03/10/2014
124

NHỮNG CUỘC NÓI CHUYỆN VỀ THÁNH

TÊ-RÊ-XA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU

 

Lời giới thiệu

Trong hai cuộc nói chuyện thân mật này, trước ngày Cha qua đời (1965), Cha Marie-Eugène vẽ nên một bức chân dung của Tê-rê-xa sống động và không cầu kỳ. Những chuyện nho nhỏ và thuyết trình xen lẫn với những công thức đơn sơ và mạnh mẽ là những đặc điểm của tinh thần thánh Tê-rê-xa.

Cuộc nói chuyện thứ nhất khơi lên hình ảnh Tê-rê-xa, vào lúc bình minh của thế kỷ 20, như một trong những Đấng Thánh sinh thành Giáo hội vào một thời điểm mới của lịch sử của mình. Chỗ đứng ấy và sứ mệnh ấy được ban cho Chị ngay giữa kinh nghiệm sâu xa nhất của chị về Tình Yêu: Chị đã biết Thiên Chúa Tình Yêu và niềm vui Ngài cảm nhận khi tự hiến và tuôn tràn Lòng Thương Xót của Ngài trên những kẻ bé mọn. Cuộc  sống của Tê-rê-xa được tỏ hiện như một khám phá càng sâu đậm Lòng Thương Xót đó đang nắm lấy Chị giữa nỗi lo âu đặc biệt của những nhà thần bí lừng danh, như thánh Gioan Thánh Giá, được Chúa giao cho sứ mệnh canh tân Giáo hội và thế giới suốt bao nhiêu thế kỷ.

Cuộc nói chuyện thứ hai làm nổi bậc vài đường nét chính của sứ vụ ấy và định vị chân dung thiêng liêng của Chị. Trước hết là chiêm niệm, Tê-rê-xa đã nhìn thấu suốt bằng đức tin và tình yêu trong chiều sâu thẳm của Thiên Chúa. Điều này là chính yếu. Tất cả cuộc sống của Chị và giáo huấn “nhỏ bé” của Chị khởi nguồn từ đó và thống nhất bằng một đáp trả yêu thương mà sức mạnh sẽ mặc lấy ba hình thức nền tảng là: một cái nhìn con thảo ngày càng vững chắc bằng cách đăm nhìn vào Chúa ngay trong những lúc khô khan nhất; một sự trung thành linh hoạt thi hành trọn vẹn bổn phận trong đời sống thường ngày, “bổn phận  thần linh” của Chị; sau cùng, một đức bác ái luôn tế nhị hơn và sáng tạo ngay trong những chi tiết nhỏ. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã vinh thăng công việc của đứa con yêu quí  Ngài bằng thử thách đức tin và cái chết vì yêu Chúa Ki-tô chịu đóng đinh.

Những bảng tóm lược này mở ra những viễn tượng của tầm mức thiêng liêng của Tê-rê-xa và như thế, góp phần vào việc quảng bá bí mật của sức mạnh lôi cuốn hiện nay của Chị.

Hai cuộc nói chuyện này được trích từ một cuộc tĩnh tâm linh mục tại Notre Dame de Vie tháng 9 năm 1965. Bản văn đã được ghi lại bằng máy ghi âm. Giọng văn nói vẫn được giữ nguyên theo cách nói phóng khoáng  dồi dào của Cha Marie Eugène. Ngài nói thao thao bất tuyệt, không cần sổ sách.

Tựa và ghi chú là do nhà xuất bản. Những ghi chú thường là do những thủ bản của Tê-rê-xa. Một vài tiếng nói hay câu chuyện có lẽ có một nguồn truyền khẩu trực tiếp, do việc Cha Marie-Eugène thường xuyên liên lạc với Dòng Ca-mê-lô Lisieux và đặc biệt với chính những chị em của Tê-rê-xa.

 

I

THEO DÒNG ĐỜI:

KINH NGHIỆM TÌNH YÊU

 

Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su được xem như bậc thầy của đời sống thiêng liêng, trong những bậc thầy lớn nhất của mọi thời. Tôi đặt  ngài kề bên thánh Bê-na-đô và thánh Tê-rê-xa Avila.

Ngài đã ảnh hưởng lên thời đại chúng ta và tôi tin rằng ảnh hưởng của ngài càng lan rộng hơn trong tương lai. Nhờ gương sáng của ngài, nhờ quyển Tự thuật:

Truyện một tâm hồn, ngài đã tiến nhanh trong khoa học thiêng liêng, như thế ngài đã làm cho mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa nên tốt hơn.

Để hiểu được Ngài, cần phải định vị Ngài.

Một linh đạo của thời đại.

Vào thời đó – ngài sinh năm 1873 – chúng ta đứng trước một linh đạo khác xa chúng ta đến nỗi chúng ta không thể hiểu được: một linh đạo mà chúng ta gọi là thế kỷ XIX.

Một đường hướng mà người ta xem Thiên Chúa như Công Lý, được truyền bá vào thế kỷ thứ XVII và kéo dài đến thế kỷ XVIII, vì thế người ta biết rất ít đến Thiên Chúa Tình Yêu. Những nhà thần bí thời bấy giờ được xem như khả nghi, và chúng ta thấy rất ít.

Với cuộc Cách Mạng năm 1789, cả một hệ thống chính trị sụp đổ, tiếp đến là thời của Na-po-lê-on và thời Phục Hưng Quân chủ. Những biến cố ấy để lại nhiều vết thương cho tâm hồn; về phương diện đạo đức, nhiều người đã bỏ đạo khiến việc khấn trọn được bải bỏ, vì không ai dám đòi người ta dấn thân suốt đời. Linh đạo khắc khổ được xem là thịnh hành, vì người ta muốn gìn giữ cho các linh hồn đừng phạm tội. Cũng thế, về thần học, người ta cảm thấy cần phải tự vệ, chính vì thế mà khoa biện giáo được thịnh hành và phát triển: những sự kiện ấy cho thấy một thái độ thường là tiêu cực.

Cuộc Cách Mạng Pháp đã để lại, có thể nói, một tâm thức tội lỗi, một mặc cảm tội lỗi ảnh hưởng đến cả cuộc sống thiêng liêng. Như thế, việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, được khai sinh từ nguồn để tôn vinh tình yêu của Chúa Ki-tô, khía cạnh đền bù lúc ấy được thịnh hành rõ rệt.

Trong đời sống tu dòng, đặc điểm khắc khổ này được nhận thấy rõ nét hơn hết. Trong các tu viện Cát Minh, người ta tìm thấy một quyển sách đề tựa là Kho tàng của Dòng Cát-Minh,  trong đó người ta định nghĩa Dòng này như một Dòng đền tạ, đang khi người ta không tìm thấy nó trong thánh Tê-rê-xa; đó là do ảnh hưởng của hình thức tôn sùng của thời bấy giờ. Chính tôi đã biết thời đó; tôi đã biết được những người khắc khổ chứ không phải là những nhà thần bí; tôi có thể nói cho quí vị biết rằng trong Tu viện Cát-Minh, tác phẩm Thánh ca thiêng liêng, và cả tác phẩm Ngọn lửa tình yêu của Thánh Gioan Thánh Giá không được đọc; người ta sợ được “soi sáng”… Trên phương diện này một trường phái đã lan tràn một thời gian dài: đọc sách của thánh Gioan Thánh Giásẽ có nguy cơ bị “soi sáng” và chính trong dòng Cát-Minh cũng vậy! Đến năm 1860, người ta xuất bản những tác phẩm của Ngài, người ta chỉ hạn hẹp trong quyển Lên Núi Cát-Minh mà thôi.

Nhiều khuynh hướng đang chung sống trong Dòng Cát-minh Lisieux. Dòng này được thành lập do dòng ở thành Poitiers, nơi Mẹ Geneviève xuất thân: Mẹ có thể nói là thuộc “trường phái mới”, và như thế Mẹ rất thân thiết với Mẹ Agnès và Tê-rê-xa [1] . Cũng có những Mẹ khác cũng trong nhóm này đặc biệt là Mẹ Marie de Gonzague; là những người rất có thế giá, nhưng là những người theo đường lối khắc khổ. Ví dụ như trong Dòng Cát- minh theo khuynh hướng này, khi người ta đọc trong nhà cơm quyển: chuyện một tâm hồn của thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, Mẹ Bề Trên, sau khi đọc được vài trang, sẽ vỗ bàn và nói: “Bỏ sách đó đi, không ai đọc những thứ nhảm nhí ấy trong Dòng Cát-minh”.

Vậy, trong Dòng Cát-minh Lisieux người ta thấy có cả hai khuynh hướng: khuynh hướng theo Mẹ Marie de Gonzague, khắc khổ, luôn tăng thêm những việc hãm xác đặc biệt – dây bìm bìm mọc tự do trong Dòng Cát-minh Lisieux khiến không ai còn có thể biết mang những dụng cụ hãm mình - và phía khác, Mẹ Geneviève và cả Mẹ Marie Agnès, đã được đào luyện tại Dòng Thăm Viếng ở Caen, đã thấm nhuần đường lối thánh Phan-xi-cô đệ Sa-lê và chủ trương ưu tiên cho tình yêu. Khi đến trong môi trường này, chắc chắn Tê-rê-xa đã mang đến một sứ điệp có tầm cỡ mới.

Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Chị một giáo huấn về tình yêu.

Một thời tuổi nhỏ đau thương.

Tê-rê-xa được sinh ra trong một môi trường nơi đó chị được cha mẹ và các chị yêu thương đặc biệt. Chị là đứa con thứ chín cũng là út trong gia đình. Tất cả mọi người đều chăm sóc Chị rất ân cần mỗi khi chị bị mệt hay ốm. Thành công của gia đình, chắc chắn là Tê-rê-xa, đứa con út trong nhà.

Nhưng mới bốn tuổi, chị mất mẹ, vì một căn bệnh lâu năm. Khi sinh Tê-rê-xa, người ta biết được bà Martin bị một căn bệnh ung thư xương, làm cho bà đau đớn thật nhiều; điều đó chứng tỏ bà rất anh hùng. Mất mẹ lúc bốn tuổi là một cuộc tinh luyện đối với Tê-rê-xa. Chị đổi tính[2]: thường chị rất vui tính, làm cho cả nhà đều vui, bây giờ lại khác: chị trở nên trầm lặng, thường hay khóc, và “khóc vì đã khóc”[3].

Trong gia đình, chị tỏ ra cởi mở, nhưng khi ra ngoài, nét buồn sầu lại lộ ra. Người ta cho chị học trong Tu Viện Bê-nê-đi-tô; chị chỉ thích nghi được là nhờ chị Céline, lớn hơn bốn tuổi, luôn bênh vực em trong những chuyện thường xảy ra trong những trường nội trú. Nhưng sau khi chị Céline học xong, chị rời khỏi trường và Tê-rê-xa cũng không trở về trường đó vì không thể sống một mình: điều đó cho thấy một nét của tính tình chị.

Sau đó ít lâu, một cơn thử thách thứ hai đến, cơn thử thách này là một hụt hẫng về tình cảm. Khi mất mẹ rồi, Tê-rê-xa chọn chị Pauline làm “má hai”, trong khi Céline chọn chị cả. Một ngày kia, khi Tê-rê-xa nói với chị Pauline là chị muốn vào Dòng Cát-minh; chị Pauline cũng nói là chị cũng muốn như thế, nhưng chị sẽ đợi em. Lời hứa ấy, Pauline quên bẵng đi. Và một ngày kia, giữa hai cánh cửa, Tê-rê-xa nghe thấy là chị Pauline sẽ vào Dòng Cát-minh[4]. Sự hụt hẫng này làm cho Tê-rê-xa hoàn toàn mất phương hướng: chị mất luôn cả “má hai”, chị là đứa trẻ đã bị một vết thương nặng khi mất mẹ rồi. Lúc ấy xảy ra một “cơn bệnh lạ”[5]  chị nói đến, và cơn bệnh đó chỉ là hậu quả của những hụt hẫng tình cảm. Cơn bệnh bộc phát nhất là trong ngày lễ Mặc áo của Chị Agnès: Tê-rê-xa dự lễ và chị Pauline lo cho em… Sau cùng người ta phải mang em đi và cho nó nằm nghỉ.

Các bác sĩ thời bấy giờ không biết bệnh này. Người ta xét nghiệm và gởi tất cả hồ sơ cho bác sĩ Gayral. Ông đã viết một bài trong tạp chí Carmel[6]: Ông chẩn đoán là một tâm bệnh. Tê-rê-xa, trong cơn thử thách ấy biết rằng chỉ có tứ chi và tâm lý của chị bị tổn thương. Chị biết rõ những rối loạn đó: chị va đầu vào tường và thấy những bóng ma ghê sợ. Cảm thấy mình không còn tự chủ được mình nữa là một đau khổ lớn lao đối với chị.

Người ta săn sóc chị nhưng không biết bệnh gì. Một lúc nọ, khi chị đau nặng trầm trọng, cha của chị, hoảng hốt, xin làm một tuần Cửu nhật với Đức Bà Chiến Thắng, bức tượng đặt trên lò sưởi, trở nên sống động và mỉm cười[7]. Em bé Tê-rê-xa, tuy chưa khỏi hẳn nhưng cơn bệnh gần như được khống chế. Bác sĩ Gayral viết rằng cơn bệnh chỉ lành hẳn vào lúc xảy ra hồng ân của lễ Giáng Sinh.

Việc thanh tẩy cảm xúc và của con tim, trong thời gian tình cảm của tuổi nhỏ đang phát triển gây cho Tê-rê-xa một vết thương: chúng ta có thể nói là một “thanh tẩy cảm tính”[8]. Vì đó mà sau này những khả năng tình cảm của chị được hướng thẳng về Chúa, và như thế, được xem như một giải thoát. Chị cũng cảm thấy những bối rối lương tâm nhưng điều đó giúp cho việc thanh tẩy này.

Tê-rê-xa tiếp tục đi học, không phải tại Tu viện nữa mà tại nhà. Một gia sư đến kèm. Tôi có trong tay những bài tập của Tê-rê-xa, và đem so sánh với những bài tập của một em nào đó, học trong trường nội trú, trong một thành phố khác, nhưng cùng thời như nhau. Khảo sát những bài tập ấy thì Tê-rê-xa chỉ đạt trung bình. Hình như bệnh thần kinh đã một phần nào, làm tê liệt khả năng của chị; môn toán là một khổ hình; chị chỉ có thể làm bài văn, nhưng với những nét như trẻ thơ, như một trẻ thơ phát triển hơi muộn về tâm lý. Biết được điều này cũng là một điều đáng chú ý.

Hồng ân của Lễ Giáng Sinh.

Chính năm 1886 là năm xảy ra hồng ân Giáng Sinh; Tê-rê-xa được 14 tuổi vì chị sinh vào ngày 2 tháng Giêng dương lịch. Ngày đó xảy ra điều gì? Chúng tôi biết[9] điều đó, khi trở về sau thánh lễ, chị nghe cha chị nói, khi đứng trước đôi guốc được đặt trên lò sưởi vào dịp lễ Giáng Sinh: “Cha mong rằng đây là năm cuối cùng”. Tê-rê-xa cũng khá lớn rồi, không còn chơi trò chơi trẻ em nữa. Nghe như thế, chị Céline đang ở bên chị trên tầng một của biệt thự Buissonets, tự nói: “Chúa ơi! Thế nào cũng có một trận mưa nước mắt cho mà coi!...” Chị đã nhiều lần chứng kiến Tê-rê-xa khóc và khóc vì đã khóc. Người ta có thể cho đây là một tâm lý bị tổn thương.

Chị Céline bảo: “Em đừng xuống!” Nhưng Tê-rê-xa vẫn xuống và đây, tâm lý của chị được thay đổi hẳn. Lễ Giáng Sinh năm đó đột nhiên đã làm chị lành hẳn và đã làm cho chị chín muồi: Chính đó là một “thác ánh sáng”, chị nói. Từ lúc đó, chị không còn khóc nữa và tâm lý của chị được chữa lành. Chị đã tự chủ được.

Chị bắt đầu học lại và trong vài tháng chị tiến triển rất nhiều, chị nói, hơn tất cả những năm trước. Trí khôn của chị được giải thoát: chị không bị tổn thương trong chính bản thân chị, nhưng tâm lý của chị bị hư hại, làm cho chị như bị nhốt tù, bị trói buộc lại.

Đồng thời, Tê-rê-xa khám phá những ánh sáng về ơn gọi của chị và quyết định sẽ vào dòng Cát-minh vào lễ Giáng Sinh năm tới. Chị muốn vào dòng lúc 15 tuổi và làm hết cách để đạt ý nguyện ấy. Chị đến gặp Cha Bề Trên, Cha Sở Họ Đạo Thánh Gia-cô-bê. Ngài không muốn nói đến điều đó. Đàng khác, ngài không bao giờ ủng hộ việc này và ngày nhập dòng, ngài nói với các nữ tu đang đứng chờ trước cửa: “Thưa quí Mẹ, quí Mẹ muốn nhận em bé này, thì em đây. Tôi mong rằng Cộng Đoàn sẽ không hối hận”[10]. Đó là bài diễn văn chị nghe ngày bước chân vào Dòng!

Từ chối việc Tê-rê-xa vào dòng, cha sở nói: “Con có thể đến gặp Đức Cha”. Tê-rê-xa vẫn can đảm đến gặp Đức Cha và, để thực hiện ý định đó, chị búi tóc lên: Đó là một cử chỉ của nữ giới nhưng, tôi nghĩ, cũng là một dấu hiệu của sự trưởng thành. Chị tiếp xúc với Đức Cha và, khi ngài còn do dự, chị nói: “Con sẽ đến gặp Đức Thánh Cha”, chị đã thực hiện như vậy. Chúng ta nhận thấy một sự thay đổi hoàn toàn trên phương diện ý chí, lý trí và trên phương diện tâm lý nữa.

Vài ngày sau, chị lại được một hồng ân khác: trên một tấm ảnh lộ ra khỏi sách lễ, chị ngạc nhiên thấy những giọt máu Chúa rơi xuống từ bàn tay Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Chị quyết tâm từ bấy giờ sẽ ở mãi dưới chân thập giá để góp nhặt những giọt máu đó và rải lên những kẻ tội lỗi. Chị muốn vào Dòng Cát-minh để cầu nguyện cho các linh mục và những kẻ tội lỗi.

Vậy chị đã hoàn toàn trưởng thành về mọi phương diện: về tâm hồn, chị đã tìm lại được thăng bằng; về phương diện tâm lý, chị đã hành động như một phụ nữ. Về phương diện thiêng liêng, chị đã tìm thấy ơn gọi của chị đến một chiều sâu quyết định.

Hồng ân lễ Giáng Sinh đã như thế nào? Chúng ta không thể biết được; Tê-rê-xa không cảm thấy một cú “sốc” bên ngoài và cũng không thể định rõ là khi nào sự biến đổi ấy đã xảy ra. Chị chỉ nhận thấy khi bước xuống, sau khi nghe cha chị nói. Đó là một hồng ân nội tâm, một cảm nhận thâm sâu đã thay đổi tất cả nơi chị. Bác sĩ Gayral xem đó như một sự bình phục rõ rệt và tức thời. Hành động cương quyết của chị chắc có một ảnh hưởng nào đó, nhưng một hành động cương quyết không thể nào mang lại những hiệu quả thiêng liêng như thế được![11].

Một ân huệ như thế cũng thuộc loại ân huệ mà thánh Tê-rê-xa Avila đã mô tả: những ân huệ thật sâu lắng nhưng không biểu lộ ra bên ngoài. Ở đây, chúng ta không thấy những hiện tượng xảy ra cho thánh Phao-lô là mấy vảy như vảy cá rơi ra từ đôi mắt, hay nơi thánh Tê-rê-xa Avila như bị nhấc bổng lên. Tê-rê-xa không cảm thấy gì cả dù chị được hoàn toàn thay đổi; đó là loại ân huệ mà Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã nhận được.

Ngay khi ấy, chị quyết định xin vào dòng Cát-minh; nhưng chị cần có những dấu hiệu chứng minh những ân huệ đã nhận được, bằng chứng chính chị đã xin. Chị đã khám phá ra tình yêu của Chúa Giê-su, chị đã cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa trong dịp này. Vậy, khi chị đọc trong tờ báo La Croix thấy một tên giết người từ chối không nhận gặp một linh mục; chị liền xin Chúa cho anh ấy tỏ ra một dấu hiệu ăn năn, như một bằng chứng cho nguồn ánh sáng của chị. Và đúng thế, ngày hôm sau, ngày bị xử tử, Tê-rê-xa đọc trong tờ báo La Croix rằng trước khi đưa đầu vào máy chém, anh tội phạm Pranzini đã chạy tới hôn thánh giá ba lần khi linh mục mang đến, điều anh đã từ chối ngày hôm trước.

Đó là một bằng chứng bên ngoài cho nguồn sáng bên trong của chị, làm cho chị hoàn toàn chắc chắn trong những xác tín của chị; chị đã tìm được Thiên Chúa Tình Yêu. Chị đã có đủ bằng chứng, Thiên Chúa là Tình Yêu, Chúa đã tỏ tình yêu của Ngài đối với chị bằng cách cho chị hoàn toàn thay đổi; và thêm vào kinh nghiệm riêng tư đó là việc Prazini trở lại, nhờ lời cầu nguyện của chị.

Trong dòng Cát-minh.

Tê-rê-xa đã vào dòng Cát-minh. Khi chị đã trình cho Đức Giáo Hoàng, ngài đã gởi chị lại cho các Bề Trên của chị, rồi khi chị đã được phép, chị còn phải đợi chờ. Sau cùng chị vào dòng ngày 9 tháng 4 năm 1888, trong tuần Lễ Phục Sinh.

Chị sẽ gặp những gì? Có thể nói là “không có gì cả”. Chị đã tìm thấy lối sống tu trì của dòng Cát-minh, nơi đó, “tất cả nét êm đềm của lối sống đó”, chị nói[12]. Chị tìm thấy sự hòa hợp giữa con người của chị và nếp sống tu viện, chị sung sướng vì sự nghèo khó… Chắc chắn, chị không còn lưỡng lự gì nữa và cũng không thấy an ủi nào.

Về phương diện học tập, chị học với Mẹ Marie de Gonzague, một con người rất thông minh nhưng thuộc thế hệ 1880 – như chúng ta hay nói bây giờ là mẫu 1900-. Ông Van der Meersh[13] đã viết nhiều điều không hay đối với Mẹ, nhưng là sai lầm; thực ra Mẹ có những tính xấu nhưng là một người rất thông minh. Khi thấy Tê-rê-xa và khi so sánh với mấy chị của nàng, - Tê-rê-xa có hai người chị ở trong dòng Cát-minh là Marie và Pauline, và Mẹ Bề trên cũng biết chị Céline sẽ vào dòng sau đó một thời  gian - Mẹ định rằng Tê-rê-xa sẽ là một Mẹ Bề trên tương lai[14]. Để chuẩn bị cho Tê-rê-xa vào chức vụ đó, Mẹ đã huấn luyện chị theo đường lối của Mẹ.

Đàng khác, Tê-rê-xa, vào lúc ấy, cũng cần phải được huấn luyện. Ở nhà Buissonnets, Tê-rê-xa chỉ là một đứa con cưng và không bao giờ động móng tay: mấy chị không để cho em động tới gì cả. Họa may là chiều, em phải đem một chậu bông vào trong nhà, và hễ không ai cám ơn thì em lại khóc[15]… Các chị làm hết mọi việc và thi hành chức vụ làm mẹ của mình làm phương hại cho em mình.

Vào dòng, Tê-rê-xa không biết làm gì cả và không quen phục vụ, làm cho Mẹ Marie de Gonzague nói: “Rõ ràng là tu viện đã được quét bởi một cô gái mười lăm tuổi!” Chị lại sợ gián nhện; nghĩa là chị không thường quét trong các hóc nhà! Chị cũng cố gắng thắng mình lắm nhưng luôn bị la rầy và như thế chị được Mẹ Bề trên huấn luyện một cách khá mạnh tay[16].

Trong những người chung quanh cũng có Mẹ Tập Sư, một người thánh thiện, nhưng không giỏi lắm, nên Tê-rê-xa cũng không nâng đỡ chị được. Tê-rê-xa sống kề bên Mẹ Tập Sư một thời gian, chị không nói gì và Mẹ Tập Sư cũng không nói gì, và những cuộc trao đổi giữa hai bên cũng chỉ như thế thôi… Chị cũng đến gặp Mẹ Bề Trên: “Tôi đến gặp Mẹ được một tiếng đồng hồ, Me luôn rầy la tôi”[17]. Đó là những lời khuyên dạy mà Tê-rê-xa đã nhận được… Chị cũng không nói chuyện gì với chị Agnès: chị được đưa đến giúp chị dọn bàn ăn trong phòng ăn nhưng chị tỏ ra hết sức trung thành và không bao giờ nói về bản thân mình.

Tê-rê-xa hoàn toàn bị cô đơn. Cha linh hướng của chị là Cha Pichon là cha linh hướng của gia đình Martin, đã đổi đi Canada; Tê-rê-xa viết thư cho ngài hàng tháng, nhưng ngài không trả lời bao giờ. Chị hoàn toàn cô độc một mình.

Dưới ánh sáng của thánh Gioan Thánh Giá.

Tê-rê-xa sẽ làm gì trong hoàn cảnh ấy? Trong lúc nguyện gẫm, chị lại cảm thấy khô khan: “Chúa Giê-su không nói với em một tiếng…” chị viết[18]. Chính lúc ấy, chị tìm thấy thánh Gioan Thánh Giá.

Làm sao chị tìm thấy ngài? Tôi không biết rõ, có lẽ là ở nhà tập; dù sao chị tìm thấy bản dịch của Dòng Cát-Minh Paris, và chị vớ lấy. Vào độ tuổi 16 hay 17, Tê-rê-xa đã sống nhờ thánh Gioan Thánh Giá, nhờ tác phẩm Lên núi Cát-Minh Bài ca thiêng liêng.

Thánh Gioan Thánh Giá đã đem lại gì cho chị? Sự chuẩn nhận những trực giác chị cảm nhận trong tâm hồn, những trực giác về tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Ngài cũng cho chị những lời khuyên dạy về sự tăng triển của đức bác ái, của tình yêu: chị để trong sách nguyện của chị một tấm ảnh trên đó chị ghi một đoạn của ngài theo đó một tình thương tốt khi nó qui hướng về Chúa[19].

Tê-rê-xa sống bài học đó, chị học thuộc lòng nhiều trang sách của Thánh nhân, chị đọc Ngọn lửa Tình Yêu sống động, và điều đó thích hợp hoàn toàn với tâm hồn của chị. Sau này chị viết: “Biết bao nguồn sáng tôi nhận được từ những tác phẩm của Cha Thánh chúng ta là thánh Gioan Thánh Giá!”[20]. Chị cũng tìm thấy một quyển sách tín lý giúp chị hiểu thêm về giáo lý[21], nhưng trên hết, chính thánh Gioan Thánh giá nuôi dưỡng tâm hồn chị.

Chị chu toàn mọi bổn phận hằng ngày bằng một sự trung thành liên lỉ, và như thế trong một bầu không khí không mấy thích hợp với những gì chị cảm nghĩ trong tâm hồn. Quả vậy, những bài giảng chị nghe là những bài có tính cách của thời đại, dựa trên những chân lý quan trọng thật, nhưng xoay quanh ý niệm về công bằng. Chị viết: những cuộc tĩnh tâm làm cho chị khó chịu[22] vì sự đối nghịch giữa những gì chị cảm thấy trong tâm hồn, những trực giác chị đang chứa chất, ánh sáng đang hướng dẫn chị với những gì chị nghe và thấy thực hiện quanh chị.

Vì sự trung thành, chị thử làm những việc hãm mình thường ngày theo tục lệ trong dòng. Chị mang một thánh giá nhỏ có một cây đinh, nhưng chị ngã bệnh ngay, chị hiểu rằng Chúa không đòi buộc điều đó. Đồng thời, quanh chị, không ai để ý tới chị vì chị nhỏ bé và rất kiên cường. Một ngày kia, một chị đến nói với Mẹ Bề Trên: “Chúng ta đang làm mất sức khỏe của chị Tê-rê-xa!” Chị nhà bếp thường cho Tê-rê-xa ăn những đồ dư thừa có khi lại thiêu, vì chị không bao giờ than phiền[23]. Người ta nhận thấy nơi chị một sự trung thành lạ thường.

Tê-rê-xa sống nhờ thánh Gioan Thánh Giá. Và đi vào những lo âu sâu thẳm. Chính chị nói: “Hiến mình cho tình yêu, chính là hiến mình chịu mọi lo âu”[24]. Chị thổ lộ là chị đang ở trong “một hầm trong đó không nóng cũng không lạnh” và chị cũng không cảm thấy gì cả. Chính như thế, chị soi sáng cho chúng ta. Chị nói: “Em chỉ thấy ánh sáng từ khuôn mặt Chúa Giê-su bị che chiếu xuống thôi”[25]. Tê-rê-xa kinh nghiệm một sự khô khan gần như hoàn toàn, nhưng chị vẫn luôn giữ giờ suy gẫm… đôi khi chị ngủ gật, vì ban đêm chị không ngủ được vì lạnh cái lạnh “mà chị phải chịu “đến nỗi có thể  chết được”[26], như chính lời chị nói.

Năm 1891, một cha dòng Recollet giảng tuần tĩnh tâm, và may thay, cha hiểu được chị Tê-rê-xa. Khi chị bày tỏ cho các cha giảng khác những ước nguyện của chị đối với Chúa, những ước nguyện yêu thương và những nguồn sáng về Thiên Chúa, ngài từ chối và bảo: “Con ạ, hãy trở nên một nữ tu tốt, nhưng đừng ước vọng cao quá!”; điều đó cho thấy tâm trạng của thời bấy giờ. Chỉ có Cha Recollet này mới khích lệ và “hướng chị trên con đường Tình Yêu”27[27], chị nói như thế. Trong năm đó, sự thanh tẩy đã kết thúc.

Thiên Chúa Tình Yêu: xác thực trong đêm tối.

Sau đó một thời gian, Mẹ Agnès, Bề Trên Dòng đưa chị giúp Mẹ Marie de Gonzague để huấn luyện các tập sinh[28], trong số đó có chị Céline, là chị của Tê-rê-xa. Chính nhờ nhà tập Tê-rê-xa mới có thể nêu rõ những giáo huấn của mình, không thể có một cách nào khác. Phải dạy các chị, chị cho đi những gì chị cảm nhận, những gì chị kinh nghiệm. Khi có ai hỏi chị điều gì, chị nói thuộc lòng từng đoạn của thánh Gioan Thánh Giá – thường xuyên như thế và ngay cả trong những giờ giải trí – vì chính đó là những gì chị sống.

Như thế, Tê-rê-xa trình bày một phần nhỏ giáo huấn của mình, nhưng luôn luôn là trong sợ sệt lo âu, vì môi trường không thuận lợi và vì những gì chị đã nghe giảng; giáo huấn của chị là mới. Trong những lúc chiêm niệm tăm tối, chị khám phá ra Thiên Chúa Tình Yêu; khám phá âm thầm nhưng được thực hiện bằng lối đồng bản tính, và tạo nên trong chị những  xác tín trong thâm sâu: Thiên Chúa là Tình Yêu. Chị có thể nói: “Tôi nhìn thấy tất cả bản tính của Thiên Chúa xuyên qua Tình Yêu, xuyên qua Lòng Thương Xót của Ngài”[29], nơi Chúa chỉ có bao nhiêu đó.

Cuộc truy tìm đó vẫn tiếp tục trong bóng tối; Tê-rê-xa chỉ nói lên khi nào bị bắt buộc, cho các tập sinh, hay sau này, khi người ta bảo chị viết lại đời sống của chị. Thường xuyên chị sống trong tăm tối. Người ta có thể nói là chị sống trong một thứ bãi lầy và đó là cuộc thanh tẩy lý trí[30], nhưng cuộc thanh tẩy được thực hiện không phải trong những đau khổ khốc liệt vì những mũi nhọn – một đôi khi – nhưng là trong một đám sa mù, một đầm lầy lún sâu, không thể bước đi được. Cơn thử thách ấy giữ chặt tâm hồn trong lo âu, tuy nhiên cũng có  những sức đẩy sâu tới Chúa, những xác tín được khám phá ra. Có một thứ mâu thuẫn giữa cuộc khám phá tiệm tiến về tội lỗi và những khuynh hướng, trong mình hay quanh mình, và đồng thời, một cuộc khám phá ra Thiên Chúa.

Thiên Chúa mà Tê-rê-xa khám phá ra đó chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Và đồng thời chị thấy chung quanh chị, và ngay trong tu viện rằng Chúa không được biết đến. Thiên Chúa Tình Yêu không được biết đến! Người ta chỉ biết Thiên Chúa Công bằng, cho qua cho lại, và người ta cố gắng lập công; nhưng Tê-rê-xa nghĩ, không thể đến với Chúa như thế được[31]. Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa là Nhân Từ; và nhân từ là gì? Chính là tình yêu của Thiên Chúa trao ban chính mình vượt xa tất cả những gì là đòi buộc và mọi luật lệ. Công Đồng Trentô nói rằng Thiên Chúa ban ơn của Ngài bằng hai cách: bằng sự công bằng, nghĩa là Ngài ân thưởng những công nghiệp, và bằng lòng nhân từ, nghĩa là vượt trên mọi công nghiệp[32]. Ngài theo bản tính của Ngài, vì Ngài là Tình Yêu, là Thiện hảo lan tỏa, Ngài cần tự hiến, niềm vui của Ngài là trao ban chính mình.

Tê-rê-xa đọc Tin Mừng, chị thấy gì trong đó? Maria Ma-đa-lê-na: Được tha nhiều, và như thế, bà đã yêu nhiều[33]; Tê-rê-xa cũng thấy đứa con hoang đàng và niềm vui của người cha đón nhận anh, vì đối với ông, là dịp để cho đi[34] “trên thiên đàng, khi một người tội lỗi ăn năn niềm vui sẽ lớn hơn chín mươi chín người công chính vẫn bền đổ”[35]. Đây không phải tội lỗi làm vinh danh Chúa; điều gì tôn vinh Chúa và “làm đẹp lòng Ngài”[36], đó là có thể tự hiến và tự hiến một cách nhưng không. Đó là điều Tê-rê-xa đã khám phá ra: điều gì làm Chúa vui nhất, đó là có thể cho đi vượt qua mọi công bằng, nhưng không, theo như nhu cầu của chính Ngài, và những đòi buộc của bản tính Ngài là Tình Yêu, chứ không do công nghiệp.

Tê-rê-xa cảm thấy một cách rất sắc bén sự đối nghịch giữa môi trường chị đang sống với những ánh sáng, những đòi buộc của nó và những gì chị thấy thực hiện quanh chị. Người ta tính sổ với Chúa: khi bạn ra trước mặt Thiên Chúa Hằng Hữu là Đấng sẽ phán xét bạn, Ngài sẽ nhìn bảng kê khai những công nghiệp của bạn; bạn được bao nhiêu ân xá, bạn có bao nhiêu công nghiệp, đấy là chỗ của bạn. Tê-rê-xa thì khác: “Tôi không trình những công nghiệp của tôi, nhưng tôi sẽ trình những công nghiệp của Chúa Giê-su, Chúa chúng ta. Tôi, tôi không có gì cả, tôi không muốn trình gì cả, tôi chỉ để cho Chúa thương tôi đến mức độ nào tùy ý Ngài”[37] và chị thêm: “Và như thế, tôi sẽ được hậu đãi…”[38]. Đó là trung tâm của giáo huấn của chị.

Tự hiến cho Tình Yêu.

Nhận thấy rằng Thiên Chúa không được yêu thương, cả chị nữa, chị sẽ “đền tạ”: tình yêu của Chúa, Tình yêu nhân hậu không được biết đến; rất ít người cần đến Lòng Thương Xót Chúa, tất cả mọi người đều chạy đến sự công bằng; người ta tính sổ với Chúa, trong khi Chúa, Ngài chỉ muốn ban phát chính mình theo nhu cầu của Ngài. Vì thế Tê-rê-xa tự nhủ: “Chúa có rất nhiều tình yêu để cho, và Ngài không cho được: người ta chỉ trình bày những công nghiệp mình thôi, và chẳng có là bao…” Chị đến với Chúa và nói: “Xin cho con tình yêu đó, con chấp nhận trở nên của lễ tình yêu, nghĩa là nhận lấy tất cả tình yêu mà người khác muốn nhận, vì họ không để cho Chúa yêu thương họ như Chúa mong muốn”. Đó là sự tin cậy của chị vào lòng Thương xót vượt qua cả sự Công bằng.

Lúc ấy chị mơ tận hiến cho Tình Yêu nhân hậu Chúa. Ô! Không phải để trực tiếp nhận lấy tình yêu, nhưng chính là để “làm cho Chúa vui”; chính để Chúa có  dịp, có được sự dễ dàng để tự ban mình đến mức nào Chúa muốn. Chị tự hiến để làm của lễ tình yêu, chị chấp nhận để bị tình yêu thiêu đốt miễn là Chúa được vui. Chính là để cho Chúa vui chứ không phải để nên thánh, cũng không phải để đem Chúa cho người khác, nhưng là để làm Chúa thỏa lòng. Sự hiến dâng của chị là đối thần. Tê-rê-xa chỉ nhìn Chúa thôi, và chỉ sống nhờ tình yêu đó thôi: chị muốn làm vui lòng Chúa, làm cho Chúa vui, giúp Chúa yêu thương.

Trong Tin Mừng, chị cũng đọc thấy chuyện em bé: để vào Nước Chúa, phải trở thành em bé”[39]. Đúng vậy, phải nên thánh; nhưng ai lớn hơn? Chính là người nhỏ nhất, vì nó yếu ớt nhất; không phải vì nó có công nghiệp gì, nhưng nhờ sự yếu đuối và sự hèn mạt của nó, nó dâng lên Chúa một cái bình lớn nhất để nhận được tất cả. Nơi đó chứa đựng tất cả thần học thần bí của thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su.

Chị cũng tìm thấy nơi Thánh Gioan Thánh Giá tất cả những chân trời về tình yêu. Trong Ngọn lửa sống Thánh Ca thiêng liêng, ngài đã diễn tả một cách đầy đặn và thật phong phú những hoạt động của tình yêu Chúa trong linh hồn. Những mô tả đó rất phù hợp với kinh nghiệm của Tê-rê-xa: Thiên Chúa là Tình Yêu, là Thiện hảo đang tuôn trào.

Tình yêu và khó nghèo.

Sứ mạng của Tê-rê-xa là gì? Chính là trao ban ánh sáng mà chị đã khám phá ra, và để giúp các linh hồn ra khỏi con đường công bằng, trong đó người ta thờ phương Chúa như một quan án - tốt thật đấy, nhưng cứ đếm những công nghiệp - để cho họ biết tôn thờ lòng thương xót của Chúa, đưa họ lên đến một sự tín thác tuyệt đối. Thật vậy, làm sao tôn thờ Thiên Chúa nhân lành, chẳng phải là bằng một sự tín thác cho Ngài, một sự tín thác tuyệt đối, như sự tín thác của Tê-rê-xa, một sự tín thác đồng thời rất nghèo nàn.

Tín thác và nghèo nàn, nghèo nàn và tín thác! Thánh Gioan Thánh Giá giải thích cho chị làm sao sự tín thác được thanh tẩy nhờ sự khó nghèo[40]. Chị có thể xác quyết: “Những ánh sáng cho thấy sự nghèo nàn của tôi làm ích lợi cho tôi hơn là những ánh sáng về Thiên Chúa”[41]. Chị thấy cần phải vun trồng sự nhỏ hèn của mình, và chị thấy hạnh phúc hơn khi nghèo hèn[42]. Sự nghèo hèn của chị hướng chị về với Chúa; chị coi đó như một khả năng để đón nhận Chúa, và đem niềm vui cho Chúa nhờ đó Chúa có thể lan tràn mình ra.

Nơi đây, Tê-rê-xa hoàn toàn đồng ý với thánh Gioan Thánh Giá, theo ngài sự kết hợp biến đổi mình chỉ được thực hiện trong sự nghèo nàn tuyệt đối; khi người ta sống trong sự nghèo hèn, là “cái không không” tuyệt đối, chính lúc đó người ta mới kết hợp với Chúa được. Ngài muốn nói rằng, trên con đường đến với Chúa – mà ngài gọi là “ đi lên núi Cát-Minh” – hai nguồn sáng tăng thêm luôn mãi: nguồn sáng của chính tình yêu Thiên Chúa, và nguồn sáng về chính sự nghèo nàn của mình[43].

Cần phải nhớ điều này vì chúng ta thường để mình dừng lại do kinh nghiệm nghèo hèn ấy. “Chúa sẽ làm gì nếu tôi nghèo hèn như thế, chúng ta nghĩ như vậy. Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su nghĩ khác:   “Phúc cho bạn nếu bạn nghèo hèn, chính nhờ như thế mà bạn sẽ nhận được thật nhiều”. Đối với chị, sự nghèo hèn, cảm thức về sự nghèo hèn, nhất là khi nhờ ánh sáng Chúa xuyên qua ơn biết lo liệu và ơn hiểu biết, nhất là ngay khi bắt đầu vào cuộc sống thiêng liêng, cảm thức ấy là một sự giàu sang vì nó tạo thành một khả năng tiếp nhận Thiên Chúa.

Tê-rê-xa sử dụng cả cái mà tôi gọi là “nghệ thuật thua trận”. Chị làm một hành động và nếu nó không thành công: chị cho đó là không trung thành. Chị sẽ nói: “Nếu tôi thành công, tôi sẽ nhận được phần thưởng của công nghiệp; tôi không trung thành, tôi sẽ bị hạ nhục, tôi sẽ lãnh nhận phần thưởng của sự nghèo hèn, của sự nhục nhã”. Thực sự chị không tìm sự bất trung cho sự bất trung.

Đó là ánh sáng đối thần mà chúng ta tìm thấy nơi chị Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su: vì chính người nhỏ mới nhận nhiều nhất, chính vì nó nhỏ bé và nghèo hèn, lý tưởng của chị là vun trồng sự nhỏ bé và nghèo hèn. Chị vui mừng vì tất cả những kinh nghiệm làm cho chị ra nghèo hèn, chị vui mừng vì thấy mình nhỏ bé.

Sự nhỏ hèn đó và sự nghèo hèn đó thu hút Thiên Chúa, phải được kèm theo một cố gắng. Tê-rê-xa trình bày con đường hoàn thiện như một thang máy: Chính Thiên Chúa  nâng chúng ta lên chứ không phải chúng ta bước lên[44]. Nhưng trước khi thang máy đến thì Tê-rê-xa đứng dưới cầu thang đã “giở cái chân bé nhỏ của mình lên”[45]. Chị không thể bước lên nấc thang, chân của chị rơi xuống, nhưng chị luôn miệng la lên gọi Chúa “cha ơi, Cha!”. Đó là lòng tin cậy phó thác của chị liên hệ tới kinh nghiệm của sự nhỏ hèn của mình; và sau một lúc, chị nói, Thiên Chúa xuống và bế chúng ta trong tay Ngài và đưa chúng ta lên đỉnh cao.

Một nét nhỏ trong đời sống của chị minh họa điều đó. Thấy chị luôn nhẫn nại, một chị tập sinh tự nhủ: “Chúa ơi! Thật bực mình! Chị quá nhẫn nại!” Như thế, một ngày nọ, chị này luôn cố gây sự với chị suốt một buổi mà chị không tỏ ra bực dọc. Sau cùng chị tập sinh phải quì gối xuống trước mặt chị và nói: “Nhưng làm sao chị có thể nhẫn nại đến như thế?” Tê-rê-xa trả lời: “Lúc đầu, em cũng như chị; nhưng một ngày nào đó Chúa nắm lấy em và đặt em vào đó”. Đó là tất cả bí quyết của chị: chị trông đợi sự hoàn hảo nơi cử chỉ của Chúa, nắm lấy chị và đặt chị nơi đó[46].

Được gọi làm Tập Sư, Tê-rê-xa luôn bị bận rộn vì nhiệm vụ của chị và tự nhủ: “Tôi sẽ dâng hết cho Chúa; tôi chắc rằng Chúa sẽ đặt trong tay tôi những gì tôi cần đến”, và chị có thể thêm: “Tôi không bao giờ thiếu thốn điều gì”[47]. Đúng thế, chị được ân thưởng: Chúa cho chị tìm thấy mọi lúc những gì chị cần đến.

Một linh đạo mới.

Giáo huấn của thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đặt trên kinh nghiệm này, chính đây là trung tâm: hồng ân cao quí nhất của đời chị là sự hiểu biết về Lòng Thương Xót; thần học mà chị chủ trương bắt nguồn từ một ánh sáng riêng tư, từ  sự đồng bản thể. Có lúc nào đó chị cũng lo âu, vì thế chị nói: “Khi tôi lên thiên đàng rồi, nếu tôi có sai lầm, tôi sẽ đến nói cho các chị biết”[48]; nhưng chị đã có những xác thực từ thâm sâu. Tất cả giáo huấn của chị sẽ bắt nguồn từ ánh sáng ấy.

Trong cuộc nói chuyện sau, tôi sẽ cố gắng đề cập đến điều này; nhưng tôi muốn chỉ rõ rằng làm sao giáo huấn ấy như thể đã biến đổi linh đạo của chúng ta. Linh đạo này không phải là duy nhất, có nhiều sứ điệp tình yêu khác từ khi đó, nhưng tôi tưởng rằng linh đạo của Tê-rê-xa vẫn là một linh đạo quan trọng nhất về phương diện thần học cũng như đối thần.

Trong những năm sau, Đức Giáo Hoàng Pi-ô X sẽ khuyến khích rước lễ thường xuyên, điều đó hướng chúng ta đến sự thánh thiện tích cực. Sự thánh thiện và đời sống tu đức của thế kỷ XIX là tiêu cực: người ta chỉ lo thanh tẩy và phạt tạ Chúa thôi; trong khi đặc điểm của linh đạo thời chúng ta chính là khía cạnh tích cực của tình yêu đang đi vào phong hóa – và chính nhờ đó mà nó thành công -. Mỗi thời đại, người ta theo ân huệ và ánh sáng mà Chúa ban cho. Thời trước người ta nhấn mạnh đến khía cạnh hi sinh; hiện nay tôi thích hơn hết là nhấn mạnh đến sự hiện diện và tiếp cận. Những điều nêu trên cũng cao cả đấy, nhưng không cùng một ánh sáng về Tình Yêu, về Lòng Thương Xót. Sau cùng linh đạo đó không phổ biến cho lắm, vì những người nào sống theo đường lối đó chỉ là thiểu số. Hôm nay trái lại, với mãnh lực và sự hiểu biết về Lòng Thương Xót, cuộc sống thần bí càng lan rộng ra.

Như thế, người ta có thể phân ra hai thời kỳ, và tôi nghĩ rằng thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su là phát ngôn viên của thời kỳ mới này. Chị đã minh họa và tân thời hóa, một cách nào đó, linh đạo của thánh Phao-lô như ngài đã nói: “Tôi có là gì là nhờ ơn Chúa, và ơn Chúa ban cho tôi không ra vô hiệu”[49].

Sự cao cả của thánh Tê-rê-xa bắt nguồn từ sự khám phá ra Lòng Thương Xót. Trong lúc nào đó, chị nói với cô ý tá của chị: “Cô biết rõ là chị đang săn sóc một đấng thánh”[50]. Người ta cắt móng tay cho chị, chị nói: “Chị cứ giữ lấy đi; cái đó làm người ta vui đấy”[51]. Chị cũng để ý: “Người ta nói rằng em nhân đức. Không đúng đâu, người ta lầm đấy; em không có nhân đức gì cả, chính Chúa ban cho em những gì em cần từng lúc. Em có tất cả những gì cần thiết trong lúc này”[52]. Đó là những mâu thuẫn lạ thường xem ra khó hiểu. Nơi thánh Tê-rê-xa có cái gì rất đẹp và cũng rất cao cả. Tôi xin thú thật là tôi đã học về chị suốt bốn mươi lăm năm và chị luôn làm tôi choáng váng vì chị quá cao cả. Chị đã đổi mới cho chúng ta khoa học về những hồng ân của Chúa Thánh Thần, như chị đã chỉ cho chúng ta, ví dụ như trong sự chiêm niệm của chị, đó là giáo lý của thánh Tô-ma. Đó không phải là những điều lố lăng, cũng không là gì mới mẻ, nhưng là một khám phá, một minh họa của giáo lý truyền thống. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những ân huệ lớn cho thời đại chúng ta.

Trong môi trường của chị, Tê-rê-xa chỉ có một mình. Tôi đã biết Mẹ Agnès từ năm 1927, tôi rất thương và kính Mẹ; đó là một tâm hồn thánh thiện, Mẹ Geneviève cũng thế. Nhưng thánh Tê-rê-xa sánh với các bà này, là một người khổng lồ và chị đã vượt xa các Mẹ ấy. Chị là một người duy nhất đã đọc và hiểu rành mạch thánh Gioan Thánh Giá. Và dù đã có một trí khôn xuất chúng và khoa học thiêng liêng ấy, chị luôn tỏ ra vâng lời trọn vẹn, đó là bằng chứng cho thấy điều đó  thật siêu nhiên.

Chúng ta cần phải khai thác, cách thực tế, sự hiểu biết đối thần đó, cái hiểu biết về Lòng Chúa Thương xót đó. Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã ghi dấu vào thời đại chúng ta. Chị đã giúp, có thể nói như thế, quảng bá việc chiêm niệm và cả sự thánh thiện.

(còn tiếp)

Ton amour a grandi avec moi

Tác giả: Cha Marie-Eugène de l’Enfant-Jésus.

Nhà xuất bản Carmel 1987

Lm Trầm Phúc chuyển ngữ



[1] [1] Mẹ Genevìeve đã làm phó Bề Trên của dòng Lisieux (1838). Mẹ qua đời năm 1891 ; xem Ms A,78 ro -79 ro.

[2] Xem Ms A, 13 ro.

[3] Ms A, 44 vO

[4] Xem Ms A, 25 vo .

[5] Ms A,28 vo

[6] Xem. L/GAYRAL,” Một bệnh thần kinh trong thời tuổi thơ của Têrêxa Lisieux” trong Carmel, 1959, 2, trang 81-96.

[7] Xem: Ms A. 30 ro.

[8] Cuộc thanh tẩy ((ở đây là thụ động) được phát sinh do một ảnh hưởng gọi được là của Chúa Đấng có thể sử dụng mọi sự như dụng cụ và đạt đến tất cả mọi khả năng tiếp xúc với bên ngoài : không chỉ là năm giác quan mà cả tâm lý,trí tưởng tượng và cả lý trí được nối liền với những hình ảnh và cả ý chí được nối liền với những tình thương cảm giác (cảm tính). Cuộc thanh tẩy nầy phải lan rộng đến “trí óc”, trung tâmcủa những cơ năng nội tại của con người (lý trí thâm sâu và ý chí tự do) để Chúa có thể hấp dẫn tạo vật của Nài vào hiệp nhất toàn vẹn với Ngài. Xem ví dụ cha MARIE-EUGÈNE HÀI ĐỒNG GIÊSU,Tôi muốn thấy Chúa, trang 540-544.

[9] Ms A,44  vo – 45 vo. Xem khảo luận sâu sắc của hồng ân nầy và những hiệu quả của nó, trong bài viết của cha MARIE-EUGÈNE, “Hồng ân của lễ Giáng Sinh 1886 của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trong Carmel 1959, 2 , trang 97-116.

[10] Xem. Án luận bình thường,Teresianum, Rôma , 1973 trng 141-142.

[11] Xem. CJ 8-8-3.

[12] Xem. Ms A, 69 vo.

[13] Thánh nhỏ Têrêxa, Albin Michel, Paris, 1947. Về sách nầy, xem Tôi muốn thấy Chúa, trang 848.

[14] Về việc đánh giá của Mẹ Marie de Gonzague về Têrêxa, xem, bức thư ngày 9 tháng 9 năm 1890  cho Mẹ Bề Trên Dòng Carmel ở thành Tours, được trích dẫn trang 184, ghi chú 47.

[15] Ms A, 44 vo.

[16] Xem Ms A, , 70 vo ; Nh ững lời cuối cùng, trang 261.

[17] Xem, Ms A, 70 vo .

[18] Xem, Ms A, 73 vo ;LT 110, )30-31) tháng 8 năm 1890 g ởi Sr Agnès.

[19] Câu 129, đ ược trích ra từ sách nhỏ Ngạn ngữ, những lời khuyên thiêng liêng của cha thánh chúng ta thánh Gioan Thánh Giá mà Têrêxa tham khảo rất nhiều. Bức ảnh có lẽ là bức ảnh mà Têrêxa đã cho chị Marie de la Trinité ngày 7 tháng 5 năm 1896. Xem Thư từ Chung II, trang 853.

[20] Xem Ms A, 83 ro.

[21] Có lẽ là quyển Những nền tảng của đời sống thiêng liêng, được trích dẫn từ sách Gương Chúa Giêsu,của Cha Surin, SJ. (Paris, 1732) mà Têrêxa nói đã “suy gẫm” trong thời gian đó (xem  s A, 73 vo. Có  lẽ cũng phải nói đến sách Thời cuối của thế giới hôm nay và những mầu nhiệm của đời sống mai sau  của cha C. ARMINJON (Saint-Paul, 1882) mà Têrêxa đã đọc năm 1887 (xem s A vo) và chị vẫn tiếp tục sử dụng ở Carmel. Chị đã thường trích  sách nầy ( xem LT 57 và ghi chú e,Thư từ chung trang 387, và LT 126).

[22] Xem Ms A, 80 ro.

[23] Xem Án thông th ường , trang 272.

[24] Xem Án thông th ường trang 159 ; Truyện một tâm hồn, Lisieux, 1953, chương 12, trang 174.

[25] LT 110 (30-31 tháng 8 năm 1890), g ởi cho chị Agnès.

[26] Xem Nh ững lời cuối cùng , trang 537, ghi chú a ngày 23-8-4

[27] Ms A, 80 ro. Đó là Cha Alexis Prou đã giảng tĩnh tâm từ ngày 8 đến 15 tháng 10 năm 1891.

[28] Công việc nầy ở Nhà Tập được trao cho Têrêxa vào tháng 2 năm 1893 ( xem Những lời cuối cùng, ghi chú của CJ 26-7-2, trang 487-491).

[29] Xem Ms A, 83 vo.

[30] Xem ghi chú 8.

[31] Xem CJ4-9-1 ; Án thông th ường , trang 195.

[32] Công Đồng Trentê , Sắc lệnh về Sự công chính hóa (G.DUMEIGE, Foi catholique, trang 554-581).

[33] Xem Lc 7,47.

[34] Xem Lc 15,20-32.

[35] Xem Lc 15, 7.

[36] Têrêxa th ường dùng cách nói nầy. Xem đặc biết Ms A, 79 v o , Ms C, 3vo, và CJ 30-7-3.

[37] Xem, Kinh Tận hiến cho Tình Yêu Nhân Hậu.

[38] CJ 4-9-1.

[39] Xem Lc 9,48 ; 18,16-17.

[40] Xem, Lên núi Carmel,L.III, ch ương 6, trang 328 ; ch ươ ng 14, trang 351-352; xem Tôi muốn thấy Chúa, trang 828.

[41] Xem CJ. 13-8.

[42] Xem CJ 29-7-3 ; Ms B, 5ro ;Ms C, 3 ro.

[43] Xem Bài ca thiêng liêng, đoạn 34, trang 869-870 ; Lên núi Carmel, sách III, chương 2, trang 318-319 ; xem Tôi muốn thấy Chúa trang 550-551.

[44] Xem Ms C, 3 ro.

[45] Cha DECOUVEMONT, Một tập sinh của thánh Têrêxa, Cerf, Paris, 1985, trang 11o-111.

[46] Xem CJ 7-67-3 ; Án thông th ường , trang 428.

[47] Xem Ms C, 22 vo.

[48] Xem Cha DESCOUVEMONT , Một tập sinh của thánh Têrêxa, trang 107-108 ; án thông thường trang 454.

[49] Icr 15,10.

[50] Nh ững lời cuối cùng với chị Marie du Sacré Co e ur, Varia 3, trong   Những lời cuối cùng I, trang 650-652. So lại CJ 3-9-2, 9-8-4.

[51] Xem Án thông th ường trang 175 ; trang 304.

[52] CJ 18-8-4 và 15-8-6 ; Tinh thần của thánh Têrêxa Lisieux , 1937, trang 197.