21/01/2025
2
Bài giảng Lễ Chúa Nhật III TN - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN - NĂM C

Lời Chúa: Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr 12,12-30; Lc 1,1-4;4,14-21

Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 2 trích thư thứ hai của thánh Phaolo tông đồ gởi tín hữu Côrintô nói về hình ảnh của sự hợp nhất, thánh Phaolo ví thân thể của con người chỉ là một nhưng có nhiều bộ phận, mặc dầu nhiều bộ phận nhưng chỉ có một thân thể, để nói về thân thể Chúa Kito, và mỗi người chúng ta là một bộ phận.

Vậy làm thế nào để hợp nhất?

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện 5 ông thầy bói mù xem voi là một minh họa cho chúng ta :

Có 5 ông thầy bói mù, ông nào cũng chưa từng một lần nhìn thấy con voi nên không biết hình thù nó ra sao. Bỗng nghe dân tình kháo nhau có người đang dắt voi đi ngang qua làng. Năm ông thầy bói chung tiền vào đưa cho người quản voi bảo họ cho voi dừng lại để xem.

   Ông sờ vòi, ông sờ ngà, ông thì sờ chân, ông thì sờ tai còn ông thì sờ đuôi. Sau khi sờ voi kĩ lưỡng thì 5 ông thầy lần lượt phán.

   Thầy sờ vòi của voi thì phán:

   – Tôi cứ tưởng con voi nó thế nào chứ hóa ra nó cũng sun sun như con đỉa thôi

   Thầy sờ ngà voi thì lại phán:

   – Tôi thấy nó đâu có như con đỉa, nó dài dài cứng cứng như cái đòn càn

   Tiếp đến thầy sờ tai thì phán:

   – Không phải, nó bè bè như là cái quạt thóc

   Thầy sờ chân voi phản ứng ngay:

   – Các ông đều sai hết, nó sừng sững như là cái cột đình vậy

   Cuối cùng thầy sờ đuôi phán:

   – Bốn ông chả ai nói đúng cả, tôi thấy nó tua tủa như là cái chổi xể cùn

   Năm ông thầy mỗi ông một ý, không ông nào chịu nhường ông nào cả nên nhảy vào cãi lộn rồi xô xát đến mức sứt đầu mẻ trán.

Chúng ta thấy 5 ông thầy bói đâu có thấy được gì, nhưng 5 ông chỉ nghe thôi, và khi nghe không đúng ý của mình, thế là xảy ra tranh cãi.

Trong phạm vi của các bài đọc lời Chúa hôm nay, thì chúng ta thấy để có thể hợp nhất thì cần có lời của Chúa, một lời nói thống nhất giúp con người dễ thống nhất với nhau.

Trong bài đọc 1 chúng ta nghe kể câu chuyện đó là sau khi tìm thấy Sách Luật trong đền thờ Giêrusalem, vua Giôsaphat truyền cho các tư tế phải đọc cho dân nghe từng phần để khám phá và đón nhận giáo huấn của Chúa, là giáo huấn đã bị quên lãng qua nhiều thế hệ. dân chúng chăm chú lắng nghe sách luật, vừa với tâm tình sám hối ăn năn, vừa trong tâm tình hân hoàn vui sướng, hay nói cách khác đó là lời của Chúa đã thấm nhập vào con người giúp họ thăng tiến và nhận ra những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện, chính điều đó là cho con người hợp nhất.

Bài đọc tin mừng cũng là một minh họa cho chúng ta khi biết được mục đích của việc Luca viết sách tin mừng là để cho Theophilo nhận thức được rằng giáo huấn mà ông đã học được là giáo huấn chính thống, giáo huấn vững chắc.

Và một cách cụ thể ở phần thứ hai của đoạn tin mừng đó là việc Chúa Giêsu chính là Người đã ứng nghiệm lời của ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."

Chúng ta để ý tin mừng ghi lại Chúa không đọc lời Chúa, mà tin mừng chỉ nói người ta trao cho Chúa Giêsu và gặp đoạn sách ngôn sứ Isaia, bởi nếu Chúa đọc thì Chúa chỉ là người phát ngôn viên, nhưng đẳng này chính Chúa là Đấng mà sách ngôn sứ Isaia đã nhắc tới.

Nếu đọc tin mừng trong tính tổng thể, chúng ta cũng thấy được có lần Chúa Giêsu đã nói với dân chúng và các môn đệ: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” (Mt 23,2-4).

Nghĩa là nếu hành động có làm sai, nhưng Lời Chúa không thể nói sai, vì Lời Chúa phải nói đúng, vì đó là lời của Chúa, đó là một sự thống nhất, mà ngay cả các biệt phái Pharisieu giả hình cũng không dám thay đổi.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để dù như thế nào đi chăng nữa, cũng phải biết nói về Chúa dựa vào kinh thánh, chứ không dựa vào lời cá nhân của mình, có như thế, mới có sự thống nhất trong chính đời sống của chúng ta, có như thế chúng ta mới có thể hợp nhất với thân thể của Chúa Kito. Amen.