31/01/2024
871
Điểm lại những sự kiện xảy ra trong tháng 01.2024 

 














 




ĐIỂM TIN THÁNG 01.2024

Thực hiện: Vp. Truyền thông

     

TIN GIÁO PHẬN MỸ THO

1. Hạt Tân An Hành hương Các Thánh Tử Đạo và Kính Lòng Thương xót Chúa

Bài viết và hình: Mary FX. Thúy Nga

BTT Giáo phận

(WGPMT) Ngày 05.01.2024, Giáo hạt Tân An hành hương Các Thánh Tử Đạo tại Trung tâm hành hương Ba Giồng và Kính Lòng Thương xót Chúa tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho.

Lúc 14g00, giáo dân từ các giáo xứ trong Giáo hạt Tân An đã đến Trung tâm Hành hương Ba Giồng để kính viếng Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và các Thánh Tử Đạo. Mọi người cùng cung nghinh Cha thánh Phêrô và các Thánh Tử Đạo, lần chuỗi và hôn xương Thánh.

Sau khi kính viếng các Thánh Tử Đạo xong, mọi người di chuyển đến Trung tâm Mục vụ giáo phận.

Tại TTMV, cộng đoàn cùng nhau đọc kinh Kính Lòng Thương xót Chúa. Đỉnh cao của ngày Hành hương là thánh lễ được diễn ra lúc 17g00, do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự. Đồng tế với ngài có cha Tổng Đại diện Phaolô Trần Kỳ Minh, cha Hạt trưởng hạt Tân An và quý cha trong giáo phận. Hiện diện trong thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ và giáo dân trong Giáo phận.

Trong bài giảng, Đức cha chia sẻ với cộng đoàn: ngày hành hương hôm nay đặc biệt vì là những ngày đầu năm dương lịch và cũng là những ngày cuối năm âm lịch. Ngài nêu lên những khó khăn của cuộc sống hiện tại về đời sống kinh tế cũng như chính trị. Những khó khăn đó đã tác động đến đời sống của mỗi người, mỗi gia đình làm cho mất bình an và niềm vui. Tiếp theo, ngài chia sẻ ngày hành hương hôm nay trong mùa Giáng sinh. Chúa đã đến trần gian để ở với chúng ta, sinh ra trong cảnh khó nghèo, trải qua cảnh nghèo cảnh khổ khi trưởng thành và lại chịu cái chết đau thương. Cuộc sống của mỗi người đều có những khó khăn, nhưng chúng ta hãy tin rằng Chúa ở với mình và Chúa đã trải qua thì Ngài sẽ hiểu và nâng đỡ ban ơn trợ giúp cho chúng ta. Cuối cùng ngài mời gọi mọi người hãy tin tưởng đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời biết chia sẻ sự yêu thương gần gũi đến cho anh chị em xung quanh mình “Đừng yêu bằng lời nói miệng lưỡi nhưng bằng việc làm và chân thật”.

Thánh lễ tiếp tục như thường lệ và kết thúc vào lúc 17g50. Mọi người ra về trong niềm vui và hân hoan vì đã kín múc nơi Lòng Chúa Thương Xót thật nhiều ơn ích cho riêng mình và mọi người.

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/hat-tan-an-hanh-huong-cac-thanh-tu-dao-va-kinh-long-thuong-xot-chua-40647.html

 

 

2. Giáo Xứ Bằng Lăng Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức

Anna Linh Phương

MVTT hạt Cái Bè

(WGPMT) Sáng Chúa nhật 07.01.2024 Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục giáo phận Mỹ Tho - ban bí tích thêm sức cho 36 em tại Nhà thờ Giáo xứ Bằng Lăng tọa lạc ấp Mỹ Chánh 5, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

“Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại là người Việt chúng ta, Ngài đã sai các vị thừa sai đến với ông bà ba má chúng con, và chúng con cũng phải tiếp tục công cuộc loan báo Tin Mừng này cho người khác”. Đó là lời nhắn nhủ của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Giáo phận Mỹ Tho - trong Thánh lễ ban Bí tích Thêm Sức tại Giáo xứ Bằng Lăng lúc 09g40 phút Chúa Nhật 07.01.2024. Đồng tế với ngài có cha Anphongsô Khuất Đăng Tôn - cha hạt trưởng hạt Cái Bè, cha Phaolô Nguyễn Văn Tuấn - cha sở Giáo xứ Bằng Lăng cùng quý cha trong giáo hạt; hiện diện trong Thánh lễ còn có quý soeurs dòng thánh Phaolô Mỹ Tho, quý thầy, quý phụ huynh, những người đỡ đầu cùng đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ.

Được biết, vào năm 2019 tại giáo xứ Bằng lăng, các lớp giáo lý Rước lễ, Thêm sức, Bao đồng được mở ra vào Chúa nhật hàng tháng. Nhưng sau đó do tình hình dịch bệnh nên tạm ngưng. Các em học rồi nghỉ, tính đến nay lớp học đã kéo dài gần 5 năm, một khoảng thời gian khá dài. Lớp Thêm sức những ngày đầu có 43 em theo học, con số này bị giảm dần theo thời gian khi các em đã lớn, có em phải đi học, đi làm nơi xa và hôm nay còn 36 em.

Sau bài Tin Mừng, Cha Sở đã giới thiệu với Đức Cha 36 em đã được học giáo lý, đã qua kiểm tra, được tĩnh tâm, hội đủ điều kiện và xứng đáng để lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Đức Cha đón nhận các em và đã có những câu hỏi nhỏ giúp các em hiểu thêm về ý nghĩa ngày lễ Chúa Hiển Linh. Đức Cha giảng giải về việc Chúa tỏ mình, Ngài tỏ mình cho dân ngoại, cho các thế hệ cha ông chúng ta qua các vị Thừa sai. Đến lượt chúng ta là con cháu, chúng ta phải tiếp tục công cuộc loan truyền và là ánh sáng soi đường cho những người chưa nhận biết Chúa qua đời sống thường ngày… Và hôm nay các con được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức càng phải sống đức tin, sống tốt đẹp hơn. Nhân đây, Đức Cha nhấn mạnh sau khi được Thêm sức các em cần phải cố gắng học thêm lên để đời sống đức tin được mạnh mẽ hơn. Đức cha nhắc nhở các bậc làm cha mẹ và người đỡ đầu, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả nhưng nhớ không quên bổn phận làm cha làm mẹ của người Công giáo luôn cộng tác với cha sở quan tâm giáo dục đời sống đức tin, và nhất là làm gương sáng cho các con, để góp phần cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức Cha ước mong các em siêng năng đến trường, không bỏ học giữa chừng “…hãy chịu khó học, học để hiểu biết, học để có kỹ năng chuyên môn thì đời sống tương lai sẽ tốt hơn, cuộc sống bản thân sẽ phong phú hơn, quý cha xứ và cha sẳn lòng giúp chúng con đi học”. Đức cha động viên các bậc cha mẹ trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay cần dành nhiều thời quan tâm giáo dục đời sống đức tin và văn hóa cho các em thật nhiều hầu góp phần xây dựng giáo xứ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

Thánh lễ kết thúc lúc 11g20. Sau đó, Đức cha, quý cha cùng chụp hình lưu niệm với các em và gia đình.

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/gx-bang-lang-thanh-le-ban-bi-tich-them-suc-40655.html

 

 

3. Caritas Giáo Tỉnh Miền Nam Họp mặt đầu năm 2024

Bài viết và hình ảnh: Mary FX. Thúy Nga

BTT Giáo phận

(WGPMT) Caritas Giáo Tỉnh Miền Nam Họp mặt đầu năm 2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho vào ba ngày từ ngày 15 đến ngày 17.01.2024.

Trên tinh thần củng cố sự hiệp thông Caritas Giáo Tỉnh Miền Nam và chia sẻ hiệp hành trong sứ vụ bác ái năm 2024. Carias Giáo Tỉnh Miền Nam tổ chức Họp mặt đầu năm tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho từ ngày 15 đến ngày 17.01.2024.

Vào lúc 15g00, ngày 15.01.2024, tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho, Caritas Mỹ Tho hân hoan chào đón các tham dự viên về dự Họp mặt đầu năm. Tham dự Họp mặt có 135 tham dự viên gồm: quý cha, quý tu sĩ nam nữ và các thành viên Caritas đến từ 10 giáo phận: Bà Rịa, Cần Thơ, Đà Lạt, Long Xuyên, Mỹ Tho, Phan Thiết, Phú Cường, Sài Gòn, Vĩnh Long,và Xuân Lộc.

Đến với chương trình họp mặt đầu năm, Cha Laurenso Nguyễn Thanh Dũng – Phó Giám đốc Caritas Vĩnh Long đã chia sẻ, Họp mặt đầu năm là dịp để Caritas Giáo Tỉnh Miền Nam được gặp gỡ, chia sẻ, trau đổi và lắng nghe nhau những kế hoạch, dự án bác ái trong năm 2024.

Những giây phút đầu tiên của ba ngày họp mặt, các tham dự viên được gặp gỡ nhau thật vui vẻ và sôi nổi. Hứa hẹn sẽ gặt hái nhiều hoa trái tốt đẹp trong công tác bác ái của Caritas Giáo Tỉnh Miền Nam.

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/caritas-giao-tinh-mien-nam-hop-mat-dau-nam-2024-40680.html

 

 

4. Giáo xứ Nhật Tân: Thánh lễ cung hiến nhà thờ và bàn thờ

Đồng tế với Đức Cha có quý cha hạt trưởng: Tân An, Đức Hoà cùng quý cha trong và ngoài giáo phận. Tham dự thánh lễ có quý tu sĩ nam nữ, quý khách mời và bà con giáo dân trong giáo xứ.

Thánh lễ cung hiến nhà thờ và bàn thờ hôm nay ghi dấu mốc quan trọng trong sự hình thành và phát triển của giáo xứ.

Năm 1954, do hoàn cảnh chiến tranh, cha Giuse Vũ Tiền Tiến đã cùng giáo dân từ các xứ đạo khác nhau ở miền Bắc đến tạm cư tại khu trường đua Phó Thọ, Nhà thờ Phú Bình, Sài Gòn. Sau đó có khoảng 2000 người tiếp tục cùng cha cố Giuse Vũ Tiền Tiến đến cư trú tại vùng đất mới, nguyên là Làng Bàu Trai, quận Đức Hoà, tỉnh Chợ Lớn. Sau đó vài tháng, được cha cố Giuse cùng bà con giáo dân làm nhà thờ bằng mái tole, tường gạch, nền xi măng và chọn Thánh Gia Thất làm bổn mạng. Sau nhiều năm, nhà thờ hư hỏng, xuống cấp, cha cố Giuse cùng giáo dân đã tu sửa nhiều lần và mở mang giáo xứ, tổ chức các hội đoàn, hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất cho bà con giáo dân.

Tháng 04.2021 Nhà thờ Nhật Tân được khởi công xây dựng do cho Đaminh Nguyễn Trọng Dũng. Công trình chưa hoàn thành, cha Đaminh được Đức Cha giáo phận thuyên chuyển đến Giáo xứ Mộc Hoá. Sau đó, cha Antôn Nguyễn Xuân Hà về làm cha sở Giáo xứ Nhật Tân và tiếp tục công trình xây dựng nhà thờ. Đến ngày 20.01.2024 Nhà thờ Nhật Tân được cung hiến do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo Phận Mỹ Tho.

Sau bài giảng là nghi thức cung hiến nhà thờ và bàn thờ gồm: Kinh cầu các Thánh, kiệu xương Thánh Tử Đạo Việt Nam và đặt xương thánh dưới bàn thờ. Sau đó, Đức Cha đọc lời nguyện cung hiến, xức dầu thánh bàn thờ và các cột tường nhà thờ. Thắp sáng bàn thờ và nhà thờ mới.

Nghi thức kết thúc, thánh lễ diễn ra như thường lệ với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Antôn Nguyễn Xuân Hà – cha sở Giáo xứ Nhật Tân nói lời tri ân Đức Cha đã đến chủ sự thánh lễ cung hiến nhà thờ và bàn thờ cho giáo xứ. Sau đó, cha cũng cám ơn quý cha hạt trưởng, quý cha trong và ngoài giáo phận đã giúp đỡ và hiệp ý cầu nguyện cho giáo xứ. Đặc biệt, cha cám ơn quý thân nhân, ân nhân xa gần, quý khách và nhất là quý bà con Giáo xứ Nhật Tân đã hy sinh đóng góp tiền của, công sức để xây dựng nhà thờ sớm được hoàng thành.

Thánh lễ kết thức lúc 11giờ 30, Đức Cha và quý cha cùng chụp hình lưu niệm tại cung thánh.

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/giao-xu-nhat-tan-thanh-le-cung-hien-nha-tho-va-ban-tho-40698.html

 

 

5. Gx. Thánh Phaolô có 26 người được lãnh nhận Bí tích Rửa tội và 32 người lãnh nhận Bí tích Thêm Sức

Giuse Lê Minh Hiếu

BTT hạt Mỹ Tho

(WGPMT) Ngày 25.01.2024 Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho dâng Thánh lễ tạ ơn, rửa tội, ban Bí tích Thêm Sức cho các anh chị em dự tòng nhân dịp kỷ niệm cung hiến nhà thờ và 5 năm truyền giáo tại Giáo xứ Thánh Phaolô (Bà Từ) toạ lạc ấp Gãnh, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang.

Khép lại mùa Giáng sinh an lành, ấm áp và đón chào năm mới vui tươi, phấn khởi, vào lúc 09g30 ngày 25.01.2024, Giáo xứ Thánh Phaolô (Bà Từ) long trọng đón mừng Đức Cha về dâng Thánh lễ tạ ơn, rửa tội, ban Bí tích Thêm Sức cho các anh chị em dự tòng nhân dịp kỷ niệm cung hiến nhà thờ và 5 năm truyền giáo. Đồng tế với ngài có cha Giacôbê Hà Văn Xung - Hạt trưởng giáo hạt Mỹ Tho, cha sở Giacôbê Nguyễn Minh Phụng - Giáo xứ Thánh Phaolô (Bà Từ), quý cha đến từ các giáo xứ, quý Dì Dòng Nữ Tu Thừa Sai Đức mẹ Trinh Vương, Dòng Mến Thánh Giá Mỹ Tho, quý khách và đông đảo giáo dân trong giáo xứ.

Đầu Thánh lễ, Cha sở Giacôbê Nguyễn Minh Phụng giới thiệu với Đức Cha và cộng đoàn có 26 người được lãnh nhận Bí tích Rửa tội và 32 người được lãnh nhận Bí tích Thêm sức, trong đó người nhỏ nhất là 04 tháng tuổi và người lớn nhất 70 tuổi. Tất cả các anh chị em được rửa tội lần này được học giáo lý và có thời gian thực hành đạo ít nhất 06 tháng.

Kế đến, cha Giacôbê cũng trình bày về hành trình truyền giáo của giáo xứ có nhiều khó khăn vì nhiều lý do: kinh tế, đi lại khó khăn, người dân gia nhập đạo khi đã lớn tuổi, bị gia đình cản trở. Tuy nhiên, với sự dấn thân phục vụ của nhiều người, đặc biệt thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ, chia sẻ, động viên bà con giáo dân, cùng với sự hỗ trợ và ủng hộ của Đức Cha, quý cha, quý ân nhân những khó khăn mỗi ngày giảm dần và hiện nay giáo xứ đã có khoảng hơn 500 giáo dân so với lúc đầu thành lập là 200 người.

Sau bài giảng, Đức Cha đã Rửa tội 26 người và ban Bí tích Thêm Sức cho 32. Sau đó, thánh lễ diễn ra như thường lệ và kết thúc lúc 11 giờ 00.

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/gx-thanh-phaolo-co-26-nguoi-duoc-rua-toi-va-32-nguoi-lanh-nhan-bi-tich-them-suc-40719.html

 

 6. Giáo Hạt Mỹ Tho và Cái Bè Họp mặt cuối năm

Bài viết và hình ảnh: Mary FX. Thúy Nga

BTT Giáo phận

(WGPMT) Ngày 31.01.2024, quý cha và đại diện Hội đồng Mục vụ các giáo xứ thuộc Giáo hạt Mỹ Tho và Cái Bè họp mặt cuối năm tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho.

Những ngày cuối năm là dịp để tất cả mọi người họp mặt cùng nhìn lại các công việc, dọn dẹp và chuẩn bị cho năm mới. Ngày 31.01.2023, tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho, đã diễn ra buổi họp mặt cuối năm và chúc Tết đến Đức cha Phêrô và cha Tổng Đại diện Phaolô. Hiện diện trong buổi họp mặt có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, cha Tổng Đại diện Phaolô Trần Kỳ Minh, quý cha Hạt trưởng Hạt: Mỹ Tho và Cái Bè, quý cha và đại diện Hội đồng Mục vụ các giáo xứ thuộc Giáo hạt Mỹ Tho và Cái Bè.

Vào lúc 09g30, quý cha và cộng đoàn cùng lắng đọng, cầu nguyện với Chúa qua giờ Chầu Thánh Thể do cha Phaolô Phạm Minh Thanh chủ sự. Trong giờ chầu Thánh Thể, cha chủ sự hướng tâm tình mỗi người cùng nhìn lại sứ vụ Tông Đồ của mình, dọn dẹp, sắp xếp gọn gàng và trang bị những thứ cần thiết trong đời sống đức tin để nhận được lợi ích thiêng liêng của bản thân và đem đến cho mọi người xung quanh.

Sau đó, cộng đoàn cùng chào đón Đức cha Phêrô. Trong giờ gặp gỡ Đức cha đã chia sẻ với quý cha và cộng đoàn về các công việc trong giáo phận trong năm qua và các công việc sẽ tiếp diễn trong năm mới. Ngài còn nêu lên những tin tức của Giáo Hội hoàn vũ. Tiếp theo, Đức cha chia sẻ với cộng đoàn chủ đề năm Phụng vụ 2024 “Tham gia vào đời sống Giáo Hội”. Cuối cùng, ngài gửi lời chúc mừng năm mới đến quý cha và cộng đoàn, năm mới thật nhiều ơn lành và hồng phúc.

Trong tâm tình con thảo, một vị đại diện Hội đồng Mục vụ các giáo xứ thuộc Giáo hạt Mỹ Tho và Cái Bè cũng đã gửi đến Đức cha, cha Tổng Đại diện, quý cha những tâm tình tri ân, cám ơn sự quan tâm, yêu thương của Đức cha đối với giáo phận và từng giáo xứ. Song đó cùng chúc Tết Đức cha và cha Tổng Đại diện.

Buổi họp mặt kết thúc, mọi người cùng dùng bữa cơm thân mật tại nhà cơm của Trung tâm Mục vụ.

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/giao-hat-my-tho-va-cai-be-hop-mat-cuoi-nam-40745.html

 

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ

 

1. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho tháng 1/2024

Chiều ngày 2/1, video ý cầu nguyện cho tháng 1/2024 của Đức Thánh Cha đã được công bố với tựa đề: “Cầu nguyện cho sự đa dạng trong Giáo hội”, trong đó Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu đừng sợ sự đa dạng của các đặc sủng trong Giáo hội, đúng hơn chúng ta cần cảm thấy vui mừng khi sống sự đa dạng này.

Vatican News

Trong video cầu nguyện đầu tiên của năm mới, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hiểu và sống “hồng ân đa dạng trong Giáo hội”, đồng thời “khám phá ra sự phong phú của các truyền thống nghi lễ khác nhau trong Giáo hội Công giáo”.

Đức Thánh Cha giải thích trong sứ điệp rằng sự đa dạng của các đoàn sủng, các truyền thống thần học và phụng vụ là điều gì đó tích cực. Nó không bao giờ nên gây ra sự chia rẽ. Đúng hơn, “việc sống sự đa dạng này sẽ khiến chúng ta vui mừng”.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến các Giáo hội Đông phương: “Họ có truyền thống riêng, nghi thức phụng vụ đặc trưng riêng, tuy nhiên họ vẫn duy trì sự hiệp nhất của đức tin. Họ củng cố sự hiệp nhất này chứ không chia rẽ nó”.

Có rất nhiều Giáo hội Đông phương hiệp thông với Roma, chẳng hạn như Giáo hội Công giáo Byzantine, Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ucraina, hay Giáo hội Hy Lạp Melchite. Các ví dụ khác về sự đa dạng về nghi lễ trong Công giáo là Giáo hội Công giáo nghi lễ Syro-Malabar và Giáo hội Công giáo nghi lễ Syro-Malankar, cả hai đều có nguồn gốc ở Ấn Độ; Giáo hội Maronite, có nguồn gốc từ Lebanon; Giáo hội Công giáo Coptic có nguồn gốc từ Ai Cập; Giáo hội Công giáo Armenia; Giáo hội Can-đê, chủ yếu ở Iraq; cũng như Giáo hội Công giáo Ethiopia-Eritrea, cùng những Giáo hội khác.

Về điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Nếu chúng ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì sự phong phú, đa dạng sẽ không bao giờ gây nên xung đột”. “Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta trước hết rằng chúng ta là những người con được Thiên Chúa yêu thương – mọi người đều bình đẳng trong tình yêu của Thiên Chúa, và mỗi người đều khác biệt”.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại: “Sự đa dạng và hiệp nhất đã hiện diện rất nhiều trong các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Nhưng còn hơn thế nữa. Để tiến bước trên hành trình đức tin, chúng ta cũng cần đối thoại đại kết với anh chị em của chúng ta thuộc các hệ phái và cộng đoàn Kitô hữu khác”.

Đức Thánh Cha nói rõ: “Đây không phải là điều gì đó khó hiểu hay đáng lo ngại, nhưng là một món quà Thiên Chúa ban tặng cho cộng đoàn Kitô hữu để nó có thể phát triển như một Thân thể Duy nhất, Thân Thể Chúa Kitô”.

Chủ đề chung trong video của Đức Thánh Cha trong tháng này là cây thánh giá, biểu tượng của sự hiệp nhất và đa dạng: một thánh giá xuất hiện trên các cửa, trên núi, trong các nhà thờ, để thể hiện sự phong phú của các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau, đây chính là sự đa dạng. Nữ thi sĩ Alda Merini đã viết: “Thập giá không phải là gậy quyền lực của người La Mã, mà là cây gỗ mà Chúa đã viết Tin Mừng trên đó”. Nó không chỉ là đối tượng của lòng sùng mộ, nhưng đó là mầu nhiệm tình yêu mà mọi Kitô hữu đều tựa mình vào, bất chấp những khác biệt hệ phái, truyền thống và nghi lễ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời mời gọi rằng, trong sự đa dạng, “cộng đoàn Kitô hữu có thể phát triển như một thân thể duy nhất, Thân Mình của Chúa Kitô”. Đây là lý do đoạn video kết thúc với hình ảnh một cây Thánh giá khổng lồ được tạo thành bởi hàng ngàn Kitô hữu thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau, đáp lại một cách biểu tượng lời mời gọi của Đức Thánh Cha.

Trong tháng 1, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu sẽ diễn ra với chủ đề của năm nay là “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi…và yêu người lân cận như chính mình” (Lc 10:27).

Cha Frédéric Fornos S.J., Giám đốc Quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha, nhấn mạnh: “Sự đa dạng của các đoàn sủng, các truyền thống thần học và phụng vụ trong Giáo hội Công giáo, là một điều gì đó tích cực. Thiên Chúa yêu thích sự đa dạng, đó là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Đây là cách Người dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn, đến chiều rộng, chiều cao, chiều sâu của tình yêu của Người”.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/y-cau-nguyen-cua-duc-thanh-cha-cho-thang-12024-40639.html

 

 

2. ĐHY Filoni viếng thăm Thánh Địa kêu gọi hoà bình

Đức Hồng Y Filoni, Thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem, viếng thăm Thánh Địa từ ngày 28/12/2023 đến 03/01/2024. Trong Thánh lễ ngày 01/01/2024, ngài mời gọi mọi người tìm kiếm con đường chung sống tôn trọng những người đang sống trên mảnh đất này, nơi khởi nguồn Mặc khải của Thiên Chúa dành cho người Do Thái, Kitô hữu và người Hồi giáo.

Vatican News

Theo một ghi chú, nhằm thể hiện cụ thể sự gần gũi và liên đới với Giáo hội địa phương, thay mặt cho tất cả các thành viên của Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem, Đức Hồng Y Fernando Filoni cùng với Đại sứ Leonardo Visconti di Modrone, Tổng quản trị của Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem, và Giám đốc Truyền thông François Vayne, hành hương đến Thánh Địa.

Trong cuộc viếng thăm này, Đức Hồng Y đã trao tặng một số tiền như “cử chỉ hỗ trợ cụ thể cho Toà Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem, một thực thể Giáo hội mà theo quy chế Hội Hiệp sĩ được kêu gọi đến phục vụ”.

Ngày 01/01, lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Ngày Thế giới Hoà bình, các vị lãnh đạo của Hội cùng quy tụ để cầu nguyện cho hoà bình ở vùng đất đang đau khổ. Trong Thánh lễ đồng tế với Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa tại nhà thờ chính toà của Toà Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem, Thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem đã chia sẻ một số suy tư. Trước hết về hoà bình, ngài nói hoà bình là ơn ban của Chúa và sự thiện nền tảng mà mỗi người được kêu gọi tìm kiếm và bảo vệ với lòng can đảm. Vì thế chúng ta không thể cam chịu bạo lực.

Ngài bảo đảm với các tín hữu diện hiện trong Thánh lễ tình liên đới và sự gần gũi của các thành viên của Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ. Điều này được thể hiện qua việc đồng hành bằng lời cầu nguyện trong cuộc hành hương hoà bình mà các vị lãnh đạo của Hiệp hội đang thực hiện tại Thánh Địa.

Đức Hồng Y Filoni nói: “Về phần mình, Giáo hội muốn trở thành một công cụ hòa bình và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời mời gọi mọi người, qua lời kêu gọi chân thành của Đức Thánh Cha Phanxicô và các giám mục trên thế giới, hãy chấm dứt bạo lực, nhưng mong muốn và tìm kiếm con đường chung sống tôn trọng vì những người sống trên mảnh đất này, nơi khởi nguồn Mặc khải của Thiên Chúa dành cho người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo. Hận thù không thuộc về Chúa”.

Và ngài kết thúc bằng lời cầu nguyện với Đức Maria: “Lạy Mẹ, chúng con phó thác mảnh đất này, mảnh đất được Chúa yêu thương, để nó có thể mở rộng trái tim và tâm trí của những người chịu trách nhiệm về hòa bình và hòa hợp giữa các Dân tộc”.

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dhy-filoni-vieng-tham-thanh-dia-keu-goi-hoa-binh-40640.html

 

 

3. Đức Thánh Cha: Tình huynh đệ là men hoà bình

Sáng ngày 04/01, Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn của Huynh đoàn Truyền giáo của các Thành phố Pháp. Ngài khích lệ mọi người tiếp tục truyền giáo trong các khu phố qua việc chào đón mọi người và sống tình huynh đệ một cách quảng đại.

Vatican News

Trong buổi gặp gỡ, trước hết, Đức Thánh Cha nhắc lại mục đích của cuộc hành hương đến Roma, kính viếng mộ Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ của Huynh đoàn, là để kín múc từ nguồn mạch sống động của Giáo hội tình yêu của Chúa Kitô, Đấng không ngừng trao ban chính mình cho tất cả mọi người. Ngài nói: “Xin Thánh Thần, với mẫu gương và sự chuyển cầu của hai cột trụ Giáo hội làm sống lại trong anh chị em lòng nhiệt thành quảng đại truyền giáo của Giáo hội tiên khởi”.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha mời gọi phái đoàn chiếm ngắm hang đá Giáng sinh và ngài nhận xét rằng khi chiêm ngắm hang đá chúng ta thấy một nơi đơn sơ nghèo nàn, một vùng ngoại ô vào thời đó. Những người chăn chiên đến viếng Hài Nhi Giêsu là những người bị gạt ra bên lề. Tuy nhiên, Tin Mừng cứu độ lại được loan báo đầu tiên cho họ. Những người chăn chiên nghèo nhưng có tâm hồn sẵn sàng.

Từ điểm này, Đức Thánh Cha nói đây cũng là kinh nghiệm của Huynh đoàn Truyền giáo Pháp. Các thành viên không phải đi đâu xa, nhưng trong khi phục vụ tại trung tâm các thành phố, họ đã khám phá vùng ngoại ô hiện sinh của xã hội. Các thành viên của Huynh đoàn có nhiệm vụ mang sứ điệp đã được trao cho những người chăn chiên: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân” (Lc 2, 10). Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em đừng ngại rời bỏ sự an toàn của mình để có thể chia sẻ cuộc sống hàng ngày với người khác. Giữa họ, nhiều người có tâm hồn sẵn sàng và chờ đợi một lời loan báo nhưng không biết”.

Đức Thánh Cha tiếp tục bài nói chuyện với lời mời gọi mọi người sống tình huynh đệ một cách quảng đại giữa các khu phố. Nhấn mạnh tình huynh đệ là men hoà bình, giúp mọi người cảm thấy được chào đón, Đức Thánh Cha nói: “Trong cuộc gặp gỡ với những người khác, anh chị em hãy khám phá nơi họ sự hiện diện của một Thiên Chúa đầy lòng thương xót; một Thiên Chúa muốn bày tỏ chính mình và hành động qua cử chỉ, lời nói, sự hiện diện đơn sơ của anh chị em; một Thiên Chúa kiên nhẫn, chuyển động theo nhịp độ của mỗi người, với những vết thương, những nổi loạn, giận dữ của họ”.

Đức Thánh Cha kết thúc buổi gặp gỡ với lời cám ơn tất cả mọi người vì những gì họ đã làm và khích lệ mọi người tiếp tục, đồng thời phó thác các thành viên của Huynh đoàn cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-tinh-huynh-de-la-men-hoa-binh-40644.html

 

 

4. Iran: Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn với các nạn nhân vụ nổ ở Kerman

Đức Phanxicô đã gởi điện thư, được ký bởi Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đến gia đình các nạn nhân và những người bị thương trong vụ tấn công kép vào ngày 3 tháng 1, gần nghĩa trang Kerman, nơi hàng ngàn người hành hương đang đến dự lễ giỗ thứ 4 ngày mất của cố tướng quân sự Soleimani của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Số người chết tăng lên khoảng một trăm người.

Vatican News

Đức Thánh Cha Phanxicô “đau buồn sâu sắc” trước sự mất mát về nhân mạng do các vụ nổ vừa xảy ra ở Kerman, miền trung-nam Iran. Trong một bức điện tín được ký bởi Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, Đức Thánh Cha gởi lời chia buồn và “cầu nguyện cho những người đã qua đời và cho gia đình đang đau buồn của họ”. “Bày tỏ tình liên đới thiêng liêng của ngài với những người bị thương”, Đức Thánh Cha Phanxicô “cầu xin Đấng Toàn Năng ban ơn khôn ngoan và hòa bình cho tất cả người dân Iran”.

Các vụ nổ xảy ra cách nhau 20 phút vào ngày 3 tháng 1 gần nghĩa trang Kerman, nơi hàng nghìn người hành hương đang đến để tưởng niệm 4 năm ngày mất của Qassem Soleimani, người đứng đầu Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, thiệt mạng vào ngày 3 tháng 1 năm 2020 ở Iraq trong một chiến dịch do Mỹ dẫn đầu. Hiện tại, số người chết là khoảng 100 người và hơn 280 người bị thương. Vụ thảm sát được Nhà nước Hồi giáo tự xưng tuyên bố nhận trách nhiệm và các kênh Telegram của tổ chức này đã quy trách nhiệm cho hai kẻ đánh bom liều chết của tổ chức. Video và tin tức về một trong những vụ tấn công nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây ở Iran cũng được đăng tải trên mạng xã hội.

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/iran-duc-thanh-cha-bay-to-dau-buon-voi-cac-nan-nhan-vu-no-o-kerman-40650.html

 

 

5. Đức Thánh Cha: bao nhiêu cuộc xung đột bị châm ngòi bởi tin giả

Trong buổi tiếp phái đoàn của Hiệp hội các nhà báo Công giáo Đức nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, Đức Thánh Cha khuyến khích họ chú tâm đến những câu chuyện và khuôn mặt của những người mà không ai chú ý đến, “ngay cả khi làm như vậy có nghĩa là đi ngược lại xu thế”.

Vatican News

Đức Thánh Cha đã trao cho những người hiện diện diễn văn soạn sẵn với các nội dung đối thoại liên tôn, đại kết và bảo vệ hòa bình, tự do và phẩm giá con người. Ngài nhấn mạnh đến vai trò nền tảng của truyền thông trong bố cảnh chiến tranh như hiện nay. “Nhiều cuộc xung đột ngày nay, thay vì bị dập tắt bằng đối thoại, thì lại được bồi thêm bởi những tin giả hoặc những tuyên bố mang tính kích động lan truyền trên các phương tiện truyền thông”. Vì vậy, những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông Công giáo, được bén rễ trong cội nguồn Kitô giáo và đức tin sống hàng ngày, cần giải trừ vũ khí trong những ngôn ngữ sử dụng.

Đức Thánh Cha đưa ra những chỉ dẫn thực tế cho sứ mạng này, đó là: “Thúc đẩy hòa bình và hiểu biết, xây dựng những nhịp cầu, sẵn sàng lắng nghe, thực hiện một nền truyền thông tôn trọng người khác và lý luận của họ”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Có một nhu cầu cấp thiết về điều này trong xã hội, nhưng Giáo hội cũng cần một nền truyền thông lịch sự và đồng thời mang tính ngôn sứ”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, trong mọi trường hợp “điều quan trọng là đừng có thái độ chỉ quy về mình, nhưng phải ‘đi ra’ để mang thông điệp Kitô giáo vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, bằng cách sử dụng các phương tiện và khả năng sẵn có ngày nay”. Bởi vì, ngài nhắc lại, “một Giáo hội chủ yếu quan tâm đến chính mình thì sẽ trở nên bệnh hoạn với tính tự quy chiếu”. Tuy nhiên, Giáo hội “là truyền giáo” và những nhà truyền thông Công giáo “không thể không dấn thân và có thể nói là giữ thái độ ‘trung lập’ đối với thông điệp mà họ truyền tải”.

Do đó, lời mời gọi của Đức Thánh Cha đối với các nhà truyền thông Đức là chú ý đến những nhóm xã hội yếu kém nhất: “Anh chị em đến từ một đất nước thịnh vượng và phát triển, nhưng nó vẫn có, đôi khi ẩn giấu, không ít những khó khăn. Tôi nghĩ đến hiện tượng trẻ em nghèo, nghĩ đến những gia đình không biết làm sao để thanh toán các hóa đơn và đến tình trạng của nhiều người di cư và tị nạn, những người được nước Đức chào đón với số lượng lớn”. Ở những vùng ngoại vi hiện sinh này, “Thiên Chúa tình yêu đang chờ đợi tin mừng về lòng bác ái của chúng ta: Người chờ đợi những Kitô hữu ra đi và hướng về những người ở bên lề”. Và vì lý do này “cũng cần có những nhà truyền thông làm nổi bật những câu chuyện và khuôn mặt của những người ít được hoặc không ai chú ý đến”.

 (Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-bao-nhieu-cuoc-xung-dot-bi-cham-ngoi-boi-tin-gia-40649.html

 

 

6. Đức Thánh Cha gặp gỡ ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh

Sáng ngày 8/1, Đức Thánh Cha đã có buổi gặp gỡ truyền thống đầu năm với các nhà ngoại giao của các nước và tổ chức có quan hệ ngoại giao chính thức với Toà Thánh.

Vatican News

Ngoại giao Toà Thánh

Hiện nay, Vatican đang duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với 184 quốc gia, chưa kể với 91 cơ quan đại diện ngoại giao của các tổ chức siêu quốc gia, trong đó có Liên minh Châu Âu, Dòng Chiến sĩ Toàn quyền Malta, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn.

Trong năm 2023 vừa qua, Vatican đã thiết lập mối quan hệ đầy đủ với Vương quốc Ô-man vào ngày 23/2. Đồng thời, các thỏa thuận ở mức độ khác cũng đã được ký kết với Kazakhstan và Việt Nam. Vào ngày 19/7, “Thỏa thuận bổ sung cho Thỏa thuận giữa Tòa thánh và Cộng hòa Kazakhstan về quan hệ song phương ngày 24/9/1998” đã được phê chuẩn, liên quan đến việc cấp thị thực và giấy phép cư trú cho các nhân viên Giáo hội và tu sĩ đến từ nước ngoài. Với Việt Nam, “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam” đã được ký kết vào ngày 27/7, với việc bổ nhiệm sau đó vào ngày 23/12, vị Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam.

Xung đột và chiến tranh

Trong bài diễn văn trước các nhà ngoại giao, Đức Thánh Cha đề cập đến nhiều “thảm kịch đang xé nát thế giới hiện nay”, bao gồm cuộc chiến ở Ucraina, Thánh Địa, cuộc khủng hoảng ở Nicaragua, căng thẳng ở Caucasus và Châu Phi. Đồng thời Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những vấn nạn về dịch vụ mang thai hộ, vấn đề giới tính, chủ nghĩa bài Do Thái và bách hại Kitô giáo, đồng thời ngài kêu gọi một cam kết nghiêm túc đối với hiện tượng di cư và yêu cầu xây dựng hòa bình thông qua đối thoại chính trị - xã hội và giáo dục.

Bài phát biểu hằng năm của Đức Thánh Cha trước ngoại giao đoàn là một trong những bài phát biểu dài nhất và quan trọng nhất trong năm. Ngài nhấn mạnh rằng, năm 2024 vừa mới bắt đầu, chúng ta mong muốn thấy hoà bình, nhưng lại bị bao trùm bởi xung đột và chia rẽ. “Thế giới đang chứng kiến ngày càng nhiều xung đột. Chúng đang dần biến những gì tôi đã nhiều lần định nghĩa là ‘chiến tranh thế giới thứ ba từng phần’ thành một cuộc xung đột toàn cầu thực sự”. Đức Thánh Cha mạnh mẽ lên án: “Dân thường không phải là ‘vật thế chấp’”.

Hậu quả của chiến tranh được nhìn thấy rõ ràng là tình trạng di cư. “Chúng ta không được quên rằng những vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế là tội ác chiến tranh. Việc phát hiện ra chúng thôi thì chưa đủ mà còn cần phải ngăn chặn chúng”. Và “ngay cả khi nói đến việc thực hiện quyền tự vệ” thì “điều cần thiết là phải sử dụng vũ lực một cách tương xứng”. Đức Thánh Cha nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn ở tất cả các nơi chiến tranh và xung đột, mở cửa để người dân nhận được viện trợ nhân đạo, đồng thời các bệnh viện, trường học và nơi thờ phượng có được tất cả sự bảo vệ cần thiết.

Liên quan đến châu Á, Đức Thánh Cha chú ý đến Myanmar và kêu gọi mọi nỗ lực “để mang lại hy vọng cho vùng đất đó và một tương lai xứng đáng cho các thế hệ trẻ”, đồng thời ngài cũng không quên tình trạng khẩn cấp nhân đạo của người Rohingya.

Tại châu Phi, ngài diễn tả sự lo ngại về tình hình căng thẳng ở Mali, Niger, Burkina Faso, Ethiopia, Sudan, Cameroon, Mozambique, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan.

Giải trừ vũ khí để đầu tư phát triển

Trong khi đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Cần phải theo đuổi chính sách giải trừ quân bị vì thật là viển vông khi nghĩ rằng vũ khí có giá trị răn đe”. Ngài đặt câu hỏi: “Có bao sinh mạng có thể được cứu với nguồn lực hiện được phân bổ cho vũ khí? Sẽ không tốt hơn nếu đầu tư chúng vì an ninh toàn cầu thực sự sao?” Đức Thánh Cha tái khởi động đề xuất về “một quỹ toàn cầu để cuối cùng xóa bỏ nạn đói và thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn hành tinh”.

Hướng đến Châu Mỹ Latinh, Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến tình hình ở Nicaragua. Đó là một cuộc khủng hoảng “tiếp diễn theo thời gian với những hậu quả đau đớn cho toàn thể xã hội Nicaragua, đặc biệt là đối với Giáo hội Công giáo”. Đức Thánh Cha khẳng định: “Tòa Thánh không bao giờ ngừng mời gọi đối thoại ngoại giao tôn trọng vì lợi ích của người Công giáo và toàn thể người dân”.

Hiện tượng di cư

Về hiện tượng di cư, Đức Thánh Cha nhận xét: chiến tranh, nghèo đói, lạm dụng ngôi nhà chung là những nguyên nhân chính buộc hàng ngàn người phải “rời bỏ quê hương đất nước cuả họ để tìm kiếm một tương lai hòa bình và an ninh”. Ngài nhắc lại: “những người liều mạng sống trên biển không xâm lược, họ tìm kiếm sự sống”. Vì vậy, cần quản lý việc di cư trong khi vẫn tôn trọng văn hóa, sự nhạy cảm và an ninh của các quốc gia chịu trách nhiệm tiếp nhận và hội nhập. Mặt khác, cũng cần nhắc lại “quyền được ở lại quê hương”,  điều quan trọng là không quốc gia nào “bị bỏ mặc” trước thách thức này.

Mang thai hộ

Trong bài phát biểu với ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến vấn đề mang thai hộ. “Con đường dẫn đến hòa bình đòi hỏi phải tôn trọng sự sống của mỗi con người, bắt đầu từ sự sống của thai nhi trong bụng mẹ, vốn không thể bị áp bức hoặc trở thành đối tượng của thương mại hóa”. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha định nghĩa cái gọi là việc làm mẹ thay thế là “tồi tệ”. Một đứa trẻ luôn là một món quà và không bao giờ là đối tượng của một hợp đồng. Vì vậy, theo Đức Thánh Cha, việc thực hành này nên bị cấm “ở cấp độ phổ quát”. Ngài nhấn mạnh, sự sống con người phải luôn được tôn trọng vì đó là con đường dẫn đến hòa bình.

Bách hại tôn giáo

Về bách hại tôn giáo, Đức Thánh Cha nhận xét: thời của chúng ta là thời của các vị tử đạo, Asia Bibi là một mẫu gương chứng tá Kitô giáo. “Thật đau đớn khi số lượng các quốc gia áp dụng các mô hình kiểm soát tập trung đối với tự do tôn giáo đang gia tăng, với việc sử dụng rộng rãi về công nghệ”. Tệ hơn nữa là ở những nơi khác, các cộng đồng tôn giáo thiểu số đang “có nguy cơ tuyệt chủng”, do “sự kết hợp của các hành động khủng bố, tấn công vào di sản văn hóa và các biện pháp tinh vi hơn như phổ biến luật chống cải đạo, thao túng các quy tắc bầu cử và chính sách tài chính”.

Trí tuệ nhân tạo

Kế đến là về trí tuệ nhân tạo. Đức Thánh Cha nhắc lại: “hãy để trí tuệ nhân tạo là con đường dẫn đến hòa bình, nó không được cổ vũ tin tức giả hay sự điên rồ của chiến tranh. Ngài kêu gọi đặt câu hỏi về giáo dục như là “sự đầu tư chính cho tương lai và thế hệ trẻ” và cùng với đó là “việc sử dụng các công nghệ mới một cách có đạo đức”, vốn có thể dễ dàng trở thành công cụ gây chia rẽ hoặc tin tức giả mạo, nhưng cũng có thể là “phương tiện gặp gỡ” và “trao đổi qua lại”.

Để kết thúc bài phát biểu, Đức Thánh Cha mời gọi hướng đến Năm Thánh sẽ bắt đầu vào Giáng sinh năm 2024. Ngài nhận xét: “Có lẽ hôm nay hơn bao giờ hết chúng ta cần Năm Thánh”. Đối diện với “bóng tối của thế giới này”, Năm Thánh “là lời loan báo rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người và luôn mở rộng cánh cửa Vương quốc của Người”.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-gap-go-ngoai-giao-doan-canh-toa-thanh-40660.html

 

 

7. Đức Thánh Cha: Khiêm tốn và quảng đại là hai đức tính của một nghệ sĩ đích thực

Sáng thứ Năm 18/01, trong buổi tiếp 300 thành viên của Tổ chức Đấu trường Verona của Ý, nhân dịp kỷ niệm 100 năm tái sinh các hoạt động nghệ thuật, Đức Thánh Cha nói trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống cần phải khiêm tốn và quảng đại. Ngài mời gọi mọi người hoạt động không phải vì thành công cá nhân, nhưng vì niềm vui trao ban một điều gì đó tốt đẹp cho người khác.

Vatican News

Đấu trường ở Verona được xây dựng cách đây 20 thế kỷ. Qua dòng thời gian có những lúc bị bỏ hoang, nhưng vào năm 1913 bắt đầu được tái sử dụng. Hiện nay công trình vĩ đại này là nơi biểu diễn các vở opera lớn của Ý và là một trong những nhà hát được bảo tồn tốt nhất trên thế giới.

Ngỏ lời với các thành viên của Tổ chức Đấu trường Verona, Đức Thánh Cha nhận định rằng Đấu trường được bảo tồn là do công trình này luôn là một nơi sống động. Thực tế trong gần hai ngàn năm qua các hoạt động diễn ra tại đây luôn thay đổi, với những mục đích tốt nhưng cũng có những mục đích tầm thường, thậm chí có lúc bị biến thành nơi khai thác đá. Tuy nhiên vì tình cảm dành cho Đấu trường nên người dân Verona đã luôn tìm cách khôi phục công trình. Và lần khôi phục gần đây nhất là vào năm 1913. Từ đó nơi đây luôn diễn ra những hoạt động nghệ thuật, giải trí cho mọi người ở khắp nơi.

Theo Đức Thánh Cha, đằng sau công trình cùng với các hoạt động diễn ra trong đó, có rất nhiều công việc, nhiều cống hiến và nhiều nỗ lực của những người xây dựng, các tác giả, nghệ sĩ và những người tổ chức. Khi nghĩ về điều này Đức Thánh Cha nhớ đến những gì Thánh Phaolô đã nói về Giáo hội khi Thánh Tông đồ so sánh Giáo hội với một thân thể có nhiều chi thể: mỗi phần bổ sung cho những phần khác (1Cr 12, 1-27).

Đức Thánh Cha nói: “Thực tế, một trăm năm nghệ thuật không thể được tạo ra bởi một cá nhân, thậm chí không phải bởi một nhóm nhỏ những người được chọn. Cần phải có sự đóng góp của một cộng đồng lớn, với công việc vượt xa sự tồn tại của các cá nhân và trong đó những người làm việc biết rằng họ đang xây dựng cái gì đó không chỉ cho riêng mình nhưng còn cho những người đến sau. Vì thế, khi nhìn vào anh chị em, tôi thấy với anh chị em một đám đông người đến trước anh chị em, thậm chí còn lớn hơn và lý tưởng nhất là anh chị em, ở đây: một đám đông luôn có mặt, ngay cả trên sân khấu, tại mỗi buổi biểu diễn, điều này nhắc nhở chúng ta điều quan trọng trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống là khiêm tốn và quảng đại. Khiêm tốn và quảng đại: hai đức tính của người nghệ sĩ đích thực mà lịch sử của anh chị em kể lại cho chúng tôi”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích các thành viên của Tổ chức Đấu trường Verona tiếp tục hoạt động với tình yêu, không phải vì thành công cá nhân, nhưng vì niềm vui trao ban một điều gì đó tốt đẹp cho người khác. Bởi vì tất cả chúng ta cần trao ban hạnh phúc với nghệ thuật, lan toả sự bình an, và giao tiếp hài hoà.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-thanh-cha-khiem-ton-va-quang-dai-la-hai-duc-tinh-cua-mot-nghe-si-dich-thuc-40695.html

 

 

8. ĐTC Phanxicô: Những người "của" Đức Thánh Cha phải có đặc sủng hiệp thông

Sáng thứ Bảy ngày 20/1/2024, gặp gỡ các thành viên của Hội đồng quốc gia của phong trào Canh tân trong Thánh Linh, Đức Thánh Cha mời gọi họ trở thành những người xây dựng sự hiệp thông, trước hết là giữa họ, trong phong trào của họ, sau đó là trong các giáo xứ và giáo phận.

Hồng Thủy - Vatican News

Ngỏ lời với các tham dự viên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến hai khía cạnh cầu nguyện và loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện

Trước hết, nhắc lại rằng bản chất của phong trào đặc sủng là chuyên tâm đến cầu nguyện, đặc biệt là kinh nguyện ngợi khen, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: "Trong một thế giới bị thống trị bởi nền văn hóa sở hữu và hiệu quả, cũng như trong một Giáo hội đôi khi quá quan tâm đến việc tổ chức, tất cả chúng ta cần dành không gian để tạ ơn, ngợi khen và kinh ngạc trước ân sủng của Thiên Chúa". Đặc biệt Đức Thánh Cha mời gọi phong trào cổ võ chầu Thánh Thể, trong thinh lặng, trong đó Lời Chúa chiếm ưu thế hơn lời nói của chúng ta, trong đó Chúa thực sự là trung tâm, chứ không phải chúng ta.

Loan báo Tin Mừng

Khía cạnh thứ hai được Đức Thánh Cha chia sẻ là việc loan báo Tin Mừng, điều là bản chất của phong trào đặc sủng. Ngài nói rằng Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đi loan báo Tin Mừng và do đó chúng ta cần ngoan ngoãn cộng tác với Người. Đức Thánh Cha nhắc rằng "lời loan báo đầu tiên phải được thực hiện với chứng tá cuộc sống".

"Cầu nguyện dài dòng và nhiều bài hát hay có ích gì nếu tôi không biết kiên nhẫn với tha nhân, nếu tôi không biết ở gần mẹ tôi đang đơn độc, hoặc với người đang gặp khó khăn ... Lòng bác ái cụ thể, sự phục vụ âm thầm luôn là minh chứng về lời loan báo của chúng ta".

Hiệp thông

Và cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng những người "của" Đức Thánh Cha phải có đặc sủng hiệp thông. Ngài mời gọi các thành viên của phong trào Canh tân trong Thánh Linh phục vụ toàn thể cộng đồng, giáo phận và giáo xứ, theo chỉ dẫn mục vụ của Đức Giám Mục; hiệp thông với các thực thể, hiệp hội, phong trào, nhóm khác của Giáo hội: làm chứng về tình huynh đệ, tôn trọng lẫn nhau trong sự đa dạng, cộng tác trong cam kết thực hiện các sáng kiến ​​chung, phục vụ dân Chúa cũng như các vấn đề xã hội liên quan đến phẩm giá của con người bị đe dọa. (CSR_244_2024)

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-nhung-nguoi-cua-duc-thanh-cha-phai-co-dac-sung-hiep-thong-40702.html

 

 

9. Trong thời gian bị bắt cóc, một linh mục cảm thấy hiệp thông với Giáo hội nhờ Radio Vatican

Chia sẻ với Vatican News, Cha Hans-Joachim Lohre, một linh mục truyền giáo người Đức đã bị phiến quân Hồi giáo ở Mali bắt giữ trong một năm, cho biết trong thời gian bị giam cầm, đài phát thanh Vatican giúp cha cảm thấy mình là một thành phần của Giáo hội.

Vatican News

Cha Lohre thuộc Hội Thừa sai Phi Châu và đã phục vụ ở Mali hơn 30 năm. Khi đang trên đường đi cử hành lễ Chúa Kitô Vua năm 2022 ở Bamako thì cha bị bắt cóc. Thế là bắt đầu thử thách kéo dài một năm của nhà truyền giáo dưới bàn tay của các chiến binh Hồi giáo ở sa mạc Mali dù họ đối xử tốt với ngài.

Nhờ Radio Vatican

Cha kể lại rằng vào đêm 24/12/2022, sau hơn một tháng bị bắt làm con tin, cha nhìn thấy một trong những người đàn ông đang nghe radio sóng ngắn. Cha đã mượn chiếc radio và sau một hồi tìm kiếm, cha tình cờ bắt được một tần số sóng ngắn của Đài phát thanh Vatican, lúc đó đang phát sóng Thánh lễ đêm Giáng sinh do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại đền thờ Thánh Phêrô. Vài tháng sau, Cha Lohre được phép sử dụng radio thường xuyên hơn. Mỗi buổi chiều, cha nghe các chương trình tin tức hàng ngày bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Cha chia sẻ: “Điều này đã giúp tôi rất nhiều trong việc cảm thấy mình là một phần của Giáo hội hoàn vũ”.

Luôn tin tưởng sẽ sống sót trở về

Bất chấp thử thách, Cha Lohre không bao giờ nghi ngờ việc Chúa sẽ cho cha được sống sót trở về. Một đêm, vào tháng 11/2023, bước ra ngoài, nhìn lên các vì sao, cha thưa với Chúa: “Lạy Chúa, vẫn chưa quá muộn cho phép lạ của Ngài”. Vào lúc đó, cha nhìn thấy một ngôi sao băng và cảm thấy vững tin vào niềm tin rằng mình sẽ sống sót. Sau đó một lúc, cha nhìn thấy một ngôi sao băng khác.

Năm hoặc sáu ngày sau, những kẻ bắt giữ đến gặp cha và nói với cha rằng cha sẽ rời đi vào ngày hôm sau. Sáng sớm hôm sau, cha được trả tự do và lên đường về Đức.

Cha chia sẻ rằng cha không thể cử hành Thánh lễ hay lãnh nhận các Bí tích trong thời gian bị giam cầm, nhưng cha coi khó khăn của mình như thể đó là một kỳ nghỉ phép hoặc tĩnh tâm và một cơ hội để nạp lại năng lượng.

 (Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/trong-thoi-gian-bi-bat-coc-mot-linh-muc-cam-thay-hiep-thong-voi-giao-hoi-nho-radio-vatican-40703.html

 

 

10. Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho phái đoàn của Liên đoàn Quốc tế các Đại học Công giáo

WHĐ (20.01.2024) – Hôm 19.01, tại Dinh Tông toà Đức Thánh Cha đã tiếp kiến khoảng 150 đại diện của Liên đoàn Quốc tế các Đại học Công giáo nhân dịp kỷ niệm 100 thành lập. Sau đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:

 

DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH
 CHO PHÁI ĐOÀN CỦA LIÊN ĐOÀN QUỐC TẾ CÁC ĐẠI HỌC CÔNG GIÁO

Dinh Tông toà
Thứ Sáu, ngày 19 tháng 01 năm 2024

Những lời tự phát của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thưa Đức Hồng y, thưa quý Giám mục,

Anh chị em thân mến!

Tôi dự tính đọc một bài diễn văn dài nhưng tôi cảm thấy hơi khó thở; như anh chị em có thể thấy, tôi vẫn chưa hết bị cảm lạnh! Đó là lý do tại sao tôi xin trao bản văn để anh chị em có thể đọc riêng. Tôi cảm ơn anh chị em vì cuộc gặp gỡ này, và vì những điều tốt đẹp mà các trường đại học Công giáo của chúng ta đã thực hiện qua việc: truyền đạt kiến thức, Lời Chúa và chủ nghĩa nhân văn chân chính. Đừng mệt mỏi tiến về phía trước, hãy kiên trì thực hiện sứ mạng cao cả của các trường đại học Công giáo. Không phải việc tuyên xưng Công giáo mang lại cho các đại học Công giáo bản sắc của mình: đó là một khía cạnh, nhưng không phải là khía cạnh duy nhất. Có lẽ chính chủ nghĩa nhân văn đích thực đã giúp người ta nhận ra rằng con người có những giá trị và những giá trị này cần phải được tôn trọng. Có lẽ đây là điều tuyệt vời và cao cả nhất về các trường đại học của anh chị em. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

Bài diễn văn được trao cho phái đoàn:  

Tôi vui mừng được tham gia lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Liên đoàn Quốc tế các trường Đại học Công giáo (International Federation of Catholic Universities -IFCU). Một trăm năm trưởng thành và phát triển thật là một lý do chính đáng để tạ ơn! Tôi chào mừng và cảm ơn Đức Hồng y José Tolentino de Mendonça và Giáo sư Isabel Capeloa Gil, Chủ tịch Liên đoàn.

Vào năm 1924Đức Giáo Hoàng Piô XI đã chúc lành cho hiệp hội đầu tiên quy tụ 18 trường đại học Công giáo. Một Sắc lệnh sau này của Bộ Chủng viện và Nghiên cứu Đại học lúc bấy giờ nói rằng họ cùng tham gia với ý định rằng các Hiệu trưởng… có thể thường xuyên hơn, cùng nhau giải quyết các vấn đề… cùng nhau phát huy vì mục tiêu cao cả của mình” (ngày 29.06.1948). Hai mươi lăm năm sau, Đấng Đáng kính Piô XII đã thành lập Liên đoàn các Đại học Công giáo vào năm 1949.

Tôi muốn nhấn mạnh 2 khía cạnh từ nguồn gốc lịch sử này của Liên đoàn. Trước hết, khuyến khích hợp tác thông qua “mạng lưới kết nối”. Hiện nay trên thế giới có gần 2000 trường đại học Công giáo. Chúng ta có thể hình dung tiềm năng phát triển của một sự hợp tác được cải thiện và hiệu quả hơn nữa nhằm củng cố hệ thống đại học Công giáo. Trong thời đại phân mảnh lớn, chúng ta phải dám lội ngược dòng, toàn cầu hóa niềm hy vọng, hiệp nhất, và hòa hợp thay vì thờ ơ, phân cực, và xung đột. Khía cạnh thứ hai xuất phát từ sự kiện Liên đoàn -như Đức Piô XII đã viết-, được thành lập “sau một cuộc chiến tranh khủng khiếp”, trở thành một phương tiện góp phầvào việc hòa giải và phát triển hòa bình và bác ái giữa các dân tộc” (Tông thư Catholicas Studiorum Universitates, ngày 27.07.1949). Thật đáng tiếc khi phải nói rằngchúng ta kỷ niệm 100 năm ngày này trong bối cảnh của chiến tranh, cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần. Do đó, điều thiết yếu hơn là các trường đại học Công giáo phải đi đầu trong nỗ lực xây dựng nền văn hóa hòa bình, trong nhiều chiều kích, vốn phải được giải quyết theo tầm nhìn liên ngành.

Trong Hiến chương Magna Carta của các trường đại học Công giáo, Tông hiến Ex Corde Ecclesiae, Thánh Gioan Phaolô II bắt đầu bằng lời tuyên bố đáng ngạc nhiên rằng đại học Công giáo được sinh ra “từ trái tim của Giáo hội” (Số 1). Chúng ta có thể mong đợi ngài nói rằng đại học Công giáo xuất phát từ lý trí Kitô giáo. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lại ưu tiên cho trái tim: ex corde ecclesiae. Thật vậy, trường đại học Công giáo, là “một trong những khí cụ tốt nhất mà Giáo hội cống hiến cho thời đại chúng ta” (sđd., 10), không thể không trở thành biểu hiện của tình yêu, vốn gợi hứng cho mọi hoạt động của Giáo hội, tức là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

Thật không may, vào thời điểm mà ngay cả giáo dục cũng đang trở thành một “ngành kinh doanh”, và các hệ thống tài chính lớn vô danh đầu tư vào các trường học và đại học giống như họ đầu tư vào thị trường chứng khoán, thì các tổ chức của Giáo hội phải chứng tỏ rằng trường Công giáo có bản chất khác và hoạt động theo một lối tư duy khác. Một dự án giáo dục không chỉ dựa trên những chương trình hoàn hảo, trang thiết bị hiệu quả, hoặc khả năng quản lý kinh doanh tốt. Trường đại học phải được sinh động bởi một niềm say mê lớn hơn, như được minh chứng bằng việc cùng nhau tìm kiếm sự thật, một chân trời ý nghĩa rộng lớn hơn, được thể hiện trong một cộng đồng tri thức, nơi có thể cảm nhận được sự hào phóng của tình yêu.

Triết gia Hannah Arendt, người nghiên cứu chuyên sâu khái niệm tình yêu trong các tác phẩm của Thánh Augustinô, cho thấy rằng vị thầy vĩ đại này đã diễn tả tình yêu bằng từ thèm ăn (appetitus), được hiểu là khuynh hướng, khao khát, phấn đấu. Do đó, lời khuyên tôi muốn dành cho anh chị em là: Đừng đánh mất sự thèm ăn của mình! Hãy duy trì sự mãnh liệt của mối tình đầu! Đừng để các trường đại học Công giáo thay thế ước muốn bằng chủ nghĩa chức năng hoặc quan liêu. Trao bằng cấp học thuật thôi thì chưa đủ mà còn cần phải đánh thức và ấp ủ khát vọng “trở thành” nơi mỗi người. Chuẩn bị cho sinh viên những nghề nghiệp mang tính cạnh tranh thôi chưa đủ mà còn cần phải giúp họ khám phá những thiên hướng hiệu quả, khơi lên lối sống chân thực và tích hợp sự đóng góp của mỗi cá nhân vào động lực sáng tạo của cộng đồng rộng lớn hơn. Chắc chắn, chúng ta cần suy tư về trí tuệ nhân tạo, nhưng không thể bỏ qua trí tuệ tâm linh, bởi vì nếu không có trí tuệ tâm linh thì con người vẫn là người xa lạ với chính mình. Trường đại học là một nguồn lực rất hệ trọng để sống “hoà nhịp với thời đại”, và chuyển giao trách nhiệm mà những đòi hỏi sâu xa hơn của con người cũng như những ước mơ và khát vọng đặt ra cho người trẻ.

Ở đây tôi thích nhớ lại một câu chuyện ngụ ngôn do nhà văn Franz Kafka, người đã chết cách đây 100 năm, kể lại. Nhân vật chính là một chú chuột nhỏ sợ hãi trước thế giới rộng lớn và luôn tìm kiếm sự bảo vệ an toàn giữa hai bức tường, một bên phải và một bên trái. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, chú chuột nhận thấy rằng các bức tường đang bắt đầu xích lại gần nhau hơn và chú có nguy cơ bị đè bẹp. Vì vậy, chú chuột bắt đầu chạynhưng rồi, chú thoáng thấy một cái bẫy chuột đang đợi mình ở trong góc. Đúng lúc đó, chú nghe thấy giọng con mèo nói với mình rằng“Mọi sự bạn chỉ có thể làm bây giờ là đổi hướng”. Trong tuyệt vọng, chú chuột nghe theo lời khuyên của con mèo, và cuối cùng đã bị con mèo nuốt chửng.

Chúng ta không thể giao phó việc quản lý các trường đại học của mình cho nỗi sợ hãi; Thật không may là điều này xảy ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩ. Cám dỗ nép mình sau những bức tường, trong một bong bóng xã hội an toàn, tránh những rủi ro hoặc thách đố mang tính văn hóa, và quay lưng lại với sự phức tạp của thực tế có vẻ như là cách thế an toàn nhất. Nhưng đây chỉ là ảo giác mà thôi. Nỗi sợ hãi gặm nhấm tâm hồn. Đừng bao giờ bao quanh trường đại học bằng những bức tường sợ hãi. Đừng để trường đại học Công giáo giới hạn mình trong việc tái tạo những bức tường điển hình của xã hội chúng ta đang sống: những bức tường của sự bất bình đẳng, mất nhân tính, bất khoan dungvà thờ ơ, hoặc những mô hình nhằm củng cố chủ nghĩa cá nhân hơn là đầu tư vào tình huynh đệ.

Một trường đại học tìm kiếm sự bảo vệ sau những bức tường sợ hãi có thể đạt được sự uy tín, sự công nhận và đánh giá cao, chiếm những vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng về thành tích học thuật. Nhưng, như triết gia Miguel de Unamuno đã từng nói: “Kiến thức chỉ vì kiến thức: đó là vô nhân đạo”. Chúng ta phải luôn tự vấn: Mục đích của việc học tập mà chúng ta truyền đạt là gì? Tiềm năng biến đổi của kiến thức chúng ta tạo ra là gì? Chúng ta phục vụ ai và cái gì? Sự trung lập là một ảo vọng. Do đó, một trường đại học Công giáo phải đưa ra những lựa chọn, và những lựa chọn này phải phản ánh Phúc âm. Đại học Công giáo phải giữ vững lập trường và thể hiện điều đó qua hành động của mình một cách rõ ràng, “làm bẩn tay mình” theo tinh thần Phúc âm trong việc biến đổi thế giới và phục vụ con người.

Trước đại hội đặc biệt này bao gồm các vị Chưởng ấn, Hiệu trưởng và các cơ quan quản lý học thuật khác, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn vì những gì các trường đại học Công giáo đã và đang thực hiện. Quý vị đã đầu tư biết bao cam kết, đổi mới, trí tuệ và sự quan tâm vào sứ vụ 3 chiều của trường đại học đó là: giảng dạy, nghiên cứu và cống hiến cho cộng đồng! Tôi thực sự biết ơn quý vị về điều này, nhưng tôi cũng muốn nhờ sự giúp đỡ của quý vị. Tôi xin quý vị giúp Giáo hội, trong thời điểm lịch sử này, soi sáng những khát vọng sâu xa nhất của con người bằng việc đưa ra cái nhìn và sự hiểu biết, cũng như “những lý do hy vọng” (x. 1 Pr 315) phát sinh từ đức tin, và do đó, giúp Giáo hội tiến hành các cuộc đối thoại một cách tự tin về các vấn đề lớn của thời đại. Xin giúp chúng tôi diễn dịch về phương diện văn hóa, bằng một ngôn ngữ cởi mở đối với các thế hệ mới và thời đại mới, sự phong phú của truyền thống Kitô giáo; để xác định những biên giới mới của tư tưởng, khoa học và công nghệ, đồng thời tiếp cận chúng với sự cân bằng và khôn ngoan. Xin giúp chúng tôi xây dựng các liên minh liên thế hệ và liên văn hóa trong việc bảo vệ và chăm sóc ngôi nhà chung, trong tầm nhìn về hệ sinh thái toàn diện, nhờ đó, đáp lại một cách hiệu quả tiếng kêu của trái đất và lời nài xin của người nghèo.

Các bạn thân mến, trong nhiều nhà nguyện của các trường đại học của các bạn có tượng Đức Mẹ tòa Đấng Khôn Ngoan. Tôi mời các bạn hãy chiêm ngắm Mẹ một cách trìu mến và chăm chú. Bí mật của Đức Mẹ Khôn Ngoan là gì? Đó là Mẹ mang đến cho chúng ta Chúa Giêsu, Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa và là Đấng ban cho chúng ta những tiêu chuẩn để hướng dẫn việc theo đuổi kiến thức. Hãy nhìn vào trái tim của Đức Maria, xin Mẹ đồng hành với các bạn, các cộng đồng học thuật, và các dự án tương lai của các bạn. Tôi ưu ái ban phép lành cho các bạn, và xin các bạn cũng nhớ cầu nguyện cho tôi.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (19. 01. 2024)

(Nguồn: WHĐ)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dien-van-duc-thanh-cha-danh-cho-phai-doan-cua-lien-doan-quoc-te-cac-dai-hoc-cong-giao-40704.html

 

 

11. ĐTC Phanxicô công bố Năm Cầu nguyện chuẩn bị cho Năm Thánh 2025

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 21/1/2024, Đức Thánh Cha đã công bố Năm Cầu nguyện để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025. Năm này được bắt đầu từ ngày 21/1/2024.

Vatican News

Sống tốt thời gian ân sủng 

Đức Thánh Cha nói với các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô: “Anh chị em thân mến, những tháng tới sẽ dẫn chúng ta đến việc mở Cửa Thánh, và với sự kiện này chúng ta sẽ bắt đầu Năm Thánh. Tôi xin anh chị em gia tăng lời cầu nguyện để chuẩn bị cho chúng ta sống tốt thời gian ân sủng này và cảm nghiệm được sức mạnh của niềm hy vọng của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao hôm nay chúng ta bắt đầu Năm Cầu Nguyện”.

Ngài giải thích thêm rằng đây sẽ là “một năm dành cho việc tái khám phá giá trị to lớn và nhu cầu tuyệt đối của việc cầu nguyện trong đời sống cá nhân, trong đời sống của Giáo hội và trên thế giới”.

Đức Thánh Cha cũng cho biết rằng Bộ Loan báo Tin Mừng sẽ chuẩn bị tài liệu để hỗ trợ việc cử hành Năm này.

Các sáng kiến của các Giáo phận trên thế giới

Để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025, các Giáo phận được mời gọi cổ võ những giây phút cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn. Đề xuất này là “các cuộc hành hương cầu nguyện” hướng tới Năm Thánh hoặc các khóa học cầu nguyện với các giai đoạn hàng tháng hoặc hàng tuần, do các giám mục chủ trì, trong đó tất cả Dân Chúa đều tham gia.

Tài liệu của Bộ Loan báo Tin Mừng 

Để giúp sống Năm Cầu nguyện cách tốt hơn, Bộ Loan báo Tin Mừng sẽ xuất bản tập sách về “Các Điểm về cầu nguyện”, nhằm đặt mối quan hệ sâu sắc với Chúa trở lại trung tâm, thông qua nhiều hình thức cầu nguyện được suy gẫm trong truyền thống Công giáo phong phú. Thứ Ba ngày 23/1/2024, tại Phòng Báo chí của Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, người đứng đầu Phân bộ về các Vấn đề Cơ bản về Truyền giáo trên Thế giới, thuộc Bộ Loan Báo Tin Mừng, và Đức ông Graham Bell, Phó Tổng Thư ký của Bộ, sẽ trình bày về loạt bài này cũng như toàn bộ Năm Cầu nguyện.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-phanxico-cong-bo-nam-cau-nguyen-chuan-bi-cho-nam-thanh-2025-40712.html

 

 

12. “Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo

Từ ngày 22 đến 29/1/2024, tại Roma và Canterbury diễn ra một tuần đối thoại, cầu nguyện và hành hương của 50 giám mục đến từ 27 quốc gia, nhân dịp Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tổng Giám mục Welby sẽ ủy thác cho các vị giám mục sứ mạng và chứng tá chung.

Vatican News

“Growing Together” - Phát triển Cùng nhau - là một hội nghị thượng đỉnh kéo dài một tuần gồm các buổi thảo luận và hành hương đại kết.

Các đại diện của thế giới

27 quốc gia có các Giám mục đại diện tham dự; mỗi quốc gia sẽ có 1 Giám mục Anh giáo và 1 Giám mục Công giáo.

Viếng thăm các nơi thánh ở Roma và Canterbury, các giám mục sẽ cầu nguyện, suy tư và học hỏi lẫn nhau, với mục đích thảo luận về những cách thức cùng nhau phát triển trong chứng tá và sứ mạng trên thế giới.

Thời điểm ý nghĩa

Vào ngày 25/1/2024, tại mộ Thánh Tông đồ Phaolô ở đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tổng Giám mục Anh giáo của Canterbury sẽ trao sứ vụ cho các giám mục, gửi họ đi từng hai người một để làm chứng cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Ủy ban Hiệp nhất và Truyền giáo Anh giáo-Công giáo Quốc tế (IARCCUM) được thành lập để hỗ trợ đối thoại đại kết giữa các truyền thống, nhấn mạnh rằng đây sẽ là một thời điểm quan trọng, mang tính biểu tượng cho các mối quan hệ Anh giáo-Công giáo và thúc đẩy đối thoại đại kết.

Chương trình

Chặng hành hương ở Roma còn bao gồm, vào cùng ngày 25/1, một cử hành Thánh Thể của Anh giáo, được Tổng Giám mục của Canterbury chủ trì tại nhà thờ Thánh Bartolomeo. Trước đó, vào ngày 23, sẽ có cuộc viếng thăm đền thờ Thánh Phêrô, trong khi vào ngày 26 sẽ có cuộc viếng thăm nhà thờ Thánh Grêgôriô al Celio, nơi vào năm 597, vị tổng giám mục đầu tiên của Canterbury được Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả gửi sang Anh.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/phat-trien-cung-nhau-mot-su-kien-dai-ket-voi-cac-giam-muc-anh-giao-va-cong-giao-40713.html

 

 

13. Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho Hiệp hội Nhà báo Quốc tế hoạt động tại Vatican

WHĐ (23.01.2024) – Sáng ngày 22.01, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tiếp kiến 150 thành viên Hiệp hội Nhà báo Quốc tế đăng ký tại Vatican (The International Association of Journalists accredited to the Vatican).

Được biết, các ký giả chịu trách nhiệm đưa tin từ Vatican nhóm lại thành một Hiệp hội kể từ ngày mồng 06.06.1978. Hiện nay, Hiệp hội hiện có khoảng 250 thành viên đến từ 5 châu lục, và đại diện cho 130 cơ quan truyền thông gồm báo viếtphát thanh, truyền hình, và các hãng thông tấn cả Công giáo và không Công giáo.

Đây là lần đầu tiên Hiệp hội Nhà báo Quốc tế đăng ký tại Vatican được tiếp kiến chính thức với một vị giáo hoàng. Sau khi đọc bài diễn văn khoảng 12 phút, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành thời gian chào hỏi từng ký giả.

Dưới đây là nội dung bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (22. 01. 2024)

(Nguồn WHĐ)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/dien-van-duc-thanh-cha-danh-cho-hiep-hoi-nha-bao-quoc-te-hoat-dong-tai-vatican-40717.html

 

 

14. Một Giáo phận ở Indonesia được phép xây nhà thờ sau 15 năm chờ đợi

Giáo phận Công giáo Bandung ở Indonesia bắt đầu xây dựng một nhà thờ, sau 15 năm chờ đợi. Nguyên nhân của sự kéo dài này là do sự phản đối của người Hồi giáo địa phương.

Vatican News

Ngày 22/01, Đức cha Antonius Subianto Bunjamin của Bandung, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Indonesia, đã chủ sự lễ khởi công xây dựng nhà thờ Thánh Biển Đức ở huyện Padalarang thuộc tỉnh Tây Java, trước sự hiện diện của nhiều người Công giáo địa phương và quan chức chính phủ.

Ngôi thánh đường sẽ phục vụ cho khoảng 4,000 người Công giáo ở xung quanh Padalarang, Cipatat, Batujajar, Ngamprah và Cisarua. Khi công trình hoàn thành các tín hữu ở các khu vực này không phải đi xa để tham dự Thánh lễ và các cử hành phụng vụ.

Giấy phép xây dựng đã được bắt đầu tiến hành vào năm 2009, nhưng lúc đó không thể thực hiện được, vì theo quy định của chính phủ, để được xây dựng nơi thờ phượng phải có sự đồng ý bằng văn bản của người dân địa phương, bao gồm cả người Hồi giáo. Năm 2006, Bộ Nội vụ và Bộ Tôn giáo quy định các cộng đồng tôn giáo phải có 90 chữ ký từ chính cộng đồng của mình và 60 chữ ký của người dân địa phương để được cấp giấy phép xây dựng nơi thờ phượng.

Quy định này đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích vì gây khó khăn cho các nhóm tôn giáo thiểu số trong việc xây dựng các nơi thờ phượng. Các nhóm Hồi giáo chiếm đa số ở hầu hết các khu vực thường phản đối việc xây dựng nhà thờ. Đối với ngôi thánh đường này, vào năm 2015, họ dán áp phích tại địa điểm dự kiến xây dựng nhà thờ nói rằng các Kitô hữu không được phép tổ chức thờ phượng ở khu vực có đa số người Hồi giáo.

Trong 15 năm qua, Giáo hội Công giáo đã cố gắng sống hài hoà với người Hồi giáo. Giờ đây họ đã nhận ra sự chân thành trong sự giúp đỡ nên đã ủng hộ việc xây dựng này.

Ở tỉnh Tây Java, có 83.476 đền thờ Hồi giáo và phòng cầu nguyện Hồi giáo, 406 nhà thờ Tin lành và 77 nhà thờ Công giáo. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nhà thờ chưa nhận được giấy phép và đã chờ đợi nhiều năm. Vào tháng 11 năm ngoái, nhà thờ Công giáo Thánh Têrêsa ở Cikarang, Bekasi Regency đã nhận được giấy phép sau 18 năm.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/mot-giao-phan-o-indonesia-duoc-phep-xay-nha-tho-sau-15-nam-cho-doi-40722.html

 

 

15. Ngoại trưởng Toà Thánh: ĐTC Phanxicô muốn viếng thăm Việt Nam

Nhận xét về cuộc viếng thăm Vatican của phái đoàn đảng Cộng sản Việt Nam vào sáng thứ Năm 18/01, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh nói rằng “Cuộc gặp gỡ tích cực”, và cho biết “Đức Thánh Cha muốn thăm Việt Nam. Cộng đoàn Công giáo rất muốn điều này và đó sẽ là một thông điệp rất đẹp cho toàn khu vực”.

Vatican News

Đức Thánh Cha đã tiếp phái đoàn đảng Cộng sản Việt Nam tại Dinh Tông toà. Sau đó phái đoàn đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc phụ khanh Toà Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Gallagher tiếp tại Phủ Quốc vụ khanh.

Sau đó, bên lề hội nghị tại Phòng Báo chí Toà Thánh nhân kỷ niệm 200 năm ngày qua đời của Đức Hồng Y Ettore Consalvi, chính Ngoại trưởng Toà Thánh đã tường thuật chi tiết cuộc gặp gỡ.

Trước hết, ngài đánh giá đó là một cuộc gặp gỡ tích cực, bày tỏ hy vọng rằng cộng đoàn Công giáo sẽ có thể hưởng lợi từ điều này, điều mà từ quan điểm ngoại giao, là một bước tiến xa hơn trong quan hệ song phương, bên cạnh những kết quả quan trọng khác đã đạt được.

Đáng chú ý là thoả thuận vào tháng 12/2023 về việc bổ nhiệm Đại diện Tòa Thánh Thường trú tại Việt Nam, Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore. Thoả thuận này được ký kết vào tháng 7 trước đó nhân chuyến viếng thăm Vatican của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở phiên họp thứ mười của Nhóm làm việc chung Việt Nam-Toà Thánh vào ngày 31/3 tại Roma.

Ngoại trưởng Toà Thánh cho biết ngài sẽ thăm Việt Nam vào tháng Tư, và Đức Hồng Y Parolin sẽ thăm trong năm nay.

Trả lời câu hỏi của một nhà báo, Đức Tổng Giám Mục giải thích “Chúng tôi sẽ thực hiện mọi việc từng bước một”, và nói rằng ngài lạc quan về khả năng chuyến viếng thăm trong tương lai của Đức Thánh Cha: “Tôi nghĩ chuyến viếng thăm sẽ diễn ra. Nhưng có vài bước cần thực hiện trước khi điều này thích hợp. Tôi nghĩ Đức Thánh Cha rất muốn đi, chắc chắn cộng đoàn Công giáo rất muốn ngài viếng thăm và điều này sẽ là một thông điệp rất tốt đẹp cho tất cả khu vực. Thực tế, Việt Nam là một đất nước quan trọng, một loại phép màu kinh tế trong nhiều khía cạnh”.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/ngoai-truong-toa-thanh-dtc-phanxico-muon-vieng-tham-viet-nam-40723.html

 

 

16. Giáo phận Trịnh Châu, Trung Quốc có Giám mục sau 70 năm trống toà

Ngày 25/01/2024, cha Tađêô Vương Nguyệt Sanh đã được tấn phong làm Giám mục Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, chấm dứt tình trạng trống toà trong 70 năm qua. Lễ tấn phong theo Hiệp định Tạm thời giữa Toà Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám mục ký vào ngày 22/9/2018.

Vatican News

Lễ tấn phong Giám mục diễn ra tại nhà thờ được dâng kính Đức Mẹ Lộ Đức ở Huệ Tể, do Đức cha Giuse Thẩm Bân (Joseph Shen Bin), Giám mục Thượng Hải chủ phong cùng với hai vị phụ phong là Đức cha Giuse Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang), Giám mục Chu Thôn, và Đức cha Giuse Trương Ngân Lâm (Zhang Yinlin), Giám mục An Dương, và hơn 300 linh mục, nữ tu và giáo dân đến từ các Giáo phận trong tỉnh.

Tân Giám mục của Trịnh Châu sinh ở Trú Mã Điếm, Hà Nam, năm nay 58 tuổi (27/02/1966). Từ năm 1987 đến 1993 thầy Tađêô theo học triết và thần học tại Chủng viện miền Trung Nam, được phong chức linh mục vào ngày 17/10/1993 tại Hán Khẩu, và làm linh mục chánh xứ ở Trịnh Châu. Kể từ tháng 12/2011, cha Tađêô coi sóc mục vụ giáo xứ thuộc quận Huệ Tể, ở Trịnh Châu.

Cha Tađêô Vương Nguyệt Sanh đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục vào ngày 16/12/2023. Việc bổ nhiệm và tấn phong Giám mục này theo Hiệp định Tạm thời giữa Toà Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám mục được ký vào ngày 22/9/2018.

Từ khi đời sống Giáo hội được phục hồi vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Giáo phận Trịnh Châu không có Giám mục, nhưng chỉ có các Giám quản Tông toà. Ở Giáo phận này, từ những năm 80, một số nhà thờ đã được trùng tu hoặc tái xây dựng. Đời sống Giáo hội tiếp tục nhưng không năng động như trước năm 50. Vào thời điểm đó, với dân số 4 triệu, có hơn 20 ngàn người Công giáo. Ngày nay, dân số đã tăng lên gấp đôi, số tín hữu Công giáo thay đổi từ 10 ngàn đến 20 ngàn người.

Ở Trung Quốc, kể từ khi Hiệp định Tạm thời giữa Toà Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám mục ký vào ngày 22/9/2018, không có bất kỳ cuộc tấn phong bất hợp lệ nào nữa, nghĩa là không có phép của Đức Thánh Cha, điều đã gây ra những vết thương đau lòng cho người Công giáo Trung Quốc từ cuối những năm 50.

Từ khi Hiệp định được ký, sáu lễ tấn phong Giám mục đã được cử hành. Cùng thời gian này sáu Giám mục “hầm trú” đã được nhà nước Trung Quốc công nhận. Trong số đó có Đức cha Phêrô Cận Lộc Cương (Jin Lugang), Giám mục Nam Dương (Nanyang) của tỉnh Hà Nam (Henan) được chính phủ chính thức công nhận vào ngày 30/01/2019.

(Nguồn: RV)

Link nội dung đầy đủ: http://giaophanmytho.net/giao-hoi-hoan-vu/giao-phan-trinh-chau-trung-quoc-co-giam-muc-sau-70-nam-trong-toa-40727.html