
GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
2Sm 7,1-5.8b-12.14a.16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38
Lm Trấm Phúc
Đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay không xa lạ gì với chúng ta. Có thể chúng ta đã thuộc lòng rồi vì chúng ta đã gặp nó nhiều lần trong một năm. Đoạn Tin Mừng nầy quan trọng vì nó là nguồn gốc của một hồng ân lớn lao cho chúng ta cũng như nhân loại: Thiên Chúa nhập thể.
Chúng ta hãy kính cẩn đọc lại đoạn Tin Mừng quan trọng này và tạ ơn Chúa đã làm những việc lạ lùng cho chúng ta.
Chúa Con đến trong trần gian, mang lấy thân con người. Đây không phải là một việc thông thường mà là một việc vĩ đại mà chỉ có một trong thế gian này. Bên ngoài không có gì quan trọng, nhưng tầm quan trọng của biến cố này nằm trong tâm hồn con người. Một biến cố quan trọng như thế mà chỉ xảy ra trong âm thầm, nơi nhà một trinh nữ nghèo nàn, vô danh.
Thánh Luca viết: “Sứ thần vào nhà trinh nữ”. Chúng ta tưởng rằng thiên thần Chúa lấy hình một chàng thanh niên và bước vào nhà. Đó là một điều cấm kỵ trong xã hội Do thái. Một thanh niên không bao giờ được phép bước vào nhà một người nữ, nhất là khi người nữ ấy ở một mình. Vậy phải hiểu như thế nào? Thánh sử viết như thế cho dễ hiểu, thực ra có lẽ Thiên thần chỉ đến với Maria trong một thị kiến thôi. Cuộc đối thoại giữa thiên thần và Maria cho thấy chương trình của Chúa vượt xa tầm hiểu biết của con người. Thiên thần phải giải thích cho Maria, nàng mới hiểu và cuối cùng, vâng phục.
Thiên thần chào Maria bằng một câu mà nàng bối rối và ngạc nhiên: “Lời chào này có ý nghĩa gì?” Đây không phải là một lời chào mang một ý nghĩa cần phải hiểu. “Mừng vui lên, hỡi người đầy ơn phước”. Maria chỉ xem mình như một cô gái nhà quê như bao nhiêu cô gái trong làng, hôm nay được gọi là Đấng đầy ơn phước, làm sao không ngạc nhiên? Thấy Maria đang bối rối , thiên thần tiếp ngay: “Kính thưa Bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa”. Thiên thần cho Maria biết ngay ý muốn của Thiên Chúa: “Bà sẽ thụ thai, sẽ sinh một con trai và sẽ đặt tên nó là Giêsu”. Maria đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nàng vừa được đính hôn với anh Giuse, và được báo tin là sẽ thụ thai. Sự việc sẽ như thế nào? Maria thắc mắc: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Đối với chúng ta, việc Maria đã được đính hôn rồi mà không biết đến việc vợ chồng là một điều hơi lạ. Nhưng đối với người Do thái, họ có thể hiểu được.
Trong một vài trường hợp đặc biệt, người con gái , sau khi đã được đính hôn, có thể xin chồng tương lai hoản việc ăn ở một thời gian vì lý do riêng. Chúng ta biết rằng việc đính hôn là do dòng tộc, theo vai vế bà con chứ không do sự chọn lựa của đôi trẻ.
Đang lúc Maria chưa biết nghĩ sao, thiên thần đã cho biết: “Thánh Thần Chúa sẽ xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là Con Thiên Chúa”. Lời này trấn an Maria và giải quyết mọi vấn đề. Maria không còn lo nghĩ gì nữa, nàng trả lời một cách khiêm tốn: “Tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi như lời thiên thần nói”.
Sự vâng phục của Maria đã kết thúc một giai đoạn gay go và mở ra một con đường mới: Thiên Chúa nhập thể.
Giáo Hội đang đón mừng biến cố lớn lao ấy với tất cả niềm vui, chúng ta hãy vui mừng vì Chúa sắp đến viếng thăm chúng ta, mang lấy thân phận nhỏ hèn của chúng ta. Đây là một hồng ân vô giá mà Chúa thương ban cho chúng ta qua Mẹ Maria. Chúng ta hãy xin Mẹ đón tiếp Chúa với tất cả tâm tình yêu mến thực sự, biến tâm hồn chúng ta thành một đền thờ xứng đáng cho Chúa đến. Chúa đã nhìn đến phận hèn tội lỗi chúng ta, chúng ta cũng hãy đón chờ Ngài với tất cả cố gắng và tình yêu. Chúa không đòi hỏi chúng ta điều gì, Ngài đến với chúng ta với tất cả tình yêu của Ngài. Chúng ta cũng hãy đến với Ngài với tất cả tình yêu của chúng ta.
Hôm nay, Chúa vẫn đến với chúng ta qua một tấm bánh, để cho chúng ta thấy rằng, Ngài không để một chướng ngại nào ngăn cản Ngài. Ngài cho chúng ta ăn lấy Ngài để nên một với chúng ta, chúng ta đừng từ chối Ngài một điều gì, nhưng hãy luôn tiếp đón Ngài bất cứ dưới hình thức nào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh
Người công giáo chúng ta tin rằng: Sau khi tổ tông loài người là ông Adong và bà Eva phạm tội “ăn trái cấm”, thì bị Thiên Chúa phạt “đuổi ra khỏi vườn địa đàng”, mang theo những “hậu quả cay đắng” lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cho nên, con cái cháu chắc (tức là nhân loại) phải chịu nhiều đau khổ do “tội lỗi ấy” gây ra. Chính vì lẽ đó, mà nhân loại luôn khao khát, luôn mong chờ một Đấng Cứu thế xuất hiện, để cứu thoát con người khỏi vòng tội lỗi đáng chết ấy.
Hơn nữa, về phía Thiên Chúa, Ngài cũng rất nóng lòng muốn cứu độ con người hơn cả con người chúng ta muốn được cứu thoát. Phúc âm Thánh Gioan diễn tả: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải hư mất, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Vì yêu thương nhân loại mà Thiên Chúa chấp nhận hy sinh mọi thứ để lấp đầy những hố sâu tội lỗi của nhân loại.
Khi đọc những đoạn sách Sáng Thế, ta sẽ thấy được rất nhiều những hố sâu tội lỗi của nhân loại. Chẳng hạn như câu chuyện về ông Cain. Do lòng ganh tỵ, ghen ghét, mà Cain đã giết chết đứa em ruột của mình là Abêlê (St 4,8). Rồi đến chuyện ông Giacob: Vì muốn tranh giành quyền trưởng nam với người anh là Êsau, nên Giacob dùng thủ đoạn lừa đảo: “Đổi một bát cháo đậu lấy quyền trưởng nam” (St 25,29-34). Chưa hết, các anh em của ông Giuse (con ông Giacob) cũng vì ganh tỵ mà bán đứng Giuse sang Ai cập (St 37,12-36). Ấy là chưa kể đến chuyện: Dân Do thái (dân được Thiên Chúa tuyển chọn) mà lại rất nhiều lần phản bội Chúa, để rồi tôn thờ các vị thần linh khác.
Con người là thế đó! Rất hay “phụ tình, bội bạc!”, tội lỗi ngập tràn. Ấy thế mà Thiên Chúa vẫn cứ thương, vẫn mãi yêu, vẫn cứ thích đuổi theo nhân loại, như thể đi tìm một cơ hội, để một lần được yêu thương chăm sóc nhân loại.
Cuối cùng thì cơ hội đó cũng đã đến. Thiên Chúa nhìn thấy nơi một người, mà Kinh Thánh dùng từ khá độc đáo để diễn tả. Một thiếu nữ “Đầy Ân Sủng” và “Được Thiên Chúa ở cùng”. Người đó chính là Đức trinh nữ Maria.
Đức Mẹ Maria thật tuyệt vời đến độ mà thiên thần Gabrien đã phải thốt lên: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng.” (Lc 1,28). Một trinh nữ với đời sống thánh thiện, trái tim tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa, rất xứng đáng làm Đấng cưu mang Con Thiên Chúa! Thế nên Thiên Chúa đã chấp nhận làm thân phận của một người phàm, sống bình thường nơi xóm làng
Trong khi con người muốn chọn sự trổi vượt để bước lên, thì Chúa lại chọn sự thấp bé để bước xuống. Trong khi con người muốn sống đời sống sung sướng xa hoa, còn Chúa lại chọn cách sống thiếu thốn đủ điều. Trong khi con người muốn làm chủ mọi sự, còn Chúa lại chọn làm tôi tớ phục vụ mọi sự, trong tình yêu thương.
Rỏ ràng những gì con người chọn, thì Chúa lại không chọn. Chúa không chọn, không phải do Chúa muốn “sống lập dị” với mọi người, nhưng Chúa muốn sống tận cùng cái “khó nghèo” của kiếp người, để thấu hiểu tất cả những nỗi đau của kiếp người, đặc biệt là những con người nghèo khổ và bất hạnh.
Chính vì lẽ đó mà Ngài “bước xuống” trần gian, mang một thân xác phàm nhân, để “yêu” và “cứu” toàn thể nhân loại. Cho nên Mầu nhiệm Giáng sinh, “Chúa xuống thế làm người” là bước khởi đầu cho một “tình yêu cứu độ”, mà chỉ có Thiên Chúa là “Tình yêu” mới có thể giải thích nổi.
Kể từ khi Thiên Chúa chấp nhận làm con của Đức Trinh Nữ Maria, cũng là lúc Thiên Chúa đã trở nên Emmanuel, và Ngài đã chấp nhận ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Cho nên, một cách nhiệm mầu, Thiên Chúa vẫn đang hiện diện “bên trong” và “bên cạnh” mỗi người chúng ta.
Ngài hiện diện bên trong, mỗi khi ta suy nghĩ hay làm một điều gì tốt đẹp giúp người và giúp đời. Ngài hiện diện bên cạnh ta, trong thân phận của một con người nghèo khổ, bất hạnh đang cần ta giúp đỡ và cảm thông. Chẳng hạn như Ngài có thể hiện diện trong dáng dấp của một đứa trẻ, đang cần sự đón nhận chở che, như câu chuyện kể: Vào một buổi tối trong một kỳ nghỉ đông lạnh lẽo, một đứa bé trai khoảng sáu bảy tuổi đang đứng phía ngoài cửa sổ của một cửa hàng. Cậu bé không có giày để mang, quần áo của cậu thì rách rưới. Một phụ nữ trẻ đi ngang qua, cô nhìn thấy cậu bé và cô đọc được nỗi khao khát bên trong đôi mắt xanh của cậu bé. Thế là cô nắm lấy tay cậu bé và dẫn cậu vào trong cửa hàng rồi cô mua cho cậu một đôi giầy mới và một bộ quần áo ấm. Sau đó, cô dắt cậu trở ra và nói với cậu: "Bây giờ cháu có thể trở về nhà và có một kỳ nghỉ đông thật hạnh phúc".
Cậu bé chăm chú nhìn cô rồi hỏi: "Cô, cô có phải là Chúa không?".
Người phụ nữ nhìn cậu bé, mỉm cười và trả lời: "Không cháu à, cô chỉ là một trong những người con của Chúa thôi".
Với vẻ mặt tươi tỉnh, câu bé nói: “Cháu biết mà, cháu biết thế nào cô cũng có bà con hay họ hàng gì với Chúa, nên mới tốt bụng như vậy.”
Câu chuyện: mang nội dung rất nhân văn và đậm tình người. Đối với các trẻ em, ai làm điều tốt, người đó là thần tượng, thậm chí là Chúa đối với chúng.
Còn đối với người lớn, nên nhớ lời Chúa dạy rằng là: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42).
Nói tắt một lời rằng: Nếu ta làm điều gì tốt đẹp cho cuộc sống này là ta đang làm cho Chúa hiện diện trong cuộc đời của ta.
Ước gì mùa Giáng sinh năm nay, lời cầu chúc Emmanuel không chỉ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, mà Thiên Chúa ở cùng với tất cả anh chị em của chúng ta nữa. Nguyện xin Đấng Emmanuel luôn hiện diện, ban niềm vui và ơn bình an xuống cho tất cả mọi người trong ngày mừng Chúa Giáng Sinh sắp tới. Amen.
Lm. Thái Nguyên
XIN VÂNG
Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng quen thuộc: “Sứ Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria”. Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho cô Maria, như một thụ tạo tuyệt vời, độc nhất vô nhị, chỉ vì Ngài muốn cô xứng đáng trở nên người mẹ cưu mang chính Con Một của Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa không ép buộc, Ngài không đặt Maria trước một sự việc đã rồi. Ngài muốn hỏi ý và chờ cô đáp trả một cách tự do.
Khung cảnh truyền tin không phải nơi lộng lẫy uy nghiêm như trong đền đài vua chúa, mà lại diễn ra nơi một thôn quê nghèo nàn là Nagiarét: nơi chưa từng được nhắc đến cả trong Cựu Ước lẫn trong các tác phẩm của sử gia Joshephus hoặc các tác phẩm chú giải của các kinh sư. Một ngôi làng nhỏ bé và vô danh đến nỗi khi Nathanaen được Philipphê giới thiệu đến gặp Đức Giêsu ở đó, thì ông liền bảo: "Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?" (Ga 1,45-46). Thế nhưng Thiên Chúa lại chọn nơi chốn âm thầm đó để làm khởi điểm lịch sử cứu độ.
Cũng trong sự âm thầm và lặng lẽ ấy mà sứ thần đến gặp cô Maria và cung kính thưa với người nữ ấy rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1,28).“Ðấng đầy ân sủng” cho thấy cô Maria giống như một bình chứa đựng sự sủng ái của Thiên Chúa, và cũng chính là danh hiệu đẹp nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho cô Maria, để cho thấy cô là người được Thiên Chúa tuyển chọn, được tràn ngập ân ban cao quý nhất, là sinh ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.
Thôn nữ Maria sợ sự tôn vinh bất thường ấy, và tự nhủ lời chào ấy có ý nghĩa gì? Đúng là sự tỉnh thức thận trọng của một thục nữ trinh trong, sáng ngời, đầy khiêm nhu và thùy mị. Sứ thần đã nhận ra sự bối rối đó và giải thích thật cặn kẽ, là “vì bà đẹp lòng Thiên Chúa…bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai,… được gọi là Con Ðấng Tối Cao… Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người…”
Nhưng đối với Maria, “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” hơn cả ngai vàng vua Đavít, vì Maria muốn tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, nên từ tốn đáp: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Trong khi Maria bối rối thì thiên sứ cho cô biết chương trình lớn lao của Thiên Chúa. Cô vẫn đồng trinh nhưng nhận được ân sủng và thụ thai siêu nhiên bởi Chúa Thánh Thần, nên Hài nhi sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Thật là một mạc khải to tát cho nhân loại: Thiên Chúa sẽ đi vào đời, ở giữa mọi người, sống như mọi người với tất cả thần tính và nhân tính của Ngài.
Những gì được báo tin vượt quá trí tưởng tượng và khả năng hiểu biết của trinh nữ Maria, và thiên sứ minh chứng ngay điều lạ lùng đã xảy ra cho Elisabét, người chị họ son sẻ đã già nua mà đã có thai sáu tháng, “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Nhận ra thánh ý Thiên Chúa, Maria sấp mình thưa:“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Sau tiếng Xin Vâng, Ngôi Lời đã thành thai nhi và lớn lên trong cung lòng trinh nữ Maria. Quả là một mầu nhiệm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại mà Thiên Chúa đã thực hiện vì yêu thương con người.
Đức Maria nói tiếng “Xin Vâng” không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn, không phải vì hiểu hết được việc Chúa làm. Có những biến cố sau này mà Mẹ chẳng hiểu chi, nhưng Mẹ “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Mẹ Xin Vâng vì tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Là thiếu nữ Sion, lẽ nào Mẹ lại không biết đến câu ca ngợi lòng từ bi Chúa: “Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa. Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình.” (Đnl 32, 10). Trong cảm nhận đầy tràn ân sủng Chúa, Mẹ nhận mình là “nữ tỳ” của Chúa và “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi với tâm tình đó, Đức Maria đã xướng lên lời kinh ca ngợi thật tuyệt vời (x. Lc 1, 46-55).
Tiếng “Xin Vâng” của Đức Maria đã đưa Con Thiên Chúa vào lòng thế giới để ơn cứu độ được lan tỏa khắp nơi. Nhờ những tiếng xin vâng của tôi hằng ngày, mà Đức Giêsu có chỗ trong lòng người hôm nay. Muốn vậy, tôi hãy sẵn sàng với Chúa qua mọi nỗi khó khăn và thử thách trong đời, như một cách cưu mang Chúa trong lòng, để Ngài sinh ra cho môi trường tôi đang sống, để Ngài lớn lên trong mọi việc tôi làm, và đem lại ân phúc cho những người tôi phục vụ.
Cầu nguyện
Lạy Mẹ Maria!
Mẹ tuyệt vời khi thưa tiếng “Xin Vâng”,
để Con Thiên Chúa được xuống trần,
mang phận người để cứu độ muôn dân.
Mẹ xin vâng là cam kết dấn thân,
chịu rủi ro và bằng lòng đánh đổi.
nên Mẹ “xin Chúa cứ làm cho tôi”,
vì chỉ mong thực hiện ý Chúa thôi.
Tiếng xin vâng của Mẹ đầy mạo hiểm,
vì không thể tránh khỏi những phong ba,
nhưng nhờ tin Mẹ vượt qua tất cả,
trong niềm vui và ân phúc chan hòa.
Đời Mẹ là bài tình ca muôn thuở,
luôn vang hòa lời cảm tạ không ngơi,
cho dù bao mưa gió giữa cảnh đời,
Mẹ vẫn sống sáng ngời tình yêu mến.
Mẹ diễm phúc vì đã tin điều Chúa hứa,
Mẹ tuyệt vời vì đã theo ý Chúa làm,
xin đừng để con thể hiện ý mình,
nhưng xin vâng mọi điều theo ý Chúa.
Xin đón nhận con trong vòng tay Mẹ,
để khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin,
để nâng đỡ và kiện cường đức cậy,
để mở rộng và khơi sâu đức ái.
Xin dìu con trên nẻo đường thánh thiện,
biết âm thầm lặng lẽ sống hy sinh,
luôn trung trinh và từ bỏ chính mình,
để dâng hiến trọn một đời cho Chúa.
Xin đặt để con trong trái tim Mẹ,
biết ôm lấy Mẹ trong trái tim con,
mong ngày mai được trọn niềm mơ ước,
là vui vầy bên Mẹ cõi thiên đường. Amen.
Tôma Lê Duy Khang
Trong bài đọc 1 trích sách Samuen quyển thứ hai, chúng ta nghe câu chuyện Vua Đavit ngỏ ý muốn xây cho Đức Chúa một ngôi nhà để Chúa ngự, nhưng Chúa không đồng ý, Chúa nói: “Ngươi mà xây nhà cho Ta sao.” Và Chúa dùng miệng của tiên tri Nathan để nhắc lại cho Đavit nhớ những gì mà Ngài đã làm Đavit: “Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, ĐỨC CHÚA báo cho ngươi biết là ĐỨC CHÚA lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.” Và Đavit đã nghe theo lời của Thiên Chúa, bỏ đi ý định xây nhà cho Chúa.
Trong bài Tin mừng hôm nay, khi Thiên Thần truyền tin cho Mẹ Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Khi nghe những lời đó, thì Đức Mẹ phản ứng như thế nào? Thưa Đức mẹ nói: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Và sau cùng Đức mẹ đã đáp lại bằng lời xin vâng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Như vậy, qua hai bài đọc, chúng ta thấy ý định của Thiên Chúa luôn khác ý muốn của con người, và nếu con người nhận ra được, sống theo ý muốn của Thiên Chúa thì mọi sự tốt đẹp sẽ đến với con người.
Nếu chúng ta mở rộng ra, khi sống theo ý muốn của Thiên Chúa, không chỉ điều tốt đẹp xảy đến với ta, mà còn cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, khi Đức Mẹ sống theo ý muốn của Thiên Chúa, thì Đức Mẹ được gọi là người có phúc, được gọi là Đấng đầy ân sủng vì có Chúa ở cùng Mẹ, rồi người đời khen Mẹ là đấng diễm phúc nữa, trong Kinh thánh có kể câu chuyện khi Chúa Giêsu đang giảng dạy thì có người phụ nữ đã lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Bên cạnh đó, Chúa Giêsu nói thêm: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” nghĩa là mọi người chúng ta, nếu biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa, chúng ta cũng là là người có phúc như Mẹ Maria.
Như đã nói, nếu chúng ta sống, nếu chúng ta biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa, chúng ta không chỉ đem lại phúc lành cho mình, mà chúng ta còn đem lại phúc lành cho người khác, cụ thể là Mẹ Maria, khi đáp lại lời xin vâng, Mẹ đã đem phúc lành cho nhân loại, mà phúc lành đầu tiên Mẹ mang đến cho người chị họ của mình và đứa con mà chị họ đang cưu mang là ông Gioan Tẩy Giả, Tin mừng thuật lại: “Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần” (Lc 1,39-41). Sau này chính nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa, mà Chúa đem lại ơn cứu độ cho con người.
Xin cho mỗi người chúng ta đừng sống theo ý mình, nhưng noi gương Mẹ Maria sống theo ý muốn Thiên Chúa, để chính chúng ta là người có phúc, và mang lại phúc lành cho người khác. Amen.