
GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN - NĂM C
Lời Chúa: Is 6,1-2a.3-8; 1Cr 15,1-11; Lc 5,1-11
Tôma Lê Duy Khang
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Thiên Chúa đến và gọi con người đến với Chúa để làm công việc của Chúa, Thiên Chúa gọi Isaia, Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên, Chúa Giêsu gọi Phaolô làm tông đồ của Chúa.
Nhưng tất cả chúng ta thấy có một điểm chung: Thiên Chúa ngài là Đấng Thánh. Không phải một lần Thánh mà là ba lần Thánh. Ngài đến để gọi những con người tội lỗi. Hay nói cách khác, Chúa yêu thương người tội lỗi.
Nếu nói như vậy, người công chính thì sao? Vì có lần Chúa nói: “Ta đến để kêu gọi người tội lỗi chứ không phải kêu gọi người công chính”, thưa kêu gọi người tội lỗi để giúp họ trở nên công chính, và người tội lỗi mà Chúa kêu gọi để làm việc của Chúa. Vì Chúa biết trước, họ sẽ biến đổi trở nên công chính để phục vụ công việc của Chúa. Nếu để ý, thì sau đó Chúa Giêsu đã nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần”.
Nói như vậy, để chúng ta thấy Chúa yêu thương người tội lỗi chứ không phải chỉ yêu thương người công chính, nhưng tình yêu này chúng ta phải hiểu như thế nào cho đúng? Hay nhiều khi chúng ta lý luận nếu người tội lỗi mà Chúa còn thương, thì huống chi nếu chúng ta sống tốt lành thánh thiện, thì chắc chắn Chúa càng thương hơn nữa. Như vậy phải hiểu như thế nào, phải giải thích như thế nào, về tình yêu của Chúa giữa người tội lỗi và người công chính.
Chúng ta hãy nhớ sau khi Chúa Giêsu sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ, lúc đó không có Tôma ở đó với các ông, nên khi Tôma trở về các môn đệ khác nói: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tôma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Tôma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"
Chúng ta để ý câu nói của Chúa: “Phúc cho ai không thấy mà tin”, nghĩa là làm sao? Nghĩa là đó là những con người đón nhận Chúa thật sự, mặc dầu không thấy Ngài, thì đáng là người có phúc. Còn những người đã biết Chúa, đã thấy Chúa, mà không tin Chúa thì làm sao mà có phúc được.
Hay nói cách khác, đó là Chúa vẫn ban ơn của Chúa đến cho con người, nhưng con người không đón nhận thì làm sao được gọi là người có phúc: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3,20), hay “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Ga 1,11-12).
Như vậy, Chúa thương chúng ta là vì chúng ta biết đón nhận tình thương của Chúa, biết đáp lại tình thương đó trong cuộc đời, chứ không phải thương theo kiểu thiên vị của con người chúng ta, do con người làm điều này, làm điều kia cho Chúa, ăn chay bao nhiêu lần, giữ bao nhiêu luật, đóng góp bao nhiêu tiền…. không phải điều đó, mà là con người có đón nhận Chúa, có thay đổi chính mình, để chính mình trở nên hoàn thiện hay không, nghĩa là mọi sự đều phụ thuộc nơi con người, còn đối với Chúa thì Ngài thương tất cả.
Nơi con người của chúng ta thường có tình trạng như vậy, thương hay ghét theo cái nhìn chủ quan của mình. Tình thương theo cảm tính, chứ không phải tình thương theo lý trí. Ai nịnh bợ, ai hay tặng quà cáp, ai hay vuốt đuôi lươn thì thương. Trái lại, ai nói sự thật, ai hay chống đối, ai không nịnh bợ thì ghét, không cần biết người đó tốt hay xấu. Chính vì thế, điều này thường dẫn đến tình trạng bất công. Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài không hành xử bất công như vậy.
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được rằng Chúa đến kêu gọi những người tội lỗi. Chúa yêu thương người tội lỗi, trong đó có cả mỗi người chúng ta nữa để kéo chúng ta trở về tình trạng công chính. Chính vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy thay đổi đời sống của mình để đón nhận tình yêu của Chúa. Có như thế, chúng ta mới xứng đáng với ơn gọi của Ngài. Amen.
Lm Trầm Phúc
Chúa Giêsu rao giảng và người ta đến với Ngài đông đến nỗi Ngài phải nhờ đến ông Phêrô cho Ngài ngồi trên thuyền để giảng vì không thể nào giảng được nếu đứng trên bờ, vì dân chúng quá đông. Chúng ta có mê Chúa như dân đó không ? Chúng ta có thích lắng nghe lời Chúa không ? Hay là chúng ta cảm thấy chán buồn không muốn cầm tới quyển Tân Ước ? Xin Chúa cho chúng ta biết ham muốn Lời Chúa, siêng năng đọc Lời Chúa, yêu mến một cách tha thiết Lời Chúa, nuôi dưỡng tâm hồn bằng Lời Chúa. Như thế, chúng ta mới tiến triển trong tình yêu Chúa.
Giảng xong. Chúa lại bảo ông Simon ra khơi thả lưới. Thường người ta thả lưới vào ban đêm, giờ nầy mà thả lưới thì có cá đâu mà bắt ? Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Và ông đã bắt được rất nhiều cá. Nếu chúng ta vâng lời Thầy như ông Simon, chắc chúng ta đã làm được nhiều việc tốt lành cho Giáo Hội và cho mọi người. Nhưng hình như chúng ta chỉ làm theo ý riêng hay làm vì danh chứ không phải vì Chúa. Trong các giáo xứ, các hội đoàn, các ca đoàn thi nhau làm việc, nhưng mấy hội đoàn đã làm việc cho Chúa thực sự ? Tranh nhau để được người ta khen, để thấy kết quả của việc mình làm mà không nghĩ đến quyền lợi của Chúa. Mấy người đã dám nói như Simon: “Vâng lời Thầy con thả lưới”?
Simon, khi thấy mẻ lưới đầy cá, nhận thấy rằng mình chẳng là gì cả. Ông sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi!” Lúc nầy ông không gọi Chúa Giêsu là Thầy nữa mà gọi là Chúa. Ông nhìn nhận rằng Người ở trên thuyền của ông không phải là một người nữa mà là một Đấng cao cả. Đứng trước con người đó, ông nhìn nhận mình chỉ là con người tội lỗi mà thôi. Trước mặt Chúa, chúng ta có cảm thấy mình chỉ là một người tội lỗi không ? Những việc chúng ta làm, nếu không do ơn Chúa chỉ là tro bụi mà thôi. Thiên Chúa chỉ yêu thích những người khiêm nhường. Ông Simon đã khiêm tốn nhận mình là người tội lỗi, Chúa Giêsu chấp nhận ông và gọi ông, ban cho ông địa vị cao cả là đầu của các tông đồ. Chúa Giêsu đã nói: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”.
Chúng ta hãy đến với Chúa trong tâm trạng của Simon, nghĩa là khiêm tốn và thành thật. Chúa sẽ chấp nhận chúng ta như đã chấp nhận Simon. Nhưng chúng ta phải dám xông pha ra khơi để mang về cho Chúa nhiều linh hồn như Chúa vẫn mong ước. Chúa không từ chối một ai, Chúa chấp nhận mọi cố gắng của chúng ta, dù nhỏ bé và hèn mọn. Chính Chúa đã không ngại mang lấy kiếp người của chúng ta để cứu vớt chúng ta, thì Ngài không chê sự hèn yếu của chúng ta, cũng như Ngài không chê sự dốt nát của Simon. Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài để cứu vớt anh em chúng ta. Mỗi người một môi trường, một hoàn cảnh, và chúng ta có thể trở nên những kẻ chinh phục anh em chúng ta, miễn là chúng ta không từ chối dấn thân.
Chúa vẫn không để chúng ta hoạt động một mình. Ngài đến với chúng ta hằng ngày. Ngài dám cho chúng ta nuốt Ngài vào trong chúng ta, để thành một xương một thịt với chúng ta. Hãy cùng với Ngài trở thành kẻ chinh phục người ta như Simon. Chỉ cần chúng ta dám vâng theo lời Chúa như Simon xưa. Hạnh phúc cho chúng ta biết bao vì Chúa luôn làm việc với chúng ta. Đừng ngại, vì Chúa luôn ở với chúng ta.