01/04/2025
357
Bài giảng Lễ Chúa Nhật V MC - Giáo phận Mỹ Tho


















 

GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT V MÙA CHAY - NĂM C

Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sự khôn khéo của Chúa, để giúp giải thoát cho người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình, cũng như giúp cho những người khinh sư và Pharisieu ăn năn sám hối, nhìn nhận ra lầm lỗi thiếu sót của mình.

Và chúng ta thấy cách thức khôn ngoan của Chúa đó là sự kiệm lời, từ từ dẫn người ta đến lòng sám hối, để cho họ tự thấy con người của họ, nên người khôn ngoan, thường người ta ít nói, mà nói câu nào là chính đáng câu đó.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện của vua Đavit cướp vợ Urigia, tiên tri Nathan được sai đến, ngay từ ban đầu ngày không có nói trực tiếp, mà ngài kể một câu chuyện: “Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái. Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông." Vua Đa-vít bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Na-than: "Có ĐỨC CHÚA hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót." Ông Na-than nói với vua Đa-vít: "Kẻ đó chính là ngài! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Ít-ra-en, chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un.

Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Na-than: "Tôi đắc tội với ĐỨC CHÚA. (x2Sm, 12, 1-13).

Áp dụng vào đời sống của chúng ta, để có thể khôn ngoan giúp người khác ăn năn sám hối, chúng ta không phải chỉ dựa vào mình, dựa vào sự khôn ngoan của mình, mà điều quan trọng đó là phải dựa vào lời dạy của Chúa, phải được Chúa soi sáng hướng dẫn nữa, như câu chuyện của Nathan, chỉ cho Đavit thấy cái sai của mình.

Mà một cách cụ thể trong tin mừng Chúa dạy trong việc sửa lỗi anh em: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 18, 15-17).

Chúng ta thấy nếu con người không có sự hướng dẫn của Chúa, không làm theo sự hướng dẫn của Chúa, thì sẽ làm theo ý riêng mình, mà ý riêng mình, thì làm sao có hiệu quả được, mặc dầu có hiệu quả đó, nhưng có hiệu quả nhất thời, thậm chí là không hiệu quả.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của thánh Giuse và Đức Mẹ, chúng ta khen thánh Giuse là người công chính, không phải ông công chính mà ông còn là người cong chính hơn, công chính là người sống theo luật dạy, đáng lẽ khi biết Mẹ Maria mang thai ông phải báo, ông phải viết giấy ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà theo luật, nhưng ông đã định tâm bỏ mẹ Maria ra đi cách kín đáo.

Định tâm là làm theo ý mình, nhưng chúng ta nói hành vi đó là công chính hơn, thì đúng là công chính hơn, vì nhận phần lỗi về mình, phần thiệt về mình, nhưng công chính hơn này là làm theo ý của mình, nếu ông làm theo ý mình, thì kế hoạch của Thiên Chúa sẽ như thế nào, chỉ có hiệu quả nhất thời mà thôi.

Chính vì thế, mà Thiên chúa sai thiên thần báo mộng cho Giuse để ông thực thi thánh ý của Thiên Chúa, và ông đã thực thị thánh ý của Thiên Chúa, nên ông mới đúng là người công chính hơn thật sự, công chính hơn theo nghĩa không phải sống theo người đời, mà công chính hơn trước mặt Chúa, đó mới là điều đáng quý.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để chúng ta biết ăn năn sám hối, biết kêu gọi người khác ăn năn sám hối, biết khôn ngoan sống theo thánh ý của Chúa, có như thế, việc làm của chúng ta mới có hiệu quả cáo như ý Chúa muốn. Amen.

 

 

Lm Trầm Phúc

Trong đoạn Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay, cho chúng ta thấy một nét đặc biệt của Chúa Giêsu đó là lòng nhân từ của Ngài. Lòng nhân hậu đó được biểu lộ trong nhiều trường hợp trong Tin Mừng, nhưng ở đây, câu chuyện mang một sắc thái riêng.

Chúa Giêsu đang giảng cho dân trong Đền Thờ. Các kinh sư và nhón Pharisêu  đẫn đến trước mặt Chúa một người nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ nói với Ngài : “ Thưa Thầy, người đàn bà nầy bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền là phải ném đá hạng đàn bà đó. Thầy nghĩ sao ?” Thánh Gioan chú thích rằng họ nói thế nhằm  thử Người, để có cớ tố cáo Người. Mấy ông kinh sư và Pharisêu vẫn mong làm mất uy tín hay làm hại Chúa Giêsu bằng mọi cách. Đây là một dịp tốt và họ vui mừng vì thế nào họ cũng thắng.

Người đàn bà khốn khổ nầy được dẫn đến với Chúa Giêsu trong Đền thờ, trước mặt dân chúng đang lắng nghe Ngài giảng. Họ đẫy người đàn bà quì xuống trước mặt Chúa Giêsu. Chúng ta biết rằng người Do thái rất nhạy cảm trước những trường hợp nầy. Họ không tiếc lời nhục mạ hạng đàn bà mất nết nầy. Mấy ông chức sắc đang hí hửng vì thế nào họ cũng thắng vì vấn đề không có lối thoát. Nếu Chúa Giêsu bảo phải ném đá, thì Ngài không làm gì khác, Ngài cũng như mọi người thôi, nhưng nếu Ngài bảo phải tha thì chúng tôi sẽ ném đá người nữ và cả ông nữa vì ông dám cãi luật Môsê.

Chúa Giêsu làm gì ? Ngài ngồi xuống đất và lấy ngón tay viết cái gì đó trên cát và không nói tiếng nào. Mấy ông Pharisêu và kinh sư thấy mình thắng rồi nên hối thúc : “ Thưa Thầy, Thầy nghĩ sao ?” Chúa Giêsu ngước lên và chỉ nói một câu : “ Trong các ông, ai không có tội thì ném đá trước đi !” Rồi Ngài tiếp tục viết trên cát.

Thánh Gioan viết tiếp : Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Người lớn tuổi thì nhiều tội hơn. Họ đi hết rồi, chỉ còn người đàn bà và Chúa Giêsu ở giữa đám dân. Chúa Giêsu đứng dậy và hỏi :     “ Họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” Người đàn bàn thưa : “ Thưa không ai cả”. Chúa Giêsu nói : “ Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Hãy về đi và đừng phạm tội nữa”. Một lời nói đơn sơ nhưng chứa cả một tình thương vô bờ.

Người đàn bà vui mừng biến mất vì nàng thoát án tử.

Câu chuyện trên đây giúp chúng ta nhìn lại bản thân, nhìn về Chúa Giêsu. Ngài là Đấng ba lần thánh, nhưng Ngài đã trở nên  như chúng ta, mang lấy xác thịt nặng nề của chúng ta, chết cho chúng ta để chúng ta được sống lại với Ngài trong tình thương của Cha trên trời. Ngài đến, không phải để được vinh danh, nhưng đến để tìm kiếm những gì đã hư mất. Trong câu chuyện người đàn bà ngoại tình nầy, chúng ta thấy khuôn mặt từ bi đáng yêu của Chúa chúng ta.

Các ông Pharisêu đắc thắng nhưng lại thất bại ê chề. Nhiều người trong chúng ta cũng giống như các ông Pharisêu, tự mãn và tưởng mình công chính hơn những người khác, và lên án những ai không giống như họ. Chúa Giêsu đến cho họ một bài học đích đáng. Đứng trước Chúa Giêsu, nghe tiếng nói đơn sơ của Ngài : “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá trước đi”. Họ mới nhận ra rằng họ không hơn gì những người khác, và họ âm thầm bỏ đi nơi khác.

Chúng ta hãy nhìn nhận rằng mình không tốt hơn ai, chỉ mong Chúa thương tha thứ những lỗi lầm trót phạm và quyết tâm theo Chúa. Bài học Chúa dạy cho những ông Pharisêu  cũng là bài học Chúa dạy chúng ta. Hãy chân thành nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và sửa sai để tình yêu của chúng ta đối với Chúa chân thành và khiêm tốn hơn.

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đến với chúng ta, chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Ngài không đến như một người đầy quyền lực, nhưng khiêm tốn và nhỏ bé, một tấm bánh thôi, nhưng đầy ấp tình thương. Ngài biết chúng ta được nhồi nắn bằng gì. Ngài chỉ muốn tha thứ và giúp chúng ta nhận biết tình yêu của Ngài và đáp trả. Hãy ăn lấy Ngài và sống với Ngài chân thành và khiêm tốn như Ngài.

 

Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Câu chuyện: người phụ nữ ngoại tình, trong Tin Mừng, gợi cho tôi nhớ đến một vài sự kiện:

Cách nay vài năm: nước Iraq nổi lên phong trào giới trẻ ăn bận theo “Kiểu bụi” (punky) của Mỹ khá lạ: quần jean bó sát đùi, áo thun in hình đầu con thú, càng kỳ quái, là càng sành điệu. Đặc biệt là mái tóc cắt tỉa và nhuộm màu theo kiểu dị hợ. Phong cách ăn bận quái dị này, đã bị nhóm chiến binh Shi'ite lên án, và ném đá chết đến 14 người. Nhóm Shi'ite này, còn cảnh cáo rằng: bất kể là nam hay nữ, trong vòng 4 ngày, nếu không từ bỏ cách ăn bận lố lăng này, sẽ tiếp tục bị ném đá cho đến chết.

Mới đây, một phụ nữ Somalia, 20 tuổi bỏ chồng, đã bị đám đông, khoảng 200 người chôn sống nửa người, rồi ném đá cho đến chết, vì cô ta đã phạm tội ngoại tình còn người bạn trai của cô ta, thì chỉ bị đánh đòn 100 roi, theo luật của Hồi giáo ở niềm nam Somalia (vì anh ta chưa có gia đình).

Còn ở Inđônêxia, năm 2009, luật Sharia của Hồi giáo, được sửa đổi, người phạm tội ngoại tình, không còn bị hình phạt ném đá đến chết nữa, họ chỉ bị ngồi tù hoặc bị phạt tiền.

Thế còn, ở Việt nam, người phạm tội ngoại tình, sẽ bị phạt thế nào?

Theo Bộ luật hình sự mới, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, người nào đang có vợ, có chồng mà chung sống với một người khác như vợ chồng, hoặc là người chưa vợ, chưa chồng mà chung sống với người đã có vợ, có chồng như vợ chồng:

Sẽ bị phạt: án treo: 01 năm, hoặc án tù: từ 03 tháng đến 01 năm, nếu:

- Làm cho gia đình, của một hoặc hai bên ly dị.

- Đã bị phạt hành chính về tội này, mà còn tiếp tục tái phạm.

Sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, nếu:

- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát. (hậu quả)

Ngoại tình là một tội nặng, đáng bị lên án, vì đã phạm đến điều răn thứ Sáu trong mười điều Chúa dạy. Tuy nhiên, nếu vì yếu đuối, lỡ sa ngã, thì ta nên biết cúi đầu, dựa vào Lòng thương xót của Chúa để được lãnh ơn tha thứ, nhưng với điều kiện là phải quyết tâm dốc lòng chừa cải.

Trở lại với Tin Mừng Gioan, ta nghe kể:

“Khi Chúa Giêsu đang ở Đền Thờ Giêrusalem, có một người phụ nữ, bị một nhóm đàn ông bắt quả tang ngoại tình, dẫn đến và nhờ Chúa xử tội. họ nói rằng: Theo luật Môisen, chị này phải bị ném đá cho đến chết, còn Thầy, Thầy xử sao?

Họ hỏi Chúa là để gài bẫy, chứ chẳng phải họ kính trọng Chúa Giêsu đâu.

Nếu Chúa 'tha, không ném đá chị này', là Chúa phạm điều luật Môisen, còn nếu như Chúa ra lệnh ném đá chị chết, thì Chúa lại phạm đến luật Rôma, vì Đế quốc Rôma không cho phép ném đá bất cứ ai. Hơn nữa, nếu cho ném đá, thì họ nghĩ Chúa cũng độc ác, chẳng có chút sự từ tâm và lòng yêu người, chẳng khác gì một người ngoại giáo.

Ngay lúc này, Chúa Giêsu đã bị đặt vào một tình huống rất là khó xử. Theo dõi tiếp, đoạn Tin Mừng diễn tả, ta có cảm giác giống như là một đoạn phim chiếu chậm vậy. Khá thú vị, vì ở đây, Chúa không nói rằng 'Ném đá hay không ném đá', mà chỉ thấy Chúa cứ chầm chậm, từ từ cúi xuống, rồi lấy ngón tay viết viết cái gì đó trên đất. Chẳng ai biết Chúa đã viết những gì. Có người cho rằng Chúa viết những tội chung chung của con người đã từng phạm. Cũng có người nói rằng Chúa muốn kéo dài thời gian, để những người kết án tự vấn lương tâm của họ. Cho đến mãi một lúc sau, Chúa mới ngẩng đầu lên hỏi: “Ai trong các ông trong sạch, thì hãy ném đá người này đi’’.

Rồi hình ảnh chầm chậm từng người lặng lẽ bỏ cuộc, rút lui. Từ người lớn 60-70 tuổi đến người trẻ độ tuổi đôi mươi. Hầu như không còn ai sạch tội, để có thể mạnh tay ném đá kết án chị này. Họ đã bỏ đi hết.

Có thể nói, Chúa Giêsu đã mở ra cho chị, một con đường sống, bằng một giọng nói dịu dàng, nhưng nó chứa một nguyên tắc sống cho tương lai của chị: "Ta cũng không lên án chị đâu! chị hãy về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa".

Nghe Chúa nói thế, tim chị như đập liên hồi vì quá đỗi vui mừng, do vừa được tha tội chết. Và chắc một điều rằng: chị sẽ nhớ mãi tội này, và chị sẽ không quên sự tha thứ của Thầy Giêsu và sẽ quyết tâm nhất định làm lại một cuộc đời mới. Chúa Giêsu là thế, Thiên Chúa là thế, ngài sẽ sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho ta, cho dù tội ta đáng phải chết.

Còn về phía ta thì sao? Ta có học được nơi Chúa sự sẵn lòng tha thứ những điều thiếu sót cho những anh em lỡ xúc phạm đến ta không? Hay ai đó xúc phạm đến ta, ta vẫn muốn tìm cách “ăn miếng trả miếng”. Hôm nay không được, thì ngày mai; ngày mai không xong, sẽ nguyện thề rằng: “Quân tử, mười năm trả thù không muộn.”

Nhân dịp nói đến sự tha thứ những lỗi lầm cho người khác, tôi xin chia sẻ một câu chuyện mà nhà văn nổi tiếng của Nga, ông Tolstoi, kể rằng: Có một người ăn xin nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin ăn. Ông cần một đồng xu hay một miếng bánh vụn để sống cho qua ngày. Nhưng mặc cho người ăn mày van xin, ông nhà giàu vẫn làm ngơ. Đến một lúc, không chịu nổi những lời van xin dai dẳng của người ăn mày, thay vì bố thí, ông nhà giàu lấy đá ném vào người ăn xin một cái, rồi đuổi đi.

Người ăn xin lặng lẽ nhặt lấy hòn đá đó, cho vào giỏ, rồi lèm bèm trong miệng: “Ta mang hòn đá này, cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ lấy nó để ném trả lại ngươi.” Thế là, đi đâu, người ăn xin cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn lúc nào ông cũng nghĩ về sự trả thù.

Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ trở thành sự thật: Ông nhà giàu bị vào tù vì làm ăn bất chính, tài sản bị tịch thu. Hôm đó, tình cờ, người ăn xin thấy cảnh người ta áp giải ông nhà giàu vào tù. Nỗi căm thù nổi lên trong lòng, tay nắm sẵn hòn đá mà năm xưa người giàu đã ném vào ông. Ông muốn ném thật mạnh hòn đá đó vào người tù để trả thù. Nhưng khi thấy gương mặt đáng thương của kẻ thù mình, bị còng tay, người ăn xin thả nhẹ hòn đá xuống đất, rồi tự nhủ rằng: “Tại sao? Tại sao ta mãi mang nặng hòn đá này bao nhiêu năm nay? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ đáng thương như ta!” Thay vì, ném đá, cho hả dạ căm thù, người ăn xin, đã dũ lòng thương xót và tha thứ cho kẻ có lỗi với mình.

Mùa chay, Giáo Hội mời ta, khi lãnh ơn tha thứ từ Chúa, cũng nên biết tha thứ cho người anh em của mình, vì Chúa dạy: Ai tha thứ cho anh em mình, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.

Ước gì, khi gặp chuyện đau lòng, ta cũng biết yêu thương những người làm phiền lòng và xúc phạm đến ta. Vì lòng Chúa nhân từ, xin tha thứ cho họ. Amen.