21/12/2021
798
92 câu hỏi thưa về Thượng hội đồng giám mục thế giới lần thứ XVI 2021-2023


 

92 CÂU HỎI THƯA

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI

LẦN THỨ XVI 2021-2023

Tác giả: Gb. Nguyễn Thái Hùng

Tháng 12.2021

 

TỔNG QUÁT

01. Hỏi: Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) do Đức Giáo Hoàng nào thiết lập?

- Thưa: Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.

 

02. Hỏi: THĐGM được thiết lập qua Tự sắc nào?

- Thưa: Tự sắc Apostolica Sollicitudo.

 

03. Hỏi: THĐGM được thiết lập năm nào?

- Thưa: Năm 1965 (15-9-1965).

 

04. Hỏi: “Thượng Hội Đồng” dịch từ tiếng la-tinh: “synodus”, từ này được ghép bởi hai từ hy-lạp: syn = cùng nhau, và odos = con đường, nên có nghĩa là gì?

- Thưa: Có nghĩa là đồng hành, cùng nhau bước đi.

 

05. Hỏi: THĐGM là một tổ chức qui tụ các giám mục được chọn từ mọi nước trên thế giới để làm gì?

- Thưa: Để giúp đỡ Đức Giáo Hoàng trong sứ mạng Mục tử của Giáo Hội hoàn vũ.

 

06. Hỏi: THĐGM được thiết lập nhằm các mục đích gì?

- Thưa: - Duy trì sự hợp nhất và cộng tác chặt chẽ giữa Đức Giáo Hoàng và các giám mục trên thế giới.

- Thông tin trực tiếp và chính xác về tình trạng và các vấn đề liên quan đến đời sống Giáo Hội hoàn vũ cũng như những việc Giáo Hội phải thực hiện trong thế giới hôm nay.

- Tạo điều kiện để thống nhất quan điểm, ít là về những điểm quan trọng trong giáo thuyết và đời sống Giáo Hội.

- Trao đổi các thông tin hữu ích.

- Cho ý kiến về những vấn đề cụ thể được đặt ra trong mỗi kỳ THĐGM.

 

07. Hỏi: Đặc tính chính của THĐGM là gì?

- Thưa: Để phục vụ sự hiệp thông và để thể hiện tính hiệp đoàn giữa các giám mục trên thế giới và với Đức Giáo Hoàng.

 

08. Hỏi: THĐGM có những điểm gì?

- Thưa: THĐGM là:

- một định chế tại trung ương,

- đại diện cho toàn thể các giám mục trên thế giới,

- một định chế mang tính thường tồn,

- nhưng nhiệm vụ chỉ mang tính ngắn hạn trong một giai đoạn,

- có tính cách tư vấn, hoặc cũng có thể có quyền quyết định nếu Đức Giáo hoàng mời gọi và chuẩn y quyết định của THĐ.

 

09. Hỏi: THĐGM được thiết lập trên nền tảng nào?

- Thưa: THĐGM được thiết lập trên nền tảng của mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội.

 

10. Hỏi: Những đề tài của THĐGM có những tiêu chuẩn nào?

- Thưa: - Một là: Đề tài mang tầm mức hoàn vũ, nghĩa là liên hệ đến toàn thể Giáo Hội.

- Hai là: Có tính cách thời sự và khẩn cấp, theo hướng tích cực, nghĩa là có thể khơi dậy những năng lực mới làm cho Giáo Hội thăng tiến.

- Ba là: Dựa trên một nền tảng giáo lý chắc chắn và nhắm đến một áp dụng mục vụ, đồng thời có tính khả thi.

 

11. Hỏi: Định chế THĐ được thiết lập như là gì?

- Thưa: Như là một dấu chỉ và đồng thời cũng là phương thế để củng cố sự hiệp thông trong Giáo Hội.

 

12. Hỏi: Có bao nhiêu cách tổ chức Đại Hội chung Thượng Hội Đồng?

- Thưa: Có 3 cách tổ chức Đại Hội chung Thượng Hội Đồng.

 

13. Hỏi: Có 3 cách tổ chức Đại Hội chung Thượng Hội Đồng là những cách nào?

- Thưa: Đại Hội chung Thượng Hội Đồng thường lệ, Đại Hội chung Thượng Hội Đồng ngoại lệ và Đại Hội chung Thượng Hội Đồng đặt biệt.

 

14. Hỏi: Đại Hội chung thường lệ được tổ chức thế nào?

- Thưa: Thông thường ba năm một lần.

 

15. Hỏi: Đại Hội chung ngoại lệ được tổ chức thế nào?

- Thưa: Được tổ chức để bàn về những vấn đề cần có một quyết định mau lẹ.

 

16. Hỏi: Đại hội đặc biệt được tổ chức thế nào?

- Thưa: Được thảo luận về các vấn đề trong một miền.

 

17. Hỏi: Trong lịch sử Giáo Hội đã có bao nhiêu Thượng Hội Đồng thường lệ được tổ chức?

- Thưa: Có 15 Thượng Hội Đồng thường lệ đã được tổ chức.

 

18. Hỏi: Thượng Hội Đồng thường lệ đầu tiên được tổ chức năm nào?

- Thưa: Năm 1967.

 

19. Hỏi: Chủ đề Thượng Hội Đồng thường lệ đầu tiên là gì?

- Thưa: Gìn giữ và cũng cố Ðức Tin Công giáo, sự toàn vẹn, sức mạnh, sự khai triển, sự mạch lạc trên bình diện giáo lý và phát triển lịch sử.

 

20. Hỏi: Sau THĐGM thường lệ thứ III (1974): Loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi).

 

21. Hỏi: Sau THĐGM thường lệ thứ IV (1977): Việc dạy giáo lý hiện nay, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Dạy Giáo lý (Catechesi tradendae).

 

22. Hỏi: Sau THĐGM thường lệ thứ V (1980): Gia đình Kitô hữu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Đời sống gia đình (Familiaris Consortio).

 

23. Hỏi: Sau THĐGM thường lệ thứ VI (1983): Hòa giải và Sám hối trong sứ mạng của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Hòa giải và sám hối (Reconciliatio et paenitentia).

 

24. Hỏi: Sau THĐGM thường lệ thứ VII (1987): Ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici).

 

25. Hỏi: Sau THĐGM thường lệ thứ VIII (1990): Đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Ta Sẽ Ban Cho Các Ngươi Những Mục Tử (Pastores Dabo Vobis).

 

26. Hỏi: Sau THĐGM thường lệ thứ IX (1994): Đời sống thánh hiến và sứ mệnh trong Giáo Hội và trong thế giới, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến (Vita consecrata).

 

27. Hỏi: Sau THĐGM thường lệ thứ XI (2005): Thánh Thể: nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống và sứ mệnh Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Bí tích Tình Yêu (Sacramentum Caritatis).

 

28. Hỏi: Sau THĐGM thường lệ thứ XII (2008): Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Lời Chúa” (Verbum Domini).

 

29. Hỏi: Sau THĐGM thường lệ thứ XIII (2012): Tân truyền giảng Tin Mừng để truyền thông đức tin, Đức Giáo Hoàng Phanxxicô đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium).

 

30. Hỏi: Sau THĐGM thường lệ thứ XIV (2015): Gia đình – Ơn gọi và sứ mạng trong Giáo Hội và Thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxxicô đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương (Amoris laetitia).

 

31. Hỏi: Sau THĐGM thường lệ thứ XV (2018): Người trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, Đức Giáo Hoàng Phanxxicô đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống (Christus Vivit).

 

32. Hỏi: Trong lịch sử Giáo Hội đã có bao nhiêu Thượng Hội Đồng ngoại lệ được tổ chức?

- Thưa: Có 3 Thượng Hội Đồng ngoại lệ được tổ chức.

 

33. Hỏi: Thượng Hội Đồng ngoại lệ đầu tiên được tổ chức năm nào?

- Thưa: Năm 1969.

 

34. Hỏi: Những chủ đề Thượng Hội Đồng ngoại lệ là gì?

- Thưa:

1. Sự hợp tác giữa Tòa Thánh và các Hội Ðồng Giám mục (1969).

2. Kỷ niệm 20 năm kết thúc Công Ðồng Vaticanô II (1985).

3. Những thách đố mục vụ gia đình trong bối cảnh truyền giảng Tin Mừng (2014).

 

35. Hỏi: Trong lịch sử Giáo Hội đã có bao nhiêu Thượng Hội Đồng đặc biệt được tổ chức?

- Thưa: Có 11 Thượng Hội Đồng đặc biệt được tổ chức.

 

36. Hỏi: Sau THĐGM đặc biệt về Châu Á (1998): Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ, và sứ mệnh yêu thương và phục vụ của Ngài tại châu Á: “…để họ được sống và sống sung mãn” (Ga 10,10), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Giáo Hội Tại Châu Á (Ecclesia in Asia).

 

37. Hỏi: Sau THĐGM đặc biệt về vùng Amazon (2019): Amazon: Những con đường mới cho Giáo Hội và cho một nền sinh thái toàn diện, Đức Giáo Hoàng Phanxxicô đã công bố Tông huấn gì?

- Thưa: Tông huấn Amazon Yêu Quý (Querida Amazonia).

 

38. Hỏi: Dưới triều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có bao nhiêu THĐGM được tổ chức?

- Thưa: Dưới triều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có 4 THĐGM được tổ chức.

 

39. Hỏi: Những chủ đề THĐGM được tổ chức dưới triều Đức Giáo Hoàng Phanxicô là gì?

- Thưa:

1. Những thách đố mục vụ gia đình trong bối cảnh truyền giảng Tin Mừng (2014).

2. Gia đình – Ơn gọi và sứ mạng trong Giáo Hội và Thế giới (2015).

3. Người trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi (2018).

4. Amazon: Những con đường mới cho Giáo Hội và cho một nền sinh thái toàn diện (2019).

 

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI

 

40. Hỏi: Thượng Hội Đồng Giám Mục thường lệ lần thứ XVI do Đức Giáo Hoàng nào triệu tập?

- Thưa: Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

 

41. Hỏi: Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chọn chủ đề cho Thượng Hội Đồng thường lệ lần thứ XVI là gì?

- Thưa: “Vì một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ – For a Synodal Church: Communion, Participation, Mission”.

 

42. Hỏi: Chủ đề chính yếu của THĐ lần thứ XVI này là tính “hiệp hành” trong Giáo Hội. Chủ đề này được đào sâu dưới 3 khía cạnh nào?

- Thưa: Chủ đề này được đào sâu dưới 3 khía cạnh là “hiệp thông”, “tham gia” và “sứ vụ”.

 

43. Hỏi: Chủ đề của THĐ lần thứ XVI có thể được diễn tả một cách nôm na là gì?

- Thưa: Tất cả mọi người cùng nắm tay nhau, dìu dắt nâng đỡ nhau tiến thẳng về Trời.

 

44. Hỏi: Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng, từ số 17 đến số 20, đề cập đến một Giáo Hội mà trong đó có 3 tuyến nhân vật: và khẳng định “đây là hình ảnh và là mầu nhiệm của Giáo Hội”. Đó là những ai?

- Thưa: Chúa Giêsu, đám đông dân chúng, các tông đồ.

 

45. Hỏi: Không một ai trong 3 tuyến nhân vật này có thể bị tách bỏ. Nếu Chúa Giêsu vắng mặt thì Giáo Hội thành một thứ gì?

- Thưa: Thành một thứ giao kèo giữa các tông đồ với đám đông dân chúng và nó sẽ kết thúc như một trò chơi chính trị.

 

46. Hỏi: Không một ai trong 3 tuyến nhân vật này có thể bị tách bỏ. Nếu không có các tông đồ thì thế nào?

- Thưa: Mối tương quan với chân lý Tin Mừng bị phá vỡ và Chúa Giêsu chỉ còn là một huyền thoại hay một ý thức hệ.

 

47. Hỏi: Không một ai trong 3 tuyến nhân vật này có thể bị tách bỏ. Nếu không có đám đông dân chúng thì tương quan giữa Chúa Giêsu và các tông đồ sẽ ra sao?

- Thưa: Sẽ bị suy thoái và trở thành một giáo phái dần sụp đổ.

 

48. Hỏi: Tương quan hỗ tương của ba tuyến nhân vật này (số 13 – 15) cho thấy Chúa Giêsu ngỏ lời với các tông đồ và Ngài cũng ngỏ lời trực tiếp với đám đông dân chúng. Từ đây Tài liệu mời gọi các giám mục điều gì?

- Thưa: Mời gọi các giám mục lắng nghe tiếng Chúa đồng thời cũng phải lắng nghe tiếng dân để phân định Thánh Ý Chúa.

 

49. Hỏi: Tài liệu (số 21) nhắc đến một tuyến nhân vật thứ tư xen vào với vai trò gì?

- Thưa: Với vai trò phản diện và âm mưu chia rẽ ba tuyến nhân vật trên

 

50. Hỏi: Tuyến nhân vật thứ tư xen vào với vai trò phản diện và âm mưu chia rẽ, đó là những gì?

- Thưa: Những hình thức nghiêm ngặt của tôn giáo, bó buộc của luân lý còn gắt gao hơn cả lệnh truyền của Chúa Giêsu, hoặc những hình thức quyến rũ của một thứ khôn ngoan chính trị thế gian.

 

51. Hỏi: Để không bị ảnh hưởng bởi tuyến nhân vật thứ tư này, Tài liệu nói đến việc phải thường xuyên làm gì?

- Thưa: Phải hoán cải thường xuyên.

 

52. Hỏi: Đoạn trích Kinh Thánh trong sách Công Vụ Tông Đồ nào được trình bày như là mô hình cho việc hoán cải thường xuyên trong Giáo Hội (Cv 10)?

- Thưa: Ông Phêrô và viên đại đội trưởng người Rôma.

 

53. Hỏi: Cụ thể những gì đã diễn ra nơi thánh Phêrô?

- Thưa: Thánh Phêrô đã lắng nghe tiếng Chúa và ngài đã rất khó khăn để chấp nhận và làm theo Ý Chúa. Nhưng rồi ngài đã đón nhận, đã hoán cải trước khi ngài cất bước tới gặp người ngoại giáo Conêliô.

 

54. Hỏi: Với ông Conêliô thì thế nào?

- Thưa: Ông Conêliô cũng đã nghe thấy tiếng Chúa và ông đã kể lại tất cả kinh nghiệm của mình về Chúa cho ông Phêrô nghe.

 

55. Hỏi: Cả thánh Phêrô và ông Conêliô có kinh nghiệm gì?

- Thưa: Thánh Phêrô, sau khi đã lắng nghe, ngài cũng trình bày chính kinh nghiệm hoán cải của mình cho ông Conêliô nghe. Cả hai cùng phân định ý Chúa và sau cùng ông Conêliô và đám đông đã lãnh nhận Phép Rửa.

 

56. Hỏi: THĐGM lần thứ XVI đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô khai mạc tại Vatican vào ngày nào?

- Thưa: Ngày 9-10/10 / năm 2021.

 

57. Hỏi: THĐGM lần thứ XVI sẽ kết thúc vào tháng năm nào?

- Thưa: Tháng 10 năm 2023

 

58. Hỏi: Giai đoạn đầu của tiến trình Thượng Hội đồng lần thứ XVI được cử hành tại các Giáo Hội địa phương mang tên “Giai đoạn lắng nghe”. Trong giai đoạn này mọi thành phần dân Chúa được mời gọi điều gì?

- Thưa: Được mời gọi lắng nghe Chúa nói và lắng nghe nhau nói.

 

59. Hỏi: Toàn bộ Thượng Hội đồng được chia thành mấy giai đoạn?

- Thưa: Được chia thành 3 giai đoạn.

 

60. Hỏi: Toàn bộ Thượng Hội đồng được chia thành 3 giai đoạn. Cụ thể thế nào?

- Thưa: Giai đoạn I được tổ chức ở cấp Giáo Hội địa phương cũng như các tổ chức tương đương, giai đoạn II được tổ chức ở cấp Châu Lục; giai đoạn III được tổ chức ở cấp Giáo Hội hoàn vũ.

 

61. Hỏi: Giai đoạn I, cấp Giáo Hội địa phương được bắt đầu lúc nào?

- Thưa: Được bắt đầu từ ngày 17/10/2021.

 

62. Hỏi: Giai đoạn I, cấp Giáo Hội địa phương sẽ kết thúc khi nào?

- Thưa: Kết thúc vào ngày 15/8/2022.

 

63. Hỏi: Thánh Lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp Giáo phận của Giáo Hội Việt nam, do Giám mục Giáo phận chủ sự, được cử hành vào ngày nào?

- Thưa: Ngày 28 tháng 11 năm 2021.

 

64. Hỏi: Thánh Lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp Giáo phận của Giáo Hội việt nam, do Giám mục Giáo phận chủ sự, được cử hành vào ngày 28 tháng 11 năm 2021, nhằm ngày gì?

- Thưa: Ngày Chúa nhật I Mùa Vọng, khai mở năm Phụng vụ mới.

 

65. Hỏi: Giai đoạn II, cấp Châu lục được bắt đầu khi nào?

- Thưa: Được bắt đầu từ tháng 9/2022.

 

66. Hỏi: Giai đoạn II, cấp Châu lục được kết thúc khi nào?

- Thưa: Kết thúc vào trước tháng 3/2023.

 

67. Hỏi: Giai đoạn III là những Cuộc họp toàn thể chính thức của Thượng Hội đồng lần thứ XVI sẽ diễn ra khi nào?

- Thưa: Diễn ra trong tháng 10/2023.

 

68. Hỏi: Câu hỏi căn bản thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta là gì? (TLCB 26)

- Thưa: Hội thánh hiệp hành “cùng nhau cất bước hành trình”, khi loan báo Tin Mừng: Việc “cùng nhau cất bước hành trình” hiện đang diễn ra thế nào trong Giáo Hội địa phương của anh chị em? Để Hội thánh được lớn lên trong việc “cùng nhau cất bước hành trình”, Thần Khí đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào? (TLCB 26)

 

69. Hỏi: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta được mời gọi điều gì? (TLCB 26)

- Thưa: Hãy tự vấn, hãy đọc lại ý nghĩa sâu xa của những kinh nghiệm này và hãy thu thập các thành quả để chia sẻ.

 

70. Hỏi: Hãy tự vấn (nhớ lại kinh nghiệm của mình) như thế nào?(TLCB 26)

- Thưa: Câu hỏi căn bản trên gợi nhớ những kinh nghiệm nào trong Giáo Hội địa phương của chúng ta.

 

71. Hỏi: Hãy đọc lại ý nghĩa sâu xa của những kinh nghiệm này như thế nào? (TLCB 26)

- Thưa: Chúng đã gợi lên niềm vui nào? Chúng gặp những khó khăn và trở ngại nào? Chúng phơi trần những thương tích nào? Có thể học được điều gì từ các kinh nghiệm này?

 

72. Hỏi: Hãy thu thập các thành quả để chia sẻ như thế nào? (TLCB 26)

- Thưa: Tiếng Chúa Thánh Thần vang dội nơi đâu qua những kinh nghiệm này? Người đang yêu cầu chúng ta điều gì? Đâu là những điểm phải khẳng định, những viễn cảnh nên thay đổi, các bước cần thực hiện? Chúng ta ghi nhận được sự đồng thuận ở những nơi nào? Những nẻo đường nào đang mở ra cho Giáo Hội địa phương của chúng ta?

 

73. Hỏi: Mười chủ đề cốt lõi mà Tài Liệu Chuẩn bị đưa ra cần được khám phá là gì? (TLCB 26)

- Thưa: Đó là: Đồng hành, Lắng nghe, Phát biểu, Cử hành, Đồng trách nhiệm trong sứ vụ, Đối thoại trong Giáo Hội và xã hội, Với các hệ phái kitô giáo khác, Thẩm quyền và tham gia, Biện phân và quyết định và Tự đào tạo trong tiến trình hiệp hành.

 

74. Hỏi: Với chủ đề Đồng hành: “Trong Giáo Hội và xã hội, chúng ta sát cánh bên nhau trên cùng một nẻo đường”, và đâu là những gợi ý?

- Thưa: Ai là những người “cùng nhau cất bước hành trình”? Giáo Hội của chúng ta bao gồm những thành phần nào? Ai yêu cầu chúng ta đồng hành với nhau? Ai là những người đồng hành trên đường, kể cả những người ở bên ngoài vành đai Giáo Hội? Những người hoặc nhóm nào hiển nhiên hay trên thực tế bị bỏ lại bên lề?

 

75. Hỏi: Với chủ đề Lắng nghe: “Lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến”, và đâu là những gợi ý?

- Thưa: Giáo Hội đặc thù của chúng ta “cần lắng nghe” ai? Làm thế nào để thành phần giáo dân, đặc biệt là giới trẻ và phụ nữ, được lắng nghe? Làm thế nào để đón nhận sự đóng góp của những người nam và nữ thánh hiến? Đâu là chỗ để những nhóm thiểu số, những người bị loại bỏ và bị loại trừ cất lên tiếng nói của họ? Chúng ta có nhận ra những định kiến và khuôn mẫu cản trở chúng ta lắng nghe hay không? Bối cảnh xã hội và văn hóa trong đó chúng ta đang sống được chúng ta lắng nghe thế nào?

 

76. Hỏi: Với chủ đề Phát biểu: “Mọi người đều được mời gọi can đảm và mạnh dạn (parrhesia) lên tiếng, nghĩa là, phải bao gồm cả sự tự do, chân lý và bác ái”, và đâu là những gợi ý?

- Thưa: Làm thế nào để thúc đẩy trong cộng đồng và các tổ chức của nó một phong cách trao đổi tự do và đích thực, không giả dối và cơ hội chủ nghĩa? Và trong mối tương quan với xã hội mà chúng ta là thành phần? Khi nào và cách nào để chúng ta nói lên được những gì là quan trọng đối với chúng ta? Mối tương quan với hệ thống truyền thông (không chỉ truyền thông Công giáo) thì thế nào? Ai nói thay cho cộng đồng Kitô hữu, và họ được chọn ra sao?

 

77. Hỏi: Với chủ đề Cử hành: “Chỉ có thể “cùng nhau cất bước hành trình” khi cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể”, và đâu là những gợi ý?

- Thưa: Làm thế nào để việc cầu nguyện và cử hành phụng vụ gợi hứng và hướng dẫn chúng ta “cùng nhau cất bước hành trình”? Làm thế nào để những việc này truyền cảm hứng cho các quyết định quan trọng nhất? Các tín hữu được khích lệ ra sao để tích cực tham dự phụng vụ và thi hành chức năng thánh hóa? Đâu là chỗ dành cho việc thi hành các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ?

 

78. Hỏi: Với chủ đề Đồng trách nhiệm trong sứ vụ: “Sự hiệp hành là để phục vụ sứ mạng của Hội thánh, mọi thành viên trong Hội thánh đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng này”, và đâu là những gợi ý?

- Thưa: Vì tất cả chúng ta đều là môn đệ truyền giáo, mỗi người đã lãnh phép Rửa được kêu gọi trở thành chủ thể tích cực trong sứ vụ này như thế nào? Làm thế nào để cộng đồng hỗ trợ các thành viên của mình dấn thân phục vụ xã hội (công tác xã hội và hoạt động chính trị, nghiên cứu khoa học và giảng dạy, thúc đẩy công bằng xã hội, bảo vệ nhân quyền và chăm sóc ngôi nhà chung, v.v…)? Anh chị em giúp họ thế nào trong việc sống những dấn thân này theo đòi hỏi của sứ vụ? Sự biện phân các lựa chọn liên quan đến sứ mạng được thực hiện như thế nào và ai tham gia vào đó? Theo quan điểm của một chứng tá Kitô hữu đích thực, các truyền thống khác nhau mang phong cách hiệp hành, vốn tạo nên di sản của nhiều Giáo Hội, đặc biệt là các Giáo Hội Đông phương, được hội nhập và thích nghi như thế nào? Sự cộng tác diễn ra như thế nào trong các lãnh thổ có sự hiện diện của các Giáo Hội tự trị [sui iuris] khác nhau?

 

79. Hỏi: Với chủ đề Đối thoại trong Giáo Hội và xã hội: “Đối thoại là con đường kiên trì bao gồm cả những lúc im lặng và chấp nhận đau khổ, nhưng lại có khả năng thu thập kinh nghiệm của con người và các dân tộc”, và đâu là những gợi ý?

- Thưa: Đâu là nơi chốn và phương thức đối thoại trong Giáo Hội địa phương của chúng ta? Những khác biệt về quan điểm, những xung đột, và những khó khăn được giải quyết như thế nào? Làm thế nào để thúc đẩy sự cộng tác với các giáo phận lân cận, với và giữa các dòng tu trong khu vực, với và giữa các hiệp hội và phong trào giáo dân, v.v…? Đối với các tín đồ của các tôn giáo khác và với những người ngoại đạo, chúng ta có những kinh nghiệm nào về đối thoại và dấn thân chia sẻ? Làm thế nào để Giáo Hội đối thoại với và học hỏi từ các bộ phận khác trong xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội dân sự, người nghèo…?

 

80. Hỏi: Với chủ đề Với các hệ phái Kitô giáo khác: “Cuộc đối thoại giữa những Kitô hữu thuộc các tín phái khác nhau, được liên kết bởi cùng một phép Rửa, có một vị trí đặc biệt trong hành trình hiệp hành”, và đâu là những gợi ý?

- Thưa: Chúng ta có những mối liên hệ nào với anh chị em của các tông phái Kitô giáo khác? Họ quan tâm đến lĩnh vực nào? Chúng ta đã từng rút ra được những thành quả nào từ việc “cùng nhau cất bước hành trình”? Có những khó khăn nào?

 

81. Hỏi: Với chủ đề Thẩm quyền và tham gia: “Hội thánh hiệp hành là Hội thánh tham gia và đồng trách nhiệm”, và đâu là những gợi ý?

- Thưa: Làm thế nào để chúng ta xác định được mục tiêu phải theo đuổi, cách thức đạt được chúng và các bước cần thực hiện? Giáo Hội địa phương của chúng ta hành xử quyền bính như thế nào? Cách làm việc theo nhóm và tinh thần đồng trách nhiệm được thực hiện ra sao? Các thừa tác vụ giáo dân và việc đảm nhận trách nhiệm của các tín hữu được thúc đẩy như thế nào? Các tổ chức hiệp hành hoạt động như thế nào ở cấp Giáo Hội địa phương? Chúng có phải là một kinh nghiệm hữu hiệu không?

 

82. Hỏi: Với chủ đề Biện phân và quyết định: “Theo phong cách hiệp hành, các quyết định có được qua việc biện phân, dựa trên sự đồng thuận xuất phát từ lòng vâng phục Thần Khí của cả cộng đoàn”, và đâu là những gợi ý?

- Thưa: Chúng ta cùng nhau biện phân và đưa ra quyết định bằng những thủ tục và phương pháp nào? Có thể cải thiện chúng như thế nào? Chúng ta thúc đẩy sự tham gia vào diễn trình đưa ra quyết định trong các cộng đồng có cơ cấu phẩm trật như thế nào? Làm thế nào để chúng ta nối kết giai đoạn thỉnh ý với giai đoạn thảo luận, diễn trình ra quyết định với thời điểm lấy quyết định? Chúng ta thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thế nào và bằng những công cụ nào?

 

83. Hỏi: Với chủ đề Tự đào tạo trong tiến trình hiệp hành: “Linh đạo cùng nhau cất bước hành trình cần trở thành nguyên tắc giáo dục để huấn luyện con người nhân bản và con người Kitô hữu, con người của gia đình và con người của cộng đồng”, và đâu là những gợi ý?

- Thưa: Phải đào tạo ra sao, đặc biệt là những người gánh vác trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, để họ có thêm khả năng trong việc “cùng nhau cất bước hành trình”, lắng nghe nhau và tham gia đối thoại? Chúng ta đào tạo thế nào để giúp họ biện phân và thực thi quyền bính? Những công cụ nào giúp chúng ta nhận biết tính năng động của nền văn hóa đang bao trùm chúng ta và tác động của chúng đối với phong cách của Giáo Hội chúng ta?

 

84. Hỏi: Nhìn vào Logo của Thượng Hội đồng Giám mục về con đường hiệp hành, có những điểm chính nào?

- Thưa: Có 3 điểm chính: Hình cây, Dân Chúa và Chủ đề.

 

85. Hỏi: Hình là cây to lớn, hùng vĩ, tràn đầy khôn ngoan và ánh sáng, đang vươn lên trời cao. Nó là dấu chỉ của điều gì?

- Thưa: Dấu chỉ của sức sống và niềm hy vọng sâu xa, biểu trưng cho thánh giá Chúa Kitô.

 

86. Hỏi: Cây này còn mang cái gì?

- Thưa: Cây này còn mang Thánh Thể đang chiếu sáng như mặt trời.

 

87. Hỏi: Các nhành cây được mở rộng theo chiều ngang như đôi tay hoặc đôi cánh, gợi lên hình ảnh gì?

- Thưa: Gợi lên hình ảnh Chúa Thánh Thần.

 

88. Hỏi: Dân Chúa không đứng yên nhưng đang tiến bước. Dân Chúa được liên kết với nhau bởi cùng có động lực chung, động lực này được điều gì truyền vào trong họ, và cũng từ động lực này mà họ cất bước?

- Thưa: Cây Sự Sống.

 

89. Hỏi: Có bao nhiêu bóng người khái quát toàn bộ nhân loại trong sự đa dạng về hoàn cảnh sống, thế hệ và nguồn gốc?

- Thưa: Có 15 bóng người.

 

90. Hỏi: Mọi người cùng bước đi trên một mặt đường phẳng: trẻ, già, nam, nữ, thiếu niên, trẻ em, giáo dân, tu sĩ, cha mẹ, người sống đời vợ chồng, người sống đời độc thân; giám mục và tu sĩ không đi trước mặt họ, nhưng ở giữa họ.Việc này nói lên điều gì?

- Thưa: Không có tính chất phẩm trật giữa họ.

 

91. Hỏi: Các hoàn cảnh sống, thế hệ và nguồn gốc được mô tả bằng sự đa dạng của các màu sắc tươi sáng biểu trưng cho điều gì?

- Thưa: Cho niềm vui.

 

92. Hỏi: Đường chân ngang của logo với chủ đề: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ” chạy từ trái sang phải theo hướng của cuộc hành trình, nhằm tăng cường và củng cố nó, và kết thúc với tiêu đề “Thượng hội đồng 2021 – 2023’, hình ảnh này nói lên điều gì?

- Thưa: Sự kiện đỉnh cao tổng hợp toàn bộ hành trình.

 

 

PHỤ LỤC: DANH SÁCH CÁC THƯỢNG HỘI ĐỒNG

Thượng Hội đồng thường lệ

 

1967 / I / Gìn giữ và cũng cố Ðức Tin Công giáo, sự toàn vẹn, sức mạnh, sự khai triển, sự mạch lạc trên bình diện giáo lý và phát triển lịch sử.

1971 / II / Chức Linh mục thừa tác và sự công bằng trên thế giới.

1974 / III / Loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay.

1977 / IV / Việc dạy giáo lý hiện nay.

1980 / V / Gia Ðình Kitô Hữu.

1983 / VI / Hòa giải và Sám hối trong sứ mạng của Giáo Hội.

1987 / VII / Ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong giáo hội và trong thế giới.

1990 / VIII / Đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay.

1994 / IX / Đời sống thánh hiến và sứ mệnh trong Giáo Hội và trong thế giới.

2001 / X / Giám mục: người tôi tớ của Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô để mang lại hy vọng cho thế giới.

2005 / XI / Thánh Thể: nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống và sứ mệnh Giáo Hội.

2008 / XII / Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

2012 / XIII / Tân truyền giảng Tin Mừng để truyền thông đức tin.

2015 / XIV / Gia đình – Ơn gọi và sứ mạng trong Giáo Hội và Thế giới.

2018 / XV / Người trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi.

 

Thượng Hội đồng ngoại thường

 

1969/ I / Sự cộng tác giữa Tòa Thánh và các Hội Ðồng Giám mục.

1985 / II / Kỷ niệm 20 năm kết thúc Công Ðồng Vaticanô II.

2014 / III / Những thách đố mục vụ gia đình trong bối cảnh truyền giảng Tin Mừng.

 

Thượng Hội đồng đặc biệt

1980 / Hà Lan / Hoàn cảnh Mục Vụ tại Hà Lan.

1991/ Châu Âu / Ngõ hầu chúng ta có thể là những chứng nhân của Chúa Kitô, Đấng đã giải phóng chúng ta.

1994 / Châu Phi / Giáo hội tại Phi Châu và sứ mạng rao giảng Phúc Âm hướng đến năm 2000: Các con sẽ là những chứng nhân của Ta.

1995 / Li Băng / Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta: Ðược canh tân bởi Chúa Thánh Thần, trong tình liên đới, chúng ta làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.

1997 / Châu Mỹ / Gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô hằng sống: con đường hoán cải, hiệp thông và liên đới tại Mỹ Châu.

1998 / Châu Á / Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ, và sứ mệnh yêu thương và phục vụ của Ngài tại châu Á: “…để họ được sống và sống sung mãn”.

1998 / Châu Đại dương / Chúa Giêsu Kitô và các dân tộc của Ðại Dương Châu: bước đi trên con đường của Chúa, rao giảng sự thật của Chúa, và sống sự sống của Chúa.

1999 / Châu Âu / Chúa Giêsu Kitô, sống động trong Giáo hội, nguồn mạch của Hy vọng cho Âu Châu.

2009 / Châu Phi / Giáo hội tại Phi Châu phục vụ công cuộc hòa giải, nền công lí và hòa bình. Anh em là muối cho đời… Anh em là ánh sáng cho trần gian.

2010 / Trung Đông / Giáo hội Công giáo trong vùng Trung Ðông: hiệp thông và chứng tá.

2019 /Châu Mỹ Latinh (Amazon) / Amazon: Những con đường mới cho Giáo Hội và cho một nền sinh thái toàn diện.

(Nguồn: gpbanmethuot.com)

 

Tài liệu tham khảo

1. https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-chuan-bi-thuong-hoi-dong-giam-muc-lan-thu-xvi-42903

2. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/doi-net-ve-thuong-hoi-dong-giam-muc-lan-thu-xvi-44009

3. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/doi-net-ve-thuong-hoi-dong-giam-muc-44056

4. https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-thong-bao-ve-tien-trinh-tham-gia-thuong-hoi-dong-giam-muc-tai-cac-giao-phan-44032

5. https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941

6. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/y-nghia-logo-chinh-thuc-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-con-duong-hiep-hanh-44116

7. https://vi.wikipedia.org/wiki/Th