15/04/2025
331
Bài giảng Lễ Chúa Nhật Phục Sinh - Giáo phận Mỹ Tho


















 

GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Ga 20,1-9

Tôma Lê Duy Khang

Vọng Phục Sinh

Trong thánh lễ đêm nay, có một cái được đề cao một cách khác thường, đó là cái gì chúng ta có biết không? thưa đó là cây nến Phục Sinh.

Đầu lễ, giữa tăm tối âm u, duy chỉ một cây nến Phục Sinh được thắp sáng, rồi được rước lên, giương cao với câu xướng: “Ánh sáng Chúa Kitô” để mọi người thờ lạy. Hơn nữa, còn được xông hương và đặt ở một nơi trang trọng.

Lửa cây nến Phục Sinh đã được dùng để thắp sáng các cây nến khác, tượng trưng cho tâm hồn của mỗi người kitô hữu. Mọi ánh lửa trong nhà thờ đêm nay, đều phát xuất do một nguồn, một trung tâm đó là cây nến Phục Sinh.

Với những chi tiết đó, Giáo Hội muốn nói với chúng ta điều gì? thưa muốn nói chúng ta, cây Nến Phục Sinh là hình ảnh Chúa Kitô. Giữa muôn vàn khó khăn như bóng tối bao trùm cuộc sống con người, Đức Kitô xuất hiện như ngọn lửa cứu độ đốt tan tối tăm của sự dữ.

Đó là hình ảnh của ngọn nến phục sinh, tác dụng của cây nến phục sinh một cách hiển nhiên mà ai trong chúng ta cũng thấy được, để cảm nhận, để thấy được rằng điều đó muốn nói về Chúa Giêsu là ánh sáng cứu độ.

Còn một cái nhìn khác nữa, cái nhìn về cây nến phục sinh mà mỗi người chúng ta ít ai để ý đến, để nói về hình ảnh của Chúa Giêsu đã tự hiến để cho chúng ta được sống.

Chúng ta biết, nến phục sinh được làm từ chất liệu gì hay không? Trong bài Exuttes chúng ta nghe thừa tác viên công bố, có nói đến ngọn nến Phục Sinh được làm từ sáp ong: “Kính lạy Cha Chí Thánh trong đêm tràn đầy ân sủng này cúi xin Cha vui nhận lễ tán tụng chiều hôm, trong nghi lễ long trọng hiến dâng cây nến sáp ong này mà Hội Thánh dâng lên qua tay thừa tác viên. Giờ đây chúng con rõ lời tán dương của cây nến này được đốt lên để tôn vinh Chúa, lửa này tuy thắp ra thành nhiều ngọn nhưng ánh sáng vẫn không hề giảm suy vì luôn cháy bằng nến sáp do ong mẹ đã tạo ra. Nguồn: https://www.dieuca.net/2018/03/exultet-nvh.html”

Mỗi năm chúng ta thắp nến Phục Sinh nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ về những chú ong đã làm nên cây nến?

Thánh Gioan Kim Khẩu trong một bài giảng của ngài đã gợi lên ý tưởng này.

NHIỀU NGƯỜI KHÂM PHỤC TÍNH CẦN CÙ CHỊU KHÓ CỦA NHỮNG CHÚ ONG

NHƯNG ÍT NGƯỜI NGHĨ ĐẾN SỰ CẦN CÙ CỦA CHÚNG LÀ VÌ AI?

ONG VẤT VẢ KHÔNG PHẢI VÌ BẢN THÂN MÌNH NHƯNG VÌ NGƯỜI KHÁC VÀ CHO NGƯỜI KHÁC.

ONG VẤT VẢ ĐỂ ĐEM LẠI SÁP ONG MÀ TA LÀM NẾN, VÀ MẬT NGỌT ĐỂ CHO NGƯỜI THẾ HƯỞNG DÙNG.

Vì thế ong cũng là biểu tượng của Đấng đã tự nguyện chết để cho ta được sống.

Lễ phục sinh năm nay, mỗi khi tận hưởng ánh sáng, mỗi khi ăn chút mật ngọt xin cho chúng ta biết tạ ơn vì những chú ong, và nhớ đến Đức Kito, Đấng đã chết vì chúng ta. Và nhờ đó ta cũng tiếp tục hy sinh mang mật ngọt và ánh sáng cho đời. Amen.

Lễ Phục Sinh


Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu hiện ra trước tiên với Bà Maria Madalena, để rồi bà về báo cho ông Simon và Gioan.

Tin mừng thuật lại tiếp sau khi báo tin hai người cùng chạy tới mộ, kẻ trước người sau. Tin mừng không nói gì về phản ứng của Phêro khi thấy những sự việc xảy ra bên trong mộ, nhưng nói về phản ứng của Gioan đó là: “Ông đã thấy và ông đã tin”, nghĩa là trước đó các ông đã không tin, và tin mừng nói thêm: “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng theo kinh thánh, Chúa Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”, thấy rồi mới tin, chưa thấy chưa tin, hay nói cách khác chưa hiểu chưa tin, hiểu rồi mới tin.

Và thật sự là như vậy, sau khi đã tin rồi thì Phêro cũng đã làm chứng cho Chúa qua lời giảng dạy của mình, mà trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe: “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội."

Còn thánh Phaolo mặc dầu được Chúa kêu gọi sau, để làm tông đồ của Chúa, nhưng ông cũng tin vào Chúa phục sinh, nên ông mời gọi giáo đoàn Côloxe: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.”

Nên chúng ta thấy sở dĩ các môn đệ tin Chúa Giêsu đã phục sinh vì Chúa đã phục sinh thật sự, nghĩa là các ông đã biết, cũng như đã nhớ lại những lời tiên báo của Chúa trước đó.

Áp dụng vào cuộc đời của chúng ta, khi không biết một ai đó, thì chắc chắn là chúng ta không tin, chúng ta sợ hãi về người mà chúng ta không biết, còn khi biết rồi thì chúng ta không còn sợ hãi nữa.

Có một câu chuyện vui như thế này:

Một nhóm giáo sư đi cùng nhau để dự 1 hội nghị ở nước ngoài.

Khi các cửa đã đóng và máy bay sắp cất cánh, tất cả bọn họ đều nhận được tin nhắn rằng chiếc máy bay này là do chính sinh viên của họ chế tạo ra.

Các vị giáo sư đáng kính hốt hoảng lao ra cửa máy bay, cố gắng thoát thân.

Nhưng kỳ lạ thay, vẫn có 1 vị giáo sư vẫn ngồi rất tự tin và bình tĩnh.

Người ta hỏi ông tại sao không tháo chạy ra khỏi máy bay như mấy ông kia.

Giáo sư tự tin trả lời: Vì các sinh viên đó là học trò của chúng tôi.

Câu hỏi tiếp theo: ông có chắc rằng ông đã dạy chúng tử tế không?

Giáo sư trả lời khẽ: Tôi chỉ chắc chắn là cái máy bay này sẽ không bao giờ bay được.

Nên trong cuộc sống của mỗi người chúng ta đối với Chúa thì chúng ta được mời gọi tin vào Chúa, đối với nhau chúng ta cũng phải tin vào nhau, nhưng chính nơi mỗi người phải làm sao để giúp cho người khác hiểu về Chúa, hiểu về chính chúng ta để họ tin tưởng vào chúng ta, còn ngược lại khi không ai biết về chúng ta, khi chúng ta đánh mất niềm tin vào người khác, thì ai còn tin vào chúng ta nữa. Amen.



Lm. Thái Nguyên

Mầu nhiệm Phục sinh trong đời sống

Ga 20, 1-9

Chúng ta hân hoan mừng ngày Đức Kitô Phục Sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn, chịu chết trên thập tự, và mai táng trong mồ. Đó là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Đúng như thánh Phaolô đã xác tín: Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cr 15,14). Tin vào Chúa Phục Sinh là cả một chặng đường dài trong cuộc sống. Nói đến Tin là nói đến Yêu, hay trái lại cũng thế. Đó là cặp sóng đôi trong đời sống Kitô hữu.

Nhờ lòng mến sâu xa mà Madalena đã khám phá ra mồ trống trước tiên, nhưng rất tiếc điều đó lại bị đóng khung trong một tình cảm rất tự nhiên, rất “người”. Chị đã để cho nỗi buồn khổ lấn át, khiến cho tâm trí không còn tỉnh táo và sáng suốt, để nhận ra sự thật phía sau các dấu chỉ. Đối với Madalena, tất cả kể như đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa, chua chát, một thực tế phũ phàng trĩu nặng nỗi âu lo, sợ hãi và u sầu. Chị chẳng bao giờ tìm thấy xác Thầy trong ngôi mộ, nhưng sẽ gặp chính Đấng Phục Sinh ở ngoài ngôi mộ (Ga 20, 11-17), ở ngoài sự đau xót cho một quá khứ đã qua, ở ngoài sự bám níu vào một cách thế, hay một hình thức cố định nào đó.

Gioan cũng rất yêu Thầy, nhưng tình cảm của ông được đức tin hướng dẫn, nên ông khám phá ra ý nghĩa của ngôi mộ trống, và các tấm khăn đã được xếp gọn gàng như dấu chỉ của một trật tự mới (x. Mt 9, 17). Ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20, 8). Ông thấy gì? Chẳng thấy gì hết ngoài ngôi mộ trống. Nhưng đối với Gioan, ngôi mộ không trống, không vương mùi chết chóc, không im lìm. Ngôi mộ đang nói, khăn liệm đang nói, nó đang mở ra một ký ức sống và giúp Gioan nhận được chân dung thực sự của Đức Giêsu – Thầy mình. Khi quan sát kỹ những dấu vết để lại, ông nhận ra cách thức hành động của Chúa Giêsu, đồng thời nhớ lại những lần Thầy đã tiên báo về sự phục sinh.

Đức tin là sự phối hợp nhịp nhàng của con tim và lý trí, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhờ vậy mà qua dấu chỉ hữu hình, người ta nhận ra một thực tại vô hình. Chúng ta cần có lòng tin để khỏi rơi vào sự hoảng hốt hay thất vọng trước những thất bại và đổ vỡ trong cuộc đời. Là Kitô hữu, chúng ta cần tu tập cho mình có cái nhìn đức tin, để luôn sống bình an và lạc quan trong mọi tình cảnh. Cứ phải ra khỏi tình cảm bi lụy, ra khỏi tâm trạng buồn thương do tác động của hoàn cảnh bên ngoài, phải vượt trên cái “nhìn” một cách vật chất, để “thấy” trong đức tin nhờ sự trầm tĩnh và sâu lắng hơn trước mọi biến cố.

Tuy nhiên, chính tình yêu mến Chúa mới dạy cho người ta có cái nhìn đức tin. Vì yêu nên tin, chính tình yêu mới làm cho ta thấy những điều mà người khác không thấy, hiểu được điều mà người khác không hiểu. Cùng đọc kinh, cùng tham dự thánh lễ, nhưng sự thấu hiểu và cảm nhận về Chúa có nhiều mức độ khác nhau. Có những người cũng chẳng cảm thấy gì cho dù đi bao nhiêu lễ, đọc bao nhiêu kinh. Thiếu sống thân tình với Chúa và không quen với cách hành động của Chúa, ta sẽ chẳng bao giờ nhận ra Ngài, dù Ngài vẫn hiển hiện trong từng biến cố.

Tình yêu là động lực giúp khám phá hoặc tiến mau hơn, sâu hơn và xa hơn trong mọi biến động cuộc sống. Chính tình yêu làm cho người ta thực sự biết được chiều sâu của các biến cố. Bản thân ta chỉ nhận ra bóng dáng Chúa Giêsu Phục Sinh, và trở nên nhân chứng của Chúa khi nào trái tim ta biết rung động sâu xa trước tình yêu Chúa trong cuộc đời mình. Yêu mến Chúa là một ân ban, nhưng phải bắt đầu từ sự khao khát mãnh liệt nơi lòng mình.

Sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh luôn bao trùm mọi ngõ ngách cuộc đời chúng ta, biểu hiện ở những cuộc vượt qua nho nhỏ như:

- Khi chúng ta biết hàn gắn những đổ vỡ bằng tình yêu thương.

- Khi chúng ta biết khoan dung tha thứ, dẹp tan hận thù, chia rẽ, oán hờn.

- Khi chúng ta từ bỏ những ích kỷ để quảng đại hiến thân cho Nước Trời.

- Khi chúng ta đoàn kết yêu thương, mở lòng ra với mọi người.

Chính trong những nỗ lực vượt qua đó trong đời sống hằng ngày, mà chúng ta mới hân hoan ca vang khúc hát khải hoàn, vì Chúa đã sống lại thật trong chính đời sống mình. Alleluia! Alleluia! Alleluia!

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Việc Chúa phục sinh xem ra thật khó hiểu,
không huy hoàng mà lặng lẽ ẩn tàng,
chỉ là ngôi mộ trống đã mở toang,
khiến cho Mác-đa-la càng hốt hoảng,
vội chạy về báo tin cho môn đệ.

Phê-rô và Gio-an liền chạy đến,
cũng chỉ thấy những băng vải còn nguyên,
tâm trạng của Phê-rô rất hoang mang,
nhưng đối với Gio-an thì lại khác.

Tuy ông cũng chứng kiến bấy nhiêu điều,
nhưng nhờ vào tình yêu luôn soi chiếu,
ông nhận ra một thực tại rất cao siêu,
đó là Đức Giê-su đã phục sinh,

Ôi tình yêu quả thật là huyền diệu,
cho con người thấy được rất nhiều điều,
mà trí não không tài nào thấu hiểu,
chỉ có trái tim mới am hiểu mà thôi.

Thiên Chúa được định nghĩa là Tình Yêu,
nên tình yêu luôn là điều vĩ đại,
cho chúng con được sống mãi sống hoài,
vì chính Chúa đã sống lại cho con.

Xin cho con luôn cận kề bên Chúa,
thấy Chúa đang hiện diện trong thế giới,
đang hành động trong mọi lúc mọi nơi,
để đem lại sự sống mới cho đời. Amen.




Lm Trầm Phúc

Hôm nay Giáo Hội vui mừng loan báo cho mọi người tin vui: CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI. Thánh đường rực rỡ hoa đèn diễn tả niềm vui thánh thiện nầy. Chúng ta có vui không? Chúng ta vui vì tiếng hát Alleluia vang dội, vì hoa đèn rực rỡ. Nhưng lòng chúng ta có rộn vui không? Niềm vui phục sinh không là của mọi người. Nhiều người đến dự lễ, tâm hồn vẫn giá băng. Niềm vui phục sinh như niềm vui của ai đâu, không phải là của họ. Tâm hồn họ xa lạ với bầu không khí hân hoan từng bừng quanh họ. Tại sao?

Vì họ xa lạ với Đấng phục sinh. Họ cảm thấy lạc loài giữa rừng người hân hoan ca hát Alleluia. Vì họ không chịu đóng đinh và chết với Chúa Kitô, họ không phục sinh với Ngài.

Niềm vui phục sinh chỉ dành cho những người đã chịu tử nạn và chết với Chúa Kitô mới biết rằng mình đã đi từ cái chết đến sự sống. Có chết đi mới có phục sinh.

Niềm vui phục sinh được khai nguyên từ cái chết: “Con Người phải đi qua đau khổ mới tới vinh quang” “Nếu hạt lúa mì không thối đi nó vẫn trơ trọi, nhưng nếu nó thối đi, mới sinh nhiều bông hạt”.

Niềm vui phục sinh chỉ dành cho những người tin mãnh liệt vào một Thiên Chúa Tình Yêu, “dám chết cho bạn hữu” và sống lại để cứu vớt họ khỏi cái chết và mang lại sự sống, sự sống đích thực, là sự sống trong Ngài, làm con của Chúa Cha.

Chúng ta có thuộc về những người tin đó không?

Niềm vui phục sinh không phải chỉ là niềm vui bên ngoài, cười nói, ca hát, nhảy múa, mà là một niềm vui sâu lắng trong tâm hồn, niềm vui của tình yêu, của hiệp thông.

Con người hôm nay chỉ tìm vui trong rượu mạnh, trong nhảy múa hát ca nhộn nhịp, trong hưởng thụ vật chất mà tâm hồn chán buồn đến chết được. Càng ca hát càng nhảy múa nhộn nhịp, họ càng cảm thấy tâm hồn trống trải không gì lắp đầy được.

Chúng ta không cần ồn ào nhộn nhịp, niềm vui của chúng ta là tin vào tình yêu không biên giới, tình yêu của Thiên Chúa Tình Yêu.

Tại sao các thánh tử đạo dám liều mạng trong ngục tù trăn trói, trong khổ hình ? Tại sao các tu sĩ tự giam mình trong nếp sống khắc khổ nguyện cầu suốt đời ? Phải chăng là họ đã tìm được niềm vui, tìm được tình yêu đích thực và sung mãn?

Phục sinh là đỉnh chóp của tình yêu, là sự toàn thắng của tình yêu:

Ngài đã yêu tôi và đã liều mạng cho tôi”.

Nguồn suối của niềm vui phục sinh là thế đó. Niềm vui trần thế vụt đến rồi vụt đi, để lại cho con người tiếc nuối khôn nguôi và lắm khi là tuyệt vọng: “Bộ mặt thế gian nầy qua đi”.

Niềm vui của Chúa tồn tại qua mọi biến chuyển, mọi đau khổ trần thế.

Niềm vui của Chúa sẽ chiến thắng mọi khổ đau: “Chúng con đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian”… Thầy đến để niềm vui chúng con được trọn vẹn”.

Chúng ta đã tìm được kho tàng mà trần gian không tìm được. Hạnh phúc của chúng ta là biết rằng Chúa chúng ta đã sống lại và sự chết không cỏn quyền gì trên Người nữa. Sự sống hôm nay là sống trong Ngài, trong ánh sáng phục sinh của Ngài.

Trần gian, với tất cả những chuỗi dài đe dọa, khổ đau, bệnh tật, gian ác, không thể nào cướp mất niềm vui của chúng ta, vì “ chúng ta được chôn táng trong Chúa và sự sống của chúng ta được ẩn giấu trong Ngài”.

Chúng ta thật diễm phúc!

Các Tông đồ không được như chúng ta. Họ phải trải qua một tiến trình đau đớn. Phêrô kinh nghiệm sự yếu đuối và hèn nhát của mình. Các Tông đồ khác lo sợ, chạy trốn. Họ chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết thê thảm của Ngài. Họ phải trải qua sợ sệt, đau khổ, có khi là tuyệt vọng.

Khi Thầy sống lại, họ phải tìm kiếm trong lo âu, trong ánh sáng mù mờ của bình minh còn  yếu ớt. Họ phải hoài nghi, bấp bênh…

Maria Macđala, sáng tinh sương, chỉ thấy cái mồ trống và không thấy xác Thầy . Simon Phêrô kiểm chứng chỉ thấy một khăn liệm xếp lại ngăn nắp, nhưng cũng không thấy Thầy. Niềm tin của ông còn chập choạng, mong  manh.

Thánh Gioan cho chúng ta thấy: Maria Macđala chạy. Chạy vì hấp tấp, vì sự trầm trọng của biến cố. Phêrô và Gioan cũng chạy. Gioan chạy nhanh hơn. Tại sao phải chạy?

Chúng ta làm gì khi nghe biết nhà chúng ta đang cháy?

Sau cùng, Giaon “ đã thấy và đã tin”.Ông thấy một điều (khăm liệm và mồ trống) và ông tin một điều khác : Thầy đã sống lại.

Hôm nay, chúng ta “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.

Biến cố phục sinh vừa là kết thúc một giai đoạn, là công trình cứu độ, vừa là  khởi điểm cho một tương lai bất tận: sự sống lại của chúng ta.

Ánh sáng của Chúa phục sinh là ánh sáng soi đường cho chúng ta. Chúng ta đang đi trong ánh sáng. Đừng để ánh sáng ấy mờ đi. Đừng để cho hình ảnh của Ngài phai nhòa trong tâm khảm chúng ta.

Đừng để cho niềm vui phục sinh phụt tắt, nhưng hãy giữ cho nó sáng mãi và trở nên niềm hy vọng hướng dẫn cuộc sống hôm nay, thấm sâu vào những công việc tầm thường nhất.

Hãy là nhân chứng đáng tin cậy cho Chúa phục sinh bằng một đời sống bình thường nhưng tươi sáng, nhẹ nhàng, tràn đầy yêu thương. Hãy đem niềm vui phục sinh cho những người không may mắn, những người đang tủi buồn cô đơn, những bệnh nhân không còn hy vọng, những nạn nhân của bất công, hận thù.

Chúa đang hẹn một  ngày gặp gỡ trong vinh quang. Vinh quang bắt đầu từ hôm nay trong tin yêu và sẽ kết thúc trong tin yêu.

Nơi bàn thờ hiến tế, cũng Chúa Giêsu đó, Đấng đã sống, đã chết và đã sống lại trong vinh quang, Đấng trở thành nguồi sống bất diệt cho chúng ta, giờ đây, hiện diện. Ngài đến nuôi dưỡng niềm vui của chúng ta bằng cách cho chúng ta ăn lấy Thịt Máu Ngài “để niềm vui của chúng ta trọn vẹn”.

Hãy tiếp đón Ngài và dành cho Ngài ưu tiên tuyệt đối trên cuộc sống hôm nay của chúng ta.Alleluia.