
GỢI Ý SUY NIỆM
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN - C
Lc 10,1-12.17-20
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu kêu gọi thêm 72 môn đệ đi rao giảng tin mừng, nhưng rao giảng điều gì? Thưa rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Nghĩa là rao giảng sự bình an, trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe trích trong sách ngôn sứ Isaia, thuật lại cho chúng ta việc Chúa dùng Isaia đã khơi lên niềm hy vọng cho dân, tại sao phải khơi lên niềm hy vọng cho dân?
Chúng ta biết lúc này dân do thái đang bị lưu đày ở Babylon, nhưng vua Babylon đã ký và cho phép dân Israel hồi hương, kết thúc giai đoạn lưu đày. Tuy nhiên, lòng dân vẫn chưa thấy bình an, nỗi lo vẫn còn đó...! Biết được sự trăn trở của dân, nên Chúa đã dùng tiên tri Isaia đã trấn an họ bằng việc loan báo Chúa sẽ ban bình an và vinh quang cho Giêrusalem: “Ta sẽ làm cho bình an chảy đến như dòng sông và vinh quang của chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng, nâng niu trên đầu gối, vỗ về như người mẹ nâng niu con. Giêrusalem các ngươi sẽ được an ủi.”
Nhưng chúng ta thấy viễn tượng này có phải Thiên Chúa chỉ dành cho dân Israen hay không? thưa không, viễn tượng này là dành cho toàn thể nhân loại, chính vì thế trong trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đã sai 72 môn đệ đi rao giảng lời Chúa, để đem bình an đến cho tất cả mọi người.
Rao giảng sự bình an này nếu chúng ta đào sâu sẽ thấy đó chính là thái độ, là cách sống của chúng ta, chứ không phải là lời rao giảng.
Thánh Phaolo đã khuyên Timothe như thế này: “Thế mà người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ. Người ấy phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối: biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý và họ sẽ tỉnh ngộ, thoát khỏi cạm bẫy ma quỷ đã dùng để bắt giữ họ và khiến họ làm theo ý nó?” (2Tm 2, 24-26).
Thánh Phêro, ngài sống trong bị bách hại đạo dữ dội, nhưng chính ngài lại khuyên: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. 16 Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (1Pr 3,15-16).
Trong tin mừng Mattheu chúa Giêsu nói: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi". (Mt 23, 2-7).
Mặc dầu lời mình rao giảng, lời mình nói là đúng đó, nhưng chính mình lại không sống lời mình rao giảng, thì làm sao đem lại bình an cho người khác.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của Tôma không tin Chúa Giêsu đã sống lại sau lời kể của các tông đồ khác, đa phần khi nghe câu chuyện Tôma, chúng ta nói ông là người cứng lòng tin, nhưng thật ra không phải ông cứng lòng tin, mà nơi các tông đồ khác cũng vậy, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu hiện ra với ông, kêu ông hãy xỏ ngón tạy vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn, thì ông đã không làm điều đó mà ông đã tuyên xưng Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”, trong khi đó, nơi các môn đệ khác, khi Chúa Giêsu hiện ra, các ông chỉ biết nói là Chúa hiện ra, chứ đời sống của các ông chưa có biến chuyển, các ông vẫn cửa đóng then cài, vẫn lo sợ người do thái, chính điều đó làm cho Tôma không tin.
Nên rao giảng sự bình an là điều tốt nhưng điều tốt hơn nữa đó là cần phải sống sự bình an đó trong cuộc đời nữa, nghĩa là phải có thái độ sống bình an, có như thế lời rao giảng mới hữu hiệu được. Amen.
Lm. Tôma Lê Uy Vũ
“Chiên con giữa bầy sói – Can đảm sống và làm chứng cho Tin Mừng” (Lc 10,1-12.17-20)
Kính thưa quý ÔBACE, vào năm 2024, một bộ phim hoạt hình ngắn dài chỉ 13 phút mang tựa đề “The 21” – với tựa tiếng Việt là “Hai mươi mốt chứng nhân” – do các nhà làm phim đến từ Ai Cập, Hoa Kỳ và Anh Quốc phối hợp sản xuất, đã gây xúc động sâu xa nơi người xem khắp thế giới.
Bộ phim tái hiện lại một sự kiện có thật, xảy ra vào tháng 2 năm 2015: 21 người đàn ông, phần lớn là công nhân nghèo Ai Cập theo đạo Coptic, cùng một người Ghana, đã bị nhóm khủng bố ISIS hành hình trên bờ biển Tripoli, Libya, chỉ vì họ tin vào Chúa Giêsu Kitô. Trong thời khắc cận kề cái chết, bọn khủng bố chỉ đưa ra một điều kiện duy nhất: “Chối bỏ Chúa Giêsu, rồi các ngươi sẽ được sống.” Nhưng không một ai trong số họ khuất phục. Họ không gào thét, không van xin, không phản kháng bằng bạo lực. Họ chỉ lặng lẽ quỳ xuống, cầu nguyện và thì thầm Danh Thánh Giêsu.
Khi bị lôi ra bãi biển, họ vẫn giữ một ánh mắt bình an, một đức tin rực cháy hơn cả ánh mặt trời trên bờ biển ngày hôm đó. Máu họ đổ xuống cát nóng và đức tin của họ đã chạm vào trái tim cả thế giới. Nhưng điều khiến người ta không khỏi xúc động hơn nữa, đó là một người trong nhóm – ban đầu không phải là Kitô hữu – khi chứng kiến các bạn mình kiên vững trong niềm tin, anh đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Tôi cũng tin vào Thiên Chúa của họ.” Anh đã chọn cùng chết với các bạn của mình. Với ánh mắt hướng lên trời, anh cũng ước mong được bước vào sự sống đời đời.
Kính thưa quý ÔBACE, Cái chết của 21 chứng nhân anh dũng của Đức Tin tại bờ biển Tripoli không chỉ là một sự kiện tang thương, nhưng còn là một bài giảng sống động và hùng hồn nhất về đức tin Kitô giáo trong thế kỷ XXI. Họ không cần giảng dài dòng, không cần cầm Thánh Kinh hay micro. Chỉ bằng lòng trung thành đến giây phút cuối cùng, họ đã loan báo Tin Mừng một cách rạng rỡ. Và nếu chúng ta suy ngẫm sự kiện này trong ánh sáng của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta sẽ nhìn thấy được, đây cũng chính là những điều Chúa Giêsu đã từng Loan báo về sứ mạng và số phận của những ai là môn đệ Ngài
Trong Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng. Ngài không bảo họ chuẩn bị tiền bạc, gậy gộc hay hành trang đầy đủ, cũng không hứa hẹn bảo vệ họ khỏi nguy hiểm. Trái lại, Ngài tuyên bố cho họ một cách rõ ràng và đầy thách đố rằng: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.”
Nếu dừng lại một chút để suy ngẫm về câu nói này của Chúa Giêsu, thoạt đầu chúng ta sẽ dễ rơi vào cảm giác sợ hãi và thất vọng, nhưng kỳ thật ẩn sâu trong câu nói này lại là một lời khích lệ chứa đầy sự hy vọng. Theo ngôn ngữ của Thánh Kinh thì “Chiên con” là hình ảnh của sự hiền lành, dễ tổn thương, yếu đuối và bất lực trước bạo lực. Còn “Bầy sói” là biểu tượng của hiểm nguy, bách hại, dữ tợn và đe dọa sự sống. Khi dùng hai hình ảnh tương phản này để nói về ơn gọi của người môn đệ, có lẽ Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ – và cả chúng ta hôm nay – hiểu rằng: Sức mạnh của người Kitô hữu không nằm ở sức mạnh, sự tự vệ, mà nằm ở lòng trung thành. Ngài cũng không hứa sẽ bảo vệ cho chúng ta khỏi mọi hiểm nguy thể lý, nhưng hứa ban cho chúng ta quyền năng từ trời: “Anh em sẽ giẫm lên rắn rết, bò cạp và mọi quyền lực kẻ thù mà không hề hấn gì.” Vì đích điểm và phần thưởng đích thật của người môn đệ không phải sự an toàn tạm thời dưới đất, mà là sự sống đời đời được đảm bảo trên Thiên Quốc.
Kính thưa quý ÔBACE, Có thể chúng ta hôm nay không bị bắt bớ, không bị giam giữ, không bị chĩa súng hay kề dao vào cổ để buộc chúng ta phải từ bỏ Đức Tin. Nhưng chúng ta đang sống giữa những thử thách âm thầm như: “Có dám sống thật khi giả dối được xem như một vỏ bọc an toàn? – Có dám nói thật khi sự im lặng được khuyên là khôn ngoan? – Có dám yêu thương và hy sinh khi thế giới ngày nay lại đề cao sự ích kỷ và hưởng thụ?”. Chúng ta cũng đang sống giữa “bầy sói” – nhưng ẩn dưới những dáng vẻ tinh vi hơn như: chủ nghĩa cá nhân, sự vô cảm, truyền thông độc hại, lối sống thực dụng và sự thỏa hiệp lương tâm. Và chính lúc này, Giáo hội đang cần những “chiên con” can đảm, dám sống Tin Mừng đến tận cùng. Không cần làm những điều phi thường, chỉ cần trung thành trong điều bé nhỏ mỗi ngày: sống ngay thẳng, yêu thương tha nhân, bảo vệ sự sống, bênh vực sự thật, và không ngại ngùng khi nói: “Tôi là Kitô hữu. Tôi tin vào Chúa Giêsu.”
Dâng Thánh Lễ hôm nay, chúng ta cùng cầu xin Chúa đánh thức trong chúng ta ơn gọi cao cả của người môn đệ của Chúa và xin Chúa cũng sai chúng ta ra đi làm chứng cho Tin Mừng Tình Yêu của Chúa giữa đời – “như chiên con đi vào giữa bầy sói” – với niềm tin không lay chuyển, lòng yêu mến không thỏa hiệp, và một niềm vui sâu thẳm rằng: “Tên của chúng ta đã được ghi trên Trời.” Amen.