại cho chúng ta sự bình an chúng ta đang cần. Xin Chúa mỡ tai chúng ta để chúng ta dám nghe lời Chúa, yêu mến lời Chúa, sống lời Chúa và rao truyền lời Chúa. Không sống lời Chúa, cuộc đời chúng ta sẽ trống rỗng, tiền bạc hay thú vui không thể mang lại hạnh phúc mà chúng ta mong ước. Chỉ có Chúa mới là hạnh phúc thật của chúng ta. Chúng ta có chấp nhận như thế không ?

Chúng ta dám nghe lời Chúa không? Tại sao dám hay không dám? Vì chúng ta có rất nhiều chướng ngại ngăn cản chúng ta lắng nghe lời Chúa: tivi, radiô, điện thoại thông minh, máy vi tính…Chúng ta không muốn nghe lời Chúa vì lời Chúa không hấp dẫn như bao nhiêu thứ khác, không thích hợp với ước vọng của chúng ta. Lời Chúa khô khan và đòi buộc. Nhưng Lời Chúa là sự sống và là sự sống đời đời. Phúc cho chúng ta, nếu chúng ta yêu mến Lời Chúa, và như tiên tri Giêrêmia đã nói: “Gặp được lời Chúa con máu mắn nuốt vào, Lời Chúa trở thành hoan lạc cho con, thành niềm vui của lòng con”.

Chẳng những chúng ta chỉ nghe lời Chúa mà Chúa con cho chúng ta một hồng ân cao quí hơn đó là ăn lấy Chúa. Mình Chúa trở thành của ăn. Chúng ta được ăn lấy Chúa, nuốt Chúa vào trong chúng ta. Để làm gì? Để sống làm một với Chúa, và yêu mến Chúa. Hương vị của thiên đàng đã có ở trần gian nầy rồi, chỉ cần chúng ta khám phá ra thôi.




Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bị câm điếc.

Chúng ta biết việc Chúa Giêsu chữa lành cho người câm điếc cho thấy Chúa đang thi hành sứ vụ của mình, sứ vụ của Đấng Mêsia.

Trong bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Isaia cho chúng ta thấy Thiên Chúa loan báo cho dân Ngài biết Đấng Mêsia sẽ đến và cứu thoát mọi người: “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra, người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được”. và niềm vui này còn lan tỏa ra cả thiên nhiên: “Nước sẽ chảy lên nơi hoang địa và suối sẽ chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn sẽ trở thành ao hổ và hoang địa sẽ trở nên suối nước?”, đó là sứ vụ của Đấng Mêsia và hôm nay Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia, Ngài đang thi hành sứ vụ của mình.

Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta đó là Chúa Giêsu không phải chỉ thi hành sứ vụ vì đó là sứ vụ của một sự ép buộc, mà Chúa Giêsu thực hiện sứ vụ này trong tình yêu thương của Chúa dành cho nhân loại. Chính Chúa đã xác nhận điều này: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được." (Ga 10,18).

Rồi chính trong đoạn tin mừng hôm nay chúng ta thấy được điều đó, đó là khi người ta đưa người bị câm điếc đến với Chúa Giêsu Chúa Giêsu không coi anh như một con số, một dấu chấm mờ nhạt giữ đám đông, mà như một nhân vị thật sự. thay vì dùng lời nói quyền năng, Ngài chạm vào anh ta, chạm ngón tay vào lỗ tạy, lấy nước miếng thấm vào tay rồi bôi vào lưỡi. hành động này biểu lộ sự thân tình, sự đụng chạm không phải chỉ bằng cảm giác với cảm giác, mà còn bằng cả trái tim.

Và chúng ta thấy không chỉ trong tin mừng hôm nay mới thấy được tình thương của Chúa khi thi hành sứ vụ, mà còn thấy nhiều trong những trình thuật khác nữa, chẳng hạn như trình thuật người chữa lành người phụ nữ bị băng huyết, khi bà chạm vào gấu áo Chúa, thì Chúa đã biết có người chạm vào mình, luôn để ý đến mọi người xung quanh.

Ngược lại với hình ảnh của Chúa Giêsu chúng ta thấy có hình ảnh của ông Giôna trong cựu ước, ông được Thiên Chúa kêu gọi đi đến Ninive để báo cho dân thành Ninive biết phải ăn năn sám hối, nếu không trong vòng 40 ngày thành Ninive sẽ bị tiêu diệt, nhưng ông không chịu đi vì sao vậy? vì ông sợ khi ông đi như vậy thì thành Ninive ăn năn sám hối Chúa sẽ tha, nhưng với sức ép của Chúa cuối cùng ông cũng đi, cuối cùng dân thành Ninive ăn năn sám hối và được Chúa tha, ông đâm ra bực tức với Chúa: “Ôi, lạy ĐỨC CHÚA, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-sít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ. Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống! " ĐỨC CHÚA hỏi ông: "Ngươi nổi giận như thế có lý không? " Ông Giô-na ra ngoài thành và ngồi ở phía đông thành. Ở đó, ông làm một cái lều, rồi ngồi bên dưới, trong bóng mát, để xem cái gì sẽ xảy ra trong thành. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Giô-na để có bóng mát che đầu ông, hầu làm ông hết buồn bực. Ông Giô-na vui, vui lắm vì cây thầu dầu. Nhưng hôm sau, khi hừng đông ló rạng, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo. Khi mặt trời mọc, Thiên Chúa cho có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Giô-na; ông ngất xỉu và xin cho mình được chết, ông nói: "Thà tôi chết còn hơn là sống." Thiên Chúa hỏi ông Giô-na: "Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không? " Ông trả lời: "Con có lý để nổi giận đến chết được! " ĐỨC CHÚA phán: "Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao? " (Gn 4, 2-11).

Chúng ta biết thánh Phaolo ngài nói như thế này: “Đã hẳn, có những kẻ rao giảng về Đức Ki-tô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người khác lại làm công việc đó vì ý ngay lành. Những người này làm vì bác ái, bởi họ biết rằng tôi được chỉ định để lo bênh vực Tin Mừng. Còn những người kia thì loan báo Đức Ki-tô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay, tưởng làm như thế là gây thêm khổ cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích. Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Ki-tô được rao giảng là tôi mừng. Và tôi sẽ còn mừng nữa, bởi vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi đạt được ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô phù trợ.” (Pl 1, 15-19).

Nhưng chúng ta thấy, nếu đặt vào trường hợp của chúng ta khi thi hành sứ vụ vì bị ép buộc, khi thì hành sứ vụ không có ý ngay lành, mà đạt kết quả, thì lúc đó chúng ta sẽ thấy như thế nào, thưa sẽ thấy mắc cỡ, sẽ thấy day dứt.

Chính vì thế, khi thi hành nhiệm vụ gì đó, chúng ta hãy thi hành với niềm vui, với tình yêu để kết quả đạt được đem lại niềm vui cho người khác và cho chính chúng ta nữa. Amen.


Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 13.08.2012, có bài viết tựa đề “Cởi trói cho dân”. Tác giả dùng chữ “Cởi trói” để nói về một quyết định cởi mở của chính phủ, đó là việc trả lại đất cho những người nông dân. Và nhờ quyết định đó, mà hàng ngàn hộ dân vui mừng và hy vọng rằng gia đình sẽ thoát nghèo, vì từ nay có đất đai để trồng trọt và chăn nuôi. Trong niềm vui vỡ òa, ông Minh Hiệp (ở xã Nhơn Thạnh Trung, TP. Tân An) chia sẻ “10 năm bị treo đất, cuộc sống của gia đình tôi như bị buộc tay trói chân, khổ lắm. Nhưng hôm nay tôi được cởi trói, tâm trạng thoải mái".

Hơn nữa, trên tờ Báo Mới có đưa ra 5 sự kiện bị oan sai được trả tự do. Đặc biệt là chuyện ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm bị tù oan. Trước khi vào tù, ông Chấn có làm đơn kháng cáo để khẳng định rằng ông không có giết cô Hoan. Nhưng toà án lúc đó đã bác bỏ lời kháng cáo đó, nên ông phải chịu đắng nuốt cay, ngồi tù 10 năm trong sự oan ức. Đến 25.10.2014, bỗng dưng ông Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận tội giết chị Hoan để lấy 59.000 đồng với 2 chiếc nhẫn vàng, thì lúc đó ông Chấn mới được minh oan. Hoặc là nhân ngày lễ Quốc Khánh 02.09.2015 dịp kỉ niệm 70 năm Cách Mạng Tháng Tám, Nhà Nước ban ơn đặc xá tha cho hơn 18.000 tù nhân trở về với cuộc sống bình thường. Cởi trói, giải thoát, hay ban đặc xá tất cả những từ ngữ đó đều diễn tả một niềm vui; đối với những người đang lâm vào hoàn cảnh bất hạnh, hay đau khổ nào đó.

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay không những nhắc đến hoàn cảnh đáng thương của một người câm điếc; mà Chúa Giêsu còn ban cho anh ta một “ân ban đặc biệt”, để chữa anh khỏi bịnh câm điếc. Với Lời Chúa phán đầy quyền năng “Êpphata” (“Hãy mở ra”). Ngay tức khắc, tai anh nghe được và miệng anh cũng thốt lên thành lời.

Rất tuyệt vời, đúng như lời Ngôn sứ Isaia thời Cựu Ước tiên báo “Đấng Thiên Sai, sắp đến cứu thoát anh em. Lúc đó, mắt người mù sẽ mở ra, và tai người điếc sẽ nghe được.” (Is 35,3-7). “Nghe được và nói được” đó là 2 cánh cửa của tâm hồn. Nghe là cánh cửa đón nhận, nghĩa là thu nhận và tập hợp lại tất cả những thông tin, để hiểu những gì đang xảy ra xung quanh mình. Nói là cánh cửa truyền đạt, tức là diễn đạt bằng lời nói những gì ta suy nghĩ trong đầu, để người khác hiểu được. Thế nên, nếu không nghe và không nói được, đồng nghĩa với việc ta không hiểu người khác, cũng như người khác không hiểu được ta. Sống mà không hiểu nhau, đó là một sự bất hạnh trong cuộc đời.

Ở vùng phía Bắc Việt nam, có 58 hộ gia đình thuộc dân tộc Nùng, sinh sống rải rác trên sườn núi Đản Kháo, thuộc Tỉnh Hà Giang. Hầu như, gia đình nào cũng nghèo, trong số những người nghèo đó có gia đình của ông Nùng Seo Sấn, được coi là nghèo và bất hạnh nhất. Bởi vì 2 ông bà Nùng Seo Sấn có 8 người con, nhưng có tới 7 người không nghe và không nói được, vì họ bị câm điếc bẩm sinh. Gia đình cũng còn một chút may mắn là người con út không bị câm điếc. Tại sao một gia đình mà có đến 7 người bị câm điếc? Những người dân trong vùng, đồn rằng đó là do quả báo. Theo lời họ kể lại là: sau khi ông Nùng Seo Sấn bỏ vợ và bà Rích bỏ chồng, hai người hẹn hò vào khu rừng linh thiêng, mà người dân gọi là “rừng cấm”. Họ sống với nhau như vợ chồng.

Một thời gian sau, đột nhiên ông Sấn bị “thần rừng” xử phạt cho bị câm, không nói được. Rồi từ đó về sau, 7 đứa con do 2 ông bà sinh ra, lần lượt cũng bị câm. Một người dân kể tiếp: sau đó ông Seo Sấn tỏ vẻ ăn năn về tội lỗi của mình, ngày nào ông cũng quỳ gối gục đầu đấm ngực khóc than. Có lẽ chính điều đó đã làm cho thần rừng động lòng thương xót, nên đứa con trai út của ông ra đời lành lặn, không bị câm điếc như các anh chị của nó. Người con út này tên là Nùng Seo Long. Từ khi Nùng Seo Long ra đời, gia đình này có phần sáng sủa và vui vẻ hơn. Seo Long là cái tai nghe cho cả nhà, là cái miệng nói thay cho mọi người, và sẽ là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình.

Nhìn vào cuộc sống thực tế, bản thân của ta là những người xem ra lành lặn. Nhưng đôi lúc ta không muốn nghe, cũng không muốn nói chuyện với một ai đó vì một lý do nào đó. Hóa ra ta cũng bị câm, bị điếc. Sự câm điếc của ta không phải do bệnh thể lý, mà do tâm lý. Do tự ái, ích kỉ, hoặc hờn giận vu vơ mà ta không muốn nói chuyện, cũng không muốn quan tâm gì đến người mà ta đang giận hờn.

Bên trong con người của ta, ai cũng có tự ái cực kỳ to. To đến độ không ai chịu hạ mình nhận lỗi để làm hoà trước, mặc dù ta thuộc lòng lời dạy của Chúa Giêsu “Ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên, còn ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống”. Hay “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt.5,23-24)

Lạy Chúa Giêsu, có những lúc con như giả điếc, làm ngơ trước những người xung quanh do lòng tự ái ích kỉ. Xin Chúa, giúp con tháo cởi căn bệnh “Câm điếc tinh thần” này, để con luôn được sống trong sự vui vẻ, bình an và hạnh phúc với những người xung quanh. Amen.

 


Lm. Thái Nguyên

Hãy mở ra

Trong bài đọc I (Is 35,4-7a): Ngôn sứ Isaia tiên báo khi Đấng Mêsia đến, Ngài sẽ làm cho người điếc được nghe, người què được đi và người câm nói được. Điều Isaia tiên báo đã được Đức Giêsu thực hiện. Riêng trong bài Phúc Âm hôm nay, Ngài đã cứu chữa một người vừa điếc vừa ngọng. Bệnh nhân được Đức Giêsu chữa lành có lẽ bị điếc ngay từ nhỏ. Vì điếc, không thể nghe người khác nói để bắt chước, nên dần dần bị ngọng. Vì ngọng nên nói chẳng ai hiểu, và vì điếc nên cũng chẳng hiểu ai. Đây là hai khiếm khuyết song đôi: điếc và ngọng, khiến cho bệnh nhân rất cô đơn, buồn khổ. Biết được nỗi đau của những người câm điếc ta mới thấy quý đôi tai và miệng lưỡi của mình, là một quà tặng lớn lao mà Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta.

Thật phúc cho anh chàng khuyết tật gặp được Đức Giêsu, Ngài kéo riêng anh ra ngoài, sau vài cử chỉ lạ thường, Ngài liền phán: “Epphatha!” - Hãy mở ra! Tức thì tai và lưỡi anh ta được mở ra, anh ta nghe và nói được rõ ràng. Dân chúng kinh ngạc và thán phục nói rằng:“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”. Biến cố này đã ứng nghiệm lời Ngôn Sứ Isaia: “Đấng Thiên Sai sắp đến cứu thoát anh em. Lúc đó mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ nghe được. Lúc đó, chân người què sẽ nhảy như nai và lưỡi người câm sẽ nói sõi sàng” (Is 35,3-7).

Về mặt tâm linh, chúng ta cũng dễ mắc phải hai khuyết tật ngọng và điếc, không phải do bẩm sinh nhưng do sự xói mòn đức tin và lòng mến trong tâm hồn. Ta không bị câm, vẫn nói được, nhưng lại câm nín trước những bất công và bạo ngược. Nhiều khi ta cũng nói thao thao bất tuyệt, nhưng toàn những điều ta muốn nói chứ không phải điều người khác muốn nghe. Ta ước ao được người khác hiểu mình, nhưng mình lại không quan tâm tìm hiểu người khác. Có lẽ ta thấy như có điều gì trói buộc mình, khiến ta ngần ngại, sợ sệt, tránh né… Cũng có khi ta bị ngọng hay câm vì đã có những thương tổn bởi sự châm chọc, khinh miệt, phủ nhận… khiến ta mặc cảm, mất tự tin và co cụm lại. Ngoài những thương tâm do sự vô tâm trong cách hành xử của người khác, thì ít nhiều còn do sự cọ xát quan điểm, lối sống, nhưng thực ra, hệ lụy của vấn đề hệ tại ở tâm hồn ta trước sự tác động của tha nhân.

Nếu bệnh ngọng làm người khác không hiểu ta, thì bệnh điếc làm ta không hiểu người khác. Chúng ta bị điếc khi để mình mất khả năng lắng nghe người khác, hay chỉ nghe điều mình muốn nghe. Chúng ta bị điếc khi nghe người khác với thái độ bất ưng, coi thường, ác cảm. Chúng ta bị điếc khi lắng nghe mà không nhận thức được đúng-sai, hư-thực, hay-dở… nên điều quan trọng không nằm ở nơi người nói, mà ở nơi người nghe phải suy nghĩ và quyết định ra sao.

Chỉ nghe bằng tai thôi thì không đủ, mà phải lắng nghe với cả trái tim. Chỉ có trái tim yêu thương, chân thành và quảng đại mới có thể hiểu đầy đủ, hiểu chính xác những thông điệp mà người nói muốn truyền đạt. Hơn nữa, không phải thông tin nào cũng nên nghe, mà chỉ chọn lựa những thông tin bổ ích và hữu dụng; không gây phương hại trong cách đối nhân xử thế, mà cũng không làm vẫn đục tâm hồn. Cha Mark Link nói: “Chúng ta không thể luôn tin vào những gì nghe bằng đôi tai, nhưng luôn có thể tin vào những gì thấy bằng con tim của mình”.

Có những đam mê, dục vọng và ghen ghét như những sợi dây trói buộc lưỡi ta, làm ta bị câm nín, ngọng nghịu. Có những kiêu căng, ích kỷ và thành kiến như bức tường ngăn chặn làm tai ta điếc lác. Thế giới ngày càng thiếu cảm thông và đối thoại vì có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần. Bệnh này làm người ta thành những con người đơn độc, thành những hòn đảo mù khơi, không còn khả năng cho đi và lãnh nhận, để rồi tàn lụi dần trong sự hoang vu trống rỗng của đời mình.

Qua phép lạ này, Đức Giêsu không chỉ phá đổ bức tường câm điếc cho người bệnh, đem lại cho anh ta một đời sống bình thường, và có khả năng thiết lập tương giao với mọi người, mà còn cho ta thấy Ngài đã phá đổ bước tường giữa Do Thái và dân ngoại, giữa con người với con người, và đặc biệt là bức tường giữa con người với Thiên Chúa. 

Hôm nay, Đức Giêsu cũng muốn kéo riêng ta ra với Ngài và thì thầm lên tiếng: “Epphatha” - Hãy mở ra! Hãy đón nhận lời quyền năng và và tình thương của Ngài, để ta đừng câm điếc trước Thiên Chúa và tha nhân. Đón nhận ân huệ này, Chúa mời gọi ta cũng hãy có những thái độ sống tốt nhất để giúp người khác ra khỏi sự câm điếc của họ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Điếc và ngọng thể chất ai cũng biết,
điếc và ngọng tâm linh khó mà lường,
đây là bệnh ít nhiều ai cũng vướng,
khiến cuộc đời có những nỗi bi thương.

Trong cuộc sống có thể nhiều thứ điếc,
điếc vì đã có định kiến với ai,
nên khi nghe là tìm cách chê bai,
khiến tương giao lại trở thành ngang trái.

Điếc chỉ vì không muốn sống hiệp thông,
vì tự mình đã đóng kín cửa lòng,
hoặc đã đánh mất đi niềm hy vọng,
nên không nghe được tiếng Chúa bên trong.

Cuộc sống con cũng có nhiều thứ ngọng,
vì ích kỷ đã làm cho cứng đọng,
vì tham lam và cố chấp tự kiêu,
nên lời lẽ nói ra không ai hiểu.

Ngọng vì luôn lo âu và sợ sệt,
sợ khinh chê và thua thiệt ở đời,
sợ xui rủi và tai ương đưa tới,
nên co ro mà nói chẳng nên lời.

Có thứ ngọng phát xuất từ lười biếng,
lo an thân tránh mọi chuyện thế trần,
không còn biết ý thức sống lòng nhân,
nên làm cho tinh thần mình xa lạc.

Xin mở tai con lắng nghe Lời Chúa,
lời trần tình lời sự sống trường sinh,
xin mở miệng con chúc tụng tôn vinh,
vì đời con là công trình của Chúa.

Xin cho con lắng nghe hết mọi điều,
cho dù tha nhân nói bằng nhiều kiểu,
con vẫn nói bằng ngôn ngữ của tình yêu,
để cho hết mọi người có thể hiểu. Amen.