01/05/2024
8066
Điểm lại những sự kiện xảy ra trong tháng 04.2024 

 














 




ĐIỂM TIN THÁNG 04.2024

Thực hiện: Vp. Truyền thông

       

TIN GIÁO PHẬN MỸ THO

 

1. Giáo phận Mỹ Tho: Đào sâu bản Báo cáo Tổng hợp

Bài viết và hình ảnh: Mary FX. Thúy Nga

BTT Giáo phận

(WGPMT) Ngày 05.04.2024, tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho đã tổ chức buổi họp mặt để Đào sâu bản Báo cáo Tổng hợp, chuẩn bị Synod tháng 10/2024.

Vào lúc 08g30, ngày 05.04.2024, tại phòng họp Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho, cha Phaolô Nguyễn Thành Sang đã chủ trì buổi họp mặt để Đào sâu bản Báo cáo Tổng hợp, chuẩn bị Synod tháng 10/2024. Tham dự có quý cha Hạt trưởng, quý cha Trưởng Ban Mục vụ, quý tu sĩ đại diện Dòng Mến Thánh Giá Mỹ Tho, Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho và đại diện giáo dân trong Giáo phận.

Giáo phận Mỹ Tho đã chọn 3 đề tài để học hỏi và thảo luận gồm:

- Đề tài số 1: Tính Hiệp hành: Kinh nghiệm và sự hiểu biết

- Đề tài số 9: Phụ nữ trong Đời sống và Sứ vụ của Hội Thánh

- Đề tài số 14: Một cách tiếp cận và đào tạo.

Trong buổi thảo luận, mọi người cùng nêu lên những suy nghĩ và lắng nghe nhau, đóng góp cho bản Báo cáo Tổng hợp.

Buổi họp mặt dự kiến kết thúc vào lúc 12g00.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/giao-phan-my-tho-dao-sau-ban-bao-cao-tong-hop-40995.html

 
 

2. Hạt Cái Bè: Hành Hương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Lòng Thương Xót Chúa

Bài viết: Mary FX. Thúy Nga

Hình: Gioan Ngọc Linh

BTT Giáo phận

 

(WGPMT) Ngày 07.04.2024, Giáo Hạt Cái Bè hành hương Các Thánh Tử Đạo tại Trung tâm hành hương Ba Giồng và Kính Lòng Thương xót Chúa tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho.

Lúc 14g00, giáo dân từ các giáo xứ trong Giáo Hạt Cái Bè đã đến Trung tâm Hành hương Ba Giồng để kính viếng Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và các Thánh Tử Đạo. Mọi người cùng cung nghinh Cha thánh Phêrô và các Thánh Tử Đạo, lần chuỗi và hôn xương Thánh.

Sau khi kính viếng các Thánh Tử Đạo xong, mọi người di chuyển đến Trung tâm Mục vụ (TTMV) Giáo phận vào lúc 15g00.

Tại TTMV, lúc 16g15 mọi người cùng nhau đọc kinh Kính Lòng Thương xót Chúa do cha Phêrô Trần Trung Chỉnh – cha sở Giáo xứ Bà Tồn hướng dẫn.

Đỉnh cao của ngày Hành hương là thánh lễ được diễn ra lúc 17g00, do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho chủ sự. Đồng tế với ngài có quý cha Hạt trưởng: Cái Bè, Tân An cùng quý cha trong giáo phận. Hiện diện trong thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn giáo dân.

Trong bài giảng, Đức cha đã chia sẻ với cộng đoàn về cuộc đời của Thánh Giáo Hoàng Gioan II, từ khi sinh ra, lớn lên với những khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, đến cả khi thập tử nhất sinh đã luôn tín thác và được Lòng Thương xót Chúa gìn giữ. Cả cuộc đời của ngài cảm nhận được Lòng Chúa thương xót một cách cụ thể, sống động và chính ngài đã sống và chia sẻ cho anh chị em của mình. Tiếp đến, Đức cha mời gọi cộng đoàn cùng chiêm ngắm, tin tưởng và sống Lòng Chúa Thương xót. Chúa luôn yêu thương tất cả mỗi người chúng ta vì thế chúng ta hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa con tín thác vào Chúa”. Niềm tín thác sẽ đem lại bình an sâu lắng trong tâm hồn chúng ta. Cuối cùng, ngài mời gọi mọi người hãy sống và chia sẻ Lòng Thương xót Chúa đến cho anh chị em xung quanh để cuộc sống của mỗi người trở nên con đường dẫn đến hạnh phúc chân thật.

Thánh lễ tiếp tục với lời nguyện tín hữu, phần Phụng vụ Thánh Thể và kết thúc vào lúc 18g15. Mọi người ra về trong niềm vui và hân hoan vì đã kín múc nơi Lòng Chúa Thương Xót thật nhiều ơn ích cho riêng mình và mọi người.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/hat-cai-be-hanh-huong-cac-thanh-tu-dao-viet-nam-va-long-thuong-xot-chua-41004.html

 
 

3. Gx Nữ Vương Hòa Bình: Ngày Hội Ơn Gọi 

Bài viết và hình: Maria Kim Anh

BTT Gp. Mỹ Tho

(WGPMT) Sáng ngày 21.04.2024 Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình – Giáo phận Mỹ Tho tổ chức “Ngày hội ơn gọi” với ước mong lan tỏa “niềm vui tận hiến” cho các em thiếu nhi và giới trẻ.

Trong tâm tình Chúa Nhật IV Phục Sinh nhắc nhớ các linh mục, tu sĩ về ơn gọi cao cả Thiên Chúa đã ban và cũng là ngày cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Lúc 07g00 sáng ngày 21.04.2024, tại Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình (NVHB), cha Phêrô Nguyễn Hoàng Anh – cha Phó NVHB đã chủ sự thánh lễ Chúa Chiên Lành - Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, với ước mong nơi các bạn trẻ nhận ra và quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi, hiến thân trong đời sống tu trì.

Cùng hiện diện trong thánh lễ có cha Bertrand Nguyễn Thanh Hoài - Giám đốc Học viện dòng Thánh Gia, quý soeurs, quý thầy đến từ các dòng khác nhau và hơn 400 em thiếu nhi, giới trẻ và bà con giáo dân tại Nhà thờ NVHB.

Đầu lễ cha chủ tế mời gọi mọi người cùng hiệp lời cầu nguyện với quý cha, quý soeurs, quý thầy cho các bạn trẻ trong giáo xứ biết nhận ra ơn gọi của mình và can đảm dấn thân bước theo tiếng Chúa mời gọi.

Trong bài giảng cha Bertrand - Giám đốc học viện dòng Thánh Gia đã giới thiệu cho bà con giáo dân về Ơn thiên triệu, trong đó có tu triều, tu dòng nhưng tất cả đều noi gương Chúa Giê-su, vị Mục tử nhân lành: Sống, chết vì đoàn chiên của mình, biết từng con chiên và lo cho con chiên của mình được no đầy. Cha còn nói thêm, sự khác biệt nơi người chăn chiên thuê làm việc vì lương và nếu có gì trắc trở người này sẽ không thuộc về đàn chiên, sẵn sàng bỏ đàn chiên để bảo toàn sinh mạng của mình. Vì thế, chúng ta được mời gọi so sánh nhìn vào vị Mục tử nhân lành là Đức Ki-tô hay nhìn vào hình ảnh người chăn chiên thuê để từ đó rọi lại bản thân mình với tư cách là những người tín hữu lâu năm, một vài năm, những người đã sống trong niềm vui là Ki-tô hữu, tất cả chúng ta được Thiên Chúa trao phó để chăm sóc người khác, theo nghĩa rộng thì tất cả chúng ta là Mục tử. Vậy chúng ta là người Mục tử tốt hay người Mục tử xấu tùy vào sự lựa chọn của mỗi người. Có thể người cha, người mẹ là những người Mục tử tốt lành khi dám hy sinh tất cả cho gia đình, cho con cái. Một thầy cô giáo tận tụy với nghề để mong sao học sinh của mình trở thành người con ngoan, trò giỏi. Một giáo lý viên trên lớp không những truyền đạt những kiến thức giáo lý mà còn truyền tải lòng mến Chúa, yêu người cho những bạn trẻ… đó là đặc tính của người Mục tử nhân lành; đó là những mẫu mực theo gương Mục tử nhân lành là Chúa Giêsu Ki-tô. Qua đó cha mời gọi mỗi người hãy cầu nguyện thật nhiều, hãy phó thác và hãy trở thành người Mục tử nhân lành để làm tấm gương cho các em thiếu nhi, giới trẻ biết lắng nghe lời của các bậc bề trên, ba mẹ, thầy cô và các anh chị giáo lý viên trở thành con ngoan, biết tìm hiểu và nuôi dưỡng ơn gọi của mình để một ngày kia các em dấn thân vào con đường tu trì.

Sau bài giảng, cha Phó Phêrô giới thiệu 3 em nhỏ mặc phẩm phục của Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục, và Linh mục triều. Kế tiếp, các dòng tu cũng được các em nhỏ trong giáo xứ mặc tu phục minh họa cho các dòng: Dòng Thánh Gia Việt Nam, dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô, dòng Đức Bà Maria, dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn Phaolô, dòng Đaminh Mân Côi Monteils, dòng Mến Thánh Giá Mỹ Tho, dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, dòng Tiểu Muội Thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su, và cuối cùng là dòng Thánh Phao-lô Mỹ Tho. Sau đó, thánh lễ diễn ra như thường lệ và kết thúc lúc 08g15.

Sau thánh lễ, là phần giao lưu văn nghệ và học hỏi nuôi mầm ơn gọi tại hội trường của giáo xứ. Từng hội dòng giới thiệu về dòng của mình: linh đạo, điều kiện gia nhập, chương trình đào tạo…Tất cả đều được các bạn trẻ chăm chú lắng nghe và tham dự các tích cực. Ngày hội ơn gọi kết thúc lúc 11g00 mọi người ra về trong an vui với hy vọng gieo mầm ơn gọi linh mục tu sĩ nơi các bạn trẻ.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/gx-nu-vuong-hoa-binh-ngay-hoi-on-goi-41068.html

  

 

4. Gx. Thánh Giuse: Lễ đặt viên đá khởi công xây dựng nhà thờ mới

Phaolô Vũ, Đaminh Xuân

BTT Hạt Tân An – Gp. Mỹ Tho

 

(WGPMT) Lúc 09g30, thứ Ba, ngày 30.04.2024 Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng Nhà thờ Giáo xứ thánh Giuse (Vườn Chuối). toạ lạc tại ấp 5 xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.

Giáo xứ thánh Giuse đã trải qua quá trình hình thành và phát triển đầy khó khăn:

Năm 1960, cha Đaminh Khiêm đã thành lập Giáo họ Giuse với tên gọi là Dinh Điền Gò Chuối và dựng lên một nhà nguyện bằng gỗ lợp tôn. Được một thời gian không lâu, ngôi nhà nguyện bị hư hỏng nhiều do bị chiến tranh tàn phá, giáo dân bỏ đi nơi khác, chỉ còn lại số ít phải lên Giáo xứ Bắc Hoà tham dự thánh lễ.

Đến ngày 15.08.1990, thánh lễ đầu tiên được cử hành trước cửa nhà ông Trùm, cũng là ngày thành lập họ đạo.

Năm 1997, cha Đaminh Phạm Văn Khâm bắt đầu khởi công xây dựng nhà thờ với tước hiệu thánh Giuse và sau 3 năm công trình này được hoàn thành. Đến ngày 06.03.2010, Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã nâng giáo họ thành giáo xứ và đặt cha Giuse Nguyễn Minh Nhật làm cha sở với số giáo dân là 780.

Ngày 01.01.2022, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho - bổ nhiệm cha Phaolô Lê Ngọc Toàn làm Cha sở Giáo xứ Thánh Giuse.

Lúc 09g30 sáng thứ Ba, ngày 30.04.2024 Thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng nhà thờ mới được Đức Cha Phêrô chủ sự. Đồng tế trong thánh lễ có quý cha quản hạt Tân An và Mỹ Tho, quý cha trong và ngoài giáo phận; cùng sự hiện diện của quý tu sĩ, ân nhân, thân nhân, quý khách, và cộng đoàn dân Chúa đến từ nhiều giáo xứ, đặc biệt Giáo xứ Thánh Giuse và Bắc Hoà.

Sau bài giảng, Đức Cha Phêrô cử hành nghi thức làm phép diện tích xây dựng nhà thờ mới và đặt viên đá cùng với lời nguyện chúc lành của Thiên Chúa cho công trình xây dựng ngôi nhà thờ mới của giáo xứ được diễn ra từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Vị đại diện giáo xứ bày tỏ tâm tình tri ân Chúa, cám ơn Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn, cùng với tâm tình tha thiết mong nhận được sự cầu nguyện và giúp đỡ để ngôi nhà thờ mới sớm được hoàn thành.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g50.
Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/gx-thanh-giuse-le-dat-vien-da-khoi-cong-xay-dung-nha-tho-moi-41113.html



TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM

 

1. Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Toà Thánh thăm Việt Nam

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

WHĐ (03.04.2024) – Nhận lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Toà Thánh (Secretary for the Relation with States and Organization of the Holy See) sẽ thăm Việt Nam từ ngày 9 đến 14 tháng 4 năm 2024.

Trong chuyến thăm này, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chính toà Hà Nội lúc 18g30 ngày 10 tháng 4, Huế lúc 08g00 ngày 12 tháng 4, và thành phố Hồ Chí Minh lúc 17g30 ngày 13 tháng 4. Truyền thông của 3 Giáo tỉnh sẽ đưa tin và trực tuyến Thánh lễ tại Hà Nội: https://www.tonggiaophanhanoi.org; Huế: https://tonggiaophanhue.org; và Sài Gòn: https://tgpsaigon.net. Sáng ngày 14 tháng 4, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ gặp chung toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam trước khi kết thúc chuyến thăm.

Đây là chuyến thăm đầu tiên cấp Bộ trưởng Ngoại giao Toà Thánh Vatican đến Việt Nam. Dự kiến, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn vào chiều ngày 9 tháng 4; hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và chào thăm lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ vào ngày 10 tháng 4. Ngoài ra, Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng có chương trình thăm Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội, là nơi đã hợp tác y khoa với Bệnh viện Bambino Gesù của Roma từ năm 2005.

(Nguồn: WHĐ)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/duc-tong-giam-muc-paul-richard-gallagher-bo-truong-ngoai-giao-toa-thanh-tham-viet-nam-40989.html

 

 
2. Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Toà Thánh đã tới Việt Nam

WTGPHN (09.04.2024) – Vào lúc 13h15, ngày 09/4/2024, Đức Tổng Giám mục (TGM) Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, đã đặt chân tới Việt Nam. Cùng tháp tùng ngài có Đức ông John David Putzer, Thư ký Bộ Ngoại giao.

Đón tiếp Đức Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh tại sân bay Nội Bài, có Đức TGM Marek Zalewski – Đại diện thường trú của Toà thánh Vatican tại Việt Nam và Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN): Đức TGM Giu-se Nguyễn Năng, chủ tịch HĐGMVN, Đức TGM Giu-se Vũ Văn Thiên, phó chủ tịch HĐGMVN, Đức cha Giu-se Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư ký và Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, phó Tổng Thư ký HĐGMVN. Hiện diện với quý Đức cha, có quý cha, quý sơ dòng thánh Phao-lô thành Chartres và một số vị đại diện lãnh đạo Nhà nước Việt Nam.

Sau những giây phút chào thăm, phái đoàn được tháp tùng đến Tòa nhà Pan Pacific, là nơi đặt Văn phòng Đại diện thường trú Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam.

Được biết, chuyến thăm của Đức TGM Paul R. Gallagher sẽ diễn ra từ ngày 09/4 đến 14/4/2024. Theo chương trình, vào lúc 17h00 cùng ngày, Đức TGM Gallagher sẽ tới gặp gỡ và trao đổi với ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam để mở đầu cho chuyến thăm này.

Trong chuyến thăm này, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ cử hành Thánh lễ tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội lúc 18h30 ngày 10 tháng 4, tại Huế lúc 8h00 ngày 12 tháng 4, và thành phố Hồ Chí Minh lúc 17h30 ngày 13 tháng 4. Sáng ngày 14 tháng 4, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ gặp chung toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam trước khi kết thúc chuyến thăm.

Ước mong chuyến thăm của Đức TGM Gallagher sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp trong mối bang giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/duc-tong-giam-muc-paul-richard-gallagher-bo-truong-ngoai-giao-toa-thanh-da-toi-viet-nam-41014.html

 

 

3. Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican thăm Trung tâm quốc tế – Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội

Ban Truyền Thông Tổng Giáo Phận Hà Nội

WTGPHN (11.04.2024) – Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, sáng thứ Năm, 11/4/2024, Đức Tổng Giám mục (TGM) Paul Richard Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại giao Tòa Thánh đã có chuyến thăm tại Trung tâm Quốc tế – Bệnh viện Nhi Trung ương.

Cùng đi với ngài có Đức Tổng Giám mục (TGM) Marek Zalewski – Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam, Đức ông John David Putzer, thư ký Bộ Ngoại giao, cha Giu-se Đào Nguyên Vũ, chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam và cha Al-phong-sô Phạm Hùng, chánh Văn phòng Tòa Giám mục Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Vào lúc 8h20, Đức TGM Paul Richard Gallagher đã có buổi gặp gỡ các bác sĩ tại Trung tâm Quốc tế – Bệnh viện Nhi Trung Ương (18/879 La Thành, Đống Đa, Hà Nội).

Sau lời chào mừng, ông Trần Minh Điển, Phó giáo sư Tiến sĩ – Giám đốc bệnh viện, đã trình bày những chương trình hợp tác giữa Bệnh viện Nhi Trung ương với Bệnh viện Bambino Gesù của Rô-ma từ năm 2005. Cùng với đó, ông cũng cho biết những thành quả mà Bệnh viện đã đạt được trong thời gian qua.

Đáp từ, Đức TGM Paul Richard Gallagher bày tỏ niềm vui vì sự hợp tác của hai bên trong một khoảng thời gian lâu dài. Ngài nói, các em cần được sự quan tâm và chăm sóc của tất cả chúng ta. Ngài cũng chúc mừng về những thành quả mà bệnh viện đã đạt được. Ngài hy vọng hai bên sẽ tiếp tục cộng tác với nhau về các lãnh vực chuyên môn. Nhân chuyến thăm, Đức TGM Gallagher cũng gửi tặng bệnh viện 50 xuất quà cho những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Kết thúc chuyến thăm tại Bệnh viện nhi Trung ương, Đức TGM Gallagher ghé thăm Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/bo-truong-ngoai-giao-toa-thanh-vatican-tham-trung-tam-quoc-te--benh-vien-nhi-trung-uong-tai-ha-noi-41019.html

 

 

4. Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher và phái đoàn Ngoại giao Tòa Thánh đến Tổng Giáo phận Huế

Ban Truyền Thông Tổng Giáo phận Huế

WTGPH (11.04.2024) – Vào lúc 18g10 chiều ngày 11.4.2024, Phái đoàn Ngoại giao Tòa Thánh do Đức TGM Paul Richard Gallagher – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn đã đáp chuyến bay đến sân bay Quốc tế Phú Bài, bắt đầu chuyến thăm Tổng Giáo phận Huế. Cùng đi, có Đức TGM Marek Zaleswki – Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam, Đức Ông John David Putzer – Thư ký Bộ Ngoại giao, Cha Giuse Đào Nguyên Vũ – Chánh Văn phòng HĐGM Việt Nam.

Đón phái đoàn tại sân bay, có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Tổng Giám mục TGP Huế, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – Tổng Giám mục Phó TGP Huế, Đức Ông Antôn Dương Quỳnh – Tổng Đại diện, Đức Ông Giuse Nguyễn Văn Chánh – Đại diện Giám mục, cùng quý Cha, quý Thầy trong Tổng Giáo phận và một số anh chị em giáo dân.

Sau những giây phút chào thăm, phái đoàn được tháp tùng về Tòa Tổng Giám mục Huế.

Trong 2 ngày tại Tổng Giáo phận Huế, phái đoàn thăm Đại Chủng viện Huế vào tối 11.4. Sang ngày 12.4, Đức TGM Bộ trưởng sẽ chủ tế Thánh lễ đồng tế tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam lúc 08g00, sau đó thăm Dòng Mến Thánh Giá Huế. Chiều cùng ngày, phái đoàn kết thúc chuyến thăm TGP Huế và tiếp tục hành trình đến thăm Giáo phận Đà Nẵng.

Ước mong chuyến viếng thăm TGP Huế của phái đoàn Ngoại giao Tòa Thánh sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, thúc đẩy tình hiệp thông của TGP Huế với Đức Thánh Cha và Hội Thánh hoàn vũ.

Nguồn: tonggiaophanhue.org

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/duc-tong-giam-muc-paul-richard-gallagher-va-phai-doan-ngoai-giao-toa-thanh-den-tong-giao-phan-hue-41021.html

 

 

5. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher

Nguyễn Lê

Ngày 09/4/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có cuộc tiếp Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican.

Từ ngày 09-14/4/2024, Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher đến thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên cấp Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican đến Việt Nam.

Trong thời gian qua, Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã có mối quan hệ phát triển tích cực, thông qua việc duy trì tiếp xúc cấp cao và triển khai hiệu quả cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican.

Tháng 7/2023, hai bên thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong bối cảnh quan hệ hai bên phát triển tích cực, là kết quả của quá trình trao đổi trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.

Tháng 12/2023, Giáo hoàng Francis bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zelewski làm Đại diện Thường trú đầu tiên của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, đưa quan hệ hai bên bước sang giai đoạn mới.

Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo, trong đó có Công giáo.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Giám mục Gallagher dự kiến sẽ hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và chào thăm lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Ngoài ra, Tổng Giám mục Gallagher sẽ có chương trình thăm Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội, nơi đã có hợp tác y khoa với Bệnh viện Bambino Gesù của Roma từ năm 2005.

Trong chuyến thăm này, Tổng Giám mục Gallagher sẽ cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh; gặp chung toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam trước khi kết thúc chuyến thăm.

Nguồn: btgcp.gov.vn (10.04.2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/bo-truong-ngoai-giao-bui-thanh-son-tiep-bo-truong-ngoai-giao-toa-thanh-vatican-tong-giam-muc-paul-richard-gallagher-41020.html

 
 

6. Bộ Trưởng Phạm Thị Thanh Trà Tiếp Bộ Trưởng Ngoại Giao Toà Thánh Vatican Thăm Việt Nam

Nguyễn Xuân Thắng
Thuận Nghiên

Ngày 10/4/2024, tại trụ sở Bộ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã tiếp Tổng Giám mục Gallagher Paul Richard, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh Vatican đang trong chuyến thăm Việt Nam.

Cùng đi với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh Vatican có Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam; Tổng Giám mục Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Giám mục Vũ Văn Thiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội; Giám mục Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giáo phận Phan Thiết; Giám mục Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh; Linh mục Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Tham dự buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh Vatican có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng; Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh; Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc; Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Chu Tuấn Tú; Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng.

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chào mừng Tổng giám mục Paul Richard Gallagher lần đầu tiên đến thăm Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, là dịp để Bộ trưởng chứng kiến sự phát triển năng động của Việt Nam, cũng như đời sống tôn giáo phong phú, sôi động của cộng đồng Công giáo tại Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin tới Bộ trưởng Paul Richard Gallagher một số thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian gần đây, đồng thời khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; dành sự quan tâm và tạo thuận lợi cho các tôn giáo, trong đó có Công giáo, hoạt động và phát triển theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Đánh giá cao những đóng góp của Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng như của các tín đồ Công giáo Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó tôn giáo là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ mong muốn cộng đồng Công giáo Việt Nam tiếp tục phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của Công giáo trong đời sống xã hội, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển và thịnh vượng của đất nước Việt Nam và Giáo hội Công giáo theo tinh thần “đồng hành cùng dân tộc”, “giáo dân tốt là công dân tốt".

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định mối quan hệ Việt Nam – Tòa thánh Vatican đang phát triển tốt đẹp, thể hiện qua các chuyến thăm, tiếp xúc Lãnh đạo cấp cao và nhất là việc hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam đề nghị hai bên tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động trao đổi, tiếp xúc và cơ chế đối thoại; phát huy vai trò kết nối của Đại diện Thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam; nhấn mạnh Bộ Nội vụ cùng các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam sẽ tạo điều kiện để Đại diện Thường trú Tòa thánh Vatican hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, góp phần đưa quan hệ Việt Nam – Tòa thánh Vatican ngày càng phát triển trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi tiếp, Tổng giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh bày tỏ ấn tượng và chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; vui mừng chứng kiến Giáo hội Công giáo Việt Nam phát triển, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt trong giai đoạn Đại dịch Covid-19 và tin tưởng cộng đồng Công giáo Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa trong công cuộc phát triển đất nước Việt Nam.

Chia sẻ đánh giá của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà về quan hệ Việt Nam – Tòa thánh Vatican đang phát triển tốt đẹp, Bộ trưởng Paul Richard Gallagher nhất trí thúc đẩy các tiếp xúc, trao đổi, tăng cường hợp tác hai bên thông qua Đại diện thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam cùng mong muốn các cơ quan, địa phương Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đại diện thường trú Tòa thánh và bày tỏ tin tưởng quan hệ hai bên sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến quan trọng.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/bo-truong-pham-thi-thanh-tra-tiep-bo-truong-ngoai-giao-toa-thanh-vatican-tham-viet-nam-41028.html

 

 

7. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh Vatican Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher

Minh Lan

Chiều ngày 10/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh Vatican đang có chuyến thăm Việt Nam.

Tham gia buổi tiếp có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng; Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc.

Đi cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh có Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Thường trú Tòa thánh Vatican; Tổng Giám mục Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh; các tổng giám mục, giám mục, linh mục của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh Vatican thăm Việt Nam và đánh giá chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh, nhất là sau khi thiết lập Đại diện Thường trú tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng Công giáo Việt Nam góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam - Tòa thánh Vatican đang phát triển tích cực. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh Vatican sẽ thành công tốt đẹp. Đây là dịp để Bộ trưởng thăm ba Tổng Giáo phận, chứng kiến tận mắt sự phát triển của cộng đồng Công giáo Việt Nam.

Trao đổi về tình hình tôn giáo tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, trong đó cộng đồng Công giáo với hơn 7,2 triệu tín đồ, đồng thời, khẳng định Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người với hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng hoàn thiện, bảo đảm hành lang pháp lý cho các hoạt động tôn giáo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn cộng đồng Công giáo Việt Nam phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu Nước”, sống “tốt đời đẹp đạo”, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; Giáo hội Công giáo Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống tốt đẹp gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng chia sẻ về những thành tựu phát triển của Việt Nam với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, củng cố đại đoàn kết dân tộc, trong đó có cộng đồng Công giáo, lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của sự phát triển.

Bày tỏ vui mừng về quan hệ Việt Nam - Tòa thánh có nhiều tiến triển trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc hai bên tích cực duy trì trao đổi, tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao cũng như kết quả hoạt động của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican. Trong thời gian qua, chính quyền các cấp và địa phương Việt Nam đã tạo thuận lợi cho hoạt động của Đại diện Thường trú Tòa thánh. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng việc hai bên nâng cấp quan hệ lên Đại diện Thường trú là dấu mốc quan trọng và là kết quả của quá trình trao đổi tích cực trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời, thể hiện Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher cảm ơn lời chúc mừng nhân dịp mùa Phục sinh và lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Giáo hoàng Francis và của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi Thủ tướng Hồng y Pietro Parolin. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Paul Richard Gallagher bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của Việt Nam, tự hào có đóng góp của cộng đồng Công giáo Việt Nam và tin tưởng rằng cộng đồng Công giáo mong muốn và có khả năng đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai bên thông qua việc duy trì các tiếp xúc cấp cao, cũng như vai trò tích cực của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican và mong muốn hai bên sớm tổ chức kỳ họp thứ 11 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Paul Richard Gallagher bày tỏ cảm ơn các cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động của Đại diện Thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được Giáo hoàng Francis giao phó và tin tưởng với sự hiểu biết lẫn nhau, đối thoại chân thành, quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican sẽ đạt được những tiến triển mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhất trí với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Paul Richard Gallagher về việc tiếp tục thúc đẩy các tiếp xúc cấp cao trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Giáo hoàng Francis.

Nhân dịp này Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh Paul Richard Gallagher chuyển lời thăm hỏi của Giáo hoàng Francis tới Lãnh đạo Việt Nam và chuyển lời mời thăm Vatican của Thủ tướng Hồng y Pietro Parolin tới Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nguồn: btgcp.gov.vn

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-tiep-bo-truong-bo-ngoai-giao-toa-thanh-vatican-tong-giam-muc-paul-richard-gallagher-41029.html

 

 

8. Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, Đến Tổng Giáo Phận Sài Gòn

Ban Truyền thông Tổng Giáo phận Sài Gòn

WGPSG (13.04.2024) – Đức Tổng Giám mục (TGM) Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh đã đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất - Tp HCM, vào lúc 13g20 thứ Bảy ngày 13.04.2024. Đây là hành trình của ngài trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, qua 3 Giáo tỉnh: Hà Nội, Huế và Sài Gòn.

Tháp tùng ngài có Đức TGM Marek Zalewski - Đại diện thường trú của Tòa Thánh Vatican tại Việt NamĐức Ông John David Putzer - Thư ký Bộ Ngoại giao, Linh mục (Lm) Giuse Đào Nguyên Vũ - Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam.

Đón phái đoàn tại sân bay, có Đức TGM Giuse Nguyễn Năng - Tổng Giám mục TGP Sài Gòn kiêm Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân - Tổng Đại diện, Lm Phaolô Vũ Đỗ Anh Khoa - Chưởng Ấn Tòa Giám mục Sài Gòn.

Sau những giây phút chào thăm, phái đoàn được tháp tùng về toà nhà Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam trong niềm vui đón tiếp của các linh mục, nữ tu và nhân viên đang làm việc tại văn phòng HĐGMVN.

Trong chiều cùng ngày, Đức TGM Gallagher sẽ di chuyển từ Văn phòng HĐGM Việt Nam đến nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn để dâng Thánh lễ lúc 17g30.

Vào lúc 10g Chúa nhật 14.04.2024, Đức TGM Gallagher sẽ gặp chung toàn thể HĐGM Việt Nam tại Văn phòng HĐGM Việt Nam.

Sau đó, Đức TGM Gallagher sẽ di chuyển từ Văn phòng HĐGM Việt Nam đến sân bay Tân Sơn Nhất để về Hà Nội, kết thúc chuyến thăm Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Buổi tối cùng ngày, ĐGM Gallagher sẽ rời Hà Nội, kết thúc chuyến viếng thăm Việt Nam.

Nguồn: tgpsaigon.net

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/duc-tong-giam-muc-paul-richard-gallagher-bo-truong-ngoai-giao-toa-thanh-den-tong-giao-phan-sai-gon-41037.html

 
 

9. Lời Chào mừng Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng

Trọng kính Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng của Toà Thánh, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Ông John David Putzer, Thư ký của Văn phòng Quốc Vụ khanh.

Sau khi thăm viếng các giáo tỉnh Hà Nội và Huế, hôm nay Đức Tổng đã đến Giáo tỉnh Sài Gòn. Đức Tổng đã đi dọc theo chiều dài đất nước, qua miền bắc và miền trung, để hôm nay đến miền nam Việt Nam thăm giáo tỉnh Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên một Bộ trưởng Ngoại giao của Toà Thánh đến Việt Nam. Chuyến viếng thăm của Đức Tổng biểu lộ tình thương yêu và sự gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Hội Thánh Việt Nam. Cộng đoàn Dân Chúa hân hoan chào đón Đức Tổng.

Giáo tỉnh Sài Gòn có 10 giáo phận, có các Giám mục của các giáo phận đang hiện diện nơi đây, với dân số hơn 40 triệu người (gần ½ dân số Việt Nam), 2/3 sống tại nông thôn với mức sống trung bình hoặc nghèo.

Số tín hữu Công giáo trong 10 giáo phận miền nam là 3.675.000 (½ tín hữu Công giáo tại Việt Nam), chưa kể rất đông các tín hữu lưu động chưa thể thống kê. Tỷ lệ người Công giáo trong các giáo phận không đồng đều: Xuân Lộc 27%; Sài Gòn 8,5%; các giáo phận khác: 2-5%.

Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, thống kê chính thức có 9 triệu người, nhưng trên thực tế còn có khoảng 3 triệu di dân đến từ các tỉnh khác. Tổng cộng khoảng 12 triệu dân, trong đó có gần 1 triệu tín hữu Công giáo (tỷ lệ 8,5%). Hằng năm có nhiều tân tòng trưởng thành: năm 2022, có 5.745 người lớn gia nhập Hội Thánh, rất nhiều người trong số đó theo đạo không phải vì lý do kết hôn.

Dân Chúa trong tổng giáo phận mang đặc tính Giáo hội phổ quát. Ngoài 388 linh mục giáo phận, còn có 580 linh mục và gần 8.000 tu sĩ nam và nữ thuộc 180 dòng tu, dòng Giáo hoàng và dòng giáo phận. Xét theo nhiều phương diện, Sài Gòn là trung tâm lớn nhất Việt Nam, là đầu tàu của cả nước trong các lãnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, nên cũng là nơi qui tụ mọi thành phần trong xã hội, có cả nhiều người nước ngoài đến đây làm việc và tham gia vào các sinh hoạt Hội Thánh.

Người Sài Gòn năng động, cởi mở, siêng năng làm việc, có óc sáng tạo, sống vui tươi hài hoà với mọi thành phần trong xã hội. Có nhiều người giàu, nhưng cũng có nhiều gia đình nghèo, đặc biệt là các anh chị em di dân. Vì thế chúng con đã thực hành hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam, là “thực thi đức ái, ngay cả với những anh chị em không cùng niềm tin, bằng cách quan tâm chăm sóc những người yếu kém và những người cùng khổ nhất”, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại trong Thư ngài gửi cho Dân Chúa tại Việt Nam.

Đặc biệt trong năm 2021, thời gian cao điểm của đại dịch COVID-19, tất cả các giáo xứ và dòng tu đã hăng say và quảng đại giúp đỡ lương thực cho người dân tại các khu xóm trong cả thành phố; nhất là đã có khoảng 1.000 linh mục, tu sĩ nam nữ đã tình nguyện vào các bệnh viện để phục vụ các bệnh nhân covid, bất chấp nguy hiểm tới mạng sống, phục vụ hăng say, tận tình, vui tươi, vô vị lợi. Điều này đã tạo nên sự mến phục không phải chỉ nơi các bệnh nhân và các y bác sĩ, mà còn nơi các vị lãnh đạo chính quyền cũng như các thành phần khác trong xã hội.

Tương quan giữa người Công giáo và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, công cuộc đối thoại ngày càng thuận lợi hơn, vì chúng con đã chứng tỏ mình “là những tín hữu có trách nhiệm và đáng tin”, “đã đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế, để thể hiện căn tính của mình là người Kitô hữu tốt và là công dân tốt” (Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Dân Chúa tại Việt Nam).

Chúng con tin rằng chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức Tổng sẽ đem lại sự khích lệ lớn lao để chúng con tiếp tục nhiệt thành làm chứng cho đức ái, nhờ đó chúng con giới thiệu Chúa cho mọi người và góp phần Phúc Âm hoá xã hội.

Qua Đức Tổng, chúng con kính dâng lên Đức Thánh Cha Phanxicô lòng vâng phục và yêu mến chân thành. Kính chúc Đức Tổng được muôn phúc lành của Chúa để hoàn hành tốt đẹp sứ vụ trong Hội Thánh hoàn vũ.

Nguồn: tgpsaigon.net

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/loi-chao-mung-duc-tong-giam-muc-ngoai-truong-toa-thanh-cua-duc-tong-giam-muc-giuse-nguyen-nang-41036.html

 

 

10. Ngoại Trưởng Tòa Thánh Paul Richard Gallagher Chủ Sự Thánh Lễ Tại Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn

WGPSG (13.04.2024) – Hòa chung niềm vui với toàn thể Giáo hội mừng Chúa Kitô Phục sinh, Đức Tổng Giám mục (TGM) Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh Vatican, đã chủ sự Thánh lễ trọng thể cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo vào lúc 17g30 thứ Bảy 13.04.2024 tạinhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn.

Đồng tế với ngài, có Đức TGM Marek Zalewski - Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM), Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Tổng Thư ký HĐGM, các Đức Giám mục trong Giáo tỉnh Sài Gòn, Đức Ông John David Putzer - Thư ký Bộ Ngoại giao, linh mục (Lm) Ignatio Hồ Văn Xuân - Tổng Đại diện TGP Sài Gòn, Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ - Chánh Văn phòng HĐGM - cùng các linh mục trong ban Tư vấn và các linh mục hạt trưởng của TGP Sài Gòn.

Tham dự Thánh lễ có rất đông tu sĩ và giáo dân trong và ngoài TGP Sài Gòn.

Trước Thánh lễ, lúc 17g, Đức TGM Paul Richard Gallagher và phái đoàn đã đến Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà và có ít phút thinh lặng cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ.

Sau đó, phái đoàn đến trước tiền đường Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà lắng nghe Lm Ignatio và ban trùng tu Nhà Thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn trình bày về công trình trùng tu rất kỹ lưỡng này.

Lúc 17g30, Thánh lễ bắt đầu với phần giới thiệu và chào mừng của Đức TGM Giuse Nguyễn Năng gửi đến phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh. Đức TGM Giuse khẳng định chuyến thăm này biểu lộ tình thương yêu và sự gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Hội Thánh Việt Nam. Ngài cũng trình bày về tình hình và sinh hoạt mục vụ của Giáo tỉnh Sài Gòn.

Trong bài giảng lễ, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Giáo phận Mỹ Tho - đã chia sẻ cùng cộng đoàn về sự đồng hành, hiệp thông trong Giáo hội, đặc biệt là sự đồng hành của Tòa Thánh đối với Giáo hội Việt Nam qua sự hiện diện của vị đại diện thường trú và Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh hôm nay. Để kết thúc, ngài mời gọi cộng đoàn “vượt qua tính kiêu căng, ích kỷ để đến với nhau mà làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu Phục sinh.”

Thánh lễ được tiếp nối với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Cuối Thánh lễ, Đức TGM Gallagher đã có lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã tham dự Thánh lễ chiều nay. Ngài chia sẻ: “Tôi đến Việt Nam nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi có kinh nghiệm quý báu về đời sống đức tin của anh chị em. Chúc đời sống đức tin của anh chị em ngày càng phong phú để làm chứng cho Chúa.”

Thánh lễ kết thúc lúc 18g50 cùng ngày trong niềm hân hoan, được diễn tả cách đặc biệt trong tấm hình chụp chung của các Giám mục và linh mục với Đức TGM Gallagher.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/ngoai-truong-toa-thanh-paul-richard-gallagher-chu-su-thanh-le-tai-nha-tho-chinh-toa-duc-ba-sai-gon-41038.html

 

 

11. Ngày Cuối Chuyến Viếng Thăm Của Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher Tại Việt Nam

WHĐ (14.04.2024) – Vào lúc 10g00 Chúa nhật 14.04.2024, Đức Tổng Giám mục (TGM) Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh đã tiếp kiến Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) tại phòng họp lầu 2 của tòa nhà Văn phòng HĐGMVN.

Đức TGM Giuse Nguyễn Năng - Chủ tịch HĐGMVN - đã trân trọng chào mừng Đức TGM Paul Richard Gallagher - Bộ Trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, Đức TGM Marek Zalewski - Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, và Đức ông John David Putzer.

Vào lúc 12g45, Đức TGM Paul Richard Gallagher cùng phái đoàn ngoại giao Tòa Thánh đã nói lời cảm ơn và tạm biệt các linh mục và nhân viên văn phòng HĐGMVN.

Cuối cùng, vào lúc 19g30, Đức TGM Paul Richard Gallagher và Đức Ông John David Putzer sẽ khởi hành trở về lại Rôma trên chuyến bay QR977, kết thúc chuyến viếng thăm Việt Nam.

Bài & Ảnh: Truyền thông HĐGMVN

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/ngay-cuoi-chuyen-vieng-tham-cua-duc-tong-giam-muc-paul-richard-gallagher-tai-viet-nam-41039.html

 

 

12. Giáo Phận Vĩnh Long Chào Đón Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Tham Dự Hội Nghị Thường Niên Kỳ I - 2024

Ban Truyền thông Giáo phận Vĩnh Long


WHĐ (15.04.2024) - Lúc 15g00, ngày 14/4/2024, Giáo phận Vĩnh Long hân hoan chào đón quý Đức Hồng Y, quý Đức Cha thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đến Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận dự Hội Nghị Thường Niên Hội đồng Giám mục Việt Nam kỳ họp lần thứ I năm 2024 và khánh Thành Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận, thời gian diễn ra từ ngày 14-18/4/2024. Đây là niềm vui lớn lao cho gia đình Giáo phận khi có một nơi để tổ chức các sự kiện lớn như tĩnh tâm, thường huấn linh mục, hội họp các đoàn thể cấp Giáo phận.

Lúc 18g00, ngày 14/4/2024, Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Tổng Đại Diện Giáo Phận Vĩnh Long, chào mừng quý Đức Hồng Y, quý  Đức Cha, quý Cha trong ban thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam tại phòng khách và giới thiệu với quý Đức Cha đôi nét về Giáo phận Vĩnh Long và Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận.

Tiếp đến, Đức Cha Phêrô Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long có đôi lời chào mừng và cảm ơn Đức Hồng Y, quý Đức Cha và tất cả mọi người đang hiện diện. Buổi chào đón kết thúc với giờ cơm tối.

Cầu chúc cho Hội nghị thường niên kỳ I/2024 của Hội đồng Giám mục Việt Nam diễn ra tốt đẹp với nhiều ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh.

(Nguồn WHĐ)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/giao-phan-vinh-long-chao-don-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-tham-du-hoi-nghi-thuong-nien-ky-i---2024-41041.html

 
 

13. Hội Đồng Giám Mục Khai Mạc Hội Nghị Thường Niên Kỳ I/2024

WHĐ (15.04.2024) – Trước khi khai mạc Hội nghị thường niên, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã tiếp đón và trao đổi với phái đoàn ngoại giao Toà Thánh do Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher dẫn đầu đến thăm Văn phòng HĐGM nhân dịp kết thúc chuyến thăm Việt Nam từ ngày 9 đến 14 tháng 4 năm 2024.

Sáng hôm nay, ngày 15 tháng 4, trước phiên họp khai mạc Hội nghị đã cử hành Phụng vụ Kinh Sáng trước khi dâng Thánh lễ do Đức cha  Chủ tịch HĐGM, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chủ sự.

Xin cộng đoàn Dân Chúa cầu nguyện cho Hội nghị của HĐGM được tràn đầy ơn Chúa và đong đầy hoa trái mục vụ cho Dân Chúa tại Việt Nam.

 Hình ảnh: Truyền thông Giáo phận Vĩnh Long

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hoi-dong-giam-muc-khai-mac-hoi-nghi-thuong-nien-ky-i2024-41043.html

 

 

14. Hội Nghị Thường Niên Hội Đồng Giám Mục Kỳ I/2024: Ngày II

WHĐ (16.04.2024) – Ngày làm việc thứ II của Hội nghị bắt đầu với cử hành Phụng vụ Kinh Sáng và Thánh lễ do Đức  Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên chủ tế.

Trong bốn phiên họp hôm nay, Hội nghị đã thảo luận về thủ tục hôn phối để biểu quyết một số quy định chung cho 27 giáo phận; góp ý đề án thành lập Trung tâm hành hương kính Các Thánh Tử đạo tại Việt Nam; trao đổi về kế hoạch nhân sự và cơ sở của Học viện Công giáo Việt Nam; lắng nghe Uỷ ban Giáo dân phúc trình về chương trình đào tạo giáo dân, Uỷ ban Mục vụ Di dân phúc trình về nhu cầu kết nối mục vụ của các cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Nhật, nhu cầu mục vụ của cộng đoàn Công giáo Nhật tại Việt Nam, cũng như nhu cầu cử hành bí tích cho các tín hữu Việt Nam tại Kuala Lumpur, Malaysia; xem giới thiệu chương trình đào tạo về đồng hành thiêng liêng của Trung tâm Linh đạo I-nhã Đắc Lộ (Dòng Tên).

Hội nghị cũng bàn thảo về nhu cầu truyền  thông và những quan tâm về truyền thông số trong bối cảnh hiện nay.

Đức Tổng Giám mục Giuse Đặng Đức Ngân đã chủ sự Chầu Thánh Thể trước khi toàn thể Hội đồng Giám mục cử hành Phụng vụ Giờ Kinh Tối kết thúc ngày làm việc thứ II.

Hình ảnh: Ban Truyền thông Giáo phận Vĩnh Long

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hoi-nghi-thuong-nien-hoi-dong-giam-muc-ky-i2024-ngay-ii-41053.html

 

 

15. Hội Nghị Thường Niên Hội Đồng Giám Mục Kỳ I/2024: Ngày III

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

WHĐ (17.04.2024) – Bắt đầu ngày làm việc thứ III, Hội nghị đã cử hành Phụng vụ Giờ Kinh Sáng, tiếp theo là Thánh lễ do Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế.

Cuối ngày, Hội nghị đã cử hành Phụng vụ Giờ Kinh Chiều, sau đó, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski đã chủ sự Chầu Thánh Thể. 

Sáng mai, 18/4/2024, toàn thể Hội đồng Giám mục sẽ hiệp thông với Giáo phận Vĩnh Long cử hành nghi thức làm phép Trung tâm Mục vụ và dâng Thánh lễ. Hội nghị thường niên Hội đồng Giám mục kỳ II/2024 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao, Giáo phận Phan Thiết, từ ngày 16 đến 20 tháng 9 năm nay.

(Nguồn: WHĐ)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hoi-nghi-thuong-nien-hoi-dong-giam-muc-ky-i2024-ngay-iii-41057.html

 

 

16. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Biên Bản Hội Nghị Thường Niên Kỳ I Năm 2024

Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, từ ngày 14 đến 18 tháng 4 năm 2024. Tham gia Hội nghị có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và 29 Giám mục đang phục vụ tại 27 giáo phận tại Việt Nam.

Trong Hội nghị lần này, Hội đồng Giám mục hân hoan chào đón và lắng nghe chia sẻ của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh thường trú tại Việt Nam. Đức Tổng Giám mục Marek đã chia sẻ về kết quả chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh; những hy vọng về mối quan hệ giữa Toà Thánh và Việt Nam; dự kiến chuyến thăm Việt Nam của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh và khả năng viếng thăm Việt Nam của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài cũng cập nhật một số thông tin của Toà Thánh trong thời gian vừa qua và một số thủ tục hành chính cần lưu ý.

Trong Hội nghị, Hội đồng Giám mục đã:

1. Lắng nghe thông tin về các bước chuẩn bị cho kỳ họp Đại hội lần thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 10 năm 2024;

2. Phê chuẩn bản dịch Việt ngữ “Các sách Ngôn sứ” theo đề nghị của Ủy ban Kinh Thánh;

3. Thảo luận và định hướng áp dụng “Các Quy tắc đạo đức ứng xử trong mục vụ liên quan đến trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương”;

4. Thiết lập “Tiểu ban Tư vấn Bảo vệ trẻ vị thành niên” trực thuộc Hội đồng Giám mục và trao cho Đức Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ, Giám mục Giáo phận Nha Trang làm trưởng Tiểu ban;

5. Đề cử Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, làm Viện Trưởng Học viện Công giáo Việt Nam thay cho Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo xin từ nhiệm vì lý do sức khoẻ;

6. Thảo luận và ban hành “Những Quy định về thủ tục Hôn phối áp dụng cho toàn Giáo hội Việt Nam”;

7. Thảo luận và biểu quyết nâng Trung tâm Hành hương kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tại Sở Kiện thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội thành “Trung tâm Hành hương toàn quốc kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam”;

8. Thảo luận về Trung tâm Bồi dưỡng Giáo sĩ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và tuyên ngôn Fiducia Supplicans của Bộ Giáo lý Đức tin;

9. Lắng nghe chia sẻ về hoạt động của các Uỷ ban Giáo dân, Uỷ ban Mục vụ Di dân, Uỷ ban Loan báo Tin Mừng, và Văn phòng Đối thoại Liên tôn.

Hội đồng Giám mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến 20 tháng 9 năm 2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, Giáo phận Phan Thiết.

Hội nghị kết thúc trong niềm vui cùng Giáo phận Vĩnh Long khánh thành Trung tâm Mục vụ sáng ngày 18 tháng 4 năm 2024.

 

Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, ngày 18 tháng 4 năm 2024

Tổng Thư ký

(đã ấn ký)

+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Giáo phận Phan Thiết

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-bien-ban-hoi-nghi-thuong-nien-ky-i-nam-2024-41058.html

 

 

17 Quy Định Về Thủ Tục Hôn Phối Áp Dụng Cho Toàn Giáo Hội Tại Việt Nam

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

 

QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HÔN PHỐI

ÁP DỤNG CHO TOÀN GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM

 

Để giúp các mục tử và các đôi bạn chu toàn thủ tục hôn phối theo giáo luật và phù hợp với thực tế, trong Hội nghị kỳ 1/2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, Hội đồng Giám mục Việt Nam ban hành quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo Hội tại Việt Nam:

I. Năng quyền chứng hôn và ủy quyền chứng hôn

Điều 1

Đấng Bản quyền địa phương và cha sở, do chức vụ, có năng quyền chứng hôn thành sự trong giới hạn địa hạt của mình.

Muốn chứng hôn ngoài địa hạt của mình, cần phải được sự ủy quyền của cha sở nơi mà đôi bạn có ý định xin cử hành.

Điều 2

Việc uỷ nhiệm năng quyền chứng hôn, để hữu hiệu, phải được minh nhiên ban cho những người nhất định. Nếu là uỷ quyền riêng biệt, thì phải xác định rõ đôi hôn nhân nào; còn nếu là uỷ quyền tổng quát, thì phải ban bằng văn bản mới hiệu lực.

II. Quyền chứng hôn và nhiệm vụ chứng hôn của cha sở

Điều 3

Để cha sở chứng hôn hợp luật, phải có ít là một trong đôi bạn đã cư ngụ trong giáo xứ của mình được một tháng. Nếu không, cha sở phải xin phép Đấng Bản quyền riêng hoặc cha sở riêng của một trong đôi bạn. Trong trường hợp này, Đấng Bản quyền riêng hoặc cha sở riêng chỉ “cho phép” chứ không “ủy quyền”.

Điều 4

Khi một trong đôi bạn xin được kết hôn trong giáo xứ mà người ấy có cư sở hay thường trú, cha sở buộc phải chứng hôn cho họ, không được từ chối, vì chứng hôn là một trong những nhiệm vụ được ủy thác đặc biệt cho cha sở.

Khi một người xin kết hôn trong giáo xứ nơi họ không có cư sở, chỉ có bán cư sở hoặc chỉ mới cư ngụ được một tháng, cha sở nên chấp nhận chứng hôn cho họ.

Để chứng hôn cho người không có cư sở hay bán cư sở ở bất cứ nơi nào, cần phải có phép của Đấng Bản quyền địa phương nơi cử hành kết hôn.

Điều 5

Cư sở hay bán cư sở của giáo dân không tùy thuộc vào sự đăng ký - nhập vào một giáo xứ, nhưng tùy thuộc “ý định” hoặc “thời gian” cư ngụ của họ. Việc không đăng ký vào giáo xứ hoặc việc vắng mặt quá lâu khỏi giáo xứ không phải là lý do để cha sở phủ nhận việc thủ đắc cư sở hoặc từ chối nghĩa vụ chứng hôn.

III. Nhiệm vụ thiết lập hồ sơ, điều tra, rao báo

Điều 6

Cha sở nơi cử hành chứng hôn có nhiệm vụ thiết lập hồ sơ và điều tra hôn phối.

Trong trường hợp bất khả kháng, cha sở có thể nhờ một linh mục có khả năng thực hiện giúp, có thể là cha sở của bên nam hoặc bên nữ, hoặc nơi mà một trong đôi bạn đã cư ngụ được một tháng.

Điều 7

Khi cả đôi bạn đều có cư sở ở nước ngoài nhưng muốn kết hôn tại Việt Nam, cha sở tại Việt Nam có thể áp dụng như sau:

Hoặc cha chấp nhận đảm nhận chứng hôn cho họ và chu toàn tất cả các quy định về thủ tục hôn phối.

Hoặc cha yêu cầu họ xin một cha sở của một bên ở nước ngoài đảm nhận chu toàn các quy định về thủ tục hôn phối, và gửi lại cho cha giấy xác nhận là không có gì cản trở (nihil obstat) cho việc kết hôn thành sự và hợp luật.

IV. Giới thiệu kết hôn

Điều 8

Khi tín hữu thuộc giáo xứ mình cử hành kết hôn ở một giáo xứ khác, cha sở có nghĩa vụ cấp giấy giới thiệu, trong đó chỉ ra những nơi mà người đó đã cư ngụ, và cấp chứng thư Rửa tội và Thêm sức.

Nếu không thể tìm thấy trong sổ hoặc có được chứng thư Rửa tội hay Thêm sức, cha sở có thể chứng nhận dựa theo lời tuyên bố của một nhân chứng đáng tin cậy hay lời thề của chính người đã được rửa tội, nếu họ đã lãnh nhận bí tích Rửa tội ở tuổi thành niên.

Trong trường hợp cha sở không cấp giấy giới thiệu, cha sở nơi chứng hôn vẫn có quyền chứng hôn, miễn là chu toàn tất cả các quy định về thủ tục hôn phối.

V. “Điều tra sơ khởi” đối với người ngoài Công giáo

Điều 9

Trước khi đảm nhận việc chứng hôn cho một trong đôi bạn là người ngoài Công giáo, cha sở nơi chứng hôn sẽ xin cha sở nơi người ấy thường trú giúp “điều tra sơ khởi” về tình trạng thong dong của người sắp kết hôn.

Nếu thấy đôi bạn có thể tiến tới kết hôn thành sự và hợp luật, cha sở nơi chứng hôn thiết lập hồ sơ và gởi giấy rao tới cha sở giáo xứ nơi người ngoài Công giáo đó thường trú.

Điều 10

Cha sở xin giúp điều tra cần phải gởi bản “đơn xin cử hành hôn nhân” của đôi bạn với các thông tin cần thiết cho cha sở nơi người ngoài Công giáo thường trú.

Nếu không biết người ngoài Công giáo đó thường trú thuộc giáo xứ nào, thì liên hệ với Tòa Giám mục của giáo phận đó.

VI. Trường hợp kết hôn với người ngoại quốc

Điều 11

Để chấp nhận chứng hôn có yếu tố người nước ngoài, ngoài các yêu cầu về giáo luật, hồ sơ cần có những giấy pháp lý như sau:

1° Giấy do cơ quan chính quyền cấp chưa quá sáu tháng, xác nhận tình trạng chưa có kết hôn, hoặc đã kết hôn nhưng người phối ngẫu đã qua đời.

 Giấy đăng ký kết hôn nơi cơ quan chính quyền, hoặc của Việt Nam hoặc của nước ngoài.

 Trong trường hợp có hoài nghi, cha sở nơi chứng hôn yêu cầu đôi bạn xin giấy chứng nhận của linh mục đang làm việc mục vụ tại nơi họ ở.

VII. Rao hôn phối

Điều 12

§1. Việc điều tra hôn phối thông thường được thực hiện bằng cách rao hôn phối tại nhà thờ vào ba thánh lễ Chúa nhật liên tiếp. Cha sở có quyền chuẩn rao một Chúa nhật, cha quản hạt có quyền chuẩn rao hai Chúa nhật, và Bản quyền địa phương có quyền chuẩn rao ba Chúa nhật.

§2. Đối với trường hợp thành sự hóa hay hợp thức hóa hôn phối cho những đôi bạn đã và đang muốn tiếp tục chung sống vợ chồng chung thủy, cha sở có thể tùy nghi cho miễn rao

Điều 13

§1. Cha sở nào có nhiệm vụ hoặc đảm nhận việc thiết lập hồ sơ, phải lập tờ rao và gởi đi các nơi liên quan để nhờ rao, kể cả cha sở của nơi người ngoài Công giáo cư trú, hoặc nơi một bên đã cư ngụ trong một thời gian khá lâu (trên 1 năm).

Việc rao có thể thực hiện sớm, trước khi đôi bạn hội đủ những điều kiện khác, như học giáo lý, đăng ký kết hôn dân sự...

§2. Khi nhận tờ xin rao hôn phối, cha sở có bổn phận phải rao và báo kết quả rao sớm hết sức, mặc dù không có ai trong đôi bạn thuộc quyền mình.

Điều 14

Trong trường hợp không nhận được kết quả rao vì một lý do nào đó, cha sở nơi chứng hôn vẫn có quyền cho cử hành kết hôn, miễn là đã điều tra và thấy chắc chắn không có ngăn trở.

Điều 15

Trong trường hợp không thể chứng minh tình trạng thong dong của một người bằng những giấy tờ pháp lý, hoặc có giấy tờ pháp lý mà còn có hồ nghi, cha sở có thể khôn ngoan điều tra riêng, qua thân nhân của người sắp kết hôn, hoặc hai nhân chứng đáng tin.

VIII. Giáo lý hôn nhân

Điều 16

§1. Trước khi kết hôn, đôi bạn buộc phải học giáo lý hôn nhân. Việc học giáo lý có thể thực hiện ở bất cứ giáo xứ nào, hoặc tại một cơ sở được Đấng Bản quyền chuẩn nhận.

§2. Chỉ có cha sở hoặc cơ sở được chuẩn nhận mới có quyền cấp chứng chỉ giáo lý hôn nhân.

§3. Các chứng chỉ giáo lý hôn nhân này được công nhận trong toàn Giáo Hội tại Việt Nam và có giá trị vô thời hạn.

Điều 17

Cha sở nơi dạy giáo lý hôn nhân hoặc giáo lý dự tòng, có thể đón nhận học viên, mặc dù không có giấy giới thiệu của cha sở nơi học viên có cư sở hoặc thường trú. Tuy nhiên, vì liên đới trách nhiệm, cha sở nơi dạy giáo lý nên yêu cầu học viên xin giấy giới thiệu của cha sở nơi người ấy thường trú.

Trong trường hợp bất khả kháng không thể xin giấy giới thiệu, cha sở nơi dạy giáo lý có bổn phận đón nhận học viên, sau đó gởi giấy cho cha sở riêng của đương sự để kính tường hoặc nhờ điều tra.

Điều 18

Thời gian khóa giáo lý hôn nhân kéo dài từ một đến ba tháng. Có thể rút ngắn nhưng vẫn bảo đảm những điều căn bản.

IX. Giáo lý dự tòng

Điều 19

Trong trường hợp học giáo lý dự tòng để kết hôn, thời gian dự tòng nên là sáu tháng, ít nhất là ba tháng.

Vì tôn trọng quyền tự do tôn giáo, chỉ nên khuyên chứ không được ép buộc người ngoài Công giáo theo đạo như là điều kiện để kết hôn. Nếu đương sự muốn, nên chấp nhận cho kết hôn với chuẩn khác đạo.

X. Thẩm quyền miễn chuẩn - cấm kết hôn

Điều 20

Đấng Bản quyền địa phương có quyền miễn chuẩn, bất kể hôn nhân được cử hành trong giáo phận mình hay giáo phận khác, cho những người thuộc quyền mình đang ở bất cứ nơi nào, và mọi người, Công giáo hay không Công giáo, đang cư ngụ trong địa hạt mình.

Để thuận tiện, cha sở nơi cử hành hôn phối, khi thiết lập hồ sơ và điều tra, nên giúp đôi bạn xin Đấng Bản quyền của mình chuẩn các ngăn trở hôn phối mà Tông Toà không dành riêng cho mình.

Nếu việc kết hôn được cử hành ở một giáo xứ thứ ba nhưng việc thiết lập hồ sơ và điều tra lại được thực hiện bởi cha sở của một trong đôi bạn, thì nên xin Đấng Bản quyền của một trong đôi bạn chuẩn ngăn trở hôn phối.

Điều 21

Cha sở không có quyền cấm kết hôn, cũng không được phép đặt thêm quy định có giá trị như những luật cấm hay hạn chế việc kết hôn.

Việc không chu toàn các nghĩa vụ trong giáo xứ không được coi như những lý do để từ chối việc ban các bí tích cho những người xin lãnh nhận cách thích đáng.

XI. Theo đạo Công giáo sau kết hôn

Điều 22

§1. Giáo Hội công nhận giá trị của hôn nhân đã được cử hành bởi một thể thức “công” theo luật hay tục lệ của người ngoài Công giáo, cũng quen gọi là hôn nhân tự nhiên, nghĩa là công nhận hôn nhân đó thành sự.

§2. Một khi hôn nhân đã thành sự, đã trở nên vợ chồng thì không được cử hành hôn nhân lần thứ hai trong đạo Công giáo. Vì vậy, khi một hoặc cả hai người trong đôi bn, đã kết hôn thành sự theo thể thức ngoài Công giáo, nay xin được thâu nhận vào thông công đầy đủ với Giáo Hội Công giáo hoặc xin được rửa tội, thì không được cử hành kết hôn lại.

§3. Nếu chỉ một người trong đôi bạn người lương ấy theo đạo, họ không phải xin chuẩn hôn nhân khác đạo. Nếu cả hai người trong hôn nhân đó được rửa tội, hôn nhân của họ tự động được nâng lên phẩm giá bí tích.

XII. Ghi sổ - Sổ sách

Điều 23

§1. Cha sở nơi cử hành hôn phối buộc phải gửi giấy chứng nhận hôn phối cho các cha sở của nơi mà đôi bạn đã được rửa tội, để các ngài ghi chú vào sổ rửa tội, cho dù họ không còn có cư sở ở đó nữa.

Cũng cần gởi cho cha sở nơi đôi bạn có cư sở những chứng thư hoặc chứng nhận cần thiết về bí tích, để ngài lập sổ Gia đình Công giáo.

§2. Các chứng nhận bí tích của Kitô hữu, cách riêng là bí tích Hôn phối, cho dù là sổ hay chứng nhận, luôn phải có chữ ký, ngày tháng và nơi lãnh nhận bí tích Rửa tội.

Điều 24

Việc cấp số Gia đình Công giáo thuộc nhiệm vụ và thẩm quyền của cha sở; không tùy thuộc vào việc đã nhập xứ hay đang tạm trú, hoặc có hay không đóng góp cho giáo xứ.

Điều 25

§1. Các hồ sơ hôn nhân: chứng thư, giấy giới thiệu, giấy rao, kết quả rao,... được phép gởi qua các phương tiện kỹ thuật số với các bản scan màu hoặc bản chụp ảnh, miễn là được làm một cách đúng đắn, rõ ràng.

§2. Phải được gửi trực tiếp từ văn phòng giáo xứ/giáo phận này đến văn phòng giáo xứ/giáo phận kia.

§3. Khi có hồ nghi về sự giả dối, liên lạc với những người có thẩm quyền của đương sự.

Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, ngày 17 tháng 04 năm 2024

(đã ký)

+ Đaminh Nguyễn Văn Mạnh

Giám mục Giáo phận Đà Lạt

Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Gia đình

(đã ấn ký)

+ Giuse Nguyễn Năng

Tổng Giám mục TGP Sài Gòn – Tp HCM

Chủ tịch HĐGM Việt Nam

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/quy-dinh-ve-thu-tuc-hon-phoi-ap-dung-cho-toan-giao-hoi-tai-viet-nam-41059.html

 

 

18. Nâng Sở Kiện Thành Trung Tâm Hành Hương Toàn Quốc Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

WGPHN (17.04.2024) - Trong cuộc họp ngày thứ ba của Hội nghị thường niên lần thứ nhất tại Giáo phận Vĩnh Long, thứ Tư, ngày 17/4/2024, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã biểu quyết nâng Sở Kiện thành TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG TOÀN QUỐC KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Đây là một tin vui lớn cho Giáo hội Việt Nam, cách riêng là Tổng Giáo phận (TGP) Hà Nội và Giáo xứ Sở Kiện.

Ngay sau khi nhận được tin, Cha xứ Sở Kiện, Giu-se Phạm Đức Văn đã cho kéo một hồi chuông thật dài, diễn tả niềm vui mừng và tạ ơn.

Trung tâm Hành hương (TTHH) Sở Kiện tọa lạc trên địa bàn xã Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Nơi đây lưu giữ một bề dày lịch sử thủ phủ một thời của Giáo phận Tây Đàng Ngoài với những phấn đấu tâm huyết của biết bao thế hệ thừa sai, giáo sỹ và giáo dân, làm nên sức sống và sự phát triển mạnh mẽ của nhiều giáo phận miền Bắc. Đặc biệt, TTHH Sở Kiện được biết đến là nơi lưu giữ nhiều nhất các hài cốt và thánh tích của các Thánh tử đạo Việt Nam. Vì thế, Sở Kiện chính là một trong những nơi linh thiêng và có giá trị lịch sử quan trọng đối với Tổng Giáo phận Hà Nội.

Theo đó, ngày 23/12/2009, Đức nguyên Tổng Giám mục (TGM) Giu-se Ngô Quang Kiệt công nhận Sở Kiện là Trung tâm hành hương cấp giáo phận.

Kế đó, ngày 24/6/2010, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích ban Tước hiệu và phẩm vị Tiểu Vương Cung Thánh Đường dâng kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Sở Kiện.

Với lòng mộ mến và tri ân Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ngày 05/4/2024 vừa qua, Đức TGM Giu-se Vũ Văn Thiên dâng Thánh lễ hành hương và làm phép khu đất xây dựng TTHH Sở Kiện, đồng thời quyết định thiết lập Ngày Đại hội Hành hương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của TGP tại Sở Kiện (từ ngày 17-24/11 hàng năm) và các ngày thứ Sáu đầu tháng là ngày hành hương cấp Giáo phận.

Nhờ lời chuyển cầu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa ban cho Giáo hội Việt Nam nói chung và cho TGP Hà Nội nói riêng, được muôn ơn lành cũng như không ngừng phát huy gia sản đức tin mà các ngài đã lưu truyền lại.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/nang-so-kien-thanh-trung-tam-hanh-huong-toan-quoc-kinh-cac-thanh-tu-dao-viet-nam-41060.html

 

 

19. Giáo Hội Tại Châu Á Được Kêu Gọi Tin Mừng Hóa Thế Giới Kỹ Thuật Số

Hồng Thủy - Vatican News

19/04/2024

Phát biểu trực tuyến từ Roma với các Giám mục Á Châu tham gia phiên họp tại Viện Truyền thông Xã hội của các Giám mục (BISCOM) ở Thái Lan vào ngày 17/4/2024, tiến sĩ Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Tòa Thánh mời gọi các nhà lãnh đạo Giáo hội châu Á “giao tiếp bằng trái tim” trong một thế giới được thúc đẩy bởi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.

25 Giám mục Á Châu đang tham dự hội thảo về chủ đề “Thừa tác vụ Giám mục và Truyền thông trong một Giáo hội hiệp hành”, được tổ chức tại Thái Lan từ ngày 15 đến ngày 20/4/2024.

Ông Ruffini nói với các Giám mục Á Châu rằng: “Truyền thông kỹ thuật số giống như một nền văn hóa mà Tin Mừng của Chúa Kitô phải thấm nhập”. “Mọi thứ đều là kỹ thuật số”, do đó Giáo hội phải Tin Mừng hóa thế giới kỹ thuật số bằng “tình yêu, sự hiệp thông và công bằng xã hội”. Ông cũng lưu ý rằng văn hóa kỹ thuật số “luôn thay đổi”.

Theo Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Tòa Thánh, tất cả người Công giáo đều là “những nhà truyền giáo kỹ thuật số”, những người “được mời gọi trở thành môn đệ trong môi trường của mình - giáo xứ, trường học và thậm chí cả phương tiện truyền thông xã hội”.

Tiến sĩ Ruffini cũng nhắc rằng tình yêu là nền tảng hạnh phúc của con người chứ không phải là thuật toán, thứ thúc đẩy công nghệ; việc loan báo Tin Mừng “không phụ thuộc vào phương tiện truyền thông” và bí quyết của truyền thông “không phải là kỹ thuật nhưng là tình yêu”.

Ông nói thêm: “Chúng ta cần những bài học từ Châu Á về sự hiệp thông phát triển nhờ truyền thông. Truyền thông được xây dựng trên sự hiệp thông và sự hiệp thông phát triển nhờ vào truyền thông”.

Bộ trưởng Bộ Truyền thông kêu gọi các Giám mục suy tư về các yếu tố nền tảng của truyền thông, bắt nguồn từ hai từ ngữ tiếng Latinh “mun”, có nghĩa là sự gắn kết với nhau, và “munus”, có nghĩa là quà tặng. Nhắc lại bản chất của cách truyền thông của Chúa Kitô, ông nhấn mạnh rằng sự truyền thông của chúng ta nên được đặc trưng bởi sự cống hiến bản thân hơn là sự tự mãn thường thấy trong kinh doanh và tiếp thị.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/giao-hoi-tai-chau-a-duoc-keu-goi-tin-mung-hoa-the-gioi-ky-thuat-so-41064.html

 

20. Cuộc Họp Thường Niên Ủy Ban Kinh Thánh - Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Ngày 20/04/2024

Lm. Giuse Ngô Đức Tài, MF

WHĐ (22.04.2024) – Theo thông lệ, sau mỗi kỳ họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam (Hội đồng Giám mục Việt Nam), Ủy Ban Kinh Thánh (UBKT) quy tụ tại Văn Phòng HĐGMVN để dành thời gian bàn thảo cho công việc chung.

Tham dự cuộc họp lần này, có sự hiện diện của Đức cha Vincent Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch UBKT, chủ tọa, Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự, cùng mười bảy thành viên trên tổng số bốn mươi thành viên của Ủy ban.

Khởi đầu buổi họp, Đức cha Chủ tịch Vincent đã chia sẻ niềm vui với các thành viên khi Bản dịch Các Sách Ngôn sứ do UBKT vừa thực hiện xong đã được HĐGMVN phê chuẩn, cho phép sử dụng trong Phụng vụ, qua đó Đức cha cũng bày tỏ lời cám ơn chân thành đến tất cả các thành viên UBKT đã hy sinh làm việc cho công việc chung của Giáo hội Việt Nam.

Vui mừng khi những hy sinh và nỗ lực đã sinh hoa trái kết trái và được HĐGMVN đón nhận, các thành viên dành nhiều thời gian bàn thảo và định hướng cho công việc chung của Ủy ban trong thời gian sắp tới.

Buổi họp kết thúc với việc xác định kỳ làm việc chung vào mùa hè của Ủy ban tại Tòa Giám Mục Nha Trang từ ngày 22-26/07/2024.

Lm. Giuse Ngô Đức Tài, MF, thư ký

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/cuoc-hop-thuong-nien-uy-ban-kinh-thanh---hoi-dong-giam-muc-viet-nam-ngay-20042024-41073.html

 

 

21. Thánh Lễ Khởi Công Xây Dựng Nhà Chung Giáo Phận Hà Tĩnh

WGPHT (24.04.2024) – Sáng thứ Tư ngày 24/4/2024 là ngày đại hồng phúc lưu dấu trên trang sử và trong tâm hồn mỗi người con Giáo phận Hà Tĩnh. Ngày mà mọi thành phần Dân Chúa trong và ngoài Giáo phận hân hoan trong niềm vui tạ ơn Thiên Chúa cùng quy tụ và hướng lòng về khuôn viên đất Nhà Chung để hiệp thông trong Nghi thức Làm phép và Thánh lễ Khởi công xây dựng Nhà Chung Giáo phận.

Hà Tĩnh là Giáo phận non trẻ nhất trong số 27 Giáo phận của Giáo hội Việt Nam. Với chỉ hơn 5 năm được khai sinh từ Giáo phận Vinh, Giáo phận Hà Tĩnh còn chập chững tiến những bước đầu đời trên đôi chân còn non yếu. Ước mơ có được một ngôi Nhà Chung là nỗi ưu tư, thao thức và trăn trở của Bề trên Giáo phận và của mọi thành phần Dân Chúa. Sau bao nỗ lực và cố gắng, ước mơ ấy đã có thể thực hiện khi Giáo phận có được phần diện tích đất để xây dựng.

Sau đó, cha Tổng Đại diện GB.Nguyễn Khắc Bá hân hoan đón nhận quyết định từ Đức cha Louis – Chủ chăn Giáo phận.

Tiếp đến, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Nguyên Giám mục tiên khởi Giáo phận Hà Tĩnh đã chủ sự nghi thức làm phép với lời cầu xin sự chúc lành của Thiên Chúa qua sự bảo trợ của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa – Quan thầy Giáo phận.

Chia sẻ trong đại lễ, Đức cha Louis chân thành bày tỏ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và giúp cộng đoàn hiện diện hiểu rõ ý nghĩa căn bản của ngôi “Nhà Chung” Giáo phận. Ngài ca ngợi vai trò của Đức Maria với đặc ân Mẹ Thiên Chúa. Đồng thời, ngài cũng nói lên niềm cậy trông, tín thác và tin tưởng vào sự bảo trợ của Mẹ trên đoàn con cái Giáo phận Hà Tĩnh. Một Giáo phận hãy còn măng sữa, một đứa trẻ sơ sinh non dại cần được bảo vệ, che chở, dạy dỗ, uốn nắn từ người Mẹ của mình. Đứa trẻ đó ngoan ngùy ước muốn được nghe theo lời dạy bảo của Mẹ, đồng thời ngài nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria chúc lành cho công trình Nhà Chung Giáo phận.

Ngay sau lời cám ơn của Cha Tổng Đại diện, Đại diện cho Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh (TGP. Huế) đã bày tỏ niềm khích lệ lớn lao với Giáo phận Hà Tĩnh và ngài cầu chúc cho Giáo phận sớm hoàn thành công trình quan trọng này.

Sự kiện trọng đại hôm nay được kéo dài trong niềm vui, niềm tự hào trước muôn ân phúc từ Trời Cao, cũng là khúc trường ca gói trọn niềm tri ân, cảm tạ tình thương bao la của Thiên Chúa trên đoàn con Giáo Phận Hà Tĩnh. Qua sự bảo trợ của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa – Quan thầy Giáo phận, nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục thi thố muôn vàn ân phúc của Ngài trên Giáo phận Hà Tĩnh để mọi thành phần hợp tâm – chung sức và đồng trách nhiệm trong công trình xây dựng Nhà Chung được khởi công hôm nay sớm thành toàn trong thánh ý Chúa.

Nguồn: giaophanhatinh.org

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-viet-nam/thanh-le-khoi-cong-xay-dung-nha-chung-giao-phan-ha-tinh-41091.html

 

  

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ

1. Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (1/4): Tiếp tục niềm vui Phục Sinh

Lúc 12 giờ trưa thứ Hai, 1/4, thứ Hai Thiên Thần, Đức Thánh Cha đã cùng đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô.

Vatican News

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh

Anh chị em thân mến, chào anh chị em và chúc mừng Phục Sinh!

Hôm nay, Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Tin Mừng (xem Mt 28,8-15) cho chúng ta thấy niềm vui của các phụ nữ trước sự phục sinh của Chúa Giêsu: bản văn nói rằng họ đã rời khỏi mộ “rất đỗi vui mừng” và “chạy về báo tin cho các môn đệ của Đức Giêsu hay” (c. 8). Niềm vui này có được chính từ cuộc gặp gỡ trực tiếp với Đấng Phục Sinh, là một cảm xúc ngập tràn, thúc đẩy họ lan truyền và kể lại những gì họ đã thấy.

Chia sẻ niềm vui là một kinh nghiệm tuyệt vời mà chúng ta học được từ khi còn nhỏ: chúng ta nghĩ về một cậu bé đạt điểm cao ở trường và nóng lòng muốn khoe với bố mẹ hoặc một người trẻ đạt được thành công đầu tiên trong thể thao, hoặc một gia đình mới có một em bé được sinh ra. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng nhớ lại một khoảnh khắc hạnh phúc đến mức khó diễn tả bằng lời nhưng lại muốn kể cho mọi người ngay lập tức!

Ở đây, các phụ nữ, vào buổi sáng Phục Sinh, đã sống kinh nghiệm này, nhưng theo một cách thức mạnh mẽ hơn nhiều. Tại sao? Bởi vì sự phục sinh của Chúa Giêsu không chỉ là một tin tức tuyệt vời hay một kết thúc có hậu của một câu chuyện, mà còn là một điều gì đó làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời chúng ta và thay đổi mãi mãi! Đó là chiến thắng của sự sống trước cái chết, của hy vọng trước tuyệt vọng. Chúa Giêsu đã xuyên qua bóng tối của ngôi mộ và sống mãi mãi: sự hiện diện của Người có thể khiến mọi thứ tràn ngập ánh sáng. Với Người, mỗi ngày đều trở thành chặng của một cuộc hành trình vĩnh cửu, mỗi “hôm nay” đều có thể hy vọng vào một “ngày mai”, mỗi kết thúc đều là một khởi đầu mới, mọi khoảnh khắc đều được phóng chiếu vượt qua giới hạn của thời gian, hướng tới sự vĩnh cửu.

Anh chị em thân mến, niềm vui Phục Sinh không phải là điều gì xa vời. Nó rất gần gũi, nó là của chúng ta, vì nó đã được trao cho chúng ta vào ngày chúng ta chịu Phép Rửa. Từ đó, giống như các phụ nữ, chúng ta có thể gặp Đấng Phục Sinh và Người cũng nói với chúng ta: “Đừng sợ!” (câu 10). Anh chị em thân mến, chúng ta đừng từ bỏ niềm vui Phục Sinh!

Nhưng làm thế nào để khơi dậy niềm vui này? Như những phụ nữ đã làm: gặp gỡ Đấng Phục Sinh, bởi vì Người là nguồn vui không bao giờ cạn kiệt. Chúng ta hãy nhanh chóng tìm kiếm Người trong Bí tích Thánh Thể, trong sự tha thứ của Người, trong việc cầu nguyện và thực hành đức ái sống động! Niềm vui khi được chia sẻ thì sẽ tăng lên. Chúng ta chia sẻ niềm vui của Đấng Phục Sinh.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng, trong Lễ Vượt Qua, đã vui mừng vì Con của Mẹ đã phục sinh, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân vui tươi của sự Phục Sinh.

-----

Sau kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha lặp lại lời Chúc mừng Phục Sinh và cảm ơn tất cả mọi người bằng nhiều cách khác nhau đã gởi những lời chúc và cầu nguyện cho ngài. ĐTC chúc mỗi người, gia đình và cộng đoàn hồng ân bình an của Chúa Phục Sinh. Đặc biệt, xin cho hồng ân này hiện diện ở những nơi cần nhất: các dân tộc bị giày xéo bởi chiến tranh, đói kém và mọi hình thức áp bức.

Cuối cùng ĐTC chúc mọi người tiếp tục niềm vui Phục Sinh và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/kinh-lay-nu-vuong-thien-dang-14-tiep-tuc-niem-vui-phuc-sinh-40981.html

 

 

2. ĐTC Phanxicô gặp các tu sĩ Phanxicô của tu viện nơi Thánh Phanxicô nhận các dấu thánh

Sáng thứ Sáu ngày 5/6/2024, gặp gỡ các tu sĩ Phanxicô của tu viện La Verna và tỉnh dòng Toscana trong bối cảnh kỷ niệm 800 năm Thánh Phanxicô được nhận các dấu thánh, Đức Thánh Cha nói rằng dấu thánh nhắc nhớ tầm quan trọng của việc trở nên đồng dạng với Chúa Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh. Ngài mời gọi họ mang đến cho cộng đoàn, cho Giáo hội và thế giới tình yêu vô biên của Chúa chịu chết trên Thánh Giá vì chúng ta.

Hồng Thủy - Vatican News

800 năm trước, vào ngày 14/9/1224, hai năm trước khi qua đời, tại tu viện La Verna, Thánh Phanxicô đã được nhận các dấu thánh. 

Dấu thánh - dấu chỉ sự đồng dạng với Chúa Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh

Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói rằng các dấu thánh nhắc nhở mọi người về nỗi đau mà Chúa Giêsu phải chịu trên thân xác Người vì tình yêu và ơn cứu độ của chúng ta; nhưng chúng cũng là dấu chỉ chiến thắng của Phục Sinh: chính qua những vết thương mà lòng thương xót của Đấng chịu đóng đinh Phục Sinh chảy đến với chúng ta. Và ngài mời gọi các tu sĩ Phanxicô suy tư về ý nghĩa của các dấu thánh.

Dấu thánh trong đời sống người Kitô hữu,

Trước hết, về ý nghĩa của những dấu thánh trong đời sống người Kitô hữu, Đức Thánh Cha nói rằng nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi Kitô hữu thuộc về Thân Mình Chúa Kitô là Giáo hội, được mời gọi cách đặc biệt hướng đến những người ‘bị ghi dấu’ mà mình gặp gỡ: những người bị ‘ghi dấu’ bởi cuộc sống, những người mang những vết sẹo của đau khổ và những bất công phải gánh chịu hoặc những lỗi lầm đã phạm.

Theo Đức Thánh Cha, Thánh Phanxicô đã làm những điều này hàng ngày, từ cuộc gặp gỡ với người cùi, khi quên mình trong việc dâng hiến và phục vụ, thậm chí đi xa hơn, ... can đảm và khiêm nhường cởi mở trước những con đường mới, vâng nghe theo Chúa và vâng phục các anh em. 

Dấu thánh trong đời sống tu sĩ Phanxicô

Suy tư về dấu thánh trong đời sống tu sĩ Phanxicô, Đức Thánh Cha nói rằng các dấu thánh, đối với Thánh Phanxicô, tượng trưng cho dấu ấn của điều thiết yếu. Điều này cũng mời gọi các tu sĩ Phanxicô quay trở lại với những điều thiết yếu trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống: trong các khóa đào tạo, trong các hoạt động tông đồ và trong sự hiện diện của anh em giữa mọi người; trở thành những người mang ơn tha thứ đã được tha thứ, những người mang ơn chữa lành đã được chữa lành, hạnh phúc và đơn sơ trong tình huynh đệ; với sức mạnh của tình yêu tuôn chảy từ cạnh sườn của Chúa Kitô và được nuôi dưỡng trong cuộc gặp gỡ cá nhân của anh em với Người, để được đổi mới mỗi ngày với lòng nhiệt thành thánh thiện đốt cháy con tim”.

Đức Thánh Cha cầu chúc sự kết hiệp mật thiết với Chúa giúp cho họ trở nên khiêm tốn và hiệp nhất hơn, vui tươi hơn, yêu mến thập giá và quan tâm đến người nghèo, trở nên những chứng nhân của hòa bình và những ngôn sứ của niềm hy vọng trong thời đại khó nhận ra sự hiện diện của Chúa.

Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn với lời kinh cầu nguyện cùng Thánh Phanxicô.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-gap-cac-tu-si-phanxico-cua-tu-vien-noi-thanh-phanxico-nhan-cac-dau-thanh-40996.html

 

 

5. Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ gia tăng hoạt động tại Gaza

Trong khi một số nhóm từ thiện đang tạm dừng hoạt động sau vụ bảy nhân viên cứu trợ nhân đạo bị thiệt mạng ở Gaza, Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ (CRS) đang tăng cường sự hiện diện và nỗ lực trong khu vực để giải quyết các nhu cầu nhân đạo quan trọng của thường dân ở Gaza.

Hồng Thủy - Vatican News

Theo phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stéphane Dujarric, “ít nhất 196 nhân viên nhân đạo đã thiệt mạng kể từ tháng 10” ở Gaza, nơi mà ông cho rằng “là một trong những nơi nguy hiểm và khó khăn nhất trên thế giới khi làm việc với tư cách là một nhà viện trợ nhân đạo”.

Vì nguy hiểm, một số nhóm như World Central Kitchen và nhóm viện trợ Mỹ Anera đã tạm dừng các chuyến hàng viện trợ vì lo ngại cho sự an toàn của người lao động.

Mặc dù vậy, Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ, được liên kết với Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và được tài trợ phần lớn bởi sự quyên góp từ các tín hữu Hoa Kỳ, đã xác nhận với trang tin CNA rằng họ đang tăng cường hiện diện tại các khu vực nơi bảy nhân viên cứu trợ nhân đạo đã thiệt mạng.

Jason Knapp, đại diện của tổ chức tại Đất Thánh, cho biết tổ chức trên đã thành lập các nhà kho, nhà nghỉ và văn phòng ở Rafah và Deir al Balah, đồng thời “đang trong quá trình thiết lập các điểm phân phối bổ sung trên khắp Rafah, Khan Younis và Khu vực Trung tâm”.

Ông cho biết thêm rằng ngoài việc mở rộng năng lực hoạt động này ở nửa phía nam của Gaza, Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ đang “cộng tác với các đối tác địa phương ở Thành phố Gaza và Bắc Gaza để chuẩn bị cho việc phân phối an toàn và có trật tự ngay khi viện trợ có thể đến được những khu vực này”.

Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ ở Gaza đã cung cấp hỗ trợ khẩn cấp kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tại Gaza, bằng việc phân phối thực phẩm, bạt và lều, giường ngủ, vật dụng vệ sinh và hỗ trợ tiền mặt cho hơn 750.000 người.

Ông Knapp cho biết, để bảo vệ nhân viên của mình, tổ chức phối hợp các nỗ lực của họ với quân đội Israel và có sẵn một kế hoạch an ninh. Ông nói: “Chúng tôi cũng có một kế hoạch an ninh hiện trường, trong đó có phân tích các rủi ro ở Gaza và các bước chúng tôi có thể thực hiện để đảm bảo giữ cho tất cả nhân viên được an toàn nhất có thể. Là một phần trong cách tiếp cận của chúng tôi, chúng tôi chia sẻ địa điểm hoạt động của mình với quân đội Israel để họ biết rằng chúng tôi là những người hoạt động nhân đạo và không nên trở thành mục tiêu”. (CNA 04/04/2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/co-quan-cuu-tro-cong-giao-hoa-ky-gia-tang-hoat-dong-tai-gaza-40997.html

 

 

6. Số tín hữu Công giáo tăng từ 1,376 tỷ trong năm 2021 lên 1,390 tỷ vào năm 2022

Theo tài liệu Thống kê Thường niên của Giáo hội, được Văn phòng Thống kê Trung ương của Giáo hội thực hiện, số tín hữu Công giáo được rửa tội trên toàn cầu đã tăng lên, từ 1.376 triệu vào năm 2021 lên 1.390 triệu vào năm 2022, với mức tăng tương đối là 1,0%. Tuy nhiên tỷ lệ tăng giảm khác nhau ở các châu lục.

Hồng Thủy - Vatican News

Trên thực tế, trong khi số người Công giáo ở Châu Phi tăng 3%, thì ở Châu Âu tình hình có vẻ ổn định, không thay đổi. Tại Châu Mỹ và Châu Á, số tín hữu Công giáo tăng ở mức độ trung bình (+0,9% và +0,6%), nhưng hoàn toàn phù hợp với sự phát triển dân số của hai châu lục này. Còn tại Châu Đại Dương thì số tín hữu lại suy giảm.

Số Giám mục và phó tế vĩnh viễn gia tăng; số linh mục và tu sĩ giảm sút

Số Giám mục trong giai đoạn hai năm 2021-2022 tăng 0,25%, từ 5.340 lên 5.353 vị, đặc biệt là ở Châu Phi và Châu Á, lần lượt là 2,1 và 1,4%.

Số linh mục, tiếp tục xu hướng giảm sút kể từ năm 2012, trong năm 2022 sụt giảm so với năm 2021. Số linh mục toàn cầu trên thế giới năm 2022 giảm 142 vị so với năm 2021, từ 407.872 xuống 407.730 vị. Trong khi số linh mục tại Châu Phi và Châu Á gia tăng thì tại Châu Âu và Châu Đại dương suy giảm.

Số phó tế vĩnh viễn trong năm 2022 tăng 2% so với năm 2021, từ 49.176 lên 50.150 vị, và tăng đều ở các châu lục.

Số tu sĩ nam không phải là linh mục giảm từ 49.774 vị vào năm 2021 còn 49.414 vào năm 2022. Trong khi số linh mục suy giảm đặc biệt xảy ra tại Châu Âu thì lại gia tăng tại Châu Á.

Số nữ tu trong năm 2022 cũng suy giảm mạnh: từ 608.958 nữ tu vào năm 2021 xuống còn 599.228 vào năm 2022, với mức giảm tương đối là 1,6%. Tuy nhiên, Châu Phi là lục địa có số nữ tu tăng mạnh nhất, từ 81.832 nữ tu vào năm 2021 lên 83.190 vào năm 2022, với mức tăng tương đối là 1,7%. Tiếp theo là khu vực Đông Nam Á, nơi số nữ tu tăng từ 171.756 vào năm 2021 lên 171.930 vào năm 2022, với mức tăng chỉ 0,1%. 

Các giáo phận mới

Cùng được xuất bản với tài liệu Thống kê Thường niên của Giáo hội trong những ngày này là Niên giám Tòa Thánh năm 2024, cuốn sách trình bày các thông tin liên quan đến đời sống của Giáo hội Công giáo trên thế giới, bắt đầu từ ngày 1/12/2022 đến ngày 31/12/2023. 

Trong thời gian này, 9 Tòa Giám mục mới và 1 đơn vị Giám quản Tông Tòa mới đã được thành lập; 2 giáo phận đã được nâng lên thành Tổng giáo phận và 1 Hạt Đại diện Tông tòa được nâng thành giáo phận. (CSR_1417_2024)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/so-tin-huu-cong-giao-tang-tu-1376-ty-trong-nam-2021-len-1390-ty-vao-nam-2022-40998.html

 

 

7. Tiếp kiến chung 3/4/2024: Không có công bình thì không có hòa bình

Trong bài giáo lý chia sẻ với các tín hữu hiện diện tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư ngày 3/4/2024, Đức Thánh Cha nhận xét rằng công bình là nhân đức xã hội tuyệt hảo, vì nó là nền tảng cho sự chung sống hòa bình trong xã hội. Nó bao gồm việc điều chỉnh các mối quan hệ một cách công bằng – với Thiên Chúa và giữa con người với nhau – trả lại cho mỗi người phần của họ. Ngài cầu xin ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh hướng dẫn các tín hữu trên các nẻo đường công lý và hòa bình.

Vatican News 

Đức Thánh Cha nói rằng người chính trực là người ngay thẳng, giản dị và lương thiện; biết luật pháp và tôn trọng chúng; giữ lời đã hứa. Trong lời nói, người chính trực không sử dụng những sự thật nửa vời hoặc những sự lừa dối tinh tế.

Để sống nhân đức này, cần phải theo dõi và kiểm điểm bản thân, trung thành trong việc nhỏ cũng như trong việc lớn và biết ơn. Đây là đức tính giúp chống tham nhũng, vu khống, làm chứng gian, lừa đảo, cho vay nặng lãi. Đức Thánh Cha nhắc rằng việc giáo dục ý thức công bằng và phát huy văn hóa sống theo pháp luật là điều cần thiết. 

Châm ngôn (Cn 21,3.7.21):

Thực thi điều công minh chính trực
thì đẹp lòng ĐỨC CHÚA hơn là dâng hy lễ
Bạo hành của kẻ ác sẽ cuốn phăng kẻ ác,
vì chúng không chịu thực thi công bằng.
Người theo đuổi công chính và nhân nghĩa,
sẽ được sống lâu và vinh dự.

{C}{C}{C}{C}{C}

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Không có công bình thì không có hòa bình

Anh chị em thân mến, chúc mừng Phục Sinh, chào anh chị em!

Chúng ta đang đi đến nhân đức luân lý thứ hai: sự công bình. Đó là đức tính xã hội tuyệt hảo. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo định nghĩa nó như sau: “Nhân đức luân lý cốt ở một ý chí liên lỉ và vững chắc, quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người lân cận” (số 1807). Đây là sự công bình. Thông thường, khi đề cập đến công bình, chúng ta cũng trích dẫn một câu khẩu hiệu nói về đức tính này: “unicuique suum - trả lại cho mỗi người thứ của họ”. Đây là nhân đức về luật lệ, tìm cách điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người với nhau một cách công bằng.

Nó được thể hiện một cách ẩn dụ bằng cái cân, bởi vì nó nhằm mục đích “cân bằng các vấn đề” giữa con người, đặc biệt là khi các vấn đề này có nguy cơ bị bóp méo bởi sự mất cân bằng nào đó. Mục đích của công bình là trong một xã hội, mọi người đều được đối xử theo phẩm giá của mình. Nhưng các bậc thầy cổ xưa đã dạy rằng để đạt được điều này, cũng cần có những cách hành xử các nhân đức khác, chẳng hạn như lòng nhân từ, sự tôn trọng, lòng biết ơn, sự hòa nhã, sự trung thực: những đức tính góp phần vào sự chung sống tốt đẹp giữa con người với nhau. Công bình là nhân đức cho sự chung sống tốt đẹp giữa con người.

Tất cả chúng ta đều hiểu công bình là nền tảng cho sự chung sống hòa bình trong xã hội như thế nào: một thế giới không có luật pháp sẽ là một thế giới trong đó chúng ta không thể sống được; nó sẽ giống như một khu rừng rậm. Không có công bình thì không có hòa bình. Thực tế, nếu công bình không được tôn trọng thì xung đột sẽ nảy sinh. Không có công bình, luật kẻ mạnh thắng lướt kẻ yếu sẽ được thiết lập, và điều này không công bằng.

Những đặc tính của người chính trực

Nhưng công bình là một nhân đức được thể hiện cả trong những vấn đề lớn lao cũng như những việc nhỏ bé: nó không chỉ liên quan đến các phòng xử án mà còn liên quan đến đạo đức đặc trưng cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nó thiết lập những mối quan hệ chân thành với người khác: nó thực hiện giới luật của Tin Mừng, theo đó câu nói của người Kitô hữu phải là: “Có thì nói có, không thì nói không; còn điều gì khác đều do ma quỉ mà ra” (Mt 5,37). Sự thật nửa vời, lời nói xảo quyệt nhắm lừa dối người khác, sự kín đáo che giấu ý định thực sự không phải là thái độ phù hợp với công bình. Người công bình là người ngay thẳng, giản dị và thẳng thắn, không mang mặt nạ, thể hiện đúng con người thật của mình và nói sự thật. Trên môi miệng người này thường xuất hiện từ “cám ơn”: họ biết rằng, dù chúng ta có cố gắng rộng lượng bao nhiêu đi nữa, chúng ta vẫn mắc nợ người khác. Nếu chúng ta yêu thương cũng bởi vì chúng ta đã được yêu thương trước.

Không thể có điều tốt thực sự cho chính mình nếu không có điều tốt cho mọi người

Chúng ta tìm thấy trong truyền thống vô số mô tả về người công chính có thể được tìm thấy. Chúng ta hãy xem xét một số điểm. Người công chính coi trọng và tôn trọng luật pháp, biết rằng luật pháp là rào chắn bảo vệ những người không có khả năng tự vệ trước sự kiêu ngạo chuyên chế của kẻ quyền lực. Người công chính không chỉ chăm lo lợi ích của cá nhân nhưng còn mong muốn lợi ích cho toàn xã hội. Vì vậy, người này không nhượng bộ trước cám dỗ chỉ nghĩ đến bản thân mình và lo liệu cho công việc của riêng mình, dù chúng có hợp pháp đến đâu, như thể chúng là điều duy nhất tồn tại trên thế giới. Nhân đức công bình nói rõ - và nhấn mạnh yêu cầu - rằng không thể có điều tốt thực sự cho chính mình nếu không có điều tốt cho mọi người.

Vì vậy, người công chính sẽ để ý đến hành vi của mình để không gây tổn hại cho người khác: nếu phạm sai lầm, họ xin lỗi. Trong một số trường hợp, thậm chí họ còn hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của cộng đồng. Họ mong muốn một xã hội có trật tự, nơi con người mang lại vinh quang cho chức vụ của họ chứ không phải nghề nghiệp mang lại danh dự cho con người. Họ chê ghét các đề nghị và không mua bán các lợi lộc. Họ yêu quý trách nhiệm và là gương mẫu trong việc sống và đề cao pháp luật. Thực ra, đây là con đường của công lý, là liều thuốc giải độc cho nạn tham nhũng: việc giáo dục con người, đặc biệt là giới trẻ, về nền văn hóa thực thi luật pháp thật quan trọng biết bao! Đó là con đường ngăn chặn bệnh ung thư tham nhũng và tiêu diệt tình trạng tội phạm khi loại bỏ nền móng của nó.

Hơn nữa, người công chính tránh xa những hành vi có hại như vu khống, làm chứng gian, lừa đảo, cho vay nặng lãi, nhạo báng và không trung thực. Người công chính giữ lời hứa, hoàn trả những gì mình đã mượn, công nhận mức lương công bằng cho tất cả người lao động, cẩn thận không đưa ra những lời phán xét người khác một cách cẩu thả và bảo vệ danh thơm tiếng tốt của người khác.

Những người ước mơ tình huynh đệ đại đồng

Không ai trong chúng ta biết trên đời này có nhiều người công chính hay không, hay hiếm có như các viên ngọc quý giá. Chắc chắn, họ là những người nhận được ân sủng và phúc lành cho bản thân họ và thế giới nơi họ đang sống. Họ không phải là kẻ thua cuộc so với những người “xảo quyệt và tinh ranh”, bởi vì, như Kinh Thánh đã nói, “ai tìm kiếm công lý và nhân nghĩa sẽ được sống lâu và vinh dự” (Châm ngôn 21,21). Người công chính không phải là những nhà luân lý có nhiệm vụ của người kiểm duyệt, mà là những người ngay thẳng “khao khát công bình” (Mt 5.6), những người ước mơ có lòng mong ước tình huynh đệ đại đồng. Và tất cả chúng ta đều rất cần giấc mơ này, đặc biệt là ngày nay. Chúng ta cần những người công chính và điều này mang lại cho chúng ta hạnh phúc

Cầu nguyện cho nhân viên cứu trợ thiệt mạng ở Gaza

Vào cuối buổi tiếp kiến​​chung, Đức Thánh Cha đã tưởng nhớ 7 nhân viên cứu trợ của tổ chức phi chính phủ World Central Kitchen đã chết vì cuộc tấn công của một máy bay không người lái của Israel, và ngài lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza.

Đức Thánh Cha nói với cung giọng đau buồn: “Thật không may, tin buồn vẫn tiếp tục đến từ Trung Đông… Tôi lặp lại lời yêu cầu kiên quyết của mình về việc ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza”.

Bảy tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ World Central Kitchen, đã bị giết cách đây hai ngày khi đang phân phát thực phẩm cho thường dân. Một máy bay không người lái đã bắn ba phát vào đoàn xe mà họ đang đi. Trong số họ, 2 người Palestine có hai quốc tịch (Hoa Kỳ và Canada) và năm công dân Úc, Anh và Ba Lan, đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để tránh bị bắn. Họ đang di chuyển trên một lộ trình đã được thỏa thuận trước với quân đội Israel, nhưng tất cả họ đều chết chỉ cách nhau vài phút. Sự việc này đã khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ.

Đức Thánh Cha rất đau lòng và thương tiếc các nạn nhân này. Ngài nói: “Tôi bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc đối với những tình nguyện viên thiệt mạng khi phân phát lương thực viện trợ ở Gaza. Tôi cầu nguyện cho họ và gia đình họ…”.

Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc lại yêu cầu cho phép người dân vốn đang kiệt sức và đau khổ ở Gaza được phép tiếp cận viện trợ nhân đạo; đồng thời yêu cầu, như đã làm trong nhiều tháng nay, rằng các con tin Israel bị bắt cóc trong vụ tấn công tàn bạo vào ngày 7/10 và vẫn còn nằm trong tay Hamas “được thả ngay lập tức”. Đức Thánh Cha cũng cầu xin tránh “bất kỳ nỗ lực vô trách nhiệm nào nhằm mở rộng xung đột trong khu vực” và hãy hành động “để cuộc chiến này và các cuộc chiến tranh khác tiếp tục mang đến chết chóc và đau khổ cho nhiều nơi trên thế giới có thể chấm dứt càng sớm càng tốt”.

Cầu nguyện cho những người lính tử trận trong các cuộc chiến

Đức Thánh Cha không quên Ucraina đang bị chiến tranh giày xéo. Cầm một tràng hạt Mân Côi và một cuốn Tân Ước của một quân nhân 23 tuổi người Ucraina đã tử trận trong cuộc chiến với Nga, được một nữ tu người Argentina đã tham gia cứu trợ cho Ucraina trao cho ngài, Đức Thánh Cha nói: “Alexandro đã đọc Tân Ước và các Thánh Vịnh và đã gạch dưới Thánh Vịnh 129 trong sách Thánh Vịnh: Lạy Chúa, từ vực sâu con kêu lên Chúa. Xin Chúa lắng nghe tiếng của con”.

Ngài mời gọi các tín hữu thinh lặng, nghĩ đến người lính trẻ này và nhiều người khác giống như cậu đã chết trong cuộc chiến điên cuồng này. Ngài nói: “Chiến tranh luôn tàn phá, chúng ta nghĩ đến họ và cầu nguyện”.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/tiep-kien-chung-342024-khong-co-cong-binh-thi-khong-co-hoa-binh-40999.html

 

 

8. ĐHY De Donatis được bổ nhiệm làm tân trưởng tòa xá giải

Tý Linh

WXB (06.04.2024) - Làm Tổng đại diện của Đức Thánh Cha cho giáo phận Rôma từ năm 2017, ĐHY Angelo De Donatis kế vị ĐHY Mauro Piacenza. Đức Giám mục phụ tá Daniele Libanori được bổ nhiệm làm Phụ thẩm của Đức Thánh Cha về đời sống thánh hiến.

Đức Phanxicô đã đưa ra sự thay đổi ở cấp cao nhất của Tòa Xá Giải bằng cách bổ nhiệm Angelo De Donatis, 70 tuổi, làm tân Trưởng Tòa Xá Giải mới. Đức Hồng Y đã giữ chức tổng đại diện giáo phận Rôma kể từ ngày 26 tháng 5 năm 2017; ngài cũng là linh mục niên trưởng của Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô.

Đức Hồng y De Donatis kế nhiệm Đức Hồng y Mauro Piacenza, người giữ chức vụ này từ năm 2013 và sẽ tròn 80 tuổi vào tháng Chín tới.

Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm Đức cha Daniele Libanori, s.j., 70 tuổi, vào vị trí Phụ thẩm về đời sống thánh hiến. Từ năm 2017, ngài là Giám mục phụ tá giáo phận Rôma.

Nguồn: xuanbichvietnam.net

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dhy-de-donatis-duoc-bo-nhiem-lam-tan-truong-toa-xa-giai-41007.html

 

 

9. ĐTC Phanxicô gặp gỡ các gia đình các con tin Israel bị Hamas bắt

Sáng ngày 8/4/2024, một phái đoàn các thân nhân của những người bị Hamas bắt cóc hôm 7/10 năm ngoái (2023) đã được Đức Thánh Cha tiếp trong khoảng một giờ. Trong thời gian ở Ý, họ sẽ gặp đại diện của các tổ chức Ý và cộng đồng Do Thái tại nước này.

Vatican News

Cuộc gặp gỡ diễn ra đúng sáu tháng sau cuộc tấn công tàn bạo của Hamas vào Israel vào ngày 7/10/2023, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng và 240 người - bao gồm cả phụ nữ, người già và trẻ em - bị bắt cóc. Trong số họ cũng có các thành viên trong gia đình Bibas, Berger, Dalal, Miran, Nimrodi.

Trong cuộc gặp gỡ, những người thân của các con tin, cầm những tấm bảng giấy có khuôn mặt của những người bị bắt cóc.

Trước đây, vào ngày 22/11 năm ngoái (2023) Đức Thánh Cha đã gặp gỡ riêng hai nhóm: thân nhân của các con tin Israel và một nhóm người Palestine có thành viên gia đình kẹt ở Gaza phải chịu hậu quả của chiến tranh. Khi đó, phát ngôn viên của Tòa Thánh, ông Matteo Bruni giải thích: “Đức Phanxicô muốn thể hiện sự gần gũi thiêng liêng với nỗi đau khổ của mỗi người”.

Đức Thánh Cha đã nhiều lần đưa ra lời kêu gọi thả các con tin, lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và cho phép người dân được tiếp cận viện trợ nhân đạo. Theo ngài, đây là những điều kiện cấp bách và cần thiết cho một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột.

Phái đoàn thân nhân các con tin

Phái đoàn đến Roma gồm có Shulamit Yona Davidovich, điều phối viên về con tin và người mất tích; Bezalel Shnaider, dì của Shiri Bibas, người phụ nữ bị bắt đi cùng hai đứa con: Ariel 4 tuổi 9 tháng, và Kfir là nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong số các con tin, vừa tròn 1 tuổi; Gal Dalal, người sống sót sau Lễ hội âm nhạc Supernova và anh trai của Guy, 22 tuổi, bị bắt cóc.

Hiện diện trong cuộc gặp gỡ còn có mẹ của Merav Gilboa Dalal; Naama Miran, chị của Omri Miran, 46 tuổi, bị bắt cóc ở kibbutz Nir Oz; Lee Yam Berger, em gái song sinh của Agam, nữ quân nhân 19 tuổi, bị bắt cóc tại căn cứ quân sự Nahal Oz; còn có người chị họ của cô là Sarah Waxman Bakshi. Cuối cùng là Alon và Amit Nimrodi, cha và em gái của Tamir, một người lính bị Hamas bắt đi khỏi căn cứ Cogat.

Ngoài cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, trong chương trình tại Ý, phái đoàn người thân của các con tin bị Hamas bắt cóc còn gặp gỡ đại diện các tổ chức của Ý và cộng đồng Do Thái ở Ý

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-gap-go-cac-gia-dinh-cac-con-tin-israel-bi-hamas-bat-41015.html

 

 

10. Đức Thánh Cha tiếp Uỷ ban Giáo hoàng về Kinh Thánh

Sáng thứ Năm, ngày 11/4, Đức Thánh Cha tiếp các thành viên Uỷ ban Giáo hoàng về Kinh Thánh, nhân Đại hội thường niên với chủ đề “Bệnh tật và đau khổ trong Kinh Thánh”.

Vatican News

Đức Thánh Cha nói chủ đề này gần gũi với tâm hồn ngài, và điều quan trọng là phải đối diện với đau khổ và bệnh tật xứng với nhân phẩm. Ngài nhắc lại: “Dưới ánh sáng đức tin, đau khổ và bệnh tật có thể trở thành những yếu tố quyết định trong một tiến trình trưởng thành. Đau khổ giúp phân định điều gì chính yếu và điều gì không. Nhưng trước hết mẫu gương của Chúa Giêsu chỉ ra con đường. Chúa khuyến khích chúng ta chăm sóc những ai đang đau yếu với ý muốn thắng vượt bệnh tật, đồng thời Chúa mời gọi chúng ta kết hiệp những đau khổ của chúng ta với của lễ cứu độ của Người như hạt giống sinh hoa trái”.

Ở điểm này, Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của Uỷ ban Giáo hoàng về Kinh Thánh suy tư hai cụm từ: lòng trắc ẩn và bao gồm.

Trước hết về lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn cho thấy thái độ lặp đi lặp lại của Chúa Giêsu dành cho những người yếu đuối và cần được giúp đỡ. Lòng trắc ẩn cho thấy sự gần gũi của Chúa với những người đau khổ và làm cho Người đồng hoá với họ “Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm” (Mt 25, 36). Tất cả những điều này cho thấy một chiều kích quan trọng: Chúa không giải thích đau khổ nhưng cúi xuống với những ai đau khổ. Người  không đưa ra câu trả lời dễ dàng cho những câu hỏi “tại sao” của chúng ta, nhưng trên Thánh giá Người đã biến câu hỏi lớn “tại sao” của chúng ta thành của Người.

Đức Thánh Cha suy tư tiếp về “sự bao gồm”. Ngài nhận xét, trong Kinh Thánh không có cụm từ này nhưng những hành động của Chúa Giêsu tỏ rõ sự bao gồm: tìm kiếm tội nhân, người bị gạt ra bên lề, không có ai bị loại trừ khỏi ơn cứu độ của Thiên Chúa. Sự bao gồm còn thể hiện trong khía cạnh khác: Chúa mong muốn toàn thể con người cả hồn lẫn xác đều được chữa lành. Bởi vì chữa lành thể xác chẳng ích gì nều tâm hồn không được chữa lành.

Đối với Đức Thánh Cha, quan điểm bao gồm này đưa chúng ta đến thái độ chia sẻ. Qua kinh nghiệm đau khổ và bệnh tật, Giáo hội được mời gọi cùng bước đi với mọi người, trong tình liên đới Kitô và nhân loại, mở ra những cơ hội đối thoại và hy vọng.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cám ơn các thành viên vì sự phục vụ và khuyến khích họ tiếp tục nghiên cứu cách nghiêm túc với tinh thần huynh đệ để chiếu sáng Kinh Thánh vào những khía cạnh mà tất cả mọi người đều quan tâm.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tiep-uy-ban-giao-hoang-ve-kinh-thanh-41023.html

 

 

11. Đức Thánh Cha tiếp các thành viên Quỹ Giáo hoàng

Sáng thứ Sáu, ngày 12/4/2024, tại sảnh Clêmentê trong nội thành Vatican, Đức Thánh Cha đã tiếp các thành viên Quỹ Giáo hoàng hành hương Roma dịp Phục sinh. Ngài cám ơn và khích lệ mọi người tiếp tục hỗ trợ những người kế vị Thánh Phêrô trong khi thi hành sứ vụ.

Vatican News

Được thành lập vào năm 1988, sứ vụ của Quỹ Giáo hoàng ở Hoa Kỳ là “phục vụ Đức Giáo Hoàng và Giáo hội Công giáo” trong các nhu cầu bác ái trên thế giới, bao gồm việc đào tạo các linh mục, tu sĩ và giáo dân; trợ giúp cho các nhà nội trú Công giáo và các cơ sở y tế; các chương trình ủng hộ sự sống; chăm sóc các linh mục và tu sĩ lớn tuổi; và nơi trú ẩn cho người lớn và trẻ em vô gia cư.

Trong bài nói chuyện với 140 người đến từ Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha nhắc lại từ khi thành lập, Quỹ Giáo hoàng đã trở thành phương tiện truyền tải niềm vui Phục sinh bằng cách mang lại sự gần gũi, lòng trắc ẩn và tình yêu dịu dàng của Chúa Giêsu đến với nhiều anh chị em trên thế giới.

Ngài nói: “Qua những sáng kiến tốt đẹp này, anh chị em tiếp tục giúp đỡ những người kế vị Thánh Phêrô xây dựng nhiều nhà thờ địa phương và chăm sóc nhiều người kém may mắn, nhờ đó các vị hoàn thành sứ vụ được Chúa uỷ thác cho Thánh Tông đồ. Cám ơn lòng quảng đại của anh chị em”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm rằng công việc của các thành viên bén rễ và tìm được cảm hứng từ đức tin Công giáo. Đức tin này cần phải được tiếp tục nuôi dưỡng bằng việc tham gia vào đời sống Giáo hội, lãnh nhận các Bí tích, và dành thời gian thinh lặng trước Chúa để cầu nguyện và tôn thờ. Nhờ cầu nguyện liên lỉ, dần dần chúng ta sẽ trở nên “một lòng một ý” (Cv 4, 32) với Chúa Giêsu và với anh chị em khác, từ đó chuyển thành tình liên đới và chia sẻ lương thực hằng ngày của chúng ta.

Trong đời sống thiêng liêng, hoa trái này rất quan trọng đối với mọi người, vì thực tế các thành viên Quỹ Giáo hoàng không trực tiếp tiếp xúc với những ai họ giúp đỡ, nhưng các chương trình của Quỹ thúc đẩy liên kết tinh thần và tình huynh đệ với những người thuộc mọi nền văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo và khu vực khác nhau.

Đức Thánh Cha kết luận: “Hơn bao giờ hết, sự phục vụ của anh chị em cần thiết trong thời nay, vốn bị đánh dấu bởi chủ nghĩa cá nhân và sự dửng dưng”.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tiep-cac-thanh-vien-quy-giao-hoang-41031.html

 

 

13. Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore vào tháng 9
Vatican News (12.04.2024) – Thứ Sáu, ngày 12/4, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh cho biết, Đức Thánh Cha sẽ thực hiện chuyến tông du đến Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore từ ngày 02 đến 13/9/2024.

Thông báo viết: “Nhận lời mời của các Nguyên thủ quốc gia và các Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đến Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor  và Singapore từ ngày 02 đến 13/9/2024.

Dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ rời Roma vào ngày 02/9 và trở về vào ngày 13/9.

Đầu tiên, ngài sẽ đến Jakarta, thủ đô Indonesia  từ ngày 03 đến ngày 06/9. Tiếp đến, ngài sẽ đến thăm Port Moresby thủ đô của Papua New Guinea và Vanimo từ ngày 06 đến ngày 09/9. Điểm dừng chân tiếp theo của Đức Thánh Cha sẽ là Dili thủ đô của Đông Timor từ ngày 09 đến ngày 11/9. Từ đó, ngài sẽ đến Singapore từ ngày 11 đến ngày 13/9.

Lần đầu tiên Đức Thánh Cha đề cập đến khả năng tông du đến khu vực này vào tháng 12/2023. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Mexico N+, Đức Thánh Cha  cho biết ngài hy vọng sẽ đến “Polynesia” vào tháng 8 và đến quê hương Argentina vào cuối năm nay.

Sau đó, vào tháng 01/2024, Đức Thánh Cha nói với người phỏng vấn tờ báo Ý La Stampa rằng ngài sẽ đến thăm Đông Timor, Papua New Guinea và Indonesia.

Indonesia là quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo lớn nhất thế giới và số người Công giáo lên tới hơn 8 triệu người, tương đương 3,1% dân số.

Khoảng 32% dân số Papua New Guinea là người Công giáo, với con số khoảng 2 triệu người.

Đông Timor  đa số là người Công giáo, chiếm khoảng 96% dân số, với hơn 1 triệu người.

Khoảng 395.000 người Công giáo sống ở Singapore, chiếm khoảng 3% dân số.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-se-vieng-tham-indonesia-papua-new-guinea-dong-timor-va-singapore-vao-thang-9-41033.html

 

 

16. Đức Thánh Cha Phanxicô Gửi Thư Cho Người Hồi Giáo Nhân Kết Thúc Tháng Chay

Vatican News Tiếng Việt

15/04/2024

Trong thông điệp gửi tới người Hồi giáo nhân dịp kết thúc tháng Ramadan, Đức Thánh Cha chia sẻ mong muốn hòa bình ở Palestine, Israel, Syria và Libăng và kêu gọi mọi người nam nữ có thiện chí “đừng để ngọn lửa oán giận bị thúc đẩy bởi những cơn gió đáng ngại của chạy đua vũ trang thổi bùng. Ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo chấm dứt giao tranh và ngăn chặn khả năng chiến tranh lan rộng.

 

Trong thư ngỏ với đài truyền hình tin tức Ả Rập quốc tế Al Arabiya vào ngày 12/4/2024, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các anh chị em Hồi giáo kèm theo những lời đau buồn vì “máu hiện đang đổ ra ở vùng đất được chúc lành ở Trung Đông”. Ngài lưu ý rằng năm nay, tháng Ramadan của Hồi giáo kết thúc ngay sau lễ Phục Sinh, Đức Thánh Cha nhận xét rằng hai dịp này đều khiến các tín hữu ngước mắt lên trời và “thờ phượng Thiên Chúa ‘nhân từ và toàn năng’” hoàn toàn trái ngược với sự tàn phá do tên lửa tàn phá trái đất gây ra.

Thiên Chúa là hòa bình và Người mong muốn hòa bình

Đức Thánh Cha viết: “Thiên Chúa là hòa bình và Người mong muốn hòa bình. Những ai tin vào Người không thể không bác bỏ chiến tranh, một chiến tranh không giải quyết được mà chỉ làm tăng thêm sự thù địch”. Đồng thời ngài nhắc lại xác tín rằng “Chiến tranh luôn luôn và chỉ là một thất bại: đó là con đường dẫn đến hư không; nó không mở ra những khung cảnh mới mà còn dập tắt mọi hy vọng”.

Kêu gọi hòa bình cho Trung Đông

Bày tỏ sự đau khổ trước cuộc xung đột ở Palestine và Israel, Đức Thánh Cha lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, nơi mà ngài nói, một thảm họa nhân đạo đang diễn ra. “Cầu mong viện trợ được phép đến tay người dân Palestine đang vô cùng đau khổ, và cầu mong những con tin bị bắt vào tháng 10 được thả tự do!”.

Đức Thánh Cha tiếp tục suy nghĩ về “Syria, Libăng, và toàn bộ Trung Đông đang bị chiến tranh tàn phá”. “Chúng ta đừng để ngọn lửa oán giận lan rộng, bị thổi bùng bởi những cơn gió dữ dội của cuộc chạy đua vũ trang! Chúng ta đừng để chiến tranh lan rộng! Chúng ta hãy chấm dứt quán tính của cái ác!”

Quyền sống trong hòa bình của mỗi người

Đức Thánh Cha nghĩ đến các gia đình, giới trẻ, người lao động, người già và trẻ em và chắc chắn rằng trong lòng họ có một khát vọng hòa bình lớn lao: “Giữa lúc bạo lực lan rộng, nước mắt họ tuôn rơi và một từ duy nhất thốt ra từ môi họ: ‘Đủ rồi’”. Và ngài lặp lại “Đủ rồi!” với những người chịu trách nhiệm nặng nề trong việc cai trị các quốc gia. “Làm ơn, hãy chấm dứt xung đột vũ khí và nghĩ đến trẻ em, tất cả trẻ em, như chính con cái của các bạn”. “Trẻ em cần nhà cửa, công viên và trường học, chứ không phải những ngôi mộ và những ngôi mộ tập thể”.

Khích lệ Kitô hữu Trung Đông

Trong thư Đức Thánh Cha hy vọng và tin rằng giống như sa mạc có thể nở hoa, trái tim con người và cuộc sống của các quốc gia cũng có thể nở hoa như vậy. Và ngài có những lời gần gũi và khích lệ đối với các Kitô hữu sống ở Trung Đông “trong không ít khó khăn”, cầu mong cho họ “luôn luôn và ở mọi nơi được hưởng quyền và khả năng tự do tuyên xưng đức tin của mình, điều nói lên hòa bình và tình huynh đệ”. (CSR_1580_2024)

Nguồn: Vaticannews.va/vi

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-phanxico-gui-thu-cho-nguoi-hoi-giao-nhan-ket-thuc-thang-chay-41047.html

 

 

17. ĐTC Phanxicô kêu gọi ngừng các hành động nuôi dưỡng bạo lực ở trung đông

Vào cuối buổi đọc Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật ngày 14/4/2024, Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự đau buồn và lo lắng trước các cuộc tấn công của Iran vào Israel và kêu gọi dừng lại bất cứ điều gì có nguy cơ kéo Trung Đông vào một cuộc xung đột chiến tranh lớn hơn. Ngài lặp lại lời kêu gọi giải pháp hai Nhà nước cho Israel và Palestine và chấm dứt chiến tranh và bạo lực.

Vatican News

“Chiến tranh đã đủ rồi, tấn công đã đủ rồi, bạo lực đã đủ rồi, hãy đối thoại và tìm hòa bình”.

Trong bối cảnh căng thẳng quốc tế về sự leo thang xung đột ở Trung Đông, sau cuộc tấn công của Iran vào Israel với hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa hành trình được phóng thành ba đợt, Đức Thánh Cha cũng chia sẻ với hàng ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô về “mối quan tâm” và “nỗi buồn” của ngài và lặp lại lời kêu gọi vì hòa bình và đàm phán.

Sau đó Đức Thánh Cha quay sang những người chịu trách nhiệm trong tình huống này: “Hãy ngăn chặn bất kỳ hành động nào có thể gây ra vòng xoáy bạo lực, có nguy cơ kéo Trung Đông vào một cuộc xung đột chiến tranh thậm chí còn lớn hơn”.

Đức Thánh Cha nhắc lại lời kêu gọi giải pháp “hai nhà nước” cho Israel và Palestine, giải pháp luôn được Tòa Thánh ủng hộ. Ngài nói: “Không ai được đe dọa sự tồn tại của người khác, tất cả các quốc gia đều đứng về phía hòa bình và giúp đỡ người Israel và người Palestine sống trong hai Nhà nước, cạnh nhau, trong sự an toàn. Đó là mong muốn sâu sắc và chính đáng của họ, và đó là quyền của họ: Hai Nhà nước lân cận”.

Và Đức Thánh Cha tập trung sự chú ý đến Dải Gaza, nơi theo Bộ trưởng Y tế của Hamas, hơn 33.700 người chết từ tháng 10. “Ước mong sớm có một lệnh ngừng bắn ở Gaza và các con đường đàm phán được thực hiện. Đàm phán với quyết tâm, hãy giúp dân tộc đang bị sống trong thảm họa của chiến tranh”.

Đức Thánh Cha không quên lặp lại lời kêu gọi trả tự do “ngay lập tức” cho các con tin Israel bị bắt cóc sáu tháng trước và vẫn còn nằm trong tay Hamas. Trong số đó có phụ nữ và trẻ em.

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-keu-goi-ngung-cac-hanh-dong-nuoi-duong-bao-luc-o-trung-dong-41055.html

 

 

18. Đức Thánh Cha tiếp các tu sĩ Dòng Cát Minh Nhặt phép

Sáng thứ Năm, ngày 18/4/2024, Đức Thánh Cha tiếp các bề trên Dòng Cát Minh Nhặt phép, nhân dịp các nữ đan sĩ quy tụ để suy tư sửa đổi Hiến pháp. Ngài nhắc lại rằng con đường chiêm niệm là đường tình yêu, như một chiếc thang nâng chúng ta lên với Thiên Chúa, không phải để tách chúng ta ra khỏi thế giới nhưng giúp chúng ta bám sâu hơn vào đó, như những chứng nhân tình yêu.

Vatican News

Đức Thánh Cha nói những gì các đan sĩ đang làm trong những ngày này là một công việc đầy ý nghĩa, vì đây là “mùa của Thánh Thần”, một dịp để cống hiến hết mình cho cầu nguyện và phân định. Ngài nói: “Mở lòng cho Chúa Thánh Thần hoạt động, chị em được thách đố khám phá ngôn ngữ, những cách thức và những phương tiện mới để tạo động lực lớn hơn cho đời sống chiêm niệm mà Chúa đã mời gọi chị em đón nhận, để đoàn sủng Cát Minh có thể thu hút nhiều tâm hồn vì vinh quang Thiên Chúa và lợi ích Giáo hội”.

Theo Đức Thánh Cha, sửa đổi Hiến pháp có nghĩa là nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai. Do đó, ký ức về lịch sử và các yếu tố trong Hiến pháp đã trưởng thành qua nhiều năm là một nguồn phong phú cần phải luôn mở ra trước những thúc đẩy của Thánh Thần, sự mới mẻ của Tin Mừng và những dấu chỉ mà Chúa tỏ ra cho chúng ta qua những trải nghiệm cuộc sống và những thách đố lịch sử.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng con đường chiêm niệm là đường của tình yêu, như một chiếc thang nâng chúng ta lên với Thiên Chúa, không phải để tách chúng ta ra khỏi thế giới nhưng giúp chúng ta bám sâu hơn vào đó, như những chứng nhân tình yêu. Chính Thánh Têrêsa Avila đã nói rõ rằng thời gian thinh lặng và cầu nguyện là cần thiết, tuy nhiên cần phải được coi là nguồn của hoạt động tông đồ và của mọi nhiệm vụ hàng ngày mà Chúa mời gọi chúng ta thực hiện để phục vụ Giáo hội.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, bằng cách này, đời sống chiêm niệm sẽ không có nguy cơ trở thành thành một sự trì trệ thiêng liêng, rút lui khỏi các nhiệm vụ đời sống hằng ngày, và sẽ tiếp tục cung cấp ánh sáng nội tâm cần thiết cho việc phân định. Vì thế ánh sáng mà các tu sĩ cần sửa đổi Hiến pháp là niềm hy vọng được Tin Mừng mang lại.

Niềm hy vọng Tin Mừng đòi hỏi phải phó thác cho Thiên Chúa, học cách đọc những dấu chỉ Người ban cho chúng ta để phân định tương lai, can đảm đưa ra những quyết định táo bạo và mạo hiểm, ngay cả khi không biết cuối cùng chúng sẽ dẫn đến đâu. Trên hết, nó có nghĩa là không chỉ nghĩ đến khía cạnh con người và phòng thủ khi suy nghĩ về việc nên bảo tồn hay đóng cửa một tu viện, về cơ cấu đời sống cộng đoàn, về ơn gọi. Các chiến lược phòng thủ thường là kết quả của nỗi khao khát hoài niệm về quá khứ, trong khi niềm hy vọng Tin Mừng mang lại cho chúng ta niềm vui khi chiêm ngắm lịch sử cho đến hiện tại, nhưng cũng trao quyền cho chúng ta nhìn về tương lai.

Đức Thánh Cha kết thúc với lời mời gọi các nữ đan sĩ nhìn về tương lai với niềm hy vọng Tin Mừng và với sự tự do có được từ việc phó thác cho Thiên Chúa.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tiep-cac-tu-si-dong-cat-minh-nhat-phep-41062.html

 

 

19. Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị dòng Các Sư huynh Trường Công Giáo Ploermel

Sáng thứ Hai, ngày 22/4/2024, Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên tổng tu nghị dòng Các Sư huynh Trường Công Giáo Ploermel. Ngài mời gọi các tu sĩ quảng đại phục vụ giới trẻ, chú ý đến những khát vọng của họ, đồng thời luôn luôn hướng về Chúa Kitô, nguyên tắc tối cao của cuộc đời tu sĩ.

Vatican News

Dòng Các Sư huynh Trường Công giáo Ploermel do đấng đáng kính linh mục Jean-Marie de La Mennais (1780-1860) và cha Gabriel Dashayes thành lập vào năm 1824 tại thành phố Ploermel, miền Tây nước Pháp. Sứ vụ của các sư huynh tập trung vào việc loan báo Tin Mừng cho trẻ em và giới trẻ qua giáo dục.

Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nói rằng các tu sĩ đang làm việc tại các khu vực trên thế giới, nơi tình trạng nghèo đói, thanh niên thất nghiệp và đủ loại khủng hoảng xã hội đang lan tràn. Vì vậy, ngài mời gọi tu sĩ trở thành những người cha của những người mà các tu sĩ được sai đến, những người cha phản ánh khuôn mặt yêu thương và nhân hậu của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Trong một thế giới luôn thay đổi, anh em hãy quảng đại phục vụ giới trẻ, chú ý đến những khát vọng của họ, đồng thời luôn luôn hướng về Chúa Kitô, nguyên tắc tối cao của cuộc đời anh em. Ơn gọi thúc đẩy anh em đi đến những nơi mà người khác không đến, đến vùng ngoại vi, hướng tới những người bị loại bỏ”.

Đức Thánh Cha mong muốn sự hiện diện của các tu sĩ là nguồn hy vọng cho nhiều người. Trong tinh thần huynh đệ và sự chào đón của các tu sĩ, nhiều người nhận ra một khuôn mặt khác của nhân loại bị biến dạng bởi chiến tranh, sự thờ ơ và sự loại bỏ những người yếu thế nhất. Những người trẻ này cũng có ước mơ, nhưng ngày nay, vì nhiều lý do, ước mơ không thực hiện được. Đức Thánh Cha hy vọng các tu sĩ giúp họ sống lại ước mơ, tin tưởng vào giấc mơ và biến chúng thành hiện thực.

Ngài nhắc lại: “Giáo hội là một gia đình và tất cả chúng ta, với nhiều đoàn sủng và ơn gọi khác nhau, cùng cộng tác để cứu rỗi con người. Trong mầu nhiệm hiệp thông, tôi có thể trông mong vào lòng tin tưởng con thảo và sự gắn bó của anh em với thừa tác vụ của Người Kế Vị Thánh Phêrô. Tôi khuyến khích anh em cộng tác chặt chẽ với các giáo phận nơi anh em đang truyền giáo và với Dân Chúa trung thành”.

Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha ước mong phương pháp sư phạm của các tu sĩ luôn được gợi hứng từ lời “xin vâng” của Đức Maria, Đấng đã đón nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại được thực hiện nơi Mẹ.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tiep-tong-tu-nghi-dong-cac-su-huynh-truong-cong-giao-ploermel-41076.html

 

 

20. Giáo hội Campuchia vui mừng vì số ơn gọi gia tăng

Đức cha Olivier Schmitthaeusler, Đại diện Tông tòa Phnom Penh bày tỏ niềm vui và hy vọng vì số ơn gọi linh mục và tu sĩ ngày càng gia tăng trong Giáo hội Campuchia.

Vatican News

Tại một cuộc gặp gỡ đông đảo được tổ chức trong ba ngày, trước Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Đức cha cho biết, ở quốc gia này, 97% theo Phật giáo. Giáo hội Công giáo có khoảng 20.000 tín hữu, được chia thành 80 giáo xứ. Tuy nhiên đây là một vùng đất truyền giáo màu mỡ với nhiều người lớn được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy và một số lễ phong chức linh mục diễn ra trong những năm gần đây.

Theo Đức cha, Giáo hội ở Campuchia hiện nay giống như Giáo hội thời Công vụ Tông đồ, bởi vì khi ngài bắt đầu thi hành sứ vụ mục vụ vào năm 2002, trong một ngôi làng nhỏ chỉ có một người Công giáo; hiện nay, hầu hết các tín hữu là những Kitô hữu của thế hệ đầu tiên.

Giáo hội Campuchia là một Giáo hội nhỏ chịu đau khổ dưới thời Pol Pot. Từ năm 1975-1990, các tín hữu không thể tụ tập vì không có linh mục và tu sĩ. Từ năm 1990, mọi người mới bắt đầu lại cuộc sống Giáo hội. Bắt đầu từ năm 2000, mỗi năm có khoảng 150 đến 200 người lớn được rửa tội. Năm nay, có 185 người gia nhập Giáo hội.

Về ơn gọi linh mục và thánh hiến, Đức cha Schmitthaeusler bày tỏ niềm vui: “Những năm qua là những năm tốt đẹp. Từ năm 2014, tôi đã tổ chức các buổi cầu nguyện cho ơn gọi. Điều này đã mang lại kết quả. Hiện chúng tôi có 4 chủng sinh, một đang học ở chủng viện Thái Lan và 3 ở Phnom Penh. Năm nay, chúng tôi có 7 bạn trẻ đang chuẩn bị vào chủng viện”.

Vị Đại diện Tông tòa Phnom Penh giải thích rằng ơn gọi gia tăng là nhờ cầu nguyện và chứng từ của những người quan tâm đến ơn gọi. Đó là chứng tá tình yêu của Giáo hội, gia đình, cha mẹ, cộng đoàn. Trên thực tế, bởi vì sống trong gia đình theo Phật giáo, khi đáp lại ơn gọi, các bạn trẻ thường gặp khó khăn, từ việc mình là người duy nhất rửa tội đến việc xin vào chủng viện, tất cả rất phức tạp.

Đức cha kể lại một trải nghiệm về lời mời gọi gia nhập đời sống dâng hiến: “Năm ngoái, chúng tôi tổ chức cuộc hành hương cho giới trẻ. Khi tôi đứng dưới một gốc cây, giống Chúa Giêsu với Nathanael và nói: Ai muốn vào chủng viện năm tới, hãy đăng ký. Có 5 bạn trẻ đăng ký ngay lập tức và sau đó thêm 3 người nữa”.

 Link nội dung đầy đủ: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-04/giao-hoi-campuchia-vui-son-goi-gia-tang.html

 

21. Các giám mục Ấn Độ lên án nhóm Ấn giáo tấn công trường học và linh mục Công giáo

Hội đồng Giám mục Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 16/4/2024 lên án một nhóm Ấn giáo cực đoan tấn công bạo lực vào Trường Trung học Anh ngữ Mẹ Teresa ở bang Telangana. Nhóm này đã hành hung linh mục hiệu trưởng của trường.

Hồng Thủy - Vatican News

Các Giám mục Ấn Độ nói: "Cuộc tấn công của một nhóm chống đối xã hội là một hành động bạo lực đáng trách chống lại một cơ sở giáo dục và nhân viên của cơ sở đó".

Cuộc tấn công

Cha Jaison Joseph, hiệu trưởng của trường do Dòng Truyền giáo Thánh Thể điều hành, cho biết, khi một số học sinh mặc quần áo màu nghệ thay vì đồng phục, cha yêu cầu các em thay đồng phục hoặc báo với phụ huynh đến gặp. Sau đó, 500 người mặc quần áo màu nghệ đã kéo đến; họ bao vây và bắt đầu đánh đập cha. Họ choàng một chiếc khăn choàng màu nghệ lên cổ cha và bôi thuốc nhuộm tilak [màu nghệ] lên trán cha.

Các phương tiện truyền thông đưa tin về hình ảnh Cha Joseph bị buộc phải hô vang "Jai Sri Ram" (Chúc tụng Đức Ram") trong khi đám đông phá hoại tòa nhà của trường học và tấn công giáo viên và nhân viên.

Trước đó, đám đông đã hét to "Jai Shri Ram" và ném đá vào tượng Thánh Teresa Calcutta được đặt ở cổng chính của trường. Những kẻ tấn công đã phá hủy văn phòng an ninh của trường học, nơi có hơn 1.000 học sinh đang theo học - 80% theo Ấn giáo, 10% theo Kitô giáo và 10% theo Hồi giáo.

Một cuộc tấn công có động cơ tôn giáo

Đức Cha Prince Antony Panengaden của Giáo phận Adilabad của Giáo hội Syro-Malabar cho biết, "Tất cả các đảng [chính trị] đều tham gia. Đó là một cuộc tấn công có động cơ tôn giáo". Đức cha nói: "Chúng tôi yêu cầu chính quyền đảm bảo an toàn cho các linh mục và thực hiện các hành động chống lại thủ phạm".

Ngay sau vụ tấn công, cảnh sát đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng Kitô hữu khi đệ đơn khởi tố hình sự trường Công giáo và ban quản lý của trường, cáo buộc họ "xúc phạm tình cảm tôn giáo và thúc đẩy sự thù địch giữa các nhóm khác nhau".

Lời kêu gọi của cac Giám mục Ấn Độ

Các Giám mục Ấn Độ kêu gọi "tất cả các cộng đồng chống lại việc truyền bá thông tin sai lệch và những lời lẽ gây chia rẽ. Tất cả chúng ta đều là những phần không thể thiếu của quốc gia vĩ đại này và sự thống nhất trong đa dạng là nền tảng cho bản sắc của chúng ta".

"Chúng tôi kêu gọi đồng bào của mình, bất kể niềm tin tôn giáo, hãy cùng nhau chống lại mọi nỗ lực lợi dụng sự đa dạng của chúng ta cho các chương trình nghị sự hẹp hòi, ích kỷ. Chúng ta hãy tái khẳng định cam kết của chúng ta đối với hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và sự thịnh vượng chung của đất nước thân yêu của chúng ta". (CNA 22/04/2024)

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/cac-giam-muc-an-do-len-an-nhom-an-giao-tan-cong-truong-hoc-va-linh-muc-cong-giao-41089.html

 

 

22. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu mở cửa tâm hồn đón Đức Mẹ

Nhân dịp tượng Đức Mẹ Fatima thánh du đến Giáo phận Termoli của Ý từ ngày 27/4 đến 05/5, vào ngày 24/4, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video cho giáo phận và nói: "Khi Đức Mẹ gõ cửa tâm hồn anh chị em, hãy nói: Xin mời Mẹ. Mẹ biết rõ hơn con những việc con đã làm, những vấn đề con gặp phải… Anh chị em hãy mở lòng cho Đức Mẹ”.

Vatican News

Đức Thánh Cha mở đầu sứ điệp: “Anh chị em thân mến, anh chị em đang có một lễ lớn bởi vì anh chị em có một cuộc viếng thăm quan trọng: Đức Mẹ  đến viếng thăm chúng ta. Đức Mẹ đến với giáo phận, giáo xứ, bước vào nhà, vào gia đình của anh chị em”.

Đức Thánh Cha nhận xét về cách viếng thăm của Đức Mẹ: Mẹ rất lịch sự, không xông vào ào ào, nhưng gõ cửa. Mỗi người phải trả lời. Mẹ gõ cửa tâm hồn, lương tâm, nhà và gia đình. Mỗi người có thể nói “Xin mời vào”; hoặc có thể nói “Nhưng hôm nay con không thể đón tiếp, xin mời trở lại ngày mai”; và ngày mai cũng nói như vậy.

Ở điểm này, Đức Thánh Cha cảnh báo phải cẩn thận, không thể nói “hôm nay không thể, ngày mai thì được”, và “ngày mai được”, “ngày kia thì không” … và cứ như vậy. Không được như vậy. Phải cẩn thận. Khi Đức Mẹ gõ cửa thì phải nói “Xin Mẹ vào. Mẹ là thành phần của gia đình”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Khi Đức Mẹ gõ cửa tâm hồn anh chị em. Hãy nói: Xin mời Mẹ. Mẹ biết rõ hơn con những việc con đã làm, những vấn đề con gặp phải… Anh chị em hãy mở lòng cho Đức Mẹ”.

Đi vào thực tế, Đức Thánh Cha nói mặc dù Đức Mẹ sẽ đến bằng trực thăng, nhưng sau đó Mẹ sẽ gõ cửa gia đình và tâm hồn các tín hữu. Vì thế ngài khuyên mọi người hãy nghĩ đến điều này: “Hôm nay Đức Mẹ đến với chúng ta. Mẹ đang gõ nhiều cánh cửa, trong đó cũng có cửa tâm hồn tôi. Tôi trả lời Mẹ như thế nào?”

Và ngài kết thúc: “Hãy can đảm: Thiên Chúa tha thứ tất cả. Hãy tiến lên và can đảm. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em. Và xin cầu nguyện cho tôi”.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-moi-goi-cac-tin-huu-mo-cua-tam-hon-don-duc-me-41090.html

 

 

23. Đtc Phanxicô Gặp Gỡ 60.000 Thành Viên Công Giáo Tiến Hành Của Ý

Gặp gỡ 60.000 thành viên Công giáo Tiến hành của Ý vào sáng thứ Năm ngày 25/4, Đức Thánh Cha nói với họ: "Các bạn sẽ càng là sự hiện diện của Chúa Kitô khi các bạn biết cách ôm lấy và hỗ trợ mọi anh em đang gặp khó khăn bằng vòng tay nhân hậu và nhân ái, ... đồng thời khiêm tốn và nhiệt thành trong đời sống thiêng liêng".

Hồng Thủy - Vatican News

Dựa trên chủ đề của cuộc gặp gỡ là "Với vòng tay rộng mở", Đức Thánh Cha nói về ý nghĩa của vòng tay ôm trong cuộc sống con người: bắt đầu với vòng tay ôm của cha mẹ, những vòng tay ôm dọc theo cuộc sống và cả khi kết thúc cuộc đời. Đặc biệt ngài nhấn mạnh đến vòng tay bao la của Thiên Chúa không ngừng ôm chúng ta lại gần Người. Và ngài chia sẻ ba kiểu vòng tay ôm: cái ôm đang thiếu, cái ôm cứu rỗi, cái ôm làm thay đổi cuộc đời bạn.

Cái ôm đang thiếu

Nói đến cái ôm đang thiếu, Đức Thánh Cha lưu ý rằng thế giới của chúng ta đôi khi khép kín và chống lại sự nhiệt tình, đến nỗi vòng tay trở nên cứng ngắc và bàn tay nắm lại cách đe dọa, không còn là phương tiện của tình huynh đệ nữa mà là sự từ chối và chống đối, thậm chí bạo lực, thiếu tin tưởng đối với người khác, đến mức dẫn đến xung đột. Trong các cuộc chiến tranh thường có những cái ôm bị bỏ qua hoặc bị từ chối, kéo theo đó là những thành kiến, hiểu lầm và nghi ngờ, đến mức coi người khác như kẻ thù. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói với các thành viên Công giáo Tiến hành rằng "với sự hiện diện và công việc của các bạn, các bạn có thể làm chứng cho mọi người rằng con đường của vòng tay ôm là con đường của sự sống".

Cái ôm cứu rỗi

Nói về cái ôm cứu rỗi, Đức Thánh Cha nhận định: "Theo quan điểm con người, ôm nhau có nghĩa là thể hiện những giá trị tích cực và cơ bản như tình cảm, sự quý trọng, sự tin tưởng, sự động viên, sự hòa giải. Nhưng nó càng trở nên quan trọng hơn khi nó được sống trong chiều kích đức tin. Ở trung tâm cuộc sống của chúng ta, chính là vòng tay thương xót của Thiên Chúa, Đấng cứu độ, của Người Cha nhân lành, Đấng đã tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu, và khuôn mặt của Người được phản ánh trong mọi cử chỉ của Người - tha thứ, chữa lành, giải thoát, phục vụ (xem Ga 13,1-15). Đức Thánh Cha khuyến khích: "Chúng ta hãy để cho Người ôm lấy mình như những đứa trẻ (xem Mt 18,2-3; Mc 10,13-16), để chúng ta có thể ôm lấy anh chị em mình với cùng một lòng bác ái".

Cái ôm làm thay đổi cuộc đời

Cuối cùng, chia sẻ về cái ôm làm thay đổi cuộc đời, Đức Thánh Cha nhắc lại lịch sử của nhiều vị thánh được thay đổi bởi một cái ôm, như Thánh Phanxicô đã bỏ tất cả để theo Chúa sau khi ôm một người cùi lại gần mình (xem FF 110, 1407-1408). Từ đó ngài mời gọi các thành viên của Công giáo Tiến hành Ý hãy để lòng bác ái là "quy tắc, hình thức và mục đích của mọi phương tiện thánh hóa và tông đồ. Hãy để nó định hình mọi nỗ lực và sự phục vụ của các bạn, để các bạn có thể sống trung thành với ơn gọi và lịch sử của mình (xem Diễn văn với Công giáo Tiến hành, ngày 30 tháng 4 năm 2017)".

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-gap-go-60000-thanh-vien-cong-giao-tien-hanh-cua-y-41094.html

 

 

24. ĐTC Phanxicô nói với các ông bà và con cháu: Tình thương giúp chúng ta tốt hơn, phong phú và khôn ngoan hơn

Sáng thứ Bảy, ngày 27/4/2024, tại đại thính đường Phaolô VI, trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ “Một cử chỉ âu yếm và một nụ cười”, Đức Thánh Cha tiếp khoảng 6.000 người, gồm ông bà, con cháu. Ngài mời mọi người suy ngẫm về những khía cạnh của tình yêu: tình yêu giúp chúng ta tốt hơn, phong phú và khôn ngoan hơn.

Vatican News

Trong bài nói chuyện, trước hết Đức Thánh Cha cám ơn Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống và Tổ chức Người Cao tuổi Ý tổ chức cuộc gặp gỡ. Ngài bày tỏ niềm vui vì mọi người, ông bà con cháu, già trẻ cùng quỵ tụ chung với nhau, điều này giống như Thánh vịnh 133 diễn tả: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”.

Theo Đức Thánh Cha, chỉ cần nhìn vào mọi người đang hiện diện là đủ hiểu được điều Thánh vịnh nói, vì có tình yêu giữa mọi người. Ở điểm nay, ngài muốn mời mọi người suy tư về những khía cạnh của tình yêu: tình yêu làm cho chúng ta tốt hơn, phong phú và khôn ngoan hơn.

Trước hết, tình yêu làm cho chúng ta tốt hơn. Đức Thánh Cha khẳng định điều này trong tư cách là một “người ông” mong muốn chia sẻ đức tin luôn trẻ trung liên kết mọi thế hệ. Đức Thánh Cha nói chính ngài cũng đã đón nhận đức tin từ người bà, người đã giáo dục ngài tình yêu thương bằng câu chuyện. Và một trong những câu chuyện ngài đã được nghe: Có một người ông trong gia đình, do lớn tuổi khi ăn làm bẩn bàn ăn. Người con đưa cha mình sang một chỗ khác để dùng bữa một mình. Mấy ngày sau người con trai này thấy con của mình còn rất nhỏ đang dùng búa, đinh đóng một cái bàn. Ông hỏi con làm gì, cậu nói rằng đang chuẩn bị một cái bàn cho cha cậu khi ông già đi. Đức Thánh Cha nói: “Đây là những gì bà tôi đã dạy, và tôi không bao giờ quên. Anh chị em đừng quên điều này, bởi vì chỉ bằng cách ở bên nhau với tình yêu, không loại trừ ai, chúng ta mới trở nên tốt hơn, nhân bản hơn!”.

Đức Thánh Cha nói tiếp điểm thứ hai: “tình yêu làm cho chúng ta trở nên giàu có hơn”. Ngài giải thích rằng xã hội có những người giàu kiến thức và phương tiện hữu ích cho mọi người. Tuy nhiên, nếu không có sự chia sẻ và mọi người chỉ nghĩ đến chính mình, tất cả của cải sẽ bị mất, sẽ biến thành một sự nghèo nàn của nhân loại. Và đây là một nguy cơ lớn cho thời đại chúng ta: sự nghèo nàn của sự phân mảnh và ích kỷ. Như một số cách diễn đạt mà chúng ta sử dụng: khi chúng ta nói về "thế giới người trẻ", "thế giới người già", "thế giới của cái này và cái kia" ... Nhưng chỉ có một thế giới và nó được tạo thành từ nhiều thực tại khác nhau để có thể giúp đỡ và bổ sung cho nhau.

Đức Thánh Cha còn cảnh báo đôi khi chúng ta nghe những câu như "hãy nghĩ về bản thân!", "không cần bất cứ ai!". Điều này sai lầm, đánh lừa mọi người, khiến họ tin rằng không phụ thuộc vào người khác, làm điều đó cho chính mình, sống như những hòn đảo là điều tốt, trong khi đây là những thái độ chỉ tạo ra sự cô đơn.

Đức Thánh Cha đi đến khía cạnh cuối cùng: tình yêu giúp chúng ta khôn ngoan hơn. Ngài đặc biệt hướng đến con cháu, nhắc nhở họ rằng ông bà là ký ức của một thế giới không có ký ức, và khi một xã hội mất ký ức, nó sẽ kết thúc. Ngài nói: “Vì thế cần phải lắng nghe ông bà, đặc biệt là khi ông bà dạy các con bằng tình yêu và chứng tá của ông bà để vun trồng những tình cảm quan trọng nhất, không có được bằng vũ lực, không xuất hiện bằng thành công, nhưng lấp đầy cuộc sống”.

Đức Thánh Cha kết thúc bài nói chuyện: “Trên Thánh Giá, khi nhìn Đức Mẹ và môn đệ thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu: ‘Thưa Bà, đây là con Bà’. Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’ (Ga 19, 26-27). Với những lời đó, Chúa Giêsu đã giao phó cho chúng ta một phép lạ cần đạt được: yêu thương nhau như một đại gia đình”.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-noi-voi-cac-ong-ba-va-con-chau-tinh-thuong-giup-chung-ta-tot-hon-phong-phu-va-khon-ngoan-hon-41102.html

 

 

25. Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Tham Dự Phiên Họp Của G7 Về Trí Tuệ Nhân Tạo

Vatican News

28/04/2024

Ngày 26/4/2024, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở khu vực Puglia phía nam nước Ý trong phiên họp về Trí tuệ nhân tạo (AI).

Tòa Thánh đã xác nhận tin Đức Thánh Cha tham dự Hội nghị thượng đỉnh, sẽ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/6/2024 tại Borgo Egnazia ở Puglia, sau thông báo của Thủ tướng Ý, bà Giorgia Meloni.

Bà Thủ tướng Ý nói: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một Giáo hoàng sẽ tham dự vào công việc của G7", đồng thời cho biết thêm rằng Đức Thánh Cha sẽ tham dự phiên họp dành cho các khách mời tham dự cuộc họp sắp tới của Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp hóa.

Hội nghị thượng đỉnh dự kiến có sự tham gia của Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Anh, Đức và Nhật Bản.

Bà Meloni nói: "Tôi chân thành cảm ơn Đức Thánh Cha vì đã chấp nhận lời mời của Ý. Sự hiện diện của ngài tôn vinh đất nước chúng tôi và toàn thể G7." Đồng thời bà cũng nhấn mạnh cách chính phủ Ý dự định tăng cường sự đóng góp của Tòa Thánh về vấn đề trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là với "Lời kêu gọi của Roma về Đạo đức AI năm 2020", được cổ võ bởi Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống, trong một quá trình "dẫn đến việc áp dụng cụ thể khái niệm đạo đức thuật toán, cụ thể là đưa đạo đức vào các thuật toán".

Bà nói thêm: "Tôi tin chắc rằng sự hiện diện của Giáo hoàng sẽ mang lại sự đóng góp mang tính quyết định trong việc xác định khuôn khổ pháp lý, đạo đức và văn hóa cho trí tuệ nhân tạo, bởi vì trên cơ sở này, trong hiện tại và tương lai của công nghệ này, năng lực của chúng ta sẽ một lần nữa được đo lường, khả năng của cộng đồng quốc tế thực hiện điều mà một vị Giáo hoàng khác, Thánh Gioan Phaolô II, đã nhắc lại vào ngày 2/10/1979, trong bài phát biểu nổi tiếng của ngài trước Liên Hợp Quốc".

Bà Meloni trích dẫn: "Hoạt động chính trị, dù ở cấp quốc gia hay quốc tế, đều xuất phát từ con người, do con người thực hiện và vì con người".

Nguồn: vaticannews.va/vi

Link nội dung đầy đủ: https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-phanxico-se-tham-du-phien-hop-cua-g7-ve-tri-tue-nhan-tao-41103.html


 

26. ĐTC Phanxicô gặp các tham dự viên tham dự Tổng hội của hai dòng của Thánh Canossa và Thánh Gabriel

Sáng thứ Hai ngày 29/4/2024 Đức Thánh Cha đã tiếp các tu sĩ của hai dòng Thánh Canossa và Thánh Gabriel đang tham dự Tổng hội. Ngài mời gọi họ nhìn vào đôi mắt và vết thương của người nghèo, đồng thời chào đón và chia sẻ với tinh thần xây dựng sự đa dạng giữa các thành phần của dòng.

Hồng Thủy - Vatican News

Làm cho Chúa Giêsu được biết và được yêu mến

Nói với các tu sĩ Dòng Bác Ái Canossa, theo linh đạo của Thánh nữ Mađalêna Canossa, Đức Thánh Cha nhắc rằng vị thánh này đã đề ra đường hướng “làm cho Chúa Giêsu, Đấng không được yêu mến bởi vì không được biết đến, được nhận biết và yêu mến”. Ngài mời gọi họ dấn thân đốt cháy, làm sống lại và nuôi dưỡng “hồng ân của Thiên Chúa ở trong anh chị em để làm chứng cho Chúa” (xem 2 Tm 1,6).

Hãy nhìn Chúa Giêsu chịu đóng đinh

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các thành viên gia đình Thánh Canossa, với các thành viên thuộc 10 quốc gia, và các nữ tu Canossa và giáo dân, khi thực hiện di sản của Đấng Sáng lập cũng có nghĩa là đối mặt với những thách đố. Nhưng Thánh Canossa đã chỉ cách vượt qua khó khăn: “với đôi mắt hướng về Đấng Chịu Đóng Đinh và vòng tay rộng mở hướng tới những người nhỏ bé nhất, những người nghèo khổ và bệnh tật, để chăm sóc, giáo dục và phục vụ anh chị em chúng ta với niềm vui và sự đơn sơ. Khi con đường trở nên khó khăn, hãy làm như thánh nữ đã làm: hãy nhìn Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nhìn vào đôi mắt và vết thương của người nghèo, và anh chị em sẽ thấy rằng câu trả lời sẽ dần dần đi vào trái tim anh chị em một cách rõ ràng hơn bao giờ hết”.

Sự đa dạng là những món quà cần được chia sẻ

Ngỏ lời với các tu sĩ Dòng Thánh Gabriel, do Thánh Louis Maria Grignion de Montfort và Cha Gabriel Deshayes thành lập, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng từ một một nhóm nhỏ cộng tác viên giáo dân của Thánh Louis de Montfort, ngày nay dòng có hơn một ngàn tu sĩ, tham gia hỗ trợ mục vụ, thăng tiến và giáo dục con người và xã hội - đặc biệt là cho người khiếm thị và khiếm thính - ở 34 quốc gia khác nhau. Theo ngài, sự phong phú của một hình thức quốc tế đa dạng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển và hoạt động tông đồ của dòng, nếu các tu sĩ biết sống nó bằng cách chào đón và chia sẻ một cách xây dựng sự đa dạng giữa anh em và với mọi người. Ngài nói: “Đây là một thông điệp quan trọng, đặc biệt là trong thế giới của chúng ta, thường bị chia rẽ bởi tính ích kỷ và chủ nghĩa đặc thù: sự đa dạng là những món quà cần được chia sẻ, sự đa dạng là những món quà quý giá! Hãy là những ngôn sứ về điều này, bằng cuộc sống của bạn”. (CSR_1828_2024)

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ:https://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-gap-cac-tham-du-vien-tham-du-tong-hoi-cua-hai-dong-cua-thanh-canossa-va-thanh-gabriel-41112.html