
GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT XIX TN - NĂM A
1V 19,9a.11-13a; Rm 9,1-5; Mt 14, 22-23
Lm Trầm Phúc
Sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu lên núi và cầu nguyện suốt đêm. Các thánh sử thường nhắc đến điều này. Ngài luôn sống với Cha Ngài và làm theo ý Cha Ngài. Chúng ta hãy noi gương cầu nguyện của Ngài. Chúng ta có cảm thấy rằng chúng ta cần sống với Ngài liên tục không? Cầu nguyện không chỉ là đọc kinh mà sống thân mật với Chúa, là cùng với Ngài làm mọi việc bổn phận của chúng ta với ý muốn yêu mến Ngài.
Các môn đệ đã chèo thuyền ra xa, nhưng nửa đêm lại gặp cơn gió mạnh, các ông phải vất vả lắm mới giữ vững con thuyền. Đến canh tư, nghĩa là gần sáng Chúa mới đi trên mặt biển mà đến với các ông. Đang ở giữa biển mà thấy một bóng người đi trên mặt biển thì làm sao không tưởng là ma? Chỉ có ma mới đi trên mặt biển được. Thế là các ông la thật to để đuổi ma, nhưng bóng ma càng rõ hơn làm cho các ông bấn loạn.
Nhưng một giọng nói quen thuộc làm cho các ông kinh ngạc: “Yên tâm đi, chính Thầy đây. Đừng sợ!” Khi nghe biết là Thầy, Phêrô với tính bộc trực đã xin một điều không tưởng: “Nếu là Thầy, xin cho con đi trên mặt biển và đến với Thầy”. Đức Giêsu bảo: “Cứ đến!” Nghe tiếng Thầy gọi, không do dự, Phêrô bước ra khỏi thuyền và đi trên mặt nước như Thầy. Chúng ta tưởng tượng lúc đó Phêrô sung sướng như thế nào. Ông đã tin vào Thầy không do dự. Nhưng chỉ bước được một vài bước, ông nghe sóng vỗ vào người và quên đi Thầy đang đón ông và ông lún xuống biển. Lúc ấy, ông mới nhớ rằng ông đang đi trên mặt nước. Ông hoảng hốt kêu Thầy: “Thầy ơi, cứu con!” Chúng ta biết những gì đã xảy ra sau đó.
Câu chuyện ngộ nghỉnh này cho chúng ta thấy gì? Chúng ta dám liều như Phêrô không? Đức tin đòi hỏi một điều mà đa số chúng ta không dám làm, đó là tin vào Chúa vô điều kiện. Ai trong chúng ta cũng đã đương đầu với những tình huống khó khăn của cuộc sống. Chúng ta đang đi trên mặt biển đang nổi sóng. Có những lúc chúng ta tưởng như không thể cứu vãn được. Chúng ta muốn buông trôi và không nghĩ rằng Chúa đang đến với chúng ta trong cơn bão táp. Chúa đến với chúng ta mà chúng ta cứ tưởng là ma. Những thử thách nặng nề làm cho chúng ta hốt hoảng, chúng ta quên rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn ở bên chúng ta mà chúng ta không hay biết. Ngài đang chờ chúng ta kêu đến Ngài, để Ngài ra tay, nhưng nhiều lúc chúng ta chỉ tìm những giải pháp nhân loại, chúng ta không tưởng rằng Chúa có thể giúp chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng. Có thể nói rằng chúng ta không tin vào quyền năng của Chúa mà chỉ tin vào sự khôn khéo của mình hay của người khác. Chúa trách Phêrô là kém tin, thì chúng ta cũng bị Chúa trách như thế. Nếu chúng ta tin Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ sợ những cơn sóng gió của cuộc sống, chúng ta dám liều. Đức tin cũng là một sự liều mạng cho Chúa. Bao lâu chúng ta còn sợ, còn lo lắng thì đức tin của chúng ta chưa vững. Chúng ta sợ những thử thách là vì chúng ta chưa có Chúa. Chúa Giêsu đã cho chúng ta một hồng ân tuyệt diệu là ăn lấy Ngài, thì Ngài luôn ở với ta, thì sợ gì? Chúng ta đòi hỏi những bảo đảm nào vững chắc hơn sự hiện diện của Chúa? Chúa Giêsu luôn bảo chúng ta: “Thầy đây. Đừng sợ!” Nhưng chúng ta vẫn không tin Ngài. Không lạ gì chúng ta chìm xuống. Hãy làm như Phêrô: kêu Thầy. Các thánh tử đạo đã tin, vì thế, dâng cho Chúa mạng sống mình là một điều không khó. Chúa đang mong chờ chúng ta dám trao phó cả cuộc đời cho Ngài không do dự, vì tình yêu của Ngài là bảo đảm vững chắc nhất. Chúng ta đang sống trong một thế giới không ổn định, chiến tranh khắp nơi, tội ác tràn ngập, kinh tế không ổn định…chúng ta sợ cho tương lai, cho con cái, cho gia đình, cho bản thân. Chúa đòi bỏi chúng ta vững tin vào Ngài, dám phó thác cho Ngài mọi tình huống và sống cho Ngài. Dám đi trên mặt nước để đến với Ngài.
Chúng ta không chỉ sống cho mình, chúng ta phải là muối đất, là men cho đời. Chỉ khi nào chúng ta dám liều như Chúa Giêsu, buông bỏ mọi sự để chỉ bám vào một mình Chúa thôi, chúng ta mới mang lại cho cuộc sống này, cho thế giới này, hương vị ngọt ngào của tình yêu, như Chúa Giêsu đã vì yêu mà đã dám chết cho chúng ta.
Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh
Bình an trong niềm tin vào Chúa
Đài truyền hình An Ninh, ngày 26/05/2015, có trình chiếu một màng “ảo thuật” được xem là “mới lạ” đối với người dân Việt nam. Anh Trần Đình Quý đi trên mặt nước giữa hồ Tây (Hà Nội) trước sự chứng kiến của hàng trăm khách du lịch. Trước hết, anh Quý được một chiếc thuyền đưa ra giữa hồ Tây, rồi anh bước xuống mặt hồ, đi một đoạn dài trên mặt nước một cách “ngoạn mục.” Hình ảnh đó đã gây xôn xao dư luận và khiến cho nhiều người thắc mắc rằng là: Sao anh Quý có thể đi được trên mặt nước hồ Tây được nhỉ?
Hai tuần sau, tức là ngày 10/06/2015, xuất hiện một Video Clip của một người khác, giải mã thắc mắc ấy: Bí mật việc anh Quý đi trên mặt nước hồ Tây nằm ở chỗ là: Giữa hồ Tây, anh cho lắp ráp “một đoạn đường” bằng những thanh sắt nằm sẵn dưới mặt nước khoảng 10 cm. Đến lúc biểu diễn, một chiếc thuyền đưa anh ra đúng chỗ, rồi anh có thể bước xuống và đi trên “đoạn đường đó” một cách dễ dàng. Người giải mã nói rằng: Có lẽ, anh Quý đã học trò “ảo thuật” này từ một ảo thuật gia nổi tiếng thế giới là Dynamo (người Anh). Dynamo rất tinh vi, khi chuẩn bị cho màng ảo thuật hoành tráng của mình tại Thành phố Miami, tiểu bang Florida của Hoa Kỳ. Nhiều đêm, anh và nhóm âm thầm lấp đặt cây cầu thép ngầm dưới mặt nước sẵn. Nhưng hay ở chỗ là: Khi biểu diễn, anh diễn rất tự nhiên như thể không hề có sự gì hỗ trợ hết. Anh bước xuống cầu thang mé bờ, rồi bước lên cây cầu ngầm phía dưới mặt nước, và rồi bước đi trên nó ra một đoạn khá xa, giống y như anh đang đi trên mặt nước thật vậy. Và khi kết thúc cũng rất là tự nhiên. Một chiếc canô của cảnh sát, cũng đã được sắp xếp trước, từ đâu chạy đến, rồi kéo anh lên chiếc canô, trước sự ngỡ ngàng của bao nhiêu người du khách tham quan.
Trở lại với Phúc Âm Thánh Mátthêu hôm nay, phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước ở Biển hồ Galilêa hoàn toàn khác. Bởi vì ngày xưa: Chúa Giêsu khá nghèo, nên chắc là Chúa không có tiền để mua sắt thép làm cây cầu ngầm dưới mặt biển hồ để biểu diễn cho các học trò xem. Và hơn nữa, Chúa cũng khá là bận rộn với việc giảng đạo, nên chắc Ngài cũng không có rãnh để làm những chuyện vu vơ, nhằm mua vui thiên hạ đâu. Cho nên, chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt biển là một phép lạ thật, chứ không phải là một trò ảo thuật. Bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, nên Ngài có đủ quyền phép, khống chế mọi sức mạnh của thiên nhiên.
Nếu diễn tả lại phép lạ của Chúa Giêsu, ta có thể kể như thế này: Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn xong, trời đã sập tối, Chúa Giêsu kêu các môn đệ chèo thuyền qua bờ bên kia trước, đang khi Ngài giải tán đám đông. Điều đó ngầm hiểu rằng Ngài sẽ đi sau.
Nhưng có một thắc mắc nhỏ rằng là: Ngài đi sau, bằng phương tiện gì, để đến được bờ bên kia của biển hồ? “Lội qua” Biển hồ thì rất là nguy hiểm, còn “đi vòng” dọc theo bờ biển hồ lại mất rất nhiều thời gian...?
Hình như ở đây, Ngài cũng đã chuẩn bị tinh thần cho một phép lạ tiếp theo. Ngài lên núi cầu nguyện hầu như suốt đêm, đang khi các Tông đồ vất vả chèo thuyền vì sóng to, gió ngược. Khoảng cách giữa thầy và trò cũng đã xa dần đến mấy cây số rồi.
Phép lạ xảy ra vào lúc canh Tư, tức là độ khoảng 2-3 giờ sáng, trời vẫn còn tối. Hình ảnh Chúa Giêsu đi trên mặt nước, vượt Biển hồ Galilê, y như một diễn viên lướt ván chuyên nghiệp, vượt qua con thuyền các Tông đồ đang chèo chống, khiến cho các đấng sợ hãi và tất cả đồng thanh la lên: “Ma kìa...!”
Thấy các ông sợ, Chúa Giêsu lên tiếng: “Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). Nghe tiếng của Thầy, Phêrô có phần yên tâm, nhưng lòng vẫn còn chút “bán tín bán nghi” nên mở lời đề nghị để kiểm chứng cho chắc: “Nếu đúng là Thầy, thì Thầy hãy dùng phép thuật cho con biết “king kong” đi trên mặt nước để đến với Thầy nhé?
Lời đề nghị của Phêrô được Chúa chấp nhận. Thế là, Phêrô bước đi trên mặt biển một cách nhẹ nhàng. Nhưng đi được một đoạn, hình như Phêrô luyện “king kong” chưa tới, nên khi “sóng vỗ, gió mạnh,” Phêrô bắt đầu bị chìm. Nhưng trước khi bị chìm, Phêrô vẫn kịp gọi khẩn cấp: “Thầy ơi, cứu con!” Thế là, Chúa Giêsu vội nắm tay Phêrô kéo lên thuyền trước sự ngỡ ngàng thán phục của các Tông đồ. Sau đó, Chúa Giêsu lên tiếng trách nhẹ rằng: “Phêrô, niềm tin của con “còn xanh, còn non” lắm, nên mới bị chìm đó!”
Niềm tin nơi con người chúng ta, có thể nói là một sức mạnh vô hình, giúp cho ta tự tin hơn, để thành công trong cuộc sống. Như có lần Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc,” nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,6).
Điều đó có nghĩa là: nếu niềm tin ta đủ mạnh và đủ lớn, ta sẽ làm được những việc phi thường. Những chuyện không thể, ta sẽ biến nó thành có thể. Như Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Chúng ta sẽ vượt qua mọi giông tố của cuộc đời, khi niềm tin của ta gắn chặt vào Thiên Chúa.”
Niềm tin được gắn kết với Chúa quả thực là một sức mạnh, giúp ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Mỗi khi ta thất vọng, chán nản, ta cảm thấy chới với trong biển đời. Lúc đó, ta nên nhớ và biết “lặp đi, lặp lại” lời kêu cứu của Thánh Phêrô lúc sắp chìm rằng: “Chúa ơi, cứu con.” Và chắc chắn, điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Bởi vì, Chúa không bao giờ muốn bỏ mặt con cái của Ngài chết đuối giữa biển đời. Hơn nữa, Ngài là một người cha “Cứu hộ chuyên nghiệp” luôn xuất hiện kịp thời và đưa tay kịp lúc, để con cái vững tin, nắm lấy tay của Ngài và được Ngài đưa vào bến bình an.
Lạy Chúa Giêsu, đôi lúc trong cuộc sống, chúng con cảm thấy lo sợ trước những thử thách của cuộc đời. Xin Chúa nắm lấy tay con, mỗi khi con quỵ ngã trên đường theo Chúa. Và xin Chúa nâng đỡ niềm tin yếu ớt của chúng con, để chúng con luôn trung thành bước theo Chúa đến trọn đời. Amen.
SÓNG GIÓ BIỂN ĐỜI
Suy niệm
Sau một thành công hay những việc tốt đẹp, ai cũng muốn được người khác khen lao, ca ngợi, nhất là muốn người khác nhận ra tài năng, đức độ của mình. Được vênh vang nổi tiếng dường như ai cũng ham; được kính phục suy tôn hầu như ai cũng thích. Đức Giêsu thì khác, sau khi hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê, Ngài biết ý định của họ muốn tôn Ngài làm Vua (Ga 6, 15). Không chần chừ, Ngài “bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông”. Điều này không lạ gì, vì Đức Giêsu muốn tránh cho các môn đệ tỏ ra vênh vang về quyền năng của Thầy mình, không để cho các ông bị lôi kéo theo tình cảm bốc đồng của đám đông.
Ngoài ra, nếu các môn đệ ở lại có thể làm cho tình huống thêm rắc rối, vì trong tâm trí các ông vẫn nghĩ Thầy mình sẽ tái lập vương quốc Israel, như là một thế lực trần gian. Vì vậy mà các ông đã cãi nhau xem “ai là người lớn hơn cả” (Mc 9, 34). Tiếp theo đó, Gioan và Giacôbê còn xin được ngồi bên hữu và bên tả Thầy khi Thầy được vinh quang (x. Mc 10, 35-40). Mang não trạng như vậy nên các môn đệ dễ tiếp tay cho dân chúng tạo ra một cuộc sôi động nguy hiểm. Chắc các môn đệ cũng rất khó chịu khi phải “rút lui” như vậy, tuy nhiên các ông vẫn vâng phục mặc dù không hiểu được ý Thầy.
Trong lúc các môn đệ xuống thuyền thì Đức Giêsu cũng giải tán dân chúng. Khi còn lại một mình, Ngài lên núi cầu nguyện. Việc chìm sâu trong sự gặp gỡ Cha luôn là những thời điểm quan trọng để Ngài kín múc lại thần lực và để thấy mình luôn hợp nhất với Cha trong mọi hành động. Khi đêm đã về khuya, có lẽ Đức Giêsu đi vòng qua mé hồ để đến bờ bên kia. Đến khoảng canh tư, nghĩa là khoảng 3g sáng, và có thể là đêm trăng sáng, nên khi đi trên vùng đất cao ở phía bắc bờ hồ, Ngài nhìn thấy thuyền các môn đệ đang chiến đấu với những cơn sóng gió, và Ngài đã đi trên mặt biển mà đến với họ.
Thấy có bóng người đi trên mặt nước mà đến, các môn đệ sợ hãi la lên, vì tưởng là ma. Đức Giêsu liền trấn an họ: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ”. Các ông chưa dám tin là thật, nhưng Phêrô đã táo bạo lên tiếng: “Nếu quả là Thầy, thì xin cho con được đi trên mặt nước mà đến với Thầy”. Một lời đề nghị quá liều lĩnh, sao ông không xin cho bão táp lặng yên mà lại xin đi trên mặt nước. Nếu không phải Thầy thì sao? Phêrô vẫn hành động theo sự thúc đẩy của cảm tính mà không chịu nhìn rõ thực trạng và không cân nhắc kỹ lưỡng. Vì vậy mà ông từng thất bại và sẽ còn vấp ngã nặng nề. Tuy nhiên, với sự nhiệt tình, ngay thẳng, thành thật, ông không bao giờ thất bại ở giây phút cuối.
Khi Đức Giêsu bảo “Cứ đến” là ông bước xuống mặt biển ngay. Phải tin mạnh mẽ thì ông mới dám hành động như vậy. Không biết ông đi được bao xa, nhưng khi thấy gió thổi thì ông hoảng sợ, không còn giữ được lòng tin, ông bắt đầu chìm xuống. Cũng may là trong cơn nguy ngập, ông đã kịp thời kêu lên:“Lạy Thầy, xin cứu con !”. Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và đưa ông lên thuyền. Ngài trách ông: “Người đâu mà kém tin vậy!, Sao lại hoài nghi!”. Hoài nghi đã làm cho Phêrô sợ hãi, và sợ hãi đã phá tan một năng lực siêu nhiên đã được kết tụ, khiến con người ông trở nên nặng nề và bị nhận chìm xuống.
Chỉ có thể biết lòng tin mạnh mẽ hay không khi gặp thử thách. Thử thách là điều cần thiết để thanh luyện và nâng cao đức tin. Không chịu được thử thách nên bao người đã bỏ cuộc. Mỗi lần vượt qua thử thách lại cho chúng ta kinh nghiệm sống đức tin. Là Kitô hữu, chúng ta không bao giờ chiến đấu một mình với nghịch cảnh, những cám dỗ và sầu khổ. Chúa thấy tất cả và không bao giờ để ta phải chiến đấu một mình. Có khi chúng ta cũng lo sợ và hốt hoảng trước giông tố cuộc đời, nhưng không được mất lòng tin nơi Chúa. Ngài vẫn nhìn thấy và luôn kịp thời trong mọi tình cảnh nguy nan của chúng ta, miễn ta đừng cuống cuồng, thất vọng hay buông xuôi, nhưng vững lòng trông cậy.
Chính trong thử thách này mà các môn đệ khám phá một điều lớn lao về Thầy mình: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”. Các ông vẫn bên cạnh Thầy nhưng chưa hiểu Thầy được bao nhiêu. Gần Chúa không hẳn là biết rõ về Chúa. Gần mặt nhưng không gần lòng. Qua biến cố mới biết rõ con người của nhau hơn. Chúa vẫn tiếp tục mở ra cho chúng ta mầu nhiệm vô biên của Ngài, nhưng Ngài muốn lòng tin của chúng ta phải lớn lên qua từng thử thách, qua từng chặng đường đời. Khi đức tin lớn lên thì lòng mến cũng sáng lên để ta bước vào cảnh giới mới.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Tuổi trẻ thường háo hức trước thành công,
mong tới đỉnh trên con đường danh vọng,
nhưng nhìn lại thấy tâm hồn trống rỗng,
vì mọi sự rồi cũng hóa ra không.
Cũng như các tông đồ sống khi xưa,
Chúa tránh cho chúng con khỏi ảo vọng,
đừng xây đời bằng giấc mộng quyền hành,
sẽ đưa con vào tình thế long đong,
phải chèo chống giữa phong ba đêm tối,
khiến con thấy chơi vơi và bực bội.
Khi lênh đênh đời mình giữa biển khơi,
con thấy mình như kẻ bị bỏ rơi,
thấy buồn tủi và chua xót ngậm ngùi,
bao nỗ lực như chôn vùi đáy biển,
bao cố gắng hy sinh làm việc thiện,
con nuối tiếc trên đường đi theo Chúa.
Nhưng đâu hay Chúa đến quá bất ngờ,
trong đêm khuya giữa sóng gió vật vờ,
làm con sợ hãi tưởng là bóng ma,
Chúa đã đến với quyền năng thật lạ,
khiến con quá vui mừng và tin tưởng,
vì biết mình luôn được Chúa yêu thương,
Con chẳng dám xin đi trên mặt nước,
như Phê-rô đã bước xuống khỏi thuyền,
con chỉ xin một đức tin kiên vững,
để can trường vượt hết những nguy nan.
Xin cho Giáo hội Chúa giữa biển đời,
như con thuyền vượt sóng ở ngoài khơi,
đưa đoàn con về tới bến quê trời,
nơi vinh phúc ngàn đời là chính Chúa. Amen
Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng
1. “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt ĐỨC CHÚA. Kìa ĐỨC CHÚA đang đi qua.” (1V 19, 11a)
Ê-li-a gặp chuyện rắc rối vô cùng và ông đi vào một hang đá, và có lời Đức Chúa phán với ông, “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây?” Sau đó, Ê-li-a bắt đầu giải thích với Chúa cuộc sống của ông khó khăn như thế nào. Đây là cách Chúa đáp lại, Người sai một trận gió lớn và mạnh thổi vào núi, đập vỡ đá thành từng mảnh. Sau đó, Người đã cho xảy ra một trận động đất. Sau đó là ngọn lửa. Không chỗ nào trong bản văn cho chúng ta thấy hoặc nghe nói rằng bất cứ điều gì trong số đó làm Ê-li-a sợ hãi. Ê-li-a không bao giờ bày tỏ bất kỳ sự ngạc nhiên hay phấn khích nào về điều Thiên Chúa vừa làm. Nhà Tiên tri không trở nên bất an, ông không bị lay chuyển hay là chạy trốn hay biểu hiện hiếu kỳ trước những biểu hiện quyền năng này của Thiên Chúa.
Có thể nào một trận trời long đất lở, đã núi xé ra mà không gây ra tiếng động kinh hoàng không? Một trận động đất nào cũng làm cho mặt bằng dưới chân rung chuyển lung lay. Một ngọn lửa bất ngờ bùng cháy từ hư không sẽ gây ra sự biến động lớn. Tuy nhiên, tất cả những hiện tượng lau chuyển trời và đất ấy vẫn không làm cho lòng dạ Ê-li-a lay chuyển. Đây chính là sự trầm tĩnh kiên định của một người chờ đợi Thiên Chúa sau những biến động cuộc đời. Mỗi người Ki-tô hữu đều trải qua ít hoặc nhiều lần bị Thiên Chúa lay chuyển trong cuộc đời qua nhiều biến cố thăng trầm cá nhân, xã hội. Chúng ta có thực sự điềm tĩnh và tin tưởng sự hiện diện của Thiên Chúa phía sau đó như Ê-li-a và xoay sở tốt với hoàn cảnh không? Đôi khi sự lo lắng của chúng ta bốc cao tới nóc! Đôi khi chúng ta phản ứng bằng sự tức giận hoặc niềm tin ngày càng giảm sút đi theo cường độ lay chuyển của hoàn cảnh.
Thiên Chúa đang làm rung chuyển thế giới của chúng ta ngày nay khi Người để xảy ra những biến cố chiến sự, biến đổi khí hậu, mất mùa, kinh tế suy thoái. Chúng ta đang học cách như nhà tiên tri để giữ vững niềm tin trong khi chờ đợi Thiên Chúa đến. Cũng có thể, đâu đó trong cuộc sống này, nỗi lo lắng của chúng ta đang bùng lên và tâm trí chúng ta bị đè nặng bởi nhiều nỗi sợ hãi, giống như các môn đệ chèo con thuyền nhỏ trên biển và sợ hãi rằng mình sẽ chết đuối bất cứ lúc nào; nhưng Chúa Giê-su chỉ đang bước đi trên biển, Người chỉ bước thật nhẹ nhàng đến với chúng ta dù biển nổi cuồng phong!
Trình thuật Tin Mừng cho biết Người không vội vàng giải cứu các môn đệ. Người không lớn tiếng với họ hoặc ồn ào theo tình huống bất hạnh của họ. Người chỉ bước vào cuộc sống của họ và bảo họ: “đừng sợ” (x.Mt 14,22-27); và với thế giới xung quanh họ, Người phán: “Hãy yên lặng!”
Khi Thiên Chúa lay chuyển mọi thứ chung quanh cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ thấy Người làm như vậy ngày càng nhiều hơn trong những ngày sắp tới để tôi luyện đức tin của chúng ta. Điều duy nhất sẽ không bị lung lay, khi Chúa lay chuyển mọi thứ, là sự hiện diện của Người trong chúng ta. Và vì lý do đó, chúng ta có thể tập trung vào Chúa Giê-su Ki-tô nhanh hơn và chính xác hơn. Khi đó, chúng ta trở thành những tôi tớ xứng đáng khi Người đặt để cuộc sống chúng ta theo ý muốn của Người, dù đó là trên núi hay trên biển.
2. “Chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự.” (Rm 9, 5)
Chúng ta đã biết Đức Ki-tô quan trọng thế nào cho cuộc đời Thánh Phao-lô, thế mà ngài có thể thốt lên những lời tâm huyết này vì quá khao khát ơn Cứu Độ cho người Do-thái đồng hương của ông. Thánh Phao-lô muốn đem sứ điệp Tin Mừng vượt khỏi lãnh thổ Israel, thoát khỏi sự ràng buộc truyền thống Do-thái. Thực vậy, Phao-lô, người thành Tac-xô, sống sau tiên tri Ê-li-a gần một nghìn năm, cũng có tâm trạng giống như nhà tiên tri, tràn đầy nhiệt huyết với thông điệp đức tin vào Thiên Chúa duy nhất. Tâm huyết của Phao-lô mong ước cho mọi người hiểu và tin vào Chúa Ki-tô, ông đã không ngại gian khổ để truyền bá Lời Chúa. Mặc dù ông đã đạt được nhiều thành công trong những cộng đoàn ngoại quốc, nhưng ông đã phải đối mặt với nhiều sự chống đối và bắt bớ từ những người đồng bào của mình.
Sách Công vụ Tông Đồ cung cấp cho chúng ta bản tường thuật lâu đời nhất về các hoạt động truyền giáo, sự phát triển của hạt giống Tin Mừng và sự chống đối của những người bác bỏ thông điệp của nó, trong đó không thiếu sự chống đối đến từ người Do-thái. Đối với bất cứ ai biết bất cứ điều gì về công việc truyền giáo từ thời sơ khai của Hội Thánh, thì không có gì ngạc nhiên khi nhìn thấy những chống đối ban đầu đối với Thánh Phao-lô và những người theo Chúa Giê-su đến từ những người Do-thái đồng bào của Chúa.
Thánh Phao-lô không thể hiểu lý do tại sao nhiều người Israel không tin vào Chúa Ki-tô. Họ được thừa hưởng những đặc ân riêng của Thiên Chúa dành cho, một dân tộc thừa hưởng cơ nghiệp của Thiên Chúa. Chính Người bày tỏ sự vinh hiển, ban giao ước, Lề luật, nền phụng tự và Đất Hứa. Họ là con cháu của các tổ phụ; và cuối cùng, chính Chúa Ki-tô, theo huyết thống, là cùng một dòng dõi với họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa có chương trình của Người và con người không thể hiểu được: Chính vì họ bất tín, lạc xa Thiên Chúa mà dân cư khắp cùng trái đất đã được nghe Tin Mừng và được sáp nhập vào Dân Thiên Chúa. Điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa quay lưng với Israel. Chính thánh Phao-lô đã thú nhận: Cuối cùng Thiên Chúa vẫn sẽ cứu Israel!
3. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14, 33)
Ba trong số bốn Thánh Sử - Mat-theu, Mac-cô và Gioan - mô tả phép lạ Chúa Giê-su đi trên mặt nước, và đó là một trong những phép lạ nổi tiếng nhất được kể lại trong Tân Ước. Phép lạ “đi trên mặt nước” kể về việc Chúa Giê-su băng qua Biển hồ Ga-li-lê trong cơn bão, và đưa tay cứu Phê-rô. Sự kiện này diễn ra ngay sau một phép lạ nổi tiếng khác: 'Hoá bánh cho năm ngàn người ăn', chúng ta đã được nghe trước đây. Trong phép lạ nổi tiếng đó, Chúa Giê-su đã yêu cầu mang bánh và cá lên cho Người, trước khi bảo đám đông đang tụ họp ngồi xuống bãi cỏ. Chúa Giê-su chỉ lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời dâng lời chúc tụng rồi bẻ ra phân phát cho mọi người. Ai nấy đều ăn no nê, còn các môn đệ thu được mười hai thúng đầy bánh thừa. Số người ăn là ‘khoảng năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con’ (x.Mt 14,21).
Sau sự kiện kỳ diệu này, một phép lạ nữa – cũng nổi tiếng không kém – xảy ra, lần này chỉ liên quan đến Chúa Giê-su và các môn đệ nòng cốt của Người. Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ trở lại Biển Ga-li-lê trên một con thuyền, trong khi Người ở lại để tiễn đám đông (được ăn thoả thích và bụng no nê bằng bánh và cá) ra đi. Sau đó, Chúa Giê-su đi lên núi để cầu nguyện. Buổi tối đến và những cơn gió mạnh dần lên, hất con tàu đi chệch hướng khi màn đêm buông xuống. Các môn đệ bối rối khi thấy Chúa Giê-su đi trên mặt biển tiến về phía họ. Họ nghĩ rằng đó là một dị nhân, tà linh. Họ kêu thét trong sợ hãi. Chúa Giê-su trấn an họ và mang đến cho họ niềm vui. Người lên tiếng bày tỏ cho họ biết chính là Người, và Phê-rô nói với Chúa Giê-su: “thưa Thầy, nếu quả là Người, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Người.” Vì vậy, Chúa Giê-su truyền cho Phê-rô đến với Người, và ông bước ra khỏi thuyền và chắc chắn là ông đi bộ trên mặt nước tiến về phía Chúa Giê-su.
Nhưng sau một lúc, Phê-rô sợ hãi khi gió thổi dữ dội, ông gọi Chúa Giê-su đến cứu mình. Chúa Giê-su giơ tay nắm lấy ông và nói: ‘Hỡi kẻ kém, sao lại nghi ngờ?’ Khi Chúa Giê-su và Phê-rô lên thuyền, gió lặng. Tất cả các môn đệ đều tôn thờ Chúa Giê-su, tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa.
Phép lạ Chúa Giê-su đi trên mặt nước được đọc thấy trong Mat-thêu 14,22-34, Mac-cô 6,45-53 và Gioan 6,15-21. Ý tưởng về một người mạnh mẽ sở hữu khả năng đi trên mặt nước không phải là ý tưởng nguyên bản khi các sách Tin Mừng được viết ra, nhưng trong các văn bản cổ điển trước đó, nó thường được trình bày dưới dạng thuật ngữ thừa nhận hành động hoàn toàn không thể xảy ra. Ví dụ, trong 2 Ma-ca-bê 5,21, chẳng hạn, An-ti-o-khô bị trừng phạt vì “sau khi chiếm đoạt của Đền Thờ năm mươi bốn ngàn ký bạc, vua An-ti-ô-khô vội vã trở về An-ti-ô-ki-a; vì kiêu ngạo, vua tưởng mình có thể làm cho thuyền bơi trên đất, chân đi trên biển, lòng vua hóa ra tự cao tự đại. Nhưng khả năng đi trên mặt biển Ga-li-lê của Chúa Giê-su rõ ràng tượng trưng cho thần tính thật của Người và quyền năng chinh phục thế giới tự nhiên của Người. Trong Cựu Ước, Đức Chúa đã ban cho Mô-sê và Ê-li-a quyền trên biển (Mô-sê nổi tiếng rẽ Biển Đỏ để cho phép dân Israel ra khỏi Ai Cập), và có thể rút ra mối liên hệ giữa những sự kiện trước đó và phép lạ của Chúa Giê-su.
Tuy nhiên, không phải tất cả các Ki-tô hữu sùng đạo đều đồng ý về cách phân tích và giải thích câu chuyện Chúa Giê-su đi trên mặt nước. Nhiều người coi sự kiện này mang tính biểu tượng và thần thoại, hơn là một điều gì đó được hiểu theo nghĩa đen. Tuy nhiên, chúng ta nên nghĩ về hành động của Phê-rô, cảnh ngộ của các môn đệ, và điều Chúa Giê-su nói với họ sau khi đưa Phê-rô lên thuyền an toàn. Cụ thể, quyết định của Phê-rô vâng theo yêu cầu của Chúa Giê-su để xuống khỏi thuyền và đi vào vùng nước đầy giông bão cho thấy đức tin của Phê-rô nơi Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a: ông sẵn sàng đặt mình vào tình thế nguy hiểm cận kề hơn, vì ông tin rằng Chúa Giê-su sẽ bảo vệ ông. Việc coi Chúa Giê-su là đấng cứu thế sẽ đương đầu với bão tố và giúp đỡ những người gặp khó khăn là đủ rõ ràng: tất cả những gì các môn đệ của Người cần làm là đặt niềm tin nơi Người.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay kể câu chuyện Phêrô đi trên mặt nước để đến với Chúa Giêsu, điều này cho thấy được gì? Thưa cho thấy Phêrô cũng có đức tin vào Chúa, nên ông mới dám xin Chúa cho mình đi trên mặt nước mà đến với Chúa. Thế nhưng, chúng ta thấy đức tin này không đủ, bởi vì trước sóng gió ông đã sợ và bắt đầu chìm.
Hình ảnh của thánh Phêrô là hình ảnh của Giáo hội và của mỗi người chúng ta ngày nay. Chúng ta là những người sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, vì sống giữa thế gian, nên một điều chắc chắn là những sóng gió của thế gian sẽ làm cho Giáo hội, làm cho chúng ta phải chao đảo, và khi chao đảo như vậy thì chúng ta nghĩ đến những biện pháp nhằm thích ứng với lối suy nghĩ của con người, tìm cách tổ chức, quy định sao Giáo hội thích hợp với lối suy nghĩ của con người thời đại.
Vậy nếu chúng ta thay đổi theo người thời đại, để tìm sự yên ổn thì có đúng hay không? Thưa nếu chúng ta tìm cách trở nên giống suy nghĩ của người đời, đáp ứng những đòi hỏi của họ bằng bất cứ giá nào để “cho yên” thì sự hiện diện của Giáo hội không còn cần thiết nữa, Giáo hội không còn sống được vai trò chứng tá của mình nữa. Chẳng hạn như các vấn đề phá thai, cho ly dị, chấp nhận hôn nhân đồng giới, tiết lộ ấn tín tòa giải tội….
Nên khi có sóng gió xảy ra trên cuộc đời, thì thay vì chúng ta tìm cách thay đổi mình theo thế giới, thì chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao, tại sao chúng ta phải thay đổi theo thế giới, tại sao thế giới không thay đổi theo chúng ta mà chúng ta phải thay đổi theo thế giới. Những gì mà chúng ta muốn thay đổi có phù hợp với đức tin Công giáo của chúng ta hay không?
Chúng ta hãy nhớ lại lệnh truyền truyền giáo mà Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16a).
Chính vì thế mà giáo luật quy định về việc rửa tội cho dự tòng: “để có thể được Rửa Tội, người thành niên phải bài tỏ ý muốn lãnh nhận bí tích Rửa Tội, phải được dạy dỗ đủ về những chân lý đức tin và nhũng nghĩa vụ Kitô giáo và phải được thử luyện sống đời Kitô hữu qua thời gian dự tòng; họ cũng được khuyên nhủ ăn năn tội lỗi của mình” (Gl 865 triệt 1), hay việc rửa tội cho trẻ em: “có sự chấp thuận của cha mẹ, hay ít của một trong hai người, hoặc của người thay quyền họ cách hợp pháp. Có một niềm hy vọng chắc chắn là em sẽ được giáo dục trong đạo Công giáo nếu hoàn toàn thiếu niềm hy vọng này, thì phải hoãn ban bí tích Rửa Tội, chiếu theo những quy định của luật địa phương sau khi đã thông báo cho cha mẹ biết lý do” (Gl 868 triệt 1 và 2). Không thể làm khác hơn điều Chúa dạy, điều luật dạy, trừ trường hợp nguy tử.
Hay khi Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 21-23).
Những điều đó cho chúng ta thấy, chính chúng ta phải là những người thay đổi thế giới, để thế giới tốt hơn, chứ không phải để mình bị thế giới thay đổi, đó là điều mà Chúa muốn.
Còn việc chúng ta thay đổi, chúng ta phải hiểu là mở cửa, là để phù hợp với thời đại, để qua đó gần gũi với thế giới, để cảm thông với thế giới, không xa cách với thế giới, nói cách khác là có sự hòa nhập chứ không hòa tan, không chạy theo người đời để đánh mất chính mình, không còn biết mình là ai nữa.
Trong Hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng của Công Đồng Vaticano II có nói: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ.”
Hay thánh Phaolo tông đồ cũng nói: “Vui với người vui, khóc với người khóc”(Rm 12,15).
Trong Ratio 2016 về đào tạo các linh mục, có phần trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Phanxico nói về vị trí của người mục tử như thế này: “Có khi mục tử phải đi trước để dẫn đường; khi khác, phải đi giữa, để biết điều gì đang xảy ra; rất nhiều khi phải đi sau, để giúp những con chiên cuối, nhưng cũng để đi theo sự đánh hơi của những con chiên biết đồng cỏ tươi tốt ở đâu.”
Hiểu được như thế, khi đứng trước sống gió của cuộc đời, điều mà chúng ta cần thay đổi không phải là thay đổi để phù hợp với thế giới, mà là thay đổi chính đức tin của mình, chúng ta phải làm mới lại đức tin của mình mỗi ngày, bởi nếu đức tin của chúng ta yếu, chúng ta sẽ chạy theo thói đời, còn nếu đức tin của chúng ta mạnh chúng ta sẽ chạy đến với Chúa, nói cách khác là kho tàng ở đâu, thì lòng trí ở đó.
Chúng ta thấy, mặc dầu đức tin của Phêrô yếu, nên ông mới bị chìm, nhưng sau đó ông đã kêu cầu Chúa: “Lạy Thầy, xin cứu con,” lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết luôn luôn làm mới lại đức tin của mình, để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng biết kêu cầu lên Chúa, vì biết chắc rằng Chúa sẽ ban ơn giúp sức cho. Amen.