11/12/2021
2133
Giáo lý hàng tuần:  Chúa Nhật III Mùa Vọng - Năm C

 


















 

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C

Chủ đề: CHUẨN BỊ TÂM HỒN

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,14)

 

I. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Giới thiệu ảnh:

Các bạn biết đây là bức ảnh gì không? Đây là bức tranh mô tả về ông Gioan đang hướng dẫn mọi người chuẩn bị tâm hồn. Ông đã nói gì, mời các bạn đứng để nghe bài Tin Mừng hôm nay.

2. PHÚC ÂM: Lc 3,10-18

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Luca.

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Đó là Lời Chúa. - Tạ ơn Chúa.

II. TRÌNH BÀY BỨC ẢNH

1. Phân tích hình ảnh: Các bạn thấy gì trong bức ảnh?

* Hình ảnh gồm có những gì?

+ Hình ảnh gồm nhiều người, núi, đồi, cây cỏ,…

* Nhân vật đang làm gì?

+ Người mặc đồ xám là ông Gioan Tẩy Giả, đang đứng và tay phải đang chỉ về hướng đám đông.

+ Những người xung quanh là dân chúng, người thu thuế, quân nhân đang hướng về ông Gioan.

2. Hình ảnh đánh động con người: Bạn thích gì trong bức ảnh?

* Khi xem bức ảnh này, các bạn cảm thấy thế nào?

+ Vui, buồn, yêu hay ghét, sợ hay thích?

* Các bạn thấy điều gì đang xảy ra?

+ Hình cho thấy ông Gioan đang hướng dẫn mọi người chuẩn bị đón Chúa đến bằng việc thay đổi cách sống. Dân chúng kéo đến để lắng nghe lời của ông và dọn lòng cho Thiên Chúa.

* Hình ảnh đánh động bạn như thế nào?

+ Ông Gioan Tẩy Giả là một chứng nhân cho Đức Kitô và rao giảng về Đức Kitô. Ông trung thành với sứ mạng của mình và ý thức mình chỉ là một tiếng kêu trong hoang địa chứ không phải là Đức Kitô như người khác nghĩ. Chính vì thế ông luôn khiêm nhường sống cho sự thật và làm chứng cho sự thật.

3. Hình ảnh cho Giáo lý: Hình muốn nói lên điều gì?

* Trò chơi: “Lời Chúa trong ta”

Chuẩn bị:

Câu Lời Chúa: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” (Lc 3,17).

In hay viết câu Lời Chúa với cỡ chữ to, khuyết vài từ, cho vào bì thư. Mỗi đội một bì thư. Ví dụ: “Tôi lấy… mà… các ngươi, nhưng Ðấng… hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi… cho Người, – chính Người sẽ… các ngươi trong Chúa… và…. Người cầm… trong tay mà sảy sân… của Người, rồi thu lúa vào…, còn rơm thì… đi trong lửa không hề tắt!” (Lc 3,17).

Mỗi đội một cây viết.

Cách chơi: Chia lớp thành nhiều đội, tùy số lượng. Mỗi đội sẽ nhận một bì thư có chứa Lời Chúa. Trong thời gian quy định (3-5 phút), mỗi đội phải thảo luận và điền vào chỗ trống trong câu Lời Chúa cho đúng. Đội nào đúng nhiều hơn thì thắng.

Nhấn mạnh đến câu Lời Chúa nhằm làm các em nhớ và thuộc.

* Qua hình ảnh, bạn nhận thấy điều gì?

+ Giống như ông Gioan Tẩy Giả, tôi là người làm chứng cho Chúa. Làm chứng cho Người trong lời nói cũng như hành động, trong nhà hay ngoài đường.

+ “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,14). Tôi có thể chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến bằng cầu nguyện, bằng các bí tích, bằng cách sống của mình mỗi ngày.

4. Hình ảnh gợi lên bài học: Qua hình ảnh, Chúa muốn nói với ta điều gì?

Qua hình ảnh, Chúa dạy tôi phải biết thay đổi cách sống của mình theo thánh ý Người trong hành động và lời nói, trong suy nghĩ và việc làm, trong cuộc sống và trong chính tâm hồn tôi. Chúa luôn hiện diện với tôi và trong tôi. Tôi chỉ có thể thấy được Chúa khi tôi biết kết hợp với Ngài trong cầu nguyện, qua các bí tích, qua những người tôi gặp, và qua những biến cố của cuộc sống tôi.

Việc thực hành: “Cọng rơm dâng Chúa”

Mỗi ngày, bạn hãy tiếp tục làm một việc hy sinh để làm chứng cho Chúa: làm dấu thánh giá trước và sau khi ăn cơm, khi làm bài kiểm tra, giữ thinh lặng trong nhà thờ, tham dự thánh lễ, lượm rác bỏ vào thùng, đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn,… Hãy ghi lại những việc đó trong những tấm giấy nhỏ để dâng lên cho Chúa vào ngày lễ Giáng sinh. Đó là những cọng rơm làm nên phần ấm áp mà bạn dâng cho Chúa trong ngày lễ Giáng sinh. Hãy làm cho Chúa Hài đồng ấm áp bằng cách làm chứng cho sự thật, làm chứng cho Ngài trong cuộc sống của bạn!

III. KẾT THÚC

Câu chuyện:

CỬA SỔ HOẶC TẤM GƯƠNG

Một người Do Thái giàu có nhưng rất keo kiệt đến gặp một vị giáo trưởng để xin một lời hướng dẫn cho cuộc sống của mình. Vị giáo trưởng đưa anh đến bên cửa sổ và nói:

- Ông hãy nhìn qua cửa sổ và cho tôi biết ông thấy gì”.

Không một chút do dự, người giàu có trả lời:

- “Tôi thấy nhiều người đi qua đi lại”.

Sau đó vị giáo trưởng bảo người giàu có quay mặt vào trong nhà và nhìn vào một tấm gương treo trên tường. Rồi ông cũng đặt câu hỏi tương tự:

- “Nào, bây giờ ông thấy gì trong tấm gương?”

- “Dĩ nhiên tôi chỉ thấy tôi” - Người giàu có trả lời.

Bấy giờ vị giáo trưởng mới rút ra một bài học:

“Này nhé, tấm gương được làm bằng kính, phía sau phủ một lớp bạc mỏng. Bao lâu lớp bạc mỏng còn dính chặt đàng sau tấm kính thì nhìn vào đó ông sẽ không còn thấy người nào khác nữa mà chỉ thấy có mình ông thôi. Trái lại khi nhìn qua tấm kính trong suốt ở cửa sổ, ông đã thấy được những người khác.”

(Trích “Món quà giáng sinh”)

Khi chỉ nghĩ đến mình, mọi thứ ta làm đều là do sự ích kỷ. Khi ta biết cho đi, mọi thứ ta làm mới có ý nghĩa. Cho đi chính là nhận lãnh. Làm chứng cho Chúa là sống yêu thương và chia sẻ cho người khác.

Cầu nguyện kết thúc và giải tán.

Lạy Chúa Giêsu, khi làm chứng cho sự thật chính là lúc chúng con làm chứng cho Chúa. Xin Chúa ban Thánh Thần cho chúng con để Ngài hướng dẫn chúng con biết sống khiêm nhường và ban sức mạnh giúp chúng con luôn kiên cường làm chứng cho Chúa, cho sự thật trong chính cuộc sống hằng ngày. Amen.

Ban Giáo Lý Giáo phận Vĩnh Long