
GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT XVIII TN - CHÚA HIỂN DUNG
Đn 7,9-10.13-14; 2Pr 1,16-19; Mt 17, 1-9
Lm Trầm Phúc
Đây là một hành động bất thường của Chúa Giêsu. Ngài luôn sống bình thường và gian dị với các môn đệ, nhưng một ngày kia, Ngài đem ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một đỉnh núi cao và ở đó, Ngài tỏ cho các ông thấy vinh quang của Ngài, vinh quang của Người Con Một. Để làm gì?
Nhiều giả thuyết đã được nhiều nhà chú giải đưa ra. Chúng ta hiểu thế nào?
Thánh Phêrô, khi thấy Thầy mình rực rỡ vinh quang đã vui mừng đề nghị cất ba cái chòi để ở với Thầy luôn trên núi. Chúa Giêsu hôm nay, không tỏ vinh quang của Ngài, nhưng lại thu mình vào một tấm bánh và chúng ta không cần phải cất cái chòi nào nữa mà chính chúng ta trở thành nơi trú ngụ của Chúa vinh quang đó. Ngài chỉ muốn sống với chúng ta trong tâm hồn nghèo nàn tội lỗi của chúng ta thôi. Như thế, chúng ta vinh dự hơn các môn đệ đó, vì chính Chúa đến với chúng ta, cư ngụ trong chúng ta. Chúng ta có cảm thấy hạnh phúc không? Hơn nữa, Ngài không chỉ trở thành bánh cho chúng ta ăn mà lại biến chúng ta thành ánh sáng như Ngài: “Anh em là ánh sáng thế gian”. Ngài muốn chúng ta trở nên như Ngài.
Trên núi đó, Chúa Cha từ trong đám mây đã tuyên bố: “Này là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người “. Ngài biến chúng ta thành con của Chúa Cha. Và thánh Gioan, trong thư thứ nhất của ngài cũng xác minh điều đó: “Chúa Cha yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”. Đó phải chăng là một ân huệ lớn lao cho chúng ta? Nếu chúng ta hiểu được giá trị của hồng ân vô giá này, chúng ta sẽ hạnh phúc. Nhưng tiếc thay, không mấy người hiểu được ân huệ Chúa ban, không thể xem mình là con Thiên Chúa, không sống như Chúa muốn, không vâng nghe lời Chúa mà chỉ lo chạy theo thế gian và những việc phù phiếm thôi!
Sự hiện diện của ông Môsê và Êlia cho chúng ta thấy rằng, Chúa Giêsu là trung tâm của Cựu Ước. Ngài kết thúc Cựu Ước để khai mở một thời đại mới, thời đại của ơn cứu chuộc. Nghe và thực hiện lời Ngài chính là con đường duy nhất để đạt đến nguồn sống mới mà Chúa Giêsu đã mở ra cho chúng ta. Chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống của chúng ta. Hãy xét xem chúng ta đã thực hiện Lời Chúa như thế nào. Thực hiện Lời Chúa chính là yêu mến Chúa vì chúng ta không thể yêu mến Chúa bằng môi bằng miệng như Chúa đã trách dân Do thái xưa: “Dân này thờ Ta bằng môi bằng miệng nhưng lòng nó xa Ta muôn trùng”. Và chính Chúa Giêsu cũng đã dạy chúng ta: “Ai yêu mến Ta, người ấy giữ lời Ta”. Hãy hỏi các thánh xem, các ngài đã yêu mến Chúa như thế nào. Có đấng nào chỉ yêu Chúa bằng môi bằng miệng không? Các ngài đã hy sinh tất cả cho Chúa. Thánh Phaolô là vị thánh mà chúng ta biết nhiều nhất, đã yêu mến Chúa như thế nào?
Nhưng chúng ta cũng hãy xem, Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta như thế nào? Thánh Phaolô đã nghĩ đến tình yêu Chúa và đã thốt lên: “Ngài đã yêu tôi và đã chết cho tôi”! Chúng ta hãy nghĩ đến những gì Chúa Giêsu đã làm vì yêu chúng ta, chúng ta mới thấy rằng, chúng ta mắc nợ Ngài, một món nợ quá sức tưởng tượng, món nợ tình yêu. Chúng ta chỉ có thể trả món nợ đó bằng cả cuộc đời chúng ta, bằng tất cả cuộc sống nhọc nhằn của chúng ta. Phải yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự. Chúng ta chỉ nói chứ chưa sống những gì chúng ta nói. Một linh mục đã nói: “Đừng chỉ nói Chúa mà hãy sống Chúa”. Nếu chúng ta yêu mến Chúa thành thật thì mọi tư tưởng, lời nói, hành động của chúng ta đều quy hướng về một điểm là Chúa mà thôi. Thánh Phaolô đã nói một cách hết sức rõ ràng: “Tôi sống, nhưng không phải tôi mà là Chúa Giêsu sống trong tôi”. Ngài nói lên kinh nghiệm của ngài. Chúng ta cũng hãy cố theo ngài trên còn đường yêu mến đó.
Ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã nhìn thấy vinh quang của Chúa trên đỉnh núi, thì một vài lúc sau, các ngài cũng sẽ chứng kiến những giây phút đau đớn tột cùng của Chúa. Các ngài thấy được tình yêu đã đưa Ngài đến đâu. Các ngài biết được vì yêu thương nhân loại hư mất, Chúa đã chấp nhận tất cả, uống đến cạn chén đắng. Sau khi Chúa sống lại, các ngài đã hoàn toàn đổi mới, các ngài dám yêu Chúa đến cùng. Chúng ta không chứng kiến vinh quang của Chúa, nhưng chúng ta cũng được yêu thương đến cùng. Chúng ta được vinh dự là ăn lấy Chúa, sống với Chúa. Phải chăng đó là dấu hiệu của một tình yêu tuyệt vời, tình yêu mà không ai có thể làm được. Nhưng Chúa đã làm vì yêu chúng ta. Hãy sống với Ngài, cho Ngài. Cho Ngài mà thôi.
Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh
Chúa biến hình – Con người biến đổi
Câu chuyện “Chúa Giêsu Biến Hình” trên núi Tabor, được cả ba Thánh Sử Mátthêu, Marcô và Luca kể lại. Và việc Chúa “hiển dung” xảy ra sau khi Tông đồ Phêrô xác tín rằng Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống.
Thử hỏi lý do vì sao Phêrô khẳng định mạnh mẽ rằng Thầy là Đấng Kitô, là Đấng Cứu Thế?
Câu trả lời có lẽ là do Phêrô cảm nhận được nơi Thầy Giêsu, có một điều gì đó lạ lùng và linh thiêng, mà bản thân của Phêrô không thể giải thích được. Sự lạ lùng linh thiêng đó đối với Phêrô mỗi lúc mỗi tăng lên, cụ thể là trên đỉnh đồi Tabor, cả ba Tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng chứng kiến cảnh tượng “lạ” vì gương mặt của Thầy bỗng dưng sáng chói một cách khác thường. Sự khác thường ấy đã khiến cho ba đấng phấn khích lên, đặc biệt là Phêrô không kiềm chế được cảm xúc, nên thốt lên rằng: “Hay quá Thầy ơi, sẵn có chúng con ở đây, nếu Thầy muốn, chúng con sẽ dựng lên ba túp lều, một cho Thầy, một cho ông Môisen, và một cho ông Êlia” (Mt 17,4).
Môisen và Êlia là hai nhân vật nổi tiếng ở thời Cựu Ước đã chết từ lâu rồi, vậy mà Phêrô muốn dựng lều cho họ để làm gì nhỉ?
Dựa vào Phúc Âm Thánh Marcô, để tiếp tục hiểu thêm về câu chuyện “Biến hình của Chúa”, ta sẽ nhận ra được sự lúng túng của Phêrô. Tin mừng Marcô nói rất rõ: “Phêrô nói, mà chẳng biết mình nói gì, vì quá sợ hãi” (Mc 9,6). Có lẽ, lúc đó, những suy nghĩ trong đầu của Phêrô bị “rối ren” do hoang mang, sợ hãi. Thầy Giêsu còn đang sống sờ sờ trước mắt đây, sao lại có thể nói chuyện được với Môisen, với Êlia, là những người đã chết? Chẳng lẽ Thầy là một “pháp sư” có khả năng tiếp xúc với những người đã khuất, ở bên kia thế giới...? Lạ thật?
Nỗi hoang man chưa kết thúc, tâm trí chưa lấy lại được sự bình an, thì một đám mây liền bao phủ lấy các ông, khiến các ông càng thêm kinh hãi. Tuy nhiên, khi nghe tiếng từ trên trời vọng xuống: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” thì các Tông đồ cảm thấy vui và không còn cảm giác sợ nữa, vì biết rằng đó là tiếng của Chúa Cha phán, để xác nhận rằng Thầy Giêsu là Con yêu dấu của Ngài.
Đúng vậy, Chúa Giêsu là Con của Thiên Chúa, cho nên Ngài mới có đủ phép tắc, để biến đổi hình dạng vinh quang sáng láng như vậy.
Nhân dịp nói đến sự vinh quang của Chúa, ta lại nhớ đến câu nói của Thánh Irênê rằng là: “Vinh quang của Chúa: chính là sự sống của con người.” Nghĩa là: khi con người “được sống”, và “có quyền được sống”, là lúc vinh quang của Chúa được tỏ hiện.
Nhìn vào cuộc sống hiện tại, “Quyền được sống” của con người hình như đang bị mất dần, nếu không muốn nói là bị “thủ tiêu” ngay trong trứng nước. Ý muốn nói ở đây là “Nạn phá thai” đã và đang diễn ra ngày càng nhiều. Điều đáng buồn là Việt Nam mỗi năm có gần 30.000 ca phá thai, trong đó có đến 20% là các bà mẹ nhí ở độ tuổi vị thành niên. Và theo thống kê mới đây cho biết: Việt Nam là Quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai đứng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Canada.
Quả thật đây là một điều đáng báo động!
Lẽ ra “Quyền được sống” của con người là doThiên Chúa quyết định, chứ không phải do sự nhẫn tâm của con người định đoạt, theo kiểu “Muốn cho thai nhi sống là sống, muốn cho nó chết là chết.”
Như vậy rõ ràng “Sự sống của con người” và “Vinh quang của Thiên Chúa” đang bị đe dọa thực sự.
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ kính Chúa Hiển Dung. Hình ảnh Chúa tỏ “vinh quang” của Ngài trên núi Tabor, với hai ý nghĩa chính: Ý thứ nhất là nhầm an ủi, động viên, để các Tông đồ có thêm động lực để bước theo con đường thập giá với Thầy Giêsu. Và ý thứ hai là muốn nhấn mạnh rằng là: Chúa vẫn đang “biến đổi hình dạng” của Ngài, bằng cách hiện diện giữa cuộc đời này. Có thể, Ngài mang thân phận của một cụ già lớn tuổi, bệnh tật, sống côi cút một mình trong căn nhà cũ kỹ, nghèo nàn nào đó. Hay cũng có thể Ngài đang hiện diện với một tấm thân tàn tật, yếu đau, lang thang bán vé số trên đường, với mong ước giản đơn là bán được “hết” vé số trong ngày, để có đủ tiền nuôi sống bản thân...v.v.
Liệu ta có gặp Chúa trong đời thường như thế không?
Để nhận ra Chúa trong đời thường, ta thử nghe câu chuyện Mẹ Têrêsa thành Calcutta kể lại: Ở Úc Châu có một người thổ dân (Aborigine) sống trong một hoàn cảnh thật thảm thương. Ông ta đã cao niên rồi. Từ bao năm tháng ông chỉ một thân một mình cô đơn trong túp lều tối tăm xiêu vẹo. Lần đầu tới thăm ông, tôi đề nghị: - Ðể tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường chiếu lại cho ông. Ông ta hờ hững nói: - Tôi đã quen sống như vậy rồi. Nhưng tôi bảo ông: - Tuy vậy, ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp. Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp lại nhà cửa cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ, đẹp nhưng phủ đầy bụi bẩn. Tôi hỏi ông: - Có bao giờ ông thắp đèn này không? Ông ta trả lời với giọng chán ngán: - Nhưng thắp đèn cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã lâu rồi mà chẳng hề trông thấy một ai cả. Tôi hỏi ông: - Nếu như các nữ tu đến thăm ông thường xuyên, ông có bằng lòng thắp đèn lên không? Ông vui vẻ đáp: - Dĩ nhiên rồi. Từ hôm đó, các nữ tu của chúng tôi quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Cũng từ đó, ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp căn lều cho sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa, Trước khi chết ông nhờ các nữ tu nhắn tin cho tôi, ông nói: - Xin nhắn với mẹ Têrêsa bạn tôi rằng, ngọn đèn mà mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Ðó chỉ là một việc nhỏ, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã chiếu lên và vẫn còn tiếp tục sáng mãi.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn mang gương mặt của những người nghèo khổ, sống bên cạnh chúng con, xin cho chúng con, có trái tim giống Chúa, biết yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ họ, vì tin rằng khi ra tay giúp họ, là chúng con đã giúp cho chính Chúa. Xin Chúa biến hình nơi tâm hồn chúng con, để chúng con luôn biết ca ngợi Vinh Quang của Chúa đến muôn đời. Amen.
Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng
1. “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong”. (Đn 7,14)
Hãy so sánh với Khải Huyền 5,12: “Chiên Con đã bị giết xứng đáng nhận được quyền năng, sự giàu có, sự khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng.” Vương quốc của Đấng Mê-si-a và cùng với đó là Đấng Mê-si-a sẽ tồn tại vĩnh cửu. Sự giống nhau rất lớn, như người ta có thể mong đợi, giữa phân đoạn này và trong Đa-ni-ên 2,44: “Trong thời đại các vua này, Đức Chúa sẽ lập một vương quốc không bao giờ bị tiêu diệt, vương quốc ấy không bị giao cho một dân khác, nhưng nó sẽ đập tan và tiêu diệt tất cả mọi vương quốc này, đến muôn đời nó sẽ đứng vững”. Tất cả các vương quốc này sẽ lần lượt bị hủy diệt, nhưng vương quốc của Đấng Mê-si-a sẽ tồn tại mãi mãi. Chính là để ám chỉ lời tiên tri này mà thiên sứ đã nói về Chúa Giê-su, trước khi Người được hoài thai trong lòng mẹ, như tường thuật trong Lu-ca 1,33: “Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Chúng ta không thể giả định hoặc xác định những thay đổi vĩ đại này sẽ xảy ra theo cách thức nào, vì Thiên Chúa tiết lộ điều đó. Chúng ta cũng không thể định hình bất kỳ quan niệm nào về việc Đấng Ki-tô sẽ hiển hiện trong vinh quang như thế nào; hoặc làm thế nào các thánh sẽ chiếm lấy vương quốc và sở hữu nó mãi mãi. Bản chất của những lời tiên tri như vậy, không được hiểu một cách hoàn hảo cho đến khi chúng được ứng nghiệm.
Phân đoạn được đọc lên hôm nay nhằm an ủi và hỗ trợ dân Chúa, liên quan đến những cuộc bách hại sẽ đến với họ. Nhiều lời tiên đoán trong Tân Ước về sự phán xét sắp tới, có ám chỉ rõ ràng đến khải tượng này; đặc biệt là Khải Huyền 20,11.12. Đấng Mê-si-a ở đây được gọi là Con Người được tạo ra giống như xác thịt tội lỗi, và được chiêm ngưỡng trong hình dạng như một con người, nhưng Đấng ấy là Con Thiên Chúa. Sự kiện vĩ đại được báo trước trong đoạn văn này, đó là sự xuất hiện vinh quang của Chúa Ki-tô, để tiêu diệt mọi thế lực chống lại Thiên Chúa, và làm cho vương quốc của chính Người trở nên phổ quát trên trái đất. Nhưng trước khi thời điểm long trọng đến, để biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa cho tất cả các thế giới trong cách đối xử của Người với các tạo vật của Người, chúng ta có thể mong đợi rằng số phận của mỗi chúng ta sẽ được định đoạt vào giờ sau hết của chúng ta; và trước thời cánh chung, Chúa Cha sẽ công khai trao cho Con Nhập Thể của mình, Đấng Trung Gian và Thẩm Phán của chúng ta, quyền thừa kế của các quốc gia với tư cách là thần dân sẵn sàng của Người.
2. “Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em”. (2 Pr 1,19)
“Sự biến hình – hiển dung” là khoảnh khắc được Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan. Gioan khi Đấng Ki-tô hiện ra trong vinh quang rực rỡ và chói lọi của Người (Lu-ca 9,28–36). Tiếng nói của Thiên Chúa từ trời tuyên bố rằng Chúa Giê-su là Con của Người (2 Pr 1,16–18). Thực tế của sự kiện đó xác nhận những lời tiên tri trong Cựu Ước. Phê-rô có đặc quyền được chứng kiến tận mắt, về cả sự kiện đơn lẻ đó và tất cả các dấu hiệu khác của Chúa Giê-su. Điều này minh chứng cho tất cả những gì đã được viết về Đấng Mê-si-a bởi các nhà tiên tri ngày xưa.
Nhiều lời tiên tri trong số đó đã ứng nghiệm với sự giáng sinh, đời sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su. Những lời tiên tri khác vẫn chưa được ứng nghiệm. Chúng ta vẫn sống trong một thế giới của bóng tối. Nhưng những lời tiên tri đó về Chúa Giê-su, kể cả những lời tiên tri về sự trở lại của Người với tư cách là thẩm phán và là vua, là ngọn đèn chiếu soi vào trong bóng tối của chúng ta. Những lời ấy khuyến khích chúng ta, dẫn dắt chúng ta và giáo dục chúng ta. Nhưng những ngọn đèn này, những lời tiên tri đó, sẽ không còn cần thiết nữa khi ngày của Chúa đến, khi Đấng Ki-tô lại đến.
Thánh Phê-rô mô tả Chúa Giê-su là ngôi sao mai, một danh xưng cũng được dùng để chỉ Người trong Khải Huyền 22,16. Chúa Giê-su sẽ đem lại ánh sáng lâu dài cho thế giới và cho cả tâm hồn chúng ta.
3. “Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. (Mt 17,2)
Sự hiện diện của Mô-sê và Ê-li-a cho thấy Chúa Giê-su làm trọn Lề Luật và các Lời Ngôn Sứ như thế nào. Trong Cựu Ước, luật Lê-vi được ban cho dân Chúa như một sự quản trị tạm thời, chứng tỏ họ cần một Đấng Cứu Rỗi. Sau đó, các tiên tri báo trước về một Đấng Thiên Sai sắp đến, Đấng sẽ hàn gắn vết rạn nứt giữa Thiên Chúa và con người do tội lỗi gây ra. Chúa Giê-su là người duy nhất có thể đáp ứng Lề Luật, hiến lễ tinh tuyền, trong sạch. Một cách tượng trưng, sự xuất hiện của Mô-sê và Ê-li-a đại diện cho Lề Luật và các Tiên tri. Nhưng tiếng của Đức Chúa từ trời – “Hãy nghe lời Người!” - cho thấy rõ ràng Lề luật và các Ngôn sứ phải nhường bước cho Chúa Giê-su. Đấng là con đường mới và sống đang thay thế con đường cũ – Người là sự hoàn thành Lề Luật và vô số lời tiên tri trong Cựu Ước. Ngoài ra, trong hình dạng vinh quang của Người, họ đã thấy trước sự vinh hiển sắp tới của Người và sự đăng quang với tư cách là Vua của các vị vua và Chúa của các chúa.
Trong phân đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Chúa khẳng định Chúa Giê-su là Con của Người, xác nhận thần tính của Chúa Giê-su và bảo các môn đệ hãy lắng nghe Người. Giờ đây, Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan thấy thoáng qua vinh quang thật của Chúa Giê-su: Đức Chúa Con, Đấng trị vì đời đời, và cửa âm phủ sẽ không thắng được Người. Thiên Chúa Cha tỏ mình ra khi Người hiện ra với dân Israel trong Cựu Ước: trong đám mây, vì vinh quang của Người quá vĩ đại không ai có thể đủ sức chứng kiến. Cũng chính vinh quang đó được phản chiếu trên Chúa Giê-su, Người trở nên trắng tinh chói lọi. Sự kiện này nhấn mạnh đến cả mầu nhiệm và sự cần thiết của sự kiện Nhập Thể—để con người được hòa thuận với Thiên Chúa, Thiên Chúa phải trở thành một con người, bởi vì chúng ta trong tình trạng hữu hạn và tội lỗi của mình không thể nhìn thấy vinh quang trọn vẹn của Người.
Chắc chắn, mục đích của sự biến hình của Đấng Ki-tô cấu thành ít nhất một phần vinh quang trên trời của Người là để các môn đệ “vòng trong” có thể hiểu rõ hơn về Chúa Giê-su là ai. Chúa Ki-tô đã trải qua một sự thay đổi đáng kể về diện mạo để các môn đệ có thể nhìn thấy Người trong vinh quang đích thật. Các môn đệ, những người trước đây chỉ biết Chúa Giê-su trong thân thể con người của Người, giờ đây đã nhận thức rõ hơn về thần tính của Đấng Ki-tô, mặc dù họ không thể hiểu được điều đó một cách trọn vẹn. Điều đó mang lại cho họ sự trấn an mà họ cần sau khi nghe tin sốc về cái chết sắp đến của Người.
Các môn đệ không bao giờ quên những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó trên núi và chắc chắn đây là một chủ ý. Gioan đã viết trong Tin Mừng của mình, “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Gioan 1,14). Phê-rô cũng viết về điều đó: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến’. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.” (2 Pr 1,16-18). Những người chứng kiến sự biến hình đã làm chứng về điều đó cho các môn đệ khác và cho vô số triệu người trong suốt nhiều thế kỷ.
Lm. Thái Nguyên
BIẾN ĐỔI HÌNH DẠNG
Trong Bài Đọc I, tiên tri Đanien (khoảng 200 BC) được Thiên Chúa tỏ cho thấy qua các thị kiến, về sự xuất hiện của Con Người sau triều đại của bốn đế quốc Assyria, Media, Persia, và Hylạp. Ngài có dáng vẻ con người, nhưng lại có nguồn gốc từ trời. Ngài lãnh nhận vương quyền từ Chúa Cha, và sẽ thống trị mọi dân nước, vương quốc của Ngài sẽ tồn tại đến muôn đời, và ánh vinh quang Ngài sẽ rạng ngời muôn thuở.
Thị kiến trên ứng nghiệm trong bài Tin Mừng hôm nay qua việc Đức Giêsu tỏ mình trên núi cao. Mặc dù Phêrô đã tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, cũng như Đức Giêsu đã báo cho biết về cuộc thương khó, nhưng Phêrô và các môn đệ cho tới lúc này vẫn chưa hiểu được sứ vụ Mêsia của Thầy. Như hầu hết người Do Thái đương thời, các ông tin vào một Đấng Thiên Sai uy quyền sẽ dùng quyền năng để chinh phục và thống trị nhân loại. Các ông vẫn mong Nước Chúa sớm hiển trị để được chia chác quyền lợi cũng như địa vị trong vương quốc đó. Các ông không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và chết trên thập giá. Vì thế mà sáu ngày sau, Chúa Giêsu đưa ba Tông đồ lên núi để họ hiểu rằng, con đường khổ nạn Ngài sắp phải đi qua là theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, đồng thời cho các ông nhìn thấy vinh quang trước khi phải đương đầu với cuộc khổ nạn.
Trong quang cảnh hiển dung, có sự xuất hiện của Môsê và Êlia: Môsê tượng trưng cho các Sách Lề Luật vì Thiên Chúa ban Thập Giới và các thánh chỉ qua ông. Biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn hảo. Còn Êlia tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ, ông được coi là ngôn sứ cao trọng nhất, nên biến cố hôm nay chứng tỏ Sách Ngôn Sứ cũng phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự ứng nghiệm trọn vẹn về Đấng Thiên Sai. Như vậy, Lề Luật và Ngôn Sứ đều làm chứng và tìm thấy sự hoàn hảo của mình nơi Đức Kitô, nhất là trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Ngài.
Phêrô choáng ngợp trước ánh quang rực rỡ khi Đức Giêsu biến hình, ông xin dựng ba lều cho ba vị, để cùng với họ vui hưởng cảnh huy hoàng này. Bỗng có tiếng từ đám mây phán ra. Đây là lời tuyên phán lần thứ hai của Chúa Cha để làm chứng cho Đức Kitô là Con Một yêu dấu, và truyền“Hãy vâng nghe lời Người”. Đó là một lời truyền tối quan trọng cho đời sống và sứ vụ các môn đệ. Các ông phải vâng nghe những gì Chúa Con đang mặc khải, dù những điều này không phù hợp với mong đợi của các ông về Đấng Thiên Sai, nhưng là kế hoạch của Thiên Chúa.
Chắc chắn quang cảnh hiển dung đã làm các môn đệ vô cùng phấn khởi. Họ đã thấy vinh quang bên kia cảnh nhục nhã; khải hoàn bên kia cảnh khổ đau; vương miện bên kia thập giá. Lúc ấy họ chưa thể hiểu trọn vẹn, nhưng phần nào đã ý thức được rằng, thập giá trước mắt tuy hoàn toàn khổ nhục, nhưng nó đi liền với vinh quang là nét chính của cuộc xuất hành đến Giêrusalem và sau cái chết. Phêrô không bao giờ quên được kỷ niệm lạ lùng này như ông đã viết:“Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Chúng tôi đã nghe thấy tiếng từ trời phán ra khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2Pr 1,16-18).
Chúa Giêsu hiển dung không chỉ cho ba môn đồ thân tín, nhưng Ngài còn tiếp tục hiển dung cho những ai sống gắn bó với Ngài, để họ vững vàng bước đi trên con đường thập giá. Chúng ta cũng sẽ được biến hình, được bừng sáng cách nào đó, khi chúng ta dám sống hồn nhiên chân thật, dám yêu hết mình. Khi cái tôi ích kỷ của mình bị xóa mờ thì cái tôi đích thực được lộ ra trong ngần. Đời Kitô hữu phải là một hành trình lên núi và xuống núi cùng với Chúa, là điểm nhấn của từng ngày sống, từng giai đoạn, cũng là nhịp điệu của trái tim để làm triển nở sức sống và tình yêu. Chính trong sự tĩnh lặng và kết hiệp với Chúa ngay trong đời thường mà chúng ta được chứng kiến vinh quang của Chúa, tuy thoáng chốc nhưng đủ để ta làm mới lại đời sống mình.
Trong ý nghĩa đó, Susanna Wesley đã dâng lên lời nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy giúp con nhớ rằng, tôn giáo không bị giới hạn trong nhà thờ hay nguyện đường, cũng không chỉ thực hành bằng cầu nguyện hay suy gẫm, mà là ở bất cứ nơi nào con được ở trong sự hiện diện của Chúa”. Thật vậy, bất cứ khi nào ta đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, ta đều cảm nhận được sự phấn khởi cho tâm hồn mình, giúp ta mạnh mẽ vượt qua những nghịch cảnh để sống sứ mạng của mình. Người ta không thấy Chúa biến hình sáng láng, nhưng họ có thể cảm nhận sự hiện diện của Ngài nơi khuôn mặt vui tươi, chan chứa niềm tin và đầy tình thương mến của người Kitô hữu trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Qua sự kiện biến hình trên núi cao,
Chúa hé mở chút vinh quang rực rỡ,
cho thấy vinh quang Chúa thật vô bờ,
khiến các môn đệ vui mừng hớn hở.
Chúa biến hình trong ánh sáng chói chang,
báo trước ngày phục sinh sẽ huy hoàng,
sau khi trải qua nhục hình và tử nạn,
để cho đời sự sống mới bình an.
Tuổi trẻ con cũng thích được chói sáng,
nên tô vẽ cho mình ánh hào quang,
bằng hành động và kiểu cách vênh vang,
có khi theo những lối sống nghênh ngang,
hoặc theo đời theo “mốt” theo thời trang.
Chúng con thường ảo tưởng nên không biết,
chói sáng đích thực là mình nên giống Chúa,
Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng,
Đấng chân thật và thánh thiện vô song.
Chúa mới làm cho đời con chói sáng,
bằng đức tin và tình mến rỡ ràng,
chứ không phải những kiểu sống lan man,
tìm mọi cách để nổi nang trên “mạng”.
Cho con trở lại với cái tôi sâu thẳm,
cái tôi hiền lành và chân thật dễ thương,
cái tôi bình thường và nhân ái khiêm nhường,
cái tôi đơn sơ và không chút lụy vương,
cái tôi hòa đồng và lan tỏa hiệp thông,
để trao ban cho mọi người niềm vui sống.
Như vậy con mới mong ngày chói sáng,
vì sẽ được gặp gỡ Chúa vinh quang,
trong ánh sáng huy hoàng và vô tận,
với tình yêu và hạnh phúc vô ngần. Amen.
Tôma Lê Duy Khang
Khi nghe trang Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy đó là tình thương của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Ngài. Ngài chuẩn bị cho các ông, vì trước đó Ngài loan báo cuộc khổ nạn nhưng các ông không hiểu. Tin mừng thuật lại: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 21-23).
Chính vì lý do đó, Chúa Giêsu lo sợ các môn đệ sẽ bị sốc, và dẫn tới mất đức tin, nên Ngài đã biến hình trên núi, để cho các ông thấy đằng sau thập giá là vinh quang phục sinh, chứ không phải là sự tận cùng.
Nhưng nếu mở rộng ra, chúng ta sẽ thấy rằng tình thương của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ chính là tình thương Chúa dành cho nhân loại. Nền tảng nào mà chúng ta dám nói điều này?
Chúng ta nhớ lại trong sách Sáng Thế, nơi câu chuyện của Tổ Phụ Apraham. Một lần kia Thiên Chúa nói với tổ phụ Apraham: “Ngươi hãy đem đứa con trai duy nhất của người lên trên núi để sát tế hiến dâng cho Ta.” Giả sử chúng ta mới đọc câu chuyện này lần đầu và chưa biết gì về phần kết luận, có thể chúng ta sẽ nói sao mà Thiên Chúa nhẫn tâm quá, bởi vì ông Ápraham và bà Sara đã gần 100 tuổi mới có con, Thiên Chúa nỡ lòng nào dập tắt đi niềm hy vọng của họ, nhưng may mắn khi ông giơ cao con dao, thì Thiên Thần nắm tay ông lại, bảo rằng: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc” (St 9,12).
Ông Apraham đã được Thiên Thần nắm tay lại để không giết đứa con duy nhất của mình, còn trên núi Tabor, sau khi long trọng tuyên bố Chúa Giêsu là “Con Ta yêu dấu”, Thiên Chúa đã dẫn Con của Ngài lên Núi Sọ, ở đó Con của Ngài bị đóng đinh vào thập giá và chết trên thập giá. Giây phút đó, có bàn tay nào ngăn cản quân dữ đóng đinh Chúa Giêsu không? Có tiếng nói nào vang lên để át đi tiếng hò la của những kẻ đòi giết chết Chúa Giêsu không?
Có người đã nói rằng nếu cần tóm tắt lại Tin mừng trong 1 câu duy nhất thì câu đó là “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã hiến ban Con Một”, nên chúng ta thấy việc Chúa Giêsu biến hình trên núi không chỉ cho chúng ta thấy tình thương của Ngài dành cho các môn đệ, mà qua đó còn cho chúng ta thấy tình thương của Thiên Chúa Cha dành cho mỗi người chúng ta, một tình thương đến nỗi đã hiến ban Con Một của mình, một tình yêu của lòng thương xót, mà con người không thể hiểu được, và cũng khó có thể làm được.
Hiểu được tình yêu của Chúa dành cho nhân loại, chúng ta được mời gọi phải đáp lại tình yêu đó, cũng như phải làm chứng cho người khác biết về tình yêu này, nói như thánh Phêrô tông đồ trong thư thứ nhất: “Anh em hãy sẵn sàng trả lời cho những chất vấn của người khác về niềm hy vọng của mỗi người chúng ta” (1Pr 3,15), để người khác tin vào tình yêu của Chúa, và đáp lại tình yêu đó.
Tôi có đọc một bài viết mang tên Tiền Lương Tháng Của Các Sơ Là Bao Nhiêu? được chia sẻ như thế này:
“Một tháng lương của các Soeur là bao nhiêu?” Đó là câu hỏi mà anh tài xế taxi hỏi mình. Bạn ấy là người không cùng tôn giáo, nhưng gia đình bạn ở gần cổng một nhà Dòng nên cũng có chút khái niệm về các Sơ.
“Mình cũng chẳng biết các sơ mỗi tháng được bao nhiêu tiền lương nữa!” – Tôi trả lời. Nhưng mình thấy Nhà Dòng thì có trường Mầm Non, các sơ làm việc ở đó để có của nuôi sống nhau. Mọi sự, các sơ đều để vào làm của chung nên thường thì các sơ cũng không quan tâm mình có bao nhiêu lương cả! Các sơ đi tu không chỉ để kiếm tiền nuôi thân mà còn phải nghĩ đến người khác, giúp những người nghèo, những người bệnh, những người đau khổ cần sự giúp đỡ của các sơ…”
Về tới nhà, tôi vẫn mải suy tư “một tháng lương của sơ là bao nhiêu?” Tôi cười thầm, nghĩ bụng: “Lương của các sơ là niềm vui khi giúp được các em học sinh nghèo có cơ hội đến trường, những người bệnh tật nhận được sự ủi an, những người cô đơn nhận được sự cảm thông, những người nghèo đói nhận được sự chia sẻ… Lương của các sơ sau một ngày vất vả với sứ vụ là sự bình an nhẹ nhàng của các giờ kinh nguyện, là niềm vui nho nhỏ của tình yêu cộng đoàn, là tiếng cười của hạnh phúc, hay nhiều khi là nước mắt của khổ đau thân phận kiếp con người. Nước mắt ấy đến từ những khác biệt của nhau về quan điểm sống, về tính cách, về văn hóa. Nước mắt ấy cũng có thể rơi xuống do cuộc chiến đấu nội tâm của mỗi cá nhân… Lương của các sơ cao nhất vẫn là sự bình an, là sức khỏe, là thì giờ Chúa ban. Và niềm vui mỗi khi nhận được số lương ấy thể hiện ở hoa trái thu hoạch được, ấy là sự thăng tiến về đời sống thiêng liêng; hay nói cách khác, là mỗi ngày các sơ cảm thấy mình gần Chúa hơn. Đó chẳng phải là số lương khổng lồ sao?”
Khi đọc bài chia sẻ này tôi nghĩ rằng cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng thế, lương tháng của mỗi người chúng ta cũng phải là như vậy, là nhận ra được tình thương của Chúa dành cho mình, và đáp lại tình thương đó trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Amen.