
GỢI Ý SUY NIỆM
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20,19-31
Lm Trầm Phúc
Các môn đệ đã biết Chúa sống lại, nhờ thấy mộ trống và những bằng chứng của mấy phụ nữ đã gặp Chúa sống lại, nhưng họ chưa được thấy Ngài. Chiều đến, các môn đệ đang ở với nhau trong nhà. Các cửa đếu đóng kín vì sợ người Do thái. Chúa Giêsu đứng giữa họ và nói: “Bình an cho anh em!” Chúng ta nghĩ các môn đệ ngạc nhiên như thế nào? Ngài lại cho các ông xem những vết thương trên tay và cạnh sườn Ngài. Ngài hiện ra khi các cửa nhà đều đóng kín. Vậy Ngài vào nhà bằng cách nào?
Khi sống lại, Chúa Giêsu không còn lệ thuộc vào vật chất nữa, Ngài trở lại tình trạng thần linh của Ngài. Vì thế cửa mở hay đóng không thành vấn đề với Ngài. Chúng ta nghĩ các môn đệ kinh ngạc như thế nào khi thấy Thầy đứng giữa các ông và chúc bình an cho các ông? Lần hiện ra này mang một ý nghĩa khác: Lần hiện ra này là trao phó sứ mệnh. Ngài không còn hoạt động như ngày trước, bây giờ là thời của các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Ngài ban quyền tha tội cho các ông bằng cách trao ban Thánh Thần. Giáo Hội đã được khai sinh trong Thánh Thần và từ đây các Tông đồ bắt đầu hoạt động dưới quyền của Phêrô.
Nhưng lần hiện ra này vắng mặt một ông đó là Tôma. Khi Tôma về, các anh em thuât lại cho ông nghe những gì Thầy đã nói. Nhưng Tôma không tin và chỉ khi nào được kiểm chứng cụ thể thì ông mới tin.
Tám ngày sau, tức là đầu tuần sau, Chúa hiện ra đứng giữa các ông, chúc bình an cho các ông và… gọi ngay Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy…Đừng cứng lòng nhưng hãy tin. Tôma, đứng trước những bằng chứng rõ ràng như thế đã tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Một lời tuyên xưng đức tin tuyệt hảo. Chúng ta hãy cùng với Tôma tuyên xưng đức tin và xin Chúa cho chúng ta vững tin trong một thế giới càng ngày càng chối từ đức tin. Con người hôm nay tin vào khoa học và đòi hỏi nhiều bằng chứng mới tin. Vì thế, lời Chúa nói với Tôma thật đúng: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Đức tin không phải là một vấn đề khoa học mà là hồng ân cho những ai thiện chí. Xin cho mỗi người chúng ta luôn tin vững vào quyền năng của Chúa và bền vững trong niềm tin.
Chúa không ở xa chúng ta. Chúa vẫn là nguồn sống vô biên cho chúng ta. Chỉ cần chúng ta tin vào ngài vô điều kiện, Ngài sẽ nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Ngài luôn có mặt và dùng chính thịt máu Ngài làm của ăn cho chúng ta. Với Ngài, chúng ta vững tin dù chung quanh chúng ta, nhiều người đã chạy theo những thần tượng của hôm nay, và không còn tin vào Chúa nữa. Vì mọi sự qua đi, Chúa vẫn còn vì Ngài là Sự Sống và là Tình Yêu. Xin cho chúng ta luôn vững tin dù trời nghiên đất đổ, dù mọi sự đều tan rã, vì chúng ta sống là sống cho Chúa và chết cũng chết cho Chúa.
Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh
Dấu chứng Phục Sinh
Ở bất cứ thời đại nào, để tin vào một chuyện gì đó, thường thì người ta phải xác minh và kiểm chứng sự việc thật tường tận, với đủ bằng chứng hẳn hoi, rồi người ta mới dám tin, bởi vì người ta thường nói: “Trăm nghe không bằng một thấy.”
Vào thời các Thánh Tông đồ ngày xưa cũng vậy. Thánh Tôma mặc dù đã nghe các bạn Tông đồ kể lại rằng là: Thầy Giêsu đã sống lại và hiện ra tại phòng Tiệc ly, nhưng Tôma không những không tin, mà còn lên tiếng như một lời thách thức: “Bao giờ, tôi nhìn thấy tận mắt và tôi chạm được vào vết thương của Thầy, thì tôi mới tin. Còn bằng không, thì tôi hỏng tin.” (Ga,20,25). Điều đó chứng tỏ rằng Tôma là một con người rất “thực tế”, chỉ cần một lần tận mắt nhìn thấy Thầy hiện ra, là đủ tin hơn là trăm lần nghe các bạn Tông đồ kể lại.
Thật ra Tôma có lý lẽ của riêng mình và Chúa Giêsu đã hiểu rõ điều đó, nên Ngài đáp ứng nhu cầu muốn “tận mắt nhìn thấy Chúa” của Tôma.
Theo Phúc âm thánh Gioan kể lại sự việc đó rất chi tiết: Chúa hiện ra lần thứ hai với các Tông đồ cũng tại phòng Tiệc ly như lần trước. Nhưng lần này, có mặt của Tôma, nên Chúa muốn “khoe vết thương” cho Tôma thấy và sẵn sàng để Tôma lấy ngón tay “ấn vào” lỗ đinh nơi chân tay của Ngài, và đặt bàn tay vào vết giáo đâm thâu nơi cạnh sườn của Ngài, để Tôma tâm phục và khẩu phục.
Vâng, rõ ràng rất khâm phục! Ta nghe Tôma thốt lên một câu đầy tâm trạng và hết sức mãn nguyện rằng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Hầu như vết thương của Chúa, đã “đánh gục” và đã “thuyết phục” được tâm hồn cứng cỏi của Tôma, khiến cho Tôma “không thể không tin vào Chúa Giêsu”.
Thưa anh chị em,
Kể từ khi Tôma đặt tay chạm vào các vết thương của Chúa, thì các vết tích ấy, biểu lộ “dấu chỉ” của “ơn chữa lành”. Trước hết là chữa lành cho tâm hồn đầy nghi ngờ vì thiếu niềm tin của Tôma Tông đồ. Hơn nữa, vết thương của Chúa còn biểu lộ “một ơn ban”, dành cho những ai có tâm hồn “thánh thiện đặc biệt”, chẳng hạn như Thánh Phanxicô khó khăn. Theo sách hạnh các thánh ghi lại: Vào năm 1224, Thánh Phanxicô đã được in “5 dấu Thánh của Chúa Giêsu” nơi chân tay và cạnh sườn của ngài. Các vết thương trên thân thể của ngài luôn rỉ máu và kéo dài trong hai năm. Và ngài qua đời vào ngày 03/10/1226. Đúng 2 năm sau khi khi qua đời, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô 9, phong thánh cho ngài vào ngày 16/07/1228. Đó là ơn “đặc biệt” dành cho những “con người đặc biệt”.
Còn chúng ta thì sao? Có lẽ chúng ta không phải là người “đặc biệt” để có thể chạm vào vết thương thật của Chúa Giêsu như Tôma, và cũng không đủ thánh thiện để Chúa in 5 dấu thánh của Ngài vào thân thể của ta, như thánh Phanxicô và Thánh Piô 5 dấu đã lãnh nhận.
Tuy nhiên, theo một nghĩa nào đó, ta cũng có cơ hội để chạm được những vết thương của Chúa Giêsu, qua những người đau yếu bệnh tật, nơi thể xác cũng như nơi tâm hồn. Giống như gương sống của Thánh Gioan Thiên Chúa (một người sống hết lòng yêu thương người nghèo khổ, bệnh tật).
Thánh Gioan Thiên Chúa sinh năm 1495 tại Bồ Đào Nha. Cha mẹ ngài là những người nghèo khổ, nhưng đạo đức và đầy lòng bác ái. Lúc 9 tuổi, với bản tính khá ngông cuồng, nên Gioan đã bỏ nhà đi bụi đời. Khi được 20 tuổi, Gioan đăng ký đi lính. Thời gian ở trong quân đội, hầu như Gioan đã mất hết niềm tin vào Chúa. Đến khi Chiến tranh kết thúc, Gioan trở về thăm gia đình, thì được người cậu ruột cho biết tin rằng: mẹ Gioan đã mất sau khi Gioan bỏ nhà đi bụi được 3 tuần, còn cha, thì vừa mới qua đời.
Lúc đó, Gioan thật sự rất hối hận! Gioan khóc rất nhiều và quyết tâm sửa đổi cuộc sống như làm một việc “đền tội”. Thế nên, sau đó Gioan tự nguyện sang Phi Châu để phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật. Bao nhiêu tiền kiếm được, Gioan gom lại thuê một căn nhà cho những người nghèo tới ở. Cứ chiều chiều, Gioan xách giỏ đi xin ăn, với lời mời tha thiết rằng: “Alô!Alô, ai muốn làm việc thiện, thì xin tiếp tay với tôi, Alô! Alô”.
Có lần, Gioan đưa một người hấp hối, mình đầy thương tích về nhà để chăm sóc. Một ngày nọ, bỗng nhiên, Gioan thấy chân tay của bệnh nhân có những lỗ đinh chói sáng và lại nghe tiếng Chúa nói: “Hỡi Gioan, mọi việc thiện con đang làm cho những người nghèo khổ là con đang giúp cho chính Ta. Ta đang đếm từng bước chân con đi để ân thưởng cho con thật xứng đáng.”
Như vậy có thể nói rằng: hình ảnh thánh Gioan Thiên Chúa “chữa lành” vết thương cho những người đau khổ bằng tình thương, phần nào diễn tả “tình yêu tự hiến” của Chúa Giêsu, ban “mọi ơn lành” cho những ai có niềm tin.
Ấy thế mà đến phút cuối đời, Gioan vẫn cảm thấy bất xứng với những ơn Chúa ban vì nghĩ rằng: mình vẫn chưa trả hết nợ cho những người bất hạnh.
Nghe câu chuyện, để rồi ngẫm nghĩ xét mình. Hầu như ta không thể chạm được vết thương thật của Chúa như thánh Tôma. Và dường như, ta cũng chưa sẵn sàng đụng vào vết thương của những người bệnh tật, yếu đau, để chữa lành, để giúp đỡ họ vơi đi nỗi khốn khó trong cuộc đời. Thế nên, ta vẫn còn nhiều điều thiếu xót, đối với Chúa và đối với anh em của mình.
Lạy Chúa Giêsu Giàu lòng thương xót, xin Chúa ban thêm lòng tin và lòng mến cho chúng con, để chúng con luôn biết “xót thương người,” như Chúa là Đấng Hằng thương xót và chữa lành những tâm hồn yếu đuối của chúng con Amen.
Lm. Thái Nguyên
Hoài nghi là điều bình thường khi đứng trước những điều chúng ta nghe, nhất là nghe những điều quá lạ lùng vượt ngoài lý trí. Nhưng phải là sự hoài nghi tích cực, đòi nỗ lực suy tư và tìm cách khám phá về sự thật. Khi nghe các anh em nói Thầy đã sống lại và đã hiện ra thì Tôma đã không tin. Ông không để cho mình dễ dàng bị thuyết phục bởi luận chứng suông như vậy. Ông đòi thấy những dấu chứng để minh chứng về sự thật này.
Đức Giêsu nói với ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây…”. Tôma kinh hoàng thưa lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Như thế, dấu chỉ để người nhận ra Chúa phục sinh không phải là vinh quang chói lọi hay cái gì khác, mà là chính dấu đinh. Nếu chính Đấng phục sinh vinh hiển đã không muốn dùng vinh quang hay quyền lực của mình để khuất phục thế gian, thì phương chi là chúng ta. Và nếu Chúa đã muốn dùng những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn làm những dấu chứng phục sinh, thì mỗi người chúng ta cũng không có dấu chứng nào hơn là những vết thương của những thập giá hằng ngày để làm chứng cho Chúa phục sinh.
Các tông đồ cũng đã nhận ra chính Thầy Giêsu nơi năm dấu tích, chứ không phải trong ánh hào quang. Chúa Giêsu thực sự là “người” khi “đầu đội vòng gai, mình mặc áo đỏ” nghĩa là khi Ngài bị đánh đập, sỉ nhục; Ngài thực sự là “Chúa” khi bị đóng đinh trên thập giá vì yêu thương con người. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ mong cho mình được chễm chệ trên giàu sang danh giá, trên địa vị chức tước, trên sự hưởng thụ an nhàn và thỏa mãn cho bản thân. Tất cả lối sống đó đều đối nghịch với thập giá Đức Kitô và không đưa tới sự phục sinh của Ngài. Lối sống đó chẳng thương xót ai mà chỉ làm thương tổn tha nhân.
Tin mừng Phục Sinh cho chúng ta thấy có hai con đường dẫn tới đức tin: một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng như tính cách của Tôma; và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu, thoạt xem có vẻ tầm thường, nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc như Gioan khi ông thấy mộ trống và Đức Giêsu hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria. Chúng ta hãy củng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó. Phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì cũng như thánh Gioan, nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt để nhận biết những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết.
Chúa Nhật II phục sinh hôm nay, Giáo hội tuyên xưng và tán dương lòng thương xót Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: “Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại dương hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta” (Tiểu nhật ký, số 699). Thánh Gioan Phaolô II qua đời vào đêm cuối tuần Phục Sinh đầu tiên (ngày 2 tháng 4 năm 2005). Lòng thương xót Chúa đã chiếu một luồng ánh sáng vào cái chết của một vị thánh thời đại.
Trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (số 12). Đáp lại lời kêu gọi trên, trong Thư gởi cộng đoàn Dân Chúa (17.9.2015), HĐGMVN nhấn mạnh: “Mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống”.
Người Kitô hữu đôi khi không cần trí tuệ để tin vào những thực tại thiêng liêng; không cần giác quan để kiểm soát những dấu chỉ mầu nhiệm trong đạo, mà cần sống bằng lòng mến. Càng yêu mến nhiều thì càng tin chắc. Càng tin vững thì càng bình an. Như vậy, con đường của lòng tin là con đường của lòng mến. “Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Những ai luôn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh đều luôn sống tích cực và khám phá ra điều kỳ diệu qua những điều bình thường. Chính đức tin này kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Thương xót là hành động của Cha,
là tiêu chuẩn để biết ai con cái,
là sống với tất cả lòng nhân ái,
nhưng bao hàm công bằng và sự thật.
Thương xót không dung túng điều xấu xa,
nhưng cho con biết kiên nhẫn vượt qua,
để đón nhận những hồng ân cao cả,
xứng đáng với những gì con người “là”.
Thương xót là hành động cao quí nhất,
là phẩm chất sâu nhất của con người,
là hành vi thờ phượng cao hơn cả,
vì điều Chúa muốn không phải là lễ vật,
mà trước tiên là sống với lòng nhân,
không thể nào cân phân theo lý lẽ.
Đức Giê-su đã trở nên người thế,
để thể hiện lòng thương xót của Cha,
trên thập giá Ngài cũng đã thứ tha,
trước lòng dạ bạc ác của con người,
ngay cả ông Tô-ma cứng lòng tin,
Ngài cũng đã hạ mình cho xem thấy.
Chúa muốn con nên hoàn thiện như Cha,
không phải là không còn gì thiếu sót,
mà là sống nhân từ và tha thứ,
không xét đoán và càng không lên án,
luôn bao dung và đại lượng vô vàn,
vì thương xót là tình yêu vô giới hạn.
Xin cho con được đầy lòng thương xót,
dù nhiều khi rất đắng đót trong đời,
nhưng nhờ vậy phát sinh con người mới,
để tình Chúa sáng tỏa khắp muôn nơi,
là niềm vui ơn cứu độ cho đời. Amen.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, trao ban bình an và cho các ông xem tay và cạnh sườn, các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
Vấn đề đặt ra là tại sao khi hiện ra ban bình an cho các môn đệ, Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn? Chúng ta thử suy nghĩ, khi Chúa Giêsu cho xem tay và cạnh sườn dường như là cho xem lại dấu tích của đau khổ, gợi lại những đau khổ, nó có liên quan gì đến sự bình an hay không? Vậy dấu tích của những dấu đinh là gì, hay bình an mà Chúa Giêsu nói là bình an nào?
Chúng ta biết trước đó Chúa Giêsu có nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14, 27).
Sau này thánh Phaolo nói: “Quả vậy, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu. Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì có lời chép rằng: Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1, 17-25).
Từ hai đoạn kinh thánh này, chúng ta thấy được rằng bình an mà Chúa gởi đến cho các môn đệ không phải là bình an theo kiểu con người nghĩ, nghĩa là để có bình an đó cần phải đi trên con đường khổ giá, nên sau khi ban bình an Chúa Giêsu đã cho các ông xem tay và cạnh sườn, để chỉ cho các ông thấy để có được bình an thì phải chiến đấu như thế mới có được. Nên việc ban bình an cho các môn đệ và cho các ông xem tay và cạnh sườn mà Chúa Giêsu đã thực hiện là hoàn toàn hợp lý chứ không có gì là bất hợp lý cả, sở dĩ nó được cho là bất hợp lý là vì con người không nhận ra được điều hợp lý mà Chúa muốn.
Bên cạnh đó, sở dĩ Chúa Giêsu cho các môn đệ xem tay còn dấu đinh cạnh sườn còn vết thương, là vì Chúa muốn các môn đệ nhận ra Chúa, vì đó chính là dấu chứng tình yêu mà Chúa dành cho con người chứ không phải là dấu chứng của đau khổ, đau khổ chỉ nằm ở cấp thấp, còn đây là dấu chứng của tình yêu nó nằm trên cả sự đau khổ. Chúng ta hãy nhớ có lần chính Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35). Nên dấu đinh ở tay, vết thương ở cạnh sườn là dấu chứng tình yêu của Chúa dành cho các môn đệ, nên khi các ông thấy dấu chứng đó các ông đã nhận ra Chúa, và đã vui mừng.
Sau đó, chúng ta thấy Tôma cũng vậy, khi Chúa hiện ra với ông, Chúa nói với ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma đã không làm như điều mình đã suy nghĩ trước đó, nhưng ông đã thưa lại với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” nghĩa là nhờ dấu chứng tình yêu đó mà ông đã nhận ra Chúa, và tuyên xưng Chúa không phải là Chúa của ai khác, không phải là Thiên Chúa của các tổ phụ, mà Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa của ông, ông đã nhận ra điều đó và đã tuyên xưng như vậy.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết nhận ra dấu chứng tình yêu của Chúa trên cuộc đời của mình để tuyên xưng Chúa, và xin cho chúng ta biết yêu thương nhau, biết để lại những dấu chứng tình yêu, để qua đó nhiều người nhận biết Chúa. Amen.