GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN - NĂM C
Hc 27,4-7; 1Cr 15,54-58; Lc 6,39-45
Tôma Lê Duy Khang
Bài đọc 1 trích sách Huấn ca có nói: “Đừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người” nghĩa là làm sao?
Nghĩa là khi con người nói một lời nào đó thì lời đó không phải là lời nói gió bay, nhưng có giá trị trước mặt người khác, nói theo kiểu kinh thánh là lòng đây miệng mới nói ra, vì lời nó cho biết ý hướng của người đó là như thế nào, và nhiều khi người ta nói vui: Anh có quyền không nói, nhưng những lời anh nói sẽ là bằng chứng trước tòa”, lời nói quan trọng.
Nên để ý khi thẩm vấn trong thánh lễ phong chức, khi thẩm vấn đôi hôn nhân thì họ phải trả lời có, hoặc là không để cho người khác biết ý hướng của mình như thế nào.
Khi hỏi có tự do không, mà trả lời không có tự do thì làm sao mà cử hành bí tích hôn phối, hay có đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kito và hội thánh không, mà trả lời không, thì làm sao cử hành bí tích…
Nếu đọc ngược trở lại đoạn trên của sách huấn ca, thì tác giả nói: “Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thế ấy”.
Trong bài tin mừng Chúa Giêsu cũng nói: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”
Nhưng nếu đào sâu thì chúng ta thấy mặc dầu lời nói cho biết tư tưởng của con người, nhưng có thể nào cố định con người chỉ vì một vài lời nói hay không? Thưa không, vì tuy rằng lời nói xác định ý hướng của con người ngay lúc đó, nhưng con người có thể thay đổi, cái cây xấu cũng có thể cải tạo được, thì con người cũng có thể cải tạo được.
Chúng ta hãy nhớ trong kinh thánh có kể câu chuyện cây vả không ra trái: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi." (Lc 13, 6-9).
Hay câu chuyện về người cha có hai người con, để cho thấy con người có thể thay đổi, mặc dầu ban đầu là nói như vậy: “Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không muốn đâu! "Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây! " nhưng rồi lại không đi.” (Mt 21,28-30).
Nên chúng ta thấy mặc dầu lời nói, mặc dầu hành động có thể đánh giá một con người, nhưng không thể đánh giá con người một cách tuyệt đối, mà đánh giá tương đối thôi.
Nói như vậy không phải là mình muốn nói gì thì nói, nhưng khi nói thì phải cẩn trọng lời nói của mình, bởi vì chính lúc mình nói nó có thể ảnh hưởng đến chính mình, hoặc là nó sẽ ảnh hưởng đến người mà mình nói, mặc dầu biết rằng sau này mình có thể sửa sai được, sửa sai cho chính mình, hoặc sửa sai cho người khác như ông dakeu: “tôi xin bán tất cả tài sản mình có mà cho người nghèo, còn tôi làm thiệt hại ai điều gì, thì xin đền gấp bốn”, nhưng có những điều mà mình không thể sửa sai được cho người khác, vì lời nói của mình.
Một đêm lạnh giá, một tỷ phú gặp một ông già nghèo khó bên ngoài. Vị tỷ phú hỏi ông ta: "ông không cảm thấy lạnh khi ra ngoài và không mặc áo khoác sao?"
Ông già trả lời: "Tôi không có áo khoác nhưng tôi đã quen với điều đó. "Vị tỷ phú đáp: “Hãy đợi tôi. Tôi sẽ vào nhà ngay bây giờ và mang cho bạn một cái áo khoác".
Người đàn ông tội nghiệp vô cùng hạnh phúc và nói rằng ông ta sẽ đợi ông ta. Vị tỷ phú bước vào nhà nhưng đột nhiên lại có công việc và bận rộn ở đó rồi quên mất người đàn ông tội nghiệp.
Sáng ra vị tỷ phú nhớ đến ông già đáng thương đó và ra ngoài tìm kiếm thì thấy ông đã chết vì lạnh, trước khi chết ông già đã viết lại 1 câu cuối trên tờ giấy trước khi chết: "Khi tôi không có quần áo ấm, tôi có đủ sức mạnh để chống lại cái lạnh vì tôi đã quen với điều đó. Nhưng khi ngài hứa giúp tôi, tôi đã tin vào lời hứa của ngài và điều đó đã lấy đi sức mạnh phản kháng lại cái lạnh của tôi. "
Xin cho mỗi người chúng ta biết cẩn trọng lời nói của mình, để lời nói của chúng ta đúng là hoa quả đích thực từ chính con người thật của mình phát ra, chứ không phải là lời nói gió bay, chứ không phải là lời nói chỉ mang tính tương đối. Amen.