23/07/2024
567
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XVII Thường Niên - Giáo phận Mỹ Tho











 







GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN - NĂM B

2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15



Lm Trầm Phúc

Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người trong hoang địa. Đây là một phép lạ quan trọng, chứng tỏ quyền phép vô song của Ngài, đồng thời cũng cho thấy lòng trắc ẩn của Ngài khi thấy đám đông chạy theo Ngài, bám víu vào Ngài. Và Ngài giảng dạy họ nhiều điều, thánh Gioan nói như thế. Ngài giảng dạy và dân chúng không nghĩ gì đến vấn đề ăn uống. Ở đây thánh Gioan không nói đến việc giảng dạy, như các thánh sử khác đã nói, chỉ nói đến ý muốn của Chúa Giêsu muốn cho dân ăn một bữa no nê mà thôi.

Bữa ăn trên núi này vượt quá khả năng của con người như lời thú nhận của ông Philípphê: “ Có mua đến hai trăm đồng bánh cũng không đủ cho mỗi người một miếng”. Thế mà với năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá hấp, Chúa Giêsu đã cho hơn năm ngàn người ăn no. Điều này cho ta thấy quyền năng vô hạn của Chúa, đồng thời chúng ta có thể biết được ước muốn của Chúa là không những nuôi năm ngàn người mà nuôi cả nhân loại cho đến tận thế, bằng một thứ của ăn rất đặc biệt là Mình Máu Chúa.

Những cử chỉ của Chúa Giêsu khi cầm lấy bánh cũng giống như lúc sau này, nơi bàn Tiệc Ly, Chúa cũng làm y như vậy: Ngài cầm lấy bánh, ngước mắt lên, tạ ơn rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ. Có thể nói, việc hoá bánh ra nhiều hôm nay báo trước việc Chúa trao ban chính mình cho chúng ta. Thay vì dùng một tấm bánh để nuôi dưỡng chúng ta, Chúa dùng chính thịt máu mình làm của ăn cho chúng ta. Làm sao chúng ta có thể cám ơn Chúa cho xứng với hồng ân Chúa ban cho chúng ta? Đây là một hồng ân vô giá mà Chúa ban cho chúng ta. Nhiều người trong chúng ta xem như một việc tầm thường và không mấy khi chú ý đến. Chúng ta hay dùng chữ rước lễ để chỉ hồng ân này. Từ này che lấp ý nghĩa của hồng ân này. Chúng ta dùng từ ăn lấy Chúa, nuốt Chúa vào trong chúng ta thì rõ hơn. Nhưng chúng ta là ai, là gì mà được nuốt Chúa của mình vào trong thân xác? Đây là một hồng ân vượt hẳn trí khôn chúng ta.

Chúa thương chúng ta đến mức này thì không có thể diễn tả bằng lời. Chúng ta chỉ có thể quỳ gối tôn thờ mà thôi. Nhưng nhiều người trong chúng ta không ý thức hồng ân vô giá này xem như một thủ tục, một thói quen. Nuốt Chúa vào trong người để làm gì? Để sống với Chúa. Nhưng chúng ta có sống với Chúa không? Hay chúng ta bỏ Chúa đó rồi đi làm công việc của mình mà không nghĩ tới Chúa? Chỉ khi nào đọc kinh hay làm việc đạo đức mới nghĩ đến Chúa?

Ăn lấy Chúa, nuốt Chúa vào trong chúng ta là để sống với Chúa. Chúng ta có sống với Chúa Giêsu không? Đa số chỉ ăn lấy Chúa, nói vài câu cám ơn Chúa, cầu xin một vài ơn rồi bỏ Chúa đó, đi làm công việc của mình mà không nói gì đến Chúa. Có đúng như vậy không?

Chúng ta phải sống với Chúa 24 trên 24, cùng ăn cùng ngủ cùng làm với Chúa, đó mới là đúng. Nhờ thân mật như thế, tình yêu mới nảy sinh, vì không thân mật làm sao tình yêu nảy nở? Và khi sống thân mật với Chúa, chúng ta mới thấy đời là nguồn vui, là hạnh phúc. Có Chúa trong cuộc sống, chúng ta không sợ hy sinh, không sợ khó nhọc, chỉ mong Chúa vui thôi.




Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Một câu chuyện ngắn đoạt giải thưởng trong một cuộc thi, kể lại rằng: Có hai đứa trẻ mồ côi, nghèo đói, đang bươi móc đống rác ở ven đô thị. Ánh mắt của hai đứa, bỗng dưng sáng lên, khi nhìn thấy miếng bánh kem thơm ngon, của một đứa bé ngồi trên xe hơi, vứt xuống bên đường.

Thằng anh vội chạy đến nhặt lên, miếng bánh lấm lem bởi bụi đất. Dù vậy, đứa em gái vẫn thèm thuồng, miệng nuốt nước miếng, rồi bảo anh rằng: "Anh hai thổi sạch đi, rồi mình ăn". Thế là người anh phùng má ra thổi, xua bụi ra khỏi miếng bánh; đứa em sốt ruột, cũng muốn tiếp sức với anh, rồi cả hai cùng thổi. Không biết có phải do nôn nóng và hấp tấp không, mà miếng bánh rơi tõm xuống miệng cống thoát nước, rồi trôi mất. Con bé thút thít trong sự tiếc nuối: "Ai biểu anh hai, thổi mạnh làm chi cho nó rớt". Thằng anh cũng ngậm ngùi nhưng vì thương em, nên lên tiếng an ủi: "Ừ, lỗi tại anh! Nhưng mà em ơi, hên quá, kem còn dính tay nè, cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi!"

Với cái tâm bình thường, ai nghe qua câu chuyện, cũng phải quặn đau, nhoi nhói trong tim.

Không biết câu chuyện, thực hư thế nào? Nhưng, nhìn vào thực tế cuộc sống quanh ta, không ít người giàu thừa thải, đổ đi những thức ăn còn dùng được. Trong khi đó, rất nhiều người thiếu thốn muốn nhặt lấy, muốn dùng lại phần ăn dư thừa đó, để mà sống cho qua ngày, vậy mà cũng không được, vì có ai bố thí cho đâu. Y như hình ảnh của ông phú hộ và người ăn xin Lazarô, trong Tin Mừng.

Với tư cách là người môn đệ của Chúa Giêsu, hãy nghĩ xem ta nên làm gì, khi gặp những mãnh đời lam lũ, nghèo khổ và bất hạnh? Có thể ta bắt chước Chúa Giêsu được không? Khi đám đông dân chúng đói khát, Chúa chạnh lòng thương họ. Ngài biết, họ đang thiếu cơm bánh, để nuôi thể xác; và đồng thời, Chúa cũng biết họ đang thiếu “một thứ tình thương chia sẻ”, để nâng cao tinh thần.

Thế nên, Chúa luôn đi bước trước, như lời Ngài nói với các môn đệ: "Này các con, Ta mua đâu ra bánh, cho đám đông ăn đây?".

Các môn đệ, phản ứng thế nào? Dường như các ông lúng túng và bối rối, vì không biết phải xử lý tình huống này thế nào cho phải lẽ.

Ông Philípphê gượng gạo lên tiếng:Thầy ơi, họ đông quá, nếu có mua 200 bạc tiền bánh, cũng chẳng đủ chia cho mỗi người một chút”. Chuyện này khó quá bỏ qua, được không Thầy.

Chắc là biết ý Thầy không dễ bỏ qua chuyện giúp người, nên Ông Anrê tiếp lời gợi ý: “Hay quá, ở đây có một em bé, có năm cái bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người, chẳng thấm vào đâu, thưa Thầy.” Hình như, các Tông đồ đang thất vọng và tìm cách bàn ra thì phải.

Nếu xét về phương diện thực tế, các ông rất có lý để bàn trớt. Bởi vì các ông biết rằng:

- Tiền bạc và lương thực của nhóm Tông Đồ rất eo hẹp, làm sao bao nổi cả đám đông (5.000 người) ăn được (lực bất tòng tâm, đành bó tay thôi).

- Và hơn nữa chuyện ăn uống của đám đông, không phải là chuyện của mình; nên tốt hơn là giải tán đám đông, để họ về ăn cơm nhà, là khỏe re khỏi phải lo gì.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đâu có chịu như vậy. Nãy giờ, Chúa hỏi để thử lòng các Tông Đồ một chút, chứ Chúa biết sẽ phải làm gì. Và Chúa muốn các Tông Đồ, cũng “phải cố gắng hơn” không được bỏ cuộc.

-Với vai trò lãnh đạo Chúa nhờ các Tông Đồ sắp xếp chỗ ngồi, cho đám đông trên bãi cỏ.

-Với vai trò là Đấng Thiên Sai, Chúa cầm lấy bánh và cá lên; trước là Tạ Ơn Thiên Chúa Cha, sau là ban phát chia sẻ cho đám đông đang đói.

Nếu nói một cách cho dễ hiểu là ở đây, ta nên làm một bài toán cộng:

* Cử chỉ Tạ ơn của Chúa Giêsu, diễn tả niềm tin cộng với việc phân phát bánh và cá diễn tả tình yêu. Thêm vào đó là sự đóng góp năm chiếc bánh và hai con cá (của một cậu bé), kết quả tất cả gộp lại thành một điều kỳ diệu.

Như Thánh Augustinô cảm nhận: “Lạy Chúa, khi tạo dựng nên con, Chúa không cần có con; nhưng khi cứu độ con, Chúa lại cần con cộng tác.”

Thưa anh chị em, thực ra với quyền năng của Chúa, Ngài có thể một mình làm tất cả. Nhưng Ngài không làm thế, Chúa muốn mỗi người chúng ta hợp tác, làm cho cuộc đời này thêm phong phú và đầy tình người hơn.

Cho nên, ai sống mà thiếu tình người, không biết yêu thương, không chịu hợp tác với tình yêu của Chúa; người đó bị coi như đã chết, trong nỗi cô đơn, ích kỷ của mình. Họ như đang đánh mất giá trị cao quý của con người, sống là phải biết yêu thương nhau.

Nhìn lại thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, thời điểm mà đa phần sống trong cảnh đói khát và thiếu thốn (hằng ngày phải ăn rau hoặc khoai thay thế cơm). Nhưng mà lúc đó, dường như cuộc sống rất có tình người. Mặc dù nghèo, nhưng ai cũng có cái tâm, muốn giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để tồn tại; như tổ tiên đã dạy “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Hy vọng rằng lời dạy của tổ tiên vẫn mãi tồn tại với thời gian.

Vì hiện nay, tôi nhìn thấy nơi đây, nơi kia quán ăn từ thiện mọc lên rất nhiều để giúp đỡ những người nghèo đói. Ví dụ như “Quán cơm Nụ Cười”, nằm trên đường Cống Quỳnh, Quận 1, Tp. HCM. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, quán này bán cơm trưa và chiều cho những người nghèo (người bán vé số, kẻ mua ve chai, sinh viên, công nhân nghèo và đặc biệt là những người ăn xin, với xuất ăn chỉ giá 2.000 đồng/phần)

Tiếng lành đồn xa, rất đông người nghèo đến ăn. Vì tò mò, một người phụ nữ giàu có cũng đến thưởng thức. Ăn xong, bà liền góp vào quán 3.000.000 đồng và nói: “Tôi ước mong, nhiều người làm việc thiện như thế này, để người nghèo được hạnh phúc.”

Phải chăng điều ước của bà đã trở thành hiện thực, “Quán ăn Nụ Cười” đã được nhân rộng, lên thành năm địa điểm ở Tp. HCM. Đây giống như là hương thơm tình thương lan toả, làm ấm lòng những người nghèo khổ, bất hạnh.

Riêng tôi, tôi có cảm tưởng những người nghèo dùng cơm từ thiện đó, giống như đám đông Do Thái ăn “bánh hóa nhiều” của Chúa Giêsu ngày xưa; “Ăn bao nhiêu tuỳ thích và điều quan trọng là họ vô cùng hạnh phúc”.

Ước gì mỗi ngày, chúng ta làm một việc nhỏ, dành cho Chúa và cho tha nhân, để phép lạ có thể xảy ra trong cuộc sống đời thường này. Amen.



Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay trình bày Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Chúng ta thấy, theo như lời của Philipphê thì việc cho một số đông người ăn như thế là điều không thể, nhưng vì yêu thương Chúa đã có sáng kiến của Chúa. Nên khi chúng ta yêu thương nhau, chúng ta sẽ có những sáng kiến mới để giúp cho người mà chúng ta yêu.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người bất toại được bốn người khiêng. Ở đây chúng ta thấy một điều đó là những người khiêng người bất toại đến với Chúa Giêsu đã làm điều khác thường ngoài sức tưởng tượng của những người khác. Khi họ khiêng bệnh nhân đến, vì dân chúng quá đông, nên họ không có cách nào đưa bệnh nhân đến được với Chúa Giêsu, thế là họ đã có sáng kiến, là leo lên mái nhà, dỡ mái nhà chỗ Chúa Giêsu ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc võng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ như vậy, Chúa Giêsu chữa lành người bất toại.

Chúng ta đào sâu thêm một chút nữa, đó là ngày nay chúng ta được dạy phải có sáng kiến trong tình yêu, phải thấy được nhu cầu của anh chị em mình, nghĩa là chúng ta được dạy, chứ không phải tự chúng ta nghĩ ra, thậm chí là chúng ta bị ép buộc làm một điều gì đó, mà chúng ta không muốn, chúng ta gượng ép để làm, nếu chúng ta làm như vậy có đem lại lợi ích không?

Mưa bão lớn, gây lũ lụt và lở đất tại nhiều vùng của Brazil. Giữa đêm, một phụ nữ trở dạ, sắp sinh, đúng lúc chồng vắng nhà, chỉ có đứa con trai 5 tuổi đang ở bên cạnh cô.

Người phụ nữ đã gọi điện cầu cứu cảnh sát. Tuy nhiên, toàn bộ xe và nhân viên công lực đã được điều động đi giải cứu người dân bị thiên tai. Cảnh sát đành phải gọi điện cho một chức sắc địa phương, nhờ giúp đỡ.

Vị này đồng ý ngay, ông nhanh chóng đưa người sản phụ đến bệnh viện. Xong việc, vị chức sắc mới nhớ đến cậu bé 5 tuổi đang phải ở lại nhà một mình. Chưa yên tâm rời bệnh viện cho đến khi sản phụ mẹ tròn con vuông, ông đành gọi điện cho một người quen, nói rằng phải lập tức đưa chú bé đến nơi an toàn, vì bão lũ ngày càng dữ dội.

Bị đánh thức giữa đêm, người này miễn cưỡng ra khỏi chiếc giường êm ái và ấm áp, uể oải lái xe đến nhà cậu bé, vừa đi vừa nguyền rủa thời tiết. Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng anh cũng tìm được nhà của cậu bé, đưa cậu lên xe.

Sau khi lên xe, cậu bé cứ nhìn chằm chằm vào người đến đón mình. Hồi lâu, cậu bé rụt rè hỏi: “Thưa ông, ông có phải là Thượng đế không?”

Người đàn ông giật mình: “Bé con, sao lại gọi chú là Thượng đế?”

Cậu bé trả lời rất nghiêm túc: “Khi mẹ đi bệnh viện, mẹ bảo con phải dũng cảm ở nhà. Mẹ nói: “Con ơi, lúc này chỉ có Thượng đế mới cứu được chúng ta thôi!”

Khuôn mặt người đàn ông đỏ ửng lên. Anh hổ thẹn vì mới đó vẫn bực bội nghĩ mình bị làm phiền… Anh lúng túng xoa đầu chú bé và nói: “Con à, chú không phải là Thượng đế; chú chỉ là một người bạn của con thôi!”

Chúng ta thấy đôi khi chúng ta làm một việc gì đó không phải là sáng kiến của chúng ta, không phải là điều mà chúng ta thích, mà chúng ta bị ép buộc phải làm việc đó, thì chúng ta hãy cố gắng làm cho xong nhiệm vụ, biết đâu đó là thánh ý của Chúa muốn chúng ta làm, để giúp biến đổi chúng ta, để qua đó giúp người khác nhận ra Chúa, nên chúng ta hãy tâm niệm một câu như thế này, đó là khi không có cái mình thích, thì hãy tập thích cái mình có, và xem đó như món quà Chúa ban cho mình. Amen.




Lm. Francis Xavier Nguyễn Văn Thượng

Phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều trong Tin Mừng Gioan 6, 1-15 là một sự kiện quan trọng, không chỉ vì tính chất kỳ diệu của nó mà còn bởi những ý nghĩa thần học sâu sắc mà nó mang lại. Để phân tích đoạn Tin Mừng này, ta sẽ áp dụng các trích dẫn Kinh Thánh và minh chứng nhằm hiểu rõ hơn về bối cảnh và ý nghĩa của phép lạ này.

Đoạn Tin Mừng bắt đầu với việc Chúa Giêsu lên núi và có đông đảo dân chúng đi theo Ngài, bởi họ đã thấy các phép lạ Ngài làm cho những người bệnh tật (Ga 6, 2). Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông và hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” (Ga 6, 5). Câu hỏi này nhằm thử lòng Philipphê, vì Chúa Giêsu đã biết Ngài sẽ làm gì (Ga 6, 6). Phản ứng của Philipphê cho thấy sự lo lắng của ông về khả năng cung cấp đủ lương thực: “Hai trăm quan tiền bánh cũng không đủ cho mỗi người được một chút” (Ga 6, 7).

Trong Kinh Thánh, việc Thiên Chúa cung cấp lương thực cho dân Ngài không phải là điều mới mẻ. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy Thiên Chúa cung cấp manna từ trời cho dân Israel trong hoang mạc (Xuất Hành 16, 4): “Bấy giờ ĐỨC CHÚA phán với ông Môsê: ‘Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm mỗi ngày một phần đủ dùng cho ngày đó. Ta sẽ thử lòng chúng như vậy, xem chúng có theo Luật của Ta hay không.’”

An-rê, một trong các môn đệ, nói: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho ngần ấy người” (Ga 6, 9). Hành động của bé trai này gợi nhắc đến lòng tin và sự dâng hiến của người nhỏ bé nhất trong cộng đồng, điều mà Chúa Giêsu luôn đề cao: “Nếu không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3).

Chúa Giêsu sau đó bảo các môn đệ: “Hãy bảo người ta ngồi xuống” (Ga 6, 10). Hành động này tượng trưng cho sự tổ chức và chuẩn bị của Chúa Giêsu, Ngài không chỉ lo lắng về nhu cầu vật chất mà còn quan tâm đến trật tự và sự chu đáo. Việc Ngài làm phép lạ bằng cách tạ ơn và phân phát bánh và cá (Ga 6, 11) gợi nhắc đến bữa tiệc Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này: “Người cầm lấy bánh, và sau khi tạ ơn, Người bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy’” (Mt 26, 26).

Sau khi mọi người đã ăn no, Chúa Giêsu bảo các môn đệ thu lại những mẩu bánh thừa để không có gì bị lãng phí (Ga 6, 12). Hành động này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tiết kiệm và biết ơn đối với những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho. Việc thu lại được mười hai thúng đầy mẩu bánh thừa (Ga 6, 13) là một con số tượng trưng, gợi nhớ đến mười hai chi tộc Israel, biểu thị sự trọn vẹn và đầy đủ của ân sủng Thiên Chúa.

05:54

Phản ứng của đám đông sau phép lạ là muốn tôn Chúa Giêsu làm vua (Ga 6, 15). Họ nhận ra rằng Ngài là “Vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian” (Ga 6, 14), điều này gợi nhớ đến lời tiên tri của Môsê: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em. Anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18, 15). Tuy nhiên, Chúa Giêsu biết rằng họ chưa hiểu đúng bản chất sứ mệnh của Ngài, nên Ngài rút lui lên núi một mình (Ga 6, 15).

Phép lạ hóa bánh ra nhiều không chỉ là một sự kiện lịch sử mà còn mang nhiều ý nghĩa thần học. Trước hết, nó khẳng định quyền năng của Chúa Giêsu và Ngài là Đấng ban phát lương thực cho nhân loại. Điều này được minh chứng qua lời dạy của Ngài sau này: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6, 35).

Thứ hai, phép lạ này cũng là một biểu hiện của lòng nhân từ và sự chăm sóc của Chúa Giêsu đối với con người. Ngài không chỉ lo lắng về nhu cầu tâm linh mà còn quan tâm đến nhu cầu vật chất của họ, điều mà Ngài đã dạy các môn đệ: “Anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16).

Thứ ba, phép lạ này là một dấu chỉ của sự hiệp thông và sẻ chia. Chúa Giêsu không làm phép lạ một mình, mà Ngài yêu cầu sự cộng tác của các môn đệ và lòng tin của đám đông. Điều này phản ánh tầm quan trọng của cộng đoàn và sự hiệp nhất trong đời sống Kitô hữu: “Vì có một tấm bánh, và chúng ta tuy nhiều nhưng cũng chỉ là một thân thể, bởi vì tất cả chúng ta cùng chia sẻ một tấm bánh ấy” (1 Cr 10, 17).

Cuối cùng, phép lạ này cũng là một lời mời gọi đến sự tin tưởng và phó thác vào Chúa Giêsu. Ngài biết rõ nhu cầu của chúng ta và luôn sẵn sàng đáp ứng, nhưng chúng ta cần có lòng tin và sự sẵn sàng dâng hiến những gì mình có, dù là ít ỏi: “Người phán: ‘Hãy đem những gì anh em đang có lại đây cho Thầy’” (Mt 14, 18).

Tóm lại, phép lạ hóa bánh ra nhiều trong Tin Mừng Gioan 6, 1-15 là một sự kiện đầy ý nghĩa, không chỉ minh chứng quyền năng của Chúa Giêsu mà còn dạy chúng ta về lòng tin, sự sẻ chia, và lòng biết ơn. Qua việc phân tích và áp dụng Kinh Thánh, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về thông điệp mà Chúa Giêsu muốn truyền đạt và từ đó sống đời sống đức tin một cách phong phú hơn.