DẪN NHẬP: LỄ - PHỤNG TỰ - PHỤNG VỤ VÀ CUỘC SỐNG

1. Từ khái niệm “Lễ” tới khái niệm “phụng tự”

2. Từ khái niệm “Phụng tự” tới ý nghĩa “phụng vụ” trong niềm tin Kitô giáo

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHỤNG VỤ

1. Những định nghĩa chuyên biệt về Phụng vụ

2. Những định nghĩa mở rộng mang tính “mục vụ”

3. Nắm vững những điểm cốt yếu (làm nên tính danh phụng vụ)

II. TÂM TÌNH VÀ THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI PHỤNG VỤ

1. Thái độ và tâm tình

2. Định hướng áp dụng thực hành

III. MỤC VỤ PHỤNG VỤ TỔNG QUÁT - HƯỚNG DẪN CỬ HÀNH VÀ SỐNG PHỤNG VỤ

1. Bốn yếu tố cơ bản để cử hành phụng vụ

2. Nguyên tắc hướng dẫn cách cử hành hay tham dự phụng vụ tích cực

3. Khắc phục các cách cử hành phụng vụ tiêu cực

4. Củng cố đời sống đức tin trên nền tảng “phụng vụ”

KẾT: THAM DỰ PHỤNG VỤ: ĐẾN VỚI “CUỘC HẸN CỦA TÌNH YÊU”

 

DẪN NHẬP: LỄ - PHỤNG TỰ - PHỤNG VỤ VÀ CUỘC SỐNG

1. Từ khái niệm “Lễ” tới khái niệm “phụng tự”

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tiên học lễ hậu học văn”. Chữ “lễ” trong ngữ nghĩa Hán-Nôm hoặc trong quan niệm dân gian vừa mang ý nghĩa “văn hóa ứng xử đạo đức, tôn quý, lịch duyệt”, vừa xác định những giềng mối, quy định phép tắc, lễ nghi cần có để thực hiện trong quan hệ xã hội hay tín ngưỡng. Chính vì thế, “Lễ” một trong 5 đức tính chủ yếu (Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) làm nền tảng cho đạo đức của người Á Đông.

Cũng chính từ quan niệm “trọng lễ” đó, nên từ xa xưa, đã hình thành những văn bản qui phạm hướng dẫn thực hành “Lễ” và đã trở thành những di sản quý giá trong kho tàng văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân loại. Trong phạm vi của nền văn hóa ảnh hưởng Nho Giáo, không ai mà không biết đến bộ sách “Ngũ Kinh”, mà theo truyền thuyết, được chính Đức Khổng Tử biên soạn hay hiệu đính bao gồm: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu. Riêng bộ Kinh Lễ ghi chép các lễ nghi hướng dẫn việc duy trì và ổn định trật tự, kỷ cương và phép tắc trong đời sống xã hội giữa người sống với nhau và cả với những bậc thần linh tiên tổ. Chính Khổng Tử đã nói: “Không học kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời”[1].

Tại môi trường xã hội Việt Nam (trước khi tiếp nhận ánh sáng Tin mừng), ngoài những ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa lễ giáo Khổng Mạnh, cọng với những tiếp thu của các nền văn hóa, tín ngưỡng khác như Đạo Giáo (Lão giáo), Phật giáo và tín ngưỡng dân gian… đã phát sinh vô số những phong tục, lễ bái, cúng kính[2]…, vừa chất chứa những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục… cần được trân trọng tôn kính, đón nhận và thanh lọc[3], nhưng cũng không thiếu những hình thức “thờ ngẫu tượng”, mê tín dị đoan, tin vơ thờ quấy cần phải khôn ngoan và can đảm khước từ[4].

Từ khái niệm “Lễ”, một khái niệm phổ quát liên quan đến những sinh hoạt tinh thần và những quy phạm lễ nghi liên quan đến toàn bộ cuộc sống, người ta tiến đến khái niệm “PHỤNG TỰ”, những cách thể hiện đặc thù và những dấu chỉ hữu hình”[5] mang chiều kích tín ngưỡng, tôn giáo. Hay theo Đức Giáo hoàng Phanxicô trong tông thư Desiderio Desideravi, đó là “ngôn ngữ biểu tượng”, là các “biểu tượng phụng vụ” mà chúng ta cần khám phá, học hỏi và làm mới mỗi ngày: “Chúng ta không được từ bỏ ngôn ngữ biểu tượng vì đây là cách Chúa Ba Ngôi đã chọn để đến với chúng ta qua máu thịt của Ngôi Lời. Đúng hơn, vấn đề là khôi phục khả năng sử dụng và hiểu các biểu tượng phụng vụ”[6].

2. Từ khái niệm “Phụng tự” tới ý nghĩa “phụng vụ” trong niềm tin Kitô giáo

Trong Hán Tự chữ PHỤNG: có nghĩa là dâng lên, kính dâng, phụng mệnh, phụng dưỡng, cúng tế, tin thờ, tín ngưỡng (tử tôn thế phụng yên: con cháu đời đời cúng tế). TỰ: có nghĩa cúng tế (Lạp nguyệt tự tổ: Tháng Chạp cúng ông bà). Vì thế, PHỤNG TỰ có thể nói được là một khái niệm tiền-phụng-vụ và có thể áp dụng cho mọi tín ngưỡng, tôn giáo, tập tục, phong tục…(Tự ngũ đế, phụng ngưu sinh: Cúng tế ngũ đế, hiến trâu làm lễ vật).

Trong khi đó, theo sách Tự Điển Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, PHỤNG TỰ được cắt nghĩa như sau:

Phụng: tôn sùng; tự: tế lễ, lễ bái.

- “Phụng tự là việc cử hành những lễ nghi phụng vụ, các bí tích hay việc đạo đức để diễn tả tình yêu, lòng tôn kính và thần phục đối với Thiên Chúa.

- Phụng tự Kitô giáo có liên hệ với phụng tự Do Thái giáo, trong đó các lễ nghi là nơi cử hành việc tưởng niệm những kỳ công của Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử Israel. Nhưng nét độc đáo của phụng tự Kitô giáo là tưởng niệm mầu nhiệm Chúa Kitô đã chịu chết và phục sinh.

- Phụng tự Kitô giáo chủ yếu biến đổi đời sống Kitô hữu qua việc thông hiệp vào sự sống và tình yêu Thiên Chúa”[7].

Sỡ dĩ chúng ta dừng lại để phân tích ngữ nghĩa trên là để đi vào nội dung ý nghĩa của PHỤNG VỤ (LITURGIA), một hạn từ đặc biệt diễn tả toàn bộ những lễ nghi và cách thế phượng thờ cao cả của riêng Kitô giáo, mà chúng ta cần học hỏi, khám phá và làm mới mỗi ngày.

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHỤNG VỤ

Người ta vẫn thường nói: “Vô tri bất mộ”. Không am hiểu thì không mến mộ, chú tâm; điều đó cũng có nghĩa xem thường. Chúa Giêsu đã từng cảnh báo: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7,6).

Trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa, Phụng vụ chính là “những của thánh”, những “hành vi chí thánh”, như cách khẳng định mang tính “tín điều” của Hiến chế Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium): “Vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp (Số 7).

Để thêm phần xác tín về nội dung ý nghĩa trên, chúng ta có thể điểm qua các định nghĩa về Phụng vụ đã và đang hiện hữu trong giáo lý, giáo luật và thần học của Hội thánh.

1. Những định nghĩa chuyên biệt về Phụng vụ

1.1. Bản văn của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo: “Thuật ngữ “phụng vụ” (“liturgia”), theo gốc chữ, có nghĩa là “công vụ”, “việc phục vụ nhân danh dân cho dân”. Trong truyền thống Kitô giáo, thuật ngữ nầy có nghĩa là dân Thiên Chúa dự phần vào “công việc của Thiên Chúa”. Qua phụng vụ, Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc và Thượng Tế của chúng ta, tiếp tục công trình cứu chuộc chúng ta trong Hội Thánh, với Hội thánh và nhờ Hội thánh của Người” (1069).

1.2. Bản văn của Hiến chế Phụng vụ Thánh: “Vì thế, Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu thị nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người. Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân thể của Người là Giáo hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp.” (Số 7).

1.3. Bản văn của Thông điệp về Phụng Vụ của ĐGH Piô XII (Mediator Dei): “Phụng vụ là việc ca tụng vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa phàm nhân. Nhờ Phụng vụ, Giáo hội tiếp tục chức vụ linh mục của Chúa Kitô một cách chính yếu. Vậy phụng vụ là việc phụng tự công cộng do Chúa Cứu Thế dâng lên Chúa Cha với tư cách là Thủ lãnh của Giáo hội; đây cũng là việc phụng tự do cộng đồng tín hữu dâng lên vị Thủ lãnh của mình và nhờ Người, dâng lên Chúa Cha; hay nói cách khác, Phụng vụ là việc phụng tự của tất cả Nhiệm thể Chúa Kitô, gồm Đầu và các chi thể, dâng lên Chúa Cha” (Số 25).

1.4. Bản văn của Tông Thư về đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa của ĐGH Phanxicô (Desiderio Desideravi): “Phụng vụ là chức năng tư tế của Đức Kitô, được mặc khải và trao ban trong Mầu nhiệm Vượt Qua của Người, được hiện tại hóa và tác động qua những dấu chỉ hữu hình (nước, dầu, bánh, rượu, cử chỉ, lời nói), để Thần Khí dìm sâu chúng ta vào mầu nhiệm Vượt Qua, và biến đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (Số 21).

1.5. Bản văn của Thánh Bộ Phụng tự ngày 3.9.1958: “Hành động phụng vụ là những việc khả kính, thánh thiện, do Chúa Kitô hoặc Giáo hội thiết lập, được ghi trong các sách phụng vụ do Tòa thánh phê chuẩn và được những vị chính thức có trách nhiệm cử hành để dâng lên Thiên Chúa, các thánh và các vị chân phước”.

1.6. Bản văn của “Bộ Giáo Luật 1983”

- Điều 834, triệt 1: “Phụng vụ thánh được coi là việc thi hành nhiệm vụ tư tế của Đức Giêsu Kitô, trong đó, bằng những dấu chỉ khả giác, việc thánh hoá con người được biểu hiện và được thể hiện theo cách thức riêng của mỗi dấu chỉ, đồng thời việc phụng tự công nguyên vẹn dâng lên Thiên Chúa được thực hiện do Đầu và các chi thể của Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô”.

- Điều 834 triệt 2: “Việc thờ phượng như thế được thực hiện mỗi khi được cử hành nhân danh Giáo Hội, do những người được đề cử cách hợp pháp, và bằng những hành vi được quyền bính của Giáo hội chuẩn nhận”[8].

2. Những định nghĩa mở rộng mang tính “mục vụ”

2.1. Bản văn sách YouCat[9]

- Phụng vụ chính là hơi thở của Hội thánh: “Con người chúng ta phải thở để sống thế nào thì Hội thánh cũng thở và sống khi cử hành phụng vụ như vậy” (Số 166).

- Phụng vụ chính là cuộc hẹn của tình yêu: “Một hình ảnh khác để minh họa: mỗi dịp thờ phượng Chúa là một cuộc hẹn của tình yêu mà Chúa ghi trong nhật ký của ta. Ai đã cảm nghiệm được tình yêu Chúa thì sẽ tự nguyện đến đúng hẹn” (Số 166).

- Phụng vụ là sự có mặt của Thiên Chúa: “Phụng vụ trở nên hấp dẫn khi ta cảm nghiệm được chính Thiên Chúa đang có mặt trong các dấu hiệu thánh và trong các kinh nguyện quý báu và thường là rất cổ kính” (Số 167).

- Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của dân Chúa: “Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức được hoàn thành do dân và cho dân. Theo truyền thống Kitô giáo, phụng vụ có nghĩa là dân Chúa tham gia vào “việc” của Chúa.” (Chữ bên lề trang 146).

2.2. Bản văn của sách Tự điển Công giáo phổ thông

“Ngày nay phụng vụ là việc thờ phượng chung và chính thức của Hội thánh, phân biệt với các việc đạo đức riêng của cá nhân. Như thế phụng vụ chính là một cách khác để gọi bí tích Thánh thể, các bí tích mà khi cử hành phải sử dụng đến các á bí tích. Theo quan điểm thần học, phụng vụ là việc thi hành chức vụ tư tế của Đức Kitô ngay trên trần gian, khác với nhiệm vụ giảng dạy và cai quản dân chúng mà Người đã làm. Đức Kitô thi hành chức vụ tư tế ấy trong tư cách là Đầu của Nhiệm thể; thế nên không những Đầu mà cả các chi thể cùng cử hành phụng vụ thánh. Như vậy, phụng vụ có hai chức năng: tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa, tức là thờ phượng; và đem lại ơn phúc cho nhân loại, tức là thánh hoá”[10].

2.3. Bản văn của Tông Thư Desiderio Desideravi

- Phụng vụ là “liều thuốc giải độc”: Phụng vụ tự bản chất là liều thuốc giải độc hiệu quả nhất đối với những chất độc này (Thuyết Ngộ Đạo và Tân Pelagio) (số 18).

- Phụng vụ “nắm lấy tay chúng ta”: “Phụng vụ không để chúng ta đơn độc trong việc tìm kiếm sự hiểu biết mang tính cá nhân về mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng nắm lấy tay chúng ta, cùng với mọi người, trong cộng đoàn, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm mà Lời Chúa và các dấu chỉ bí tích bày tỏ cho chúng ta” (Số 19).

- Phụng vụ là “một tặng phẩm của mầu nhiệm Chúa Kitô Phục sinh: “Phụng vụ không liên quan gì đến chủ nghĩa luân lý khổ hạnh. Đây là một tặng phẩm của mầu nhiệm Chúa Kitô Phục sinh, để khi ngoan ngoãn đón nhận, cuộc sống chúng ta sẽ được đổi mới” (Số 20).

- Phụng vụ và vai trò “đầu tiên”: “Phụng vụ là nguồn mạch đầu tiên của sự hiệp thông thần linh, trong đó Thiên Chúa chia sẻ sự sống của chính Người cho chúng ta. Phụng vụ cũng là trường học đầu tiên của đời sống thiêng liêng. Phụng vụ là món quà đầu tiên mà chúng ta phải trao cho các Kitô hữu hợp nhất với chúng ta trong đức tin và lòng nhiệt thành cầu nguyện (Số 30).

3. Nắm vững những điểm cốt yếu (làm nên tính danh phụng vụ)

Qua các định nghĩa trên, chúng ta có thể rút ra những điểm cốt yếu khi Hội thánh dạy về phụng vụ. Nói cách khác, để một sinh hoạt đức tin trong Hội thánh mang tính danh phụng vụ thì cần hội đủ các yếu tố sau:

- Một cử hành mang dấu chỉ bí tích: Vừa để tôn vinh Thiên Chúa vừa đem ơn cứu độ cho con người được thể hiện qua những dấu chỉ khả giác.

- Một cử hành thờ phượng chính thức. Nghĩa là được thẩm quyền Giáo hội ấn định, phổ biến và được cụ thể hóa qua các Sách Phụng vụ. (Những hình thức đạo đức, những cử hành mang tính tự phát, cá nhân, đều không phải là Phụng vụ).

- Một cử hành mang chiều kích phổ quát. Nghĩa là luôn nhân danh Đức Kitô là Đầu và Thân Thể của Người là Giáo hội. (Cho dù cử hành đó chỉ diễn ra với 1 người, một nhóm nhỏ…).

- Một cử hành được chủ sự bởi thừa tác viên hợp pháp: “Vì là cử hành nhằm thực thi chức năng tư tế của Chúa Kitô, nên người chủ sự cử hành phụng vụ phải là thừa tác viên chính thức được Giáo hội trao ban thánh vụ và phải cử hành đúng quy định của Giáo hội”.

II. TÂM TÌNH VÀ THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI PHỤNG VỤ

1. Thái độ và tâm tình

Qua những yếu tố vừa nêu, cộng đoàn dân Chúa vừa vui mừng cảm tạ vì Chúa, qua Đức Kitô, đã hiện diện giữa lòng Hội thánh, được thể hiện cách trọn vẹn với các cử hành phụng vụ, vừa biết cách thể hiện niềm tin và sống đạo đúng đắn hơn, hiệu quả hơn, theo đúng tinh thần mà Đức Kitô đã muốn là “đã đến lúc phải thờ Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23); và nhờ đó càng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài: “Phụng vụ là chức năng tư tế của Đức Kitô, được mặc khải và trao ban trong Mầu nhiệm Vượt Qua của Người, được hiện tại hóa và tác động qua những dấu chỉ hữu hình (nước, dầu, bánh, rượu, cử chỉ, lời nói), để Thần Khí dìm sâu chúng ta vào mầu nhiệm Vượt Qua, và biến đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (DD 21).

Ngoài thái độ và tâm tình mang “chiều kích đức tin” đó, Đức Phanxicô còn đề nghị một thái độ nhân bản cần thiết phải có đối với Phụng vụ, đó là ngỡ ngàng và thán phục: “Ngỡ ngàng thán phục là thái độ thiết yếu của hành động Phụng vụ, vì đó là thái độ của những người biết họ đang tham dự vào tính cách đặc thù của các hành vi mang tính biểu tượng; đây là thái độ ngỡ ngàng thán phục của những người đang trải nghiệm năng lực của biểu tượng, năng lực ấy không dẫn đến những khái niệm trừu tượng, nhưng đúng hơn, chứa đựng và diễn đạt điều được biểu thị qua tính chất cụ thể của biểu tượng” (DD 26).

2. Định hướng áp dụng thực hành

Từ những giáo huấn nền tảng đó, việc sống đạo và toàn thể sinh hoạt mục vụ của cộng đoàn luôn phải được định hướng theo những bậc thang ưu tiên mà Phụng vụ luôn chiếm vị trí hàng đầu; bởi vì đó chính là sinh hoạt mà như hiến chế Phụng vụ Thánh nêu bật “không một hành vi nào khác của Giáo hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp” (Số 7)[11].

III. MỤC VỤ PHỤNG VỤ TỔNG QUÁT - HƯỚNG DẪN CỬ HÀNH VÀ SỐNG PHỤNG VỤ

1. Bốn yếu tố cơ bản để cử hành phụng vụ

1.1. Cử hành phụng vụ là của cộng đoàn:

- Cộng đoàn tính là bản chất của phụng vụ Kitô giáo:

Tự bản chất, Phụng vụ luôn mang chiều kích cộng đoàn, cho dù, khi cử hành phụng vụ (Thánh lễ, bí tích Giải tội, Xức Dầu bệnh nhân…) đôi khi diễn ra chỉ với một hay hai người. Và đó chính là điều mà sách GLHTCG đã khẳng định và Hiến chế Phụng vụ đã xác quyết:

- Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo: “Toàn thể cộng đoàn, Thân thể Đức Kitô kết hợp với Đầu của mình, cử hành phụng vụ” (1140).

- Hiến chế Phụng vụ: “Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo hội, là “bí tích hiệp nhất”, nghĩa là đoàn Dân Thánh được quy tụ và hướng dẫn dưới quyền của Giám mục. Vì vậy, các hoạt động phụng vụ thuộc về toàn Thân thể Giáo hội, bày tỏ Giáo hội và tác động trên Giáo hội” (Số 26).

- Cộng đoàn cử hành Phụng vụ với các vai trò khác nhau

Mọi thành phần Dân Chúa đều thi hành chức vụ tư tế của Chúa Kitô, nhưng trong cộng đoàn phụng vụ, khi cử hành, có những người cử hành và tham dự với tư cách “chức tư tế cộng đồng”, và kẻ khác thuộc “chức tư tế thừa tác” qua bí tích truyền chức thánh.

- Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo: “Như vậy, trong việc cử hành các bí tích, toàn thể cộng đoàn đều là “người cử hành phụng vụ”, mỗi người tùy theo phận vụ của mình, nhưng trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong mọi người. “Trong các cử hành phụng vụ, thừa tác viên hay tín hữu, mỗi người theo phận vụ của mình, chỉ làm và làm trọn vẹn những gì thuộc phận vụ mình theo bản chất của sự việc và các quy tắc phụng vụ” (số 1143-1144).[12]

- Tông huấn Desiderio Desideravi: “Các thừa tác viên đã lãnh chức thánh sẽ thực thi tác vụ mục vụ có tầm quan trọng hàng đầu, khi các ngài cầm tay các tín hữu đã được rửa tội để đưa họ vào những trải nghiệm thường xuyên của mầu nhiệm Vượt Qua....” (Số 36).

1.2. Phụng vụ được cử hành qua những “dấu chỉ khả giác” và mang tính “nhân bản”

- Việc thờ phượng Thiên Chúa là của con người bằng xương bằng thịt: “Vì được Thiên Chúa tạo dựng, những thực tại khả giác nầy có thể trở thành phương tiện diễn tả hành động của Thiên Chúa, Đấng thánh hóa loài người, và diễn tả hành động của con người, những kẻ phụng thờ Thiên Chúa” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1148).

- Thiên Chúa luôn dùng các dấu chỉ khả giác như phương tiện để diễn tả hành động cứu độ và qua đó dân Chúa nhận ra dấu chỉ của Giao ước và từ đó trở nên dấu chỉ của phụng vụ. “Trong số những dấu chỉ phụng vụ nầy của Giao ước cũ, có thể kể việc cắt bì, việc xức dầu và việc thánh hiến các vua và các tư tế, việc đặt tay, các hy lễ, và nhất là lễ Vượt Qua. Hội thánh coi các dấu chỉ đó như hình ảnh tiên báo các bí tích của Giao ước mới” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1150).

- Từ dấu chỉ hành động của Đức Kitô tới dấu chỉ bí tích của Chúa Thánh Thần: Đức Kitô đã sử dụng nhiều dấu chỉ khả giác, tự nhiên, để minh họa trong lời rao giảng và trong các phép lạ chữa lành[13] để từ đó dẫn tới mầu nhiệm Vượt Qua, là dấu chỉ làm tròn đầy mọi ý nghĩa của các dấu chỉ khác (Số 1151) và sẽ được chính Chúa Thánh Thần biến đổi tất cả thành dấu chỉ bí tích trong thời đại Hội thánh (Số 1152; x. YouCat 182 ).

- Các loại hình dấu chỉ phụng vụ quan trọng

+ Lời và hành động: Phụng vụ chính là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Người cho nên yếu tố “Lời” và “hành động diễn tả” không thể thiếu vắng hay tách biệt.

+ Bài ca và âm nhạc: “Bài ca và âm nhạc dự phần vào mục đích của các lời nói và các hành động phụng vụ: đó là làm vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu”[14]; “Trong cử hành đạo đức, âm nhạc phải làm cho lời cầu nguyện tốt đẹp hơn, đi vào chiều sâu hơn, đánh động trái tim người tham dự, hướng họ lên tới Chúa, và sửa soạn một lễ nhạc cho Chúa” (Youcat số 183).

+ Các ảnh tượng thánh: phản ảnh và quy hướng về Chúa Kitô: “Việc chiêm ngắm các ảnh tượng thánh, cùng với việc suy niệm lời Chúa và việc ca hát các thánh thi phụng vụ, sẽ tạo nên một sự hòa hợp các dấu chỉ trong cuộc cử hành, làm cho mầu nhiệm được cử hành in sâu vào tâm khảm các tín hữu, rồi được biểu lộ ra trong đời sống mới của họ” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1162).

1.3. Cử hành Phụng vụ khi nào: Thời gian diễn ra cử hành Phụng vụ

1.3.1. Phụng vụ và “Giờ Vượt qua” của Đức Kitô

Phụng vụ chính là cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong thời gian, là làm cho cái ngày “hôm nay” của Thiên Chúa mãi mãi sống động, hiện tại hóa: “Ngày hôm nay nầy của Thiên Chúa hằng sống mà con người được mời gọi bước vào, chính là “Giờ” của cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, Giờ đó xuyên suốt và hướng dẫn toàn bộ lịch sử.” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1165; x. Matias Augé: Năm Phụng vụ tập 1 trang 50-51).

1.3.2. Thời gian để cử hành Phụng vụ theo chu kỳ: Năm Phụng vụ

Năm Phụng vụ, chu kỳ một năm để Phụng vụ diễn ra trong thời gian: “Hội thánh là Mẹ hiền, ý thức mình có bổn phận cử hành công trình cứu độ của Phu Quân thần linh của mình, bằng một sự tưởng niệm thánh thiêng, vào những ngày cố định trong suốt cả năm. Mỗi tuần, vào ngày được gọi là ngày của Chúa (Chúa Nhật), Hội thánh tưởng niệm cuộc phục sinh của Chúa, điều mà mỗi năm một lần Hội thánh còn cử hành trong đại lễ Vượt Qua, cùng với cuộc khổ hình hồng phúc của Người. Hội thánh trình bày toàn bộ mầu nhiệm Đức Kitô qua chu kỳ một năm…” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1163).

1.3.3. Năm phụng vụ hiện tại hóa Mầu nhiệm Cứu độ

“Giáo Hội trình bày toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô trong chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, cũng như sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa quang lâm. Khi cử hành các mầu nhiệm cứu độ, (…) những mầu nhiệm nầy có thể nói là được hiện tại hóa qua mọi thời đại, các tín hữu được tiếp xúc với các mầu nhiệm và được đầy tràn ơn cứu độ (PV số 102)”.

1.3.4. Mầu nhiệm Vượt qua duy nhất với các điểm nhấn biểu hiện

- Tam Nhật Vượt qua và đại lễ Phục Sinh: Là đỉnh điểm “tuôn đổ sự rực rỡ lên trên suốt năm phụng vụ” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1168)[15].

- Chu kỳ các lễ liên quan đến mầu nhiệm Nhập Thể (Truyền Tin, Giáng Sinh, Hiển Linh).

- Đức Mẹ, các Thánh trong Năm Phụng vụ: Hội Thánh tôn kính với một tình yêu đặc biệt Đức Maria diễm phúc, Đấng liên kết mật thiết với Chúa Con, là hoa trái tuyệt vời nhất của công trình cứu độ và là mẫu gương để Hội thánh dõi theo. Hội thánh kính nhớ các thánh Tử đạo và các thánh khác là những Đấng đã sống mầu nhiệm Vượt Qua nơi chính cuộc đời mình, và qua đó, Hội thánh trình bày gương lành cho các tín hữu và cũng nhờ công nghiệp các ngài, Hội thánh nhận được ơn lành của Thiên Chúa[16].

1.4. Phụng vụ được cử hành ở đâu: Nơi chốn diễn ra cử hành Phụng vụ

1.4.1. Điện thờ của nền Phụng vụ mới: Vô hình và Hữu hình

- Đền thờ vô hình: Thân thể Đức Kitô: “Thân thể Đức Kitô phục sinh là ngôi đền thờ thiêng liêng, từ đó mạch nước hằng sống tuôn trào. Được tháp nhập vào Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, chính chúng ta là “đền thờ của Thiên Chúa hằng sống” (2 Cr 6,16)… (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo 1179).

- Nhưng phụng vụ không chỉ là thiêng liêng mà còn được biểu hiện qua các dấu chỉ khả giác, cho nên vẫn cần một nơi chốn, một dụng cụ, một điện thờ, một cung thánh…: “Vì là con người, ta có xác, cần phải nhìn nhau nghe nhau, cảm thấy sự có mặt của nhau, ta cần một nơi cụ thể để gặp nhau, để là “Thân thể Chúa Kitô”. Ta phải quỳ gối để thờ phượng Chúa; ta phải ăn bánh đã được truyền phép; ta phải lên đường với thân xác của mình khi Người mời gọi. Và, bên lề đường một cây thánh giá sẽ nhắc nhớ ta: thế giới thuộc về ai và ta lên đường đến với ai” (Youcat số 189).

- Đền thờ hữu hình: “Những thánh đường hữu hình nầy không chỉ đơn giản là những nơi tụ họp, nhưng chúng cho thấy và làm tỏ hiện Hội thánh sống động ở nơi đó, là nơi lưu ngụ của Thiên Chúa với những người đã được hòa giải và kết hợp trong Đức Kitô” (Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1180).

- Nhà thờ: trung tâm cử hành phụng vụ: “Nhà thờ là nơi trao đổi giữa Thiên Chúa và Giáo hội trần thế. Nó mang một ý nghĩa huyền nhiệm và là biểu tượng của Thiên Chúa hiện diện giữa loài người, là hình ảnh của dân được cứu độ, là sự nhắc nhở của một lịch sử cứu độ, là sự tiên báo của một Giêrusalem thiên quốc, tắt một lời, là Bí tích của tạo vật mới trong Chúa Kitô Phục sinh. Nó là một nơi thánh theo nghĩa: Thiên Chúa là Đấng Thánh dùng các bí tích để thánh hóa con người tại đó, để đến lượt họ, họ sẽ thánh hóa thế giới.”[17].

1.4.2. Phụng vụ và việc bài trí thánh đường

- Cộng đoàn, thích hợp, tiện dụng: “Dân Chúa tập họp để dự thánh lễ là một cộng đoàn hữu cơ và có phẩm trật, được biểu lộ bằng nhiều phần việc và hoạt động khác nhau trong từng phần thánh lễ. Bởi vậy, cách sắp xếp tổng quát của thánh đường phải thế nào để có thể biểu lộ được cách nào đó hình ảnh của cộng đoàn tập họp, giúp cho mọi việc được phối trí thích hợp và cho mọi người được lo phần việc của mình cách chính xác.” (Quy chế Sách lễ số 257).

- Không gian Phụng vụ: gặp gỡ Đức Kitô

Cho dù được cử hành ở bất cứ không gian nào, thì tiêu đích và ưu tiên hàng đầu nhắm tới phải là để “gặp gỡ Đức Kitô”. Một không gian cử hành mà không đạt được nhân tố nền tảng nầy, thì không còn là Phụng vụ: “… Nhập thể, không chỉ là sự kiện mới mẻ duy nhất trong lịch sử, nhưng còn là cách thức được Thiên Chúa Ba Ngôi chọn để mở ra con đường hiệp thông. Đức tin Kitô giáo là cuộc gặp gỡ Đức Kitô hằng sống, nếu không, đó không phải là đức tin.” (DD 10); “Phụng vụ bảo đảm cho chúng ta có được cuộc gặp gỡ đó. Một ký ức trống rỗng về Bữa Tiệc Ly sẽ chẳng ích gì cho chúng ta. Chúng ta cần hiện diện trong bữa ăn này, để có thể nghe Lời Chúa, để ăn Mình và uống Máu Người. Chúng ta cần Người...” (DD 11).

2. Nguyên tắc hướng dẫn cách cử hành hay tham dự phụng vụ tích cực

2.1. Ý hướng hay động lực tinh thần: biểu lộ Giáo hội

- Mọi chi thể đều góp phần biểu lộ dung nhan Giáo hội qua việc tham dự Phụng vụ: “Vì vậy, các hoạt động phụng vụ thuộc về toàn thể Giáo hội, bày tỏ Giáo hội và tác động trên Giáo hội; tuy nhiên, Phụng vụ cũng liên quan đến từng chi thể riêng biệt theo nhiều cách thức khác nhau, tùy vào phẩm trật, phận vụ và công tác khi tham dự” (PV 26).

- Vì thế, dung mạo của chính Đức Kitô và của Giáo hội đẹp hay xấu, cằn cỗi nhăn nheo hay tươi mới rạng rỡ… được biểu hiện qua chính Phụng vụ nhờ những dấu chỉ khả giác chuyển tải các nội dung thiêng liêng, mầu nhiệm (Ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ, âm nhạc, hình ảnh, chất liệu thiên nhiên…).

2.2. Ý thức về chủ đích hay hiệu năng Phụng vụ: kiến tạo và bày tỏ Hội thánh

- Phụng vụ kiến tạo những người bên trong Giáo hội: “Phụng vụ kiến tạo những người bên trong Giáo hội thành đền thánh trong Chúa.” (PV 2). Như một thân thể cần được lớn lên thế nào thì Giáo hội cũng vậy, mọi thành viên trong Giáo hội, xét như những chi thể, cũng đều cần phải được lớn lên “cho đến khi đạt tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô” (PV 2).

- Phụng vụ bày tỏ Giáo hội cho nhiều người nhận biết: “Vì thế, Phụng vụ góp phần rất nhiều trong việc giúp các tín hữu thể hiện nơi cuộc sống và tỏ bày cho những người khác thấy mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa chứa đựng những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa sốt sắng chiêm niệm, hiện diện nơi trần gian nhưng chỉ như người lữ hành…” (PV số 2).

2.3. Xác tín: Phụng vụ là ân ban và phương thế của chính Chúa: “ân ban nên thánh”, “trường dạy đức tin”

- Tham dự Phụng vụ để được nên thánh: “Từ dòng suối Phụng vụ, nhất là từ bí tích Thánh Thể, ân sủng chảy tràn vào chúng ta và thực hiện cách hữu hiệu việc thánh hóa con người trong Chúa Kitô, cũng như việc tôn vinh Thiên Chúa, mục tiêu của tất cả các hoạt động khác của Giáo hội… Nhưng để đạt được hiệu năng trọn vẹn ấy, các tín hữu cần phải đến tham dự Phụng vụ thánh với thái độ sẵn sàng của một tâm hồn ngay thẳng, hòa hợp tâm trí với lời đọc bên ngoài, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng lãnh nhận ơn Chúa cách vô ích” (PV số 10,11).

- Tham dự Phụng vụ để được Chúa giáo dục: “Mặc dù Phụng vụ thánh chủ yếu là hành vi phụng thờ Thiên Chúa uy linh, nhưng cũng chứa đựng cả một tiến trình giáo dục quan trọng đối với đoàn dân tín hữu. Thật vậy, trong Phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; Chúa Kitô tiếp tục loan báo Tin mừng của Người. Còn dân chúng đáp lời Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh” (PV 33).

2.4. Phụng vụ và công cuộc loan báo Tin mừng: Tác dụng truyền giáo

- Phụng vụ chính là hoạt động để “cụ thể hóa” sứ vụ loan báo Tin mừng: “Giáo hội thực thi sứ mệnh, khi thực sự hiện diện giữa mọi người và mọi dân tộc, bằng cách hoạt động để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các bí tích và những phương thế trao ban ân sủng khác, dẫn đưa tất cả đến với Đức Kitô, nhờ đó mở ra con đường thông suốt và vững chắc giúp họ thông dự trọn vẹn vào mầu nhiệm Chúa Kitô” (Sắc lệnh về Truyền Giáo – TG số 5).

- Loan báo Tin mừng qua vẻ đẹp của Phụng vụ: “Hân hoan loan báo Tin mừng trở thành cái đẹp của phụng vụ, như một phần mối quan tâm hằng ngày của chúng ta trong việc làm lan tỏa lòng nhân hậu. Hội thánh vừa giảng Tin mừng vừa được nghe giảng Tin mừng qua vẻ đẹp của phụng vụ, vì phụng vụ vừa là cử hành công việc rao giảng Tin mừng, vừa là nguồn mạch canh tân hành vi trao hiến của Hội thánh.” (EG 24).

3. Khắc phục các cách cử hành phụng vụ tiêu cực

3.1. Khắc phục các hiện tượng đối nghịch cộng đoàn tính của Phụng vụ

- Thích độc diễn để chứng tỏ cái tôi của riêng mình hoặc của nhóm mình (Coi trọng việc hát solo, dành ưu tiên cho ca đoàn, coi thường hát cộng đoàn…). (x. Tông huấn Niềm vui của Tin mừng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô)[18].

- Cộng đoàn ươn lười, không tích cực tham gia (khoán trắng cho một số người), đi trễ, về sớm.

- Xem thường những chi tiết nhỏ, nghi thức phụ, cho rằng chẳng cần thiết để thể hiện.

- Không trân trọng cộng đoàn (chủ tế, người có trách nhiệm đặc biệt… thiếu chuẩn bị, hướng dẫn, thông báo dành cho cộng đoàn; khi có sự cố: thiếu bình tĩnh, tế nhị, có những thái độ, lời nói xúc phạm đến cộng đoàn…).

3.2. Khắc phục các cách biểu hiện ngược lại sinh động tính của Phụng vụ

- Khắc phục sự ươn lười, thụ động, thiếu trách nhiệm, lo ra chia trí, các biểu hiện sơ sài, qua loa, xem thường từ bên ngoài lẫn bên trong.

- Tích cực tham gia, hợp lòng, hợp ý, hợp lời ca tiếng hát, cử điệu với tất cả niềm hân hoan, trân trọng, ý thức được gặp gỡ chính Thiên Chúa, Đức Kitô đang hiện diện.

- Chuẩn bị và đầu tư: Không thể gặt hái được một cử hành phụng vụ đẹp, trang trọng, rập ràng, đâu vào đó… nếu mọi người, nhất là những người có trách nhiệm đặc biệt, thiếu chuẩn bị (xa, gần, cụ thể, sát sao…) và đầu tư cách quảng đại (sách vở, tài liệu, phương tiện thính thị, đào tạo nhân sự phụng vụ, các đồ dùng phụng vụ, học hỏi, xem xét các vấn đề liên quan đến phụng vụ).

4. Củng cố đời sống đức tin trên nền tảng “phụng vụ”

4.1. Hiện trạng sống đạo xuống cấp

- Cộng đoàn thưa thớt tham dự thánh lễ ngày thường.

- Hiện tượng bỏ lễ Chúa Nhật khá phổ biến.

- Gia đình ít quan tâm tới việc giáo dục đức tin cho con cái, chay theo lối sống trần tục, hưởng thụ, thời thượng.

- Giới trẻ ít quan tâm tới lý tưởng, sống hời hợt, đua đòi, đam mê các giá trị trần tục.

- Các gia đình đổ vỡ, ly dị, ly thân, hôn nhân bất hợp pháp… càng ngày có dấu hiệu gia tăng.

- Đánh mất các giá trị đạo đức truyền thống: kinh nguyện gia đình, thuộc kinh bổn, giáo lý, sống nết na, chuẩn mực theo luân lý Công Giáo.

- Giữ đạo theo thời vụ: các dịp lễ trọng, hôn nhân, tang tế…còn thường ngày mất tăm mất dạng…

4.2. Đề nghị “ba con đường”[19] để “chấn hưng đời sống đức tin”

- Chấn dân đạo (chấn hưng lòng đạo): việc đào tạo và củng cố đời sống đức tin, lòng đạo đức, phải là điều ưu tiên số một trong mọi chương trình mục vụ.

- Khai dân tín (khai mở đức tin): khai mở các chân lý đức tin, canh tân việc giảng dạy giáo lý, nhất là giáo lý về Phụng vụ, giúp khám phá, đào sâu và áp dụng thực hành các chân lý đức tin vào cuộc sống.

- Hậu dân tâm (Trái tim đầy lửa): Hướng tới sự hiệp nhất, trưởng thành và trái tim đầy lửa truyền giáo, đời sống đức tin sẽ sinh hoa kết trái, sẽ phong phú tốt tươi; cộng đoàn sẽ bùng lên, con tim Kitô hữu đong đầy lửa chứng nhân phục vụ.

4.3. Trên nền tảng Phụng vụ

Ba điều trên chỉ có thể thực hiện thành công, khả thi nếu được bắt đầu từ Phụng vụ, xuyên suốt ngang qua cử hành Phụng vụ và củng cố, kiện toàn nhờ Phụng vụ. Nghĩa là; không thể CHẤN DÂN ĐẠO nếu không CHẤN HƯNG PHỤNG VỤ; không thể KHAI DÂN TÍN nếu không CANH TÂN VÀ KHAI SÁNG PHỤNG VỤ; và sẽ không có được một cộng đoàn gồm những con người mang trái tim hồn hậu lửa chứng nhân (HẬU DÂN TÂM) nếu không tích cực xây dựng một cộng đoàn Phụng vụ sinh động và tràn trào lửa mến (CỘNG ĐOÀN THẤM NHUẦN PHỤNG VỤ). Bởi vì: “PHỤNG VỤ LÀ TỘT ĐỈNH QUY HƯỚNG MỌI HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI, ĐỒNG THỜI LÀ NGUỒN MẠCH TUÔN TRÀO MỌI NĂNG LỰC CHO GIÁO HỘI” (PV 10).

KẾT: THAM DỰ PHỤNG VỤ: ĐẾN VỚI “CUỘC HẸN CỦA TÌNH YÊU”

Chúng ta vừa chia sẻ cho nhau những nguyên tắc, quy luật, hướng dẫn liên quan đến Phụng vụ và việc cử hành cũng như tham dự Phụng vụ của Giáo hội cũng như của mỗi cộng đoàn, cá nhân chúng ta.

Nếu đến với Phụng vụ, đặc biệt, với cử hành Thánh lễ, như đang đến với “cuộc hẹn tình yêu”[20] thì chắc chắn những quy luật hay nguyên tắc hướng dẫn trên sẽ trở nên những dấu chỉ của tình yêu và sự sống!

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý: cho dù “luật lệ hay nguyên tắc” luôn là điều kiện tiên quyết để các cử hành Phụng vụ “thành sự” trong căn bản thực hành (Ex opera operato), nhưng chỉ dừng lại sự thực hành cách máy móc, đạt yêu cầu “kỹ thuật, kỷ luật và chuyên môn…” thì cũng không là đích nhắm cuối cùng mà Phụng vụ nhắm tới. Phải thực hành luật lệ và các nguyên tắc trên bằng tất cả cảm thức đức tin, bằng trọn vẹn kinh nghiệm sống: “Chúng ta biết rõ rằng, bởi ân sủng của Thiên Chúa, việc cử hành các bí tích có hiệu năng ex opere operato (hiệu năng do sự), nhưng điều này không bảo đảm rằng mọi người sẽ tham dự trọn vẹn nếu họ không hiểu được ngôn ngữ của cử hành một cách thích đáng. Khả năng “đọc” biểu tượng không phải là kiến thức của trí tuệ, cũng không phải là hiểu biết các khái niệm, mà là một kinh nghiệm sống.” (DD 45).

Vâng, như một nhà thần học chuyên về Phụng vụ đã nhận xét rằng: “Khó khăn trong Luật Phụng vụ thường không ở trong sự hiểu biết, nhưng trong đức tin, đức mến và ý muốn thực hiện nó”[21]. Ước gì mỗi người chúng ta luôn tràn đầy tin cậy mến khi cử hành phụng vụ. Bởi vì, chỉ có như thế chúng ta mới có thể là những Kitô hữu thờ phượng Thiên Chúa Cha đích thực, như Chúa Giêsu khẳng quyết: “Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23).

_______

[1] Theo trang mang Bách Khoa toàn thư mở wikipedia với các chuyên mục “NGŨ KINH”, “KINH LỄ”.

[2] THU HUYỀN – ÁI PHƯƠNG, Tìm hiểu Văn hoá Tín ngưỡng Tôn giáo và các Phong tục tập quán, Lễ hội tôn giáo Việt Nam, Nxb Lao Động, 2012.

[3] ĐGH GIOANPHAOLÔ II, Tông Huấn Giáo hội tại Á Châu, số 6: “Giáo hội giữ một niềm kính phục sâu xa nhất đối với các truyền thống này và tìm cách chân thành đối thoại với các môn sinh của truyền thống đó. Những giá trị tôn giáo họ truyền dạy, chờ được hoàn thành viên mãn trong Đức Giêsu Kitô”.

- Xem thêm: LINH MỤC GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, Nxb An Tôn & Đuốc sáng 2021, Huấn Thị 1659, số 13, tr. 159: “Tôn trọng cổ tục bản xứ: Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ nào để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hóa của họ, trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý. Có gì vô lý bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, nước Ý, hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân Trung Hoa chăng? Không phải mang thứ ấy đến cho họ, bèn là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng không xúc phạm đến những nghi lễ ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại, chân lý ấy, muốn cho người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác”.

[4] Sđd, Monita, Chương V, tiết 4: Chống lại việc thờ ngẫu tượng, tr. 237: “Tuy nhiên, họ vẫn còn quyến luyến với việc thờ cúng ngẫu tượng. Họ khó bỏ những nghi lễ tổ tiên và những thói xấu tiêm nhiễm từ nhỏ để đến với những cái tốt hơn. Cho nên phải bắt chước gương thánh Phaolô ở Athènes, ngài càng đề cao Thiên Chúa lên cao trong những bài diễn văn của mình, thì ngài càng hăng say tấn công ngẫu tượng. Cũng vậy, vị thừa sai sẽ không đề cập vấn đề cách qua loa và cho xong chuyện, nhưng hết sức lưu ý và cố gắng trừ tận gốc khỏi tâm hồn những người chưa tin sự quyến luyến thờ cúng ngẫu tượng đáng chê trách này”.

[5] JOSEPH MARTOS, Doors to the sacred - Cửa vào thánh thiêng, bản dịch của lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR, Nxb Tôn giáo 2015, trang 13: “Người ta chỉ có thể hợp nhất với nhau trong các tôn giáo, bất kể tôn giáo ấy đúng hay sai, khi họ cùng chung chia với nhau những dấu chỉ hữu hình hoặc các bí tích; và quyền uy của các bí tích nầy mạnh mẽ đến độ coi khinh chúng sẽ bị coi là phạm thánh”.

[6] DD, số 44.

[7] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, BAN TỪ VỰNG CÔNG GIÁO, Từ Điển Công giáo, Nxb Tôn giáo 2016, mục từ PHỤNG TỰ (Cultus, Worship, Culte…), tr. 697-698.

[8] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Bộ Giáo Luật 1983, Nxb Tôn giáo – Hà Nội 2007, Điều 834, tr. 275.

[9] YOUCAT VIỆT NAM, Giáo lý Hội thánh Công giáo cho người trẻ, Nxb Tôn giáo 2013.

[10] JOHN A. HARDON, S.J, IMAGE BOOKS NEW YORK, CHỦ BIÊN: LM ĐẶNG XUÂN THÀNH, DỊCH: NHÓM CHÁNH HƯNG. Tự Điển Công giáo Phổ thông, Nxb Phương Đông 2008, mục từ PHỤNG VỤ, tr. 468.

[11] ĐGH PHANXICÔ, Tông thư Desiderio Desideravi, số 30: Bế mạc kỳ họp thứ hai của Công đồng (ngày 4 tháng 12 năm 1963), Thánh Phaolô VI đã phát biểu: “Những cuộc thảo luận khó khăn và phức tạp đã có kết quả dồi dào phong phú, đã đúc kết được một chủ đề, đó là Phụng vụ thánh. Chủ đề đã được đề cập ngay từ đầu, theo một nghĩa nào đó, đây là vấn đề ưu tiên hơn tất cả các vấn đề khác, xét về giá trị nội tại và tầm quan trọng trong đời sống Hội thánh và hôm nay tôi long trọng ban hành văn kiện về Phụng vụ. Tâm trí tôi phấn khởi trong niềm vui thực sự, vì theo cách thức mọi việc đã diễn ra, tôi ghi nhận bậc thang chính xác về giá trị và bổn phận đã được tôn trọng. Thiên Chúa phải ở vị trí thứ nhất; cầu nguyện là bổn phận đầu tiên của chúng ta. Phụng vụ là nguồn mạch đầu tiên của sự hiệp thông thần linh, trong đó Thiên Chúa chia sẻ sự sống của chính Người cho chúng ta. Phụng vụ cũng là trường học đầu tiên của đời sống thiêng liêng. Phụng vụ là món quà đầu tiên mà chúng ta phải trao cho các Kitô hữu hợp nhất với chúng ta trong đức tin và lòng nhiệt thành cầu nguyện. Đây cũng là lời mời đầu tiên gửi đến toàn thể nhân loại, để giờ đây mọi người có thể cất cao giọng nói thầm lặng của mình trong một lời cầu nguyện thánh thiện và chân thành, nhờ đó họ tìm thấy được sức mạnh khôn tả và có năng lực tái sinh, khi cùng với chúng ta loan truyền lời ngợi khen Thiên Chúa cũng như niềm hy vọng của trái tim con người qua Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần”

[12] Pv 28.

[13] X. Lc 8,10; Ga 9,6; Mc 7,33-35.

[14] PV 112

[15] Quy luật tổng quát Năm PV, 18: “Chính Tam Nhật Vượt Qua, nhằm tưởng niệm cuộc thương khó và phục sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của cả năm Phụng Vụ”.

[16] PV 103,104.

[17] ĐC PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ, Phụng vụ nhập môn, sđd, số 144, tr. 95.

[18] EG, số 95: “một sự quan tâm phô trương đối với phụng vụ, giáo lý hay uy tín của Hội thánh, nhưng không hề lo cho Tin mừng có một tác động thực sự đối với các tín hữu và các nhu cầu cụ thể của thời đại.”

[19] Đây là ba con đường được gợi hứng từ “ba con đường duy tân” của nhà chí sĩ Phan Chu Trinh (1872-1926): Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ cùng kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.

Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế.

Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa…

[20] YOUCAT VIỆT NAM, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cho người trẻ, sđd, tr. 146: “Một hình ảnh khác để minh họa: mỗi dịp thờ phượng Chúa là một cuộc hẹn của tình yêu mà Chúa ghi trong nhật ký của ta. Ai đã cảm nghiệm được tình yêu Chúa thì sẽ tự nguyện đến đúng hẹn”.

[21] EDWARD MCNAMARA, Giải đáp thắc mắc Phụng vụ, Tập 4, sđd, tr. 33.