GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG - NĂM C
Lời Chúa: Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36
Tôma Lê Duy Khang
Hôm nay là Chúa nhật thứ 1 mùa vọng, chúng ta bước vào năm phụng vụ mới, năm nay là phụng vụ năm C, chúng ta sẽ được nghe Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta hãy nhớ năm A chúng ta nghe tin mừng Mattheu, năm B chúng ta sẽ nghe tin mừng Macco, còn ngày thường thì chia làm năm chẳn và năm lẻ, với bài đọc 1 khác nhau tùy theo năm.
Hôm nay, giáo hội cho chúng ta nghe về các bài đọc báo tin Chúa sẽ đến phán xét, tại sao thế, vì giáo hội muốn chúng ta hiểu về ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến, và hướng chúng ta đến 3 điểm:
Thứ nhất là muốn cho chúng ta thấy, có hai thế giới, thế giới hiện tại và thế giới tương lai, trong những lễ An táng chúng ta thường hát: “Sự sống này chỉ thay đổi chứ không mất đi”, nghĩa là có thế giới tương lai, và thế giới tương lai này là thế giới vĩnh cửu, chúng ta không tin vào thuyết luân hồi, đầu thai hết kiếp này đến kiếp khác.
Thứ hai là Chúa làm chủ lịch sử, chúng ta biết sở dĩ thế giới cũ qua đi là vì Chúa định cho nó một thời hạn, khi thế giới đến ngày tận cùng, Chúa sẽ đến, nên chúng ta phải kết luận rằng, không ai trên trần gian này nói ngày này, tháng này, năm này tận thế, không ai biết được điều này, nếu họ biết được thì họ đã là Chúa rồi, nên chỉ có Chúa là chủ mới biết mà thôi.
Thứ ba đó là mỗi người chúng ta tự quyết định vận mạng của cuộc đời mình. Chúng ta biết dù chúng ta có như thế nào đi chăng nữa, Chúa Ngài vẫn đưa tay ra, để chúng ta nắm lấy bàn tay của Chúa, để Chúa dẫn chúng ta đi, nhưng quan trọng là chúng ta có muốn hay không mà thôi.
Hôm đại dịch Covid cha Anphong Nguyễn Công Minh, ofm viết một bài có tựa đề: KHÔNG GẶP ĐƯỢC LINH MỤC khi hấp hối, lúc lâm chung như thế này:
Tuần vừa qua, chỉ trong hơn 1 ngày (khuya 10 và 11/8/21), mà xứ nhỏ bé Đakao Saigon cũng có tới 4 người chết liền nhau, 3 người trên 80 và một người trên 60 tuổi! Thật bi thương! Một người thân trong số 4 người đã qua đời này trách cứ cha sở không đến lo "phần rỗi" cho dân (tức tới liệm cho ông). Chị hiểu đơn sơ là dù ĐÃ chết rồi, LM vẫn lo "phần rỗi" được. Chị này khi tới báo tử, tôi có hỏi sao lúc gần chết không báo để LM đến xức dầu, giải tội... thì được trả lời: "Ông không muốn". "Ông" tức là người sẽ chết, và đã chết sau đó. Khi đã chết thì mọi sự đã quyết định: hết lập công mà cũng không thể phạm thêm tội; có gặp 100 Lm, 200 Gm, cả Đgh, thì cũng chẳng thay đổi được "phần rỗi"!
Đó chúng ta thấy, một người trước khi chết không chịu gặp linh mục, không chịu chuẩn bị cho cuộc đời của mình thì làm sao mà cứu rỗi được, nên trong việc này, chúng ta chỉ phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa mà thôi.
Như vậy, để khỏi rơi vào tình trạng thiếu chuẩn bị trong ngày của Chúa, Chúa Giêsu nêu ra điều kiện tiên quyết, đó là tỉnh thức và cầu nguyện: “Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con người”. Cầu nguyện là nhìn nhận Chúa là tất cả, là đặt thánh ý Chúa trên hết. Đồng thời qua cầu nguyện, chúng ta sẽ có thái độ tỉnh thức trong đời sống thường ngày, sẽ nhạy bén với tiếng gọi của Chúa qua những biến cố cuộc sống để luôn tìm đẹp lòng Chúa, để chuẩn bị cho đời sống mai hậu của mình.
Ông Jean Guitton, một đại văn hào, một triết gia thuộc Hàn lâm viện Pháp viết trong tờ báo Le Figarô: Xin các Linh Mục là người của Thiên Chúa, cho chúng tôi Thiên Chúa qua các Bí Tích và Lời Chúa vì chúng tôi bị những giá trị trần gian lường gạt quá nhiều rồi.
Chúng ta hãy cầu nguyện để tỉnh thức trong việc đó, biết chạy đến với các linh mục để lãnh các Bí Tích. Bên cạnh đó, cũng hãy cầu nguyện để các linh mục cũng được tỉnh thức, bởi vì chúng ta tỉnh thức mà các cha không tỉnh thức thì cũng như không, để các ngài sốt sắng đi trao ban các bí tích cho chúng ta.
Trong bài giảng lễ trong ngày lễ sai đi của Tổng Giáo Phận Sài Gòn, ngày 28.10.2021 vừa qua, Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đã chia sẻ: Các linh mục được sai đến với các giáo xứ để trở thành người cha, giàu lòng thương xót trong cộng đoàn giáo xứ. Và ngài nói đoàn dân Chúa đang gặp đau khổ về mọi mặt, và họ muốn đến với các cha để hưởng từ nơi các cha Lòng Thương Xót của Chúa. Ngài nói thêm ước gì dân Chúa gặp được nơi các mục tử lòng thương xót của một người cha. Ngài viện dẫn Đức Thánh Cha Phanxico nói: Thế giới này thiếu những người cha, linh mục thì nhiều, nhưng người cha đích thực thì ít. Nên chúng ta được mời gọi cầu nguyện để các linh mục cũng biết tỉnh thức để trở thành những người cha thực sự, không phải là cha chú mà là người cha biểu lộ lòng thương xót đối với dân của Chúa, qua việc yêu thương, sẵn sàng trao ban các bí tích khi cần thiết.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta, không chỉ trong Mùa Vọng này mà trong cả cuộc đời chúng ta biết tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng, để khi Chúa đến. chúng ta có thể được Chúa đón vào hưởng hạnh phúc quê trời, còn nếu không thì thật khốn khổ cho chúng ta. Amen.
Lm. Pet. Trần Trọng Khương
“Đứng thẳng và ngẩng đầu lên”
Khoa nhân tướng học phân loại thành nhiều kiểu dáng đi đứng của con người, gắn với mỗi kiểu dáng là mỗi tính cách và trạng thái tâm lý khác nhau. Chẳng hạn như: Một người khi đi hai vai rũ xuống, bước đi nặng nề cho thấy lòng anh ta cũng nặng trĩu y như vậy.
Có thể đọc được trạng thái tâm lý của người: “Đứng thẳng và ngẩng đầu lên” diễn tả thái độ tự tin. Tự tin không phải dựa vào khả năng của bản thân, nhưng là cậy dựa vào Thiên Chúa. Cậy dựa vào Chúa, hướng nhìn về Chúa, con người mới có tự tin và tự do.
Có biết bao người lúc nào cũng tạo dáng đứng thẳng và ngẩng cao đầu, bởi vì họ cậy dựa vào tiền của, chức vụ, quyền hạn, các mối quan hệ với sếp này sếp nọ sếp kia. Ngẩng cao đầu vì tự tin giỏi hơn nhiều người, vị trí xuất phát điểm tốt hơn nhiều người...
Kiểu đứng thẳng và ngẩng cao đầu này, cho thấy sự kiêu ngạo, khẳng định chính mình, chứng tỏ bản thân, cao điểm của nó là chẳng coi ai ra gì. Xu hướng này đang thịnh hành, các bạn trẻ gọi là tạo nét, chứng tỏ, ghi điểm...
Đứng thẳng và ngẩng đầu lên theo kiểu như vậy, có thể gọi là tin buồn. Buồn bởi vì gốc rễ của nó là sự kiêu ngạo, kiêu ngạo là đặc tính của ma quỷ, của những kẻ chối bỏ Thiên Chúa.
Đứng thẳng và ngẩng đầu lên theo Tin Mừng là được giải thoát, có thể gọi được là siêu thoát. Thoát ly khỏi ràng buộc của nhiều thứ: Tình cảm, tiền của, danh lợi, dục vọng, đời sống trần tục buông thả vô kỷ luật, những niềm tin vô bổ, thiếu ý chí và mục đích sống... Thoát ly khỏi mọi thứ chỉ để lòng thảnh thơi cậy dựa, bám víu vào Chúa.
Để làm được điều này, chỉ có tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức là cảnh giác, cầu nguyện là cậy dựa vào Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đã nhiều lần con buông xuôi theo tự do cảm xúc, tỉnh thức đối với con là điều gì đó xa xỉ, cầu nguyện là chuyện gì đó thiếu thực tế. Những lúc như vậy con luôn đứng thẳng và ngẩng cao đầu, nhưng thực ra đó chỉ là sự kiêu ngạo tầm thường mà con cho rằng phi thường.
Lời Chúa hôm nay bừng tỉnh trong con giây phút đứng thẳng và ngẩng đầu lên, đó là lúc mà con biết phó dâng và tín thác vào Chúa.
Lạy Chúa, Lạy Chúa, Lạy Chúa. Con xin phó dâng tín thác vào Chúa.
Lm Trầm Phúc
Hôm nay, chúng ta bước vào Mùa Vọng, mùa trông đợi. Chúng ta trông đợi gì, hy vọng gì ? Giáo Hội bảo chúng ta trông đợi Chúa đến. Chúa đã đến rồi, khi mặc lấy xác phàm và sống như chúng ta. Mảnh đất Phalệtinh đã in dấu chân Ngài, và núi Canvê vẫn còn khắc ghi cái chết thê thảm của Ngài. Vậy chúng ta còn mong đợi Ngài để làm gì ?
Chúng ta mong đợi Chúa đến vì một ngày kia thế giới vật chất nầy sẽ kết thúc, và Chúa Giêsu sẽ đến phán xét để ân thưởng những người tin và làm theo ý Ngài và phạt những người không theo ý Ngài. Thánh Luca dùng cách nói của thời bấy giờ là cách nói khải huyền mà chúng ta có thể hiểu theo ý nghĩa hơn là theo nguyên ngữ. Thế giới sẽ trở nên đáng sợ làm cho những kẻ không tin khiếp đảm. Con Người bấy giờ sẽ đến, ngự trên áng mây, đầy quyền năng và vinh quang vì Ngài là Đấng Cứu Chuộc và là Thiên Chúa.
Nhưng đối với những kẻ tin thì Chúa bảo: “ Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sẽ được cứu chuộc.” Mùa Vọng là lúc chúng ta tin tưởng sẽ được cứu thoát, vì thế, chúng ta hãy vui lên, đón chờ Đấng Cứu Chuộc chúng ta khỏi tội lỗi. Như thánh Phaolô đã dạy : “Đừng theo thói thế gian”. Thánh Luca kêu gọi chúng ta đừng sống theo thói dân ngoại, đừng chè chén say sưa, nhưng hãy tĩnh thức và cầu nguyện luôn để có thể đứng vững trước mặt Con Người, tức là Chúa Giêsu khi Ngài ngự đến xét xử trần gian.
Chúng ta hãy tỉnh thức vì chúng ta dễ bị ru ngủ bởi những hào nhoáng của thế gian, những lời hứa đầy quyến rủ của tiền tài, tiện nghi. Ai trong chúng ta cũng thích tiện nghi sung sướng, vì thế chúng ta cần tỉnh thức để không bị mê hoặc bởi những sung sướng mà thế gian vẫn mang lại. Hãy nhớ rằng mọi sự đều qua mau, chỉ có Chúa tồn tại và Chúa chính là hạnh phúc thật, hạnh phúc không phai tàn vì Ngài là Tình Yêu.
Hãy cầu nguyện luôn. Trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, các thánh sử luôn nói đến việc Chúa Giêsu cầu nguyện. Ngài tìm nơi thanh vắng và cầu nguyện suốt đêm.Nhất là trong vườn Giếtxêmani, Ngài cầu nguyện với cả tâm hồn, đến mướt mồ hôi máu.Thánh Luca không lạ gì với điều nầy. vì thế lời khuyên của ngài là một lệnh truyền cho chúng ta. Chúng ta có thực sự cầu nguyện không ? Chúng ta có cầu nguyện liên lỉ không ? Hay chúng ta chỉ cầu nguyện khi cần thôi ? Chúng ta cảm thấy cần đến Chúa không ? Cần đến Chúa là một nhu cầu thiết yếu của con người. Chính Chúa Giêsu đã nói : “ Không có Thầy, anh em chẳng làm được việc gì”. Chúng ta làm được nhiều việc lắm chứ ! Chúng ta làm ra tiền, chúng ta buôn bán, làm đủ thứ công việc. Chúng ta đâu cần Chúa ! Phải, chúng ta có thể làm được nhiều việc, nhưng trước mặt Chúa, chúng ta chẳng ra gì cả, vì mọi sự đều phải làm sáng danh Chúa mới đáng kể. Chúng ta phải cảm thấy cần Chúa như cần hơi thở, như cần nước uống. Làm như chúng ta chỉ sống nương tựa vào Chúa mới gọi là sống.
Trong mùa Vọng nầy, Giáo Hội muốn khơi lên trong chúng ta niềm ao ước sống với Chúa, để chờ ngày Chúa tỏ uy quyền của Ngài, khi Ngài đến xét xử trần gian. Tin tưởng vào Ngài, chúng ta không sợ sệt, dù trời nghiên đất đổ, chúng ta vẫn tin cậy vì chúng ta là của Chúa. Vì thế, Chúa đến với chúng ta mọi ngày, nuôi chúng ta bằng chính thịt máu Ngài, giúp chúng ta càng ngày càng gắn bó với Ngài hơn. Hãy đến ăn lấy Ngài vì Ngài muốn trở thành của ăn cho chúng ta và sống với Ngài luôn mãi ngay từ bây giờ. Đó là ước muốn duy nhất của Ngài khi đến với chúng ta.
Lm. Thái Nguyên
Mùa Vọng hướng đến việc Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nhưng điều chính yếu là hướng chúng ta về ngày Chúa lại đến trong vinh quang. Vì vậy mà đoạn Tin Mừng hôm nay là một phần của diễn từ ngày cánh chung: Đức Giêsu nói tới những việc sẽ xẩy ra vào những ngày sau cùng. Điều quan trọng không phải là hiểu biết về ngày ấy như thế nào, sẽ diễn biến sa sao, mà là một thái độ sống tích cực bằng tình yêu mến trong mọi công việc, để có thể vui mừng đón Chúa đến trong ngày ấy. Muốn được như thế, Đức Giêsu đã căn dặn:“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.
Thế nào là tỉnh thức? Người tỉnh thức là người không có ảo tưởng về bản thân và cuộc đời; không nhầm lẫn mộng tưởng với hiện thực; không sống mơ hồ, nhưng nhận biết mình đang biết: biết về thực trạng của bản thân; biết về thực chất của mọi công việc; biết về thực tại của mọi biến chuyển, để có thể sống thực tâm với Chúa, thực tình với người, và thực tế với đời. Chúa Giêsu nói rất cụ thể, là đừng để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy đến như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”. Thật ra, Thiên Chúa không hành động bất ngờ để bắt chộp ai, vì vẫn luôn có những điềm thiêng dấu lạ để báo trước. Bất ngờ là vì ta đã sống ơ hờ, ươn lười và chểnh mảng (x. Mt 25, 1-10; 24-28). Nếu ta biết sống thanh thoát và sẵn sàng, thì việc Chúa đến bất ngờ lại là điều rất thú vị.
Người tỉnh thức luôn biết hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động trong sự khôn ngoan và đạo đức. Người tỉnh thức cũng chính là người sống đẹp từng giây phút hiện tại, nghĩa là sống toàn tâm toàn ý trong từng công việc, từng bổn phận, từng mối liên hệ với tâm hồn đầy yêu mến. Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta:“Lúc này là lúc thuận tiện. Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6, 2). Các thánh đã sống tuyệt hảo giây phút hiện tại theo ý muốn của Thiên Chúa, Đấng chỉ có hiện tại, không có quá khứ hay tương lai.
Tỉnh thức cũng là giác ngộ, vì giác ngộ là tỉnh ra mà thấu rõ chân tướng của của cuộc đời và con người, là thoát khỏi vô minh: không bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế, không bị đam mê và dục vọng lôi kéo, không bị chìm ngập trong những tính toán lợi lộc, không mong được giàu sang hay sung sướng, mà luôn thuận theo lẽ Trời. Triết lý Á Đông cũng có câu: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”. Đời Kitô hữu là một cuộc đời sống thuận theo ý Chúa. Đặc biệt hơn nữa, là đỉnh cao của việc giác ngộ là đặt Đức Kitô lên trên hết, như thánh Phaolô:“Tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.” (Pl 3, 8).
Tỉnh thức không chỉ để đón chờ Chúa sẽ đến, mà còn nhận ra Ngài đang đến, và thường đến với ta mọi nơi, mọi lúc, trong mọi thời khắc (x. Kh 3, 20). Thiếu tỉnh thức ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Hãy đón nhận từng giây phút đang đến như từng viên ngọc quí mà Chúa trao ban cho ta. Đừng thương tiếc hôm qua, đừng chờ đợi ngày mai, đừng lảng tránh hôm nay, mà hãy dân thân cách hăng say vào hiện tại trong mọi tương quan của mình.
Tỉnh thức nhưng phải cầu nguyện luôn. Cầu nguyện luôn thì mới có thể sống tỉnh thức, vì tinh thần thì mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện giúp ta tách mình ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để sống với Chúa nhiều hơn. Cần gặp Chúa hôm nay trước khi gặp Chúa trọn vẹn sau này. Cầu nguyện làm nên phẩm chất, bản lãnh và sức mạnh của đời Kitô hữu, giúp ta thoát khỏi mưu mô và nanh vuốt của tà thần để sống thuộc về Chúa. Ý thức như thế nên R. Tagore đã dâng lời khẩn nguyện:“Lạy Thượng Đế! Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng hồn lên khỏi những ti tiện hằng ngày. Và xin cho tôi sức mạnh tràn đầy để âu yếm dâng mình theo ý muốn của Người”.
Ngày Chúa đến thật uy nghi như đã báo:“Thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”. Ngài đến như vị Thẩm Phán xét xử trần gian, nhiều người sẽ khiếp sợ rụng rời trước thánh nhan. Nhưng nếu chúng ta đã tỉnh thức và cầu nguyện, thì đây lại là giây phút hạnh ngộ đã từ lâu mong chờ. Trong tin yêu, chúng ta đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì biết mình sắp được cứu chuộc. Lòng chúng ta tràn ngập hy vọng và hân hoan vui sướng để được sống sung mãn với Đức Giêsu, Vua vinh hiển muôn đời. Muốn vậy, chúng ta hãy sống sâu sát với Chúa ngay từ bây giờ, để không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, Chúa chúng ta (Rm 8, 35).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Rồi có một ngày Chúa lại quang lâm,
kết thúc mọi diễn biến của cuộc trần,
Ngài uy nghi xét xử khắp muôn dân,
để cân phân thiện ác mọi thành phần,
và đưa tới sự thành toàn mỹ mãn.
Để đón đợi ngày giờ chung quyết ấy,
đòi con đây phải thanh tẩy chính mình,
bằng tâm tình tỉnh thức và cầu nguyện,
bởi Chúa đến vẫn luôn thật bất ngờ.
Thiếu tỉnh thức sẽ bàng hoàng kinh sợ,
không thể nào đứng vững trước nguy cơ,
thiếu cầu nguyện con sẽ sống ơ hờ,
dễ sa chìm khi ngày giờ chấm dứt.
Thật ra có những điều con phải lo,
và luôn có những việc con phải làm,
nhưng nhiều khi lo làm không lo sống,
lo bên ngoài đánh mất cả bên trong.
Ngay cả việc làm dù là bổn phận,
nhưng nhiều khi chẳng có chút tình thân,
trong phục vụ cũng chẳng có nhiệt thành,
nên hiện diện của con hóa khô cằn,
không làm cho cuộc sống thêm tươi tắn,
mà chỉ thêm gánh nặng với khó khăn.
Xin cho con một đức tin chín chắn,
giúp cho con luôn mau mắn thi hành,
chẳng có gì để con phải kêu than,
mà luôn sống với tình thương ngập tràn,
để chờ ngày Chúa đến vui hợp hoan,
ngày hạnh ngộ thật huy hoàng trong Chúa! Amen.
{C}