25/02/2025
604
Bài giảng Lễ Chúa Nhật VIII TN - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN - NĂM C

Hc 27,4-71Cr 15,54-58Lc 6,39-45

Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 1 trích sách Huấn ca có nói: “Đừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người” nghĩa là làm sao?

Nghĩa là khi con người nói một lời nào đó thì lời đó không phải là lời nói gió bay, nhưng có giá trị trước mặt người khác, nói theo kiểu kinh thánh là lòng đây miệng mới nói ra, vì lời nó cho biết ý hướng của người đó là như thế nào, và nhiều khi người ta nói vui: Anh có quyền không nói, nhưng những lời anh nói sẽ là bằng chứng trước tòa”, lời nói quan trọng.

Nên để ý khi thẩm vấn trong thánh lễ phong chức, khi thẩm vấn đôi hôn nhân thì họ phải trả lời có, hoặc là không để cho người khác biết ý hướng của mình như thế nào.

Khi hỏi có tự do không, mà trả lời không có tự do thì làm sao mà cử hành bí tích hôn phối, hay có đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kito và hội thánh không, mà trả lời không, thì làm sao cử hành bí tích…

Nếu đọc ngược trở lại đoạn trên của sách huấn ca, thì tác giả nói: “Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thế ấy”.

Trong bài tin mừng Chúa Giêsu cũng nói: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”

Nhưng nếu đào sâu thì chúng ta thấy mặc dầu lời nói cho biết tư tưởng của con người, nhưng có thể nào cố định con người chỉ vì một vài lời nói hay không? Thưa không, vì tuy rằng lời nói xác định ý hướng của con người ngay lúc đó, nhưng con người có thể thay đổi, cái cây xấu cũng có thể cải tạo được, thì con người cũng có thể cải tạo được.

Chúng ta hãy nhớ trong kinh thánh có kể câu chuyện cây vả không ra trái: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi." (Lc 13, 6-9).

Hay câu chuyện về người cha có hai người con, để cho thấy con người có thể thay đổi, mặc dầu ban đầu là nói như vậy: “Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không muốn đâu! "Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây! " nhưng rồi lại không đi.” (Mt 21,28-30).

Nên chúng ta thấy mặc dầu lời nói, mặc dầu hành động có thể đánh giá một con người, nhưng không thể đánh giá con người một cách tuyệt đối, mà đánh giá tương đối thôi.

Nói như vậy không phải là mình muốn nói gì thì nói, nhưng khi nói thì phải cẩn trọng lời nói của mình, bởi vì chính lúc mình nói nó có thể ảnh hưởng đến chính mình, hoặc là nó sẽ ảnh hưởng đến người mà mình nói, mặc dầu biết rằng sau này mình có thể sửa sai được, sửa sai cho chính mình, hoặc sửa sai cho người khác như ông dakeu: “tôi xin bán tất cả tài sản mình có mà cho người nghèo, còn tôi làm thiệt hại ai điều gì, thì xin đền gấp bốn”, nhưng có những điều mà mình không thể sửa sai được cho người khác, vì lời nói của mình.

Một đêm lạnh giá, một tỷ phú gặp một ông già nghèo khó bên ngoài. Vị tỷ phú hỏi ông ta: "ông không cảm thấy lạnh khi ra ngoài và không mặc áo khoác sao?"

Ông già trả lời: "Tôi không có áo khoác nhưng tôi đã quen với điều đó. "Vị tỷ phú đáp: “Hãy đợi tôi. Tôi sẽ vào nhà ngay bây giờ và mang cho bạn một cái áo khoác".

 Người đàn ông tội nghiệp vô cùng hạnh phúc và nói rằng ông ta sẽ đợi ông ta. Vị tỷ phú bước vào nhà nhưng đột nhiên lại có công việc và bận rộn ở đó rồi quên mất người đàn ông tội nghiệp.

Sáng ra vị tỷ phú nhớ đến ông già đáng thương đó và ra ngoài tìm kiếm thì thấy ông đã chết vì lạnh, trước khi chết ông già đã viết lại 1 câu cuối trên tờ giấy trước khi chết: "Khi tôi không có quần áo ấm, tôi có đủ sức mạnh để chống lại cái lạnh vì tôi đã quen với điều đó. Nhưng khi ngài hứa giúp tôi, tôi đã tin vào lời hứa của ngài và điều đó đã lấy đi sức mạnh phản kháng lại cái lạnh của tôi. "

Xin cho mỗi người chúng ta biết cẩn trọng lời nói của mình, để lời nói của chúng ta đúng là hoa quả đích thực từ chính con người thật của mình phát ra, chứ không phải là lời nói gió bay, chứ không phải là lời nói chỉ mang tính tương đối. Amen.



Lm. Thái nguyên

Đạo đức giả

Tác giả sách Huấn Ca cho biết lời của một người nói ra cho ta biết được điều hay điều dở nơi người ấy: nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (Hc 27, 4-7). Điều này rất đúng khi lời lẽ thốt ra cách hồn nhiên, chân thành, chưa bị ngụy trang hay uốn nắn bởi những toan tính quanh co. Thực tế thì khó xét lòng người: “Tri nhân tri diện bất tri tâm”, nhưng nếu để xét lòng mình thì giáo huấn trên thật chính xác.

Hãy xét xem tôi thường nói những chuyện gì? Nói nhiều về điều gì thì chứng tỏ tôi quan tâm nhiều về điều ấy, hay nói cách khác tôi đã bị ám ảnh bởi điều ấy. Tôi thường phê bình chỉ trích hay nâng đỡ khích lệ? Điều này giúp tôi biết mình là người hẹp hòi hay rộng lượng; là người gây xáo trộn hay kiến tạo bình an. Khi nói về bản thân, giọng điệu của tôi ra sao? Điều này cho thấy tôi kiêu căng hay khiêm tốn.

Qua bài Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy vấn đề phức tạp không phải là người khác mà là bản thân ta: "Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới". Ai cũng dễ chủ quan, thấy cái rác trong mắt người mà không thấy cái xà trong mắt mình. Ai cũng thích sửa dạy người khác, nhưng lại không thích người khác sửa dạy mình; muốn thay đổi người khác nhưng không muốn thay đổi chính mình. Ca dao có câu: Chân mình cũng lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Chúng ta hay nóng lòng về tình trạng sai sót của người khác, đang khi bản thân mình có khi còn tệ hơn. Giáo huấn của Chúa Giêsu cho thấy: lo sửa người là kẻ đạo đức giả, lo sửa mình mới là người đạo đức thật.

Người xưa có câu: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Cũng từ đó mà ta thường rất hà tiện trong lời khen, nhưng lại rộng rãi trong tiếng chê. Một trong những tội con người dễ phạm nhất là hay xét đoán, hay nghĩ xấu và nghĩ sai cho người khác. Đang khi đó thì lại không nhìn lại mình, có khi tìm cách tránh né, không đủ can đảm để nhận sự thật về mình. Càng có địa vị và danh giá trong xã hội hay Giáo Hội, ta càng khó thấy những nhược điểm của mình, và càng khó chấp nhận sự góp ý của người khác. Sống trong cảnh mù tối về bản thân, nhưng lại mong dẫn dắt thiên hạ, điều đó quả là một mối họa!

Ai trong chúng ta cũng có thể trở thành những chuyên gia tìm ra tội những người khác và phê phán họ. Những kẻ hay phê phán không phải là những kẻ góp phần xây dựng thế giới, mà thường làm hư hại thêm. Khi muốn sửa lỗi người khác là ta muốn chiến thắng sự xấu trong thế gian, nhưng nếu ta không chiến thắng sự xấu trong mình thì ta vẫn thất bại. Điều này đòi ta phải sám hối và hoán cải, nghĩa là nhận ra mình là tội nhân. Tâm tình đó mới đưa ta lại gần anh em mà không còn thái độ kẻ cả. Chúng ta có bổn phận sửa lỗi cho nhau, nhưng vì biết mình luôn có thể lầm lỗi nên ta làm với tâm tình yêu thương và khiêm tốn.

Để cuộc sống được quân bình và triển nở tươi tốt ta hãy thường xuyên đặt mình trước mặt Chúa, xin Chúa soi sáng cho ta thấu rõ về bản thân của mình. Biết đón nhận sự sửa dạy, ta mới biết sửa dạy; biết thay đổi bản thân ta mới biết thay đổi người khác. Hãy phê bình mình trước khi phê bình anh chị em. Nhiều sự tranh chấp và ngổn ngang trong gia đình cũng như trong cộng đoàn là vì ta không biết nhận lỗi mà cứ đổ lỗi. Chỉ có thể sửa lỗi cho người khác khi ta không tự hào về mình, không còn bị thúc đẩy bởi tham vọng muốn thống trị.

Không có gì làm ta mù quáng cho bằng để ý đến lỗi lầm của người khác. Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng mất công tìm trái vả nơi bụi gai, hay tìm quả nho nơi bụi rậm. Nơi cây nào thì tìm nơi cây ấy. Bài học này có thể áp dụng cho việc đánh giá về người khác và về chính bản thân mình. Chúng ta chỉ thực sự mỗi ngày nên tốt khi biết sống từ tâm, biết cảm thông và đón nhận mọi người trong tình trạng của họ. Ai cũng cần có thời gian và ơn thánh Chúa để đổi mới dần dần.

Đừng quên rằng, chúng ta muốn lấy cái rác trong mắt của người khác, nhưng người khác cũng muốn lấy cái rác trong mắt ta. Điều đó giúp ta quân bình hóa cái nhìn và thái độ của mình khi ứng xử. Tình yêu thương là điều cốt yếu để cải hóa mình và cảm hóa tha nhân. Vì thế, từ gia đình đến bên ngoài, lúc nào chúng ta cũng cần sống tốt với nhau, nhìn tốt về nhau, nói tốt cho nhau để đem lại an bình và hạnh phúc cho nhau. Biết để ý khám phá những cái tốt nơi nhau, chúng ta sẽ làm mờ nhạt những cái xấu dần dần, và tạo nên một thế giới mới xung quanh.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúng con dễ chủ quan và thiển cận,
bởi vì nhìn từ lăng kính của mình,
nên dễ bị sai lầm và ngộ nhận,
khi vội vàng mà xét đoán tha nhân.

Cái xà trong mắt mình thì không thấy,
lại thấy rác trong mắt của anh em,
cái sai của chính mình cho là nhỏ,
còn cái sót của người biến thành to.

Thế là con cứ chăm lo sửa dạy
tự cho mình một tính cách là thầy,
và cử tưởng ta đây là hoàn hảo,
nên lúc nào cũng ra vẻ thanh cao,
đi đâu cũng muốn được vái chào,
đâu ngờ rằng mình cũng chẳng ra sao.

Chúa cho vậy là người đạo đức giả,
vì bản thân vẫn chưa được cải hóa,
chưa ra sao mà đã tự nâng cao,
lo sửa người mà chẳng biết sửa mình,
không thấy bao sai trái cần điều chỉnh,
cứ vô tình trong lối sống vô minh.

Xin cho con biết bản thân,
để con đổi mới tinh thần từ tâm,
biết con yếu đuối lỗi lầm,
nên đừng khe khắt giam cầm nhân sinh.

Biết con che đậy giả hình,
nên cần chân thật sống tình yêu thương,
biết con cũng thích phô trương,
nên cần ăn ở khiêm nhường đơn sơ.

Biết con hay sống bâng quơ,
nên cần sốt sắng phụng thờ Chúa luôn,
biết con chỉ thích nói suông,
nên cần hành động khơi nguồn tin yêu. Amen.


 

Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Vào một ngày nọ, một con tê giác mon men xuống bờ suối uống nước, bổng nghe thấy tiếng chú chim chích choè hót líu lo trên cành cây. Thế là, nó cảm thấy bực mình thét thật to: Im đi, cái con chim xấu xí kia, mầy không thấy tao đang uống nước sao?”. Chim chích choè, như bị tổn thương phản ứng lại: Bộ ông đẹp lắm sao, mà lại chê tôi xấu này xấu nọ? Ông thử soi cái bản mặt ông xuống nước đi, rồi sẽ biết.Con tê giác lèm bèm: Soi thì soi, ai mà không biết ta là người hoàn hảo. Nhưng vừa nhìn xuống mặt nước, con tê giác nhà ta bỗng giật mình, vì khám phá một chiếc sừng quái dị, nằm ngay trên chiếc mũi của mình. Thế là con tê giác tự cảm thấy xấu hổ, nên vội vàng bỏ đi.

Trong cuộc sống thực tế, chúng ta rất dễ nhìn thấy những điểm đen, chỗ khiếm khuyết hay những tật xấu của người khác hơn là của mình, giống như một người đeo hai cái giỏ. Cái giỏ phía trước mặt thì đựng những sai lỗi của người khác, còn cái giỏ phía sau lưng thì chất đầy những sai lỗi của bản thân. Vì thế, ta thường nhìn thấy rất rõ những sai lỗi của người khác, để rồi lên tiếng phê bình một cách gay gắt và chỉ trích một cách thậm tệ. Trong khi đó, những sai lỗi của bản thân thì lại chẳng nhìn thấy. Và nếu có nhìn thấy chăng nữa, thì cũng sẽ đưa ra một ngàn lẻ một lý do để bênh vực và bào chữa.

Đôi khi người anh em nào đó đã lỡ sai phạm lỗi lầm, ta hay mở miệng chỉ trích, nói này nói nọ. Thậm chí, ta buông lời hạ nhục gây tổn thương cho họ, mà ta vẫn cảm thấy bình thường như thể không có chuyện gì xy ra. Dường như, ta thích kết án người khác hơn là thông cảm với những bất toàn của họ. Và ngược lại, khi bản thân của ta nhiều lúc phạm sai lầm, hầu như ta sẽ tìm mọi cách, đưa ra đủ lý do để biện minh, bảo vệ cho những sai lầm của mình. Không biết những điều tôi vừa nói, có đúng không?

Nếu ai cảm thấy đúng như thế, tôi nghĩ cũng nên khiêm tốn ghi nhớ lời Chúa Giêsu dạy, qua đoạn Phúc âm Thánh Luca mà chúng ta vừa nghe. Anh em hãy lấy cái xà, ra khỏi con mắt của mình trước đã; rồi ta mới thấy rõ, mà lấy cái rác trong con mắt của người anh em mình. Điều đó Chúa muốn nhắc rằng: Con người là “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là không có ai là hoàn hảo hết. Nếu đọc lại Kinh Thánh, ta đã thấy Sách Thánh Vịnh cũng đã khẳng định điều đó: “Người công chính, mỗi ngày còn bị sai lỗi tới bảy lần”. Vì là thân phận con người mỏng dòn, yếu đuối dễ vỡ như chiếc bình sành, ta có thể vấp ngã bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Giống như ông bà xưa có câu “Bảy mươi chưa gọi là lành”.

Sở dĩ đến ngày hôm nay, mỗi chúng ta vẫn còn đang sống đẹp lòng Chúa, không phải do ta tốt lành và thánh thiện, mà do tình thương của Chúa quá lớn, có thể xí xóa và quên hết mọi tội lỗi của ta. Hơn nữa, Ngài còn ban cho ta đủ mọi thứ ơn, để cho ta đủ sức và đủ nghị lực chống lại mọi cơn cám dỗ; nhất là tội kiêu ngạo, là tội đứng đầu trong bảy mối tội đầu.

Có lần Đức Hồng y Verdier, Tổng Giám Mục Giáo phận Paris (nước Pháp), đã tâm sự như thế này: Từ khi tôi lên làm Tổng Giám mục, tôi bị mất ba điều quí giá:

- Một là mất tự do, vì công việc mục vụ quá nhiều nên không còn được làm việc mình thích, mà tập thích những việc mình đang làm.

- Hai là mất bạn bè, vì ai cũng ngại tiếp xúc tránh xa.

- Ba là không được nghe sự thật, vì kính nể nên ai cũng nói tốt về mình, khiến tôi không biết tôi như thế nào, nên rất dễ dẫn đến sự kiêu ngạo và tự cao.

Vời tâm sự thật lòng của Đức Hồng Y Verdier, muốn nhắc mỗi người chúng ta cần phải thường xuyên xét mình, kiểm điểm lại cuộc sống. Trong mối tương quan với Chúa, với anh em và với bản thân, xem coi có gì là trục trặc bất ổn không.v.v.

Việc xét mình thường xuyên giống như chúng ta soi gương xem coi chỗ nào dơ bẩn, ta có thể cọ rửa lau chùi cho sạch sẻ, mát mẻ. Khi đặt ta trước mặt Chúa để xét mình, điều đó giúp ta gần gũi với Chúa hơn, như người con tâm sự với Cha của mình; và đồng thời nó giúp cho ta hiểu rõ về bản thân của mình hơn.

Giống như lời cầu nguyện, mà Thánh Augustinô tâm sự với Chúa mỗi ngày:Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Biết Chúa để nhờ đó, con sẽ yêu mến Chúa nhiều hơn. Biết con để nhờ đó, con sẽ uốn nắn sửa đổi những sai lỗi của mình, hầu luôn sống đẹp lòng Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những con người yếu đuối, đầy dẫy những khuyết điểm. Đứng trước những khuyết điểm của người khác, xin Chúa cho chúng con biết cảm thông và tha thứ, như Chúa đã từng tha thứ cho những kẻ tội lỗi trong Phúc Âm. Còn đứng trước những sai phạm của bản thân, xin Chúa giúp chúng con biết nhận lỗi, xin lỗi và nhất là sửa lỗi; để chúng con có thể hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày, và ước ao luôn luôn sống đẹp lòng Chúa. Amen.




Lm Trầm Phúc

Đoạn Tin Mừng hôm nay gồm tóm nhiều vấn đề. Có thể thánh sử gom lại trong một chương nhiều bài học đó đây của Chúa Giêsu. Những bài học nầy cho chúng ta thấy nhiều khía cạnh của đời sống kytô hữu và bổn phận của một vài hạng người trong Giáo Hội sơ khai.

Dụ ngôn người mù dẫn dắt người mù nhắm đến những người có trách nhiệm hướng dẫn người khác. Thánh sử muốn nói đến những người điều khiển cộng đoàn thời sơ khai, nhưng cũng nói đến những bậc có nhiệm vụ hướng dẫn người khác như giám mục, linh mục và những người có nhiệm vụ hướng dẫn như cha mẹ, thầy dạy hay lãnh đạo các hội đoàn. Những người có trách nhiệm hướng dẫn người khác phải sáng suốt, khôn ngoan.

Muốn sáng mắt, chúng ta có một nguồn ánh sáng chiếu soi mọi người đến trong trần gian nầy, chính là Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Hãy đến với Ngài, học với Ngài, sống với Ngài. Như thế, chúng ta sẽ trở thành ánh sáng. Chúng ta sẽ thấy được cái xà trong con mắt của mình, chúng ta sẽ không tròng trành giữa những học thuyết sai lầm, nhưng vững bước trên đường theo Chúa.

Theo Chúa. Chúa mời gọi mọi người không trừ ai. Chúa Giêsu đến trong trần gian là để soi sáng cho mọi người, biến mọi người thành con Cha trên trời. Vì thế mọi người được mời gọi sống thân mật với Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu, đến với Chúa Cha. Hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết mình là con Thiên Chúa ! Giữ đạo là nhìn nhận rằng mình là con Thiên Chúa và sống thế nào để xứng đáng với danh nghĩa ấy. Chúng ta chỉ là tro bụi, nhưng tro bụi nầy đã được yêu thương. Yêu thương đến nỗi Chúa Cha trao ban chính Con mình, sai xuống thế gian để chia xẻ kiếp người với chúng ta, đưa chúng ta từ chốn tối tăm tới nơi sáng láng lạ lùng của Ngài. Giữ đạo là sống trorng tình yêu đó. Và để cho tình yêu đó trọn vẹn, Chúa Giêsu đã trở nên một của ăn để sống với chúng ta. Ngài khiêm tốn đến nỗi hoá thân làm một tấm bánh để chúng ta nuốt Ngài vào trong chúng ta. Ăn lấy Chúa của mình ! Chúng ta là gì mà được nhận lãnh môt hồng ân tuyệt vời như thê ? Chúng ta có cảm thấy rằng đó là một hồng ân tuyệt hảo không ?

Nhưng ăn lấy Chúa để làm gì ? Rất nhiều tín hữu vẫn chưa biết ăn Chúa để làm gì và họ xem như một thói quen, một thủ tục. Một sai lầm của rất nhiều người. Họ rước lễ, cám ơn Chúa bằng một vài lời ngắn ngủi rồi bỏ Chúa đó, lo đi làm việc mà quên Chúa, chỉ nhớ Chúa lúc nào đọc kinh. Đó là một sự thiếu sót của rất nhiều người. Chúng ta ăn lấy Chúa, Chúa đến trong xương thịt chúng ta, có thể nói, chúng ta cùng một xương thịt với Ngài, chúng ta phải sống với Ngài liên lỉ, có thể nói là 24 trên 24, và nhờ sự thân mật đó, chúng ta mới hiểu được tình yêu Chúa êm dịu như thế nào. Có thể nói Chúa dẫn chúng ta vào tình yêu, tỏ cho chúng ta thấy tình yêu Chúa êm đềm và ngọt dịu như thế nào. Chúng ta mới thấy được phần nào hạnh phúc của chúng ta.

Được tháp vào Chúa Giêsu như cành nho với cây nho, chúng ta trở thành một cây tốt sinh trái tốt. Lúc đó, chúng ta mới đầy tràn sự sống của Chúa. Chúng ta sẽ sống liên lỉ với Chúa. Tất cả đời sống của chúng ta tràn đầy tình yêu Chúa. Chúng ta trở thành nhân chứng cho tình yêu Chúa.