
GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Ga 21,1-19
Tôma Lê Duy Khang
Tại sao hôm nay Chúa Giêsu lại hỏi Phêro tới ba lần con có yêu mến thầy không? Rồi sau đó trao phó đoàn chiên cho Phêro coi sóc.
Có người lý luận là vì 3 lần con có yêu mến Thầy không để bù lại cho ba lần Phêro chối Chúa, đó cũng là một lý luận.
Nếu như vậy thì coi như hòa rồi, Phêro có công trạng gì mà phải trao phó đoàn chiên.
Chúng ta hãy nhớ lại khi Phêro tuyên xưng Chúa Giêsu ở Cêsare Philipphe: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,16-20).
Hay khi Phêro hỏi Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì? " Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” (Mt 19, 27-29)
Ở đây chúng ta không nói đến chuyện thưởng phạt, đương nhiên là có thưởng phạt, nhưng tình yêu của Chúa trên cái sự thưởng phạt đó nữa, mà ở đây chúng ta nói đến vì tình yêu của Phêro dành cho Chúa, nên Chúa đã trao phó đoàn chiên cho Phêro coi sóc, vì sao vậy.
Chúng ta thấy khi trao phó đoàn chiên cho Phêrô, Chúa có nói là chiên nào hay không? thưa không bởi vì chiên thì bao gồm cả: Chiên cùi, chiên ghẻ, chiên sà mâu, chiên hắc lào, chiên lác, chiên ba gai … hay chiên mượt mà duyên dáng dễ thương, chiên nhẵn nhụi láng bóng thơm phức, chiên mềm dẻo quẹo ngọt ngào … Nếu chỉ yêu mến chiên mà không yêu mến Thầy thì sẽ trọn lựa chiên nào dễ thương, dễ bảo để yêu; còn chiên dễ ghét, khó ưa thì không yêu được, và sẽ có sự phân biệt đối xứ.
Còn nếu yêu Chúa rồi thì sẽ yêu tất cả mọi chiên, không phân biệt. Yêu chiên bằng tình yêu của Chúa chứ không phải tình yêu của con người. Bởi vì tình yêu con người thì sẽ có chọn lựa, sẽ có ích kỷ; chứ không phải tình yêu nhưng không, tình yêu vô điều kiện.
Đó là cái nhìn tự nhiên theo con người của chúng ta dựa trên nền tảng kinh thánh, còn nếu chúng ta nhìn dưới cái nhìn bí tích, nhất là bí tích thánh thể, bí tích tình yêu, thì khi yêu thương nhau sẽ giúp cho người ta nhận ra Chúa.
Đọc lại phần đầu của tin mừng chúng ta thấy rất rõ về điều này.
Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe câu chuyện sau mẻ cả lạ lùng, các môn đệ đã nhận ra Chúa khi Chúa bẻ bánh.
Không phải chỉ hôm nay mà nếu đọc tin mừng trong tính tổng thể chúng ta cũng thấy được điều này.
Chẳng hạn như câu chuyện Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus: Tin mừng kể lại Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ giải thích kinh thánh cho các ông bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người. Sau đó, khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? " (Lc 24, 27-32).
Nghĩa là hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu phục sinh qua việc các ông được nghe lời của Chúa, được Chúa Giêsu cử hành nghi thức bẻ bánh nên các ông đã nhận ra Chúa.
Không chỉ trong bối cảnh phục sinh, mà trước đó khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều thì dân đã nói về Chúa Giêsu: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" (Ga 6,14).
Như thế, chính khi cử hành bí tích thánh thể, bí tích tình yêu giúp cho người ta nhận ra Chúa, mà một cách cụ thể hơn đó là nếu chúng ta biết sống bí tích mà chúng ta lãnh nhận, nghĩa là không chỉ lãnh nhận bí tích tình yêu trên lý thuyết, mà sống bí tích tình yêu trong cuộc đời nữa, thì sẽ giúp cho người ta nhận ra Chúa cách thực tế hơn.
Chính vì thế, mà Chúa Giêsu đòi buộc Phêro phải có lòng yêu mến Chúa, để yêu thương đoàn chiên của Chúa, nghĩa là phải sống bí tích tình yêu trong cuộc đời của mình, để cho nhiều người được biết Chúa.
Xin cho mỗi người chúng ta biết nhận ra Chúa qua bí tích thánh thể, cũng như biết sống bí tích trong cuộc đời của mình. Amen.
Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay thuật lại câu chuyện: Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ bên bờ hồ Tibêria sau khi sống lại từ cõi chết.
Khi hiện ra, câu đầu tiên Chúa hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Phải chăng Chúa đói bụng, muốn tìm một chút gì đó lót dạ? Hay là Chúa đã biết các tông đồ suốt đêm lưới cá bị thất bại, không bắt được con cá nào? Nghĩa là Thầy trò sẽ không có gì để ăn chung với nhau cho vui.
Sau khi các tông đồ trả lời: “Dạ không có gì để ăn ạ,” Chúa Giêsu đề nghị: “Anh em hãy thả lưới bên phải mạn thuyền đi.” Mặc dù đắm đuối lắm rồi, nhưng các học trò vẫn nghe lời Thầy là thả lưới. Cho nên, có thể gọi đây là một mẽ lưới “bất đắc dĩ”. Làm theo lời Thầy, nhưng tâm trạng chưa chắc gì vui đâu, vì nghĩ rằng “sẽ thất bại” một lần nữa.
Thế nhưng có hiệu quả mới hay chứ! Đúng như người ta hay nói: “Làm chơi, mà ăn thiệt.” Mẻ lưới bắt được 153 con cá. Theo Kinh Thánh, đây là con số tượng trưng, nói đến một sự bội thu, nhiều cá. Thưa anh chị em, Sau mẻ cá lạ lùng đó, Thầy trò ngồi quanh bếp than hồng trên bãi biển, thưởng thức bánh và cá một cách vui vẻ thoải mái, vì Thầy trò gặp lại nhau. Trong bữa ăn dã ngoại, đơn sơ đó, Thầy Giêsu chú ý đặc biệt đến Phêrô, một học trò nhát gan, với ba lần lên tiếng chối: “Không biết Thầy.”
Còn Phêrô, có lẽ ông vẫn còn ái ngại khi gặp lại Thầy, vì sự hèn nhát của mình. Trong lòng cứ lo lắng, rồi tự hỏi: “Sao Thầy lại để ý đến mình, mà không phải là một anh em khác?” Phải chăng lúc này Chúa muốn biết rõ con người thật của Phêrô? Xem coi sau khi chối bỏ Thầy, Phêrô có hối hận không, có quyết tâm chuộc lại lỗi lầm, và có muốn tiếp tục làm môn đệ của Thầy nữa không? Hay là Phêrô muốn đi theo con đường khác, trở lại với cuộc sống bình thường, an toàn thân phận với nghề đánh cá ở biển hồ Tibêria? Bao nhiêu suy nghĩ như đã bị dồn nén, đến lúc có cơ hội, Chúa bung ra, hỏi Phêrô một lần cho ra lẽ.
“Này Phêrô, thật ra, con có yêu mến Thầy không?
Một câu hỏi mà Chúa lập đi lập lại đến ba lần: “Con có yêu mến Thầy không, Phêrô?” Và mỗi lần hỏi, có vẻ Chúa lên giọng, khiến cho Phêrô phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ rồi trả lời: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự mà, Thầy biết con yêu mến Thầy!” Sau khi Phêrô bày tỏ tình yêu của mình đối với Thầy, thì không có lý do gì để Thầy phải từ chối người học trò, tuy lỗi lầm nhưng biết hối cải này. Thế là Phêrô được chọn làm người chăm sóc đoàn chiên cho Thầy Giêsu.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em, cách chọn người của Chúa rất khó hiểu, nhưng ta nên biết rằng chắc chắn Chúa có lý do riêng khi chọn Phêrô làm người dẫn dắt dân của Ngài. Mặc dù: Phêrô đã chối Thầy ba lần, Phêrô đã từng bị Thầy gọi là Satan, vì đã cản lối Thầy đi lên Giêrusalem để chịu tử nạn theo ý Chúa Cha...Vậy mà lần này, Phêrô lại được lọt vào mắt xanh của Thầy Giêsu.
Thế nên, chắc chắn cảm giác của Phêrô lúc đó vô cùng hạnh phúc, vì biết rằng Thầy vẫn còn yêu thương và tín nhiệm mình. Thế là, để đáp lại sự tín nhiệm của Thầy, Phêrô bắt đầu một hành trình mới, một hành trình đầy chông gai, thử thách, như Lời Thầy tiên báo: “Phêrô, lúc còn trẻ, con tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý. Nhưng khi về già, con sẽ phải dang tay ra, cho người khác thắt lưng và dẫn con đến nơi anh chẳng muốn.”
Ý Chúa muốn nói rằng bước đường theo Chúa của Phêrô sẽ phải gặp nhiều gian nan, khốn khó, kể cả sự bắt bớ và giết chết nữa. Phêrô, như hiểu được ý của Thầy, có vẻ hoảng sợ, muốn dừng bước, không muốn theo Thầy nữa, mặc dù Thầy vẫn gọi: “Hãy theo Ta.”
Nếu đọc tiếp đoạn Tin Mừng, ta sẽ thấy rõ sự chùng bước của Phêrô. Khi Thầy gọi theo Thầy, đúng lúc Gioan đi tới, Phêrô muốn Gioan cùng chung số phận với mình, nên lập tức lên tiếng: “Thưa Thầy, còn người này thì sao?” Thế nhưng, Chúa trả lời: “Chuyện của người đó không liên quan gì đến con. Phần con: ‘Hãy theo Thầy.’” Chân bước theo Thầy, mà lòng Phêrô vẫn nôn nóng lo sợ, lời tiên báo của Thầy thành hiện thực. Nỗi ám ảnh lúc nào cũng hiện ra trong đầu, có khi làm cho Phêrô nản chí anh hùng, rút lui, bỏ cuộc.
Sự nản chí anh hùng của Thánh Phêrô ta có thể thấy rõ qua cuốn phim mang tựa đề “Quo Vadis”, rất nổi tiếng của tác giả Henryk. Phim kể lại: Sau khi Chúa Giêsu về trời, Phêrô sang Rôma giảng đạo. Trong thời gian đó, vua Nêron (La Mã) bắt đạo gắt gao lắm. Với tình thế nguy kịch như vậy, các tín hữu mới khuyên Phêrô bỏ trốn khỏi thành Rôma đi, để về sau còn người giảng đạo cho Chúa nữa.
Thế là, đang lúc tìm cách trốn khỏi thành Rôma, Phêrô lại gặp Thầy Giêsu vai vác thập giá, đi ngược vào thành. Trong sự ngạc nhiên, Phêrô hỏi: “Quo vadis?” Nghĩa là: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy đi vào Thành Rôma, để chịu đóng đinh một lần nữa.” Phêrô giật mình, chợt nhận ra và hiểu ý Thầy, nên vội quay lại Thành Rôma để an ủi và giúp các tín hữu giữ vững niềm tin.
Cuối cùng, chính Phêrô đã bị bắt, rồi bị đóng đinh vào thập giá (năm 64). Nhưng trước khi chịu đóng đinh, Phêrô nói với quân lính rằng: “Khi đóng đinh tôi, các ông hãy chõng đầu tôi ngược xuống đất, vì tôi không xứng đáng được đóng đinh giống như Thầy Giêsu của mình.” Phêrô trở nên can đảm nhờ lòng yêu mến Thầy Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, bước theo chân Chúa, đôi lúc chúng con cảm thấy hoang mang lo sợ như Thánh Phêrô ngày xưa. Xin ban cho chúng con lòng tin, lòng mến, để nỗi sợ trong con tan biến dần, và để chúng con vững tâm tiến bước theo con đường Chúa đi. Amen.
Lm Trầm Phúc
Sau một đêm đánh cá vô hiệu, được một người trên bờ bảo bủa lưới bên phải thuyền thì sẽ được, và họ đã làm như thế và lưới đầy cá lớn. Lên bờ, họ được ngồi bên đống lửa và được ăn bánh mì với cá nướng. Còn gì hơn ? Họ biết đó là Thầy nhưng không ai nói ra.
Đó là khuôn mặt của Thầy sau khi sống lại, khuôn mặt đầy tình thương và tế nhị. Mấy phụ nữ đã gặp Ngài khi đi ra mộ. Ngài hiện ra với các môn đệ khi các ông đang còn run rẩy sợ sệt. Ngài hiện ra để củng cố niềm tin của Tôma. Và lần nầy, Ngài cho họ một mẻ cá bất ngờ và cho họ một bữa ăn ngon lành bên bờ hồ.
Nhưng điều Ngài làm sau bữa ăn mới quan trọng. Ngài hỏi Phêrô ba lần: “Anh có mến Thầy không ?” Và ba lần Phêrô đã đáp trả với tất cả lòng thành: “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Và mỗi lần như thế, Thầy trao phó đàn chiên cho ông. Ngài không nói đến bao nhiêu lần Phêrô đã chối Thầy. Ngài tin tưởng những người yếu đuối như Phêrô. Ngài chỉ biết người đó có yêu mến Ngài không. Tình yêu là tất cả. Tất cả chúng ta đều yếu đuối, nhưng nếu chúng ta thành tâm yêu mến Chúa thì chúng ta có thể làm bất cứ việc gì Chúa trao. Hôm nay như hôm qua, Chúa vẫn bảo chúng ta bủa lưới nhưng dưới sự chỉ dẫn của Ngài. Như Chúa đã trao phó cho Phêrô trách nhiệm lo cho đàn chiên thì hôm nay, Chúa vẫn trao phó đàn chiên của Ngài cho Giáo Hội, nghĩa là cho mọi người chúng ta. là thành phần sống động của Giáo Hội. Mỗi người chúng ta đều mang lấy trách nhiệm trong phạm vi nhỏ bé của chúng ta, nhưng điều quan trọng là chúng ta có gắn bó với Chúa không ? Chúa hỏi Phêrô : con có yêu mến Thầy không thì hôm nay Chúa cũng hỏi chúng ta như thế. Nếu chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta sẵn sàng dấn thân làm chứng nhân cho Chúa trong suốt cuộc đời chúng ta, dù chúng ta chỉ là tro bụi.
Chúa Giêsu đã sai các tông đồ thì hôm nay, Ngài cũng sai chúng ta, mỗi người một môi trường, nhưng Ngài vẫn ở với chúng ta. Ngài luôn là mục tử luôn chăm sóc đàn chiên của Ngài. Ngài nuôi đàn chiên của Ngài không chỉ bằng cơm bánh mà bằng chính xương thịt của Ngài. Hằng ngày, chúng ta được ăn lấy Ngài, nuốt Ngài vào trong chúng ta, trở thành một xương thịt với Ngài. Đó là hống ân cao quí nhất mà chúng ta vẫn được hưởng. Hãy sống với Ngài, yêu mến Ngài và làm cho mọi người yêu mến Ngài.