15/07/2025
186
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XVI TN - Giáo phận Mỹ Tho















 




GỢI Ý SUY NIỆM

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN - C

Lc 10,38-42

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khen ngợi cô Maria đã chọn phần tốt nhất khi cô Matta than phiền: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bỏa nó giúp con một tay”.

Như vậy phần tốt nhất mà Maria chọn có phải là việc lắng nghe lời Chúa? Thưa có thể đúng như vậy, vì chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện khi có mẹ và anh em Chúa Giêsu đến thăm, người ta báo cho Chúa biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy." Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành." (Lc 8,20-21).

Nhưng nếu đào sâu đó là thái độ lắng nghe lời Chúa, giống như Chúa Giêsu đã nói, mẹ tôi và anh em tôi là những ai lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành, nghĩa là phải có thái độ nghe tốt lành, không sao lãng.

Nói như vậy, để chúng ta thấy việc phục vụ của cô Matta không phải là không tốt, nhưng vì thái độ phục vụ của cô bị xao lãng, đang phục vụ mà lại không lo phục vụ, nhưng lại đi ghen tỵ với người em mình, trong khi đó cô Maria thì không có ghen tỵ gì cả.

Nên điều tốt nhất mà chúng ta thấy đó là mỗi người phải biết chu toàn bổn phận của mình đừng xao lãng, có thể nói đó là điều tốt nhất, vì nếu không chu toàn bổn phận của mình thì làm sao là tốt nhất được.

Con trai của Giáo Chủ đạo Bà Hai bên Ấn Ðộ. Một hôm, nhân lúc đi đường ông được mời nghỉ chân tại một gia đình rất khá giả, bà chủ nhà vốn có lòng hiếu khách, nên muốn trổ tài nấu ăn để làm vui lòng khách quí. Tiếc thay, khi dọn mâm cơm lên bàn bà đã phải khiêm tốn xin lỗi khách quí vì cái mùi khen khét của các món ăn. Bà phân trần: vì muốn bữa cơm thành công tốt đẹp, nên trong khi nấu nướng, bà đã cầu nguyện nhiều nên quên chú tâm vào công việc bà đang làm. Vị khách quí mĩm cười vui vẻ trả lời:

Việc cầu nguyện là điều rất tốt đẹp, nhưng lần sau, khi bà làm bếp, bà hãy cầu nguyện với quyển sách dạy nấu ăn thay vì quyển Kinh Thánh.

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy trong đời sống của chúng ta khi chúng ta biết chu toàn bổn phận của mình với một thái độ tốt lành, với một thái độ nhiệt tâm tận tụy, thì lúc đó chúng ta đã chọn phần tốt nhất rồi, vì khi biết chu toàn bổn phận như vậy, là chúng ta đã thực hành lời dạy của Chúa trong chính bổn phận của chúng ta. Amen.

 



Lm. Tôma Lê Uy Vũ

“Chỉ có một điều cần mà thôi” (Lc 10,38–42)

Kính thưa quý ÔBACE, Thánh Gioan Maria Vianney – vị cha sở đơn sơ và thánh thiện của Giáo xứ Ars từng kể lại một câu chuyện rất cảm động về một cụ già trong xứ của ngài rằng: - Trong giáo xứ của Cha có một ông cụ sống nghèo khó, tuổi đã cao, lưng còng theo năm tháng, nhưng ngày nào cũng vậy, đúng một giờ chiều ông lại đến ngôi nhà thờ nhỏ bé của giáo xứ và âm thầm tiến đến hàng ghế cuối rồi ngồi xuống hướng mắt về Nhà Tạm. 

Hàng ngày, Cha Vianney vẫn nhìn thấy ông đến ngồi đó lặng thinh mà không thấy ông đọc kinh hay làm gì cả nên rất lấy làm lạ. Một ngày kia, Cha nhẹ nhàng đến bên ông cụ và hỏi: “Ngày nào tôi cũng thấy ông đến ngồi ở đây hàng giờ đồng hồ mà không thấy đọc kinh hay làm gì cả… Ông đến đây để làm gì vậy?” Ông cụ ngẩng đầu lên, mỉm cười với Cha rồi chậm rãi trả lời: “Thưa cha, con không biết đọc kinh gì cho hay, cũng chẳng thuộc nhiều kinh. Con chỉ muốn đến ngồi ở đây để nhìn Chúa. Và con biết, Chúa cũng đang nhìn con.”

Sau này Cha Vianney kể lại: “lúc đó, ngài như bị đánh động tận sâu thẳm. Câu trả lời đơn sơ của ông cụ còn hơn cả một bài giảng thần học. Nó gói gọn tất cả bản chất của cầu nguyện: không phải đọc kinh thật nhiều, nói thật nhiều, nhưng là ở với Chúa bằng trọn cả tấm lòng. Không cần lời nói, không cần hình thức, chỉ cần ‘nhìn Chúa, và để Chúa nhìn mình’ như thế là quá đủ rồi”.

Kính thưa quý ÔBACE, Hình ảnh ông cụ trong câu chuyện chúng ta vừa nghe có thể là một mình họa sống động giúp chúng ta hiểu thế nào là một tâm hồn chiêm niệm. Cũng giống như cô Maria trong Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu đến thăm gia đình ở Bêtania, cô Maria đã chọn ngồi dưới chân Chúa, lắng nghe từng lời Ngài nói. Còn cô chị Mácta thì tất bật chuẩn bị bữa ăn để tiếp đãi Chúa. Việc làm của Mácta rất đáng trân trọng, nhưng khi cô muốn Chúa phải đánh giá cao công việc của mình và xin Chúa bảo cô Maria phải giúp cô một tay, thì Chúa đã nhẹ nhàng nhắc cô rằng: - “Mácta, Mácta ơi! Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy mất.” Với lời nhắc nhở này, Chúa Giêsu muốn cho cô Mácta hiểu về thứ tự ưu tiên trong đời sống đức tin: Trước khi hành động, phải lắng nghe. Trước khi phục vụ, phải sống kết hợp. Trước khi làm điều gì cho Chúa, cần ở lại với Chúa.

Kính thưa quý ÔBACE, có lẽ rất nhiều người trong chúng ta cũng đang sống một cuộc sống giống như cô Mácta: luôn bận rộn với công việc, với gia đình, với bổn phận xã hội hay giáo xứ. Chúng ta làm rất nhiều, hy sinh rất nhiều. Nhưng đôi khi, chính giữa những lo toan ấy, chúng ta lại bỏ quên điều quan trọng nhất đó dành thời gian cho Chúa. Để rồi, giống như cô Mácta, chúng ta dễ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và cáu gắt với mọi người.

Vì thế, Lời Chúa hôm nay như một lời thức tỉnh nhẹ nhàng nhưng sâu xa dành cho mỗi người chúng ta rằng: Điều gì là quan trọng nhất đối với tôi? Tôi có dành thời gian cho Chúa trong nhịp sống hối hả mỗi ngày của tôi không? Tôi có còn đủ thời gian để ngồi lại, thinh lặng và lắng nghe tiếng Chúa đang nói với tôi không?” Chắc hẳn là Chúa không cần chúng ta phải tất bật làm hết điều này đến việc kia để làm vui lòng Ngài, nhưng Ngài cần chúng ta hãy dành cho Ngài một chút thời gian như: - hãy nhớ đến Ngài khi thức dậy, dành vài phút trong ngày để đọc Lời Chúa, một lời kinh trước khi đi ngủ, hay một chút thinh lặng sau Thánh lễ và hướng về Nhà Tạm để tạ ơn Chúa… Những điều đơn sơ nhỏ bé đó, nếu được làm với tình yêu, sẽ nuôi dưỡng linh hồn chúng ta và giúp chúng ta có thêm niềm vui và bình an giữa những bận rộn, lo toan trong cuộc sống thường ngày.

Với Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu trong Thánh Lễ hôm nay, ước gì mỗi người trong chúng ta biết dành thời gian trong ngày của mình cho Chúa nhiều hơn để được ngồi bên Chúa, được lắng nghe những lời yêu thương của Chúa, được Chúa nhìn bằng ánh mắt yêu thương và để tâm hồn của chúng ta được lấp đầy bằng tình yêu của Chúa. Và khi đó chúng ta sẽ có thể phục vụ như Mácta mà không gắt gỏng, yêu thương mà không đòi đáp trả và trao ban mà không sợ thiệt thòi, bởi vì chúng ta biết rằng: “Chúa chính là phần tốt nhất của cuộc đời chúng ta và không ai có thể lấy mất được”.

Nguyện xin Chúa ban ơn và chúc lành cho tất cả chúng ta trong Thánh Lễ hôm nay. Amen.



Lm. Thái Nguyên

Chỉ có một điều cần

Trong một thế giới thực dụng coi trọng hiệu quả, thì Giáo Hội ngày càng có rất nhiều Mácta và rất ít Maria. Muốn đạt tới những thành quả mục vụ, bao giờ chúng ta đặt nặng chương trình hành động, chẳng mấy ai đưa ra chương trình cầu nguyện. Thế nhưng chỉ trong cầu nguyện, chúng ta mới tìm thấy sức mạnh và tính cách chân chính để hoạt động. Mọi hoạt động sẽ mất phương hướng và lệch lạc khi chúng ta thiếu lắng nghe tiếng Chúa. Khi được hỏi về bí quyết của đời sống mình, thì Mẹ Têrêsa trả lời ngay: “Bí quyết của tôi rất đơn giản là cầu nguyện”. Nhà bác học Ampère đã đóng góp nhiều cho nền văn minh nhân loại, người ta đánh giá ông là con người vĩ đại, nhưng ông đã khẳng định: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện”.

Các vị thánh đều nổi bật đời sống cầu nguyện, nhưng không vì thế mà coi nhẹ đời sống phục vụ. Đức Hồng Y Fx. Nguyễn văn Thuận nói, “Nếu muốn biết công việc tông đồ của ai, ta hãy xem người ấy cầu nguyện thế nào? Thực tế cho thấy, một người càng sống đời cầu nguyện lại càng nảy sinh ước muốn hoạt động tông đồ, và một người hăng say hoạt động tông đồ bao giờ cũng phát sinh nhu cầu muốn rút lui vào nơi yên tĩnh để cầu nguyện.

Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động, và hoạt động là kết quả của cầu nguyện. Khuôn vàng thước ngọc của đời sống chúng ta là: "Cầu nguyện và hoạt động". Vì thế, vấn đề không phải là chọn một trong hai mẫu người Maria hay Mácta, hoặc chọn một trong hai cách hiện diện, mà là chọn Chúa trong mọi sự. Một Hội Thánh quân bình khi có cả hai mẫu người là Mácta và Maria.

Phúc Âm cho ta thấy cả hai chị em đều chân tình đón rước Chúa vào nhà, nhưng Mácta vồn vả và tất bật hơn, vì muốn tiếp đãi Thầy bằng một bữa ăn thịnh soạn. Còn Maria lại có vẻ vô tư và bình thản, ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Ngài. Mácta cảm thấy bức xúc và thốt lên: “Em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?” Mácta không chấp nhận Maria ngồi đó nghe lời Thầy, chị muốn lôi cô em xuống bếp để phục vụ theo kiểu của mình và theo ý của mình.

Đức Giêsu thấy cần phải giải tỏa cho Mácta khỏi nỗi bồn chồn quá mức, nhất là giải phóng chị khỏi cái tôi hẹp hòi, cái nhìn chủ quan, tính cách độc đoán, nên Ngài lên tiếng:“Mácta ơi! Con lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá!...”. Mácta cứ tưởng phải làm thật nhiều, chứng tỏ mình thật hay, thành quả phải thất tốt, thì bản thân mình mới được tín nhiệm và yêu quí. Đó là một xu hướng qui ngã, chưa thể ra khỏi mình để chọn phần tốt hơn. Thế nên Đức Giêsu cho chị biết:“Chỉ có một chuyện cần thiết thôi, và Maria đã chọn phần tốt nhất...”.

Cũng như Mácta, ai cũng muốn phục vụ Chúa, nhưng dần dần, điều chi phối mình không phải là Chúa, mà là thành công và nổi nang của bản thân. Cũng như Mácta, chúng ta huy động người khác để phục vụ cho dự tính của riêng mình. Khi thấy người khác không nhận ra sự quan trọng của việc mình làm, không thấy được thành quả mình thực hiện, là ta dễ mất bình tĩnh và không còn tế nhị. Có khi chúng ta bắt Chúa đứng về phe mình để thấy người khác không đáng gì. Có khi ta coi Chúa như bình phong để biểu hiện tài năng và uy thế của mình.

Nên nhớ, chúng ta phục vụ và người khác cũng đang phục vụ. Sự phục vụ trong vai trò của mình không được làm hư hại hay hạ thấp sự phục vụ của người khác. Giá trị của phục vụ không nằm trong công việc lớn nhỏ, trong vị trí hay chức vụ, nhưng nằm trong tâm tình, ý hướng và cách thái của người phục vụ. Sự phục vụ chân chính bao giờ cũng đòi hỏi một sự tế nhị, nhường bước để tạo được hoà khí, bình đẳng và bổ túc cho nhau trong mọi công việc. Phục vụ mà gây ra bất an hay bất ổn là dấu hiệu của sự bất chính và là mầm mống của sự phân rẽ.

Nếu không tỉnh thức đủ, sợ rằng phục vụ sẽ trở thành cách thức củng cố cái TÔI. Tuy nhiên trước sau gì thì chiếc mặt nạ cũng sẽ rơi xuống trước sự thách đố của một hành vi phục vụ chân chính, là đòi hỏi tinh thần từ bỏ. Làm thế nào để ta phục vụ mà không thấy mình phục vụ. Làm thế nào để ta thật sự biết ngắm nhìn Chúa mà không ngắm nghía sự quảng đại của mình. Làm thế nào trong mọi sự, ta biết chọn phần tốt nhất như Maria để có thể đi vào trái tim của Chúa.

Cần có giờ chìm sâu trong cầu nguyện mỗi ngày để có thể sống thân tình với Đức Kitô là chính Đấng phục vụ. Nơi Ngài sự phục vụ của ta được thanh luyện nên trong sáng, được thánh hoá nên cao cả, hầu góp phần với Chúa đem lại niềm vui ơn cứu độ cho mọi người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Ý nghĩa cuộc đời con là chính Chúa,
giá trị và cùng đích đời con cũng là Ngài.

Cuộc sống con sẽ đi về đâu,
nếu đời con vắng Chúa?

Bao việc con làm có nghĩa gì đâu,
nếu lòng con xa Chúa?

Bao điều con đạt được có giá trị gì đâu,
nếu tâm con thiếu Chúa?

Bao thứ con hiểu biết có ích chi đâu,
nếu trí con nằm ngoài Chúa?

Bao danh giá và địa vị có là gì đâu,
nếu bản thân con không gặp Chúa?

Tất cả chỉ là trống rỗng,
nếu Chúa không ở trong con.

Mọi cái chỉ là hư vô,
nếu con không ở trong Chúa.

Trong Chúa mọi sự trở thành có,
ngoài Chúa mọi thứ trở thành không.
Với Chúa đời con đầy hy vọng,
không Chúa chẳng có gì để mong.

Xin cho con mỗi ngày kề bên Chúa,
được gặp Ngài hạnh phúc của đời con,

biết nêu cao tình mến giữa gian trần,
bằng hy sinh và phục vụ tha nhân. Amen.