08/07/2025
19
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XV TN - Giáo phận Mỹ Tho















 




GỢI Ý SUY NIỆM

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN - C

Lc 10,25-37

Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 1 trích sách Đệ Nhị Luật có nói về việc tuân giữ luật của Chúa, tuân giữ lời của Chúa như thế này: “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em). Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Thật vậy, lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành.”

Tại sao lại có lời dạy này, thưa vì con người tưởng rằng lời dạy của Chúa rất xa, khó mà đạt tới.

Nhưng có nguyên nhân nữa đó là vì con người muốn chối bỏ không thực hiện lời Chúa dạy, chỉ muốn thực hiện điều mình muốn, nên dù lời Chúa rất gần ngay trong miệng, ngay trong lòng mà không thực hiện được.

Cụ thể trong bài tin mừng chúng ta vừa nghe, ông thông luật hỏi Chúa Giêsu làm gì để có được sự sống đời đời, thì được cho biết là muốn có sự sống đời đời thì phải có lòng yêu mến Chúa, và yêu mến người thân cận như chính mình.

Ông ta tiếp tục hỏi Chúa Giêsu ai là người thân cận của tôi, nghĩa là ông ta muốn thoái thác trách nhiệm, nếu những người không thân cận thì mình không có bổn phận phải yêu thương, nghĩa là muốn chối bỏ trách nhiệm của mình.

Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn người Samari nhân hậu, để cho thấy rằng trong đời sống con người không phải chỉ thực hiện bổn phận của mình, thầy lêvi, thầy tư tế không chỉ biết có thực thi bổn phận của mình, mà còn phải làm hơn bổn phận đó nữa là cứu giúp người bị nạn, hoặc mẫu gương của người Samari anh đâu có bổn phận phải cứu giúp người bị nạn nếu như theo lý luận của ông thông luật, nhưng ông đã làm hơn bổn phận của mình, không chỉ cứu giúp người bị nạn, mà còn ân cần săn sóc, đưa về quán trọ, gởi tiền cho chủ quán trọ: Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém bao nhiêu, thì khi trở về, tôi sẽ hoàn lại bác”.

Áp dụng vào đời sống thực tế của chúng ta đó là có nhiều người giữ đạo rất tốt lành, có thể nói là có thể hy sinh để bảo vệ đức tin, thế nhưng khi xích mích với anh chị em mình thì dù chết cũng không chịu nói chuyện, không chịu bỏ qua.

Hay có những cặp vợ chồng rất yêu thương con cái, sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho con cái, thế mà trong đời sống vợ chồng lại không biết nhượng bộ với nhau.

Trong đời sống đạo của chúng ta cũng vậy, có những người đi xưng tội khi hỏi lý do thì nói vì con cái sắp được lãnh bí tích nên đi xưng tội, nhưng hãy nhớ rằng đó chỉ là cái bề ngoài, vì nếu con không lãnh bí tích chắc sẽ không đi xưng tội, nhưng khi người ta ý thức được việc tội vậy là tốt, và đó xem như là cơ hội để sửa mình.

Hay nói cách khác là chỉ sống có một mặt mà thôi, trước mặt Chúa là như vậy thôi, nhưng đối với nhau, đối với người đời thì lại khác, chỉ thích đến với ai mà mình thích mà thôi, theo cảm tính cá nhân riêng tư của mình, như vậy việc bổn phận của mình mình làm chưa xong nữa thì lấy đâu ra làm hơn bổn phận của mình.

Chúng ta hãy nhìn lại đời sống của mình xem, mình có rơi vào trường hợp đó bao giờ chưa, chắc chắn ai trong chúng ta cũng có, nếu vậy thì chúng ta chỉ giữ luật Chúa trên môi miệng của chúng ta mà thôi, chứ chưa đem ra thực hành.

Xin cho mỗi người chúng ta biết giữ luật Chúa và đem ra thực hành trong đời sống của chúng ta, đừng viện lý do này hay lý do kia, vì luật Chúa rất gần ai cũng có thể thực hiện được, nếu chúng ta muốn, thì chúng ta sẽ thực hiện được không chỉ là việc bổn phận của mình, mà còn hơn bổn phận của mình nữa. Amen.