GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Lời Chúa: Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33b-37
Tôma Lê Duy Khang
Hôm nay, mừng Lễ Chúa Kitô Vua, qua bài Tin mừng, ta được biết Chúa Giêsu đã từng khẳng khái tuyên bố trước quan quyền, trước mặt Philatô: Tôi là Vua.
Chúng ta biết trước đó, khi làm phép lạ hóa bánh hoá ra nhiều, dân chúng hân hoan phấn khởi muốn tôn Chúa làm vua thì Chúa đã trốn đi.
Khi Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem, dân chúng hân hoan, cởi áo lót đường, cầm cành lá phất phơ đón chào thì Người chỉ cỡi con lừa con bé nhỏ, yếu ớt.
Thế mà hôm nay, tại sao khi đứng trong thân phận là một tội nhân đứng trước mặt quan án, bị dân chúng khinh khi chối bỏ, thân tàn ma dại, chẳng còn hình tượng con người nữa, thì Người lại hiên ngang xưng mình là vua?
Thưa vì vương quốc của Chúa không thuộc về thế gian này, chính vì thế mà trong hành trình đi loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu không xưng vương. Nhưng nay cận kề cái chết, Người mới xưng vương để dạy cho ta biết vương quốc của Người “không thuộc thế gian này”.
Chúng ta thấy có lần Chúa Giêsu đã nói: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được." (Ga 10,18).
Rồi sau đó Chúa Giêsu cũng nói với Philato: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn." Khi Philato nói với Chúa Giêsu: “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao? " (x. Ga 19, 10-11).
Nghĩa là Chúa là Vua Chúa có quyền hy sinh mạng sống của mình và có quyền lấy lại, Chúa là vua nên Chúa đã trao quyền cho người khác xét xử, chứ thật ra họ chẳng có quyền nào cả, có Vua nào để cho người ta xét xử, thưa không có, chỉ có Chúa Giêsu mà thôi, nên Chúa muốn cho con người thấy được điều đó, để tin vào Chúa là một vị vua khác với các vị vua khác.
Người ta kể rằng: “Lịch sử nước Anh có kể rằng hồi ấy, nước Anh có một ông vua đạo đức tên là Cannut III. Ông là vua của một cường quốc, đạo đức, nhưng xung quanh ông luôn có những quan nịnh thần ton hót.
Một hôm trong một buổi triều yết, các nịnh thần tâu : “Thánh thượng là vua trên hết các vua, là chúa trên các chúa, có quyền trên mặt đất và biển cả”.
Nghe vậy nhà vua muốn cho họ một bài học, liền mời tất cả đi ra bờ biển. Đứng trước đại dương, ông tuyên bố : “Ta là vua trên hết các vua, có quyền trên đất liền và trên biển cả. Vậy ta truyền cho sóng biển không được trờ tới”. Nhưng nước vẫn dâng lên, sóng vẫn trở tới làm ướt hết áo cẩm bào của vua cũng như triều thần.
Nhà vua đi vào trong một thánh đường đến trước tượng chuộc tội, lấy chiếc vương miện đội trên đầu Chúa và nói : “Lạy Chúa, chỉ có Chúa là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các chúa”. Nhiều quan quân chứng kiến vậy lấy làm xấu hổ….”
Xin cho mỗi người chúng ta biết tin Chúa là Vua các Vua là Chúa các chúa, để không tôn sùng ai cả, mà chỉ tôn thờ một mình Chúa mà thôi, cũng như qua đó chúng ta xác tin rằng đời sống của con người không chỉ có ở đời này mà còn có ở đời sau nữa, không chỉ có vương quốc trần gian, mà còn có vương quốc vĩnh cửu, một vương quốc ở đời sau mà Chúa thiết lập để chờ đón các thần dân của Chúa, để chúng ta không thất vọng mà luôn luôn hy vọng vào vương quốc tình yêu mà Chúa đã thiết lập cho thần dân của Ngài. Amen.
Lm. Thái Nguyên
VUA GIÊSU
Đứng trước tòa, quan tổng trấn hỏi cung Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”. Trước khi trả lời, Đức Giêsu hỏi lại Philatô: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”. Qua câu hỏi này, Đức Giêsu muốn cho ông thấy rõ hơn con người của ông: Ông tự đặt vấn đề hay dân chúng đặt vấn đề cho ông? Ông có lập trường không hay bị dư luận xô đẩy? Ông nghe theo lương tâm hay nghe theo người khác? Ông có can đảm làm theo những gì mình biết, hay cũng chỉ là kẻ hèn nhát lo bám níu vào chức vụ, quyền hành?
Philatô chỉ lấp lửng trả lời theo kiểu nghi vấn:“Tôi là người Do thái sao?". Quả là một câu nói khinh thường và vô trách nhiệm. Và phải chăng đó cũng là lối sống và là cách hành động của ông? Xem ra ông là vị quan rất quyền lực, nhưng thực tế cũng chỉ là tay sai và nô lệ cho quyền thế, cố gắng giữ lấy chiếc ghế chứ không muốn xử trí mọi cái theo sự thật hay lẽ phải. Trước thái độ mập mờ của Philatô, Đức Giêsu đã thẳng thắn xác định:“Nước tôi không thuộc về thế gian này...”.
Khi nói“Nước tôi”, Đức Giêsu không phủ nhận mình là Vua, nhưng không phải là Vua theo kiểu người Do thái và Philatô quan niệm. Người là vua theo ý muốn của Thiên Chúa chứ không theo mơ ước của người đời. Rõ ràng là vương quốc của Người không nhắm vào mục tiêu chính trị, càng không sử dụng những phương thế trần gian như vũ khí, bạo lực, quân lực. Đức Giêsu không phải là Đấng Mêsia theo kiểu phàm nhân, lo thực hiện công cuộc giải phóng theo kiểu phàm tục. Thật ra, Philatô biết rằng, chỉ vì ghen ghét mà người Do Thái bắt nộp Đức Giêsu. Nhưng rất tiếc, ông biết một đàng nhưng rồi làm một nẻo.
Tiếp theo đó, Đức Giêsu còn xác định căn tính và sứ mạng của mình: “là để làm chứng cho sự thật”. Đức Giêsu không muốn nói đến sự thật về một sự kiện nào, nhưng là sự thật về Thiên Chúa. Người biết Thiên Chúa trong sự hiệp thông hết sức thâm sâu, trong sự hợp nhất hoàn hảo như là Con với Cha. Cha của Người là Đấng chân thật, vì thế, Nước của Người là Nước của sự thật, Chỉ có sự thật mới giải thoát con người, cho con người được sống trong bình an và hạnh phúc.
Tuy nhiên, không mấy ai mà dám sống thành thật? Kẻ thành thật thường thua thiệt, lại bị coi là dại dột. Sự dối trá quỷ quyệt nhiều khi được coi là khôn ngoan. Khi sự thật bị bưng bít thì tất cả đều ra tối tăm và sự gian ác lan tràn. Chính trong ý nghĩa đó mà Chúa Giêsu mạnh dạn tuyên bố trước Philatô:“Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Đó cũng là một lời mời gọi xoáy vào tận tâm não của những ai còn chút lương tri, để họ kịp thời nhận ra chân lý làm người.
Trước câu tuyên bố của Đức Giêsu, Philatô liền lên tiếng hỏi: “Sự thật là gì?”. Nhưng ông lại tránh câu trả lời và phản ứng như một nhà chính trị. Bằng câu hỏi này, hoặc nhằm diễn tả một hoài nghi hoặc một lời chế nhạo, và ông đã cắt đứt cuộc đối thoại. Dù sao, các trao đổi giữa Philatô và Đức Giêsu cho thấy là sứ điệp của Người lúc đầu đã được gửi đến cho dân Do Thái, nhưng họ đã từ khước, nay vượt biên giới tôn giáo để đến với Dân ngoại, đại diện là quan Philatô. Thực ra, dù có biết sự thật là gì thì Philatô cũng không dám làm gì hơn, vì sợ bị liên lụy, có thể mất cả thanh danh và sự nghiệp. Sợ thế nên Philatô đã giao Đức Giêsu cho binh lính hành hình, và cuối cùng giao cho người Do Thái tử hình.
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi. Một định nghĩa thật man trá, nên người ta dối trá một cách trắng trợn, trơn tru, không còn chút áy náy, vì thấy lương tâm không bằng lương thực hay lương bổng. Tiếng lương tâm là tiếng Chúa. Khi lương tâm bị băng hoại thì lòng tin vào nhau bị đổ vỡ, người ta sẽ sống trong sự nghi kị, đối phó, mưu mô... trở thành nạn nhân của chính mình và của một xã hội xây dựng trên sự gian tà.
Mất đi sự thật thì tình yêu chỉ còn là gian dối và là sự lợi dụng lẫn nhau để có được những gì mình ham muốn. Không lạ gì mà bạo lực, hận thù, bất công, nghèo đói... ngày càng gia tăng khắp nơi. Thế lực của sự dữ và tội ác như đang thắng thế. Nước Chúa dù là sự thật và tình yêu thì vẫn là điều xa xôi mịt mờ. Tuy nhiên, chúng ta tin vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, những gì không phải là sự thật thì tự nó sẽ tiêu tan, và tình yêu vẫn là sức hút mãnh liệt, đồng thời là tiếng nói cuối cùng để phân chia đôi bờ thiện ác. Bổn phận chúng ta là góp phần với Chúa để Phúc Âm hóa gia đình và môi trường xung quanh mình, làm cho tinh thần Giêsu thấm nhập vào mọi cơ cấu xã hội, chuẩn bị cho ngày thành tựu viên mãn trong Đức Kitô, Vua muôn đời.
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Có phải chăng sau vụ nổ Big-bang,
mà vũ trụ từ đó được khai trương,
để cứ thế càng ngày càng bành trướng,
và khởi xướng ra muôn vạn hành tinh?
Phải chăng trái đất từ hạt bụi nhỏ xíu?
nhưng lại lớn lao và biết bao kỳ diệu,
là hành tinh được Cha quá thương yêu,
đến nỗi đã ban xuống Người Con Một,
sống phận người để cứu chuộc thế nhân,
còn ghi mãi dấu chân trên mặt đất.
Mừng lễ Đức Ki-tô Vua vũ trụ,
chúng con cùng hướng nhìn về trái đất,
nơi có hơn tám tỷ người đang sống,
đang dựng xây và phát triển không ngừng,
nhưng trong đó lan tràn bao tệ nạn,
khiến con người phải khốn khổ lầm than.
Sự dữ và tội ác như thắng thế,
hận thù và bạo lực vẫn gia tăng,
cuộc sống cứ càng ngày càng gian trá,
bởi người ta ham vui thú sa đà.
Xin cho con biết xây dựng thế trần,
với tinh thần của công dân Nước Chúa,
Nước yêu thương và hòa bình chân thật,
nên tín hữu là chứng nhân bất khuất,
để đem lại cho trái đất an lành,
cho tất cả hoàn thành theo ý Chúa.
Xin cho danh thánh Chúa được rạng ngời,
và Nước Chúa càng ngày càng mau tới,
cho đến khi thành tựu ở quê trời,
trong Giê-su Vua ngàn đời vinh hiển. Amen.
Lm Trầm Phúc
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng Chúa Giêsu là Vua. Chúng ta tôn vinh Vua Giêsu, Ngài không là một vị vua như các vua trần thế, Ngài không chỉ cai trị một nước mà thôi. Ngài là vua toàn cõi địa cầu từ muôn thuở cho đến tận thế và cho đến đời đời. Ngài là một vị vua muôn thuở vì Ngài không thể chết như các vua trần thế. Ngài là Vua hằng sống, Ngài là Vua toàn năng, mọi sự đều do Ngài mà có. Tước vị của Ngài không do một ai truyền lại, Ngài là Vua theo bản thể, Ngài là Vua tình yêu vì chính Ngài là Tình Yêu.
Ngài tự nộp mình cho người Do thái. Nhiều lần, đám Pharisêu muốn bắt Ngài mà không dám. Trước công nghị Do thái, Ngài bị lên án tử vì Ngài tự xưng là Con Thiên Chúa, nhưng khi ra trước toà Philatô, người Do thái đã biến đổi thành Vua dân Do thái, vì xét theo luật Rôma thì không thể buộc tội Ngài là Con Thiên Chúa. Philatô ngạc nhiên khi nghe các đầu mục Do thái tố cáo Ngài là Vua dân Do thái. Xưng mình là vua dân Do thái tức là chống lại Vua Rôma, tội này đáng chết. Vì thế câu hỏi đầu tiên của Philatô là: “Ông là vua dân Do thái?” Chúa Giêsu không trả lời mà hỏi lại: “Ngài tự ý nói điều ấy hay những người khác đã nói với Ngài về tôi?” Nghĩa là nếu Ngài tự mình biết điều đó thì tôi có thể đối thoại với ngài, nhưng nếu ngài nghe lời người khác thì chẳng cần phải nói gì hơn. Philatô sừng sỏ: “Tôi đâu phải là người Do thái! Chính dân của ông và các thương tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Bây giờ Philatô bắt đầu đối thoại để tìm hiểu, và Chúa Giêsu mới cho ông biết Ngài là ai: “Nước tôi không thuộc chốn này”. Philatô cũng phải thú nhận: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giêsu đáp: “ Chính ngài nói tôi là vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Chúa Giêsu nói rõ cho Philatô biết Ngài là ai và Ngài đến trong thế gian này để làm gì.
Phải, Chúa Giêsu là Vua, nhưng không phải như thế gian tưởng. Ngài là Vua sự thật. Ngài đã từng nói: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.
Chúng ta có đứng về phía sự thật không? Đứng về phía sự thật chính là nghe lời Ngài, sống với Ngài, chia sẻ vui buồn với Ngài, cứu các linh hồn với Ngài. Đứng về phía sự thật là hiền lành và khiêm nhượng như Ngài, yêu thương như Ngài. Các thánh như Phanxicô Assisi, thánh Têrêxa Calcutta, thánh Gioan Boscô v.v… đều sống như Ngài. Chúng ta là thần dân của Ngài, không thể nào chúng ta đi vào con đường nào khác. Ngài là Vua chúng ta, và chúng ta thuộc về Ngài, và chính Ngài là sự sống của chúng ta. Ngài là một vị Vua rất lạ lùng, vì Ngài nuôi chúng ta bằng chính thịt máu Ngài. Đây là nét đặc trưng của Vua chúng ta. Ngài nuôi chúng ta, trở nên một xương một thịt với chúng ta. Ngài chính là Vua Tình Yêu. Chúng ta chỉ hạnh phúc khi sống trong Ngài, sống với Ngài, trở nên giống Ngài. Ngài đã đem tất cả kho tàng tình yêu của Ngài để cứu chuộc chúng ta, chúng ta hãy mang hết tình yêu của chúng ta hiến dâng cho Ngài. Cuộc sống hôm nay của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi nó là một hiến dâng liên lỉ trên bàn thờ cuộc sống.
Hiện nay, còn khá nhiều quốc gia trên thế giới vẫn theo chế độ quân chủ, nghĩa là có vua đứng đầu một nước. Chẳng hạn như nước Bỉ có vua Alberto, Tây Ban Nha có vua Carlos. Gần Việt nam chúng ta, bên Campuchia có vua Sihamoni và Thái Lan có vua Va-ji-ra-long-korn. Các vua thời nay, chỉ mang danh nghĩa truyền thống thôi, chứ trong tay không có nhiều quyền hạn như các vua chúa thời xưa.
Ngày xưa, các ông vua được gọi là “Thiên Tử” (con Trời), là người được coi là thay trời hành đạo. Mệnh lệnh vua phán ra, đều phải được tuân giữ tuyệt đối không ai dám cãi lại. Ai chống lệnh sẽ bị “tru di tam tộc”, cho nên quyền hạn của vua lớn lắm.
- Về mặt lập pháp: vua là người duy nhất, có quyền đặt ra pháp luật.
- Về mặt hành pháp: vua toàn quyền, thưởng hoặc phạt thường dân.
- Về mặt tư pháp: vua giữ quyền phán quyết cao nhất: kết án, ân xá hay tha tội.
Tất cả những điều đó cho ta thấy rằng, làm vua ở trần gian rất uy quyền và oai phong lẫm liệt, đúng không thưa anh chị em.
Còn làm vua theo kiểu của Chúa Giêsu hoàn toàn khác, đúng như lời Ngài nói: “Chúa đến không phải để được người khác phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống để cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Chúa Giêsu phục vụ như một người nô lệ, rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly để dạy cho các học trò bài học căn bản của tình yêu: tinh thần dấn thân phục vụ. Bởi vì đối với Chúa, ai muốn làm lớn phải trở nên bé nhỏ, với tinh thần phục vụ mạnh mẽ. Và càng làm lớn, càng phải có tinh thần hy sinh và phục vụ nhiều hơn.
Anh chị em thân mến,
Khi diễn tả sự hy sinh và phục vụ của Chúa Giêsu, có lẽ ta phải dùng đến chữ tận hiến, thì may ra mới có thể diễn tả được phần nào về tinh thần phục vụ mà Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta. Vì tận hiến, nên Chúa chấp nhận giang tay, chịu đóng đinh trên thập giá cứu nhân loại. Để rồi, Thiên Chúa Cha tôn vinh Ngài bằng một danh hiệu đặc biệt: “Làm Vua trên muôn vua, làm Chúa trên các Chúa.” Một vị vua tình yêu, mà hôm nay Giáo hội tôn kính một cách long trọng.
Nếu nhìn lên Thập giá, ta chỉ thấy hình ảnh của một Giêsu vừa yếu đuối, vừa bất lực; với đôi tay giang rộng, chịu đóng đinh nhục nhã. Phía trên đầu lại là một dòng chữ đầy mỉa mai này là “Giêsu Nagiaret, Vua của dân Do Thái”.
Là Vua dân Do Thái! Vậy mà Chúa Giêsu không có ngai vàng chỉ có thập giá, không có vương miện trên đầu chỉ có vòng gai ô nhục. Không có áo cẩm bào lộng lẫy, chỉ có trần trụi nhuốc nhơ. Không một quan quân đứng hầu chỉ có người qua kẻ lại buông lời chế nhiễu.
Dường như vị vua Giêsu trên thập giá, không có chút quyền lực nào hết, chỉ biết chấp nhận uống chén đắng vì vâng phục Chúa Cha, bằng một Tình yêu hy sinh cho tất cả nhân loại tội lỗi. Khi quân dữ đánh đòn hành hạ, nhục mạ chửi rủa và đóng đinh, Vua Giêsu vẫn làm thinh không một lời phản ứng.
Đến lúc phải lên tiếng “Vua Giêsu” chỉ mở lời: “xin Chúa Cha tha thứ mọi tội lỗi cho tên lính đóng đinh mình vào thập giá”. Tình thương tha thứ của Vua Giêsu là như thế đó, không hề có kẻ thù. Ngài hiền lành đến mức mà tên lính đứng gần thập giá, phải khâm phục khi thốt lên rằng: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa”.
“Sự yêu thương tha thứ” tuyệt vời của Chúa như là một mẫu gương cho chúng ta noi theo. Cho nên, chỉ có những ai biết sống yêu thương và tha thứ, người đó mới thực sự đang đi con đường của Chúa đi; đang tiến về Vương quốc tình yêu mà chính Chúa làm vua.
Đến đây, ta nhớ lại câu chuyện xãy ra cách nay 17 năm. Một hung thủ giết người tên là Ba-lal do, đâm chết Ab-dol-lah trên đường phố ở thị trấn Royan, nên bị kết án treo cổ tử hình theo luật của tòa án Iran. Vào sáng 15/4/2007 tại pháp trường, kẻ giết người bị bịt mắt bằng một băng vải màu đen, và bị tròng thòng lọng vào cổ, chuẩn bị án tử hình.
Đếm ngược kim đồng hồ, chỉ còn vài giây ngắn ngủi hung thủ phải đền tội. Đúng lúc đó, một sự kỳ diệu đã xảy ra. Mẹ của nạn nhân, bà A-li-ne-jad xăm xăm bước đến gần giá treo cổ của kẻ thù giết con bà. Dang tay, bà tát vào mặt tên sát nhân một cái thật mạnh, rồi bà òa lên khóc. Trong tiếng nấc nghẹn ngào bà tuyên bố: “Tôi tha tội cho Balal, kẻ đã giết chết con trai của tôi.”
Vừa dứt lời, bà cùng với chồng gỡ dây thòng lọng ra khỏi cổ của kẻ sát nhân xuống. Chuyện như không thể tin được, bao nhiêu người chứng kiến phải cảm phục trước tấm lòng bao dung tha thứ của bà A-li-ne-jad. Nhờ sự tha thứ của một người, mà một người khác được tiếp tục sống.
Thế là mẹ của tội nhân chạy đến, ôm bà A-li-ne-jad một cái ôm thật chặt, như muốn nói thay cho con của mình rằng: “ngàn lần xin lỗi bà và vạn lần tạ ơn vì tấm lòng cao thượng của bà.”
Tiếp câu chuyện “Tha Thứ” của bà A-li-ne-jad, nếu được phép, ta có thể suy đoán thêm rằng; sau sự tha thứ đó 2 bà mẹ có thể gần gũi nhau hơn, 2 gia đình trở nên thân thiết nhau hơn. Bởi vì tình thương tha thứ, đã hóa giải tất cả đã biến hận thù thành tình bạn rồi.
Lạy Chúa Giêsu là Vua của tình yêu và tha thứ, xin giúp chúng con biết dùng tình thương để xóa tan mọi giận hờn ghét ghen và thù hận trong lòng; và đồng thời, xin giúp chúng con biết sống giống như Chúa, luôn bao dung và tha thứ cho tất cả những ai lỡ xúc phạm đến mình. Amen.