29/04/2025
50
Bài giảng Lễ Chúa Nhật III Phục Sinh - Giáo phận Mỹ Tho


















 

GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Ga 21,1-19

Tôma Lê Duy Khang

Tại sao hôm nay Chúa Giêsu lại hỏi Phêro tới ba lần con có yêu mến thầy không? Rồi sau đó trao phó đoàn chiên cho Phêro coi sóc.

Có người lý luận là vì 3 lần con có yêu mến Thầy không để bù lại cho ba lần Phêro chối Chúa, đó cũng là một lý luận.

Nếu như vậy thì coi như hòa rồi, Phêro có công trạng gì mà phải trao phó đoàn chiên.

Chúng ta hãy nhớ lại khi Phêro tuyên xưng Chúa Giêsu ở Cêsare Philipphe: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,16-20).

Hay khi Phêro hỏi Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì? " Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” (Mt 19, 27-29)

Ở đây chúng ta không nói đến chuyện thưởng phạt, đương nhiên là có thưởng phạt, nhưng tình yêu của Chúa trên cái sự thưởng phạt đó nữa, mà ở đây chúng ta nói đến vì tình yêu của Phêro dành cho Chúa, nên Chúa đã trao phó đoàn chiên cho Phêro coi sóc, vì sao vậy.

Chúng ta thấy khi trao phó đoàn chiên cho Phêrô, Chúa có nói là chiên nào hay không? thưa không bởi vì chiên thì bao gồm cả: Chiên cùi, chiên ghẻ, chiên sà mâu, chiên hắc lào, chiên lác, chiên ba gai … hay chiên mượt mà duyên dáng dễ thương, chiên nhẵn nhụi láng bóng thơm phức, chiên mềm dẻo quẹo ngọt ngào … Nếu chỉ yêu mến chiên mà không yêu mến Thầy thì sẽ trọn lựa chiên nào dễ thương, dễ bảo để yêu; còn chiên dễ ghét, khó ưa thì không yêu được, và sẽ có sự phân biệt đối xứ.

Còn nếu yêu Chúa rồi thì sẽ yêu tất cả mọi chiên, không phân biệt. Yêu chiên bằng tình yêu của Chúa chứ không phải tình yêu của con người. Bởi vì tình yêu con người thì sẽ có chọn lựa, sẽ có ích kỷ; chứ không phải tình yêu nhưng không, tình yêu vô điều kiện.

Đó là cái nhìn tự nhiên theo con người của chúng ta dựa trên nền tảng kinh thánh, còn nếu chúng ta nhìn dưới cái nhìn bí tích, nhất là bí tích thánh thể, bí tích tình yêu, thì khi yêu thương nhau sẽ giúp cho người ta nhận ra Chúa.

Đọc lại phần đầu của tin mừng chúng ta thấy rất rõ về điều này.

Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe câu chuyện sau mẻ cả lạ lùng, các môn đệ đã nhận ra Chúa khi Chúa bẻ bánh.

Không phải chỉ hôm nay mà nếu đọc tin mừng trong tính tổng thể chúng ta cũng thấy được điều này.

Chẳng hạn như câu chuyện Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus: Tin mừng kể lại Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ giải thích kinh thánh cho các ông bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người. Sau đó, khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? " (Lc 24, 27-32).

Nghĩa là hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu phục sinh qua việc các ông được nghe lời của Chúa, được Chúa Giêsu cử hành nghi thức bẻ bánh nên các ông đã nhận ra Chúa.

Không chỉ trong bối cảnh phục sinh, mà trước đó khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều thì dân đã nói về Chúa Giêsu: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" (Ga 6,14).

Như thế, chính khi cử hành bí tích thánh thể, bí tích tình yêu giúp cho người ta nhận ra Chúa, mà một cách cụ thể hơn đó là nếu chúng ta biết sống bí tích mà chúng ta lãnh nhận, nghĩa là không chỉ lãnh nhận bí tích tình yêu trên lý thuyết, mà sống bí tích tình yêu trong cuộc đời nữa, thì sẽ giúp cho người ta nhận ra Chúa cách thực tế hơn.

Chính vì thế, mà Chúa Giêsu đòi buộc Phêro phải có lòng yêu mến Chúa, để yêu thương đoàn chiên của Chúa, nghĩa là phải sống bí tích tình yêu trong cuộc đời của mình, để cho nhiều người được biết Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta biết nhận ra Chúa qua bí tích thánh thể, cũng như biết sống bí tích trong cuộc đời của mình. Amen.