PHẨM GIÁ CAO ĐẸP CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
Tin Mừng đại lễ Phục Sinh đã dành
cho giới phụ nữ một vị thế đáng trân trọng. Họ là những người nhận được tín
hiệu Phục Sinh đầu tiên. Họ là những người được Đấng Phục Sinh cho gặp mặt
trước hết. Và chính họ còn là những người được trao nhiệm vụ lớn lao là đem Tin
Vui Phục Sinh đến cho các Tông đồ.
Tại sao phụ nữ lại có được ưu thế ấy
mà không phải là các Tông Đồ ? Phải chăng chỉ vì họ là phụ nữ ? Tất nhiên không
phải thế, mà vì những lý do khác.
VÌ HỌ CHÂN THÀNH
Phúc Âm kể: từ sáng sớm khi trời còn
tối ngày thứ nhất trong tuần, các phụ nữ đã đến thăm mồ Chúa Giêsu.
Chiều thứ Sáu, sau khi Chúa Giêsu
chịu chết, người Do thái đến xin Philatô cho hạ xác những người bị đóng đinh
xuống. Họ không muốn thấy xác chết treo trên thập giá trong ngày Sabat. Phép
tắc thủ tục xong, xác Chúa Giêsu được hạ xuống thì đã chiều tà, và theo phong
tục của người Do thái, họ tính ngày mới bắt đầu từ lúc mặt trời lặn, khi mỗi
người với mắt thường nhìn thấy được ít nhất vì sao lấp lánh trên bầu trời. Vì
thế Đức Mẹ cùng với bà Maria Mađalêna và các môn đệ phải hối hả lo chôn xác
Chúa Giêsu cho xong để về nhà trước khi mặt trời lặn, nếu không họ sẽ lỗi luật
tôn giáo, vì ngày Sabat chỉ được đi bộ một quãng bằng ném hòn đá mà thôi. Vì
hối hả nên các bà về nhà, rồi nhận thấy mình không cẩn thận đủ với Thầy kính
yêu của mình, nên bà nán lòng chờ đến sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, đem
thuốc thơm đến mồ để ướp lại xác Chúa.
Theo định luật tâm lý: trái tim giới
nữ chỉ có một ngăn duy nhất, một khi ngăn ấy đã dành cho ai thì chỉ có yêu một
mình người ấy mà thôi. Các phụ nữ này rất yêu mến Chúa Giêsu. Chứng kiến cuộc
khổ nạn, các bà càng yêu mến Thầy mình hơn. Họ bất chấp tất cả. Bất chấp sự
chết, bất chấp mồ bị niêm phong, bất chấp cả lính canh. Miễn là họ được ở gần
vị Thầy tôn quý.
Thiết tưởng, một trái tim chân thành
như thế, ở giới nữ cũng như ở bất cứ ai, cũng xứng đáng nhận được Tin Mừng Phục
Sinh.
VÌ HỌ TRUNG THÀNH
Trước thảm kịch ngày thứ sáu tuần
thánh, chẳng ai bảo ai, các Tông đồ trốn chạy mỗi người một ngả. Mạnh miệng như
ông Tôma có lần hạ quyết tâm “Nào cùng lên Giêrusalem chịu chết cả đám”, thế mà
trong ngày thương khó của Chúa, ông là “người thợ lặn” giỏi nhất, lặn biệt tăm.
Sôi nổi như ông Phêrô có lúc đã quyết liệt “Dẫu mọi người bỏ Thầy, con đây xin
đồng sinh đồng tử với Thầy”. Thế mà sau đó chính ông trở thành kẻ chối Chúa táo
bạo nhất, không chỉ một lần mà những ba lần. Giuđa bán Thầy giá rẻ bằng 1 tên nô
lệ. Đầu Bin Lađen còn được treo giải 5 tirệu đôla. Đầu Sađam Hussein tới 36
triệu đôla. Trong khi cái đầu của Thầy chỉ đáng giá …một tháng lương. Các môn
đệ trốn chui trốn nhủi vì sợ liên luỵ.
Trong khi ấy, phụ nữ lại là những
người gắn bó trung thành với Chúa Giêsu hơn bất cứ ai. Họ có mặt bên Chúa trong
cuộc khổ nạn. Họ đứng gần dưới chân thánh giá cùng với Mẹ Maria. Họ góp sức
trong lúc an táng. Và dẫu Chúa đã ba ngày bị vùi chôn trong ngôi mộ niêm phong,
họ vẫn trung thành đến viếng thăm ngay từ khi bình minh ló rạng. Và thế là cửa
mồ đã mở toang và họ được hạnh phúc là những người đầu tiên ghi nhận sự kiện
phục sinh.
Nếu hạnh phúc không phải từ trời rơi
xuống, mà “như ngọc trong đá không có cho ai đi qua hững hờ”, thì rõ ràng gặp
được Tin Vui Phục sinh chính là hạnh phúc cho họ và cho tất cả những ai đã
trung thành gắn bó với Đức Kitô trong cuộc khổ nạn đời sống hằng ngày, bất luận
họ là giới nữ hay giới nam.
VÌ HỌ NHIỆT THÀNH
Hình ảnh người nữ nêu lên trong Phúc
âm Phục sinh rất lạ. Thay vì dáng vẻ yểu điệu thục nữ, thay vì những bước
chuyển động nhẹ nhàng dịu dàng, thì phụ nữ lại chạy, chạy vội vàng, chạy hớt
hải, cắm đầu mà chạy. Nhưng đó chính là hình ảnh sinh động minh họa cho một
chuyển động nhiệt thành. Lòng nhiệt thành chính là điều kiện cần thiết để loan
tin vui Phục sinh đến với mọi người.
Đức Kitô là đấng giải phóng. Một
trong các chiều kích giải phóng của Ngài là giải phóng phụ nữ. Có người còn cho
rằng chính Ngài là người đã khởi xướng phong trào giải phóng phụ nữ. Trong xã
hội Do Thái của thời Ngài, người nữ chỉ là một con số không, thế mà Ngài đã đối
xử với họ một cách thật trân trọng. Chúa đã quí mến Matta và Maria. Trong nhóm
người theo Ngài vẫn có những phụ nữ. Dưới thập giá Ngài, ngoài thánh Gioan ra,
chỉ toàn là phụ nữ.
Phụ nữ chân thành, trung thành và
nhiệt thành. Phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số nhân loại. Phụ nữ ngày càng khẳng
định vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng của mình trên mọi lãnh vực xã hội.
Hình như trong mọi tôn giáo, phụ nữ
chiếm đa số thành phần tín hữu giữ đạo. Thế nhưng quyền bính về tôn giáo thì
hầu hết lại do người nam nắm giữ. Phải chăng mọi tôn giáo đều mang cái mầm
‘ghét phụ nữ’ (misogynic) hay vì các tôn giáo được khai sinh vào thời đại mà
quan niệm trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào trong tổ chức tôn giáo?
Nhưng cũng bởi vì chúng ta vừa là
người Việt Nam vừa là Kitô hữu, nên chúng ta mang trong trong lòng mình cùng
một lúc hai truyền thống: truyền thống Việt Nam với nhiều dấu ấn của Tam giáo,
và truyền thống Kitô giáo với nhiều vết tích của Do Thái giáo. Vì thế, khi nói
đến người nữ, một số quan niệm - có thể rất lỗi thời, nhưng vẫn âm ỷ sống - cứ
chực trào lên. Về phía Khổng giáo: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “Tại
gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Về phía Do Thái giáo, sách
Talmud ghi: “Thà đốt sách Torah còn hơn là trao sách ấy cho một phụ nữ”.
Xuyên qua dòng lịch sử thăng trầm, chỗ đứng của người phụ nữ trong các tôn giáo như thế nào?
1) Phụ nữ trong các tôn giáo ngoài
Kitô giáo
a. Trong Do Thái giáo:
Trải qua một thời gian thật dài,
người phụ nữ Do Thái chẳng những không có quyền lên tiếng ở Hội Đường; mà ngay
cả trong tổ chức của các cộng đồng Do Thái, họ cũng không được quyền tham dự.
Hai mươi năm trở lại đây, trong các cộng đoàn Do Thái giáo ở ngoài Israel,
người ta đã thấy người nữ bắt đầu học hỏi về Talmud. Một số phụ nữ đã trở thành
luật sư trong các tòa án cộng đồng Do Thái. Một số người đã được công nhận là
rabbi, nghĩa là tiến sĩ luật Do Thái (hiện nay ở Mỹ có hơn 500 nữ rabbi). Tuy
nhiên họ chỉ can thiệp vào những công việc toà án và hành chánh. Trong Hội
Đường, trước sau như một, Luật Do Thái, Halakhah, vẫn cấm họ lên tiếng; nghĩa
là dù họ có tài giỏi và đạo đức đến đâu, thì họ vẫn không có quyền đọc và giải
thích Lời Chúa trong Hội Đường.
b. Trong Hồi Giáo:
Luật Hồi Giáo Charia không nhẹ nhàng
gì đối với người nữ. Họ luôn phải phục tùng chồng, hoặc cha hoặc anh em trai.
Ngay về vấn đề thừa kế họ cũng không có quyền được chia gia sản đồng đều với
anh hoặc em trai mình. Giá trị của họ chỉ bằng một nửa người nam. Ví dụ về giá
trị của một lời chứng, Kinh Coran nói rõ ràng: lời nói của một người nam có giá
trị bằng hai người nữ, vì nếu một người quên, thì người kia sẽ nhắc (II, 282).
Tuy nhiên cánh cửa về quyền bính tôn giáo không hoàn toàn đóng đối với họ. Kinh
Coran vẫn cho họ được bình đẳng với tư cách là tín hữu. Cho tới nay một số phụ
nữ đã được học thần học, và có thể nói về đạo ngoài xã hội. Còn trong đền thờ
Hồi Giáo thì người nữ không có quyền lên tiếng. Dĩ nhiên, người nữ chưa thể nào
giữ chức vụ imam, nghĩa là trưởng một cộng đoàn cầu nguyện, người có thể xướng
kinh cho cộng đoàn. Vào thế kỷ thứ XIV, triết gia Ibn Khaldoun - một người được
tôn trọng như Thomas d’Aquin đối với Công giáo -, đã khẳng định rằng người nữ
không thể nào giữ được chức vị ấy vì không bao giờ đáp ứng được bốn điều kiện
sau: kiến thức, sự công minh, khả năng chuyên môn và sức mạnh thể lý. Tuy nhiên
ông cũng nói thêm rằng: dù sao đi nữa, chức vụ này không thể trao cho phụ nữ vì
sứ điệp Coran chỉ dành cho người nam.
c.Trong Phật Giáo:
Phật Giáo khó lòng chấp nhận người nữ bằng hàng với người nam. Giáo lý chấp nhận rằng người nữ ‘cũng’ có khả năng đi đến giác ngộ... nhưng phải thông qua một số điều kiện, mà một trong các điều kiện là phải đầu thai làm một người nam. Ví dụ, truyền thuyết về vị công chúa, con vua Sagara (ngay tên công chúa cũng không được ghi, mà chỉ ghi tên cha mình). Cô ở vào tình trạng sắp giác ngộ. Khi nghe một môn sinh của Đức Phật giảng rằng người nữ cũng có thể trở thành Bồ Tát, cô bèn nhập vào hình hài một người nam (!) và giác ngộ. Qua các thời đại, người nữ đã bắt đầu lên tiếng. Tuy tại Việt Nam và tại Trung Quốc không thấy một sự phản kháng nổi bật nào từ phía phụ nữ, thì tại Kampuchia, tại Sri Lanka, tại Đài Loan, tại Thái Lan, một số phong trào phụ nữ đã nổi lên đòi quyền bình đẳng giữa các thượng tọa và các ni cô, nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Quả thật, Đức Dalai Lama có kêu gọi để cho người nữ được quyền giữ các chức vị trong tôn giáo như các thượng tọa ở Tây Tạng, nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa được thực hiện. Năm 1966 một lãnh đạo phong trào phụ nữ đề xuất một bộ luật nhằm đem đến sự bình đẳng trong chức vụ trong Phật Giáo giữa nam giới và nữ giới. Giới thẩm quyền trong đạo đã dứt khoát: “Không có luật đời nào có quyền thay đổi giáo huấn của Đức Phật.” Một tạp chí đăng tải như sau: “Than van về vấn đề kỳ thị nam nữ chỉ là công dã tràng: sự phân biệt ấy là một thực tại gắn liền với kiếp đàn bà.”
2) Phụ nữ trong Kitô Giáo
a. Hoài bão của phụ nữ:
Trong Kitô giáo thì chỗ đứng của phụ
nữ có vẻ thuận lợi hơn. Những nền thần học hướng về quyền phụ nữ đã được khởi
xướng từ hậu bán thế kỷ 20, cùng với những sự thăng tiến về vai trò phụ nữ
trong xã hội. Những tiếng nói đòi hỏi quyền bình đẳng phụ nữ khởi đầu với hai
biến cố, đó là sự ra đời của phong trào giải phóng phụ nữ và Thần Học Giải
Phóng. Tuy nhiên đòi hỏi này từng gặp sự nghi ngờ của hàng giáo phẩm. Dù sao đi
nữa, các nhà thần học nữ trong thế kỷ này có một hoài bão cao hơn: họ muốn được
tham gia trọn vẹn vào đời sống các Giáo Hội, mà không chỉ dựa vào những khuôn
mẫu do người nam đề ra mà thôi. Muốn làm như thế, họ bắt đầu đọc lại Kinh
Thánh. Con đường đến với Kinh Thánh vẫn mở rộng đối với phụ nữ hơn là con đường
chức vụ quyền bính trong các Giáo Hội Kitô giáo. Họ nối tiếp truyền thống các
nữ ngôn sứ thời xa xưa và tìm kiếm trong Kinh Thánh vai trò của họ với tư cách
là người nữ. Họ tin rằng cảm nghiệm người nữ hoàn toàn khác biệt với cảm nghiệm
của người nam, và họ có bổn phận phải đón nhận gia sản Kinh Thánh cho chính
mình.
b. Những hướng đọc Kinh Thánh dưới
cái nhìn phụ nữ:
Có ít nhất là ba hướng đọc lại Kinh
Thánh dưới cái nhìn phụ nữ.
- Một trong phương hướng nghiên cứu
là tìm cách đọc lại những đoạn Kinh Thánh hầu cho thấy rằng người phụ nữ đã
từng bị coi thường. Ví dụ năm 1984, Phyllis Tribble nêu lên vài câu chuyện điển
hình, và viết lại trong một tác phẩm của bà dưới nhan đề là Tragic Destinies
(Những số phận bi đát): số phận của Haggar, nữ tì của Sarah, đem hiến cho
Abraham rồi sau đó bị đuổi đi; số phận của Thamar, con gái của David, bị người
anh cùng cha khác mẹ với mình là Amnon hãm hiếp; hay số phận của người con gái
Jephté, mà thậm chí ta không biết tên: cô là nạn nhân vì một lời nguyền của cha
mình là sẽ tế sát người đầu tiên ông gặp khi ông trở về trong chiến thắng. Đối
với Phyllis Tribble, đó không phải là ‘chuyện đời xưa’, nhưng đó vẫn còn là
điều đang xảy ra trong thời đại chúng ta: số phận của người nữ bị áp bức.
- Hướng nghiên cứu thứ hai là tìm
lại những vị trí của phụ nữ mà cách đọc của nam giới đã làm mờ nhạt đi. Điển
hình là Elisabeth Schussler-Fiorenza. Trong tác phẩm In Memory of Her (Để tưởng
nhớ đến Bà), bà đã nhắc lại vị trí của người phụ nữ bằng cách lập lại lời sau
đây của Chúa: “Nơi nào Phúc âm được rao giảng, trên khắp thế gian, thì người ta
sẽ kể lại điều bà đã làm, để tưởng nhớ đến bà”. Qua đó bà cho thấy rằng phụ nữ
là yếu tố không thể thiếu được trong quá trình hình thành Giáo Hội và rao giảng
Tin Mừng.
- Một trào lưu thứ ba là xét lại
ngôn từ trong Kinh Thánh. Ví dụ Virginia Molenkott liệt kê những từ ngữ giống
cái mà ngôn ngữ Do Thái dùng để chỉ định Thiên Chúa: như Shekina(Đấng Hiện
Diện) hoặc Ruah(Thần Khí). Điều này cho thấy rằng Thiên Chúa là Cha nhưng đồng
thời Người cũng là Mẹ; nói cách khác, Thiên Chúa cũng có nữ tính, và nữ tính
này đã bị các giáo phụ làm mờ đi qua các thời đại. Do đó, chỉ có người nữ, với
sự nhạy cảm và lối tiếp cận hoàn toàn mang nữ tính mới cân bằng lại quan điểm
đầy nam tính từ trước đến giờ đối với Kinh Thánh.
c. Bước thăng tiến của phụ nữ:
3) Người nữ và chức linh mục trong
Giáo Hội Công Giáo
Tất cả những cố gắng của phong trào
bình đẳng nữ giới đã mang nhiều thăng tiến cho phụ nữ trong các Giáo Hội Kitô
giáo. Từ hai thập kỷ qua, người nữ đã có mặt trong mọi lãnh vực giáo hội: từ
giáo lý viên đến giáo sư thần học, từ vai trò linh hoạt viên đến những chức vụ
trong các hội đồng cao cấp. Riêng trong lãnh vực phụng tự, phụ nữ được cử hành
phụng vụ lời Chúa như người nam, mà không có một sự phân biệt nào. Tuy nhiên,
trong vấn đề chức thánh thì còn có giới hạn. Dù Giáo Hội Tin Lành tại Pháp đã
có mục sư từ 1966 và Anh giáo chấp thuận cho phụ nữ được phép nhận chức linh
mục, thì số lượng người có chức thánh này cũng còn rất ít so với người nam,
trong khi đó số tín hữu giữ đạo thì nữ giới lại chiếm tuyệt đại đa số. Riêng
trong giáo hội Chính Thống và Công Giáo, người nữ không thể nhận chức linh mục.
a. Một giai thoại:
Tháng 10 - 1987, một năm sau ngày
Đức Gioan Phaolô II được tấn phong giáo hoàng, Ngài thực hiện chuyến viếng thăm
mục vụ tại Mỹ và có mặt tại Vương Cung Thánh Đường Washington. Lối chừng 50 nữ tu
không mặc tu phục cầm khẩu hiệu: ‘Nếu phụ nữ có khả năng làm bánh, thì họ cũng
có khả năng bẻ bánh’. Nữ tu Theresa Kane được cử lên tiếp kiến Đức Giáo Hoàng
và bà tuyên bố trong máy vi âm. “Thưa Đức Thánh Cha, Giáo hội phải đáp ứng
những thiệt thòi của phụ nữ bằng cách xét xem khả năng của họ trong ngay cả
việc lãnh nhận chức thánh.” Đám đông hoan hô, nhưng Đức Giáo Hoàng không phát
biểu gì cả.
Vài tuần sau, nữ tu này đến Vatican
và được một cha trong Tòa Thánh tiếp kiến cùng với lời yêu cầu: ‘Đề nghị xơ làm
sáng tỏ lời phát biểu của mình’. Bà đã khẳng định: ‘Con muốn cha hiểu rằng con
bao hàm luôn cả việc thụ phong linh mục cho nữ giới; đúng, cả việc thụ phong
nữa.’ Tòa Thánh vẫn không nói gì, nhưng sau này, khi nữ tu Theresa Kane xin yết
kiến Đức Giáo Hoàng, thì được văn phòng Toà Thánh phúc đáp rằng “cuộc gặp gỡ sẽ
không thích hợp”
Hiện nay nhiều nhóm người ở Âu Mỹ có
khuynh hướng xem Đức Gioan Phaolô II là một Giáo Hoàng ‘ghét phụ nữ’
(misogynic). Những luận cứ họ đề ra như một bằng chứng là vì Ngài luôn chống
đối việc phá thai và việc phong chức linh mục cho phụ nữ. Sự thật thế nào?
Quan điểm của Đức Gioan Phaolô II
đối với phụ nữ.
Có lẽ nên trở về với những lời phát
biểu của Đức Giáo Hoàng, mà mọi người chắc chắn là những lời nói xuất phát tự
đáy lòng Ngài.
Những lời hay nhất mà Đức Gioan
Phaolô II đã phát biểu về phụ nữ xuất hiện trong Thư gởi phụ nữ (tháng 6-1995).
Những lời cảm động nhất nằm trong một đoạn của Vita consecrata (tháng 3-1996)
[Đời sống thánh hiến], nói lên rằng phụ nữ là ‘dấu chỉ lòng trìu mến của Thiên
Chúa đối với nhân loại”. Những lời thi vị nhất nằm trong Mulieris dignitatem
(tháng 9-1988) [Phẩm giá người nữ]: ‘Tiếng reo của người nam đầu tiên khi thấy
người nữ vừa được tạo thành là một tiếng reo ngưỡng mộ và vui mừng, và tiếng
reo ấy đã xuyên qua suốt dòng lịch sử nhân loại ở trần gian’.
Trong Thư gửi phụ nữ, ta có thể đọc:
“Cám ơn người, người nữ, chỉ vì
người là phụ nữ! Nhờ cách nhận thức đầy nữ tính mà người đã làm phong phú cho
sự thông cảm của thế giới và góp phần vào sự chính trực của các tương quan giữa
người và người.
Nhưng, tôi biết rằng chỉ cám ơn mà
thôi thì chưa đủ. Đau lòng là chúng ta đã kế thừa từ lịch sử nhiều yếu tố tác
động khiến cho, ở mọi thời và mọi nơi, con đường của phụ nữ thật khó đi: người
ta coi nhẹ phẩm giá của họ, bỏ qua quyền hạn của họ, thường gạt họ ra ngoài lề
xã hội và thậm chí biến họ thành nô lệ...
Nhân loại đã mắc một món nợ khổng lồ
vì cái “truyền thống” trọng nam khinh nữ ấy. Biết bao phụ nữ đã và đang bị đánh
giá dựa trên ngoại hình hơn là dựa trên khả năng, trình độ nghiệp vụ, hoạt động
trí thức, sự nhạy cảm phong phú của họ, và tóm lại, dựa trên chính cái phẩm giá
của con người họ !” (Thư gửi phụ nữ, 29-06-1995)
Trong tông huấn Vita consecrata, ta
không thể nào bỏ qua đoạn này: “Từ kinh nghiệm về Giáo hội và lối sống của
người nữ trong Giáo hội, nữ tu góp phần xóa đi một số quan niệm một chiều;
những quan niệm ấy ngăn cản không cho ta nhận thấy phẩm giá của họ, phần đặc
thù mà họ đóng góp vào đời sống và hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo
hội. Như vậy, quả là chính đáng nếu nữ tu ao ước được nhìn nhận rõ ràng hơn
chân tính, khả năng, sứ mạng và trách nhiệm của họ, trong nhận thức của Giáo
hội cũng như trong đời thường. [...] Do đó, khẩn thiết phải thực thi vài bước
cụ thể, khởi sự bằng cách mở ra cho người nữ những không gian để họ tham gia
vào nhiều khu vực khác nhau và ở mọi mức độ, kể cả trong tiến trình soạn thảo
các quyết nghị, nhất là những quyết nghị liên quan đến họ.” (Tông huấn Vita
consecrata, tháng 3-1996).
Từ nữ tu, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời
với toàn bộ phụ nữ, và đề cao giá trị của họ. Trong một số đoạn của Mulieris
dignitatem (1988), Ngài đã sửa sai thánh Phaolô (chưa một giáo hoàng nào làm
như vậy trước đây) và sửa sai cả lịch sử Giáo hội, về vấn đề người nam “là chủ nhân”
của người nữ và về tội lỗi của bà Eva: “Một cách nào đó, lời mô tả của Kinh
Thánh về tội nguyên tổ trong sách Khởi nguyên (chuơng 3) “đã phân chia vai trò”
của người nữ và người nam. Sau này, một số đoạn Kinh Thánh khác cũng qui chiếu
lại, ví dụ như trong thư Thánh Phaolô gửi ông Timôthê: “Chính Adam đã được tạo
dựng trước, rồi mới đến Eva. Cũng không phải Adam đã sa ngã khi bị dụ dỗ, mà là
người đàn bà.” (1 Tm 2,13-14). Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, dù cho bài mô
tả của Kinh Thánh có “có phân chia các vai trò”, thì tội đầu tiên này vẫn là
tội của loài người, mà Thiên Chúa đã dựng nên có nam có nữ. Đấy cũng là tội của
những “cha mẹ tiên khởi”, kèm theo tính chất cha truyền con nối. Và vì thế mà
ta gọi là tội nguyên tổ.” (Mulieris dignitatem, tháng 9-1988, số 9)
Có lẽ không cần phải quảng diễn lâu
dài về những điều mà mọi người đều đọc được và hiểu được về quan điểm của Đức
Thánh Cha. Nhưng Đức Thánh Cha cũng là người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo,
vì thế hơn ai hết, Ngài phải trung thành với lập trường Giáo Hội.
b. Lập trường Giáo Hội:
Về chức linh mục, Giáo Luật chỉ có
một câu duy nhất liên quan đến người nữ, hay đúng hơn chỉ có một câu nói lên
điều kiện mà phụ nữ không thể có được. Điều 1024 ghi một cách ngắn gọn: ‘Chỉ
người thuộc nam giới đã nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy mới được nhận lãnh thành sự
chức thánh.’
Có nhiều văn bản nói lên lập trường
của Giáo Hội, nhưng ở đây, chúng tôi chỉ nhắc lại ba văn bản gần chúng ta nhất.
Văn bản thứ nhất là tuyên ngôn Inter Insignores mà Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin
công bố năm 1967, dưới triều đại của Đức Phaolô VI. Đây là văn bản với nhiều
luận cứ và khá ôn hòa, vì trong thời gian Công Đồng Vatican II, vấn đề chức
linh mục của phụ nữ đã được đề ra và ý kiến phản đối cũng như ý kiến ủng hộ đều
có cơ sở vững vàng. Tuy nhiên lời kết luận của văn kiện ấy thật rõ ràng. Trong
phần này có một câu mà người ta đã gán một cách sai lầm cho Đức Gioan Phaolô
II: “Giáo hội... cảm thấy rằng mình không được phép chấp thuận việc thụ phong
linh mục cho phụ nữ.” Để chấm dứt sự tranh luận kéo dài mãi không ngơi, vào
tháng năm 1994, Đức Gioan Phaolô II đã công bố Tông Thư Ordinatio sacerdotalis.
Văn kiện này là một trong những văn kiện ngắn nhất, chỉ dài có 6 trang. Và dù
Ngài là một Giáo Hoàng thao thức nhất từ trước đến giờ đối với vai trò phụ nữ,
lập trường vào cuối thư vẫn dứt khoát: “Tôi tuyên bố rằng Giáo Hội không thể
nào có quyền trao chức linh mục cho phụ nữ và lập trường này phải được mọi tín
hữu xem là lập trường vĩnh viễn”. Vĩnh viễn! Thế nhưng người ta vẫn tiếp tục
bàn ra tán vào. Đến năm 1997, cũng chính Giáo Hoàng đã phê chuẩn một văn kiện
nữa của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và ra lệnh công bố văn kiện ấy. Văn bản ngắn
gọn nhưng rõ ràng: ‘Dựa trên Lời Chúa (nên người ta phải xem lập trường Giáo
Hội về vấn đề chức linh mục của phụ nữ) là một tín điều thuộc Kho Tàng đức
tin... do Huấn Quyền đề ra một cách bất khả ngộ. .. Huấn Quyền yêu cầu mọi
người qui thuận một cách vĩnh viễn” (Người viết nhấn mạnh). Văn bản này là văn
bản tối hậu và mang tính chất tín lý. Nhưng rồi những phong trào đòi quyền
thăng tiến phụ nữ vẫn tiếp tục âm ỷ bàn tán, đặc biệt là ở Mỹ châu.
4) Nam nữ bình đẳng và bổ túc cho
nhau.
Nhìn lại các tôn giáo, ta thấy rằng
phụ nữ luôn bị thiệt thòi. So với các tôn giáo bạn, thì hình như Kitô Giáo dành
cho người nữ sự tôn trọng cao hơn.
Cám dỗ lớn của người nữ là tự coi
mình như người nam hạ cấp, để tự đánh giá mình với lòng ganh tị, thèm được
giống người nam. Do đó, họ có khuynh hướng tự ty, trong khi họ chỉ khác người
nam thôi. Vậy trước hết, phải dứt bỏ lòng ganh tị và chấp nhận nữ tính của
mình. Chúng ta chỉ trưởng thành khi tự biết mình khác biệt và chấp nhận chính
mình, vai trò đặc thù của mình, cách thức sống làm người của mình.
Nhưng làm thế nào chấp nhận mình là
khác ? Ngày nay, người ta có khuynh hướng đặt câu hỏi này trên bình diện công
ăn việc làm. Một số người đòi cho phụ nữ được làm những công việc y như đàn
ông, một số khác từ chối không chịu vậy. Thật ra, tự nó, có lẽ công việc không
phải là của đàn ông hay của đàn bà. Người ta nói: đời sống ở xưởng không hợp
với đàn bà. Tự nó, đời sống ở xưởng có hợp với đàn ông hơn không ? Người ta
nói: đàn bà phải có mặt trong gia đình.
Vậy đàn ông không cần có mặt sao ?
Ngược lại, nơi công cộng, trong giới chính trị và kinh doanh, đàn bà không có
tiếng nói của mình sao ? Một tiếng nói mà chỉ có họ biết nói lên, và có khả
năng biến đổi bộ mặt của xã hội biết bao ! Vậy vấn đề không phải là nhận hay từ
chối công việc, mà là cung cách chu toàn công việc. Cùng làm một việc, có cách
làm của đàn ông và cách làm của đàn bà. Chính điều này mới là quan trọng.
Vì thế, không nên cố làm cho phụ nữ
hoàn toàn “bình đẳng” theo nghĩa làm bằng và làm giống hệt người nam. Hai bên
phải là tương xứng và bổ sung cho nhau.Trong Giáo Hội như ngoài xã hội, không
phải là nữ sẽ thế vai cho nam, mà là góp phần của mình, theo cách thức nữ của
mình. Bằng không, Giáo hội cũng như xã hội chỉ bị thiệt mà thôi.
Kết luận:
Các bậc nữ trung trên trường quốc tế
nhiều vô kể. Tại Việt Nam, có lẽ không ai là không biết đến gương sáng và đời
sống của các nữ anh hùng dân tộc nổi tiếng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng
Bùi Thị Xuân… mà đời sống của họ đủ cả tam tòng tứ đức lẫn công dung, ngôn
hạnh, đáng để cho con cháu mọi đời noi theo.
Ngày hôm nay, những người nữ tài
khéo, đảm đang vẫn tiếp tục làm rạng danh non sông, tiếp tục cống hiến khả năng
và sức lực của mình để dựng xây quê hương đất nước. Họ có mặt trong đủ mọi địa
vị và ngành nghề. Họ là những nữ giáo viên, nữ y sĩ, nữ công nhân, nữ thương
gia, nữ học sinh, sinh viên vv… nhiều lễ hội tôn vinh những vị nữ trung đó.
Nhiều Phụ Nữ Tông Đồ trong Tân Ước,
rồi dọc dài lịch sử Giáo hội nhiều Thánh Nữ góp phần vào sự thánh thiện của
Giáo hội như thánh Catarina Sienna, Têrêxa Avila, Têrêxa Hài Đồng, Têrêxa
Calcutta...
Một biến cố lịch sử trong Giáo Hội
Việt Nam, sau 500 năm, có thêm người phụ nữ thứ hai được bầu vào chức vụ Chủ
Tịch Hội Đồng Mục Vụ của giáo xứ.
Vào ngày 7 tháng 3 vừa qua, trước ba
ngày kỷ niện Ngày Phụ Nữ Quốc Tế, tại giáo xứ Tân Định, một trong những giáo xứ
lớn hàng đầu của giáo phận Sàigòn, Linh mục chính xứ Gioan Baotixita Võ Văn
Ánh, đã bắt tay và trao chứng chỉ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ xứ Tân Định cho bà
Têrêxa Đinh Thụy Miên. Buổi lễ đã diễn ra rất trang trọng, có hơn 1000 người,
kể cả những đồng bào không Công Giáo được mời tham dự.
Linh Mục Võ Văn Ánh, Chủ Tịch Ủy Ban
Giáo Dân thuộc Tổng Giáo Phận Sàigòn nói với cộng đoàn trong buổi lễ rằng Bà
Miên là phụ nữ đầu tiên của giáo xứ giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ. Tại Giáo
Phận Sàigòn với hơn 650,000 tín hữu, thuộc 200 giáo xứ lớn nhỏ khác nhau, không
giáo xứ nào có Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ là phụ nữ mà từ trước tới nay, chức vụ
này vẫn được trao cho qúy ông.
Cha Ánh tuyên bố: “Đây là cuộc cách
mạng trao quyền cho phụ nữ”.Bà Miên đã được các thành viên Hội Đồng Mục Vụ và
các đoàn thể trong giáo xứ Tân Định bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ trong một
phiên họp diễn ra vào ngày 1 tháng 3 năm 2009. Nhiệm kỳ của bà sẽ mãn vào năm
2011.
Theo cha chính xứ Tân Định, đây mới
chỉ là một phần Giáo Hội muốn trao quyền cho phụ nữ để họ thi hành sứ vụ rao
giảng Tin Mừng. Ngài nói “Tôi muốn các vị phụ nữ trong xứ đạo được trao quyền
để họ đảm trách các sinh hoạt của giáo xứ. Hiện nay Hội Đồng Giáo Xứ có 33
thành viên, trong đó một nửa là qúy bà, họ đang cố vấn và giúp đỡ tôi trong
việc điều hành giáo xứ”.
* Bà Đinh Thụy Miên
Ông thân sinh của Bà Miên trước đây
là Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ. Bà Miên có ba người con. Trong 26 năm qua bà là kế
toán viên và sau này là Giám Đốc trung tâm cai nghiện của nhà nước.Trong giáo
xứ, Bà cũng là thành viên trong tổ chức hỗ trợ ơn kêu gọi tu trì. Hiện nay bà
đang điều hành cơ sở kinh doanh sửa sắc đẹp.
Bà Miên đã ngỏ lời với công đoàn
trong buổi lễ. Bà nói “Xin mọi người cầu nguyện cho tôi để tôi hoàn thành tốt
sứ vụ được trao phó. Tôi rất lo lắng vì chức vụ này đòi hỏi nhiều thời gian và
kỹ năng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy an tâm và tin tưởng vì có cha chính xứ và giáo
dân trong xứ đạo hỗ trợ tôi”
Bà Catherine Đỗ Thị Liễu, 53 tuổi,
người giáo xứ Tân Định phát biểu: “ Là phụ nữ, tôi rất hãnh diện vì bà Miên đã được
Giáo Hội trao quyền. Rất nhiều phụ nữ đã đang giữ những chức vụ quan trọng
trong nhiều tổ chức. Do vậy Giáo Hội nên để cho phụ nữ Công Giáo đảm nhận những
chức vục có ảnh hương trong Giáo Hội. Tôi tin bà Miên sẽ chu toàn được sứ vụ và
tôi sẽ cầu nguyện cho bà”.
Tưởng cũng nên giải thích thêm, Chủ
Tịch Hội Đồng Mục Vụ hay Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ là danh xưng mới xuất hiện
gần đây, sau Công Đồng Vatican II. Trước đó chức vụ này ở miền Bắc trong các xứ
lớn gọi là Chánh Trương, xứ nhỏ gọi là Trùm Chánh. Tại miền Nam Hội Đồng Giáo
Xứ gọi là Qưới Chức, và người đứng đầu là ông Câu.
Sự kiện bà Miên được bầu làm Chủ
Tịch Hội Đồng Giáo Xứ là một biến cố lịch sử của Giáo Hội Việt Nam vì trong gần
500 năm đạo Công Giáo có mặt tại đây, người ta chỉ thấy chức vụ này dành cho
qúy ông.
Theo Linh Mục Đinh Huy Hưởng, Giám
Đốc Caritas Sàigòn, giáo xứ Hòa Bình hạt Gò Vấp thuộc giáo phận Sàigòn đã có Nữ
Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ cách đây khoảng trên 20 năm và các Linh Mục rất khâm
phục quyết định của giáo xứ Hòa Bình. Tuy nhiên, tin tức này đã không được
chính thức loan ra thành ra giới sử học không biết gì về tin này.
Về sách vở Công Giáo không thấy mấy
tác giả để cập vấn đề phụ nữ tham gia hội đồng giáo xứ. Mãi tới những năm của
thập niên 80 của thế kỷ trước, Linh mục Ngô Phúc Hậu, trong tác phẩm Nhật Ký
Truyền Giáo mới đề cập đến vấn đề này một cách đại cương khi ngài thấy 1000
người trong ban mục vụ về họp tại Tòa Giám Mục giáo phận Hưng Hóa chỉ toàn đàn
ông và Ngài đã đặt câu hỏi: “ Ủa ! 1000 thành viên hội đồng giáo xứ mà không có
người phụ nữ nào sao? Có bình thường không nhỉ? (theo web: saigonecho.com;bài
ngày 10/3/09- Nguyễn Long Thao).
Có câu chuyện huyền thoại kể rằng:
Một hôm Thiền Sư già kia, nói với đệ tử của mình rằng: “Này anh bạn, ta có một
điều tệ nhất là: ta không hiểu biết gì về người phụ nữ cả. Hãy nói cho ta biết
phụ nữ là gì đi ?”
Người học trò mỉm cười nói rằng:
“Thuở mới sinh ra trái đất, ông thợ
Tạo Hóa chỉ dựng nên có một mình ông Ađam, ông lang thang một mình trong vườn
địa đàng mênh mông rộng lớn, trong khi các loài vật khác đều có cặp có đôi quấn
quýt bên nhau. Thấy ông cô đơn hiu quạnh, thơ thẩn đi vào đi ra. Tạo Hóa thấy
thế mà thương, bèn nghĩ rằng: mình phải tạo dựng cho Ađam một người bạn đường
thôi, để nó sống một mình cũng không tốt. Lúc ấy Tạo Hóa mới nhớ ra rằng: lúc
trước mình tạo dựng muôn vật từ hư vô, nay mọi sự đã trở nên hiện hữu, sao mình
không lấy chính cái hiện hữu để tạo thêm một vật nữa nhỉ ?
Trong lúc nan giải, Tạo Hóa suy nghĩ
một hồi lâu, rồi quyết định rằng sẽ tập trung tất cả vạn vật lại lấy mỗi thứ
một tí để chế tạo ra người phụ nữ. Và Tạo Hóa đã lấy vẻ đầy đặn của mặt trăng
tròn 16, đường cong của các loại dây leo, dáng run rẩy của hoa cỏ, nét mảnh
khảnh của lau sậy, màu sắc rực rở trên cánh bướm, sự nhẹ nhàng của chiếc lá, sự
tinh tế ở đầu vòi voi, cái nhìn ngây thơ của nai tơ, cái xúm xít của đàn ong
mật, ánh sáng rực rỡ của mặt trời, nét xa xăm của tầng mây, sự lay động của làn
gió, sự lộng lẫy kiêu sa của chim công, chất cứng rắn của kim cương, vị ngọt
ngào của trái chín, lòng tàn nhẫn của hùm beo, sức thiêu đốt của ngọn lửa, khí
lạnh lẽo của băng tuyết, tiếng kêu khắc khoải của chim quyên, tính nết dối trá
của cò vạc v.v..., nói chung, tất cả mọi thứ, mỗi thứ một tí.
Tạo Hóa đem hết thảy những thứ đó,
nhào nặn với khúc xương sườn của Ađam để tạo thành người phụ nữ ( người phụ nữ
phức tạp, với đầy đủ mọi sắc thái, mọi tinh chất của vũ trụ; nên không thiếu
một thứ gì mà không có trong con người phụ nữ ấy ) rồi tặng cho Ađam”.
Người học trò vừa kể đến đây, chưa
kịp đưa ra câu kết, thì ông thầy già liền vội vàng ngăn lại: “Đừng nói gì thêm
nữa... điều tệ nhất của ta đã hết hạn !”
Vâng, người phụ nữ với đầy đủ mọi
sắc thái, cá tính, không thiếu một tính chất gì của vũ trụ như thế; nên đã làm
cho biết bao nhiêu người trong giới đàn ông, không biết phải đối xử thế nào cho
phải, hay suốt đời đàn ông cứ phải chiều phụ nữ ăn đi ăn lại quả trái cấm...
Mình nói như thế không biết có quá đáng không nhỉ ?
Nhân loại ngày nay đang biến chuyển
nhiều, đang từ từ trả lại cho phụ nữ chỗ đứng và phẩm giá của mình. Mặc khải
trong Kinh Thánh cũng đã phần nào soi sáng chúng ta về quá trình biến chuyển
trên. Là “Ađam mới”, là “Trưởng Tử trong mọi loài thọ sinh”, Chúa Giêsu qui tụ
mọi người lại thành một khối -đàn ông cùng với đàn bà, vượt lên trên mọi ranh
giới mà xã hội loài người đã dựng lên trước đó.
Nhờ vậy, con người dù là nam hay nữ
hằng ngày khám phá rằng mình nằm trong một mạng lưới gồm vô số tương quan với
thế giới xung quanh, trong đó có Thiên Chúa và có anh em. Trong mạng lưới ấy,
mỗi người, nam hay nữ, đều góp phần của mình. Bước thăng tiến này của nhân loại
là do Đức Ki-tô dẫn đầu và điều khiển, vì Người là “Anpha và Ômêga”. Nhờ vậy,
“không còn chuyện Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà,
nhưng tất cả chỉ là một, trong Đức Kitô” ( Gl 3, 28 )
Trong đời sống thiêng liêng của
người Kitô hữu, Đức Maria là người phụ nữ tuyệt vời hơn mọi người phụ nữ
"Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang
cũng được chúc phúc” ( Lc 1, 42 ). Đức Maria là gương mẫu của mọi người phụ nữ,
nét đẹp từ trong tâm hồn, lời nói và đời sống của Mẹ nâng cao phẩm giá giới phụ
nữ.
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức
Chúa Trời ở cùng Mẹ, Mẹ có Phúc hơn mọi người phụ nữ. Mẹ là Nữ Hoàng của mọi
người phụ nữ...Người Phụ Nữ được Thiên Chúa ưu ái đặc tuyển của muôn đời đã
từng rất thương đau, nhưng cuối cùng vẫn uy hùng bước vào vinh quang như đạo
binh xếp hàng vào trận. Dòng dõi của Người Nữ Diễm Phúc luôn mãi ngời sáng giữa
lòng nhân loại hôm nay.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An.
Nguồn: VietCatholic News (07 Mar 2010 11:51)