Phụng Vụ Là Diễn Tả Trọn Vẹn Sự Hiệp
Thông Dân Thánh
Để có thể tham dự vào phụng vụ, phải có đức tin. Đòi
hỏi này là do chính bản chất của phụng vụ và các dấu chỉ của nó. Phụng vụ
chuyển đạt và áp dụng ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người. Phụng vụ là hành
vi của con người gặp gỡ và thờ phượng Thiên Chúa; nhờ đức tin làm cho ta nhận
biết, tôn phục, ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa. Và vì vậy, công đồng Vaticanô II
đã viết: “Con người cần phải được mời gọi để tin và hoán cải trước khi tham
dự phụng vụ”.
Người ta vẫn quan niệm rằng việc cử hành phụng vụ chỉ
dành riêng cho những người thánh thiện. Thế nhưng, vấn đề này phải nhìn với một
khía cạnh tích cực hơn, đó là việc cử hành phụng vụ không chỉ dành riêng cho
những thành phần ư tú, xét về khả năng trí tuệ cũng như đời sống thiêng liêng.
Cộng đoàn phụng vụ phải là cuộc tập họp của tất cả mọi thành phần, vơi tất cả
giới hạn của con người : nghèo nàn, thô lệch, chậm chạp, …thậm chí, có thể nói
rằng nơi đây cũng tha thiết mời gọi cả những con người tội lỗi đang mong đợi
Thiên Chúa dủ lòng thương xót thứ tha lỗi lầm. Cộng đoàn phụng vụ không phải
là cuộc tập họp các người hoàn hảo; sức sống thiêng liêng nghèo nàn của cộng
đoàn có thể làm người ta vấp phạm khi phải nhận ra Hội Thánh thánh thiện trong
đám người tội lỗi[1].
1. Phụng vụ làm nên hiệp thông huynh đệ
Cộng đoàn phụng vụ không phải là một tập hợp tự nhiên,
nhưng là một Màu Nhiệm, dấu chỉ của dân Giao Ước, bày tỏ cách hữu hình và thể
hiện trong lịch sử việc quy tụ những người đã được cứu. Nó biểu lộ chính Giáo
Hội của Chúa Kitô. Cộng đoàn được Lời Chúa triệu tập để nghe lời giáo huấn, cầu
nguyện và cử hành giao ước mới.
“Vì là dấu chỉ của Giáo Hội, cộng đoàn là Màu Nhiệm
hiệp nhất giữa các tín hữu tụ họp lại với nhau, một sự hiệp thông trong đức tin
[2]
, như chi thể hiệp nhất với nhau và với
đầu. Sự hiệp nhất của cộng đoàn nói lên sự bình đẳng trong cùng ơn gọi của
những con người lữ hành, không phân biệt chủng tộc màu da hay giai cấp, vì tất
cả được thanh tẩy trong cùng một Thần Khí. Để làm nên một thân thể là Hội Thánh
Chúa Kitô.[3]Sở dĩ, cộng đoàn có được sự
hiệp nhất như thế là nhờ vào sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần, vì Thánh Thần
là nguyên lý quy tụ và hiệp nhất, Đấng tập họp con cái Thiên Chúa trong thân
thể độc nhất của Chúa Kitô.
Thánh Phaolô đã khẳng định tính hiệp thông huynh đệ
trong thư gởi tín hữu Ephêsô :“Đức Kitô đã liên kết dân Do Thái và dân ngoại
làm một bằng cách, Người phá bỏ bức tường ngăn cách là sự thù ghét. Mọi người
sẽ không còn phân biệt nô lê hay tự do, ngoại kiều hay khách lạ, … nhưng tất cả
đều được thanh tẩy trong Đức Kitô là Chúa tất cả mọi người, là tất cả trong mọi
người, để rồi chỉ có một đức tin, một phép rửa, một tấm bánh được chia sẻ, một
chén duy nhất là chén Máu Đức Kitô đã hiến tế cho nhân loại một lần duy nhất,
để mời gọi mọi người đến chia sẻ trong một tình hiệp thông huynh đệ (Ep,2,14).
Thánh Gioan Kim Khẩu đã khẳng định : ‘Hội Thánh không được lập nên để
chia rẽ những kẻ được quy tụ lại, nhưng để kết hiệp những người bị phân tán.’
Như vậy, điều quan trọng và ý nghĩa nhất mà dù trong
hoàn cảnh nào chăng nữa, thì điều đòi buộc cộng đoàn cử hành phụng vụ là phải
tiến tới một sự xây dựng tính đồng tâm nhất trí mà Hội Thánh đã sống, là mẫu
mực lý tưởng mà cộng đoàn phải hướng tới. Sự đồng tâm nhất trí trong các hình
thức cầu nguyện và cử hành các nghi thức, sẽ dẫn đưa con người đến gặp gỡ nhau
trong sự hiệp thông của Chúa Giêsu Thánh Thể : cùng bẻ một tấm bánh, cùng uống
một chén rượu, là một sự hiệp nhất sâu xa mà chỉ có cộng đoàn phụng vụ mới mang
lại. Hơn nữa, sự hiện diện tích cực và chia sẻ trong từng hiến tế, dẫn đưa cộng
đoàn đến với nhau bằng một tình bác ái, cảm thông cho nhau trong những khốn khổ
hay buồn vui cuộc sống.
2. Sống niềm xác tín và ý thức khi cử hành
phụng vụ
Trong Tông Hiến ‘Sự Thờ Phượng Thiên Chúa’, đức Pio
XI nhắc đến việc để giáo dân tham dự vào việc phụng thờ Thiên Chúa cách linh
động hơn, chúng ta phải làm thế nào để vẻ đẹp của phụng vụ lôi cuốn các tín
hữu, để họ tham dự các nghi lễ thánh mà không cảm thấy mình như người ngoài
cuộc, những khán giả câm nín, nhưng họ phải được đối đáp với các linh mục hay ca
đoàn như luật định[4].
Như đã trình bày, phụng vụ là của những người sống đức
tin, cho nên những đòi hỏi của nghi lễ trong phụng vụ, họ phải tham dự với một
niềm tin tưởng, có ý ngay lành và ý thức để có thể kết hiệp mật thiết với Đức
Kitô, nâng tâm hồn mình lên làm một với sự hiến tế của Người như thánh Phaolô
trong thư gởi tín hữu Philipphê đã bày tỏ ý nghĩa ấy: “Anh em hãy có tâm tình
như Chúa Kitô đã có” (Pl 2,5). Thế nhưng, trong việc tham dự này, điều cần
thiết là mỗi người cùng nhau góp những lời ca tiếng hát, lời thưa với cộng đoàn
trong những lời tung hô, cử điệu, … để tạo bầu khí ấm cúng và sốt sắng, mà sống
thân tình với Chúa hơn. Barauna viết: sự tham dự linh động, đầy đủ và sự ý
thức thực sự chỉ có thể có khi nối kết sự hoà hợp giữa tâm hồn và thể xác, vì
sự cộng tác của tất cả quan năng tinh thần và thể chất vào nghi lễ thánh, nghi
lễ được cử hành không chỉ do mình thừa tác viên với Thiên Chúa, nhưng do cả
cộng đoàn phụng vụ.
Việc tham gia cử hành phụng vụ một cách tích cực,
không chỉ dẫn đưa tâm hồn con người hướng về Thiên Chúa trong tâm tình sốt
sắng, mà còn hướng lòng trí người ta đến một niềm đam mê, một sự xác tín rằng
Chúa hiện diện và Chúa biến đổi chính tâm hồn mỗi người. Chỉ khi người ta được
biến đổi chính trong tâm hồn, thì đời sống đạo đức, đời sống tông đồ hay đời
sống phụng vụ, mới trở nên niềm vui đích thực. Người ta sẽ không cảm thấy nhàm
chán hay buồn tẻ trong mỗi giờ phụng vụ, sẽ không cảm thấy cô đơn hay lạc lõng
trong cộng đoàn, nhưng cảm thấy tinh thần thanh thản nhẹ nhàng, lòng trí sốt
sắng và ấm đượm tình người, vì ai cũng thực sự chia sẻ niềm tin của mình với
người khác, mà không cảm thấy ngại ngần, sợ sệt. Như vậy, chỉ khi người ta ý
thức về vai trò của mình trong cộng đoàn, nhất là ý thức về sự hiệp thông dân
thánh cùng tặng ban cho nhau ơn sủng, kím múc từ Bí Tích Thánh Thể thì
niềm tin sống đạo tràn trề hy vọng sống động.
3. Lời Chúa là nguồn mạch dẫn đưa con người
gắn bó với nhau
Phải nói rằng, phụng vụ Kitô giáo đã kế thừa tục lệ
đọc Kinh Thánh trong các buổi cầu nguyện, của truyền thống Do thái giáo, nhưng
phụng vụ Kitô giáo gắn nó với những ý nghĩa mới. Biến cố trên đường đi Emmau là
một lời lý giải cho các môn đệ và cũng như cho mỗi chúng ta nhận ra lời Kinh
Thánh đã được ứng nghiệm. Vì thế, Hội Thánh không ngừng khuyên các tín hữu nên
kế thừa truyền thống mà Hội Thánh tiên khởi đã quen làm. Đó là một truyền thống
tốt đẹp mà Thánh Giút-ti-nô khẳng định: “Đọc sách Thánh trở thành một truyền
thống và là một điều cốt yếu trong việc cử hành phụng vụ.”[5] Việc đọc Lời Chúa trong các
buổi cử hành phụng vụ là nhu cầu cần thiết, nhất là trong ngày Chúa Nhật hay
những buổi canh thức vượt qua, cộng đoàn quây quần lại để suy niệm Lời Chúa,
hát các thánh vịnh và cùng nhau chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể. Do đó, ta có thể
khẳng định rằng sự quy tụ và sốt sắng lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện trong
cộng đoàn là đỉnh cao và là suối nguồn của sinh hoạt Giáo hội.
Ý nghĩa của việc đưa Lời Chúa vào trong phụng vụ là
điều thiết yếu mà các tín hữu thời nào cũng phải đề cao giá trị, cũng như nói
lên sự biểu lộ niềm xác tín vào tính thống nhất của lịch sử cứu độ trong Màu
Nhiệm Đức Kitô : ánh sáng của cuộc vượt qua là cái chết và sư sống lại của
Người làm nên ý nghĩa đích thực cho đời sống các Kitô hữu. Lời tung hô Tin
Mừng trở thành dụng cụ hiện tại hoá cả cuộc đời Đức Kitô, qua lời ngôn sứ, … để
người ta có thời gian khơi dạy lòng thán phục và sự hoán cải thực sự.
Từ bài diễn giảng Lời Chúa của thừa tác viên trong
nghi thức phụng vụ : Thánh Lễ hay cử hành các Bí Tích, dẫn dắt cộng đoàn hiểu
sâu xa ý nghĩa trong từng bối cảnh để áp dụng việc thực thi vào cuộc sống.
Người ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái, vì ít ra những giờ phút hồi tưởng,
thinh lặng để nghe Lời Chúa và chia sẻ với nhau những niềm vui hay những khó
khăn, mà chỉ nơi ấy mình có thể bày tỏ, và được lắng nghe. Tuy nhiên, để cho
lòng vơi nhẹ nỗi nhọc nhằn và thanh thản hơn, cộng đoàn cần phải có những giây
phút cầu nguyện để dâng những tâm tình của tháng ngày qua mình quyết tâm sống;
hoặc có những giây phút thinh lặng để Chúa Thánh Thần, để Thánh Thể Chúa hoạt
động thúc bách ta sống thiết tha hơn với cuộc sống thực tại.
4. Thánh Thể là niềm hoan lạc và hy vọng
cho dân Chúa
Thánh Thể, không chỉ liên quan đến Đức Kitô, mà
Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cũng liên hệ đến Màu Nhiệm vượt qua của Chúa Con.
Thánh Thể mang chiều kích của Ba Ngôi : Màu Nhiệm của Chúa Cha sinh ra Chúa
Con, ở trong và cho thế giới hướng tới cái chết; Màu Nhiệm con thảo, qua đó Đức
Kitô hoàn toàn hướng về Cha và đón nhận Cha vô giới hạn, chỉ sống cho Cha; sau
hết Màu Nhiệm Thánh Thần, trong người Đức Kitô tự hiến, cũng trong Người Chúa
Cha sinh ra và phục sinh Chúa Con. Thánh Thể là Bí Tích của Màu Nhiệm được đặt
trên bàn thờ. Cả Ba Ngôi cùng cử hành hy tế tình yêu thiên quốc, từ nay được
thể hiện giữa cộng đoàn, để mời gọi Giáo Hội hiệp thông vào Màu Nhiệm hy tế đó.[6]
Người ta quan niệm mọi bữa ăn chung là một cử chỉ xây
dựng tình huynh đệ, tạo sự hiệp thông với Chúa và với nhau. Mà chính thánh
Phaolô lấy cảm hứng từ biểu tượng đó trong khi ngài lên án việc dự tiệc cúng: “Khi
ta nâng chén chúc tụng mà cảm ta Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu
Đức Kitô ư ? Và khi ta cùng bẻ bánh, đó chẳng phải là dự phần thân thể Người
sao? Bởi chỉ một tấm bánh và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy
nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.”(1Cr 10,16-17) Nước Thiên
Chúa là một bữa tiệc tập họp chung quanh Đức Giêsu, để cùng nhau chia sẻ trong
sự hiệp thông với hiến lễ vượt qua của Người. Sự hiện diện của Đức Giêsu tạo
nên sự hiệp thông, là bữa tiệc của Giáo Hội, trong đó Đức Giêsu vừa là phòng
tiệc vừa là lượng thực. Như thế, trong Đức Giêsu, hy tế và bữa tiệc làm thành một
phụng vụ bất khả phân. Và người Kitô hữu cử hành hy tế bằng việc hiệp thông với
hy tế và chỉ có thể hưởng nhờ ơn ích ấy khi thông dự vào hiến của Người.
Các Kitô hữu khi tham dự hiến tế tạ ơn của Đức Kitô,
họ vẫn tha thiết và ước ao đón nhận Thịt Máu của Người, bởi đó là thứ lương
thực có sức mang lại sự sống vĩnh hằng, mà niềm tin và sự xác tín thực sự mách
bảo họ sống điều ấy. Người ta sẽ cảm thấy thiếu thốn hay nhạt nhẽo mỗi khi tham
dự bàn tiệc thánh, rồi ra về với tấm hồn trống rỗng; họ cảm thấy nhận được ơn
ích mà chính Bí Tích mang lại. Do vậy, trong mọi lúc, họ luôn ý thức về thái độ
sống của mình, mà bao dung đón nhận người khác trong niềm cảm thông tha thứ
thực sự, một sự mở lòng mình ra thực sự để rồi chỉ còn có Chúa hiện diện trong
lòng. Sẵn sàng giao hòa với người anh em để lòng nhẹ nhàng mà hiệp thông hiến
tế với Con Chúa trên bàn tiệc, rồi cùng với người anh em ấy chia sẻ lương thực
thần linh. Chỉ vì sự tín thác và hy vọng vào sức mạnh vô biên của Thánh Thể,
nhờ sức mạnh tuyệt diệu ấy sẽ biến đổi thực sự từ tận đáy lòng: họ cảm thấy vui
và no đủ; cảm thấy bình an và thanh thản; cảm thấy từ cõi lòng mình rộng mở để
đón nhận từng biến cố cuộc sống, vì tin tưởng vào ân sủng của Nhiệm Thể Tình
Yêu. Tin vào sự biến đổi thực tại trong sự quan phòng của Thiên Chúa, dám hy
vọng ngày kia sẽ cùng dự bàn tiệc nơi thiên quốc cùng với tất cả những người
anh em mà mình đã từng chia sẻ khi ở trần thế này.
Sự hiện diện Thánh Thể là thực sự, nên có khả
năng làm thỏa mãn ước muốn và lòng khao khát của con người. Bánh Thánh làm gia
tăng cơn đói khát mà nó làm no thỏa. Như vậy, mỗi khi cùng nhau cử hành Màu
Nhiệm Thánh Thể, là con người sống thực tại cánh chung, được thích nghi trong
Thánh Thể với tình trạng của Giáo Hội tại thế, vẫn còn là điều thuộc tương lai,
ta mới được nếm thử phần nào niềm vui ấy, cho tới khi ngày chói chang đến xé
tan bức màn bao phủ, niềm hy vọng viên mãn trào dâng.
Kết luận
Như vậy trong cuộc sống thực tại, người ta có nhiều
cách để diễn tả mọi khía cạnh các mối tương quan: chia sẻ cho nhau niềm vui hay
cảm thông với nhau nỗi buồn, … nhưng dù sao thì những tương quan ấy chỉ dừng
lại ở những gì hữu hạn, bất toàn, chưa trọn vẹn. Trái lại, trong cuộc sống niềm
tin người kitô hữu, ta lại tìm thấy đằng sau những tương quan đó tiềm tàng một
tương quan với Thiên Chúa. Mối tương quan này gắn liền với việc cử hành các
nghi thức trong phụng vụ. Đời sống phụng vụ Kitô giáo là nền tảng để con người
chứng thực, xác tín niềm tin, nơi gặp gỡ Thiên Chúa trong tình yêu thương và
quan phòng, và là nơi mọi người sống thực sự niềm hoan lạc. Phụng vụ, trong đó
các Bí Tích là điểm nối kết và dẫn dắt người Kitô hữu tiếp xúc trực tiếp với
Chúa, đồng thời là nơi để con người, một lần nữa họ tuyên xưng đức tin và sự
xác tín vào lời hứa ban sự sống của Chúa Giêsu qua Giáo Hội. Và vì vậy, khi cử
hành các nghi thức phụng vụ, người ta có thời gian quy tụ và chia sẻ cho nhau
tình tương thân tướng ái; người ta tìm thấy niềm vui trong sự ý thức và sốt
sắng; người ta tìm thấy sự hiệp nhất và cảm thông trong từng ý nghĩa Lời Chúa
nói với họ và nhất là trong Bí Tích Thánh Thể, nơi diễn ra hiến tế cứu độ mà
chỉ có nơi ấy mới thể hiện hết sự trao ban sự sống từ Đức Giêsu, và là cơ hội
để cho các tín hữu sống sự chia sẻ, cảm thông và vui sướng vì cùng chia sẻ với
nhau nguồn vui từ Thiên Chúa.
Vinh sơn Nguyễn Phước Thiện, OP
[1]
Martimort Các Nguyên Tắc Của Phụng vụ, tập 1,
năm 1984, tr.46.
[2]
Sách Giáo Lý Công Giáo, năm 1997, số 1102
[3]
Xc 1Cr 12,13
[4]
Trần Đình Tứ, Nhập Môn Phụng vụ, Đại chủng
viện Giuse, năm 1998, tr. 125.
[5]
Martimort Các Nguyên Tắc Của Phụng vụ, tập 1,
năm 1984, tr. 73.
[6]
Dựa theo bài viết trên Wed side :
www.simonhoàdalat.com của Lm Micae Trần thiện Quảng.