21/01/2024
1306
Từ ngày 22.01 đến ngày 27.01.2024_ Phút lắng đọng Lời Chúa























 

22.01.2024

THỨ HAI TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Mc 3,22-30

 

Lời Chúa:

“Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3,29)

Câu chuyện minh họa:

Người ta kể, một hôm có một chàng thanh niên đến gặp Cha Placido Viccardi, dòng Biển Đức, ở Italia, để xin xưng tội. Chàng thanh niên này quì xuống và thưa với Cha Viccardi:

- Thưa Cha, con là kẻ tội lỗi khốn nạn nhất, vì con đã phạm đủ mọi thứ tội.

Cha Viccardi đáp:

- Đúng, con đã phạm đủ mọi thứ tội, nhưng con không phải là kẻ có tội khốn nạn nhất, vì có một tội nặng nhất mà con đã không phạm tội ấy.

Chàng Thanh niên ngẩng đầu lên nhìn Cha Viccardi ngạc nhiên hỏi:

- Thưa cha, làm sao Cha biết? Tội đó là tội nào vậy?

Cha Viccardi trả lời:

- Tội nặng nhất mà con đã không phạm, đó là con đã không nghi ngờ và thất vọng về lòng từ bi của Chúa. Sở dĩ Cha biết như thế, vì nếu không, thì con đã không đến đây để xin lãnh nhận Bí tích Giải Tội. Vậy nhân danh Đấng giầu lòng từ bi và yêu thương mà con vẫn hằng tin tưởng cậy trông, Cha tha thứ hết mọi tội lỗi cho con. Con hãy về, và cố gắng đền đáp lòng yêu thương tha thứ của Chúa nhá.

Suy niệm:

Những luật sĩ trong bài Tin mừng hôm nay đã không tin vào việc trừ quỷ của Chúa mà còn xuyên tạc Ngài dựa thế quỷ mà trừ. Chính thái độ ấy Chúa Giêsu đã khẳng định họ là những người đã phạm tội duy nhất không được tha, mà còn mắc tội muôn đời.

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là không tin vào tình yêu, không cậy trông vào lòng từ bi của Chúa, nên họ không ăn năn thống hối tội lỗi, và vì thế họ không được tha tội. Còn đối với những ai ăn năn thống hối dù tội nặng đến đâu cũng được tha thứ cả. Bởi vì điều kiện chính yếu để được tha thứ là lòng ăn năn thống hối.

Trong thinh lặng, chúng ta xét xem tâm hồn chúng ta có thực sự ăn năn thống hối những khi phạm tội hay không? Chúng ta có tin nhân Chúa là Đấng có quyền năng trên hết mọi sự không?

Lạy Chúa, xin cho con thật lòng tin vào tình yêu và lòng từ bi của Chúa, để những khi con sa ngã vì phạm tội, con biết chạy đến với lòng thương xót của Chúa để được thứ tha và đón nhận sự bình an trong tâm hồn.

 

 

 

 

23.01.2024

THỨ BA TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Mc 3,31-35

 

Lời Chúa:

“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3,35)

Câu chuyện minh họa:

Người thiếu nữ Ấn Độ trong mẩu truyện dưới đây là một trong muôn vàn trường hợp:

Nàng là một thiếu nữ trẻ đẹp, đã đính hôn với một chàng trai, và đang chờ đợi ngày làm lễ thành hôn. Thế rồi một hôm, bỗng nàng cảm thấy đau ở tay. Nàng đến gặp một Bác Sĩ. Sau khi đã khám nghiệm, Bác Sĩ cho biết, nàng mắc bệnh phong cùi. Thế là số phận của nàng cũng như bao nhiêu người cùi khác, đó là phải vào sống trong một trại cùi, được thiết lập ở một nơi xa xôi hẻo lánh, tách biệt khỏi gia đình và xã hội.

Hôm ấy người ta chở nàng đến trại cùi. Vừa đến nơi, thấy những người đàn bà rách rưới bẩn thỉu, nàng bật khóc và tinh thần xuống tột độ. Sự tuyệt vọng đã hiện rõ nét trên khuôn mặt xinh xắn của nàng. Những người đưa nàng đến đây đều có cùng một ý nghĩ là, có thể nàng sẽ tự tử.

Nhưng may thay, mấy ngày hôm sau, một vị Thừa sai đang phục vụ trong trại cùi đã đến xin nàng giúp Ngài săn sóc cho những người cùi khác.

Một tia hy vọng đã lóe lên trong đầu nàng. Từ đó, nàng bắt tay vào việc bằng cách mở lớp dạy chữ cho các em cùi và những người lớn chưa biết chữ. Nàng cũng hướng dẫn những phụ nữ có con. Cách chăm sóc và nuôi nấng con cho chu đáo.

Nhưng điều mà nàng làm, đã thay đổi hẳn bộ mặt của trại cùi một cách rõ nét nhất đó là những buổi sinh hoạt mà nàng đứng ra hướng dẫn. Nhờ cây đàn Accordion mà nàng được các vị thừa sai sắm cho, nàng đã tạo được một bầu không khí vui nhộn cho cả trại cùi.

Ít lâu sau, người ta hỏi cảm tưởng của người thiếu nữ Ấn kia, khi nàng vừa mới đến trại, Nàng tâm sự: “Khi vừa mới đến đây, tôi bắt đầu hồ nghi Thiên Chúa. Tôi không biết rằng có Thiên Chúa hay không nữa. Vì nếu có Thiên Chúa là tình thương, mà sao Ngài lại để cho con người khổ sở như thế này. Nhưng bây giờ thì tôi biết đó là ý Chúa. Và trường hợp của tôi là Ngài muốn cho tôi ở đây, để làm vơi đi nỗi sầu khổ của nhiều người ở đây. Vì thế, tôi không còn buồn nản như lúc mới tới đây nữa, mà tôi hân hoan thực thi ý của Chúa. Bao lâu tôi còn sống tôi sẽ cảm tạ Chúa vì Ngài đã dắt tôi tới đây.”

Suy niệm:

Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh vấn đề lắng nghe và thi hành Lời Chúa. Nhiều lần Ngài đã nói đến: "Đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc… Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người (nghĩa là thi hành ý Người), còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho" (Mt 6,25-33); "Ai nghe mà không thực hành thì ví được như người xây nhà ngay trên mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào thì nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành" (Lc 6,49).

Hôm nay Chúa cũng tha thiết nói với mỗi người chúng ta đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa sinh hoa kết quả dồi dào trong cuộc sống, trong gia đình và xã hội, để Chúa Giêsu được lớn lên trong mọi người, và để chúng ta trở thành những người “anh em” của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết siêng năng đọc Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa để Lời Chúa thấm sâu vào tâm hồn con, để con mang Lời ấy đến cho người khác bằng đời sống bác ái, vị tha, bao dung… để tất cả chúng con đều là thành viên trong gia đình của Chúa.

 

 

 

 

 

24.01.2024

THỨ TƯ TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Mc 4,1-20

 

Lời Chúa:

“Những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.” (Mc 4,20)

Câu chuyện minh họa:

Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi "Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?". Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời "Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã"... Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua "Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được"... Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý".

Suy niệm:

Chúa Giêsu giảng dạy các môn đệ bằng dụ ngôn nhưng ẩn chứa nhiều chân lý. Đó là kết quả của việc lắng nghe Lời Chúa. Chúa Giêsu chính là người gieo giống, và hạt giống là Tin mừng. Mảnh đất là tâm hồn con người. Vì thế Lời Chúa được gieo vãi nơi chúng ta không phải là những hạt giống rơi trên sỏi đá, vệ đường, hay bụi gai nhưng là chính tâm hồn mỗi người chúng ta và cách thức chúng ta đón nhận Lời. Lời ấy nẩy mầm và sinh hoa kết quả như thế nào tùy vào cách thức và thái độ của mỗi người. Thực vậy, giữa lòng cuộc sống đầy náo nhiệt này, chúng ta có lắng nghe được Lời Chúa không hay chỉ là tiếng vọng của người nói trong sa mạc không có người đáp trả?

Lạy Chúa, xin giúp con biết cộng tác với ơn Chúa để mảnh đất tâm hồn chúng con trở nên tươi tốt, màu mỡ để làm trổ sinh hoa trái Lời Chúa trong tâm hồn chúng con.

 

 

 

 

 

25.01.2024

THỨ NĂM TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Thánh Phaolô, tông đồ trở lại

Mc 16,15-18

 

Lời Chúa:

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Câu chuyện minh họa:

Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường nhận đồ về thêu. Mỗi buổi sáng, mẹ luôn ngồi trên ghế và thêu rất nhanh. Tôi ngồi dưới đất, háo hức ngước nhìn lên cái khung thêu của mẹ với đôi mắt mở to. Tôi cứ thắc mắc hỏi mẹ đang làm gì. Mẹ bảo công việc đó gọi là thêu. Tôi lại thắc mắc nhìn từ phía dưới cái khung thêu nó cực kỳ lộn xộn chẳng ra hình gì. Mẹ cười và bảo tôi cứ ra ngoài sân chơi, khi nào xong mẹ sẽ cho ngồi lên ghế xem.

Tôi cứ thắc mắc tại sao mẹ dùng sợi chỉ sẫm với chỉ màu sáng xen kẻ nhau, nó có đem lại tác dụng gì không và tại sao mẹ lại làm một thứ lộn xộn đến thế. Chỉ hai giờ sau, mẹ đã gọi tôi vào ngồi trên ghế để xem tranh thêu. Khi xem, tôi gần như reo lên vì trước mắt tôi là bức tranh có bầu trời, có hoa lá, có đủ màu sáng tối, đẹp đến mức không thể tin được. Và mẹ bảo, cuộc sống cũng như vậy, khi ta nhìn từ một mặt, nó có thể hoàn toàn hỗn độn, nhưng nếu ta chịu chờ đợi, chịu chấp nhận cả những sợi chỉ màu sáng, màu tối và nhìn từ một mặt khác, ta sẽ thấy cuộc sống đáng yêu và đẹp biết chừng nào.

Suy niệm:

Cuộc đời người môn đệ Chúa cũng được đan dệt từ những mảng sáng của hạnh phúc, hy vọng, quảng đại,… và những mảng tối của đau khổ, thất vọng, tham lam, ích kỷ... Nếu chúng ta chấp nhận nó như là một quy luật tự nhiên thì chắc hẳn chúng ta sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Bổn phận của chúng ta là góp phần làm cho bức tranh ấy thêm sinh động hơn bằng những công việc bác ái, hy sinh, tha thứ… như chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ chính mình, để chấp nhận tha nhân cũng như chấp nhận những trái ý trong cuộc sống này, để dệt nên một cuộc sống tốt đẹp hơn, trong đó Chúa Giêsu là tâm điểm và cùng đích mọi sự.

 

 

 

 

 

26.01.2024

THỨ SÁU TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Thánh Timôthê và thánh Titô, giám mục

Lc 10,1-9

 

Lời Chúa:

“Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.” (Lc 10,6)

Câu chuyện minh họa:

Nhà danh hoạ muốn tạo bức tranh để đời, trước khi nhắm mắt về thế giới bên kia. Chàng ta đã suy nghĩ lâu ngày để tìm đề tài vẽ bức tranh đó.

Một hôm tình cờ, ông gặp một đôi tình nhân tay trong tay, với vẻ mặt thật yêu đời đang đi tản bộ bên nhau, ông hỏi:

Anh chị nghĩ cái gì đẹp nhất trên đời này?

Hai người nhìn nhau, không ai bảo ai cùng thưa:

Tình yêu, là cái đẹp nhất trên đời này. Có tình yêu san bằng mọi giai cấp, mọi khuyết điểm. Không có tình yêu, con người sống trong đau khổ, thất vọng cuộc đời vô vị.

Lần khác, ông gặp một người lính từ mặt trận về. Với câu hỏi trước:

Theo anh, anh nghĩ cái gì là đẹp nhất trên đời này?

Người lính chỉ vào cánh tay, vết thẹo vừa mới khỏi. Anh trả lời:

Hoà bình là đẹp nhất. Không có hoà bình con người sống trong lo âu, con người hằn thù chém giết nhau. Không có hoà bình, mọi cái đều đổ vỡ.

Chàng gặp vị linh mục, với câu hỏi trên:

Thưa cha, theo cha nghĩ cái gì đẹp nhất trên đời?

Không cần suy nghĩ, vị linh mục trả lời:

Chỉ có niềm tin đáng quí nhất trên đời. Niềm tin giúp chúng ta tin vào cuộc sống hiện tại và tương lai. Có niềm tin, chúng ta hy vọng vào Thiên Chúa và tự tin vào mình. Mất niềm tin, chúng ta sống trong thất vọng, chán nản và buông thả tất cả.

Nhà danh hoạ cố gắng thu góp những lời hay ý đẹp để diễn tả trên bức hoạ của mình.

Nhưng khi về nhà, ông đã gặp những tư tưởng hay, những đức tính cao quí đến trong gia đình ông:

* chàng thấy tình thương thắm thiết vợ ông dành cho ông, con cái ông sống trong tình thương yêu và nhường nhịn nhau.

* Chàng cảm thấy gia đình ông sống trong bầu khí an bình, tràn đầy hạnh phúc.

Cuối cùng, nhà hoạ sĩ tài ba đó quyết định dùng hết tài năng của bàn tay khéo léo vẽ bức tranh gia đình hạnh phúc của mình."

Suy niệm:

Trong hành trình truyền giáo, chắc hẳn chúng ta gặp gỡ đủ mọi hạng người: hạnh phúc, bất hạnh, giàu có, nghèo hèn,… cũng như đủ mọi kiểu tiếp đón của những người chúng ta gặp gỡ, có người đón tiếp rất nhiệt tình, có người xua đuổi ngay khi vừa thấy mặt,… Quả thật, cuộc đời làm môn đệ Chúa không êm xuôi và bằng phẳng chút nào cả. Tất cả những điều đó Chúa Giêsu đã vượt qua, và để lại cho mỗi người môn đệ Chúa bài học, và cũng là lời động viên, an ủi: Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.

Lạy Chúa, Ngài sai chúng con ra đi không mang theo bao bị, túi tiền, giày dép… để chúng con không bị lệ thuộc vào vật chất nhưng luôn phó thác và tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa. Xin cho con luôn xác tín điều đó để không có gì cản lối đời con trong hành trình mang Chúa đến cho người khác.

 

 

 

 

 

27.01.2024

THỨ BẢY TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Mc 4,35-41

 

Lời Chúa:

“Người thức dậy ngâm đe gió và truyền cho biển: im đi! Câm đi! Gió liền tắt và biển lặng như tờ.” (Mc 4,39)

Câu chuyện minh họa:

Thánh Martinô thành Tour, thời còn trai trẻ, một lần đi ngang qua ngọn núi An-pơ ngài bị rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột hết cả hành trang tiền bạc. Môt tên cầm dao kề vào cổ đòi giết ngài, ngài vẫn đứng yên chờ chết. Dáng vẻ can đảm và bình tĩnh của ngài khiến tên cướp đầu đảng giật mình thán phục. Hắn chạy vội lại giật con dao ném xuống đất và hỏi ngài tại sao chẳng có chút gì sợ sệt khi thấy cái chết đang kề bên cổ. Ngài trả lời, đã có Thiên Chúa hằng thương yêu săn sóc lúc sống cũng như lúc chết thì cái chết nào có nghĩa lý gì mà sợ."

Suy niệm:

Thiên Chúa luôn can thiệp vào cuộc sống của chúng ta, mà dường như chúng ta đã ít lần hay không nhận ra được điều đó. Các môn đệ đã đi theo Chúa, chứng kiến những việc Chúa làm nhưng các ông cũng chưa nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta cần đặt lại cho cuộc đời mình: Đức Kitô là ai trong cuộc đời tôi? Trong những biến cố của cuộc đời, tôi có nhận ra bàn tay uy quyền của Chúa hay không. Để làm được điều đó, chúng ta cần sống mối tương quan mật thiết với Chúa, chúng ta mới nhận ra ân ban của Ngài và những điều kỳ diệu trong cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa, có những sóng gió trong cuộc đời con, Chúa luôn ở bên mà con đâu nhận ra; có những hạnh phúc con có được mà con đâu biết chính Chúa đã làm cho con. Xin ban thêm cho con lòng yêu mến Chúa để con biết Chúa yêu con đến dường nào, và để con nhận ra lòng thương xót vô bờ của Chúa hằng ấp ủ cuộc đời con. Amen.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho