23/04/2024
16313
Bài giảng Chúa Nhật V Phục Sinh - Giáo phận Mỹ Tho











 







GỢI Ý SUY NIỆM

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8


Lm Trầm Phúc

Những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bữa Tiệc ly là niềm vui khôn tả đối với chúng ta, nhất là trang nói về cây nho và cành nho. Thấy là cây nho, anh em là cành. Ngài muốn nói gì? Chúng ta phải sống với Nggài, Ngài là gốc nho, chúng ta là cành. Cành phải liền với gốc mới có thể sống được. Cành sống bằng nhựa sống do gốc nho mà thôi. Lìa gốc, cành sẽ kho héo. Chúa Giêsu muốn nói rằng chúng ta phải sống cùng một sự sống với Ngài, chúng ta mới có sự sống.

Chúng ta chỉ mới biết trồng nho ở một vài vùng, nhưng trái cũng không tốt bằng những quả trồng từ những xứ khác. Chúng ta không rành những đặc điểm của cây nho và cách chăm sóc cho nó có trái. Xứ Phalêtinh là xứ trồng nho, vì thế Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho để nói đến mối liên hệ mật thiết giữa Ngài với môn đệ.

Trồng nho là cả một nghệ thuật. Người trồng nho biết tỉa cây nho như thế nào cho nó có trái nhiều. Khi mùa đông đến, người trồng nho tỉa cây nho. Cành nào đủ sức, người tỉa nho sẽ cắt và chỉ để lại một hay hai khúc nhánh mà thôi. Sau khi tỉa cành rồi cây nho chỉ còn gốc và cành mà không còn lá. Vài ba ngày sau, cây nho sẽ đâm tược và mỗi tược đều có bông và sẽ dậu trái. Chúa Cha là người trồng nho. Chúa Giêsu là cây nho mà chúng ta là nhánh nho. Nếu chúng ta là những nhánh tốt, Ngài cắt tỉa chúng ta bằng những phương pháp của Ngài, và bằng lời của Chúa Giêsu, để chúng ta sinh nhiều trái.

Với dụ ngôn cây nho, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy mối liên hệ sâu xa giữa Ngài với chúng ta. Chúng ta chỉ là nhánh nho mà thôi. Nhánh cần phải gắn liền với thân nho mới có thể sống và sinh trái được. Không có Thầy anh em sẽ không làm được gì. Đò là điều hiển nhiên. Người ta có thể phát minh ra nhiều thứ máy móc, nhiều phương tiện vật chất, nhưng người ta không thể nào sinh kết quả thiêng liêng được. Điều quan trọng là kết quả thiêng liêng. Đó mới là những gì tồn tại. Mọi sự sẽ qua đi, thế giới vật chất sẽ không còn, chỉ tồn tại những hy sinh, những việc lành, và trên hết chỉ có tình yêu chân thật mới tồn tại vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở trong Chúa mới tồn tại.

Chúng ta chỉ là nhánh nho. Chúng ta phải gắn liền với Chúa Giêsu là gốc nho, chúng ta mới có sự sống. Chúng ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà bằng chính sự sống của Chúa. Đây là hồng ân tuyệt diệu mà nhiều người không để ý. Chúng ta là gì mà được sống với Chúa?

Chúa muốn sống với chúng ta. Chúa Cha đã muốn Con của Ngài xuống thế, mặc lấy thân phận chúng ta để nâng cao chúng ta thành con Chúa. Có danh dự nào hơn không?

Chúa muốn chúng ta sinh hoa trái. Hoa trái của chúng ta là gì? Là Tình Yêu. Chúa Giêsu chỉ để lại cho chúng ta một điều răn duy nhất là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy thương anh em”. Muốn sinh hoa trái như Chúa mong muốn, chúng ta phải gắn bó với Ngài như cành với gốc. Hình ảnh cây nho nói lên sự hiệp nhất đó. Hãy sống với Chúa 24 trên 24. Tình Yêu là như thế: cùng ăn cùng ngủ cùng làm. Để thực hiện điều đó, chính Chúa Giêsu đã đi trước chúng ta. Ngài trở thành bánh cho chúng ta ăn. Nhờ đó, chúng ta trở nên một xương một thịt với Ngài. Còn vinh dự nào sánh bằng? Chỉ khi nào chúng ta sống với Chúa như một, chúng ta mới sinh hao trái như Ngài mong muốn.




Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Liên kết

Với đoạn Phúc âm thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nhắc đi, nhắc lại về hình ảnh của một thân cây nho. “Thầy là cây nho, còn anh em là cành(Ga 15,1.5). Vậy, trước hết, ta tìm hiểu xem coi “cây nho” có cái gì đặc biệt, mà Chúa Giêsu giới thiệu một cách khá chi tiết: Chúa Giêsu là cây nho, Chúa Cha là Người trồng nho và mỗi người chúng ta là những cành nho?

Khi nói đến “cây nho”, ta biết hình dáng bên ngoài của chúng rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Chẳn hạn như là nho đỏ, nho xanh, nho chuỗi ngọc, nho ngón tay và nho rừng...v.v... Còn phẩm chất bên trong, chúng là một loại trái cây chứa nhiều vitamin bổ dưỡng và được bày bán thịnh hành ở các siêu thị khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, loại nho “hót” nhất hiện nay là “nho thân gỗ”. Anh chị em có nghe nói đến “nho thân gỗ” bao giờ chưa?

Khá là lạ, đúng không! “Lạ” là bởi vì từ trước tới nay, hễ nói đến cây nho là ta nghĩ nó là một loài dây leo, giống như dây bầu, dây mướp hay dây khổ hoa, chứ chưa bao giờ ta nghĩ đến một loại cây nho, có dạng thân cây, táng rộng giống như cây sung hay cây sộp. Vậy mà, hiện nay, có loại nho như thế, mới hay chứ!

Khi nói đến đây, ta cũng nên biết sơ qua loại cây nho đặc biệt này: Nó có nguồn gốc từ Braxin, với cái tên khoa học là Ja-bu-ti-ca-ba, được trồng phổ biến ở các nước Châu Mỹ, rồi được du nhập sang Châu Á. Loại nho này trái mọc nhiều và đầy sát phần thân, và nhánh cây trông rất đẹp, trái của nó màu đen bóng, hương vị rất thơm ngon. Khâu chăm sóc cây nho này cũng giống như các loại nho khác: Người trồng phải thường xuyên tỉa cành, để giúp chúng ra nhiều nhánh hơn. Nho càng có nhiều nhánh, thì trái sẽ càng đạt được năng suất cao. Cho nên, việc “cắt tỉa” những cành khô, cành bịnh, những nhánh quá sung sức, rất cần thiết. Bởi vì như thế, cây mới đủ dưỡng chất, nuôi những cành khỏe mạnh, mang lại nhiều hoa trái hơn. Đúng như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng: Thầy là cây nho, anh em là cành. Cành nào ở trong Thầy mà không sinh hoa trái, thì sẽ bị chặt đi. Còn cành nào sinh hoa trái, thì sẽ được cắt tỉa cho sạch để nó được sai trái hơn.” (Ga 15,2).

Thưa anh chị em,

Qua hình ảnh “cành nho gắn liền với thân nho”, Chúa Giêsu muốn các môn đệ liên kết với Thầy bằng một mối tình sâu đậm, một liên kết cần thiết không được tách rời. Nếu người môn đệ nào muốn tách rời, muốn lìa bỏ Thầy, thì sẽ dễ dàng bị hư mất.

Chẳng hạn như ta thấy Thánh Phêrô: Trong lúc Thầy Giêsu bị quân dữ bắt lấy và mang đi đóng đinh vào Thập giá, thì Phêrô sợ bị liên lụy đến tính mạng, nên mạnh miệng chối Thầy đến ba lần rằng: “Tôi chẳng biết ông Giêsu là ai cả!” (Mt 26,70.72.74).

“Lời nói dối” của Phêrô, có thể đánh lừa được người này người nọ, nhưng không thể lừa dối được lương tâm của mình. Cho nên, ngay sau đó, ta thấy Phêrô cảm thấy “hối hận” khi nghe “tiếng gà gáy”, như nhắc lại lời Chúa nói rằng: “Gà chưa kịp gáy, thì con đã chôi Thầy ba lần” (Mc 14,30). Thật sự Phêrô cảm thấy rất “hối hận”, với những giọt nước mắt và tâm trạng đau buồn, khi nhận ra ánh mắt “xót thương” của Thầy, đang tỏ lòng tha thứ. Cho nên, Phêrô quyết tâm “kết nối lại” với Thầy, chấp nhận cùng chết với Thầy, để được Phục sinh vinh hiển bên Thầy trên nước thiên đàng.

Còn nhân vật thứ hai là ông Giuđa: Giuđa tưởng rằng với nụ hôn ám hiệu, để bán Thầy lấy tiền, chắc là chẳng có ai biết, để rồi, tiếp tục ước mơ một cuộc sống sung sướng “an vị”, với 30 đồng tiền bán đứng Thầy Giêsu. Tuy nhiên, “lương tâm” đã không cho phép tâm hồn của Giuđa được “bình an”, mà khiến cho Giuđa phải trả một cái giá vô cùng “tồi tệ”, bằng việc tự kết liễu đời mình, thắt cổ tự tử. Thật đau buồn! Đúng như lời Phúc âm diễn tả: “Cành nho nào tách khỏi thân cây nho, cành đó sẽ bị khô héo.” (Ga 15,6).

Qua hình ảnh của Phêrô và Giuđa, người Công giáo chúng ta biết phải làm gì rồi. Chắc chắn là: muốn “kết hiệp” với Chúa Giêsu, để niềm tin của ta trở nên mạnh mẽ và sinh hoa kết trái tốt đẹp như Lời Chúa hứa: "Ai ở trong Thầy, thì Thầy ở trong người ấy và người ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì.” (Ga 15,5). 

Để có nhiều hoa trái tốt lành, giống như cây nho, ta nên chịu cắt tỉa: bỏ đi những “tính nết ganh tỵ đáng ghét”; chặt đi “sự ích kỷ dị hợm” của mình, và thậm chí loại bỏ những điều “tội lỗi xấu xa”, để mỗi ngày, ta trở nên thánh thiện hơn, như Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện.

Để có những hoa trái “thánh thiện”, không nhất thiết là ta phải làm những chuyện to tát lớn lao, mà chỉ cần ta làm những việc đơn giản, với lòng yêu mến Chúa và vì phần rỗi các linh hồn, như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã làm. Theo cuốn tự thuật: “Chuyện Một Tâm Hồn”, của Thánh Têrêsa kể lại rằng: Từ chuyện đi ngang về tắt, chui qua bụng ngựa, đến chuyện nhìn mãi không chán ống kính vạn hoa. Từ chuyện nhìn lên trời buổi tối, bỗng thấy những ngôi sao kết thành tên của mình, đến chuyện nhìn xuống đất, lượm một cọng rác... Tất cả thật đơn giản, nhưng lúc nào, những việc đơn giản đó, cũng kèm theo một lời nguyện tắt rằng: “Con làm việc này, xin Chúa cứu một linh hồn.” Phải nói rằng: Thánh nữ Têrêsa khá thông minh, làm một việc nhỏ cứu được một linh hồn, vậy trong 24 năm cuộc đời, thánh nữ đã xin Chúa cứu được “biết bao nhiêu” linh hồn được lên thiên đàng. Như vậy có thể nói, con đường nên thánh của Têrêsa khá đơn giản: “làm công việc bình thương, bằng một tình yêu vĩ đại, phi thường.   

Ước gì với công việc hằng ngày, ta cũng biết kết hợp với Chúa một cách mật thiết, như cành nho gắn liền với cây nho, để Chúa thánh hóa công việc ta làm và ban kết quả tốt đẹp như lòng Chúa mong muốn. Amen.




Lm. Thái Nguyên

NHƯ CÀNH LIỀN CÂY

Với Chúa Nhật 4 Phục Sinh, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào mối tương quan thân thương với Ngài như là mục tử với đoàn chiên. Chúa Nhật 5 Phục Sinh này, Chúa mời gọi chúng ta đi vào một mối tương quan sâu đậm hơn nữa với Ngài qua hình ảnh cây nho và cành nho.

Cây nho là biểu tượng bình an và thịnh vượng của dân Do Thái. Có lẽ vì thế mà hình ảnh cây nho đã được khắc trên đồng tiền Do Thái dưới thời Maccabê, thế kỷ II trước Công nguyên. Theo sử gia Josephus, vua Hêrôđê còn trang trọng gắn trên cửa Đền thờ một cây nho bằng vàng.

Trong Kinh Thánh, cây nho cũng từng được nhắc đến với tần xuất khá cao, để khắc họa dân tộc Israel, mà Thiên Chúa đã từng yêu thương giải thoát khỏi kiếp đọa đầy nô lệ ở Ai Cập: “Gốc nho này Chúa bứng từ Ai Cập, đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng. Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu mà lan rộng khắp nơi.” (Tv 80, 9-10).

Isaia sáng tác một bài dân ca mừng vườn nho xinh tươi của người bạn (5, 1-2) để ám chỉ tình thương của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Còn Giêrêmia nói đến việc Thiên Chúa chăn sóc Israel như một khu vườn nho gia bảo; ai ngờ đâu Israel lại đền đáp lại bằng thái độ bất trung, bất nghĩa, khiến Thiên Chúa phải buồn trách: “Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hóa thành những cây nho tạp chủng?” (Gr 2,21). Dù sự việc tệ hại đã xảy ra, nhưng tác giả Thánh Vịnh vẫn xướng lên một bài ca với niềm hy vọng: “Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vươn trồng” (Tv. 80, 15-16).

Hôm nay, Đức Giêsu đã đến, Ngài xóa đi hình ảnh cây nho đã bị thoái hóa, lai tạo, và long trọng tuyên bố: “Tha là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho…, anh em là cành”. Như cành nho được thông phần sự sống khi gắn liền với thân nho, người tín hữu cũng nhờ gắn bó với Đức Kitô mà được thông dự vào sự sống của chính Thiên Chúa. Vì thế, “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Lời mời gọi lặp lại nhiều lần gần như nài van, nhưng làm thế nào để chúng ta có thể thực hiện sự kết hợp thâm sâu này với Chúa?

Đức Giêsu cho chúng ta biết cách kết hợp với Ngài là để cho “Lời Thầy ở lại trong anh em”. Thực tế là chúng ta đang được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng việc tuân giữ giới răn và huấn lệnh của Ngài. Nhưng bản thân ta không phải lúc nào cũng có thể tiếp nhận dồi dào sự sống của Đức Kitô. Vì phận người hèn yếu, mà ma quỉ lại không ngừng gieo rắc những xấu xa trong tâm tưởng, là những con sâu đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn. Những con sâu của sự ích kỷ, kiêu căng, lười biếng, ghen ghét, hận thù… Cần nhận ra tình trạng của mình và tìm cách tẩy sạch những mầm bệnh đang khống chế bản thân.

Có thể cành lá không bị sâu xia mà lại mọc ra rất um tùm. Xem ra cây rất xanh tươi, nhưng Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái”. Vì thế, cây nào không sinh hoa trái thì Người chặt đi.  Nhưng muốn cây có hoa trái, thì phải để cho Người cắt tỉa lá cành. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào việc sinh hoa kết trái. Cành đã sinh trái, nhưng cũng cần phải cắt tỉa để sinh trái nhiều hơn. Cắt tỉa như vậy làm ta nhức nhối và đau đớn. Nhưng chỉ có như vậy, ta mới loại bỏ được những tệ hại đang xâm chiếm các năng lực, để đón nhận nhựa sống tràn đầy của Đức Giêsu.

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau và cái chết để đem lại hoa quả là ơn cứu độ cho con người. Chúng ta cần để Chúa Cha cắt tỉa những kiểu sống hình thức bên ngoài, những um tùm của lòng tự ái, của bệnh sĩ diện, bệnh thành tích, tính phô trương và háo danh... Chúa để ta gặp những thống khổ như một cách thanh luyện. Nhận ra như thế để ta không lo sợ và buồn sầu, trái lại, càng bám sát lấy Chúa bằng chìm sâu trong cầu nguyện, và tận dụng mọi cơ hội để cải hóa bản thân.

Vinh quang của Thiên Chúa là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Thất bại của Thiên Chúa là sự cằn cỗi của chúng ta. Không hề có sự xung đột giữa vinh quang Thiên Chúa và sự sống phong phú của con người. Bất cứ kết quả phong phú nào trong đời sống hay việc truyền giáo đều hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ chúng ta được liên kết với Đức Giêsu.

Chỉ trong Chúa, đời ta mới triển nở dồi dào. Một sự độc lập khờ khạo sẽ dẫn đến héo khô và tàn úa. Bất cứ sự toan tính nào nhằm đạt tới kết quả mà không cần tới sự hiệp thông với Chúa đều là một thất bại, “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Có những cành nho ra đầy hoa trái,
nhờ sức sống của thân cây mang lại,
muốn thế cành phải gắn chặt với cây,
để đón nhận dòng nhựa sống tràn đầy.

Cuộc đời con cũng phải y như vậy,
luôn ở lại trong Chúa mỗi phút giây,
tiếp nhận sự sống Chúa hằng tuôn chảy,
hầu sinh hoa và kết trái mỗi ngày.

Nhưng ở lại trong Chúa không phải dễ,
vì đời con luôn có những đam mê,
Bản thân con hay lỗi ước quên thề,
và những lời Chúa dạy dễ bỏ bê.

Nhưng con biết khi mình xa rời Chúa,
là đời con sẽ héo úa khô cằn,
chẳng còn mong tươi tốt và triển nở,
và mọi cái sẽ dang dở không thành.

Xin cho con luôn bám chặt vào Chúa,
dù nhiều khi bị cắt tỉa đau thương,
bởi đời con có những thứ tầm thường,
vẫn đeo bám làm tiêu hao năng lượng,
những vấn vương như cành lá rườm rà,
khiến đời con không sinh hoa kết quả.

Chúa vẫn mong có từng mùa thu lợi,
nhiều hoa trái con cống hiến cho đời,
xin cho con hằng ở lại trong Chúa,
hầu đón nhận dòng nhựa nguyên tươi mới,
là sự sống Phục Sinh vẫn rạng ngời,
để lan tỏa an bình đến mọi nơi. Amen.



Tôma Lê Duy Khang

Trước Công đồng Vatican II, khi nói đến cơ cấu tổ chức của Hội thánh, người ta thường nghĩ đến hình ảnh một kim tự tháp. Hình ảnh này đưa đến một quan niệm không đúng về nhiệm vụ của mỗi thành phần, nhất là giáo dân, bị coi là thấp kém, chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời cấp trên.

Nhưng từ Công đồng Vatican II, hình ảnh trên đã được thay thế bằng hình ảnh có một tâm điểm là Đức Giêsu, từ tâm điểm này có nhiều vòng tròn đồng tâm: một vòng là các giáo sĩ, gồm các giám mục có Đức Giáo Hoàng đứng đầu, và các cộng sự viên là linh mục và phó tế; vòng khác là các tu sĩ; và vòng rộng lớn hơn là giáo dân. Hình ảnh này cho thấy mọi thành phần đều liên đới với nhau và tất cả đều qui hướng về trọng tâm là Chúa Giêsu.

Một hình ảnh khác sâu sắc hơn, thánh Phaolô đã nói tới và nay được chú ý, đó là hình ảnh một thân thể, có Chúa Giêsu là đầu, mọi người Kitô hữu, dù là giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ… đều là các chi thể của thân thể. Mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng, không ai thay thế được. Hình ảnh này diễn tả rõ hơn và đúng hơn mối hiệp thông giữa các thành phần với nhau và với Chúa Giêsu; và cũng cho thấy rằng tất cả đều cùng có trách nhiệm thi hành sứ vụ mà Chúa Giêsu trao phó để xây dựng sự hiệp thông trong Hội thánh.

Chúng ta biết những gì mà Giáo hội thực hiện đều có nguồn gốc từ kinh thánh, cụ thể là trong trang Tin Mừng hôm nay, nó đã được Chúa Giêsu nói đến cách đây hơn 2000 năm. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói về sự liên kết và sự hỗ tương giữa Chúa Giêsu với chúng ta, và giữa chúng ta với nhau.

Chúng ta thấy, cũng giống như bóng đèn điện: có bao giờ một bóng đèn bị cắt đứt với dòng điện hay bị cúp điện mà còn sáng không? Hay một nhánh sông cắt đứt với con sông cái mà còn nước không? Hay một cành cây cắt đứt lìa thân cây mà còn sống không? Có lẽ nó có thể sống một vài ngày tạm bợ rồi sẽ chết khô. Cũng thế, một khi chúng ta xa lìa Chúa, tâm hồn chúng ta cũng sẽ chết khô. Bên ngoài chúng ta có thể là thành công trên phạm vi danh vọng, tiền tài, được ca tụng, kính nể… nhưng trước mặt Chúa, chúng ta là kẻ chết và chết khô. Vậy chúng ta có thể kết hợp với Chúa Giêsu cách nào? Bằng những phương thế rất quen thuộc và cụ thể là cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể.

Tôi có đọc được một bài viết với tựa đề: Tại sao người công giáo chúng ta phải đi lễ Chúa nhật như thế này:

Một độc giả viết thư cho chủ bút của một tờ nhật báo và phàn nàn rằng: “Thật là vô nghĩa khi tôi phải đi lễ vào mỗi ngày Chúa Nhật. Tôi đã đi lễ hơn 30 năm nay, và tôi được nghe khoảng 3 ngàn bài giảng. Tuy nhiên, tôi chẳng nhớ lấy một bài giảng nào hết. Vì thế, tôi nghĩ rằng mình đã phí thì giờ để đến nghe giảng, và các Linh mục đã phí thì giờ vì phải soạn bài giảng!”

Thế là lời phàn nàn của ông trở thành đề tài nóng bỏng cho mọi người. Rất nhiều người viết thư về toà báo để tranh luận. Việc tranh cãi này kéo dài đến hàng tuần, cho đến khi có một người viết thư để trả lời cho người phàn nàn kia rằng: “Tôi đã làm đám cưới trên 30 năm nay. Cho đến bây giờ, vợ tôi đã nấu ăn đến trên 32 ngàn bữa cơm cho gia đình tôi. Trong đời sống, tôi không thể nhớ hết các thực đơn mà vợ tôi đã làm, nhưng tôi biết chắc một điều là: Các món ăn ấy đã nuôi dưỡng và cho tôi sức mạnh cần thiết để làm việc. Nếu tôi không được ăn thì tôi đã chết về phần xác từ lâu rồi. Tương tự như vậy, nếu tôi không đi dự Thánh lễ hàng ngày và hàng tuần để nghe Lời Chúa và Chịu Mình và Máu Thánh Chúa thì đời sống tâm linh của tôi cũng đói khát. Cuối cùng, linh hồn tôi sẽ tàn héo và chết đi!”

Đó là bài học về phía giữa Chúa với chúng ta, tức là giữa thân nho và cành nho. Còn giữa chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho thì sao? Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau, cần kết hiệp với nhau trên đường lữ hành, vì“một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Chúng ta biết, nước Do thái có câu chuyện giữa biển sống và biển chết, biển chết nằm ở vị trí thấp, nó tiếp nhận nguồn nước từ sông Giodan mà không thông chuyển đi đi được, còn biển sống là biển hồ Galile, nó tiếp nhận nguồn nước từ sông Gioadan rồi chuyển đi cho các sông rạch khác, nước nó chảy đến đâu thì sinh ra nhiều tôm cá, cây trái đến đó.

Chúng ta sống với nhau trong một cộng đoàn, một gia đình, cũng được ví như thế, được so sánh như một cây nho, cũng ví như biển sống và biển chết. Chúng ta tiếp nhận được sự sống của Chúa, chúng ta phải chuyển thông cho nhau để tất cả cùng sống và sống tốt đẹp.

Để kết thúc, xin mượn lời của một thi sĩ nói về cây Trầm Hương, luôn tỏ hương để mỗi người chúng ta cùng cầu nguyện “có những người cho đi với niềm vui, thì niềm vui chính là phần thưởng. Và có những người cho đi với hy sinh, thì hy sinh chính là phép rửa. Lại có những người cho đi mà không cần để ý tới hy sinh hay tìm niềm vui, mà cũng chẳng cho đi vì nhân đức. Họ cho đi vì trong thung lũng, cây trầm hương đang thở hương vào không gian diệu vợi. Qua bàn tay của những người như thế, Thiên Chúa đang tiếp tục vỗ về. Và từ sau khóe mắt họ, Người mỉm cười trên mặt đất”.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết đón nhận và cho đi để nụ cười của Thiên Chúa luôn hiển dung trên gương mặt và cuộc đời của chúng ta. Amen.