21/01/2025
104
Bài giảng Lễ Chúa Nhật III TN - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN - NĂM C

Lời Chúa: Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr 12,12-30; Lc 1,1-4;4,14-21

Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 2 trích thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô nói về hình ảnh của sự hợp nhất, thánh Phaolô ví thân thể của con người chỉ là một nhưng có nhiều bộ phận, mặc dầu nhiều bộ phận nhưng chỉ có một thân thể, để nói về thân thể Chúa Kitô, và mỗi người chúng ta là một bộ phận.

Vậy làm thế nào để hợp nhất?

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện 5 ông thầy bói mù xem voi là một minh họa cho chúng ta:

Có 5 ông thầy bói mù, ông nào cũng chưa từng một lần nhìn thấy con voi nên không biết hình thù nó ra sao. Bỗng nghe dân tình kháo nhau có người đang dắt voi đi ngang qua làng. Năm ông thầy bói chung tiền vào đưa cho người quản voi bảo họ cho voi dừng lại để xem.

   Ông sờ vòi, ông sờ ngà, ông thì sờ chân, ông thì sờ tai còn ông thì sờ đuôi. Sau khi sờ voi kĩ lưỡng thì 5 ông thầy lần lượt phán.

   Thầy sờ vòi của voi thì phán:

   – Tôi cứ tưởng con voi nó thế nào chứ hóa ra nó cũng sun sun như con đỉa thôi.

   Thầy sờ ngà voi thì lại phán:

   – Tôi thấy nó đâu có như con đỉa, nó dài dài cứng cứng như cái đòn càn.

   Tiếp đến thầy sờ tai thì phán:

   – Không phải, nó bè bè như là cái quạt thóc.

   Thầy sờ chân voi phản ứng ngay:

   – Các ông đều sai hết, nó sừng sững như là cái cột đình vậy.

   Cuối cùng thầy sờ đuôi phán:

   – Bốn ông chả ai nói đúng cả, tôi thấy nó tua tủa như là cái chổi xể cùn.

   Năm ông thầy mỗi ông một ý, không ông nào chịu nhường ông nào cả nên nhảy vào cãi lộn rồi xô xát đến mức sứt đầu mẻ trán.

Chúng ta thấy 5 ông thầy bói đâu có thấy được gì, nhưng 5 ông chỉ nghe thôi, và khi nghe không đúng ý của mình, thế là xảy ra tranh cãi.

Trong phạm vi của các bài đọc lời Chúa hôm nay, thì chúng ta thấy để có thể hợp nhất thì cần có lời của Chúa, một lời nói thống nhất giúp con người dễ thống nhất với nhau.

Trong bài đọc 1 chúng ta nghe kể câu chuyện đó là sau khi tìm thấy Sách Luật trong đền thờ Giêrusalem, vua Giôsaphat truyền cho các tư tế phải đọc cho dân nghe từng phần để khám phá và đón nhận giáo huấn của Chúa, là giáo huấn đã bị quên lãng qua nhiều thế hệ. Dân chúng chăm chú lắng nghe sách luật, vừa với tâm tình sám hối ăn năn, vừa trong tâm tình hân hoan vui sướng, hay nói cách khác đó là Lời của Chúa đã thấm nhập vào con người giúp họ thăng tiến và nhận ra những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện, chính điều đó là cho con người hợp nhất.

Bài đọc Tin Mừng cũng là một minh họa cho chúng ta khi biết được mục đích của việc Luca viết sách Tin Mừng là để cho Theophilo nhận thức được rằng giáo huấn mà ông đã học được là giáo huấn chính thống, giáo huấn vững chắc.

Và một cách cụ thể ở phần thứ hai của đoạn Tin Mừng đó là việc Chúa Giêsu chính là Người đã ứng nghiệm lời của ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa."

Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."

Chúng ta để ý Tin Mừng ghi lại Chúa không đọc lời Chúa, mà Tin Mừng chỉ nói người ta trao cho Chúa Giêsu và gặp đoạn sách ngôn sứ Isaia, bởi nếu Chúa đọc thì Chúa chỉ là người phát ngôn viên, nhưng đằng này chính Chúa là Đấng mà sách ngôn sứ Isaia đã nhắc tới.

Nếu đọc Tin Mừng trong tính tổng thể, chúng ta cũng thấy được có lần Chúa Giêsu đã nói với dân chúng và các môn đệ: “Các kinh sư và các người Pharisiêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” (Mt 23,2-4).

Nghĩa là nếu hành động có làm sai, nhưng Lời Chúa không thể nói sai, vì Lời Chúa phải nói đúng, vì đó là Lời của Chúa, đó là một sự thống nhất, mà ngay cả các biệt phái Pharisiêu giả hình cũng không dám thay đổi.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để dù như thế nào đi chăng nữa, cũng phải biết nói về Chúa dựa vào kinh thánh, chứ không dựa vào lời cá nhân của mình, có như thế, mới có sự thống nhất trong chính đời sống của chúng ta, có như thế chúng ta mới có thể hợp nhất với thân thể của Chúa Kitô. Amen.

 


Lm. Thái Nguyên

Hồng ân cứu độ

Sau một thời gian rao giảng khắp miền Galilê, Ðức Giêsu trở về Nadarét, nơi Ngài sinh trưởng. Ngài vào hội đường trong ngày sabát và được mời đọc Sách Thánh. Ngài đọc sách của ngôn sứ Isaia, đoạn sách nói về ơn gọi và sứ mạng của ông (61,1-2). Ông được xức dầu để trở thành ngôn sứ cho những người Do Thái mới thoát khỏi cảnh lưu đày. Ông thông báo cho dân chúng biết thời kỳ cùng khốn đã chấm dứt, và một kỷ nguyên mới đang tới. Trong đó, người nghèo được đón nhận Tin Mừng, kẻ giam cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị áp bức được tự do, và năm hồng ân của Chúa được khai mở.

Đọc xong đoạn Sách Thánh, Đức Giêsu nhận ra đó chính là lời tiên báo về ơn gọi và sứ mạng của mình. Ngài liền long trọng tuyên bố trước toàn thể dân chúng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Với lời tuyên bố này, Đức Giêsu đã khai mạc một Năm Thánh, Năm Hồng Ân cứu độ. Đúng là một tin mừng làm nức lòng dân chúng, đem đến cả một bầu trời an vui và hy vọng cho con người.

Đoạn sách Isaia đã thực sự ứng nghiệm nơi Đức Giêsu Kitô, là Đấng đầy tràn Thánh Thần, từ lúc sinh ra, lớn lên, bắt đầu rao giảng công khai, cũng như trong toàn bộ lời nói việc làm, và ngay trong biến cố này. Đúng như lời sấm của ngôn sứ Isaia, Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, kẻ bị giam cầm, kẻ mù lòa, kẻ bị áp bức. Điều này đã từng được minh chứng trước đây khi Gioan Tiền Hô sai các môn đệ ông đến hỏi Ngài, có phải là Đấng thiên sai hay không? Chúa Giêsu thẳng thắn trả lời: “Các anh về thuật lại cho ông Gioan những gì mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què đi được, người phong cùi được lành sạch, người điếc nghe được, kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5).

Đức Giêsu chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài đến để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho con người, nhưng chính yếu là giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, là đầu mối của mọi đau thương bất hạnh. Hơn nữa, Ngài còn cho con người được tham dự vào thần tính của Thiên Chúa, được trở nên con cái của Chúa Cha trong Thánh Thần.

Thế giới hôm nay cũng còn đầy dẫy những người nghèo, những kẻ bị giam cầm, bị tù đày, bị áp bức, phải sống trong lầm than, cơ cực và thiếu thốn mọi điều. Không chỉ thiếu thốn cơm ăn áo mặc, mà quan trọng là thiếu tình thương, thiếu sự tôn trọng, thiếu cả những nhu cầu cơ bản để sống cho ra người. Họ là những người phải chịu nhiều đau thương bất hạnh do bất công, độc tài, phân biệt, kỳ thị… do tham lam và ích kỷ của chính con người. Tuy nhiên, vẫn có những người tự làm cho mình nghèo khổ vì buồn sầu thất vọng, không còn ý chí tiến thủ; vẫn có những người tự giam hãm mình vì hờn giận oán căm; vẫn có những người mù quáng vì cuồng tín, cao ngạo và cố chấp; vẫn có những người tự áp bức mình bởi những thành kiến và lối sống tiêu cực. 

Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục công cuộc cứu thế trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội. Ngài cứu thế qua các bí tích. Ngài đến với con người qua các thừa tác viên và qua tất cả các Kitô hữu. Mỗi người chúng ta là sự tiếp nối công việc của Chúa Giêsu, bằng cách chia sẻ niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ người đau khổ thể xác và tinh thần, xua tan sợ hãi, giải thoát người bị áp bức, xoa dịu những oán hờn, an ủi kẻ cô đơn, biểu lộ sự hiện diện của Chúa bằng những hoạt động bác ái.

Dưới sự soi sáng và sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta hãy mạnh dạn bước đi để loan truyền tình thương Chúa cho mọi người bằng sự dấn thân hy sinh và phục vụ tận tình. Và như vậy, chúng ta tiếp tục trở nên hình ảnh sống động của lòng Chúa thương xót, và trở nên Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi người. Là những người được Chúa sai đi chúng ta hãy nhiệt thành thi hành sứ vụ của mình, để làm cho lời ngôn sứ Isaia xưa kia cũng được ứng nghiệm nơi chính bản thân mình.

Năm nay, năm thánh, năm hồng ân của Thiên Chúa đã mở ra cho nhân loại chúng ta, giữa một thế giới còn đầy những chiến tranh hận thù, còn đầy những bóng tối sự dữ và chết chóc, còn bao nhiêu oan khiên và đau khổ trong kiếp người. Ai cũng mong được bình an và một đời sống tươi sáng. Vì thế, năm thánh phải được công bố bằng chính đời sống thánh thiện của chúng ta, là những Kitô hữu dám sống với tất cả tình yêu thương phục vụ, nói lên dấu chỉ của Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa lòng cuộc sống hôm nay, để những ai đón nhận với lòng tin tưởng và cậy trông vào Chúa sẽ được hưởng ơn cứu độ muôn đời.  

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Cuộc đời này quả thật là bể khổ,
ai cũng mong được hồng ân cứu độ,
để con người thoát khỏi cảnh hư vô,
không còn phải sống trong kiếp đọa đày.

Tôn giáo nào cũng chủ trương giải thoát,
bằng giáo thuyết và những giới luật vàng,
giúp con người vượt thoát kiếp lầm than,
nhưng xem ra không mấy ai thành đạt,
vì cần một sức mạnh của ân ban,
chứ không chỉ những nỗ lực đơn thuần.

Cũng có những phong trào làm cách mạng,
đưa ra những chủ trương thật lý tưởng,
đã vùng lên để giải phóng cho đời,
hứa hẹn một cuộc sống thật sáng ngời,
đem độc lập và tự do hạnh phúc,
cho trần gian trở nên chốn thiên đàng.

Nhưng thực tế lại càng thêm khốn khổ,
thêm người nghèo và bất công đủ chỗ,
thêm tù đày và lắm nỗi đắng cay,
càng làm cho cuộc sống thêm sa lầy.

Nếu tạo một thiên đàng không có Chúa,
chẳng khác nào địa ngục chốn trần gian,
sẽ gây nên bao cuộc chiến tương tàn,
lịch sử cho thấy sự kinh hoàng như thế.

Xin hướng nhân loại chúng con về với Chúa,
Đấng duy nhất đến cứu độ trần gian,
để mọi người được đón nhận hồng ân,
là an vui và hạnh phúc vô ngần. Amen.