
Suy niệm Chúa Nhật XX Thường Niên
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Người đàn ông giết thịt một con bò lớn, đốt lửa nướng và nói với con gái của mình: “Con gái, hãy gọi người thân, bạn bè và hàng xóm đến ăn cùng... Chúng ta mở tiệc nào!”
Cô con gái anh ta bước ra đường và bắt đầu hét toáng lên: “Xin hãy giúp chúng tôi dập lửa tại nhà của cha tôi với!”
Một lúc sau, một nhóm nhỏ bước ra, những người còn lại làm như không nghe thấy tiếng kêu cứu.
Những người “được mời” ăn uống đến tận khuya.
Người cha sững sờ quay sang con gái và nói với cô bé: “Tại sao những người đến nhà mình, cha hầu như không biết họ, một số cha chưa từng gặp bao giờ, vậy người thân, bạn bè và hàng xóm của chúng ta ở đâu?”
Cô con gái nói: “Những người ra khỏi nhà của họ đến để giúp chúng ta dập lửa cho ngôi nhà mình, chứ không phải cho bữa tiệc đâu cha à! Đây là những người xứng đáng với sự rộng lượng và hiếu khách của chúng ta.”
Câu chuyện này cho chúng ta thấy được lòng người như thế nào, ai mới thật sự là bạn của ta trong cơn hoạn nạn. Khi đọc câu chuyện này này, tôi nhớ đến câu nói của giới trẻ ngày nay, để nói về lòng người: Còn tiền mua được cuộc chơi, hết tiền mua được cách chơi bạn bè.
Đó là cái nhìn bình thường, nhưng nếu nhìn sâu hơn chúng ta sẽ thấy được bài học khác nữa. Chúng ta biết, con người thường dựa vào của cải vật chất, những thứ mình sở hữu được, dựa vào những mối tương quan… để rồi họ coi đó là sự bảo đảm cho sự bình an, thế nhưng khi hoạn nạn, những thứ được cho là bảo đảm sự bình an không còn nữa, chỉ một phép thử nho nhỏ của cô con gái, thì những điểm tựa đó không còn nữa, không đủ để đem lại bình an cho con người.
Còn ngược lại, những điều mà nhiều khi chúng ta không quen biết với nó, nhiều khi chúng ta không để ý tới nó, nhiều khi đó là những điều khó nghe, nhưng đó lại là chỗ dựa vững chắc cho ta, để đem lại bình an cho ta. Chẳng hạn điều Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay, cũng là nói với mỗi người chúng ta: “Anh em tưởng Thầy đến ban bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là sự chia rẽ.”
Nghĩa là Chúa đến thế gian này không phải đem lại cho chúng ta những điều quen thuộc, nhưng đem lại cho chúng ta những điều chúng ta không biết, đó chính là bình an đích thực, hay nói như thánh Phaolo thì: “điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa dọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài” (1Cr 2,9).
Tại sao bình an đích thực là điều mà chúng ta không biết? Thưa vì nó không phải là điều có sẵn, nên chúng ta không biết, nhưng đó là điều có thật chứ không phải là ảo tưởng, quan trọng là chúng ta có muốn có được bình an đích thực đó hay không mà thôi.
Vậy để có được bình an đích thực chúng ta phải làm gì? Điều đầu tiên, chúng ta phải xác định bình an này có thật, chứ không phải là ảo tưởng, không phải là Chúa Giêsu đặt ra để dụ các môn đệ theo Người. Nếu dụ các môn đệ theo Người, thì Chúa Giêsu đâu có nói: “Anh em tưởng Thầy đến để đem lại bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ,” nếu chiêu dụ Chúa sẽ không nói thế. Và chúng ta thấy các môn đệ của Chúa đã có được sự bình an đích thực này, chẳng hạn như thánh Phêrô, trước kia ông đã chối Chúa, nhưng sau đó ông dám tuyên xưng Chúa trước mặt Thượng hội đồng Do thái: “Thà vâng lời Thiên Chúa, hơn là vâng lời người phàm.”
Điều kiện tiếp theo, khi đã xác định bình an đích thực này là điều có thật, thì chúng ta phải chiến đấu để có được nó.
Chúng ta thấy, chính Chúa Giêsu khi mang thân phận con người, Người cũng chiến đấu và chiến đấu đến cuối cuộc đời dương thế. Chúa chiến đấu với cơn cám dỗ, Chúa chiến đấu để lên án chống lại tính giả hình của những biệt phái, Chúa chiến đấu để kiện toàn lề luật, Chúa chiến đấu chống lại cơn cám dỗ của các môn đệ khi các ông ngăn cản Chúa chịu chết, Chúa chiến đấu với chính mình khi bước vào cuộc thương khó “Lạy Cha nếu được xin Cha cất chén này khỏi con, nhưng đừng theo ý Con, một theo ý Cha.”
Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng phải chiến đấu, nhưng chúng ta chiến đấu với ai? Thưa, đầu tiên là phải chiến đấu với chính những người thân trong gia đình của mình, vì Chúa nói: “Từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha, mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.” Kế đó là chiến đấu với dư luận, chiến đấu với chính bản thân mình.
Bên cạnh đó, để có thể chiến đấu thành công và đạt được chiến thắng cuối cùng, không phải chỉ có nỗ lực của bản thân là đủ, nhưng chúng ta phải biết cậy dựa vào ơn Chúa, vì Chúa đã nói “Không có Thầy anh em không thể làm gì được.”
Chính vì thế, chúng ta hãy cầu xin cho nhau để kiên trì trong cuộc chiến đấu này, và nhất là biết tận dụng thứ vũ khí mà Chúa gởi đến cho mỗi người chúng ta, đó là ân sủng. Được như thế, chắc chắn phần thắng sẽ về phía chúng ta và chúng ta sẽ có đựơc bình an đích thực trong Chúa. Amen.
Tâm tình đọc Tin Mừng Chúa Nhật XX Thường Niên C
Lm. Phêrô Trần Trọng Khương
Lc 12,49-53
ƯỚC MONG CỦA THẦY
Thầy đã đến trần gian và rao truyền đạo yêu thương của Thầy, ước mong của Thầy là mong sao đạo của Thầy được lan tỏa đến tận hang cùng ngõ hẻm trên khắp cõi địa cầu, đến mọi ngóc ngách trong tâm hồn mỗi người.
Thầy trao trọng trách này cho các Tông đồ, và kéo dài mãi cho đến hôm nay. Trách nhiệm lớn lao này không chỉ dành cho các Tông đồ, nhưng là của toàn Hội Thánh: Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân. Tất cả đều tập trung cho ước mong của Thầy đã truyền lại.
Là Kitô hữu ai cũng biết ước mong của Thầy, nhưng thật tình mà nói rất nhiều khi ước mong của con lại lớn hơn ước mong của Thầy, ước mong của bản thân mỗi người lấn át ước mong của Thầy.
Ước mong của con là: Nhà cao cửa rộng, tiền lương rủng rĩnh, nghề nghiệp ổn định, ăn nên làm ra, an nhàn khi về hưu dưỡng già… Rồi kế đến mới thực hiện ước mong của Thầy. Nhưng lúc này con đã già rồi, sức tàn lực kiệt, ý chí nghị lực giảm sút, mắt mờ, chân mỏi, thôi thì nợ Thầy một ước mong vậy.
Cuối cùng đâu lại hoàn đấy, ước mong của Thầy thực hiện, ước mong của con thực hiện và nhiều khi còn kêu xin Thầy trợ giúp cho ước mong của con. Và thế là, lửa mà Thầy đã ném vào mặt đất vẫn chỉ là đốm lửa nhỏ le lói chưa biết đến bao giờ mới được bùng lên cách dữ dội.
Và rồi ngày con lìa trần cũng là ngày con gặp được Thầy, Thầy hỏi con: Con thực hiện ước mong của Thầy đến đâu? Con ấp úng trả lời: Thưa Thầy con chưa thực hiện được, bởi vì con thực hiện ước mong của con hoàn thành thì con đã hết hơi hết sức, hết thời giờ, con đã luống tuổi không còn có thể thực hiện tiếp ước mong của Thầy, xin Thầy tha thứ bỏ qua cho con.
Nghe con nói thế, Thầy thinh lặng trầm ngâm giây lát, mắt Thầy nhìn về nơi xa xăm, giọng Thầy đượm buồn, Thầy nói: Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!
Và ước chi lửa ấy bùng cháy lên trong con cũng đủ làm Thầy vui lắm rồi.
GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
Chúa Nhật 20 Thường niên năm C-Lm Trầm Phúc
Lời Chúa: Lc 12,49-53
Chúa Giêsu nói Ngài đến ném lửa vào mặt đất và Ngài mong nó cháy bùng lên. Lửa của Chúa là thứ lửa nào? Có phải là thứ lửa mà chúng ta quen dùng hằng ngày để nấu nướng chăng? Đúng là thứ lửa đó, nhưng khi Chúa sử dụng nó, thì khác.
Trong Cựu Ước, Chúa dùng lửa để báo sự hiện diện của Ngài như ở bụi gai rực lửa mà không bị thiêu rụi trong sa mạc để truyền lệnh cho ông Môsê. Chúa dùng lửa để trừng phạt dân các thành Xôđôma và Gômôra. Chúa cho tiên tri Ê-li-a khiến lửa trên trời xuống đốt của lễ trước mặt các tư tế của Ba-an trên núi Cac-men…
Chúa Giêsu ném lửa của Ngài xuống trần gian có phải là thứ lửa đó không? Chắc hẳn là không. Lửa đó là một thứ lửa đốt cháy tâm hồn của Ngài khiến Ngài khắc khoải biết bao chịu phép rửa mà Ngài phải chịu. Lửa đó chính là ngọn lửa tình yêu phát xuất từ quả tim của Ngài. Ngài đến trong trần gian nầy là để hiến dâng mạng sống chứ không để tìm một nguồn lợi lộc nào khác. Đây phải chăng là cách nói ám chỉ cuộc tử nạn sắp đến của Ngài. Đức Hồng Y Fulton Sheen đã nói: “Chúa Giêsu đến trong trần gian nầy để chết”. Ngài lấy cái chết của Ngài đền lại cái chết của chúng ta. Chúa đã chết cho chúng ta được sống. Vì thế, con người Ngài chỉ căng thẳng vào cái ngày đau thương đó: “Lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc nầy hoàn tất!”
Còn chúng ta, lửa nào đang cháy bùng trong lòng chúng ta? Lửa giận hờn, ganh tị, thù ghét? Lửa đam mê của cải, lửa tham vọng, hưởng thụ? Hãy cầu xin Chúa cho chúng ta đủ can đảm dập tắt những thứ lửa làm tâm hồn chúng ta băng hoại. Xin Ngài nhen nhúm trong chúng ta ngọn lửa tình yêu của Thánh Thần, như đã đốt tâm hồn của các tông đồ xưa và ngay cả hôm nay, vẫn cháy bùng trong nhiều tâm hồn chỉ biết sống cho Chúa và khao khát đem nhiều linh hồn về với Chúa. Ước mong của Chúa Giêsu là như thế.
Nhưng sao Chúa lại nói rằng Ngài lại không mang hoà bình cho trái đất mà lại gây chia rẽ ngay cả trong gia đình? Ngài là Tình Yêu, Ngài chúc bình an cho các môn đệ sao Ngài lại gây chia rẽ? Có điều gì mâu thuẫn trong những lời Ngài nói? Chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống của Ngài, chúng ta sẽ hiểu.
Chính Ngài là yếu tố gây chia rẽ. Số người yêu thương Ngài chỉ là một nhóm nhỏ, quanh Ngài chỉ có chống đối. Chúng ta hãy xem thái độ của nhóm Pharisêu đối với Ngài như thế nào? Họ trở thành kẻ thù không đội trời chung của Ngài và sau cùng, họ đã thành công khi đóng đinh Ngài vào thập giá. Đám đông đi theo Ngài chỉ là một rào chắn mong manh chung quanh Ngài và sau cùng cũng giơ tay đòi đóng đinh Ngài. Đúng thế, Ngài đến trong thế gian nầy chỉ gây chia rẽ mà thôi. Tại sao?
Vì Ngài đến để phá đổ vương quốc của Xatan, vương quốc của thần dữ đang rảo quanh tìm mồi cắn xé. Từ ban đầu, nó đã gây chia rẽ giữa Ađam và Eva, đã cướp mất hạnh phúc của tổ tiên chúng ta và gieo rắc mầm chia rẽ trong toàn thế giới. Ngày nay, thế giới chúng ta đang sống đang tan rữa trong hận thù, chiến tranh, trong chia rẽ sâu xa vì sắc tộc, ngôn ngữ, quyền lợi… Ma quỷ đã khống chế một phần lớn nhân loại. Giáo Hội cũng không thoát khỏi bàn tay nhám nhúa của thần dữ. Gia đình chúng ta cũng thế. Chia rẽ vẫn là bầu không khí chúng ta đang thở. Ngay cả trong bản thân chúng ta cũng bị xé đôi như thánh Phaolô đã nói: “Trong người tôi có hai khuynh hướng: tôi thích những điều thiện, nhưng tôi lại làm những điều xấu”.
Nhưng chúng ta không thể đầu hàng trước những khó khăn. Chúng ta phải là những chứng nhân cho tình yêu, dù phải trăm chiều thử thách. Chúa Giêsu vẫn luôn chọn con đường khó khăn để tiêu diệt mọi chia rẽ, sản phẩm của thần dữ. Ngài dám hy sinh đến cùng để thiết lập vương quốc của tình yêu. Chúng ta hãy bước theo Ngài trên con đường thập giá vì “ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thập giá và theo Ta”.
Trên con đường gian khó của tình yêu, chúng ta không cô đơn. Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta. Ngài dám trở thành một tấm bánh để chúng ta nuốt vào trong con người chúng ta, lao nhọc hy sinh với chúng ta. Hãy đến với Ngài, ăn lấy Ngài để cùng với Ngài, chiến đấu cho nước Tình Yêu Ngài. Con đường còn rất dài và đầy gian khổ, nhưng có Chúa, chúng ta sẽ đủ sức để không lùi bước. “Hãy mang lấy vũ khí của ánh sáng” vì chúng ta là con của Đấng là Ánh Sáng, là Tình Yêu.