GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - NĂM C
Lời Chúa: Is 40,1-5.9-11; Tt 2,11-14;3,4-7; Lc 3,15-16.21-22
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay kể câu chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa, và khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thì tin mừng ghi lại đó là trời mở ra.
Việc các tầng trời mở ra cho chúng ta thấy điều gì?
Chúng ta biết khi ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội thì các tầng trời đóng lại, nhưng khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thì các tầng trời mở ra.
Hay sau này khi Chúa Giêsu tắt thở, thì tin mừng ghi lại: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa.” (Lc 23,44-45), để nói cho chúng ta thấy nhờ Chúa Giêsu mà con người được đến gần Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu mà con người được giao hòa với Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu chính là trung gian duy nhất giữa con người với Thiên Chúa.
Chính Chúa Giêsu sau này ngài cũng đã nói điều này: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.” (Ga 15,16).
Rồi nếu để ý trong những lời cầu nguyện của Giáo Hội luôn kết thúc bằng câu: “Chúng con cầu xin nhớ Đức Kito Chúa chúng con”, để cho thấy Chúa Giêsu là Đấng trung gian duy nhất của Chúa Cha.
Và vì Chúa là Đấng trung gian duy nhất nên chúng ta được mời gọi đến với Chúa, để xin Chúa cầu bàu cho chúng ta, và chắc chắn Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta.
Nếu mở rộng ra, đó là Chúa Giêsu là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nhưng không phải chỉ là những con người thuộc về Chúa, mà còn cho những con người không thuộc về Chúa, nếu nhân danh Chúa mà cầu xin thì Chúa cũng sẽ nhậm lời.
Nghĩa là họ chưa được rửa tội, chưa công khai tuyên xưng đức tin của mình, nhưng cách nào đó họ cũng tin vào Chúa, trong lệnh truyền truyền giáo, Chúa Giêsu có nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ." (Mc 15, 15-18).
Chúng ta hãy nhớ câu chuyện mà tin mừng mà thánh Luca thuật lại đó là: Ông Gio-an lên tiếng nói: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy." Đức Giê-su bảo ông: "Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!" (Lc 9, 49-50). Như vậy, họ phải tin mới có thể nhân danh Chúa mà trừ quỷ.
Hay khi học giáo lý về bí tích rửa tội, chúng ta biết, thừa tác viên thông thường của bí tích rửa tội đó là những người có chức thánh, phó tế, linh mục giám mục, còn trong trường hợp nguy tử thì mọi người đều rửa tội thành sự với công thức ba ngôi: “Tôi rửa anh (chị) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, với nước tự nhiên, mọi người ở đây là ngay cả người lương dân, ngay cả người rối đạo, nhưng chúng ta biết khi họ rửa tội như vậy, với công thức ba ngôi như vậy, với nước tự nhiên như vậy, nghĩa là khi họ làm điều hội thánh làm thì một cách nào đó, chỉ trong khoảnh khắc đó họ đã tin vào Chúa, thì bí tích đó thành sự, còn sau đó đời sống của họ như thế nào thì chúng ta không cần để ý, và chúng ta cần hiểu việc bí tích thành sự không liên quan đến hành vi luân lý của thừa tác viên.
Nói như vậy, không phải để chúng ta lạm dụng bí tích, nhưng để chúng ta hiểu rằng tất cả mọi sự con người làm mà có hiệu quả là do ơn của Chúa ban, chứ không phải tự sức con người có thể làm được.
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để biết chạy đến với Chúa Giêsu là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người của chúng ta, để Chúa Giêsu cầu bàu cùng Chúa Cha cho mỗi người chúng ta. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Khi thấy Gioan làm phép rửa sám hối thì dân chúng thắc mắc và tự hỏi: Biết đâu ông này chẳng phải là Ðấng Mêsia mà toàn dân đang mong đợi? Gioan liền cho họ biết, ông chỉ là người làm phép rửa trong nước, còn Đấng quyền thế đến sau ông sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Lời giới thiệu của Gioan cho thấy thời đại cũ sắp qua đi, và thời đại mới đang tới, là thời đại của tình yêu và ân sủng.
Đức Giêsu đã đến và đã khai mạc sứ mạng rao giảng Tin Mừng trong sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đáng lẽ đây là một biến cố trọng đại, gây choáng ngợp thiên hạ bằng quyền năng và oai phong của một Đấng Cứu Thế. Nhưng sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa cho ta thấy một điều lạ thường và trái ngược: Ngài là Đấng phải đến làm phép rửa mà lại xin chịu phép rửa; Ngài là Đấng ban ơn sám hối mà lại tỏ lòng sám hối; là Đấng thánh của Thiên Chúa mà lại đứng chung với hàng tội nhân; là Đấng thanh sạch vô ngần mà lại chịu dìm mình xuống dòng sông thanh tẩy. Nhưng chính trong sự tự hạ này, mà ta thấy Con Thiên Chúa đã xuống tận vũng bùn lầy của tội lỗi để cứu vớt nhân loại, đưa con người trở lại vườn địa đàng.
Ý thức mình là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian, nên Đức Giêsu đã thể hiện trước tiên bằng thái độ liên đới với dân tộc mình: liên đới trong thân phận, trong tội lệ, trong sám hối và chờ mong ơn cứu độ. Tuy nhiên, quang cảnh Đức Giêsu chịu phép rửa cũng đã hé lộ một mầu nhiệm cao cả: Trước tiên là trời mở ra, vì từ khi Ađam- Eva phạm tội thì cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24). Từ nay, nhờ Đức Giêsu, con người lại được sống thông hiệp với Thiên Chúa. Tiếp theo là Thánh Thần ngự xuống trên Ngài, cho thấy Đức Giêsu là con người mới, trong Ngài, nhân loại sẽ được tái tạo, được đổi mới. (Gl 6, 15). Lại có tiếng phán từ trời: “Con là Con của Cha…”. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Những ai tin và nhận phép rửa nhân danh Ngài thì được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.
Phép Rửa hôm nay chỉ là khúc đạo đầu của bản trường ca “Yêu thương”. Để rồi vì yêu thương, mà Ngài sẽ bị người đời liệt vào "Tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thế và phường tội lỗi" (Lc 7,34); bị người nhà coi là "kẻ mất trí"; bị xua đuổi ra khỏi thành; bị lên án như một tội nhân, và cuối cùng bị chết treo giữa những tên trộm cướp. Đến nỗi thánh Phaolô đã phải thốt lên: "Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã làm cho Người thành tội vì chúng ta".
Đức Giêsu gọi cuộc thương khó của Người là một "phép rửa": "Thầy còn một phép rửa phải chịu, lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất." (Lc 12,50). Thật ra, chẳng ai muốn đau khổ nếu được chọn cách khác. Đức Giêsu cũng vậy, Ngài xin Cha cất chén đắng đau thương, nhưng Ngài muốn chọn theo ý Cha để mở ra cho nhân loại một sự sống mới. Đau khổ sẽ là một phép mầu, khi nó là một phương tiện để biểu hiện tình yêu, minh chứng tình yêu, xóa tan những chia rẽ bất hòa. Chỉ có tình yêu mới làm cho con người trở nên vĩ đại, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Đức Giêsu đã dùng thập giá để cứu chuộc nhân loại. Không phải thập giá cứu chuộc mà Tình Yêu cứu chuộc.
Chúng ta cũng đã lãnh nhận phép Rửa nhờ phép rửa của Đức Giêsu trên thập giá. Cũng như Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi để mang tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người, nhất là những người cùng khổ, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị sa ngã. Cha Zundel cũng đã nói lên rằng: "Đừng để ai trong những người anh em của chúng ta có thể phàn nàn rằng, họ chẳng gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa nơi chúng ta". Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta cần có thái độ khiêm hạ và hòa mình vào đám đông dân chúng, để chia sẻ, nâng đỡ, đem lại an vui và hy vọng cho bao mảnh đời bất hạnh. Phép Rửa đầu đời của chúng ta chỉ được được hoàn thành trong phép Rửa cuối đời nơi thập giá Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta dám hiến mạng vì yêu như Ngài, để vinh danh Thiên Chúa và ích lợi phần rỗi cho tha nhân.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Phúc Âm ghi lại một biến cố lạ lùng,
một buổi sáng trên dòng sông Gio-đan,
trời mây thật lặng lẽ nắng nhẹ nhàng,
giữa đám đông nghe Gio-an rao giảng,
ai ngờ Chúa cũng có mặt xếp hàng,
chờ đợi tới phiên mình chịu phép rửa.
Như dân chúng, Chúa tỏ lòng sám hối,
chẳng khác nào như những người tội lỗi,
Ngài hạ mình làm con không hiểu nổi,
cũng chỉ vì gánh tội thế nhân thôi.
Thế rồi dấu lạ là cửa trời rộng mở,
Thần Khí tựa chim câu xuống trên Ngài,
tiếng Chúa Cha tuyên phán con chí ái,
cuộc tỏ mình Ba Ngôi cho nhân loại.
Lạy Cha là Thiên Chúa Đấng khôn cùng,
Đấng có mặt trong mọi nơi mọi lúc,
cuộc đời con quả thật là diễm phúc,
được làm con cái Cha qua phép Rửa,
đón nhận nguồn sống quá thâm sâu,
là chính Chúa Ba Ngôi rất nhiệm mầu.
Xin cho con mãi được làm con yêu dấu,
như chính Chúa Giê-su là gương mẫu,
dám hy sinh chấp nhận mọi thương đau,
để làm cho cuộc sống được tươi mầu,
cho Danh Cha lan rộng khắp hoàn cầu,
cho Nước Cha muôn đời sau hiển trị.
Lạy Cha là Thiên Chúa rất từ bi,
cho chúng con từ đây chẳng ngại gì,
dám ra khỏi thành trì của bản thân,
biết cho đi những gì mình lãnh nhận. Amen.
Lm Trầm Phúc
Chúng ta có thấy lạ không? Chúa Giêsu vô tội, Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã đến xin Gioan làm phép rửa cho Ngài. Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài hoà mình vào đám tội nhân, Ngài trở thành Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian.
Dân chúng đang nô nức đến nghe Gioan giảng và tỏ lòng ăn năn sám hối và chịu phép rửa của Gioan. Người ta tưởng rằng Gioan là Đấng Mêsia. Nhưng Gioan đã đính chính rằng mình chỉ rửa trong nước, có Đấng đến sau ông sẽ rửa mọi người trong Thánh Thần và trong lửa. Đấng đó đã đến chịu phép rửa của Gioan. Đấng đó đã hòa mình trong đám tội nhân và đã xuống giòng sông thống hối như bao nhiêu tội nhân khác.
Nhưng sau khi đã chịu phép rửa, Ngài đến một nơi nào đó để cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha; Cha hài lòng về Con." Ai đã chứng kiến những hiện tượng nầy? Ai đã thấy trời mở ra? Ai đã nhìn thấy chim bồ câu đậu trên Ngài? Ai đã nghe tiếng Chúa Cha phán từ trời? Thánh sử chỉ kể lại thôi. Đó chỉ là một cách nói để nói rằng bắt đầu từ đây cửa trời đã mở. Ađam đã đóng cửa trời vì phản bội, Chúa Giêsu đến trần gian để mở cửa trời nhờ vâng phục. Bắt đầu từ đây, trời đất thông thương. Thánh Thần Chúa hiện diện nơi Chúa Giêsu. Ngài đã bước xuống giòng sông Giođan để khơi nguồn cho giòng sông ơn thánh tuôn trào trên chúng ta. Và chúng ta trở thành con Thiên Chúa. Chúng ta được tràn đầy Thánh Thần, nhờ đó, chúng ta có thể gọi : Abba, Cha ơi! Chúng ta có thấy đó là một hồng ân lớn lao không? Và cuộc sống hôm nay của chúng ta, tuy còn lệ thuộc vào vật chất, nhưng đã thuộc về Nước Trời.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy chiến tranh hận thù, đầy bất công và tội ác. Chúng ta cần sống thế nào để mọi người thấy rằng chúng ta là con Thiên Chúa Tình Yêu. Chúng ta phải sống như thánh Phanxicô Assisi là nơi nào có hận thù ghen ghét, xin cho con mang lại tình yêu.
Chúng ta ý thức thế nào là con Thiên Chúa? Chúng ta chỉ nói ngoài miệng, chúng ta đọc kinh Lạy Cha mà không hiểu được giá trị của chức làm con Chúa. Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt đối cho chúng ta. Ngài là Con và sống vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá. Đó là mẫu gương độc nhất mà chúng ta có được. Gương lành đó luôn mời gọi chúng ta. Và hơn thế nữa, chính Chúa đến với chúng ta, cùng sống với chúng ta để giúp chúng ta sống như Ngài; đó là Ngài trở thành bánh cho chúng ta ăn. Chúng ta được quyền nuốt Ngài vào trong chúng ta. Nuốt Ngài vào trong chúng ta để làm gì? Để cho Ngài một nơi trú ngụ? Ngài không cần một nơi trú ngụ nào. Ngài muốn trở thành một với chúng ta, chia sẻ kiếp sống đoạ đày của chúng ta, yêu thương chúng ta đến tận cùng. Chúng ta có biết điều đó không?
Nhiều người rước Chúa, nói với Chúa một vài câu rồi bỏ Ngài ở đó, trong mình, rồi chạy lo làm việc của mình và quên hẳn rằng Ngài vẫn ở trong mình. Khi nào đến lúc đọc kinh hay đi lễ mới nhờ đến Ngài. Đó là sai lầm của rất nhiều người. Chúng ta đã ăn lấy Ngài thì Ngài vẫn sống với chúng ta, một xương một thịt với chúng ta, chúng ta được vinh dự hết sức lớn lao là sống với Thiên Chúa. Như thế, chúng ta sẽ mang Ngài vào gia đình và mọi nơi chúng ta đến. Hãy sống thế nào để Chúa Cha có thể nói như đã nói với Chúa Giêsu: “Con là con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về con”.
Bên dòng sông Giorđan năm xưa, Thánh Gioan Tẩy Giả lên tiếng kêu gọi dân Do thái chịu phép rửa, với ý muốn nhắc nhở họ hãy biết ăn năn sám hối, để lãnh ơn tha tội. Đúng thời điểm đó, Chúa Giêsu cũng bước xuống sông Giorđan, nhờ Gioan làm phép rửa. Ngài xin chịu phép rửa không phải để tỏ lòng sám hối, bởi vì Ngài là Thiên Chúa và là Đấng vô tội.
Chúa xin chịu phép rửa khi bước xuống sông Giorđan, là để Ngài thánh hoá dòng nước đó. Hình ảnh Chúa Thánh Thần (hình chim bồ câu) ngự xuống trên Ngài, khi bước lên khỏi mặt nước là lúc Ngài lập Bí tích Rửa tội, như lời Thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu: “Đấng đến sau tôi, sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần, còn tôi chỉ làm phép rửa bằng nước thôi”. Kể từ đó đến nay, những ai có niềm tin và lãnh nhận Bí tích Rửa tội, trở thành con cái của Chúa được gọi là người Kitô hữu. Vậy Kitô hữu là ai?
Trong thư thứ nhất Thánh Phêrô đã nói rằng: “Kitô hữu là người đang sống trong Đức Kitô” (x. 1 Pr 5,14). Nghĩa là người được Rửa Tội, gia nhập đạo Công giáo và được thông phần vào mầu nhiệm Chúa Kitô, tức là trở nên chi thể của Chúa (Chúa là đầu, còn chúng ta là các chi thể của Ngài). Sống trong Chúa Kitô là như vậy. Và Thánh Phaolô cũng nói tương tự, trong thư gửi tín hữu Rôma rằng: Kitô hữu là “những người đang ở trong Đức Kitô” (Rm 8:1-2).
Còn Thánh Têrêsa Calcutta lại có cái nhìn rất thực tế, nên nhận định rằng: “Kitô hữu, là người trao ban chính bản thân mình”. Giống như Chúa Giêsu dạy: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ bị mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39).
Nói tóm lại, là người Công giáo chúng ta được kết hợp làm một với Đức Kitô, sống giống với cách sống của Chúa Kitô; nghĩa là Chúa Kitô sống thế nào, ta sống giống như vậy. Như lời của sử gia Tertullianô giải thích: “Người Kitô hữu, là người thuộc về Chúa Kitô, nên phải có những tâm tình và cách sống giống Chúa Kitô”, y như là một bản photocopy.
Hôm nay, Chúa Giêsu chịu phép rửa bên dòng sông Giordan. Chúa Thánh hóa dòng nước đó, và muốn những người đi theo Chúa cũng phải biết khiêm nhường, ăn năn sám hối để đón nhận ơn tha thứ, đầy lòng nhân từ của Chúa; bởi vì Ngài không muốn một ai phải mất linh hồn.
Tôi xin chia sẻ với cộng đoàn, một câu chuyện có thật về sự tha thứ:
Vào ngày 06.02.2013, trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Đài Thông Tấn Xã Công Giáo (CAN), linh mục Leon (cha sở họ đạo Loja, ở Tây Ban Nha) kể chuyện gia đình cha:
Ngày xưa mẹ của cha, tên là Maria Eugenia, đang lúc giúp việc cho một gia đình giàu có, thì bị ông chủ hãm hiếp và làm cho bà mang thai. Do sỉ diện và sợ mang tai tiếng, gia đình bà cũng như gia đình ông chủ khuyên bà bỏ cái bào thai đó đi, rồi tìm cách dụ bà uống thuốc phá thai. Mẹ của cha không đồng ý, bà cam chịu tất cả mọi tiếng thị phi, đàm tiếu của mọi người, quyết bảo vệ mạng sống cho tôi. Một thân một mình, bà bỏ quê nhà đi đến thành phố Cuenca và tự kiếm sống. Đến ngày 10.10.1961, mẹ đã sinh ra tôi nơi xứ lạ. Mấy năm sau, mẹ mới đem tôi về quê (Loja) sinh sống. Lúc này, người đàn ông giàu có kia hứa chu cấp cho mẹ con tôi đầy đủ mọi sự trong cuộc sống.
Cha Leon kể tiếp: Ông ấy thường xuyên tới thăm 2 mẹ con chúng tôi. Và rồi sau đó, tôi lại có thêm được ba người em nữa. (Khi nhỏ, tôi không hề biết ông bố đó, đã có gia đình trước rồi). Mối liên hệ của tôi với người cha, tuy xa cách nhưng cũng vui vẻ lắm. Tôi kính trọng ông và ông dần dần tạo nên một sự uy quyền trên tôi, ông điều khiển cuộc sống của tôi và muốn tôi đi làm một nghề gì đó.
Lớn lên, khi được 18 tuổi tôi muốn đi tu và ước muốn đó trở thành hiện thực. Sau khi làm linh mục được 2 năm, thì mẹ tôi đã kể cho tôi biết về cuộc đời éo le của tôi (Nước ngoài thiếu ơn gọi, nên rất thoáng trong việc xét lý lịch trước khi đi tu). Và kể từ đó, mẹ tôi cắt đứt mối quan hệ với người đàn ông mà tôi gọi là ba. Nghe mẹ kể, ban đầu tôi hơi bị sốc và có vài xét đoán không tốt về người cha tội lỗi đó. Nhưng khi suy nghĩ mình là linh mục của lòng Chúa Thương Xót, tôi không thể không có lòng tha thứ đối với một tội nhân. Nhất là đối với người bố, đã sinh ra mình.
Nhiều năm sau, không liên lạc mãi đến khi “Bố già” do bịnh tim nặng, chuẩn bị lên ca mổ, với tâm trạng rất lo sợ nên ông gọi điện thoại cho tôi và nói rằng: “Nhờ con đến giải tội và ban phép lành cho bố, vì bố đã bỏ đọc kinh xem lễ hơn 30 năm rồi, bố sợ mất linh hồn lắm”. Tôi đồng ý và sáng hôm sau tôi đã đến giúp ông. Khi ban bí tích cuối cùng cho ông, bỗng dưng khóe mắt của ông tuôn ra những giọt nước mắt đầy hối hận; và cũng chất chứa nơi đó, một niềm vui khôn tả vì được ơn tha thứ. Câu chuyện kết thúc rất đẹp, tình thân gia đình được nối kết lại, người cha tội lỗi nhận được sự khoan dung tha thứ, một tâm hồn nguội lạnh lại được tái sinh trong ân nghĩa của Chúa. Tất cả mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp, nếu ta biết khiêm nhường thú nhận tội lỗi của mình để được sự khoan dung đến từ Thiên Chúa.
Ước gì, hình ảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa, luôn nhắc nhở ta hãy sống bằng một tinh thần chân thành và khiêm tốn. Nhìn nhận mọi lỗi lầm thiếu sót của mình, và sẵn sàng chịu gột rửa mọi tính mê tật xấu, để biến cuộc đời xem ra đen tối trở nên tốt đẹp hơn. Amen.