17/12/2024
779
Bài giảng Lễ Chúa Nhật IV Mùa Vọng - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG - NĂM C

Lời Chúa: Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45


Tôma Lê Duy Khang

Có một chú bé nghèo ăn xin, vô tình vào quán ăn được một người tốt bụng giúp cho bữa ăn, khi ngồi ăn thì đứa bé hỏi người đàn ông: Chú ơi, chú đang làm gì vậy?

 - Đọc điện thư.

 - Điện thư là gì hả chú?

 - Là thư mà người ta gửi qua mạng .

 - Thì cũng như là thư thường thôi, nhưng gửi qua mạng.

 - Mà mạng là gì hả chú?

 - Thì là một nơi trong máy tính người ta có thể nghe nhạc, nghiên cứu, đọc tin tức, học hỏi, làm việc, và làm rất nhiều thứ khác nữa, nhưng là trong thế giới ảo.

 - Ảo là gì hả chú?

 - Ảo nghĩa là cái mình tưởng tượng ra, là cái mình không thể sờ mó được, là nơi trong đó mình có thể tạo ra nhiều thứ theo sở thích riêng, và là nơi mình có thể biến đổi thế giới theo như mơ ước.

 - Ôi, thích quá, cháu cũng đang sống trong thế giới ảo mà.

 - Cháu cũng có máy tính sao?

 - Dạ không, nhưng cái gì cháu đang sống cũng giống như thế giới ảo vậy... Mẹ cháu lang thang ngoài phố cả ngày, tối mẹ về trễ lắm, nên nhiều khi cháu chẳng gặp mẹ nữa... Còn cháu ở nhà lo cho em cháu, nó đói nên khóc hoài. Cháu cho nó uống nước lã cho đỡ đói, mà nó cứ tưởng là canh... Bố cháu thì đi tù lâu rồi... Nhưng cháu cứ tưởng tượng đến ngày Tết gia đình mình được xum họp, mọi người ăn uống thỏa thuê, anh em cháu có quần áo mới và nhiều tiền lì xì, rồi cháu được đi học để sau này trở thành bác sĩ giỏi nữa... Có phải như thế là ảo không hả chú?

Câu chuyện này cho thấy hằng ngày chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới ảo điên rồ, dù chung quanh là thực tế tàn nhẫn, chúng ta vẫn làm như không thấy gì...

Hôm nay các bài đọc lời Chúa cho chúng ta thấy được một thế giới thực không còn là thế giới ảo theo kiểu mong chờ mơ mộng: “Trời cao hãy đổ sương xuống! Và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc tội! Trời cao hãy đổ sương xuống! Và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời!” mà nhạc sĩ Duy Tân đã viết dựa trên sự mong chờ của dân do thái ngày xưa nữa.

Và chúng ta thấy thế giới thực này từ từ được nên hoàn thiện.

Bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Mika, đó là lời tiên báo Đấng Mêsia sẽ được sinh ra tại đâu: “Phần ngươi hỡi Bêlem Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuda, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israen. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thời xa xưa”.

Rồi việc sau khi Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ, hôm nay Đức Mẹ lại hối hả đên thăm bà Êliasabet, thì bà Êliasabet và đứa con trong bụng đã cảm nhận được một thế giới thực đang dần dần hé lộ, bà Êlisabet đã nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."

Hiểu được như vậy chúng ta thấy ngày nay chúng ta đang sống trong thế giới thật, nghĩa là chúng ta đang sống trong một thế giới mà Chúa Giêsu đã đến để hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đến để đem sự thật đến giải phóng chúng ta khỏi thế giới ảo.

Nhưng thật ra chúng ta vẫn còn đang sống trong thế giới ảo, mặt dầu đã có thế giới thật, chính vì thế mà con người của chúng ta ngày nay vẫn còn gian dối, lừa lọc nhau, tranh giành quyền lực với nhau.

Xin cho mỗi người chúng ta xác tín rằng Chúa Giêsu đến để hoàn thành lời hứa của Chúa Cha, để chúng ta giúp chúng ta không còn sống trong ảo mộng nữa mà sống trong một thế giới thực tế, nên chúng ta hãy sống thực tế, sống lời Chúa dạy.

Sống thực tế này không có nghĩa là không cho chúng ta mơ mộng, chúng ta có quyền mơ mộng, nhưng hãy mơ mộng, hãy ao ước những điều tốt lành, để từ những điều tốt lành đó mới trở thành những điều chân thật tốt lành, còn ngược lại nếu chúng ta mơ mộng những điều không tốt lành, thì mơ mộng đó cũng có thể trở thành hiện thực, nhưng mơ mộng đó chỉ là mơ mộng ảo và hiện thực đó chỉ là hiện thực ảo mà thôi. Amen.




Lm. Thái Nguyên

Lên đường

Được sứ thần cho biết chị họ đã mang thai được sáu tháng trong lúc tuổi già, tức thì Đức Maria thu xếp “vội vã lên đường” đi đến chăm lo. Nhà bà Êlisabét ở “miền núi”, có truyền thống cho rằng, đó là vùng Ain-Karim cách Giêrusalem 8 km về phía tây. Nếu thế, Đức Maria phải đi hơn 120 km mới đến thăm bà chị họ được, vì phải đi từ Nadarét ở Galilê phía bắc, lên Giêrusalem ở phía nam. Con đường quá xa xôi mà lại vòng vo, hoang vu, cách trở núi đồi, đầy nguy hiểm. Một thiếu nữ đi như vậy quả là liều lĩnh. Nhưng Mẹ chẳng nệ hà gian khó, chỉ nghĩ đến người chị họ đang cần giúp đỡ. Lòng nhân ái khiến Mẹ quên cả niềm vui riêng, để hướng đến niềm vui của người khác.

Cuộc hành trình diễn ra vào lúc Xuân sang, lúc mà vùng Đất Thánh trổ hoa muôn sắc, cảnh vật muôn màu, lan tỏa hương thơm và chim chóc tụ về líu lo vang trời. Tất cả thiên nhiên như bừng dậy để đón chào Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa. Mẹ vui mừng và hạnh phúc đi trong ánh quang của ngày mới, ngày của Mùa Xuân Cứu Độ. Tâm hồn Mẹ chìm ngập trong tình yêu Thiên Chúa trên từng bước đi, vì Mẹ đã chứng nghiệm những kỳ công Chúa đã làm, và mầu nhiệm mà Ngài đã thực hiện nơi Mẹ.

Khi tới nhà bà Êlisabét, Đức Maria vừa cất tiếng chào, thì Gioan trong lòng mẹ được tràn đầy Thánh Thần và nhảy mừng đón chào Ðấng Cứu Độ. Thánh Thần cũng đến với bà Êlisabét, khiến bà nhận ra điều kỳ diệu là Maria đã thụ thai Ðấng Cứu Thế. Đức Maria cũng ngạc nhiên khi thấy mầu nhiệm kín ẩn mà Mẹ âm thầm đón nhận, nay lại được Thánh Thần tỏ bày cho bà chị họ. Cuộc gặp gỡ xem ra thật bình thường, nhưng lại rất linh thánh, vì được diễn ra trong bầu khí tràn ngập Thánh Thần, Đấng khơi dậy niềm vui trong tâm hồn mọi người.

Đức Maria đã lưu lại nhà chị họ chừng ba tháng cho tới khi Gioan Tẩy giả chào đời. Tự nhận là “tôi tớ Chúa”, nên Mẹ cũng muốn làm tôi tớ mọi người. Mẹ chẳng nghĩ gì đến phẩm chức cao trọng được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, cũng chẳng tỏ ra sáng giá vì có phúc hơn mọi người nữ; cũng chẳng hãnh diện hay tự hào về những ân ban cao cả mà Chúa đã thực hiện nơi mình. Mẹ chỉ quan tâm và âm thầm sống cho một Tình Yêu - Tình Yêu Phục Vụ. Chính vì vậy, Mẹ mới thật là Mẹ của Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ.

Đức Mẹ tuyệt vời vì có Đức Kitô trong lòng. Có Đức Kitô trong lòng thì tình yêu dâng tràn, trái tim rộng mở, lý trí thông sáng, ý chí kiên cường, hành động cao vượt. Kitô hữu là người mang Đức Kitô trong lòng mình, là người có Chúa ở cùng. Chỉ khi xác tín sâu xa điều này, ta mới dám ra khỏi bản thân, dám rời bỏ vị trí của mình để đến với người khác, mới dám dấn thân phục vụ và sống chết vì lòng tin.

Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời để ta biết ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm tính toán và khôn ngoan người đời, để đi đến với anh chị em, nhất là những người cô đơn, bệnh tật, nghèo hèn, đau khổ… Ra khỏi mình để Chúa có thể hành động qua chúng ta. Ngài muốn yêu thương mọi người bằng trái tim của ta. Hãy cảm nhận sự khát khao của Chúa nơi tâm hồn mình, để ta dám sống một tình yêu khiêm nhu phục vụ.

Việc thăm viếng không chỉ là cách biểu lộ tình yêu, mà còn là cơ hội để đem Chúa đến cho người khác, nên không cần ta phải nói nhiều. Đức Maria có nói gì đâu, Mẹ mới mở lời chào thì Thánh Thần đã ngự đến. Mẹ như ánh sáng của Thiên Chúa. Ánh sáng không cần lời nói, tự nó lan tỏa đến mọi nơi. Cũng vậy, sự hiện diện với cả con tim chính là sứ điệp, tự nó lan rộng đến mọi người.  

Kitô hữu là người cưu mang Chúa Kitô trong tâm hồn mình để chuyển thông cho anh chị em. Nếu chúng ta biết sống khiêm tốn và yêu thích phục vụ thì Thần Khí Đức Kitô sẽ soi sáng và làm bừng lên sức sống mới nơi những người mà chúng ta gặp gỡ. Ước chi cuộc thăm viếng của Đức Mẹ ngày xưa là sự khởi hứng linh thiêng cho việc thăm viếng của chúng ta ngày nay. Ước chi những bước chân thánh thiện của Đức Mẹ ngày xưa được tiếp nối bằng những bước chân của chúng ta trong thế giới này, để Chúa được nhận biết và yêu mến nhiều hơn.

Đẹp thay những bước chân trên con đường phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Biết rằng trên con đường này nhiều chông gai giăng mắc và gian nan trắc trở, có thể làm chúng ta chùn bước, nhưng hãy tin rằng, sức mạnh của Thánh Thần luôn đủ cho ta mỗi ngày, để ta tiến bước trong niềm vui. Đó chính là tinh thần Mùa Vọng mà Giáo Hội mời gọi ta sống với Đức Mẹ và sống như Đức Mẹ, để loan tỏa ơn cứu độ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã từ cõi trời mà xuống thế,
chẳng tiếc gì ngai vinh hiển vô biên,
tự hủy mình để hoàn toàn tự hiến,
vì tình yêu trút bỏ mọi uy quyền.

Để Ngôi Hai Thiên Chúa được làm người,
Ma-ri-a đón nhận lời thiên sứ,
làm cho thánh ý Chúa được thực thi,
Mẹ cũng đã lên đường đầy gian khó,
để nói lên tình yêu thương phục vụ,
trao ban cho loài người Chúa Giê-su.

Tuy mọi cuộc thăm viếng vẫn bình thường,
nhưng nếu làm với thái độ yêu thương,
như Đức Ma-ri-a rất khiêm nhường,
thì chính Chúa Thánh Thần luôn điều hướng,
đem lại sự sống mới thật phi thường,
cho những ai đem hết lòng tin tưởng.

Mọi gặp gỡ đều cho con trải nghiệm,
hiểu hơn về mầu nhiệm của con tim,
xin cho con ra khỏi con đường mòn,
là lối sống đức tin theo lề thói,
quen co cụm trong khuôn khổ hẹp hòi,
chỉ bằng lòng với những cái nhỏ nhoi.

Xin cho con lên đường phụng sự Chúa,
ra khỏi mình đến gặp gỡ tha nhân,
đừng kể gì đến quyền lợi bản thân,
mà biết sống với tinh thần tự hiến,
luôn lan tỏa niềm vui và thánh thiện,
nên giống Mẹ Trinh Nữ thật vẹn tuyền. Amen.


 


Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại rằng: Có lần Mẹ đi thăm một viện dưỡng lão, ở nước Anh. Nhân tiện Mẹ hỏi một nhân viên phục vụ: "Tại sao, cứ mỗi lần, có ai đó, bước vào cổng viện dưỡng lão, hầu như tất cả các cụ, đều đồng loạt quay nhìn ra vậy?". Nhân viên trả lời như quen thuộc rằng: "Thưa, là vì lòng các cụ, lúc nào cũng trông ngóng một ai đó, trong số con cháu của họ đến thăm, nhưng hầu như chẳng có ai đến thăm bao giờ".

- Từ câu chuyện, ta có thể nhận định rằng, con người ta sống rất cần đến nhau, cần có một mối quan hệ mang đậm chất người.

- Nếu ai đó sống mà không có một mối dây tình thân giữa người với người, thì chắc sẽ cảm thấy cô đơn và buồn chán lắm. Cuộc đời của họ sẽ trở nên vô nghĩa, chẳng có giá trị gì. Đúng không, thưa anh chị em.

Trở lại với bài Tin Mừng Thánh Luca hôm nay, người chị họ Êlisabét của Đức Mẹ Maria gần đến ngày sinh con tâm lý rất là lo lắng, vì cần một người chăm sóc trong thời sinh nở. Thế là Mẹ Maria sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại, vượt qua những con đường đồi núi hiểm trở để đến thăm và giúp đỡ chị, đến những ba tháng trời ròng rã; cho đến khi “mẹ tròn con vuông”.

Đây là bài học mà Mẹ Maria muốn dạy mỗi người chúng ta:

1. Đừng bao giờ giả điếc làm ngơ, hoặc giả mù không nhìn thấy những con người có hoàn cảnh khó khăn.

2. Và cũng đừng bao giờ khép kín lòng mình lại, để rồi không tỏ ra một chút xót thương nào đối với những người, cần ta giúp đỡ.

Anh chị em thân mến,

Để nhớ và thuộc bài học thăm viếng đầy yêu thương của Mẹ Maria, một cách tương tự và cụ thể, ta nên nhìn lại chuyến thăm vùng đất Châu Phi nghèo nàn, của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào tháng 11.2015. Trên chuyến bay từ Châu Âu đến Châu Phi, khi máy bay chuẩn bị đáp xuống quốc gia nào, Đức Giáo Hoàng đều gởi điện tín đến Tổng Thống của quốc gia đó, với những lời rất nhân văn đầy tình cảm. Chẳng hạn như đến nước Uganda, Đức Giáo Hoàng gởi điện tín bày tỏ lòng biết ơn của ngài đến với Tổng thống Museveni và người dân Uganda; và đồng thời ngài cầu xin Thiên Chúa ban cho đất nước Uganda luôn được phước lành bình an, niềm vui và sự thịnh vượng. Còn trong điện tín gửi Tổng thống Congo ngoài lời chào thăm hỏi đầy niềm vui, Đức Giáo Hoàng còn khẩn khoản nài xin Thiên Chúa toàn năng ban ơn hòa bình và thịnh vượng cho mọi người.

Tuy nhiên, mục đích chính của Đức Giáo Hoàng là muốn thăm nước Trung Phi, bởi vì đây là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Đặc biệt những năm gần đây, nước này luôn xảy ra những cuộc nội chiến đẫm máu, nên vấn đề an ninh khá là phức tạp.

Khi đến nước Trung Phi, Đức Giáo Hoàng lắng nghe nhiều chứng nhân đặc biệt: một phụ nữ bị căn bệnh Sida tàn phá, ngài còn đến cầu nguyện với người nghèo ở một trong những khu ổ chuột ở Nai-Ro-Bi, ngài còn đi thăm một trung tâm Hồi giáo ở Ban-Gui, một trung tâm nổi tiếng là xấu xa, là tội lỗi. Qua chuyến đi mục vụ đó, có thể nói rằng đi đến đâu, Đức Giáo Hoàng như chạm được vết thương lòng của những người dân Phi Châu nghèo khổ và bất hạnh.

Bởi vì rất nhiều người đã cảm nhận khi gặp được Đức Giáo Hoàng, vết thương lòng nơi họ được chữa lành, niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt họ. Họ háo hức mong chờ, được chạm vào “người Đức Giáo Hoàng” một lần; Y như các bịnh nhân thời Chúa Giêsu mong chạm vào áo của Chúa một lần, để được bình an, vì cuộc sống của họ vốn đã gặp quá nhiều đau thương.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Nói đến đây, ta có thể đưa ra một lời nhận định nhẹ nhàng: ngày xưa, khi Đức Mẹ Maria đi thăm chị Êlisabét, với mục đích là giúp chị vượt qua những khó khăn trong cuộc sống như thế nào, thì chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng cũng với ý định xoa dịu những nỗi đau tột cùng của người dân Châu Phi. Những người đang bất lực giữa cuộc sống thiếu thốn về vật chất, và phải chạy trốn những cuộc nội chiến đẫm máu xảy ra từng ngày.

Qua đó, ta có thể cảm nhận rằng “trong cuộc đời này, ở đâu đó có tấm lòng nhân ái, ở đâu đó con người biết san sẻ tình thương với nhau; không chỉ bằng của cải vật chất, mà còn cả quỹ thời gian vốn rất eo hẹp của mình. Đó là một điều tuyệt vời nhất. Và điều này làm tôi chợt nhớ tới câu thơ đầy ý nghĩa của Gibran: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm một ngày nữa để yêu thương”.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết trải lòng mình ra, để biết yêu thương và phục vụ tha nhân, như yêu thương và phục vụ chính Chúa. Amen.




Lm Trầm Phúc

Chúng ta vẫn còn chờ đợi Chúa đến trong mầu nhiệm giáng sinh. Giáo Hội mời chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria trong cử chỉ bác ái của Mẹ khi đi thăm bà chị họ là Êlisabet. Khi nghe thiên thần cho hay bà Êlisabet đã được Chúa ban cho một con trai trong lúc tuổi già. Bà đã mang thai được sáu tháng. Maria liền tất tả đi thăm, không phải chỉ thăm mà thôi mà là giúp đỡ trong lúc cô đơn, nặng nề thai nghén.

Maria lên đường. Con đường từ Nadaret đến nhà bà Êlisabet dài hơn trăm cây số. Đường đi hiểm trở, đồi núi quanh co. Maria chỉ là một cô bé độ mười lăm tuổi. Maria không ngại đường dài, hiểm trở, không ngại nguy hiểm. Maria biết rằng chị Êlisabet lúc nầy đang cần một bàn tay trợ giúp.

Maria không ngờ rằng chuyến viếng thăm của mình sẽ mang lại cho người chị họ một ơn lành lớn lao là thánh hoá đứa con trong dạ. Maria vừa vào nhà chị và chào chị thì đứa con trong bụng bà nhảy mừng. Thánh Luca ghi nhận : bà Êlisabet được đầy ơn Thánh Thần. Chính Thánh Thần Chúa đã cho bà biết Maria là Mẹ Thiên Chúa và bà đã vui mừng thốt lên : “ Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế nầy ? Quả thật, nầy tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng  đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

Niềm vui của bà Êlisabet là niềm vui trong Chúa Thánh Thần. Thánh Thần đã cho bà biết Maria là Thân Mẫu của Chúa Giêsu và lần đầu tiên bà đã gọi Maria là Thân Mẫu của Thiên Chúa. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn gọi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và hơn nữa, chúng ta vẫn xem Mẹ là Mẹ chúng ta. Chúng ta vui mừng vì Mẹ đem Chúa Giêsu đến cho chúng ta. Hãy cùng Mẹ tạ ơn Chúa vì tình thương vô bờ của Chúa.

Mẹ đến thăm chị Êlisabet là để giúp đỡ chị trong thời buổi nặng nề thai nghén. Nhưng Mẹ đâu biết rằng Mẹ mang Chúa đến cho Gioan trong dạ mẹ. Gioan đã nhảy mừng. Đây phải chăng một hồng ân của Thánh Thần. Cử chỉ bác ái của Maria không chỉ là một cử chỉ bác ái mà là một hồng ân vô giá cho Gioan trong dạ mẹ. Gioan đã được thánh hoá. Có lẽ những cử chỉ bác ái của chúng ta dù nhỏ bé, vẫn mang đến cho mọi người những hồng ân mà chúng ta  không thể biết được.

Bà Êlisabêt nhận rằng Maria có phúc vì đã tin. Nếu chúng ta tin như Mẹ Maria, chúng ta cũng có phúc, vì đức tin vẫn là một nguồn ân phúc cho tất cả những ai tin. Mỗi ngày, khi chúng ta tham dự thánh lễ, chúng ta có cảm thấy rằng chúng ta đang bước vào một thế giới linh thiêng của Thiên Chúa và chúng ta tin rằng những gì Chúa nói ngày xưa, hôm nay được thực hiện trước mắt chúng ta. Chúa Giêsu hiện diện một cách cụ thể dưới hình thức bánh rượu. Linh mục,với thiêng chức của ngài, chỉ cần nói một lời như Chúa dạy, Chúa sẽ hiện diện. Chúng ta có tin không ? Nếu chúng ta tin, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc dâng tràn. Chúng ta sẽ thấy được tình thương vô bờ của Chúa. Chúa đến với chúng ta qua một hình thức hết sức khiêm nhu và không phải để tỏ uy quyền của Ngài, mà để cho chúng ta ăn lấy Ngài, để trở nên một xương một thịt với chúng ta, sống với chúng ta mọi giây phút. Chúng ta tin được không ? Xin cho niềm tin của chúng ta được trọn vẹn như niềm tin của Mẹ Maria để hạnh phúc của chúng ta được trọn vẹn như hạnh phúc của Mẹ.