GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN - NĂM C
Lời Chúa: Ml 3,1-4; Dt 2,14-18; Lc 2,22-40
Tôma Lê Duy Khang
Bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Giêremia nói về việc Thiên Chúa chọn Giêremia làm ngôn sứ, và không phải đợi khi ông lớn Chúa mới chọn, nhưng Chúa đã chọn ông từ khi ông còn trong lòng mẹ: “Trước khi ngươi thành hình trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hhoas ngươi, ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”.
Và nếu chúng ta để ý thì việc làm ngôn sứ này giống như bị ép buộc, cụ thể Chúa nói: “Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng. Hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.”
Nếu đọc sách ngôn sứ Giona chúng ta cũng thấy được điều này, đó là khi Thiên Chúa sai Giona đi Ninive để kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối, ông không chịu đi và trốn đi Tác sit, vì ông sợ rằng nếu ông đi kêu gọi dân ăn năn sám hối thì Chúa sẽ tha cho dân, ông không muốn điều đó.
Nhưng khi ông đang trốn đi, thì Thiên tung ra một cơn gió to trên biển và liền có một trận bão lớn ngoài khơi, khiến tàu tưởng chừng như sắp vỡ tan. Thuỷ thủ sợ hãi; họ kêu cứu, mỗi người kêu lên thần của mình và ném hàng hoá trên tàu xuống biển cho nhẹ bớt. Còn ông Giô-na thì đã xuống hầm tàu, nằm đó và ngủ say. Viên thuyền trưởng lại gần và nói với ông: "Sao lại ngủ thế này? Dậy! Kêu cầu thần của ông đi! May ra vị thần ấy sẽ nghĩ đến chúng ta và chúng ta khỏi mất mạng." Rồi họ bảo nhau: "Nào, chúng ta hãy bắt thăm cho biết tại ai mà chúng ta gặp tai hoạ này." Họ gieo quẻ và quẻ rơi trúng ông Giô-na. Họ bảo ông: "Vì ông là người đã đem tai hoạ này đến cho chúng ta, thì xin ông cho chúng tôi biết: Ông làm nghề gì? Ông từ đâu đến, quê ở nước nào, và thuộc dân nào? " Ông nói với họ: "Tôi là người Híp-ri, Đấng tôi kính sợ là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các tầng trời, Đấng đã làm ra biển khơi và đất liền." Những người ấy sợ, sợ lắm; họ nói với ông: "Ông đã làm gì thế? " Thật vậy, do ông kể lại mà họ được biết là ông đang trốn đi để tránh nhan ĐỨC CHÚA. Họ hỏi ông: "Chúng tôi phải xử với ông thế nào để cho biển lặng đi, không còn đe doạ chúng tôi nữa? " Quả thật, biển càng lúc càng động mạnh. Ông bảo họ: "Hãy đem tôi ném xuống biển thì biển sẽ lặng đi, không còn đe doạ các ông nữa; vì tôi biết là tại tôi mà các ông gặp cơn bão lớn này." Những người ấy cố chèo vào đất liền, nhưng không thể được vì biển mỗi lúc một động thêm, uy hiếp họ. Họ kêu cầu ĐỨC CHÚA và thưa: "Ôi, lạy ĐỨC CHÚA, ước gì chúng con không phải chết vì mạng sống người này, và xin đừng đổ máu vô tội trên đầu chúng con; vì lạy ĐỨC CHÚA, chính Ngài đã hành động tuỳ theo sở thích." Rồi họ đem ông Giô-na ném xuống biển. Biển dừng cơn giận dữ. Những người ấy sợ ĐỨC CHÚA, sợ lắm; họ dâng hy lễ lên ĐỨC CHÚA và khấn hứa. (Gn 1, 4-16). Chính vì thế, mà sau đó Thiên Chúa kêu gọi ông lần thứ hai sau 3 ngày ở trong bụng kình ngư, ông đã vâng theo lệnh của Thiên Chúa.
Nhưng nơi Chúa Giêsu có thể nói Chúa Giêsu là vị ngôn sứ cuối cùng của Thiên Chúa, thì không bị ép buộc, nhưng đó là một sự tự nguyện: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2,6-9).
Và chúng ta thấy một điều như thế này, đó là dù có bị ép buộc, dù có tự nguyện, thì ngôn sứ của Chúa phải là những người nói lời của Chúa, phải là người thực hiện ý muốn của Chúa, đó mới chính là ngôn sứ thật của Chúa. Và chính Chúa sẽ biến đổi vị ngôn sứ đó, để họ nói Lời của Chúa.
Mỗi người chúng ta ngày nay khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta có chức năng ngôn sứ để nói lời của Chúa, nên mỗi người chúng ta được mời gọi có lòng yêu mến Chúa, để nói lời của Chúa, vì như thánh Phaolo đã nói nếu không có lòng yêu mến thì chỉ như thanh la phèn phèn, chỉ như chũm chọe xoang xoảng mà thôi, sẽ không làm được gì cả. Amen.
Lm Trầm Phúc
Lễ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh
Lời Chúa Lc 2,22-40
Mẹ Maria và thánh Giuse giữ luật Môsê rất chính chắn. Em bé Giêsu được hiến dâng cho Chúa theo luật truyền. Nhưng hôm ấy lại có ông lão Ximêon đến Đền thờ dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần. Ông đã được Thánh Thần Chúa báo cho ông biết là sẽ không chết trước khi thấy được Đức Kytô của Chúa.
Ông đền ngay lúc Mẹ Maria và thánh Giuse đem em bé Giêsu vào Đền thờ. Ông bồng em bé và chúc tụng Thiên Chúa.Ông nhìn em bé và chúc tụng Chúa vì Chúa đã cho ông thấy ơn cứu độ của Chúa. Ông nhận rằng em bé đó chính là Ánh Sáng cho muôn dân và là Vinh Quang của Itraen. Ông nói tiên tri về em bé và tiên báo cho Mẹ Maria biết Mẹ sẽ bị một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn.
Lúc ấy cũng có một nữ ngôn sứ là bà Anna cũng nói tiên tri về Hài Nhi cho mọi người có mặt lúc ấy.
Giáo Hội vẫn luôn xem Chúa Giêsu, dù chưa làm gì, lúc chỉ là một em bé cũng là ánh sáng cho mọi người đến trong thế gian. Và sau nầy chính Chúa, khi ra rao giảng công khai, vẫn được xem như ánh sáng muôn dân. Và chính Chúa Giêsu cũng cho chúng ta, những người tin Chúa, là ánh sáng thế gian. Chúng ta có sống như Chúa mong ước không ? Chúng ta có trở nên ánh sáng cho những người quanh chúng ta không ? Chính Chúa Giêsu đã nói : “ Không ai thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng để trên chân đèn để rọi sáng trong nhà”. Chúng ta là con cái ánh sáng, chúng ta đã mặc lấy khí giới của ánh sáng. Thế gian càng tăm tối thì càng cần ánh sáng. Hãy làm việc lành để ánh sáng của Chúa càng sáng tỏ trong một thế giới đầy u tối.
Chúa Giêsu, nguồn ánh sáng bất tận đã đến trong trần gian, dưới hình thức một con người. Hành động và lời giảng dạy của Ngài là ánh sáng soi dẫn chúng ta, đưa chúng ta từ chốn tối tăm tới nơi ánh sáng lạ lùng của Ngài. Chúng ta đang sống trong một thế giới gần như vô đạo, hận thù, chiến tranh, gian dối đang ngự trị. Chúng ta được gọi để mang Tin Mừng của Chúa đến, xoá tan bóng tối tội lỗi, làm sáng tỏ tình yêu và sự thật, để Chúa được yêu thương hơn.
Hơn nữa, Chúa đến với chúng ta dưới một hình thức khiêm tốn hơn, dưới hình thức một tấm bánh, cho chúng ta ăn lấy Ngài, nuốt Ngài vào trong chúng ta. Ngài là ánh sáng, Ngài tự chôn vùi Ngài vào trong một con người, trở thành xương thịt một con người, biến con người thành ánh sáng. Chúng ta thành ánh sáng với Ngài. Hãy sống trong ánh sáng, đừng để ánh sáng trong chúng ta trở thành bóng tối. Sứ mệnh của chúng ta là làm chứng cho ánh sáng. Đó là điều mà thánh Gioan và thánh Phaolô luôn nhắc nhở cho chúng ta. Và cuối cùng, chúng ta sẽ được nhìn thấy ánh sáng vĩnh cửu và sống trong ánh sáng huyền diệu đó đến muôn đời.