GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG - NĂM C
Lời Chúa: Gr 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6
Tôma Lê Duy Khang
Hôm nay là Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng C, và trong Chúa nhật này dù năm A, B, C, chúng ta thường nghe nói đến một nhân vật đó là Gioan Tẩy Giả, mà khi nghe nói đến nhân vật này, chúng ta lại nghe nói đến những câu như: Gioan tẩy giả là tiếng hô trong hoang địa, ông xuất hiện để kêu gọi người ta ăn năn sám hối để dọn đường cho Chúa đến….
Khi nghe những câu nói như thế dường như làm cho chúng ta in hằn một tư tưởng đó là Gioan Tẩy Giả chỉ có đóng vai như vậy trong mùa vọng mà thôi, qua mùa vọng rồi thì ông chìm hẳn, không ai nhắc tới nữa.
Nếu xét về mặt tự nhiên thì đúng như vậy, không có gì là sai, cũng như một diễn viên khi đã hết vai diễn của mình thì sẽ lui vào hậu trường, chờ tới năm sau sẽ xuất hiện tiếp, để kêu gọi tiếp.
Nhưng nếu xét về mặt thiêng liêng thì suy nghĩ này là chưa đúng lắm, bởi vì cuộc đời của mỗi người chúng ta nó không mở đầu bằng mùa vọng và kết thúc trong mùa giáng sinh.
Mà cuộc đời chúng ta được ví như là một mùa vọng kéo dài, nghĩa là chúng ta không chỉ chờ đợi Chúa đến lần thứ nhất qua mầu nhiệm Giáng Sinh, mà chúng ta còn chờ đợi Chúa đến trong vinh quang nữa.
Hiểu được như thế, chúng ta mới thấy được tầm ảnh hưởng của Gioan Tẩy Giả lớn như thế nào, nhất là sứ điệp mà ông kêu gọi, nó vẫn âm ỉ, vẫn len lõi trong từng ngày sống của mỗi người chúng ta.
Có ai trong chúng ta dám nói, chỉ trong Mùa Vọng tôi mới ăn năn sám hối, tôi mới sửa mình để đón Chúa, còn những mùa khác, không ai kêu gọi thì cũng sống phè phỡn, cứ ăn chơi cho đã, rồi tới năm sau vào mùa vọng, chúng ta lại tiếp tục chu kỳ đó, nếu chúng ta nghĩ như vậy, là chúng ta sống đức tin theo mùa, mà Chúa thì Ngài không đến theo mùa, mà Ngài đến bất ngờ.
Nếu chúng ta sống theo đức tin theo mùa cũng có thế chấp nhận được, vì dù sao cũng có thời gian chút đỉnh để ăn năm sám hối, thái độ này coi như đánh cược cuộc đời mình với Chúa, nếu Chúa đến trong thời gian mới ăn năn sám hối, mới đi xưng tội xong thì an tâm.
Nhưng bên cạnh đó, có một tình trạng còn tệ hơn nữa đó là không dám đánh cược cuộc đời của mình, nhưng là buông xuôi, để rồi sống bê tha, hết năm này đến năm khác, cho đến khi nhắm mắt lìa đời.
Và chúng ta thấy, dù đánh cược, dù buông xuôi cuộc đời mình thì hành động đó là đang thách thức Chúa, không biết cậy dựa vào ơn Chúa, không biết cộng tác với ơn của Chúa.
Vì có thể họ nghĩ rằng mình không có tội, giữ đạo tại tâm là được rồi, như thế là mất đi cảm thức về tội, tội càng nặng hơn nữa đó là tội kiêu ngạo, giữ đạo tại tâm giống như một người khát nước mà không chịu đến vòi nước để uống, bởi vì trong không khí có nước, cần gì uống nước nữa.
Đức Cha Fun Tong Shing có nói một câu như thế này đó là trong một xã hội rất giàu có này, vấn nạn lớn nhất trong xã hội chúng ta đang sống ngày hôm nay không phải bởi vì nhiều vấn đề hay tệ nạn nó xảy ra trong cuộc sống, mà vấn nạn lớn nhất là con người mất đi cảm thức về tội lỗi, họ không còn cảm thấy ray rứt, hay vô cảm đối với điều xấu mà họ thấy hay họ đang làm và đó là cái nguy hiểm nhất của con người thời đại chúng ta ngày hôm nay.
Chúng ta biết Chúa có thể thay đổi lòng người được hay không, thưa được, nhưng Chúa không làm như vậy, vì Chúa muốn để cho con người có tự do để chọn lựa, Ngài không muốn biến con người thành những rôbot. Nếu như con người đã chọn lựa không cần Chúa, bỏ Chúa, Chúa bó tay. Nói theo sách Khải Huyền đó là: “Này Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).
Thiên Chúa để cho con người có tự do, điều đó cho chúng ta thấy, là Chúa muốn để cho con người đang vận hành thế giới này, qua cách thức sống của con người, nhưng mà những sự dữ nó đang xảy ra do bàn tay của con người, vậy thì Thiên Chúa có bỏ mặc con người hay không, thưa không, Ngài vẫn ẩn hiện để lèo lái cuộc đời của chúng ta.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, để mỗi người chúng ta không chỉ để cho lời mời gọi của Gioan tẩy giả vang vọng trong mùa vọng ngắn ngủi này, mà còn để cho nó vang vọng mãi trong cuộc đời của mỗi người chúng ta là một mùa vọng kéo dài, để khi Chúa đến gõ cửa nhà chúng ta, thì chúng ta sẵn sàng mở ngay cửa để đón Ngài, để Chúa lèo lái cuộc đời của chúng ta, thì chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ hạnh phúc vì có Chúa. Amen.
Lm. Pet. Trần Trọng Khương
“Gioan: Nhân vật của Mùa Vọng”
Không quá lời khi gọi Gioan là nhân vật của Mùa Vọng. Bởi vì nơi Ông, Chúa trao gởi sứ mạng cao quý, cao cả, cao trọng là: Rao giảng, làm phép rửa sám hối và dọn đường cho Đấng Cứu Thế xuất hiện.
Nếu không có Gioan thì điều gì có thể xảy ra? Không đoán biết được sự quan phòng của Chúa ra sao. Tuy nhiên, có thể trả lời: Có Gioan con đường bước ra ánh sáng của Đấng Cứu Thế - Giêsu Kitô thuận lợi và dễ dàng hơn.
Gioan là nhân vật, thậm chí là nhân vật chính của Mùa Vọng, nhưng bỗng chốc tan biến khi Đấng Cứu Thế xuất hiện. “Tôi chỉ là tiếng hô trong hoang địa... có Đấng đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”
Nhìn Gioan có cảm tưởng như ông là MC trên sân khấu. Bầu không khí trở nên náo nhiệt khi MC xuất hiện, và rồi kháng giả không mấy ai nhớ đến người dẫn chương trình, một khi nhân vật chính lộ diện. Chúa Giêsu xuất hiện - MC Gioan phải lui vào hậu trường.
Tinh thần nầy cần phải được thực hiện trong đời sống Kitô hữu. Đó là: Chúa lớn lên còn tôi phải nhỏ lại.
Sự thiện phải được chăm nom vun đắp, còn sự ác phải cắt tỉa, dẹp bỏ.
Lương tâm phải được nuôi dưỡng, lương lẹo dối trá phải loại bỏ dần khỏi đời sống.
Hiền lành khiêm nhường yêu thương phải học tập rèn luyện cả đời, còn hung hăng dữ tợn, kiêu ngạo, ganh ghét phải mạnh tay chế ngự, đào thải...
Đã đến lúc mạnh dạn buôn bỏ những gì cần buôn bỏ, để Chúa lớn lên trong tôi và tôi trưởng thành hơn trong Chúa.
Đã đến lúc phải nhận diện khuyết điểm nơi chính mình, để biết vươn lên một tầm cao mới - Tầm cao của sự lương thiện – Thánh thiện.
Đã đến lúc ra khỏi chính mình, để nhìn thấy vỏ bọc sần sùi xấu xí mà tôi cố mang vác bấy lâu nay.
Và... Đến lúc cần phải vươn mình ra khỏi sự neo đậu nơi hình ảnh và đời sống của Gioan, thay vào đó phải trở nên như Chúa Giêsu Kitô, giống Chúa Giêsu Kitô.
Đã đến lúc.... Đã đến lúc... Để cho Chúa lớn lên trong tôi từng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngẫm nghĩ lại con đã cố ở lì trong vỏ bọc của chính mình. Mãi mãi con vẫn chỉ là nhộng là kén, mà chưa lột xác, hóa thân thành ong, thành bướm được. Con đã ở lì trong tình trạng của chính mình, vì cứ tưởng tôi là số một mà quên mất: Chúa phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại.
Xin cho con chấp nhận ra khỏi chính mình. Xin cho con tạo nhiều không gian và thời gian để Chúa lớn lên trong con, và trao gởi nơi con ý thức: Con chỉ là nhạc cụ trong tay Chúa chứ không phải là Chúa.
Lm Trầm Phúc
Chúng ta đang mong chờ Chúa đến. Chúa đến trong trần gian, Chúa đến để cứu chúng ta khỏi tội, là một ách nô lệ đáng sợ vì nó mang lại cái chết vĩnh viễn. Chúng ta đang cần đến Chúa. Giáo Hội mời gọi chúng ta bước vào thống hối để xứng đáng đón chờ Chúa đến cho chúng ta. Thời xa xưa, Chúa sai Gioan Tẩy Giả đến, hôm nay, chính Giáo Hội mời gọi chúng ta bước vào hoán cải, để xứng đáng đón nhận hồng ân tha thứ của Chúa.
Thánh Luca đã cho chúng ta thấy khung cảnh của thời đó : lúc đó, đế quốc Rôma đang xuống dốc, hoàng đế Tibêriô không là một vị vua tài giỏi, Philatô là một quan tổng trấn tàn ác, giết tất cả những người Do thái bị nghi là phản động. Hêrôđê là một vị vua bù nhìn, dưới quyền của Philatô. Về phía tôn giáo, Khanan và Caipha là thượng tế cũng chỉ là những con rối dưới sự giám sát của Philatô. Trong hoàn cảnh đó, Chúa cho xuất hiện từ sa mạc một vị tiền hô là Gioan, con của ông Dacaria, là thầy cả trong Đền Thờ. Dân Do thái đang sống trong một thời kỳ khốn khổ, dưới sự đô hộ của Đế Quốc Rôma, họ đang mong đợi một người giải phóng họ.
Trong tâm trạng đó, Gioan xuất hiện. Tiếng nói của ông được đón nhận như tiếng nói của một vị tiên tri. Vì thế, người ta tứ phương đến nghe lời của Gioan tại bờ sông Giođan. Gioan kêu gọi mọi người dọn đường cho Chúa đến như lời tiên tri Isaia đã nói : Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Lời kêu gọi của Gioan ngày xưa trở thành tiếng nói của Giáo Hội hôm nay, mời gọi chúng ta không trừ ai, vào con đường thống hối. Chúng ta có cảm thấy cần thống hối và sửa đổi nếp sống và tâm hồn chúng ta không ?
Nhiều người không cảm thấy cần phải thống hối. Họ nghĩ rằng không làm gì nên tội. Sống như hiện tại là đủ rối, cần chi phải rắc rối ! Họ không thấy rằng tâm hồn của họ đầy những bất công, tham lam, ích kỷ. Họ quen với nếp sống buông thả của họ, không đặt vấn đề, không cần gì phải lo. Chỉ cần đi lễ Chúa Nhật là xong. Việc nên thánh là vấn đề của tu sĩ và linh mục. Có thể nói, những người như thế là những người không cần đến Chúa. Chúa chỉ là một Đấng xa vời chỉ nghe nói đến lúc nào đó. Họ là những người có đạo chứ không giữ đạo.
Đối với chúng ta, Mùa Vọng chính là lúc chúng ta cần nhìn lại tâm hồn mình, lắng nghe lời Chúa và đổi mới tâm hồn như lời Chúa nói qua tiên tri và qua nhân chứng của Ngài là Gioan tẩy giả. Chúng ta cần nhìn lại một cách thành thực nếp sống của chúng ta, nhìn để thấy những gai gốc, những chướng ngại làm chùn bước chúng ta đến với Chúa. Chúng ta cần Chúa như cần không khi hay nước uống. Không có Chúa, cuộc đời chúng ta trở thành vô nghĩa và chúng ta sẽ đi về đâu ? Chúa là nguồn hạnh phúc duy nhất của chúng ta, ngay hôm nay, trong cuộc sống trần gian đầy thử thách và cam go nầy.
Chúa biết chúng ta yếu đuối, Chúa biết chúng ta dễ bị tổn thương vì cuộc sống, vì thế Ngài đến với chúng ta hằng ngày trong bí tích Thánh Thể, cho chúng ta ăn lấy Ngài để sống cùng với Ngài. Đừng bỏ lỡ dịp nào mà không đón nhận Chúa, để khắng khít với Chúa hơn. Nhờ đó Chúa sẽ dẫn chúng ta vào tình yêu của Ngài. Lúc đó, chúng ta mới biết tình yêu của nggài êm dịu và ngọt ngào như thế nào.