02/02/2009
4356

THÁNH GIOAN LA SAN MỘT ĐỜI CHO GIÁO DỤC

 

Sư Huynh Phạm Quang Tùng, FSC

 

Nhân loại xem giáo dục như một biện pháp cần thiết để thực hiện những lý tưởng hòa bình, tự do và công bằng. Dân tộc Việt Nam cũng luôn xem “Giáo Dục là Quốc Sách”. Thật vậy, đây chính là một phương tiện thúc đẩy việc phát triển nhân loại sâu sắc hơn, hài hòa hơn và do đó giảm bớt tình trạng nghèo khổ, sự loại trừ, ngu dốt, áp bức và chiến tranh[1]. Cách đây 300 năm đã có một con người chẳng những nhận ra được chân lý đó mà còn thấu đạt sâu xa hơn và đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục giới trẻ, đặc biệt trẻ nghèo. Con người đó chính là Gioan Baotixita La San (1651-1719).

Một Cuộc Đời Hy sinh vì Giáo Dục

Sinh ra trong một gia đình trâm anh thế phiệt, trong thời đại quân chủ phong kiến, với những chất tố nhân bản và đạo đức hơn người, tương lai của cậu Gioan Baotixita La San (Gioan La San) lẽ ra phải ở trong hàng ngũ, nếu không là giới quí phái thì cũng là giới giáo sĩ, giáo phẩm chứ không thể là giới giáo chức: Con đường đến với giáo dục của Linh Mục Gioan không hề được vạch sẵn. Và để xây dựng được sự nghiệp giáo dục Kitô cho trẻ em nghèo, Linh Mục Gioan, từng bước một, theo gương của Thày Giêsu chí thánh “vốn dĩ là Thiên Chúa ... đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế...” (Pl 2, 6-7).

Hy sinh gia tài và sự nghiệp

Khác với biến cố đầy kịch tính và đột ngột của Phaolô trên đường đi Damas (Cv 9, 1-18), việc hiến mình cho công cuộc giáo dục của cha Gioan đã không là một bùng nổ chốc lát của nhiệt tâm mà là một hành trình tiệm tiến suốt cả cuộc đời. Như thánh nhân thú nhận[2], ngài đã chẳng nghĩ gì về trường trại cả, và thậm chí, nếu biết trước sự thể thì ngài đã không chạm tay tới. Thật vậy,

đối với một linh mục kinh sĩ trẻ 28 tuổi, thuộc gia đình quí phái và đầy triển vọng thì ý nghĩ phải chung vai sát cánh, sống chung với các thày giáo và làm việc trong những ngôi trường miễn phí tồi tàn, dạy dỗ cho đám trẻ nghèo thuộc giới bần cùng, đã là một điều không thể chịu được. Thế mà, vì muốn công cuộc giáo dục trẻ em giới nghèo thuộc các gia đình thợ thuyền được vững chắc với những con người nhiệt tâm, Linh Mục Gioan La San đã phải đứng hẳn vào hàng ngũ những thày giáo, mà trong thuở ban đầu, ngài đã đánh giá họ còn thua kém những người ăn kẻ ở trong nhà của ngài.

Thật ra, ban đầu, ngài chỉ đến với họ vì “bác ái”, một sự giúp đỡ của người có của cải, có khả năng tổ chức đối với công cuộc mang tính cứu tế. Năm 1679, ngài nhận lời giúp ông André Nyel thiết lập các trường miễn phí cho các trẻ nam. Ngài lo CHO những trường này bằng cách thu xếp chỗ ăn ở của các thày giáo hầu giúp họ tận tụy thực thi sứ mạng của họ. Nhận thấy rằng việc giáo dục có kết quả hơn nếu các thày giáo được huấn luyện tốt hơn, ngài đã sống VỚI họ; ban đầu là giúp họ trọ gần nhà mình, rồi vào trú ngụ trong chính nhà của ngài (1681) để dễ dàng dạy bảo họ.

 

Thế rồi, từ dấn thân này dẫn đến dấn thân khác, Linh Mục Gioan La san đã từ bỏ chức kinh sĩ và các bổng lộc của chức vụ giáo sĩ này. Tiến trình hoán cải này đã lên tới đỉnh cao, khi trong nạn đói khủng khiếp 1683-1684, Linh Mục Gioan bố thí toàn bộ tài sản của mình để có thể sống NHƯ các thày giáo[3]. Họ đã phải nhờ đến của bố thí, và đã có những ngày, cộng đoàn họ vào nhà cơm đọc kinh trước bữa ăn và đọc tiếp theo kinh cám ơn và đi ra trong bụng chưa có hột cơm nào!

Chịu bắt bớ gian truân

Tự nguyện làm thân bần cùng, trút bỏ mọi tước vị và tương lai trên đây mới chỉ là khúc dạo đầu của bản “giao hưởng đau thương” mà Gioan La San cử trong gần 40 năm sự nghiệp giáo dục người nghèo của ngài. Linh Mục J.B Blain, viết tiểu sử của ngài, đã tốn nhiều giấy mực để mô tả những khổ cực vật chất mà vị thánh đã phải trải qua. Những ai có dịp tham quan phòng trưng bày hiện vật của vị thánh lập Dòng La San và quan sát chiếc áo dòng vá chằng vá đụp mà thánh nhân đã mặc khi còn sinh thời sẽ thấm thía những hy sinh của vị linh mục xuất thân từ gia đình nhung lụa quí tộc này.

Công cuộc bác ái này là đáng kính phục nhưng không phải là ai ai cũng luôn luôn nghĩ như vậy để mến chuộng và ủng hộ. Vì sợ “bể nồi cơm” trước sự thành công của trường các sư huynh, nên các thày đồ thời đó đã không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn: dèm pha, cáo gian, vận động giới chức quyền, kiện tụng chống lại ngài và các trường miễn phí của ngài, thậm chí còn dùng bạo lực xông vào các lớp, quăng hết bàn ghế của học sinh ra đường!

Giáo quyền, ban đầu ủng hộ các trường La San, nhưng trong nhiều trường hợp, vì quyền lợi cục bộ mà họ sẵn sàng đổi thái độ và bắt bớ ngài. Đã nhiều nơi các thày trò Gioan La San đã phải rũ áo ra đi trong sự thương tiếc của biết bao học sinh và phụ huynh. Cuộc thương khó này đã góp phần giúp Linh Mục Gioan đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô mà ngài hằng ngày chiêm ngưỡng. Nghiệt ngã thay, cũng chính trong tuần thương khó, trên giường trọng bệnh và trong cơn hấp hối, Linh Mục J.B. Blain đã phải nẫu lòng thông báo với Gioan La San người anh em họ mình rằng ngài bị Đức Tổng Giám Mục thành Rouen “treo chén”: rút quyền làm lễ và giải tội! [4] và cũng vào đúng ngày thứ Sáu Tuần Thánh, theo gương Chiên Toàn Thiêu phó linh hồn trong tay Cha (Lc 23, 46), thánh nhân cũng đã thốt lên: “Tôi thờ lạy thánh ý Chúa trong mọi sự” và trút hơi thở cuối cùng.

Lúc sinh thời, việc muốn củng cố sự nghiệp giáo dục cho trẻ em nghèo cho thật vững chắc và hữu hiệu đã khiến thánh nhân đổ hết công sức xây dựng một Hội Dòng với các tu sĩ - giáo viên, tự nguyện hiến thân cho công cuộc giáo dục thanh thiếu niên, đặc biệt trẻ nghèo: Dòng Các Sư Huynh Trường Kitô (còn được gọi tắt là Dòng La San). Dẫn dắt các sư huynh đến sự toàn thiện của đấng bậc họ và công việc dạy dỗ của họ, bôn ba tổ chức trường trại là mối bận tâm lớn của ngài và cũng đã vắt kiệt sức lực ngài. Ngài cũng thường xuyên đi thăm viếng các trường[5]. Những cuộc thăm viếng như vậy giúp ngài quan sát mức độ tiến bộ của các sư huynh, cách họ dạy lớp, cách họ ứng xử với học sinh. Hoa trái của các cuộc viếng thăm này là các sư huynh được canh tân và khích lệ trong công tác. Ngài cũng đã dùng thư từ mà củng cố mối liên lạc với họ, các lá thư này đầy những lời khen tụng nhưng cũng không ít lời cảnh cáo, và nhất là chỉ dẫn đầy thương yêu sao cho các sư huynh luôn trung thành và mẫu mực trong phận vụ dạy dỗ của họ và qua đó công cuộc giáo dục được phát triển.

Nếu các sư huynh là chỗ dựa, niềm vui của ngài thì họ cũng là nguồn của biết bao âu lo và cay đắng cho ngài. Nỗi cực nhọc khắc nghiệt của cuộc sống đã khiến vị Thánh Lập Dòng lòng đau như cắt khi thấy những sư huynh trẻ thân yêu của mình mang bạo bệnh mà qua đời khi mới ở độ tuổi hai mươi. Sự bấp bênh của nghề nghiệp cũng đã khiến không ít sư huynh rã ngũ. Thậm chí vào cuối đời của ngài, như Đức Giêsu bị các môn đồ bán đứng hay chối bỏ, ngài cũng đã bị chính Nicolas Vuyart, một sư huynh mà ngài tín cẩn nhất, người đã cùng ngài và Sư Huynh Gabriel Drolin, anh hùng tuyên khấn trung thành với Hội Dòng “cùng chung và liên kết lo cho các trường miễn phí ở bất cứ nơi nào cho dù có phải sống nhờ bố thí và lương thực chỉ là bánh mì và nước lã”[6] (1691), đã phản bội ngài.

Cống Hiến Mọi Tài Năng Cho Giáo Dục

Không chỉ hy sinh vật chất và chấp nhận những gian truân hành chánh hoặc đau khổ từ các môn đồ - anh em của mình, thánh Gioan La San cũng đã cống hiến con tim, khối óc của mình cho giáo dục. Tuy không được huấn luyện chuyên ngành sư phạm, vị tiến sĩ thần học của chúng ta, với óc tổ chức thiên bẩm của người con trưởng đã phải quán xuyến việc giám hộ các em mình khi tuổi mới 20, với óc lô gích chuẩn mực của thời đại kinh điển (thế kỷ XVII), với kinh nghiệm thực tế, với nhiệt tâm và nhất là với tầm nhìn thần bí (mystique) của những đêm trường chiêm niệm, ngài đã có được những đột phá đáng chú ý trong việc đem ánh sáng giáo dục đến cho giới trẻ bình dân.

Giải pháp đúng đắn cho xã hội

Sống trong một xã hội chuyển mình từ thời đại Trung Cổ sang thời Cách Mạng Công Nghiệp, thánh Gioan La San đã có một phân tích rất xác đáng về tệ nạn của thời đại ngài. Ngài đã nhận ra rằng nghèo đói, dốt nát và tội ác là một vòng lẩn quẩn càng ngày càng xiết chặt vòng kim cô chết chóc trên con người trong xã hội.

Những gia đình thợ thuyền và người nghèo thường để mặc con cái lêu lổng trong suốt thời gian mà các trẻ này chưa thể có công ăn việc làm. Các bậc cha mẹ chẳng lo gửi con em mình tới trường hoặc vì hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền trả học phí, hoặc vì phải bôn ba làm ăn xa nhà nên trẻ em bị bỏ mặc.

 

Hậu quả của tình trạng này thật là tai hại: những trẻ thiếu may mắn này, quen thói ăn không ngồi rồi trong nhiều năm tháng sẽ khó làm quen với lao động. Thêm vào đó, vì la cà với bạn bè xấu, chúng học cách phạm nhiều thứ tội mà sau này chúng khó mà dứt bỏ vì đã nhiễm thói hư tật xấu quá lâu rồi[7].

Phân tích chiến lược của nhóm Global Business Network Project Team (2000) cho thấy rằng vị linh mục lập Dòng La San đã nhận định đúng khi cho rằng vòng lẩn quẩn trên không thể giải quyết được bằng cách đối phó riêng lẻ, mà phải bằng một chiến lược tổng thể[8]:

-  Việc đối phó với tệ dốt nát cần đến giáo dục;

-  Việc đối phó với nạn người nghèo bị gạt ra ngoài lề xã hội đòi hỏi giáo dục phải được thực hiện trong một cộng đồng đức tin mang đến cứu độ cho cả thày và trò;

- Việc đối phó với ách nghèo túng thì việc học hành phải miễn phí.

Vì thế mà nhà trường La San chủ trương: nhân bản - Kitô - miễn phí như thế, trẻ em ít may mắn sẽ có thể đến trường mà không hao hụt ngân quỹ hạn hẹp của gia đình, và sống suốt ngày tại trường, trẻ học đọc, học viết, học đạo. Việc lao động học tập luôn luôn như thế sẽ giúp trẻ sẵn sàng làm việc khi cha mẹ chúng gửi chúng đi làm[9].

Những cải cách giáo dục

Những cải cách và ý tưởng của ngài cũng cho thấy bước đi trước thời đại của ngài[10]:

- Dạy theo từng nhóm học sinh cùng trình độ (thời đó các giáo viên còn dạy theo lối cá thể, từng học viên một trong khi đó các trò khác lại bị để mặc, đôi khi chẳng có gì để làm).

- Tập đọc tiếng mẹ đẻ trước chứ không khổ cực và mất thời gian nhiều học tiếng La Tinh.

- Tài liệu học tập lấy không phải từ các tác phẩm kinh điển xa vời mà từ thực tế cuộc sống nghĩa là những văn bản hay tình huống mà trẻ sẽ sử dụng hay gặp gỡ trong đời sống nghề nghiệp của chúng.

- Chú ý đến việc nghiêm túc huấn luyện và đào tạo toàn diện giáo viên: cả nghiệp vụ lẫn nhân bản và thiêng liêng.

- Giáo dục phổ cập cho toàn thể xã hội chứ không dành riêng cho một nhóm ưu tuyển. Đồng thời các cơ sở La San ngoài việc mang tính miễn phí còn thấm nhuần bình đẳng và không phân biệt đối xử. Dự án giáo dục La San dựa trên cơ sở những tư tưởng tiên tiến: Ngay từ thuở ban đầu, các trường La San đã mang nhiều đặc tính hiện đại[11]:

- Trường rộng mở đón mọi người không phân biệt giàu nghèo. Một trường chỉ cho người nghèo hoặc trình độ kém mà thôi sẽ tạo mặc cảm “trường thí” nơi các học viên. Trường của các sư huynh mở ra cho cả người giàu cũng như người nghèo, nhưng cũng dành nhiều ưu tiên và điều kiện cho các em ít khá giả cũng có thể ghi danh. Trường hân hoan đón nhận các em học giỏi nhưng không loại bỏ các em học kém bằng một sự dạy dỗ thích nghi với tiến độ của từng em. Chính lập trường kiên định không phân biệt này đã là nguồn của biết bao bắt bớ cho thánh nhân.

- Trường mở ra với môi trường thực tế: ý thức những thực tại của địa phương, trường La San tìm cách thích nghi với các nghề nghiệp, sinh hoạt giáo xứ, xã hội cũng như những tiềm năng và cơ hội kiếm công ăn việc làm tại địa phương.

- Trường lấy trẻ em làm trung tâm: quay lưng hẳn lại với truyền thống kỷ luật và sửa phạt khắt khe, trường muốn tạo nên một mối tương quan giáo dục cắm rễ trên sự dịu hiền, sự hiểu biết bản thân đứa trẻ.

- Trường đầy hấp dẫn đối với trẻ hầu tạo nên được lòng yêu thích và niềm vui đến trường qua hiệu quả, tiến bộ tích cực và thấy được. Cùng với những nỗ lực trên, thái độ thân ái và huynh đệ của giáo viên đối với trẻ cũng như mối liên hệ chặt chẽ với phụ huynh sẽ góp phần làm cho trẻ năng và bền bỉ tới lớp hơn.

- Trường hữu ích, hiệu quả và được tổ chức tốt.

- Thánh Gioan La San không chỉ đóng khung công tác giáo dục trong một loại hình trường trại, lòng trăn trở với sự nghiệp giáo dục và tầm nhìn chiến lược đó đã giúp ngài đáp trả một cách rất phong phú và hoàn toàn thích nghi với những nhu cầu của xã hội đương thời, do đó nền giáo dục La San đã đầy sáng tạo sư phạm và mang một sắc thái rất gần gũi với thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Sinh thời, Thánh Gioan La San và các sư huynh đã tạo nên:

- Những trường tiểu học miễn phí, tổ chức theo lớp, nghĩa là nhóm học sinh cùng trình độ, thích nghi với tình trạng trẻ em lao động thời đó (không phải học tiếng La Tinh trước, chẳng hạn).

- Những trường sư phạm đào tạo giáo viên.

- Những trường Chúa Nhật: bổ túc học vấn cho các em đang học nghề để có thể thăng tiến.

- Những trường dạy nghề cho những gia đình di dân và những trường dạy nghề cao cấp cho con em các gia đình trưởng giả và thương nhân.

- Trường “cải huấn” để cải tạo những thiếu niên cá biệt hoặc trẻ phạm pháp.

- Trường nội trú quí phái đặc biệt cho con em quí tộc Ái Nhĩ Lan lưu vong.

Ngoài việc tổ chức trường lớp, nhu cầu giảng dạy cũng buộc thánh nhân phải soạn thảo tài liệu giáo khoa hay quản lý học đường. Các trước tác này thường nhằm bổ sung những gì còn thiếu sót thời đó hoặc đặc biệt thích nghi với các trường La San.

• Conduite des Écoles (Điều Khiển Trường Trại/ Quản Trị Học Đường)[12]: một thủ bản sư phạm trọn vẹn cho các sư huynh cũng như các giáo viên, xác định đến từng chi tiết nhỏ của chương trình và phương pháp trong các “trường nhỏ”. Nội dung dạy dỗ của sách cho thấy tầm nhìn hiện đại của thánh nhân về một nền giáo dục toàn diện thể xác: sức khỏe, vệ sinh, làm chủ các giác quan...; nghề nghiệp: kiến thức, cách làm; nhân bản: biết sống, biết cư xử; đời sống xã hội và công dân: biết tham gia, biết chia sẻ; tâm linh: biết tin, biết mến, có thể so sánh với bốn cột trụ giáo dục của nền giáo dục thế kỷ XXI: học để biết, học để làm, học để sống chung sống, học để làm người[13].

• Règles de la Bienséance et de la Civilité Chrétienne (Phép Lịch Sự Kitô): không đơn thuần là quyển giáo khoa dạy cách ăn ở sao cho phải lẽ trong xã hội mà là một thủ bản linh đạo đời thường. Thánh nhân đã cảnh báo anh chị em giáo dân sống giữa trần thế “đừng coi phép lịch sự như là những đức tính nhân bản và thế tục thuần túy mà phải xem như một nhân đức trong mối quan hệ với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính bản thân”[14]. Ngài đã đi vào thật chi tiết như tư thế của đầu và tai (Phần I, chương II); tóc tai (Ph. I, ch. III), gương mặt (Ph. I, ch. IV), trán, chân mày, và má (Ph. I, ch. V) v.v. sao cho đối với tín hữu sống giữa đời thường, không việc chăm sóc gia đình, không công việc thế trần nào lại có thể làm họ xa rời con đường thánh thiện... và họ

có thể xem mọi sinh hoạt gia đình, nghề nghiệp hay xã hội đều là những cơ hội hiệp thông với Thiên Chúa và phục vụ tha nhân[15].

• Devoirs d’un Chrétien (Bổn Phận Người Kitô Hữu), một bộ sách giáo lý mang tính Kinh Thánh rất cao cho các sư huynh, học sinh và giáo dân trình bày rất sư phạm, rất lô gích, hướng thần (théocentrique) đặc biệt độc đáo và hợp với thời đại ngày nay là đầy quan hệ biệt vị (personalisé): Chúng ta biết CHÚA - Chúng ta yêu CHÚA - Chúng ta phục vụ CHÚA[16].

Những hoa trái phong phú của tư duy sáng tạo và phong phú trên hẳn phải bắt nguồn từ một trăn trở không ngơi với công cuộc, một say mê yêu mến thanh thiếu niên và giáo chức, và một quyết tâm dâng hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giáo dục

Một Đức Tin Sống Động Từ Phận Vụ Giáo Dục: Linh Đạo Nhà Giáo Thánh Gioan La San không chỉ là một nhà mô phạm, một nhà tổ chức giáo dục thiên tài mà ngài còn được ngưỡng mộ như một bậc thầy linh đạo. Nói đến công lao của thánh Gioan La San cho giáo dục mà chỉ dừng ở những cải tổ hay định hướng giáo dục là một thiếu sót lớn. Đóng góp chính của ngài phải là ở chỗ xây dựng nên những “cỗ máy cái” phục vụ nhiệt tình, xác tín và hữu hiệu cho giáo dục: các nhà giáo chân chính. Cũng chính trong chiều hướng đó mà ngài đã dốc toàn tâm toàn sức lập nên một dòng tu giáo dân đầu tiên trong Giáo Hội với sứ mạng chỉ chuyên phục vụ giáo dục nhân bản và Kitô.

Một xác tín về giá trị cao vời của giáo nghiệp

Ở một thời đại mà dạy học thường không được xem như một nghề nghiệp[17] mà chỉ là một công việc đạm bạc, tạm bợ, sống qua ngày vì thế mà không cần đến huấn luyện nghiệp vụ nghiêm túc, thánh nhân đã nỗ lực hết sức để truyền đạt ý thức về tầm vóc vĩ đại của nhà giáo. Ngài đã chứng minh điều đó bằng chính đời sống của ngài: thừa tác vụ giáo dục Kitô đủ cao quí và quan trọng để ngài sẵn sàng từ khước chức kinh sĩ ở một nhà thờ chính tòa Reims, vị vọng nhất nước Pháp, rời bỏ chỗ đứng trong hàng ngũ giáo sĩ, và - cũng rất có thể, với khả năng của ngài - chức giám mục hay cao hơn nữa trong Giáo Hội. Xác tín về sự quan tâm và can thiệp mạnh mẽ của Thiên Chúa trên thừa tác vụ giáo dục Kitô, như lời ngài khẳng định: “chính Chúa Quan Phòng đã thiết lập các trường Kitô”[18], đã được thánh nhân chứng minh bằng việc ngài bán hết gia sản của mình, không phải để làm quỹ bảo đảm cho các trường của ngài, mà lại phân phát hết cho những nạn nhân vụ đói khủng khiếp 1683-1684, trong sự phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa.

 

Cả một cuộc đời chiêm niệm trong sự nghiệp giáo dục đã giúp Thánh Gioan La San có được một đóng góp độc đáo và tầm cỡ: thần học giáo nghiệp. Dựa trên cơ sở Kinh Thánh và giáo thuyết vững chắc, thánh nhân đã giúp nhà giáo Kitô nhận ra chiều kích cứu độ của công việc “gõ đầu trẻ” để phấn khởi, tự tin và vững bước trong phận vụ của mình. Đọc và suy gẫm các di cảo của ngài,

đặc biệt các bài suy niệm trong Meditations pour le Temps de la Retraite[19], nhà giáo Kitô sẽ cảm nhận được danh dự, trách nhiệm cũng như những đòi hỏi của chức vụ thánh thiêng và cần thiết nhất cho Giáo Hội:

• Đối với Thiên Chúa, nhà giáo là người gieo trồng trong cánh đồng của Thiên Chúa, người thợ làm việc trong công trình của Ngài “là những thừa tác viên của Thiên Chúa và là những người ban phát các mầu nhiệm của Ngài” (1Cr 2, 14), là bí tích của hoạt động và tình yêu của Thiên Chúa. Giữa con người và Thiên Chúa, giáo viên là thiên sứ hữu hình và là trung gian của Chúa Quan Phòng.

• Nhà giáo cũng là người cộng tác với Đức Giêsu Kitô trong sứ vụ cứu độ. Họ là đại sứ và thừa tác viên của Đức Giêsu. Thánh nhân căn dặn họ: “Sứ điệp Đức Giêsu Kitô đã đọc cho anh chị em viết mỗi ngày vào trong trái tim của học sinh không phải bằng mực, nhưng bằng chính Thần Khí Thiên Chúa hằng sống”[20]. Cùng với Con Thiên Chúa xuống thế làm người, họ thực thi vai trò mục tử nhân lành, kiến trúc sư xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô.

 

• Trong Giáo Hội, với phận vụ triển khai ơn cứu độ, họ thực thi những phận vụ ngôn sứ, làm phép lạ tương tự như các Tông Đồ và Giám Mục.

• Với các người trẻ, giáo viên là phụ huynh và giám hộ, thiên thần giữ mình. Không lạ gì khi thánh nhân khẳng định “chăm lo dạy dỗ giới trẻ là một công việc cần thiết nhất cho Giáo Hội”[21]. Thánh nhân đã dứt khoát làm cho giáo nghiệp thành một tác vụ đầy đủ, toàn vẹn, xứng đáng để cho người ta cống hiến toàn bộ sức lực và khả năng của mình. Thật thế, theo ngài, giáo nghiệp là một cách thức cao quý cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế không công việc nào được ngài xem là quan trọng hơn là công việc giáo dục Kitô, mang ơn cứu độ đến cho giới nghèo[22].

Sống tin mừng trên bục giảng

Thánh Gioan La San vững tin rằng việc giáo dục Kitô tự nó là một cứu cánh, một sứ vụ trọn vẹn. Ngài đã đề xướng cho các sư huynh Trường Kitô (còn gọi là sư huynh La San), cũng như toàn thể giáo chức phong cách sống Tin Mừng và đức tin Kitô Giáo - hay linh đạo - trong chính nghiệp vụ giáo dục của mình. Đối với ngài, học đường là môi trường sống trong đó nhà giáo dục thực thi ơn gọi nên thánh của mình: chính trong việc thực thi phận vụ giáo dục nghĩa là trong mối quan hệ với thanh thiếu niên, với phụ huynh, với đồng nghiệp... mà nhà giáo gặp gỡ và hiệp thông với Thiên Chúa. Đây cũng là nghề nghiệp có bảo đảm cao nhất được ân sủng và sự thánh hóa vì Thiên Chúa sẽ đổ tràn những ơn cần thiết để họ nên thánh và góp phần vào việc mang ơn cứu độ đến cho người khác.

Nghề sư phạm, tự bản chất đã bao hàm những phẩm chất nhân bản đầy giá trị: tài năng,kiến thức đời và đạo để có thể truyền đạt một cách trung thực, tâm lý, hiểu biết từng học sinh để đối xử cho thích hợp, năng khiếu sư phạm để truyền đạt, và điều khiển lớp cho hiệu quả, lòng yêu nghề mà họ thực thi một cách vui vẻ, nhẫn nại và đồng cảm với học sinh, chú ý đến nhu cầu thực tế của chúng như đã được liệt kê trong chương Les Douze Vertus d’un Bon Maitre[23]. Chính vì thế mà một trong những ưu tư lớn của thánh nhân là mở các trường sư phạm hay các lớp bồi dưỡng cho các giáo viên.

Di sản thiêng liêng mà vị Quan Thày các nhà giáo dục Kitô[24] đã lưu lại cho hậu thế chính là linh đạo nhà giáo Kitô. Việc sống đạo của nhà giáo xuất phát từ đời sống nghề nghiệp của họ. Họ đón nhận ơn cầu nguyện trong mọi chi tiết của cuộc sống thường nhật, để rồi đáp lại bằng lời ngợi khen hay tạ ơn, khẩn cầu hay xin tha thứ[25]. Phương pháp nguyện gẫm La San 21 động tác[26] mà ngài dày công biên soạn và dạy dỗ rất thích hợp cho cách sống cầu nguyện trong đời thường tất bật của nhà giáo như vậy. Kinh nguyện nhà giáo thấm nhuần những sự việc, con người mà họ tiếp cận trong môi trường giáo dục. Như lời thánh nhân, từ biểu tượng thang Giacóp (St 28, 12), nhà giáo lên tới Thiên Chúa mang theo tất cả những gì dệt nên công cuộc giáo dục của họ[27], mối quan hệ của họ với người trẻ, phụ huynh, đồng nghiệp... họ đệ trình lên Thiên Chúa những nhu cầu của môn sinh mình và mang xuống cho chúng những mệnh lệnh và chân lý của Thiên Chúa. Trong suy niệm, họ (= nhà giáo) chiêm ngưỡng công trình của Thiên Chúa đang được tiến hành trong thế giới, cách riêng nơi những kẻ được trao phó cho họ[28]. Khi họ tham dự thánh lễ, họ không phải đến với hai tay không. Các công việc thường ngày của họ trong đời giáo chức: những hy sinh cặm cụi dọn bài, chấm bài, những tự chế khi sửa phạt, và kiên nhẫn dạy dỗ những trò kém thông minh hay những “ngựa chứng trong sân trường” chính là những hy lễ sát tế mà họ thực hiện để hiệp cùng Lễ Tế Con Chiên. Đối lại, cũng chính việc hiệp thông Thánh Thể sẽ là nguồn sinh lực thần linh để giúp nhà giáo chu toàn sứ mạng cứu thế của mình.

Để có thể chu toàn bổn phận một cách hoàn hảo và đúng đắn như Thiên Chúa đòi hỏi, giáo viên cũng phải năng hiến mình cho Thần Khí của Đức Giêsu Kitô để chỉ làm mọi sự dưới sự chỉ dẫn của Ngài mà thôi... như thế Thần Khí được đổ tràn trên chúng, trẻ có thể có được trọn vẹn tinh thần của Đức Kitô[29].

Dòng sư huynh trường Kitô trọn vẹn cho sứ mạng giáo dục Di sản của Thánh Gioan La San đối với Giáo Hội trong lãnh vực giáo dục chính là Dòng Sư Huynh Trường Kitô:

Thánh Gioan La San được Thiên Chúa tác động, làm cho quan tâm tới cảnh khốn cùng nhân bản và thiêng liêng của con em thợ thuyền và người nghèo. Vì vậy, người đã hiến mình đào tạo những thày giáo biết hết mình xả thân cho công cuộc mở mang học vấn và giáo dục Kitô. Người đã qui tụ các thày thành Cộng đoàn và rồi cùng các thày lập ra Dòng các sư huynh Trường Kitô[30].

Giáo Hội công khai trao phó sứ mạng giáo dục cho các sư huynh:

 

Được thánh hiến cho Thiên Chúa như những tu sĩ giáo dân, các sư huynh được mời gọi đem lại cho những người trẻ, đặc biệt cho những người nghèo, một nền giáo dục nhân bản và Kitô, theo thừa tác vụ đã được trao phó[31].

Sứ mạng này được đặt trong viễn cảnh của mầu nhiệm cứu độ: Bức xúc trước tình cảnh các trẻ em trên bị bỏ rơi không người chăm sóc, Thánh Gioan La San đã khám phá ra trong đức tin, sứ mạng của Dòng mình như lời đáp trả cụ thể cho việc chiêm ngưỡng ý định cứu rỗi của Thiên Chúa[32]. Xuất phát từ ý định của Thiên Chúa, được Giáo Hội ủy thác, một thừa tác vụ giáo dục với chiều kích cứu độ như thế phải được sống bởi những tu sĩ có chân tính rõ rệt, dấn thân trọn vẹn cho giáo dục. Đối với các sư huynh La San, giáo dục là một tác vụ đủ lớn, đủ quan trọng để đòi hỏi một sự dấn thân trọn vẹn. Và để có thể thực hiện thừa tác vụ mà Giáo Hội trao một cách triệt để, họ đã không lãnh chức linh mục và dâng hiến trót mình cho Thiên Chúa để có thể hết mình xả thân cho công cuộc mở mang học vấn và giáo dục Kitô. Chính vì thế mà các sư huynh La San, ngoài ba lời khuyên Phúc Âm, còn tuyên giữ hai lời khấn đặc thù La San: liên kết phục vụ kẻ nghèo trong việc giáo dục và bền vững trong Dòng[33]. Ngày nay, Dòng các sư huynh cũng chủ trương mạnh dạn rộng mở, chia sẻ linh đạo và đặc sủng La San với những người cộng sự và đối tác trong sứ mạng giáo dục nhân bản và Kitô:

 

“Liên kết để phục vụ giáo dục người nghèo: cách đáp trả La San cho các thách đố thế kỷ XXI” [34].

Thay Lời Kết

Những hy sinh vật chất và thể xác, những cống hiến trí tuệ và tâm tư cho sự nghiệp giáo dục, những đóng góp về thần học và linh đạo giáo chức, và nhất là hội Dòng La San và Gia Đình La San[35] phục vụ giáo dục nhân bản và Kitô của Thánh Gioan La San đã được Giáo Hội công nhận và ngày 15.05.1950 Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong ngài làm QUAN THẦY CÁC NHÀ

GIÁO DỤC KITÔ.

 

Lạy Chúa, để giới trẻ được củng cố trong đường chân lý và kẻ nghèo được hưởng một nền giáo dục Kitô, Cha đã chọn Thánh Gioan La San và dùng người lập một Dòng mới trong Giáo Hội. Vì gương sáng và lời người chuyển cầu, xin Cha ban cho chúng con được nhiệt thành làm sáng danh Cha trong việc cứu linh hồn người ta... [36]

[1] Ủy Ban Quốc Tế về Giáo Dục Thế Kỷ XXI Báo cáo gửi UNESCO: Học tập: Một Kho Báu Tiềm Ẩn. 1996.

[2] Blain. J.B. La Vie de Mr. Jean Baptiste de la Salle. Rouen, 1733 (in lại trong Cahiers Lasalliens 7 và 8).

[3] Hengemulle, E. F Maitre Chrétien. Thèmes Lasalliens 41.

[4] Blain. J.B. La Vie de Mr. Jean Baptiste de la Salle. Rouen, 1733 (in lại trong Cahiers Lasalliens 7 và 8).

[5] Op. Cit ; Vào năm 1690 những cuộc đi bộ liên tiếp Paris - Reims đã khiến ngài liệt giường liệt chiếu suốt 6 tuần lễ.

[6] Op. Cit.

[7] De la Salle, J.B. Meditations 194,1.

[8] Brothers of the ChristianSchools. Reading the Signs of the Times, 2000.

[9] De la Salle, J.B. Meditations 194,1.

[10] http://www.lasalle-fec.org/5institut/fond/novateur. http

[11] De la Salle, J.B. Conduite des Ecoles, 1706 (in lại trong Cahiers Lasaliens 24). Xem: Léon Lauraire. Causeries sur l’Ecole Lasallienne, 1993.

[12] Vial, J. Les Instituteurs. Paris, J.P Delarge. 1980; xem Lauraire, L. Conduite de Ecoles Chretiennes. Thème Lasalliens 3 tr. 53-74.

[13] Ủy Ban Quốc Tế về Giáo Dục Thế Kỷ XXI, Báo cáo gửi UNESCO: Học tập: Một Kho Báu Tiềm Ẩn. 1996.

[14] De la Salle, J.B. Règles de la Bienséance et de la Civilité Chrétienne. Tr. 1.

[15] Gioan Phaolô II. Tông Huấn Christifidelis laici. 1988. 17. xem Pungier, J.,FSC, Bienséance et Civilité Chrétienne. Thèmes Lasalliens 1. tr. 73-86.

[16] Fernadez Magaz, M.,FSC. Devoir d’un Chrétien. Thèmes Lasalliens 1. tr. 178-190.

[17] xem Hengemulle, E,FSC. Maitre Chrétien. Thèmes Lasalliens 41.

[18] De la Salle, J.B. Meditations 193.

[19] De la Salle, J.B. Meditations de S. Jean Baptiste de la Salle à l’usage des Frères des Ecoles Chretiennes. Procure Générale, 1922. tr. 641-710.

[20] 2 Cr 3, 3; xem De la Salle, J.B. Meditations 195,3.

[21] De la Salle, J.B. Meditations 199.

[22] Blain. J.B. La Vie de Mr. Jean Baptiste de la Salle. Rouen, 1733 (lại trong Cahiers Lasalliens 7 và 8) Tập 2, tr. 366.

[23] De la Salle, J.B. Conduite des Écoles; Recueils de Differents Petits Traités, 1711.

[24] Đức Piô XII đã tôn phong thánh Gioan La San làm Quan Thày các nhà giáo Kitô ngày 15.05.1950.

[25] Luật Dòng các sư huynh Trường Kitô số 65.

[26] De la Salle, J.B. Explication de la Méthode d’Oraison. Cahier Lasallien 14.

[27] như các tông đồ tụ họp quanh Đức Giêsu và kể lại cho Ngài biết mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã thấy” (Mc 6, 30).

[28] Luật Dòng các sư huynh Trường Kitô số 66.

[29] De la Salle, J.B. Meditations 205,2.

[30] Luật Dòng các sư huynh Trường Kitô số 1.

[31] Thánh Bộ Tu Sĩ và Tu Hội Đời. Sắc Lệnh phê chuẩn bản Luật Dòng các sư huynh Trường Kitô ngày 26.01.1987.

[32] Luật Dòng các sư huynh Trường Kitô số 11.

[33] Công thức Khấn Dòng sư huynh Trường Kitô.

[34] Dòng Sư Huynh Trường Kitô. Văn Kiện Tổng Công Hội 43. 2000.

[35] Hiện nay Dòng La San còn được sự liên kết tiếp sức của các Dòng Nữ La San, Phong Trào Signum Fidei, Tuổi Trẻ Chí Nguyện La San, đội ngũ đông đảo các cộng sự viên trong các trường La San và các đối tác La San chia sẻ sứ mạng và linh đạo giáo dục nhân bản và Kitô.

[36] Lời nguyện trong thánh lễ kính Thánh Gioan La San, Quan Thày các nhà giáo dục Kitô (ngày 15 tháng 5).

 

 

Trích trong báo HIỆP THÔNG, Bản tin của HĐGMVN, Số 41 -Tháng 5 và 6 năm 2007