31/07/2012
507
153 năm tử đạo của 2 thánh Phêrô Quí và Phụng_†GM Phaolô Bùi Văn Đọc

Bài giảng của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho – trong Thánh lễ mừng kỉ niệm 153 năm tử đạo của hai thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng, tại Trung Tâm Hành Hương Châu Đốc, ngày 31 tháng 07 năm 2012.

 

 

LỄ GIỖ HAI THÁNH TỬ ĐẠO : PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG QUÍ,

VÀ EMMANUEL LÊ VĂN PHỤNG, TẠI HỌ ĐẠO CHÂU ĐỐC

(Kn 3, 1-9;  2 Cr 4, 7-15; Ga 12, 24-26)

 

Anh chị em rất thân mến,

1. Chúng ta tụ họp nhau lại đây, để cử hành lễ giỗ của hai vị thánh tử đạo Việt Nam rất được yêu mến và rất thời danh, đã hy sinh mạng sống vì Chúa Giêsu và vì Giáo hội, vì đoàn chiên tại vùng Châu Đốc này. Đó là thánh linh mục trẻ Phêrô Đoàn Công Quí và thánh giáo dân Emmanuel Lê Văn Phụng, vừa là lý trưởng, vừa là ông câu Phủ nổi tiếng ở Cù Lao Giêng và vùng Châu Đốc. Dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu nơi cuộc đời của hai người môn đệ đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Nhờ đó chúng ta sẽ rút ra những bài học cụ thể, rõ ràng và có thể thực hiện, cho đời sống đạo của chúng ta.

2. Đạo của chúng ta là “Đạo của Chúa Giêsu”, là con đường của Chúa. Theo đạo là theo Chúa Giêsu, bước theo con đường của Chúa, trở thành môn đệ của Ngài. Người môn đệ được Chúa gọi, Chúa chọn và cho đi theo Chúa, sống với Chúa. Người môn đệ đích thực thì rất tin tưởng ở Chúa, rất yêu mến và gắn gó với Chúa. Cả hai thánh Quí và thánh Phụng, trước khi chịu chết vì đạo, đã có lòng yêu mến Chúa Giêsu hết sức sâu đậm. Cuộc sống của các vị là hoàn toàn sống cho Chúa và chết cho Chúa. Hai ngài là những con người hoàn toàn thuộc về Chúa. Chính Chúa Thánh Thần là “Đấng thánh hoá” đã làm cho hai vị hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, đến nỗi các ngài có thể nói như thánh Phaolô: “Chúng tôi luôn mang trong mình cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình của chúng tôi” (2 Cr 4, 10).

3. Cuộc đời của các ngài minh hoạ  một cách sống động và cụ thể những lời thánh Phaolô viết trong thư II Côrintô: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2 Cr 4, 8). Những lời ấy nói về cuộc đời Phaolô, về đời sống đạo của nhiều Kitô hữu đầu tiên, và áp dụng rất đúng cho những người sống Tin mừng của Chúa Giêsu một cách triệt để như hai thánh tử đạo thân yêu của chúng ta. Tình yêu Chúa Giêsu khiến cho họ trở nên dũng cảm, không sợ hãi gì. Tình yêu cứu độ của Chúa chứa đựng trong những bình sành dễ vỡ là thân phận mỏng dòn của con người, nhưng đó là Thần Lực của Chúa, nên có quyền năng phi thường phát xuất từ Chúa (x. 2 Cr 4,7).

4. Chính Thần Lực Tình Yêu ấy đã khiến cho Chúa Giêsu sẵn sàng hiến mình làm của lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa, sẵn sàng chịu chết như hạt lúa gieo xuống lòng đất chết đi để sinh nhiều hạt khác, Chúa chịu chết để sinh ra Giáo hội (x. Ga 12,24). Tất cả chúng ta giống như những hạt lúa mới sinh ra từ cái chết cứu chuộc của Chúa Giêsu. Hai thánh tử đạo Phêrô Quí và Emmanuel Phụng được sinh ra từ cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa, và rồi đã chấp nhận hoàn toàn trở nên giống Chúa trong cái chết đau đớn và bi thảm của mình. Đúng như lời Chúa nói: “Ai phục vụ Thầy hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 26).

5. Thánh Phêrô Quí đã bị trảm quyết ngày 31 tháng 7 năm 1859, tại bến Chà Và, Châu Đốc, lúc ngài đang còn xuân xanh, mới 33 tuổi như Chúa Giêsu, làm linh mục mới được 1 năm và làm cha sở Cù Lao Giêng mới được 8 tháng. Cùng ngày đó, Thánh Emmanuel Phụng, bị bản án “hình phạt bá đao”, nhưng cuối cùng nhờ lòng thương xót của quan huyện, ngài bị xử “giảo”, siết cổ cho chết, hưởng thọ 65 tuổi trước sự thương tiếc của rất nhiều người, nhất là các bổn đạo xứ Cù Lao Giêng, đặc biệt hơn nữa là vợ và các con cháu mà ngài rất mến thương.

6. Hai thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng chịu tử vì đạo cùng ngày, và được kính nhớ cùng ngày, có một ý nghĩa sâu xa đối với Giáo hội Việt Nam ngày hôm nay. Ngày nay, hơn bao giờ hết Giáo hội nhận thấy cần phải nhấn mạnh đến sự hợp tác mật thiết và tích cực giữa các giáo dân với hàng giáo sĩ. Nếu linh mục chỉ làm việc riêng lẻ một mình, không có sự cộng tác của giáo dân, thì chắc chắn không đáp ứng nổi những nhu cầu của thời đại. Không chỉ vì số đông các con chiên, mà còn vì thời đại có quá nhiều khó khăn, cám dỗ, nhiều sự dữ, nhiều điều ác đang làm xói mòn lương tâm và đức tin của nhiều người.

7. Cha thánh Phêrô Quí là một mục tử yêu thương và hiểu biết các con chiên, chỉ muốn làm sao cho họ được nhận biết Chúa Giêsu và Thiên Chúa để được “sự sống đời đời”. Cha không ngại hiến cuộc đời mình cho những người mà cha chịu trách nhiệm. Thánh Emmanuel Phụng, là một tín hữu ngoan đạo, một gia trưởng gương mẫu. Dù chỉ là giáo dân, ngài là một tông đồ rất nhiệt thành, hăng say mở mang Nước Chúa, có lòng yêu mến Giáo hội thật sâu xa. Ngài dâng cả cuộc đời và tiền của cho việc xây dựng Giáo hội. Từ việc xây dựng vật chất như nhà thờ, nhà xứ, đến việc xây dựng đức tin. Ngài được chọn làm giảng viên giáo lý, không những cho họ đạo Cù Lao Giêng, mà cho cả tỉnh An Giang lúc bấy giờ.

8. Sự hợp tác giữa Cha xứ còn rất trẻ là Cha Phêrô Quí và ông Câu Emmanuel Phụng là một sự hợp tác tuyệt vời, đáng làm gương mẫu cho sự hợp tác rất cần thiết giữa các cha xứ và các hội đồng giáo xứ, các hội đoàn trong giáo xứ. Lòng yêu mến Chúa Giêsu của Cha Phêrô, và của ông Câu Emmanuel hoàn toàn giống nhau: yêu mến Chúa Giêsu trong thực tế đồng nghĩa với yêu mến Giáo hội của Chúa. Ngày hôm nay cũng thế, ai thực sự yêu mến Chúa, chắc chắn sẽ yêu mến Giáo hội, mặc dù trong Giáo hội, vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót, thậm chí nhiều tội lỗi nữa. Chính Chúa Giêsu đã tự đồng hoá mình với Giáo hội, khi hiện ra nói với Phaolô trên con đường Đamas: “Saulê, Saulê, sao ngươi bắt bớ ta!” (Cv 9, 4).

Xin hai thánh tử vì đạo là Cha sở Phêrô Đoàn Công Quí và ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng chúc lành cho tất cả chúng ta. Xin các Ngài giúp chúng ta biết chân thành chọn lựa đi theo Chúa, trung thành làm chứng cho đức tin và nhiệt thành yêu mến Giáo hội bằng tinh thần cộng tác, hiệp thông và đồng trách nhiệm trong sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương, đất nước chúng ta.

 

† Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

Giám mục Giáo phận Mỹ Tho