27/03/2024
1001
Bài giảng Chúa Nhật Phục Sinh - Giáo phận Mỹ Tho











 







GỢI Ý SUY NIỆM

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9


Lễ Vọng Phục Sinh


Lm Trầm Phúc

Không lạ gì mà sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, các bà đã vội vàng ra đi đến mộ Chúa Giêsu, vì chiều ngày hôm thứ sáu, người ta đã ướp xác Thầy và vội vàng chôn gấp vì ngày sabat gần đến. Các bà muốn bổ túc những gì cần phải lo cho Thầy.

Nhưng khi đến mộ thì mọi sự không như các bà muốn. Mọi sự đều khác. Khi trên đường đi, các bà đã lo không biết làm sao đẩy hòn đá cửa mộ, Khi đến nơi, cửa mộ đã mở toang. Nhìn vào trong mộ, các bà nhìn thấy một chàng thanh niên, mặc áo trắng, ngồi bên phải. Các bà hoảng loạn vì không thể tưởng tượng rằng có ai đó ngồi trong mộ. Người thanh niên lên tiếng nói và bảo: “Các bà đừng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadaret, Đấng chịu đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi!” Đây là lời loan báo phục sinh của Chúa, không do một người nào mà do một người cõi trên. Đây phải chăng là một mầu nhiệm, không thấy mà tin?

Người thanh niên lạ lùng kia còn cho các bà những mệnh lệnh khác nữa:         “Xin các bà về nói với các môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ thấy Người như Người đã nói với các ông”.

Chúa Giêsu có thể cho mọi người biết việc Ngài sống lại, Ngài có thể hiện ra oai hùng giữa Giêrusalem, nhưng không, Ngài làm như chỉ cần cho vài môn đệ biết mà thôi, vì đây không là một việc cần quảng cáo, mà là một mầu nhiệm đức tin.

Chúng ta có tin không? Niềm tin của chúng ta được thể hiện như thế nào? Bằng cả cuộc sống hay chỉ những lúc nào chúng ta đến nhà thờ hay lúc đọc kinh? Chúa sống lại là để ban cho chúng ta sự sống của Ngài, vì thế, chúng ta phải gắn bó với Ngài, sống với Ngài, cho Ngài. Tình yêu phải đáp lại tình yêu. Chúa chết và sống lại là cho chúng ta, để chứng tỏ Ngài yêu chúng ta đến thế nào, vì thế, chúng ta phải đền đáp bằng cả cuộc sống của chúng ta. Hơn nữa, Chúa ban cho chúng ta một hồng ân tuyệt hảo là ăn lấy Chúa. Ăn lấy Chúa để làm gì? Để thành một với Ngài, để sống với Ngài, vì Ngài là Đấng Hằng Sống. Ngài sống lại để mang lại cho chúng ta những gì chúng ta đã mất. Như thế Ngài trở nên nguồn hạnh phúc bất diệt cho chúng ta.

Hãy tạ ơn và mãi mãi tạ ơn vì chúng ta không thể nào tạ ơn cho đủ vì hằng ngày, chúng ta vẫn tiếp tục lãnh nhận mọi sự từ nơi Chúa. Dù chúng ta không thể đền đáp cân xứng hồng ân của Chúa, Chúa vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta, vì Chúa là Tình Yêu. Không có gì có thể ngăn cản tình yêu của Chúa.


LỄ PHỤC SINH

Lời Chúa : Ga 20,1-9

Chúa đã sống lại, Alleluia! Hết rồi những ngày thống khổ điều linh, những ngày u buồn nước mắt. Chúa đã sống lại rồi! Nhưng đối với bà Maria Macđala thì không vui lắm vì bà đã đến mộ Chúa sớm khi trời còn nhá nhem tối. Bà thấy tảng đá lấp cửa mồ đã lăn ra khỏi mồ.  Bà liền chạy về báo tin cho Phêrô và môn đệ Chúa Giêsu yêu mến: Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

Chắc Phêrô cũng hoảng hốt và nhanh chân chạy ra mộ cùng với Gioan. Các ông đã thấy gì? Chỉ còn những khăn liệm vẫn để ở đó. Nhưng với Gioan, bao nhiêu đó đủ để ông tin. Nếu có ai đó ăn cắp xác thì không ai lại để khăn liệm lại.

Gioan là người đầu tiên đã tuyên xưng đức tin vào sự sống lại. Đức tin của chúng ta tuỳ thuộc vào lời chứng của các tông đồ. Chúng ta không đi qua giai đoạn hồ nghi, sợ sệt. Đức tin của chúng ta nhờ đó mà vững chăc hơn. Nhưng có thật như thế không?

Chúng ta tin vào một Thiên Chúa nhập thể, sống cuộc sống con người như chúng ta, chết và sống lại cho chúng ta. Chúng ta sẽ cùng sống lại với Ngài qua phép rửa tội, và được nuôi dưỡng bằng chính thịt máu của Thiên Chúa. Chúng ta được yêu thương đến tột cùng. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể yêu thương chúng ta đến tận cùng như thế. Vậy hãy sống cho Chúa những ngày sống cục nhọc của chúng ta hôm nay. Hãy là bằng chứng cụ thể cho Chúa bằng cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đó là đièu Gíao Hội mong chờ nơi mỗi người chúng ta. Chúng ta là nhân chứng của Chúa như Chúa đã nói. Đừng để cho bằng chứng của chúng ta trở thành mờ nhạt. Hãy sống như thánh Phaolo đã nói: “Anh em đã được trỗi dậy với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kytô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”. Đó là nguồn hạnh phúc bất diệt của chúng ta. Chỉ có những kẻ tin mới nghiệm thấy được nguồn hạnh phúc này.



Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Bài 1: 

NGÔI MỘ TRỐNG

Tại một nghĩa trang bên Đức, có mội ngôi mộ “độc lạ”, được rất nhiều người chú ý tới. Đó là ngôi mộ của một người đàn bà giàu có. Bà là người vô thần, không tin có sự sống lại ở đời sau, cho nên trước khi chết, bà ghi trong tờ di chúc là: khi bà qua đời, con cháu xây cho bà một ngôi mộ thật kiên cố, để khi người chết có sống lại, thì bà vẫn nằm yên trong mộ. Và trên mộ, bà xin được khắc dòng chữ: “Đây là ngôi mộ sẽ không bao giờ mở ra”.

Thời gian trôi qua, ngôi mộ của bà xem ra vẫn kiên cố. Thế nhưng một hôm có một hạt giống rơi vào khe đá của ngôi mộ, gặp đất ẩm bên dưới, nó bắt đầu nẩy mầm, rồi lớn lên thành cây, rễ của nó đâm xuyên qua ngôi mộ để rồi cuối cùng làm cho chiếc quan tài của bà bị vỡ ra.

Thưa anh chị em,

Có thể đây chỉ là một câu truyện “hư cấu”, nhưng nội dung của nó muốn nhắc đến một “tình yêu ban sự sống”, mà chính Thiên Chúa dành đặc biệt cho con người. Khi Chúa Cha cho Đức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, giống như một hạt giống được vùi vào lòng đất, âm thầm mọc lên một sự mới, như mở lối cho con người đã chết, bước vào sự sống vĩnh cửu với Ngài.

Chúa Giêsu đi vào cõi chết của con người, lịch sử đã ghi lại: Người ta đã chôn Chúa Giêsu trong một ngôi mộ đá vào chiều thứ Sáu, nhưng rồi tính đến ngày thứ ba, tức là ngày Chúa nhật, người ta lại không nhìn thấy xác của Chúa trong ngôi mộ đó nữa. Bà Maria Mađalêna ra thăm mộ đã hoảng hốt kêu lên: “Người ta đã lấy mất xác thầy rồi!” (Ga 20,2). Hai môn đệ Phêrô và Gioan chạy ra mộ kiểm chứng. Hai ông thấy ngôi mộ mở toang. Nhìn vào trong thấy khăn liệm còn đó, nhưng xác Ngài đã biến mất. Phêrô im lặng suy nghĩ, còn Gioan, người môn đệ Chúa yêu đã thấy và đã tin rằng Thầy đã sống lại.

Niềm tin vào Chúa Phục Sinh: khởi đầu bằng hình ảnh “ngôi mộ trống”. Nhưng nếu như chỉ có ngôi mộ trống không, thì chẳng làm nên chuyện gì.

Câu chuyện “ngôi mộ trống” chỉ thực sự có ý nghĩa, khi xác Chúa không có ở trong ngôi mộ, nghĩa là “xác Chúa đã sống lại thật”, như lời Ngài nói: “Sau ba ngày, Thầy sẽ sống lại” (Mc 10,34).

Cùng với tư tưởng đó, Thánh Phaolô cũng đã khẳng định trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô rằng: "Nếu Đức Kitô chết mà không sống lại, thì đức tin của chúng ta chỉ là hảo huyền và lời rao giảng của chúng tôi cũng trở nên vô ích." (1Cr.15,14).

Hơn nữa, nếu Đức Kitô chết mà không sống lại, thì Ngài không phải là Thiên Chúa hằng sống. Và việc Ngài hiến mình chịu chết, là một điên rồ như người Hy lạp nhận định. Những phép lạ Ngài làm, cũng chỉ là phù phép giả tạo, và toàn bộ Tin Mừng Ngài rao giảng sẽ không có giá trị.

Tuy nhiên, Đức Kitô thực sự “đã chết và đã sống lại”. Điều đó chứng tỏ rằng: Ngài là Thiên Chúa quyền năng, làm chủ sự sống và sự chết, như lời Ngài nói: "Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại" (Ga 10,18). Do đó, việc chúng ta tin vào Ngài, là có cơ sở, có nền tảng, và Chúa có quyền cho ta được sống lại với Ngài, như lời Ngài nói với chị Mátta: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dù có chết cũng sẽ được sống" (Ga 11,25).

Thưa anh chị em,

Đức Kitô phục sinh đem đến cho chúng ta những gì?

Trước nhất, Ngài đem niềm vui cho các tông đồ “các ông vui mừng vì xem thấy Chúa” (Ga 20,20), và đó cũng là niềm vui cho toàn dân thánh. Vui vì Chúa đã “chiến thắng tử thần không bao giờ chết nữa” (Rm 6,9-10). Vui vì tội lỗi đã bị hủy diệt, vui vì nhờ cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa, chúng ta được thông phần vào đời sống mới, với tư cách là con cái Thiên Chúa.

Kế đến, Chúa sống lại thắp lên cho chúng ta niềm hy vọng, hy vọng ngày mai đây khi nhắm mắt lìa đời, ta cũng được sống lại với Chúa, lúc đó ta sẽ gặp những người thân đi trước chúng ta.

Chúa sống lại đem cho chúng ta nguồn an ủi, vì Chúa cũng trải qua một kiếp người đầy những đau khổ và thử thách để rồi tiến tới vinh quang. Như thế, chúng ta thấy rằng muốn được vinh quang phải trải qua đau khổ. Vì nếu không có ngày thứ Sáu chịu nhục nhã thương đau, thì chắc chắn không có ngày Phục sinh vinh hiển. Như vậy, mọi việc lành ta làm ở đời này đều sinh công ích, mọi đau khổ của ta đều có giá trị vĩnh cửu đời sau, nếu ta biết chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa.

Chúa sống lại, minh chứng cho chúng ta thấy rằng: Sự sống này thay đổi chứ không mất đi. Chết không phải là hết, không phải là tận cùng, nhưng là bước vào một cuộc sống mới.

Chúa sống lại dạy ta một chân lý: Nếu ta muốn được sống lại với Chúa ở đời sau, thì chúng ta cùng chịu chết với Ngài, chết cho ý riêng, cho những đam mê tật xấu của chúng ta. Như lời thánh Phaolô nói: “Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, thì chúng ta cùng sống với Ngài.” (2 Tm 2,11).

Ước gì mỗi năm mừng Chúa Phục Sinh, là dịp nhắc nhở chúng ta tâm tình tạ ơn Chúa, vì Chúa đã đổ máu rửa sạch tội lỗi, để tái sinh chúng ta trong ơn làm con Chúa.

Ước gì mỗi năm mừng Chúa Phục Sinh, là mỗi lần chúng ta xin Chúa “phá vỡ” những hòn đá chôn vùi cuộc đời của mình, để chúng ta được sống lại với Chúa trong đời sống mới.

Nguyện xin Chúa Kitô phục sinh, thương chúc lành và ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ, để chúng con mạnh dạn làm chứng cho Tin mừng phục sinh của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.


Bài 2:

NIỀM TIN PHỤC SINH

Qua mọi thời đại, con người vẫn luôn nghiên cứu, tìm hiểu xem coi Thiên Chúa là ai và Thượng Đế như thế nào?

Cuối thế kỷ thứ 19, có những người vô thần đọc và hiểu sai Dụ Ngôn “Gã Điên” của triết gia Nietzsche, và rồi mạnh miệng phán rằng: “Thiên Chúa đã chết”.  Bước sang thế kỷ thứ 20, vào năm 1961, một phi hành gia người Liên sô cũ, tên là Gagarine, với tàu vũ trụ Vostok I, ông đã bay ra ngoài không gian, rồi lượn 1 vòng trái đất với thời gian là 108 phút. Rồi khi trở về mặt đất, rất tự tin ông khẳng định rằng: “Tôi đã bay ra ngoài vũ trụ, tôi chẳng thấy Thiên Chúa ở đâu cả!”

Rồi với thời gian, khoa học mỗi ngày mỗi phát triển, có người tuyên bố rằng: khi khoa học tiến bộ, khoa học sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề. Và lúc đó, con người sẽ không cần đến sự có mặt của Thiên Chúa nữa.

Cụ thể là cách đây ít lâu, trên tờ báo phát hành tại California (Hoa kỳ), đưa tin: Có một công ty “rất lạ”, nhận làm dịch vụ ướp xác chết trong tủ lạnh để khỏi bị hư thối. Rồi chờ đợi những phát minh mới của khoa học với hy vọng có thể tìm ra nguyên nhân cái chết của cái xác đó, để rồi có thể làm cho cái xác ấy “sống lại” và “sống mãi”, không bao giờ chết nữa.

Kính thưa cộng đoàn,

Cho dù nhân loại có bỏ ra bao nhiêu công sức để nghiên cứu, tìm tòi nhằm gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của con người, thì Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và có mặt trong thế giới này.

Chúng ta nhớ lại khoảng thời gian 2000 năm trước, những quan chức Do Thái cũng đã từng khẳng định rằng: Khi Giêsu bị đóng đinh chết trên thập giá, tất cả mọi sự đều chấm dứt, lời rao giảng về Giêsu sẽ tan tành theo mây khói và niềm tin vào Giêsu cũng sẽ bị chôn vùi trong nấm mồ.

Thế nhưng điều đó đã không xãy ra, bởi vì tảng đá lấp ngôi mộ của Chúa Giêsu đã bị bật tung lên, thân xác của Chúa đã không bị tan rã, vì Ngài đã sống lại và hiện ra nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau với cho các môn đệ thấy. 

Ba nhân vật đầu tiên chứng kiến sự việc tại “Ngôi Mộ của Chúa Giêsu”, một ngôi mộ không còn xác Chúa ở đó nữa.

    1. Maria Mađalêna: Sáng sớm, đi ra mộ, với dầu thơm trên tay bà định ướp lại xác Chúa, vì hôm chôn cất, do vội vàng chuẩn bị lễ Đại lễ Vượt qua, nên chưa kịp ướp xác đúng theo nghi thức của người Do Thái. Lẽ ra, xác Chúa vẫn còn nằm trong ngôi mộ, nhưng mà mọi sự diễn ra rất khác thường. Xác Chúa đã biến mất, mọi vật xung quanh như đã có “bàn tay vô hình” nào đó xếp đặt. Điều đáng nói ở đây là bổng dưng có một Thiên Thần xuất hiện báo tin rằng: Chúa đã sống lại. Thế là, Mađalêna vừa rung, vừa sợ chạy về báo cho các “Tông đồ”.

   2. Khi nghe tin “xác thầy mất”, tâm trạng của Gioan rất là lo lắng. Gioan lo lắng là vì Gioan là người được Thầy yêu mến nhất. Và ngay lập tức, Gioan tận dụng sức trẻ của mình chạy nhanh ra mộ để xem xét tình hình coi như thế nào? Khi nhìn thấy khăn liệm được cuộn lại ngăn nắp, còn khăn phủ đầu được xếp khá gọn và để riêng một nơi. Lúc đáo, Gioan giống như là một “trinh thám chuyên nghiệp”, “xâu chuỗi lại” những sự kiện đang xãy ra, cộng thêm ký ức về những điều Thầy đã báo trước, để rồi cuối cùng Gioan đã tin rằng “Chúa đã sống lại”.

  3. Còn Phêrô thì sao? Có lẽ, do lớn tuổi hơn, kinh nghiệm hơn, nên đòi hỏi mọi thứ cần phải thận trọng. Mặc dù Phêrô cũng nhìn thấy những sự việc như Gioan đã thấy, nhưng Phêrô vẫn cứ từ từ quan sát và kiểm tra thật kỷ, rồi mới dám phán một lời chắc như đinh đóng cột rằng là: “Chúa sống lại thật rồi.”

Khi Phêrô lên tiếng báo “Chúa sống lại.”, mọi người đều có sự thay đổi. Mấy hôm trước, khi Thầy chết, các môn đệ buồn đến tan nát cõi lòng, nhưng hôm nay, họ lại vỡ òa vì vui sướng. Tinh thần của các học trò rất phấn khởi khi nghe tin Thầy sống lại. Đặc biệt là những lần hiện ra, “Thầy và Trò” cùng ăn uống vui vẻ bên nhau, nói lên một sự “tương phùng” mang nhiều ấn tượng đẹp.

Ta thử nghĩ xem: thân xác sống lại của Chúa Giêsu là thân xác nào? Thưa là chính thân xác khi Ngài còn sống ở trần gian. Hay nói cách khác là chính thân xác bị đóng đinh trên thập giá của Chúa Giêsu nay đã được Phục Sinh và trở nên “Siêu Việt”.

“Thân xác Chúa Siêu việt” vì không còn bị cản trở bởi vật chất trần gian, cũng không bị lệ thuộc bởi không gian và thời gian nữa.

Như Phúc Âm diễn tả rất rõ: “Sau khi Chúa chết, các Tông đồ ẩn nấp bên trong căn phòng Tiệc ly, cửa luôn đóng kín vì sợ người Do Thái gây sự, đúng theo kiểu: “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Vậy mà ít là 2 lần, Chúa Giêsu vào được bên trong Phòng Tiệc Ly đó, để ban Thánh Thần và bình an cho các Tông đồ. Đúng là một sự ngoạn mục.

Ngoạn mục, như lời Thánh Phaolô đã nói: Khi sống lại, "Chúa Giêsu trở thành Người Trời", thiêng liêng và tự do, không còn bị bất cứ điều gì cản trở.

Và đây, cũng chính là tình trạng thân xác của mỗi chúng ta sau ngày tận thế được sống lại. Lúc đó, ta cũng được trở thành “người trời”, tức là: “siêu việt và linh thiêng” trong thân xác của chính mình.

Về điểm này, trí óc của ta không thể lý giải được, bởi vì ta còn bị giới hạn trong thân xác, nên ta chỉ có thể cảm nhận được bằng đức tin, như kinh Tin Kính đã dạy: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và tôi tin hằng sống vậy Amen”.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin Ngài ban đức tin cho chúng con, để  khi suy nghĩ về sự sống lại, chúng con luôn tin rằng: Biết sống tốt ở đời này, chúng con sẽ được Phục sinh vinh quang với Chúa ở đời sau. Amen.


Tôma Lê Duy Khang

BÀI 1

TIN MỪNG GIOAN 20,1-9.

 

Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi tại sao Chúa Giêsu sau khi sống lại lại hiện ra với các môn đệ hay không?

Chúng ta nhớ lại câu chuyện Ladaro và ông nhà giàu, khi ông nhà giàu xin tổ phụ cho Ladaro về báo cho 5 người anh em của ông biết về tình trạng của ông, nhưng Chúa Giêsu đã nói qua miệng của Apraham là không được: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.” Ông Ápraham đáp: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (x. Lc 16, 19-31), chúng ta để ý đến câu nói của Apraham, là không cho kẻ chết trở về báo tin là vì đã có Môse và các ngôn sứ, nhưng một chi tiết quan trọng hơn là dù cho kẻ chết trở lại họ cũng không tin, nghĩa là Chúa biết trước điều đó, nên cho người chết trở về cũng là vô ích.

Còn việc Chúa Giêsu sau phục sinh hiện ra với các môn đệ, nếu nói theo ngôn ngữ của câu chuyện trên là vì Chúa biết trước các môn đệ của Chúa sẽ tin vào Chúa, nhưng nếu lý luận như vậy, thì trước đó Chúa cũng đã báo cho các môn đệ biết trước rằng Ngài sẽ chịu chết và sẽ phục sinh rồi, và chúng ta biết không phải Chúa Giêsu loan báo một lần, mà là loan báo tới 3 lần, như thế là đủ rồi, tại sao lại nhiều lần hiện ra loan báo cho các môn đệ nữa, nói theo ngôn ngữ bình dân là kẻ ăn không hết người lần không ra?

Nếu đọc kỹ lại Tin mừng hôm nay chúng ta sẽ thấy được, đặc biệt là câu cuối cùng: “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.” Nghĩa là mặc dầu Chúa Giêsu đã nhiều lần loan báo, nhưng các môn đệ không hiểu rằng sau này Chúa Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết, nên Chúa Giêsu mới nhiều lần hiện ra với các ông để giúp các ông hiểu, và Chúa biết trước rằng các ông sẽ đón nhận Chúa, hiểu được như vậy, chúng ta mới hiểu rằng tại sao Chúa chỉ hiện ra với các môn đệ, với các người phụ nữ mà lại không hiện ra với các thượng tế, kỳ mục, Philato hay Hêrode, là những người chống đối Chúa.

Như vậy để hiểu được Chúa, để tin Chúa đâu phải một ngày một bữa, nhưng phải là một quá trình lâu dài, và điều quan trọng là cần có người nói cho chúng ta biết, cũng như con người chúng ta có sự thành tâm thiện chí. Đó cũng là một lý do mà chúng ta cũng cần nên biết đó là tại sao ngày nay con người lại sống đức tin hời hợt hơn những con người ngày xưa, bởi vì chúng ta bị ảnh hưởng bởi văn hóa “mì ăn liền,” cái gì cũng muốn làm liền, làm cho xong, thì nó sẽ không thể nào bén rễ sâu được, nói như Chúa Giêsu đã nói thì những trường hợp đó ví như những người xây nhà trên cát, gặp mưa sa nước cuốn, bão tố, nhà đó chắc chắn sẽ sập đổ.

Hiểu được như vậy, xin cho mỗi người chúng ta biết rèn luyện đức tin của mình thường xuyên, để ngôi nhà đức tin của chúng ta có được một nền móng vững chắc trên đá, để cho dù có như thế nào đi chăng nữa, cũng không bị sập đổ, mà còn nâng đỡ được những ngôi nhà xung quanh của anh chị em chúng ta. Amen.

 

Bài 2

Tin mừng Luca 24,13-35.

 

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus, để củng cố đức tin cho các ông.

Tại sao lại phải củng cố đức tin cho hai môn đệ trên đường Emmaus? Thưa vì theo lời họ thì: “Cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

Nói cách khác là hai môn đệ này biết tất cả mọi sự đó, nhưng có một điều không biết, đó là không phải không biết điều, mà là không biết dùng cái biết đó để tin vào Chúa, chỉ vì một lý do là vì chính mắt các ông không được thấy Chúa Giêsu.

Chúng ta thấy con người của mình không thấy thì không tin, còn Chúa biết được được con người sẽ không tin khi không thấy, nhưng Chúa không tin là con người sẽ cứ giữ mãi định kiến của mình như vậy, nghĩa là Chúa tin rằng con người sẽ không sống mãi trong tình trạng đó không tin đó, chính vì thế mà Chúa mới đến với con người, để biến đổi con người, để cho con người thấy mà tin rằng có những điều lớn lao, mặc dầu con người không thể thấy được nhưng con người buộc phải tin vào điều con người không thấy mà vẫn tin, giống như Chúa thấy được điều đó, nhưng Chúa vẫn tin vào điều ngược lại.

Và chúng ta thấy thật sự là Chúa đã thành công. Nên chúng ta thấy đức tin rất là quan trọng, có thể nói là tin như thế nào là được như thế ấy. Chúng ta nhớ khi Chúa Giêsu trở về quê không làm phép lạ được vì họ không tin. Hay trình thuật Ladaro sống lại, Chúa hỏi Matta có tin như vậy không? Bà ta tin, và chúa đã cho Ladaro sống lại. Nên mỗi người chúng ta được mời gọi tin vào những điều chúng ta không thể tin, nhưng đó là những điều tốt lành, những điều thuộc về mầu nhiệm, chúng ta không cảm nhận được bằng giác quan, nhưng hãy tin vì đó là như vậy.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ngày nay, tuy không chứng kiến được sự kiện chúa Giêsu phục sinh, không được Chúa hiện ra, nhưng chúng ta được mời gọi phải tin vào Chúa, vì đó là sự thật, vì đó là phúc cho chúng ta là những người đã không thấy mà tin. Amen.