GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA HIỂN LINH - NĂM C
Lời Chúa: Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta cách minh nhiên, một cách hiển nhiên về việc Chúa Giêsu hiển linh, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại.
Nhưng câu hỏi đặt ra với mỗi người chúng ta đó là Chúa Giêsu có tỏ mình ra cho dân do thái không? Thưa có, bằng chứng là sách ngôn sứ Mika đã có tiên báo về Đấng Mêsia sẽ được sinh ra ở đâu, nhưng họ không nhận ra.
Như vậy, qua câu chuyện hiển linh, chúng ta thấy việc Chúa hiển linh không phải một ngày một bữa sẽ có hiển linh, nhưng là phải có thời gian, nhưng với thời gian, thì làm cho con người dễ quên, dễ sa ngã.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện 5 cô trinh nữ khôn ngoan và 5 cô trinh nữ khờ dại, sở dĩ có cái tên gọi này là vì chúng ta nhìn ở cái nhìn chung cuộc, nhưng thật ra ngay ban đầu các cô cũng đều là khôn ngoan, cũng chuẩn bị dầu đèn để đi đón chàng rể, nhưng vì thời gian chờ đợi quá lâu, nên thời gian có thể làm cho con người từ xấu trở nên tốt, từ tốt trở nên xấu.
Trong cuộc đời này, chúng ta phải thú nhận rằng thời gian nó làm thay đổi con người nhiều lắm, từ hình dáng bên ngoài và có thể là tính cách của con người nữa.
Trong đời sống của các linh mục khi được hỏi thánh lễ nào là thánh lễ mà các cha dâng lễ sốt sắng nhất thì chắc có lẽ là thánh lễ mở tay, rồi dần dần theo thời gian những thánh lễ không còn sốt sắng nữa như thuở ban đầu, rồi những giờ kinh phụng vụ, cứ lập đi lập lập như một thói quen. Mẹ Têrêsa đã nhắn nhủ các linh mục: “Xin cha dâng Thánh lễ này như Thánh lễ đầu tiên, như Thánh lễ cuối cùng và như Thánh lễ duy nhất chỉ một lần trong đời.”
Rồi cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng thế thôi, nghe được một bài giảng nào đó, thấy một mẫu gương nào đó, hay đưa ra một chương trình nào đó, có thể ban đầu rất sốt sắng, nhưng sau một thời gian nó chìm dần chìm dần, và dần dần phải lạt, đó là một thực tế mà chúng ta phải thú nhận, nên 5 cô khờ dạy cũng nằm trong trường hợp đó, vì thời gian chờ đợi quá lâu làm các cô không còn giữ được sự khôn ngoan ngay từ ban đầu nữa.
Có một cô gái quay clip nấu ăn lên, cô mua con còng về để nấu ăn, cô nói còng này 10 năm về trước có 7,8 ngàn một ký, giờ lên tới 80 ngàn, sao cái gì cũng lên giá, có em là xuống giá, thời gian làm cho mọi sự thay đổi.
Nên thời gian làm cho con người quên, chính vì thế mà Chúa muốn giúp cho con người nhớ, tiếp tục đào sâu tin mừng chúng ta thấy việc hiển linh cho dân ngoại, cũng là một cách thức mà Chúa muốn nhắc nhở cho dân do thái nhớ đến việc rằng sẽ có Đấng Mêsia sẽ xuất hiện, và Đấng ấy đã xuất hiện rồi, đó là tình yêu của Chúa dành cho con người.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện về lòng Chúa thương xót, chúng ta biết mạc khải của Chúa Giêsu là mạc khải cuối cùng, thế tại sao giáo hội lại chấp nhận mạc khải tư của thánh nữ Fautia: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2).
Thưa vì những điều mà giáo hội chấp nhận vì những điều đó đã được nói đến trong kinh thánh rồi, nhưng do con người quên, nên Chúa dùng thánh nữ để nhắc lại để giúp cho con người nhớ lại.
Hiểu được như vậy, chúng ta được mời gọi khi gặp khó khăn thử thách, khi gặp những điều trái ý thì đừng phản ứng, đừng xét đoán ngay lập tức, mà hãy để thời gian, để xem sự kiện đó như thế nào, còn nếu có quên thì chúng ta hãy tin chắc rằng, cách này hay cách khác, Chúa cũng sẽ dùng những dấu chỉ của Chúa để sáng soi cho chúng ta, để chúng ta nhớ những điều mà chúng ta đã quên, như Chúa đã giúp soi sáng làm cho những người do thái nhớ lại là có Đấng Mêsia được sai đến. Amen.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Cha Henri kể lại rằng: Trong một chuyến truyền giáo ở Phi Châu, sau khi rửa tội cho một cậu bé da đen mồ côi với tên thánh là Giacôbê. Nhân dịp mừng lễ Giáng Sinh, cha đã đưa cậu bé này về thăm gia đình của người chị ruột. Người chị cũng có đứa con trai tên là Giacôbê, đồng trang lứa với cậu bé Giacôbê da đen. Hai đứa trẻ quen nhau dễ dàng và người ta chỉ phân biệt hai đứa trẻ bằng màu da: Giacôbê đen và Giacôbê trắng.
Đứng bên hang đá, Giacôbê trắng giải thích cho bạn Giacôbê đen về Giáng sinh: từ hang đá cho đến chuồng bò, máng cỏ chiên lừa đến các mục đồng, rồi kết thúc với hình ảnh Đức Mẹ Maria.
Nghe xong, Giacôbê đen xụ mặt xuống lộ vẻ buồn, với lời than thở:
- Bạn trắng ơi! Bạn may mắn lắm.
Bạn trắng hỏi:
- Sao vậy?
- Vì bạn có Chúa Hài đồng da trắng giống bạn, bạn có một người mẹ ở nhà đây, rồi lại có thêm một người mẹ ở trên Thiên Đàng nữa.
Bạn trắng đáp lại:
- Đen ơi, Chúa là Chúa chung của hết mọi người và Mẹ Maria cũng là Mẹ chung của trắng và đen mà.
Giacôbê đen chưa hết thắc mắc:
- Mẹ Maria da trắng, còn mình thì đen thui!
Bạn trắng nói:
- Có sao đâu, Đức Mẹ đâu có phân biệt màu da.
Bạn đen cãi lại:
- Người mẹ trắng thì làm sao có đứa con đen.
Thế rồi sáng ngày 24.12 người ta thấy Giacôbê trắng tay cầm cây cọ, bước vào máng cỏ, cậu sơn tượng Chúa và tượng Mẹ với nước da đen, y như màu da của bạn Giacôbê đen vậy.
Giáng Sinh năm ấy, giáo dân khi biết được câu chuyện vừa thích thú, vừa sốt sắng đón mừng Chúa Giáng Sinh với màu da đen. Còn Giacôbê đen thì hạnh phúc, với suy nghĩ rằng từ nay em cũng có một người mẹ da đen trên Thiên Đàng.
Câu chuyện giữa hai em nhỏ như mang ý nghĩa cho ngày lễ Hiển Linh: Chúa Giêsu giáng trần không ưu tiên cho một ai, nhưng là niềm hạnh phúc đến cho hết thảy mọi người, mọi dân tộc da trắng cũng như da đen.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Theo truyền thuyết kể về ba vị vua tìm đến hang đá để thờ lạy Chúa, đó là Vua Gaspar, Melchior, và Balthasar đại diện cho châu Âu, Á, và châu Phi. Một vị da trắng, một vị da vàng, và một vị da đen. Và cũng theo truyền thuyết họ đại diện cho dòng dõi của ba người con ông Noe là Sem, Cam, và Japhet (St 10,1). Và như thế, có thể nói được là lễ Hiển Linh, là Lễ mà chính Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho hết thảy mọi người.
Nếu ngày xưa, các nhà đạo sĩ tìm đến và thờ lạy Chúa Hài Đồng trong máng cỏ Bêlem; thì ngày nay, chính mỗi người chúng ta cũng được mời gọi đóng vai “nhà đạo sĩ” để chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu, rồi giới thiệu Chúa cho những anh em khác.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Cách đây ít năm, Tòa Tổng Giám Mục Sài gòn đã tổ chức một cuộc triển lãm mỹ thuật với chủ đề: “Đức Giêsu Kitô trong hội họa”, đã gây ấn tượng cho rất nhiều người. Có hàng chục ngàn lượt người đến xem, kể cả người ngoài Công Giáo và các tôn giáo bạn, đặc biệt là các bạn trẻ.
Nhiều bạn đã ghi lại những dòng cảm tưởng chứa nhiều cảm xúc, chẳng hạn: “Tôi là một con chiên lạc của Chúa. Trong chiều nay sau một cơn mưa, tôi đã được tĩnh lặng để ngắm nhìn những tác phẩm hội họa về Đức Giêsu với những cảm xúc lắng đọng nhất. Tôi yêu con người Giêsu và Đức Chúa Giêsu” (Một bạn trẻ nguội lạnh).
Một bạn sinh viên khác đã viết: “Con không biết gọi Người là gì, cũng không biết Người là ai vì con không theo đạo Thiên Chúa. Nhưng hôm nay con tin là có Người, có Người từng hiện hữu trong thế giới này, và có Người trong tâm hồn con ngày hôm nay và mãi về sau. Con xin cám ơn tất cả những điều con được biết ngày hôm nay, cám ơn tất cả, con xin cám ơn Người đã cho con lòng tin”. (Hồ Thị Phương Nga, SV năm 3 ĐH kiến trúc TPHCM.) v.v… Cuộc triển lãm đã đem lại nhiều kết quả thầm kín thật bất ngờ.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Cuộc sống xung quanh chúng ta, có rất nhiều người chưa có dịp nghe nói đến Chúa Giêsu của ta một cách cụ thể. Mặc dầu, họ vẫn đang khao khát tìm kiếm Ngài là chân lý. Họ không ngừng hỏi chúng ta: “Đức Vua dân Do Thái sinh ra ở đâu?” Cũng đồng nghĩa với câu hỏi: “Đức Giêsu là ai?” Vậy thì, tôi và anh chị em, cần phải trả lời cho họ biết.
Để trả lời cho họ biết Đức Kitô là ai, có lẽ chúng ta không cần mở sách Kinh Thánh ra, để trả lời như một nhà thông thái; nhưng hãy diễn tả một Đức Kitô sống động trong cuộc sống của mình. Như Thánh Phaolô đã làm gương: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Cụm từ “Đức Kitô sống trong tôi”, nghĩa là cách suy nghĩ và việc làm của ta, hoàn toàn giống cách suy nghĩ và việc làm của Chúa. Như thế, Chúa mới có thể được lớn lên, được hiển linh và được tỏ ra cho mọi người.
Nguyện xin Chúa Giêsu Hài Đồng cho mỗi người chúng con, trở thành ánh sao lạ, luôn sáng tỏ để dẫn đường cho một ai đó đến với Chúa Giêsu. Amen.