27/08/2024
476
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XXII Thường Niên - Giáo phận Mỹ Tho











 







GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Lời Chúa: Dnl 4,1-2.6-8; Gc1,17-18.21b.22-27; Mc 7,1-8a.14-15.21-23
 

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc  những luật sĩ và biệt phái chất vấn Chúa Giêsu về việc các môn đệ của Ngài vừa làm: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch”, Chúa Giêsu liền trưng dẫn lời của Ngôn sứ Isaia: “Dân này kính ta ngoài môi ngoài miệng”, bởi vì dạy những giáo lý và lề luật của loài người, mà bỏ qua các điều răn của Thiên Chúa, nghĩa là họ gạt bỏ giới răn Thiên Chúa ra ngoài, để cố thủ tập tục của mình.

Trong bài đọc 1 trích sách Đẹ Nhị Luật hôm nay là lời khuyên của Môse dành cho dân chúng: “ Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em. 2 Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em.” (Đnl 4,1-2).

Nếu đọc tiếp những chương khác của sách Đệ Nhị Luật có viết, chúng ta cũng thấy được lời khuyên nhủ của Môse: “Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, nào ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), có đòi hỏi anh (em) điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay, để anh (em) được hạnh phúc ?” (Đnl 10, 12-13).

Và sách Đệ Nhị Luật nói thêm: “Vậy anh em phải giữ tất cả mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay, để anh em được mạnh sức mà vào chiếm hữu đất anh em sắp sang chiếm hữu, và để anh em được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA đã thề với cha ông anh em là sẽ ban cho các ngài và dòng dõi các ngài, một đất tràn trề sữa và mật.

Hãy xem, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn : hoặc được chúc phúc hoặc bị nguyền rủa. Anh em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, mà tôi truyền cho anh em hôm nay. Anh em sẽ bị nguyền rủa, nếu không vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, nếu anh em bỏ con đường hôm nay tôi truyền cho anh em phải đi, mà theo những thần khác anh em không biết.” (Đnl 11, 8. 26-28).

Trong sách Giôsue, ông Giôsue đã cũng đã nói với dân chúng: “Bây giờ anh em hãy kính sợ ĐỨC CHÚA, hãy chân thành và trung tín phụng thờ Người. Anh em hãy vất bỏ các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả và ở Ai-cập, và hãy phụng thờ ĐỨC CHÚA. Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA."

Dân đáp lại: "Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ ĐỨC CHÚA để phụng thờ các thần khác! Vì chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. ĐỨC CHÚA đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người E-mô-ri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi." (Gs 24, 14-18).

Thế nhưng sau đó con cháu của họ thì lại khác họ lại không chọn Chúa mà chọn theo các thần ngoại bang, hay nói cách khác họ không còn giữ luật của mà Môse truyền cho họ, mà sống theo tập tục của tiền nhân, nghĩa là phần tâm không còn nữa, mà chỉ con phần da mà thôi.

Chúng ta biết ngày nay chúng ta có sống cái bên ngoài hay không? Thưa có, không chỉ sống, mà đôi lúc chúng ta còn dạy người khác sống cái bên ngoài nữa.

Chúng ta để ý giáng sinh thì chủ đề chính là cái gì? Thưa là mầu nhiệm Chúa Giáng sinh, thế nhưng dường như ngày nay người ta không chú ý đến mầu nhiệm này, đến hang đá, đến máng cỏ, mà người ta chỉ chú ý đến làm cây thông, chú ý đến việc treo ngôi sao, chú ý treo đèn nhiều, mình không đả phá chuyện này, nhưng không để ý thì chúng ta gạt Chúa qua một bên.

Hay chúng ta biết trong giáo luật có 1752 điều, vậy điều nào là điều luật tối thượng của giáo hội, thưa đó là điều luật cuối cùng, điều luật này ghi như thế này: “Phải giữ sự hợp tình hợp lý theo giáo luật và phải nhằm vào ơn cứu rỗi các linh hồn là luật tối thượng của giáo hội”.

Thế nhưng ngày nay chúng ta đánh giá sự thành công không phải dựa vào điều luật tối thượng này là cứu rỗi các linh hồn nữa, mà đánh giá sự thành công dựa vào việc làm được điều này, làm được điều kia bên ngoài, chẳng hạn về thuyết phục cha sở thay được bộ âm thanh nhờ thờ, về sửa được Laphong nhà thờ, về xây được nhà xứ, xây được tháp chuông…, mà quên đi điều chính yếu là gì, thì đó là điều nguy hiểm.

Cuối cùng xin kể câu chuyện vui, để cho chúng ta thấy sống điều Chúa dạy sống cái bên trong quan trọng như thế nào?

Một người chồng đi làm về, thấy vợ đang đánh con, không quan tâm mà bỏ qua. Anh ta đi thẳng vào bếp, nhìn thấy một nồi hoành thánh trên bàn nhỏ, thế là vội vàng múc một bát ngồi ăn.

Ăn xong no nê, thấy vợ vẫn đang đánh con ở đó, anh ta mới lại gần nói: “Giáo dục con cái đừng dùng bạo lực mãi thế, phải giảng giải đạo lý cho nó chứ!”

Người vợ quát: “Cả nồi hoành thánh tôi nấu mãi mới xong, nó lại dám nghịch ngợm đi tiểu vào đấy. Không đánh mà được à?”

Người chồng nghe xong liền nói: “Bà nghỉ ngơi đi, để tôi đánh tiếp!”

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta đừng sống hình thức bên ngoài, mà hãy sống nội tâm bên trong, để giúp nhau nên thánh, để giúp nhau mỗi ngày mỗi hoàn thiện hơn. Amen.




Lm. Thái Nguyên

Bên trong và bên ngoài

Khoảng năm 336 trước Chúa Giáng Sinh, Alexandre đại đế đã đưa Hy Lạp lên ngôi bá chủ, thâu tóm nhiều dân tộc. Nước Do thái cũng rơi vào vòng thống trị của đế quốc này. Trước nền văn minh Hy Lạp, nhiều người Do Thái đua nhau học đòi kiểu sống đó, và thờ cả các thần Hy Lạp. Văn hóa dân tộc và đời sống đức tin có nguy cơ bị huỷ diệt. Vì thế, các nhà lãnh đạo tinh thần đã tìm mọi cách giữ gìn truyền thống của cha ông. Họ đặt ra nhiều khoản luật mang tính hình thức và lễ nghi bên ngoài, buộc dân phải giữ để khỏi bị lây nhiễm nọc độc của ngoại bang. Từ đó dấy lên một phong trào thượng tôn lề luật.

Tới thời Chúa Giêsu thì luật lệ đã được đặt ra quá tỉ mỉ, nhất là luật giữ sạch sẽ bên ngoài, để không làm dơ bẩn tâm hồn bên trong. Chẳng hạn phải rửa tay trước khi ăn vì sợ bị ô uế do đụng chạm. Tay ô uế làm đồ ăn ô uế, và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ô uế. Vì thế không lạ gì người Pharisêu bắt lỗi các môn đệ“không giữ truyền thống của cha ông, cứ để bàn tay ô uế mà dùng bữa”. Cái sai lầm trầm trọng của họ là dùng cái bên ngoài để thanh tẩy cái bên trong, biến cái tập tục của phàm nhân thành phương dược tôn giáo để khử trừ ô uế. Đó là một sai lầm mà Đức Giêsu phải lên tiếng cảnh giác, là  họ đã “gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.

Trước sự sai lầm này, Ðức Giêsu đã long trọng khẳng định:“Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế”. Khẳng định này làm đảo lộn toàn bộ những tập tục và truyền thống của người Do Thái. Bởi lẽ đời sống họ đầy những điều  cấm kỵ bên ngoài để tránh ô uế, như: không được ăn thịt heo, hay thịt thú chết ngạt; không được đụng vào xác chết, hay người phong cùi; không được ăn chung với dân ngoại hay vào nhà người tội lỗi... Nếu như thế thì Ðức Giêsu bị coi là người ô uế, vì đã phạm nhiều điều cấm kỵ. Ngài thường tiếp xúc với xác chết, người tội lỗi, người cùi hủi, vào nhà dân ngoại và có thể nhiều lần Ngài cũng chẳng rửa tay trước khi ăn.

Lời tuyên bố của Đức Giêsu quả là cuộc cách mạng trong Do Thái giáo, vì đã phá đổ nhiều bức tường ngăn cách kẻ xấu - người tốt, dân Do Thái và dân ngoại, nam và nữ, nô lệ và tự do... Ngài làm cho con người trở nên gần gũi với nhau trong sự bình đẳng về nhân phẩm; xóa đi những thứ phân chia đẳng cấp và kỳ thị cao thấp được làm nên do luật lệ bên ngoài. Thật ra, Ðức Giêsu không phản đối hay muốn dẹp bỏ việc rửa tay trước khi ăn của người Do Thái, nhưng Ngài thấy nó mang tính giả hình. Điều này đòi ta nhìn lại chính mình trong đời sống hằng ngày, vì ta cũng dễ tự lừa dối mình qua những hình thức bên ngoài, hoặc cố gắng che chắn điều gì đó không tốt đẹp ở bên trong.

Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn. Có lẽ vì vậy mà người ta né tránh cái khó bên trong và lựa chọn cái dễ bên ngoài, rồi gán ghép cho nó một ý nghĩa, nhưng thực ra chỉ là để che lấp một quan niệm cổ hủ và hẹp hòi, hoặc vì tinh thần đạo đức đã xuống cấp và suy yếu. Tình trạng nội tâm vốn mới là thật. Sự trong sạch của tâm hồn mới là đáng kể. Nếu phải tuân thủ những hình thức và luật lệ bên ngoài, thì làm sao cái bên ngoài phải phản ánh cái sạch đẹp bên trong. Cái ô uế bên trong không thể nào thanh tẩy bằng cách làm sạch đẹp bằng những thứ bên ngoài.

Đừng dựa vào những thứ bên ngoài mà tưởng mình là người “công chính”, rồi phê phán những người khác như những người biệt phái và kinh sư. Thực ra, sống công chính là một mục tiêu phải phấn đấu suốt đời mà cũng chưa chắc đạt tới. Đừng ru ngủ mình bằng lời kinh tiếng kệ, mà hãy lo thay đổi lòng mình như Chúa đã cảnh cáo:Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. Lời Đức Giêsu khiển trách người Do Thái cũng là lời khuyên chúng ta lo tu luyện lại bản thân từ bên trong, chứ đừng lo phê phán người khác.

Đức Giêsu kể ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ bên trong đã làm con người ra ô uế, là ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Thanh tẩy tâm hồn hay đổi mới con tim là điều Chúa muốn làm nên nơi mỗi người:“Ta sẽ thanh tẩy các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới” (Ed 36, 25tt). Đó là điều ta phải thiết tha cầu xin Chúa mỗi ngày, và nỗ lực trong ơn thánh để làm mới lại trái tim mình, một trái tim trong sạch và chân thật, chỉ làm mọi sự vì tình yêu mến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Xem ra ai cũng muốn sống dễ dãi,
nên ngần ngại trước những cái khó khăn,
dường như ai cũng muốn sống nhập nhằng,
không muốn cho thấy rõ điều đen trắng.

Chúng con đây cũng thường hay che chắn,
ít dám sống trung thực với chính mình,
nên có những kiểu cách sống giả hình,
tốt thì hay khoe còn xấu lại che.

Chúng con cũng giống người Biệt phái,
chỉ lo rửa bên ngoài cho sạch đẹp,
mà không rửa bên trong những lấm lem,
không nâng cao những gì còn thấp kém.

Chúng con chỉ thích đổi mới diện mạo,
mà không lo canh tân đời sống đạo,
thích tự hào và tỏ vẻ thanh cao,
nhưng thực chất có thể là gian xảo.

Chúng con vẫn hay chạy theo hình thức,
ít khi nào chịu xét đến nội dung,
chỉ làm theo thói quen và tập tục,
không biết đến những gì sai hay đúng.

Chúng con cần trở lại với lòng mình,
để thấy có những điều đang thoái hóa,
nhất là có những điều hay dối trá,
mà con vẫn khuây khỏa để cho qua,

nhưng rồi đây sẽ biến thành tai họa.

Xin Chúa thương biến đổi trái tim con,
một trái tim chưa trong sáng đơn sơ,
còn giả vờ và cố chấp làm ngơ,
xin giúp con tẩy rửa những bợn nhơ,
sống chân thật như Chúa vẫn mong chờ. Amen.




Lm Trầm Phúc

Mấy ông Pharisêu coi trọng truyền thống của họ và xoi bói những hành động của các môn đệ Chúa Giêsu. Họ trách các môn đệ là không giữ truyền thống của cha ông, ăn uống không rửa tay. Họ cho như thế là lỗi phạm đến lề luật. Họ không phân biệt thế nào là Luật và thế nào là lệ. Chúa Giêsu nhân cơ hội đó, cho họ một bài học đáng giá. Ngài nhắc đến một lời của tiên tri Isaia chế trách dân Do thái thờ phượng Chúa ngoài môi ngoài miệng mà lòng họ xa Chúa muôn trùng. Họ lo những chuyện bề ngoài mà không chú trọng đến nội tâm. Điều quan trọng không phải là rửa chén bát bình ly, mà là giữ điều răn Chúa với tất cả lòng thành.

Chúng ta cũng giống dân Do thái. Lo những chuyện bên ngoài hơn là lo cho linh hồn. Ngày Chúa Nhật lo ăn mặc cho bảnh bao mà không nghĩ đến lo cho linh hồn được thanh sạch. Bắt đầu thánh lễ mới rục rịch vào nhà thờ. Chúng ta không coi trọng việc thờ phượng. Chúng ta xem thường Thiên Chúa làm như Chúa cần chúng ta thờ phượng Ngài. Không, Chúa không cần ai cả, nhưng chúng ta cần Chúa. Càng thấy mình nhỏ bé yếu đuối, chúng ta càng cảm thấy cần Chúa.

Thờ phượng Chúa không phải là một hành động theo Luật hay một sự bó buộc mà là một hành động yêu thương. Chúng ta biết mình được yêu thương và chúng ta đáp trả tình yêu. Nhiều người tín hữu xem việc thờ phượng như một lễ nghi làm cho xong chuyện. Đến nhà thờ thì tìm chỗ nào vừa ý, nhiều lúc chỉ cần đứng đâu đó cho mát mẻ, đợi xong mọi nghi lễ để rồi leo lên xe chạy mau về nhà hay đi chơi, như vậy có gọi là thờ phượng không?

Nếu chúng ta yêu mến Chúa thật tình, chúng ta sẽ làm thế nào? Chúng ta sẽ vui mừng mau mắn đến với Chúa không tiếc thì giờ, công khó. Chúng ta đến với Chúa với tất cả niềm tin như một đứa trẻ đến với Cha mình để nghe tình yêu rộn lên trong tâm hồn. Ngày Chúa Nhật trở thành ngày hân hoan vì chúng ta sẽ đến với Cha trên trời để hiến dâng tất cả con người và cuộc sống của chúng ta, buồn vui kham khổ của chúng ta. Nhưng không chỉ ngày Chúa Nhật mà thôi. Chúng ta thờ phượng Chúa, yêu mến Chúa suốt cả đời sống, Mỗi ngày là một dịp để chứng tỏ tình yêu của chúng ta. Thờ phượng chính là sống trong tình yêu của Chúa là Cha nhân lành.

Thực ra chúng ta không thể yêu mến Chúa, vì chúng ta không bao giờ thấy Chúa. Không thấy thì làm sao yêu? Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Ai yêu mến Ta, người ấy giữ lời của Ta”. Đó là cách yêu mến Chúa thông thường nhất. Nhưng Chúa cho chúng ta một hồng ân vô giá là chính Chúa dẫn chúng ta vài tình yêu của Ngài, Ngài mở cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài ngọt ngào êm dịu như thế nào, với điều kiện là chúng ta phải sống thân mật với Ngài hai mươi bốn trên hai mươi bốn. Tình yêu chỉ nẩy nở khi chúng ta sống thân mật với nhau. Chúng ta hãy sống thân mật với Chúa suốt ngày, cùng ăn, cùng ngủ cùng làm. Nhờ đó Chúa mới có thể cho chúng ta hưởng sự ngọt ngào của tình yêu Ngài.

Chúa lại dùng một hồng ân đặc biệt để giúp chúng ta sống thân mật với Ngài. Ngài mượn hình thức một tấm bánh và cho chúng ta ăn lấy Ngài, nuốt Ngài vào trong chúng ta. Chúng ta thành một với Ngài. Như thế, chúng ta không thể rời Ngài. Chúng ta sẽ được sống với Ngài, mang Ngài vào trong đời sống chúng ta, trong gia đình và trong môi trường làm việc của chúng ta, vui buồn với Ngài, cực khổ hay vui sướng với Ngài. Và nhờ đó, Ngài cho chúng ta nếm hưởng tình yêu linh thiêng của Ngài. Đó là nguồn hạnh phúc mà chúng ta được hưởng, nếu chúng ta sống thân mật với Ngài.