
GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
Ga 10,27-30
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. Và tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.
Như vậy, vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta đó là chúng ta đang sống giữa bao nhiêu phức tập và đa dạng của cuộc sống, bao nhiêu ông thầy hướng dẫn hạnh phúc, bao nhiêu những ngôn sứ loan báo tin vui, làm sao có thể phận biệt được ngôn sứ thật và ngôn sứ giả.
Thánh Ignatio Loyola ngài đã có kinh nghiệm này, đó là trong thời gian dưỡng bệnh, ngài muốn đọc một vài quyển sách, nhưng vì không có sách theo ý ngài muốn, nên người ta đưa cho anh cuốn sách nhan đề “Cuộc đời Đức Ki-tô”, và một cuốn khác nhan đề “Bông hoa các thánh”, cả hai đều được viết bằng tiếng mẹ đẻ.
Nhờ năng đọc các sách này, anh bắt đầu có cảm tình với những điều viết trong đó. Đôi lần anh ngưng đọc để suy nghĩ những điều mình mới đọc; hoặc đôi khi anh nghĩ đến những điều vô bổ anh đã quen suy nghĩ trước đây, và nhiều điều tương tự khác xuất hiện trong trí anh.
Thiên Chúa đã rủ lòng thương giúp anh loại trừ khỏi tâm trí anh những gì anh vừa đọc. Quả vậy, khi anh đọc cuộc đời Đức Ki-tô, Chúa chúng ta và cuộc đời các thánh, thì anh đã suy nghĩ nhiều và tự hỏi: “Vậy giả như tôi làm điều mà thánh Phan-xi-cô đã làm, thì sao ? Giả như tôi làm điều mà thánh Đa-minh đã làm, thì sao ?” Và như thế anh để tâm suy nghĩ rất nhiều điều. Nhưng các tư tưởng ấy chỉ tồn tại một thời gian. Và rồi vì anh bận rộn với các công việc khác, nên những chuyện vô bổ và trần tục ấy lại xen vào; những chuyện này kéo dài một thời gian khá lâu. Hết tư tưởng này đến tư tưởng kia tiếp nối nhau cầm giữ anh rất lâu.
Tuy nhiên có sự khác biệt giữa những tư tưởng ấy: khi nghĩ đến những tư tưởng phàm tục, anh cảm thấy rất thích thú; nhưng khi mỏi mệt không suy nghĩ, anh cảm thấy buồn bã và khô khan. Còn khi nghĩ đến việc theo đuổi những chuyện khắc khổ mà anh biết các vị thánh đã quen sống, thì không những lúc đang nghĩ đến những chuyện ấy, anh cảm thấy tâm hồn vui thú, và ngay cả lúc thôi nghĩ đến, anh vẫn thấy mình sung sướng. (Trích tự thuật của thánh thánh I-nha-xi-ô do linh mục Lu-y Gon-xan-ve ghi lại, bài đọc 2 giờ kinh sách lễ thánh Ignatio Loyola).
Như vậy, để có thể phân biệt đâu là ngôn sứ thật đâu là ngôn sứ giả thì chúng ta phải biết đặt Chúa lên trên hết mọi sự, đi theo con đường mà Chúa đã đi, đi theo con đường mà Chúa đã dạy, để tìm thấy sự ngọt ngào đằng sau những khó khăn thử thách.
Tôi có xem một đoạn clip người ta nói thằng tiểu nhân nó có cái hay của thằng tiểu nhân miệng mồm nó ngọt ngào lắm, nó nói nó trao chuốt ngôn từ lắm, tác phong lúc nào cũng chỉnh chu và vì nó tiểu nhân nên không bao giờ nó nói ra nó để cho người khác bị tổn thương tại vì lòng dạ của nó là lòng dạ của thằng tiểu nhân là nó có mưu đồ xấu rồi, nó nói là người khác nghe là phải mượt mà, còn thằng quân tử nó sống thẳng thắn nó không lợi dụng ai nó không phá ai, thậm chí nó còn giúp người khác nữa, cho nên ngôn từ nó phát ra nó thô bạo hơn, nghe nó rắn rỏi, nghe nó có cái gì đó hơi đụng chạm nó chính trực.
Phong cách giữa người quân tử và tiểu nhân là nó khác nhau, nên người mà ít trải nghiệm nhiều trong cuộc sống học hỏi hay va chạm nhiều trong cuộc sống, mà mình hiểu được hai phạm trù tiểu nhân và quân tử, nhiều khi mình thích sự mượt mà nhẹ nhàng của người tiểu nhân, mà cuộc đời thành bại hay không là quân tử hay tiểu nhân là hai cái, chúng ta chơi với tiểu nhân thì cuộc đời đi xuống mà không biết, còn chơi với người quân tử thì chúng ta thấy chơi với nó hơi mệt, nó hay phê bình mình, nó hay nói này nói kia mình, nó hay góp ý mình, nhưng người ta có ý tốt người ta nhìn mình với con mắt đầy trách nhiệm, nên đừng bao giờ bị cuốn hút theo cái bề nổi nào cả.
Xin cho mỗi người chúng ta có được một sự cảm nghiệm như vậy trong cuộc đời của mình để biết phân biệt đâu là ngôn sứ thật, đâu là ngôn sứ giả, và để cho chính mình là ngôn sứ thật, đừng là ngôn sứ giả, để đem lại sự ngọt ngào đích thực cho anh chị em của chúng ta. Amen.