10/12/2024
1218
Bài giảng Lễ Chúa Nhật III Mùa Vọng - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG - NĂM C

Lời Chúa: Xp 3,14-18a; Pl 4,4-7; Lc 3,10-8


Tôma Lê Duy Khang

Hôm nay là Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng C, và trong Chúa nhật này dù năm A, B, C, chúng ta thường nghe nói đến một nhân vật đó là Gioan Tẩy Giả, mà khi nghe nói đến nhân vật này, chúng ta lại nghe nói đến những câu như: Gioan tẩy giả là tiếng hô trong hoang địa, ông xuất hiện để kêu gọi người ta ăn năn sám hối để dọn đường cho Chúa đến….

Khi nghe những câu nói như thế dường như làm cho chúng ta in hằn một tư tưởng đó là Gioan Tẩy Giả chỉ có đóng vai như vậy trong mùa vọng mà thôi, qua mùa vọng rồi thì ông chìm hẳn, không ai nhắc tới nữa.

Nếu xét về mặt tự nhiên thì đúng như vậy, không có gì là sai, cũng như một diễn viên khi đã hết vai diễn của mình thì sẽ lui vào hậu trường, chờ tới năm sau sẽ xuất hiện tiếp, để kêu gọi tiếp.

Nhưng nếu xét về mặt thiêng liêng thì suy nghĩ này là chưa đúng lắm, bởi vì cuộc đời của mỗi người chúng ta nó không mở đầu bằng mùa vọng và kết thúc trong mùa giáng sinh.

Mà cuộc đời chúng ta được ví như là một mùa vọng kéo dài, nghĩa là chúng ta không chỉ chờ đợi Chúa đến lần thứ nhất qua mầu nhiệm Giáng Sinh, mà chúng ta còn chờ đợi Chúa đến trong vinh quang nữa.

Hiểu được như thế, chúng ta mới thấy được tầm ảnh hưởng của Gioan Tẩy Giả lớn như thế nào, nhất là sứ điệp mà ông kêu gọi, nó vẫn âm ỉ, vẫn len lõi trong từng ngày sống của mỗi người chúng ta.

Có ai trong chúng ta dám nói, chỉ trong Mùa Vọng tôi mới ăn năn sám hối, tôi mới sửa mình để đón Chúa, còn những mùa khác, không ai kêu gọi thì cũng sống phè phỡn, cứ ăn chơi cho đã, rồi tới năm sau vào mùa vọng, chúng ta lại tiếp tục chu kỳ đó, nếu chúng ta nghĩ như vậy, là chúng ta sống đức tin theo mùa, mà Chúa thì Ngài không đến theo mùa, mà Ngài đến bất ngờ.

Nếu chúng ta sống theo đức tin theo mùa cũng có thế chấp nhận được, vì dù sao cũng có thời gian chút đỉnh để ăn năm sám hối, thái độ này coi như đánh cược cuộc đời mình với Chúa, nếu Chúa đến trong thời gian mới ăn năn sám hối, mới đi xưng tội xong thì an tâm.

Nhưng bên cạnh đó, có một tình trạng còn tệ hơn nữa đó là không dám đánh cược cuộc đời của mình, nhưng là buông xuôi, để rồi sống bê tha, hết năm này đến năm khác, cho đến khi nhắm mắt lìa đời.

Và chúng ta thấy, dù đánh cược, dù buông xuôi cuộc đời mình thì hành động đó là đang thách thức Chúa, không biết cậy dựa vào ơn Chúa, không biết cộng tác với ơn của Chúa.

Vì có thể họ nghĩ rằng mình không có tội, giữ đạo tại tâm là được rồi, như thế là mất đi cảm thức về tội, tội càng nặng hơn nữa đó là tội kiêu ngạo, giữ đạo tại tâm giống như một người khát nước mà không chịu đến vòi nước để uống, bởi vì trong không khí có nước, cần gì uống nước nữa.

Đức Cha Fun Tong Shing có nói một câu như thế này đó là trong một xã hội rất giàu có này, vấn nạn lớn nhất trong xã hội chúng ta đang sống ngày hôm nay không phải bởi vì nhiều vấn đề hay tệ nạn nó xảy ra trong cuộc sống, mà vấn nạn lớn nhất là con người mất đi cảm thức về tội lỗi, họ không còn cảm thấy ray rứt, hay vô cảm đối với điều xấu mà họ thấy hay họ đang làm và đó là cái nguy hiểm nhất của con người thời đại chúng ta ngày hôm nay.

Chúng ta biết Chúa có thể thay đổi lòng người được hay không, thưa được, nhưng Chúa không làm như vậy, vì Chúa muốn để cho con người có tự do để chọn lựa, Ngài không muốn biến con người thành những rôbot. Nếu như con người đã chọn lựa không cần Chúa, bỏ Chúa, Chúa bó tay. Nói theo sách Khải Huyền đó là: “Này Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).

Thiên Chúa để cho con người có tự do, điều đó cho chúng ta thấy, là Chúa muốn để cho con người đang vận hành thế giới này, qua cách thức sống của con người, nhưng mà những sự dữ nó đang xảy ra do bàn tay của con người, vậy thì Thiên Chúa có bỏ mặc con người hay không, thưa không, Ngài vẫn ẩn hiện để lèo lái cuộc đời của chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, để mỗi người chúng ta không chỉ để cho lời mời gọi của Gioan tẩy giả vang vọng trong mùa vọng ngắn ngủi này, mà còn để cho nó vang vọng mãi trong cuộc đời của mỗi người chúng ta là một mùa vọng kéo dài, để khi Chúa đến gõ cửa nhà chúng ta, thì chúng ta sẵn sàng mở ngay cửa để đón Ngài, để Chúa lèo lái cuộc đời của chúng ta, thì chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ hạnh phúc vì có Chúa. Amen.




Lm. Pet. Trần Trọng Khương

“Tôi phải làm gì?”

Sau khi nghe Gioan rao giảng, dân chúng đủ mọi thành phần lũ lượt kéo đến với Ông và đặt câu hỏi: Tôi phải làm gì? Tôi phải làm gì? Tôi phải làm gì? Hầu nhận được câu trả lời từ Gioan, với hy vọng chuẩn bị và làm một điều gì đó thật hữu ích, cho việc đón chào Đấng Cứu Thế ngự đến.

Tôi phải làm gì? Là câu hỏi tiếp tục vang lên, để chất vấn bạn và tôi ngay giữa thời đại hôm nay.

Phá thai! Trợ tử! Tôi phải làm gì?

Ma túy! Nghiện ngập! Tôi phải làm gì?

Ly hôn! Sống thử! Tôi phải làm gì?

Nghèo đói! Nợ nần! Tôi phải làm gì?

Bỏ học! Tệ nạn! Tôi phải làm gì?

Nguội lạnh! Bê trễ! Tôi phải làm gì?

Chia rẽ! Bất hòa! Tôi phải làm gì?

Hận thù! Ganh ghét! Tôi phải làm gì?

Gian tham! Lươn lẹo! Tôi phải làm gì?

Ức hiếp! Loại trừ! Tôi phải làm gì?

Ích kỷ! Keo kiệt! Tôi phải làm gì?

Trong thinh lặng, suy ngẫm, lắng nghe tiếng thổn thức của tâm hồn, mời bạn tiếp tục đôi phút nữa cho câu hỏi: Tôi phải làm gì? Cho những vấn đề, những cản trở, những tình huống... Mà bạn muốn chất vấn.

Câu trả lời của Gioan là: Ai có hai áo thì chia cho người không có. Ai có gì ăn thì cũng làm như vậy. Đừng đòi hỏi quá mức những gì đã ấn định cho mình. Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người. Hãy bằng lòng với đồng lương mình có.

Câu trả lời của Gioan có thể chưa bao trùm hết được những vấn đề, vấn nạn của thời đại này. Tuy nhiên, vẫn là những gợi ý đầy uy tín, cho người có thiện chí muốn canh tân đời sống bản thân, trong sự tương tác với người khác.

Tiếp nối những gợi ý trả lời của Gioan. Bạn và tôi hãy viết tiếp đáp án cho những vấn đề, vấn nạn mà chúng ta phải đặt câu hỏi: Tôi phải làm gì?

Có đáp án hợp lý, hợp tình, hợp với đức tin, hợp với giáo huấn của Hội Thánh.

Nào! Ta bắt đầu thực hiện ngay thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đối diện với những vấn đề của cuộc sống. Con biết con phải làm gì. Hành động ra sao cho phù hợp với đạo lý làm người, với chỉ dẫn và giáo lý của Hội Thánh. Nhưng con lại giả vờ không biết, nhắm mắt bịt tai lười suy nghĩ, làm như không thấy không nghe không hiểu. Và thế là, con đắm chìm vào tội lỗi.

Xin cho con can đảm hành động đúng với luân thường đạo lý, phù hợp với đạo của Chúa, với giáo lý và đức tin của Hội Thánh... Mỗi khi câu hỏi lại vang lên trong con: Tôi phải làm gì?




Lm. Thái Nguyên

Vui lên!

Suy niệm

Chúa nhật thứ III Mùa vọng thường được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Đó là niềm vui ơn cứu độ mà chúng ta được lãnh nhận từ Đức Kitô, chứ không từ bất cứ quyền lực nào; đó là niềm vui siêu việt mang tính vĩnh cửu, chứ không phải niềm vui phàm tục chóng qua. Lời kêu gọi “Hãy vui lên!” được lặp đi lặp lại trong các bài đọc. Ngôn sứ Xôphônia kêu gọi "thiếu nữ Sion", tức là dân Chúa, hãy vui lên vì Thiên Chúa đang ngự đến giữa họ. Thánh Phaolô hô hào: “Vui lên anh em!...Anh em hãy vui trong niềm vui của Chúa”: Gaudete in Domino. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã ban hành Tông huấn “Gaudete et exultate” (Hãy vui mừng và hoan hỉ). Đó là niềm vui nên thánh, niềm vui của những người sống trong Chúa và sống cho mọi người.

Nhưng vui sao được nếu lòng ta vẫn còn xa cách Chúa và tha nhân, vẫn còn đầy những bon chen và rối ren trần tục, vẫn còn những ngổn ngang, bất hòa và tranh chấp, vẫn còn vô tâm trước những tình cảnh khốn khó của người khác. Cần phải thay đổi một lối sống mới, ta mới có thể đón nhận niềm vui ơn cứu độ. Bởi vậy, khi dân chúng đến với Gioan nhận phép rửa sám hối thì họ đã hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì đây?”. Phải làm gì, là điều quan trọng và thực tế nhất đối với ai muốn thực tâm hoán cải. Khi bị ngã ngựa trên đường Đamas, Phaolô cũng đã thân thưa: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22, 10).

Gioan đã chỉ cho dân chúng những điều cụ thể là phải chia cơm sẻ áo cho người túng thiếu; tránh mọi thứ tham lam vơ vét; càng không được dùng quyền hành để đè nén hay áp bức người khác, luôn an vui với phận mình, không bị lệ thuộc vào tiền tài vật chất mà đánh mất nhân cách. Thật ra, sám hối theo ý nghĩa của Kinh Thánh, không chỉ ở chiều kích luân lý là bỏ điều dữ làm điều lành như các tôn giáo khác, hoặc cố gắng sống tốt hơn trong việc tuân giữ cac giới răn. Nhưng điều trước tiên và cơ bản là chiều kích thần học: Thiên Chúa mới chính là nền tảng và mục đích của việc sám hối. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót, mà điều chính yếu là sự trở về với Thiên Chúa, nhận ra thân phận thụ tạo của mình và qui hướng tuyệt đối về Ngài, vì ân ban cứu độ là chính Chúa chứ không ở nơi nào khác.

Thế nhưng việc trở về với Thiên Chúa phải được diễn tả qua việc trở về với anh em, đòi ta phải chỉnh đốn lại đời sống mình trong tương quan với tha nhân. Gioan không bắt những người thu thuế bỏ cái nghề bị dân chúng coi là xấu xa; cũng không đòi những người lính Do thái bỏ phục vụ Hêrôđê; càng không đòi họ phải tu tập và sống nhiệm nhặt như ông, nhưng đòi họ sống một tinh thần mới, là tinh thần của con cái Thiên Chúa và anh em với nhau, không còn sống tham lam ích kỷ lo vơ vét cho mình, nhưng lo sống thực thi công bình và bác ái.

Những chỉ dẫn của Gioan vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta hôm nay, đặc biệt là các bạn trẻ đang bước vào đời, đang tìm một định hướng sống và một thái độ sống có ý nghĩa. Chỉ với trái tim yêu thương đi vào đời ta mới làm nên cuộc đời mình. Cũng vậy, chỉ có thể sống trong niềm vui của Thiên Chúa khi ta biết cho đi, biết chia sẻ, biết dâng tặng thời giờ, công sức, tiền của và có khi cả danh giá của mình. Niềm vui của ta không phải là niềm vui của thế gian chạy theo danh lợi, hay thỏa mãn những đam mê trần tục, mà là niềm vui của những người dám bỏ ý riêng mình để sống theo ý Chúa, có khả năng đem lại ích lợi và an vui cho anh chị em xung quanh mình hằng ngày.

Mùa vọng là thời gian ta chờ Chúa đến, nhưng đừng quên chính Chúa đã chờ đợi ta trước khi ta chờ đợi Ngài; Đấng đã hy vọng về ta để ta biết hy vọng vào Ngài. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người, cho dù con người có sa ngã và nhiều lần phản bội. Ngài vẫn lớn hơn mọi tội lỗi của chúng ta. Cho dù con người có tệ bạc thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng nhận biết rằng, con người vẫn mang trong mình hình ảnh và sự sống của Thiên Chúa, Đấng luôn gieo hy vọng bằng cách mời gọi con người trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.

Nếu ta đặt hy vọng vào Thiên Chúa và nếu trái tim ta biết rung động trước tình yêu vô hạn của Ngài, thì ta cũng sẽ trở nên người gieo hy vọng cho người khác. Người gieo hy vọng không thể mang tính cách nào ngoài tính cách của Đức Kitô: là con người xả thân phục vụ và dám hy sinh chính mình vì tha nhân. Đó mới là điều đưa chúng ta tới niềm vui sâu xa, niềm vui bất diệt, vì là niềm vui của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Thú vui ngày hôm nay thật quá nhiều,
đang từng ngày lên tiếng vẫy gọi con,
nhiều bạn trẻ đang chạy theo nô nức,
bản thân con cũng háo hức nôn nao.

Nhưng rồi những niềm vui ở ngoài Chúa,
chỉ làm cho hồn con thêm trống vắng,
và để lại những cay đắng lỡ làng,
hơn nữa càng làm con phải hoang mang.

Để sống một cuộc đời thật bình an,
Con phải gạn lọc lại bản thân mình,
cần tẩy sạch những đam mê phàm tục,
dám vượt khỏi những thú vui phàm hèn,
để giữ cho tâm hồn mình thanh tịnh,
và cái nhìn luôn đơn sơ thanh khiết.

Như thế con mới có thể vui cười:
nụ cười rất trong sáng và hồn nhiên,
nụ cười đầy an bình và hạnh phúc,
vì đời con luôn có Chúa ở cùng,
để con không ngại ngùng mà tiến bước,
giữa gian nan và thử thách trên đường.

Xin cho con cứ khơi sâu nới rộng,
những niềm vui của Chúa ở trong lòng,
lan tỏa đến những người đang khát mong,
để họ tìm lại được niềm vui sống.

Xin cho con sống thân tình với Chúa,
đừng chạy theo những lôi kéo bên ngoài,
đừng đoái hoài đến những cái mau qua,
đừng ham thích những gì là mới lạ.

Nhưng nhận ra Chúa mới là tất cả,
là nguồn vui là ân phúc chan hòa,
con chẳng phải tìm Ngài ở đâu xa,
mà ở trong chính tâm hồn con vậy. Amen.



Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh


Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Bác sĩ Karl Menniger, trưởng khoa tâm bệnh học của Mỹ, kể câu chuyện khiến cho ta suy nghĩ. Vào một ngày Chủ Nhật tháng 9/1972, đúng vào lúc các nhân viên văn phòng vội vã lo đi ăn trưa, thì có một nhà giảng thuyết đứng ngay góc phố đông người qua lại, bất chợt ông chỉ tay vào một người và hô to: “anh là kẻ có tội”. Nói xong ông lại đứng im, như không có chuyện gì xảy ra vậy. Rồi một lúc sau, ông lại tiếp tục chỉ vào người khác cũng nói: “anh là kẻ có tội”. Cứ như thế, lần lượt hết người này, đến người khác. Thái độ của nhà giảng thuyết đó làm không ít người giựt mình hoảng sợ, họ hoảng sợ vì chuyện xảy ra đối với họ quá thình lình, và thái độ của người giảng thuyết không được bình thường mấy (chẳng giống ai). Cho nên, trong số những người đi đường có kẻ lấm lét nhìn ông, rồi quay mặt ngó sang chỗ khác. Có người lại giựt mình hết hồn vội vàng bỏ đi, có lẽ do sợ sệt; nhưng cũng có người dừng lại xem coi là chuyện gì.

Thưa anh chị em,

Giả như tương tự như câu chuyện trên, nếu có ai đó chỉ vào mặt chúng ta và cũng khẳng định “ngươi là kẻ có tội”, thì ta nghĩ sao? Chắc ta sẽ nổi khùng và phản ứng lại với người đó. Bởi vì cớ làm sao mà dám bảo ta là kẻ có tội? Đúng là vô duyên.

Kết thúc câu chuyện, bác sĩ Menniger đưa ra một lời nhận xét về con người ở mọi thời đại: “Khi làm những chuyện sai trái, ít khi nào dám nhận phần lỗi về mình lắm. Hoặc là vì sỉ diện sợ xấu hổ, hoặc là do tự ái không đủ khiêm tốn để nhận lỗi, để sửa sai. Điều đó rất thường xảy ra đối với mỗi người chúng ta”.

Từ đó, gợi cho ta nhớ lại hình ảnh cũng đã từng gây xôn xao dư luận. Gioan tẩy giả, bên bờ sông Giođan năm xưa, đã nói với những người Do Thái: “anh em, những kẻ có tội, hãy mau ăn năn sám hối đi, để nhận lãnh ơn tha thứ của Thiên Chúa”

Lời cảnh cáo của Gioan tẩy giả, tuy mạnh mẽ nhưng đâu phải ai cũng làm theo. Một số người cảm thấy bị xúc phạm, khó chịu trong lòng và ấm ức bỏ đi. Số còn lại có vẻ ý thức về thân phận yếu đuối của mình, nên lời Gioan nói như một luồng điện nhẹ, chạy thẳng vào lương tâm của họ; đánh thức khiến họ chợt nhận ra lỗi lầm và quyết ăn năn sám hối để lãnh nhận phép rửa, với hy vọng được tha thứ tội lỗi.

Anh chị em thân mến, hồi tâm và tỉnh thức, nhưng với một chút bối rối, nhóm Do Thái chẳng biết phải làm gì cho đúng, nên lên tiếng nhờ Gioan tư vấn cho: “thưa ngài, bây giờ chúng tôi phải làm gì?”.

Gioan rất mau mắn, không hề tỏ ra e ngại sẵn sàng cho họ lời khuyên:

1. Đối với người làm nghề thu thuế, Gioan khuyên: “đừng có thu thuế quá mức ấn định, thu vừa phải thôi” (rất thực tế).

2. Đối với những người đi lính cho đế quốc Rôma, Gioan nói rất mạnh: “đừng ỷ quyền, cậy thế, mà bắt nạt người dân lành vô tội.”

3. Ngoài ra, Gioan còn giúp cho những người có bản tính ích kỷ, biết chia sẻ của cải, cho những người nghèo khổ và túng thiếu (rất tuyệt vời).

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Lời cảnh báo của Gioan không chỉ nhắm đến dân Do Thái ngày xưa, mà còn muốn nhắc nhở với mỗi người chúng ta hôm nay rằng: hãy biết nhìn về bản thân mình, tự vấn lương tâm, nhận ra lỗi lầm để trở về với Thiên Chúa. Như ông bà ta vẫn nói “nhân vô thập toàn”, nghĩa là không ai là hoàn hảo cả, mỗi người đều có những khuyết điểm riêng, những tật xấu cá nhân. Nên ít nhiều gì ai cũng có tội, không có tội nặng thì cũng là tội nhẹ trước mặt Chúa”.

Tương tự như vậy, thư Rôma cũng đã khẳng định rằng: “chẳng có ai được gọi là công chính, dù chỉ là một người, bởi vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 3,10). Ngay cả ông vua Đavít, được gọi là thánh vương, cũng thú nhận trong Tv 51 rằng: “lúc chào đời, con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai”. Chưa hết, thánh Gioan tông đồ khẳng định trong Thư 1 rằng: “nếu chúng ta chối tội, là chúng ta tự lừa dối mình, và không chịu nhìn nhận sự thật (1Ga 1,8).

Thưa anh chị em,

Nói ra những điều đó, để thấy rằng mỗi một người chúng ta, đều là những tội nhân, đầy dẫy thiếu xót. Điều quan trọng không phải là ta đang mắc tội trọng hay là tội nhẹ, nhưng là ta có quyết tâm thật lòng sám hối, để mỗi ngày ta trở nên hoàn thiện, như Cha trên trời hay không?

Mùa Vọng là dịp thuận tiện giúp ta hoán cải và dọn mình, để đón nhận những phúc lành bình an của Chúa, sẽ mang đến cho ta trong đêm Giáng Sinh. Như lời thiên thần hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

Để tâm hồn, được lắng đọng bình an, ta cùng nghe câu chuyện sau và cùng suy gẫm:

Cha Antony De Mello, dòng tên, kể câu chuyện về một nhà tu Ấn Độ nổi tiếng. Vị tu sĩ này, đã nhận định về cuộc đời của mình như thế này: “khi còn trẻ, tôi là một người hăng say phục vụ và tôi luôn cầu nguyện với Chúa rằng: "lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh, để thay đổi cả thế giới này". Nhưng đến khi sống được nửa đời người, nhận thấy rằng tôi chưa thay đổi được ai cả. Thế là, tôi khiêm tốn hơn trong lời cầu nguyện: "lạy Chúa, xin ban cho con đủ sức để thay đổi những người, mà con gặp hằng ngày, (người thân và bạn bè) nếu được như thế, con cũng mãn nguyện lắm rồi". Giờ đây trong tuổi già xế bóng, tôi vẫn chưa thay đổi được một ai, chỉ còn biết cầu nguyện khiêm tốn với Chúa: "lạy Chúa, xin ban cho con, ơn thay đổi chính bản thân con". Vị tu sĩ tiếp tục, tâm sự: “nếu như, tôi sống và cầu nguyện như thế này ngay từ đầu, thì tôi đã không uổng phí một cuộc đời".

Anh chị em thân mến,

Lời tự thú của vị tu sĩ Ấn Độ muốn nhắc nhớ ta một điều cơ bản rằng, hãy thay đổi bản thân mình trước, rồi mới có thể thay đổi gia đình mình và thế giới. Vì xưa có câu "tu thân, tề gia" rồi mới "trị quốc, và bình thiên hạ".

Ước gì trong mùa Vọng, mỗi người chúng ta biết cách tu thân, nghĩa là sửa đổi bản thân của mình bỏ đi những tính nết khó khăn, ích kỷ, nhỏ nhen, và hẹp hòi. Vì đó là điều rất dễ làm cho anh chị em của ta bị tổn thương và chia rẽ. Xin Chúa sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.




Lm Trầm Phúc

Hôm nay,những bài đọc trong thánh lễ nói lên niềm vui của Giáo Hội trong những ngày đón chờ Chúa đến trong lễ Giáng Sinh. Còn không bao nhiêu ngày nữa chúng ta sẽ vui mừng đón tiếp Chúa đến với chúng ta. Chúng ta vui mừng vì chúng ta sắp nhận lãnh một hồng ân lớn lao là Con Thiên Chúa. Chúng ta làm sao hiểu được giá trị của hồng ân nầy ! Con Thiên Chúa đầy vinh quang sẽ đến với chúng ta, mặc lấy xác phàm như chúng ta, mang lấy thân phận con người như chúng ta. Chúng ta chỉ thờ lạy Ngài thôi. Cha trên trời đã yêu thương chúng ta và không tiếc gì với chúng ta, Ngài đã ban cho chúng ta chính người Con Yêu Quí của Ngài. Hãy tạ ơn Chúa với tất cả tâm hồn chúng ta. Hãy vui mừng đón nhận hồng ân Chúa.

Khi xưa, dân Do thái thấy ông Gioan xuất hiện rao giảng bên bờ sông Giođan, dân chúng nô nức đến nghe ngài giảng và chịu phép rửa. Họ đang trông chờ Đấng Cứu Tinh mà Kinh Thánh đã nói đến rất nhiều. Nhiều người đã đến hỏi ông Gioan phải làm gì ? Ông không bảo phải cầu nguyện hay ăn chay mà chỉ bảo chia cơm xẻ áo cho người thiếu thốn. Cả những người thu thuế là những người bị loại trừ cũng đến hỏi xem cần phải làm gì. Những binh sĩ cũng đến hỏi. Ông trả lời cho mọi người và những gì ông khuyên đều tập trung vào một điều là bác ái. Đây là đỉnh cao của cuộc sống. Trong các thư của thánh Phaolô gởi cho các giáo đoàn, chúng ta thấy thánh nhân cũng luôn khuyên bảo giáo dân sống yêu thương nhau. Bác ái luôn là ngọn cờ vinh quang của chúng ta.

Dân Do thái thấy Gioan xuất hiện, rao giảng và làm phép rửa, đều tưởng rằng ông là Đấng Thiên Sai họ đang mong đợi. Điều đó cho thấy sự mong đợi của dân Do thái nóng nảy như thế nào. Nhưng Gioan khiêm tốn nói rõ: “Tôi chỉ làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng Đấng sẽ đến sau tôi, quyền phép hơn tôi, sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa. Và tôi không xứng đáng cởi dép cho Ngài”. Gioan còn nói rõ hơn rằng Ngài là Đấng quyền năng phán xét mọi hành vi cử chỉ của chúng ta: “ Tay Ngài cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho, còn lúa lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

Ngài đến mang cho chúng ta niềm vui của Ngài. Niềm vui của Ngài chứ không như những niềm vui ngắn ngủi của chúng ta. Thế giới hôm nay đang cần đến niềm vui, vì chúng ta đang chìm ngập trong một thế giới đầy gian ác. Chiến tranh khắp nơi, mạng sống con người gần như không còn giá trị. Vật chất, tiền bạc đã chế ngự khắp các nẻo đường. Con người hôm nay đang chìm sâu vào những niềm vui vật chất. Khoa học đã mang lại cho con người nhiều cách giải trí giả tạo và con người hôm nay bằng lòng với những trò vui tạm bợ đó. Con người hôm nay đã đánh mất niềm vui thanh thoát của tâm hồn, vì họ đã đánh mất Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa mới là niềm vui không bao giờ tàn. Mọi sự sẽ qua đi, Thiên Chúa vẫn còn và Ngài là Tình Yêu. Vì Ngài là Tình Yêu vì thế Ngài là niềm vui vô tận cho chúng ta. Thánh Phaolô đã đón nhận được niềm vui đó, vì thế ngài bảo giáo đoàn Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”. Phải, chỉ trong Chúa, chúng ta mới cảm thấy vui thực sự.

Chúa sắp đến với chúng ta trong mầu nhiệm Giáng sinh. Ngài đến trong khiêm tốn và nhờ đó, chúng ta được gần với Ngài, cảm thấy được tình yêu của Ngài. Đó phải chăng là một hồng ân quí báu cho chúng ta? Được sống kề bên Chúa phải chăng là một niềm hạnh phúc tuyệt vời ! Nhưng Chúa không chỉ đến trong trần gian, Ngài đến tận trong chúng ta, cho chúng ta ăn lấy Ngài, nuốt Ngài vào trong chúng ta. Còn hạnh phúc nào hơn? Nhưng mấy người đã hiểu được hồng ân cao quí đó ? Chúng ta là ai mà được diễm phúc như thế ? Hãy tạ ơn và mang đến cho Ngài tất cả thiên chí của chúng ta. Nguyện xin Chúa cho chúng ta cảm thấy được tình yêu của Ngài Đó mới là niềm vui và hạnh phúc tuyệt vời cho  chúng ta. Lạy Chúa xin mau đến ! Marana tha !