14/01/2024
1228
Từ ngày 15.01 đến ngày 20.01.2024_ Phút lắng đọng Lời Chúa























 

15.01.2024

THỨ HAI TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Mc 2,18-22

 

Lời Chúa:

“Rượu mới, bầu cũng phải mới”. (Mc 2,22)

Câu chuyện minh họa:

Hai thanh niên lớn lên trong gia đình với một người cha nghiện rượu. Vì còn trẻ, mỗi cậu sống theo ý riêng mình.

Nhiều năm sau, một cậu trở nên người nghiện rượu không thể cải thiện. Cậu kia là người chống uống rượu.

Một tâm lý gia tìm hiểu hậu quả của việc nghiện rượu gây cho những đứa trẻ trong gia đình. Ông hỏi cậu thứ nhất: “Tại sao anh trở nên người nghiện rượu?” và cậu thứ hai: “Tại sao anh trở nên người chống rượu?”

Cả hai có cùng câu trả lời: “Ông có thể mong đợi điều gì khác khi ông có người cha như tôi?”

Suy niệm:

Chúa Giêsu muốn chúng ta ý thức hơn về ơn gọi, và giáo lý của Ngài. Ngài không chống lại cái cũ, nhưng làm cho cái cũ trở nên hợp thời hơn. Qua những hình ảnh: áo mới, vải mới, rượu mới và bình mới, Ngài muốn chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa, loại bỏ những cái cũ là hình thức bên ngoài để tìm kiếm Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta loại bỏ những cái cũ triệt để, chứ không nửa vời.

Lạy Chúa, xin cho tâm hồn con được đổi mới bằng việc mặc lấy tinh thần của Chúa, tinh thần quảng đại, nhân hậu, tha thứ… để hình ảnh của Chúa được người khác nhận biết qua đời sống của con.

 

 

 

 

 

16.01.2024

THỨ BA TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Mc 2,23-28

 

Lời Chúa:

“Ngày sabat được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabat”. (Mc 2,27)

Câu chuyện minh họa:

Một người thợ xây đang ở trên giàn dáo cao thì bị sẩy chân rơi xuống, chẳng may trúng phải một người đang đi bộ ngang qua phía dưới. Điều oái oăm là anh thợ chỉ bị xây xát qua loa, còn người khách bộ hành thì bị chấn thương nặng, hôn mê rồi chết khi người ta đưa vào bệnh viện.

Chiếu theo luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” của miền này, gia đình nạn nhân đưa nội vụ ra tòa đòi anh thợ xây phải đền mạng. Vị quan toà từ lâu đã thấy cái vô lý trong bộ luật địa phương, nhưng truyền thống và hủ tục xưa rất khó thay đổi. Cuối cùng, để cứu người thợ xây oan ức, ông tuyên bố:

- Việc gia đình nạn nhân đòi mạng người thợ xây theo truyền thống là chính đáng, nhưng tôi thấy phải nói rõ. Nếu anh ta đã giết người nhà của các ông bằng cách nào, thì các ông cũng phải giết anh ta bằng cách đó, nghĩa là một người trong gia đình các ông phải trèo lên giàn ráo, nhảy xuống đúng vào đầu anh thợ xây lúc anh đang đi ở phía dưới.

Nghe tòa phân xử, bên gia đình kiện cáo bèn vội vàng xin bãi nại. Anh thợ xây được tha bổng. Sau đó, nhận thức được sự tàn nhẫn phi lý và mù quáng của bộ luật địa phương mình, dân chúng trong vùng quyết định loại bỏ hẳn tính cách “mắt đền mắt, răng đền răng” trong quan hệ xử thế giữa con người với nhau.

Suy niệm:

Người Do thái, ngoài bộ luật chính còn có nhiều điều phụ được thêm vào. Việc các môn đệ bứt lúa là một trong những điều phụ đó, tuy nó không đáng kể nhưng nó là chủ đề được nói tới của những người biệt phái đối với các môn đệ, gây xung đột giữa các biệt phái và Chúa Giêsu về việc kiêng việc xác ngày sabat.

Chúa Giêsu để ý đến tinh thần của luật, bởi luật được tạo ra cho con người chứ không phải con người được tạo ra cho ngày sabat. Họ quên rằng luật  được tạo ra để con người sống vui và hạnh phúc, thêm mến Chúa yêu người chứ không phải là rào cản con ngườiđến với Chúa và với nhau.

Lạy Chúa, chu toàn luật Chúa là bổn phận của mỗi Kitô hữu, nhưng đừng để con quá câu nệ lề luật mà quên đi anh chị em xung quanh.

 

 

 

 

 

17.01.2024

THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Thánh Antôn viện phụ

Mc 3,1-6

 

Lời Chúa:

“Ngày sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4)

Câu chuyện minh họa:

Hôm ấy một rabbi Do thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên rabbi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sabbat không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực, cướp ngựa phóng đi và tiếp tục hát thánh ca...

Suy niệm:

Người rabbi không dám cứu ngựa trong ngày sabat vì sợ phạm luật, nhưng giết người để cướp ngựa. Như vậy, người rabbi này có giữ luật sabat chưa?

Chúa Giêsu đặt họ trước vấn đề nan giải để họ kết luận xem cần phải làm điều lành hay điều dữ, giết người hay cứu người. Nhưng họ chỉ biết làm thinh, họ khép kín tâm hồn trước người anh em đang gặp khó khăn. Chúa Giêsu trong thân phận con người, Ngài cũng cảm nhận được những nỗi đau của con người, và Ngài đã giải thoát họ qua việc chữa lành bệnh. Ngài đã mặc cho ngày sabat một ý nghĩa: ngày của niềm vui, sự giải thoát và ngày của tình bác ái yêu thương, chứ không phải ngày sabat để đem lại sự lo lắng và mất bình an.

Lạy Chúa, xin cho con tuân giữ luật Chúa không những bằng dáng vẻ bên ngoài, nhưng quan trọng hơn cả là lòng mến Chúa và yêu tha nhân, nhất là những người nghèo khó.

 

 

 

 

 

18.01.2024

THỨ NĂM TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Mc 3,7-12

 

Lời Chúa:

“Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người” (Mc 3,10)

Câu chuyện minh họa:

Có một giai thoại về Trang Tử như sau: Một hôm, Trang Tử cùng đệ tử đi chơi núi, có một người thợ rừng hỏi: “Tại sao cây này không dùng được?” Trang Tử liền nói: “Cây này vì bất tài mà được sống lâu.” Về đến nhà, người thợ bắt con chim không biết gáy để làm tiệc đãi khách. Hôm sau đệ tử hỏi Trang Tử?

- Hôm qua, cái cây trên núi vì bất tài mà sống, con chim hồng vì bất tài mà chết; theo Thầy, Thầy xử trí thế nào?

Trang Tử cười:

- Tài và bất tài đều là quấy cả. Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.

Đông Phương đề cao sự khôn ngoan ở đời; Tây Phương chịu ảnh hưởng Hy Lạp cũng dạy: con người lý tưởng là con người biết nhiều, và biết là con người không chỉ là một nhận thức suông, mà thiết yếu là đi vào tri giao mật thiết.

Suy niệm:

Đám đông dân chúng kéo đến tìm Chúa không phải vì biết Ngài là ai, nhưng chỉ vì họ muốn được ăn uống no nê, được chữa bệnh, và được chứng kiến các phép lạ… Ma quỷ biết Ngài trong sự ghen ghét vì không muốn Ngài tiêu diệt chúng; các môn đệ của Chúa nhận biết Chúa qua việc đi theo Ngài, chứng kiến những việc Ngài làm, những phép lạ, nhất là biến cố tử nạn và Phục sinh của Chúa, cũng như các ông sống trong mối tương giao thân tình với Chúa. Ngài cũng mong muốn mỗi Kitô hữu sống trong mối tương giao thân tình ấy để nhận biết, yêu mến và đi theo Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận biết Chúa qua những người anh chị em đang gặp khó khăn, nơi những khuôn mặt khổ đau, đói kém, nghèo hèn… để con biết đem đến cho họ không phải sự no ấm của cơm bánh, sự chữa lành nơi thân xác, mà đem đến tình thương mà Chúa đã trao ban cho con.

 

 

 

 

 

19.01.2024

THỨ SÁU TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Mc 3,13-19

 

Lời Chúa:

“Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn.” (Mc 3,13)

Câu chuyện minh họa:

Daigu viếng đại sư Baso ở Trung Hoa, Baso hỏi:

“Anh tìm gì?” .

Daigu đáp:

“Giác ngộ”

Baso hỏi:

“Anh có một kho tàng của riêng anh. Tại sao anh đi tìm bên ngoài?”

Daigu lại hỏi:

“Kho tàng của tôi ở đâu?”

Baso đáp:

“Cái gì anh nói là kho tàng của anh”.

Daigu giác ngộ! Từ đó về sau Daigu luôn luôn thúc giục bạn bè:

“Hãy mở kho tàng của riêng anh mà dùng” .

Suy niệm:

Đức Giêsu gọi những kẻ Người muốn, chứ Ngài không gọi những ai có tài, hay có những đặc tính riêng nào. Ngài gọi họ và ban cho họ ơn làm môn đệ Ngài. Người môn đệ cần ở lại với Chúa Giêsu, để chia sẻ những buồn vui, chia sẻ cuộc sống và sứ mạng với Người. Ở lại với Người và được sai đi đến với người khác, như Người đã được Chúa Cha sai đi. Vậy mỗi người chúng ta cần ở lại với Chúa trong mối tương quan thân mật với Chúa để được Ngài bồi bổ sức mạnh, và khi ra đi, chúng ta cũng cần ra đi với Chúa trong sứ vụ; vì nơi Người, chúng ta có sức mạnh.

Xin cho con biết ở lại với Chúa trong mối tương quan như bạn hữu, để con được thổ lộ những tâm tư thầm kín; xin cho con ở lại với Chúa trong mối tương quan cha-con, để con sẵn sàng thi hành thánh ý; và xin cho con được ở lại với Chúa trong mối tương quan là môn đệ Chúa, để con biết phục vụ anh chị em con.

 

 

 

 

 

20.01.2024

THỨ BẢY TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Mc 3,20-21

 

Lời Chúa:

“Thân nhân của người nói Người đã mất trí.” (Mc 3,21)

Câu chuyện minh họa:

Một người Armênia nói: "Chẳng bao giờ tôi thấy Chúa, nhưng tôi đã thấy ngài Shepard là một nhà truyền giáo.

Câu nói trên biểu lộ một chân lý: Chúa Giêsu đang sống, đang tự mặc khải qua các môn đệ”.

Một nhà truyền giáo lần đầu tiên đến Trung Hoa, giảng về Chúa Giêsu cho một nhóm dân bản địa. Khi Ngài kết thúc, một người nói: "Phải, chúng tôi đã biết Ngài. Ngài đã sống ở đây".

Nghe thế nhà truyền giáo liền nói: "Không, Đức Giêsu sống ở nước khác, cách đây gần 2000 năm rồi".

Nhưng người đó vẫn khăng khăng bảo: "Chúng tôi đã thấy Chúa. Chúa đã sống trong làng này. Chúng tôi biết Ngài". Rồi ông dẫn nhà truyền giáo đến nghĩa trang và chỉ cho thấy ngôi mộ của một nhà truyền giáo khác, đã từng sống với họ, phục vụ họ và cuối cùng an giấc nơi cộng đoàn của họ.

Suy niệm:

Công việc giảng dạy của Chúa Giêsu đã khơi dậy lòng nhiệt thành sùng mộ của dân chúng, nên họ đến với Người rất đông để nghe Người giảng dạy, và để được Người chữa bệnh. Ngược lại, những bà con thân thuộc của Chúa thì họ không chỉ không tin sứ mạng của Chúa, mà còn có cái nhìn không đúng về Ngài, như lời Tin Mừng thánh Maccô đã thuật lại: "Thân nhân của người nói Người đã mất trí" (Mc 3,21).

Lạy Chúa, xin cho con đón nhận Lời Chúa với tất cả niềm tin và lòng mến, để con tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Trời và mang Tin mừng ấy đến với những ai con gặp gỡ. Amen.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho