08/01/2025
125
Bài giảng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - NĂM C

Lời Chúa: Is 40,1-5.9-11; Tt 2,11-14;3,4-7; Lc 3,15-16.21-22

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay kể câu chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa, và khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thì tin mừng ghi lại đó là trời mở ra.

Việc các tầng trời mở ra cho chúng ta thấy điều gì?

Chúng ta biết khi ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội thì các tầng trời đóng lại, nhưng khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thì các tầng trời mở ra.

Hay sau này khi Chúa Giêsu tắt thở, thì tin mừng ghi lại: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa.” (Lc 23,44-45), để nói cho chúng ta thấy nhờ Chúa Giêsu mà con người được đến gần Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu mà con người được giao hòa với Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu chính là trung gian duy nhất giữa con người với Thiên Chúa.

Chính Chúa Giêsu sau này ngài cũng đã nói điều này: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.” (Ga 15,16).

Rồi nếu để ý trong những lời cầu nguyện của Giáo Hội luôn kết thúc bằng câu: “Chúng con cầu xin nhớ Đức Kito Chúa chúng con”, để cho thấy Chúa Giêsu là Đấng trung gian duy nhất của Chúa Cha.

Và vì Chúa là Đấng trung gian duy nhất nên chúng ta được mời gọi đến với Chúa, để xin Chúa cầu bàu cho chúng ta, và chắc chắn Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta.

Nếu mở rộng ra, đó là Chúa Giêsu là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nhưng không phải chỉ là những con người thuộc về Chúa, mà còn cho những con người không thuộc về Chúa, nếu nhân danh Chúa mà cầu xin thì Chúa cũng sẽ nhậm lời.

Nghĩa là họ chưa được rửa tội, chưa công khai tuyên xưng đức tin của mình, nhưng cách nào đó họ cũng tin vào Chúa, trong lệnh truyền truyền giáo, Chúa Giêsu có nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ." (Mc 15, 15-18).

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện mà tin mừng mà thánh Luca thuật lại đó là: Ông Gio-an lên tiếng nói: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy." Đức Giê-su bảo ông: "Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!" (Lc 9, 49-50). Như vậy, họ phải tin mới có thể nhân danh Chúa mà trừ quỷ.

Hay khi học giáo lý về bí tích rửa tội, chúng ta biết, thừa tác viên thông thường của bí tích rửa tội đó là những người có chức thánh, phó tế, linh mục giám mục, còn trong trường hợp nguy tử thì mọi người đều rửa tội thành sự với công thức ba ngôi: “Tôi rửa anh (chị) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, với nước tự nhiên, mọi người ở đây là ngay cả người lương dân, ngay cả người rối đạo, nhưng chúng ta biết khi họ rửa tội như vậy, với công thức ba ngôi như vậy, với nước tự nhiên như vậy, nghĩa là khi họ làm điều hội thánh làm thì một cách nào đó, chỉ trong khoảnh khắc đó họ đã tin vào Chúa, thì bí tích đó thành sự, còn sau đó đời sống của họ như thế nào thì chúng ta không cần để ý, và chúng ta cần hiểu việc bí tích thành sự không liên quan đến hành vi luân lý của thừa tác viên.

Nói như vậy, không phải để chúng ta lạm dụng bí tích, nhưng để chúng ta hiểu rằng tất cả mọi sự con người làm mà có hiệu quả là do ơn của Chúa ban, chứ không phải tự sức con người có thể làm được.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để biết chạy đến với Chúa Giêsu là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người của chúng ta, để Chúa Giêsu cầu bàu cùng Chúa Cha cho mỗi người chúng ta. Amen.



Lm. Thái Nguyên

Trời mở ra

Khi thấy Gioan làm phép rửa sám hối thì dân chúng thắc mắc và tự hỏi: Biết đâu ông này chẳng phải là Ðấng Mêsia mà toàn dân đang mong đợi? Gioan liền cho họ biết, ông chỉ là người làm phép rửa trong nước, còn Đấng quyền thế đến sau ông sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Lời giới thiệu của Gioan cho thấy thời đại cũ sắp qua đi, và thời đại mới đang tới, là thời đại của tình yêu và ân sủng.

Đức Giêsu đã đến và đã khai mạc sứ mạng rao giảng Tin Mừng trong sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đáng lẽ đây là một biến cố trọng đại, gây choáng ngợp thiên hạ bằng quyền năng và oai phong của một Đấng Cứu Thế. Nhưng sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa cho ta thấy một điều lạ thường và trái ngược: Ngài là Đấng phải đến làm phép rửa mà lại xin chịu phép rửa; Ngài là Đấng ban ơn sám hối mà lại tỏ lòng sám hối; là Đấng thánh của Thiên Chúa mà lại đứng chung với hàng tội nhân; là Đấng thanh sạch vô ngần mà lại chịu dìm mình xuống dòng sông thanh tẩy. Nhưng chính trong sự tự hạ này, mà ta thấy Con Thiên Chúa đã xuống tận vũng bùn lầy của tội lỗi để cứu vớt nhân loại, đưa con người trở lại vườn địa đàng.

Ý thức mình là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian, nên Đức Giêsu đã thể hiện trước tiên bằng thái độ liên đới với dân tộc mình: liên đới trong thân phận, trong tội lệ, trong sám hối và chờ mong ơn cứu độ. Tuy nhiên, quang cảnh Đức Giêsu chịu phép rửa cũng đã hé lộ một mầu nhiệm cao cả: Trước tiên là trời mở ra, vì từ khi Ađam- Eva phạm tội thì cửa thiên đàng đóng lại (St 3,23-24). Từ nay, nhờ Đức Giêsu, con người lại được sống thông hiệp với Thiên Chúa. Tiếp theo là Thánh Thần ngự xuống trên Ngài, cho thấy Đức Giêsu là con người mới, trong Ngài, nhân loại sẽ được tái tạo, được đổi mới. (Gl 6, 15). Lại có tiếng phán từ trời: “Con là Con của Cha…”. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Những ai tin và nhận phép rửa nhân danh Ngài thì được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.

Phép Rửa hôm nay chỉ là khúc đạo đầu của bản trường ca “Yêu thương”. Để rồi vì yêu thương, mà Ngài sẽ bị người đời liệt vào "Tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thế và phường tội lỗi" (Lc 7,34); bị người nhà coi là "kẻ mất trí"; bị xua đuổi ra khỏi thành; bị lên án như một tội nhân, và cuối cùng bị chết treo giữa những tên trộm cướp. Đến nỗi thánh Phaolô đã phải thốt lên: "Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã làm cho Người thành tội vì chúng ta".

Đức Giêsu gọi cuộc thương khó của Người là một "phép rửa": "Thầy còn một phép rửa phải chịu, lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất." (Lc 12,50). Thật ra, chẳng ai muốn đau khổ nếu được chọn cách khác. Đức Giêsu cũng vậy, Ngài xin Cha cất chén đắng đau thương, nhưng Ngài muốn chọn theo ý Cha để mở ra cho nhân loại một sự sống mới. Đau khổ sẽ là một phép mầu, khi nó là một phương tiện để biểu hiện tình yêu, minh chứng tình yêu, xóa tan những chia rẽ bất hòa. Chỉ có tình yêu mới làm cho con người trở nên vĩ đại, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Đức Giêsu đã dùng thập giá để cứu chuộc nhân loại. Không phải thập giá cứu chuộc mà Tình Yêu cứu chuộc.

Chúng ta cũng đã lãnh nhận phép Rửa nhờ phép rửa của Đức Giêsu trên thập giá. Cũng như Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi để mang tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người, nhất là những người cùng khổ, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị sa ngã. Cha Zundel cũng đã nói lên rằng: "Đừng để ai trong những người anh em của chúng ta có thể phàn nàn rằng, họ chẳng gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa nơi chúng ta". Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta cần có thái độ khiêm hạ và hòa mình vào đám đông dân chúng, để chia sẻ, nâng đỡ, đem lại an vui và hy vọng cho bao mảnh đời bất hạnh. Phép Rửa đầu đời của chúng ta chỉ được được hoàn thành trong phép Rửa cuối đời nơi thập giá Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta dám hiến mạng vì yêu như Ngài, để vinh danh Thiên Chúa và ích lợi phần rỗi cho tha nhân.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Phúc Âm ghi lại một biến cố lạ lùng,
một buổi sáng trên dòng sông Gio-đan,
trời mây thật lặng lẽ nắng nhẹ nhàng,
giữa đám đông nghe Gio-an rao giảng,
ai ngờ Chúa cũng có mặt xếp hàng,
chờ đợi tới phiên mình chịu phép rửa.

Như dân chúng, Chúa tỏ lòng sám hối,
chẳng khác nào như những người tội lỗi,
Ngài hạ mình làm con không hiểu nổi,
cũng chỉ vì gánh tội thế nhân thôi.

Thế rồi dấu lạ là cửa trời rộng mở,
Thần Khí tựa chim câu xuống trên Ngài,
tiếng Chúa Cha tuyên phán con chí ái,
cuộc tỏ mình Ba Ngôi cho nhân loại.

Lạy Cha là Thiên Chúa Đấng khôn cùng,
Đấng có mặt trong mọi nơi mọi lúc,
cuộc đời con quả thật là diễm phúc,
được làm con cái Cha qua phép Rửa,
đón nhận nguồn sống quá thâm sâu,

là chính Chúa Ba Ngôi rất nhiệm mầu.

Xin cho con mãi được làm con yêu dấu,
như chính Chúa Giê-su là gương mẫu,
dám hy sinh chấp nhận mọi thương đau,
để làm cho cuộc sống được tươi mầu,
cho Danh Cha lan rộng khắp hoàn cầu,
cho Nước Cha muôn đời sau hiển trị.

Lạy Cha là Thiên Chúa rất từ bi,
cho chúng con từ đây chẳng ngại gì,
dám ra khỏi thành trì của bản thân,
biết cho đi những gì mình lãnh nhận. Amen.