02/02/2009
1483

 

 

HƯỚNG ĐỀN VIỄN TƯỢNG NĂM 2020:

 

ĐỐI THOẠI NHẰM VIỆC ĐÀO TẠO ĐẠO ĐỨC VÀ TÔN GIÁO TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

 

TƯỜNG TRÌNH CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM

 

I. MÔ TẢ HOÀN CẢNH ĐẶC THÙ CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM

1. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử hiện nay của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập và thống nhất sau hơn 20 năm nội chiến và chia cắt. Từ đó Việt Nam được lãnh đạo bởi đảng Cộng Sản Việt Nam, cương quyết thiết  lập một xã hội theo chủ nghĩa xã hội dưới sự hướng dẫn của chủ nghĩa Mác-Lênin (x. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam). Ý thức hệ này không chỉ là một lý thuyết kinh tế chính trị, mà còn là một triết lý bao hàm một quan niệm về con người và thế giới, nó chỉ đạo và hướng dẫn toàn bộ mạng lưới xã hội: giáo dục, y tế, truyền thông đại chúng, chính sách kinh tế… Ý thức hệ này “tự nó” là vô thần, do đó bao hàm một cái nhìn bi quan về tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng. Ngoài ra, lịch sử hiện đại của Việt Nam được ghi dấu bởi sự xâm lược và can thiệp thô bạo của các nước Tây phương, được đồng hoá với Kitô giáo, làm cho Đảng Cộng Sản Việt Nam càng thù nghịch với Kitô giáo hơn.

2. Từ năm 1986, để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và dai dẳng, chính quyền Việt Nam đã quyết định thực hiện sự chuyển tiếp từ nền kinh tế chỉ huy tập trung sang nền kinh tế thị trường, nhưng họ kiên định nhấn mạnh “một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới tháng 11 năm 2006 cho thấy rằng Việt Nam dấn thân sâu vào tiến trình toàn cầu hoá. Tiến trình này là một cơ hội cho sự phát triển kinh tế, nhưng cũng gây ra nhiềm khó khăn như khoảng cách giữa người nghèo và người giàu càng ngày càng lớn hơn, làn sóng di dân từ miền quê đến các thành phố lớn tăng hơn bao giờ hết với những hậu quá xấu của nó, đặc biệt đối với đời sống gia đình. Về mặt văn hoá, tiến trình toàn cầu hoá cũng gây ra những tác động tích cực lẫn tiêu cực trên lối sống của người dân. Một mặt, tiến trình này mang lại nhiều cơ hội tốt cho việc trao đổi văn hoá và phát triển khoa học. Mặt khác, nền văn hoá đang thống trị thế giới bởi chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân, có thể phá huỷ và xoá đi truyền thống đạo đức và văn hoá của người dân cũng như chiều kích tôn giáo của con người.

3. Ở miền Nam Việt Nam, trước năm 1975, Giáo hội Công giáo sở hữu nhiều cơ sở giáo dục lớn: một mạng lưới trường tiểu học khắp các giáo xứ, nhiều trường trung học được điều hành bởi những dòng tu khác nhau… Cũng có một trường đại học công giáo được điều hành bởi Hội Đồng Giám Mục, và một vài trường đại học khác được điều hành bởi những tu sĩ công giáo và những giáo dân. Tuy nhiên, tất cả các cơ sở này đã bị tịch thu từ năm 1975. Các nhà cầm quyền dân sự nắm độc quyền về giáo dục. Từ khi Việt Nam thực hiện việc chuyển tiếp từ nền kinh tế chỉ huy tập trung sang nền kinh tế thị trường, có nhiều thay đổi về chính sách, chẳng hạn cho phép thiết lập các trường tư. Tuy nhiên sự tham gia của Giáo hội vào việc giáo dục vẫn còn bị hạn chế. Giáo hội không được phép mở trường công giáo, ngoại trừ các nhà trẻ được điều hành bởi các nữ tu.

4. Ở Việt Nam có nhiều truyền thống tôn giáo cổ xưa và đáng kính như Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo, đồng thời cũng có nhiều tổ chức tôn giáo địa phương như Cao Đài, Hoà Hảo, thu hút một số tín đồ đáng kể. Trong những thế kỷ vừa qua, các truyền thống tôn giáo này giữ vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục những giá trị đạo đức và tôn giáo cho người dân, và có ảnh hưởng sâu sắc trên đời sống xã hội và văn hoá của người dân mọi tầng lớp. Người công giáo chỉ là một thiểu số ở quốc gia này, khoảng 6-7%. Tuy nhiên, cùng với các truyền thống tôn giáo khác, chúng tôi có thể trở nên nguồn lực to lớn trong việc đào tạo về mặt đạo đức và tôn giáo trong ngành giáo dục.

 II. LẬP TRƯỜNG VÀ GIẢI PHÁP

Một trong những đặc điểm của giáo dục ngày nay, đặc biệt ở đại học, là sự chuyên môn hóa. Kiến thức nhân loại và đòi hỏi trí thức càng ngày càng được chuyên môn hoá hơn. Đó là một điều kiện không thể thiếu đối với các cuộc nghiên cứu sâu xa và là nền tảng vững chắc cho tinh thần sáng tạo. Tuy nhiên, trong khi các học sinh, sinh viên càng ngày càng say mê nghiên cứu chuyên môn hơn, họ lại thiếu quan điểm sống nhất quán và sự đào tạo con người toàn vẹn; vì những giá trị đạo đức và tôn giáo bị loại trừ ra khỏi giáo dục. Vì vậy cần nhấn mạnh rằng “Mục tiêu đích thật của giáo dục là cung cấp cho người dân một nền đào tạo hướng về cứu cánh cuối cùng, về thiện ích của xã hội họ đang sống, và với tư cách là những người trưởng thành, họ có bổn phận góp phần xây dựng xã hội ấy”, rằng “Thiếu nhi, những người trẻ có quyền được huấn luyện để có những phán đoán luân lý đúng đắn dựa trên một lương tâm được đào luyện thích đáng và đưa vào thực hành với ý thức về sự dấn thân cá nhân, cũng như để hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn (Gravissimum Educationis, 1). Đề cao những giá trị đạo đức và tôn giáo là nhiệm vụ quan trọng của Giáo hội, và đối thoại là phương pháp tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt trong bối cảnh của Việt Nam.

2. Giáo hội Việt Nam nhất quán chọn con đường đối thoại thay vì đối đầu: đối thoại với chính quyền, với những truyền thống tôn giáo khác nhau, và với truyền thống văn hoá dân tộc. Đối thoại xuất phát từ cuộc đối thoại cứu độ đầy tình yêu của Thiên Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đặt nền tảng trên nguyên lý Nhập thể (x. Giáo Hội tại Á Châu - Ecclesia in Asia, số.29). Cuộc đối thoại đích thật bao hàm sự lắng nghe chăm chú những quan điểm và suy nghĩ của người khác, khám phá những giá trị đạo đức phía sau và biện phân những gì thật sự thuộc về Chúa Thánh Thần. Trong cuộc đối thoại đa diện này, lương tâm luân lý và những giá trị căn bản của văn hoá truyền thống nên được coi như cơ sở chung trên đó mọi người có thể gặp gỡ và thảo luận với nhau mặc dù có sự khác biệt về tôn giáo, quan điểm. Tinh thần đối thoại như thế là nền tảng cho sự hợp tác chân thành và hữu hiệu nhằm đề cao những giá trị đạo đức và tôn giáo trong giáo dục.

Chú tâm đến điều này, Giáo hội Việt Nam đã cố gắng làm điều chi?

III . CHƯƠNG TRÌNH VÀ HOẠT ĐỘNG

Trong một hoàn cảnh không có các trường Công giáo, nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị đạo đức và tôn giáo, đồng thời xúc tiến một tinh thần đối thoại trong giáo dục, những nhân tố sau đây cần phải được quan tâm hàng đầu: gia đình, xứ đạo và các giáo viên Công giáo.

1. Trải qua nhiều thế kỷ các gia đình Công giáo đã tìm được môi trường tốt nhất cho việc gìn giữ và truyền đạt những giá trị đạo đức và tôn giáo từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính dưới mái gia đình mà con người nhận được những bài học đầu tiên và quan trọng nhất về đức tin và đạo đức. Hơn nữa, trong môi trường cuộc sống gia đình, những bài học này được truyền dạy không như là những lý thuyết trừu tượng, nhưng thật sự là những kinh nghiệm sống động; do đó chúng đã tạo nên một dấu ấn sâu đậm trên các thành viên gia đình. Sự thách thức đối với mọi người chúng ta ngày nay là trong tiến trình toàn cầu hoá, cuộc sống gia đình đang đối diện với hiểm hoạ ly hôn, đặc biệt ở những thành phố lớn. Việc gìn giữ và truyền dạy những giá trị đạo đức và tôn giáo qua đời sống gia đình cũng đang bị đe doạ.

2. Không có trường học Công giáo, các họ đạo phải đảm nhận trách nhiệm dạy đạo qua những buổi học ngày Chúa nhật. Ở Việt Nam, các lớp giáo lý tại họ đạo được tổ chức có tính cách hệ thống không những để chuẩn bị cho trẻ em lãnh nhận các Bí tích, mà còn cung cấp cho các em một sự đào tạo liên tục, qua đó xây dựng một nền tảng vững chắc cho đời sống đức tin của chúng. Đồng thời việc dạy giáo lý tại các họ đạo được liên kết mật thiết với việc cử hành phụng vụ nhằm giúp trẻ được gặp gỡ Đức Ki-tô, Đấng vừa là nguồn vừa là mẫu mực cho đời sống tôn giáo và đạo đức của chúng.

3. Dù không có các trường Công giáo, nhưng có nhiều giáo viên Công giáo tại các trường công. Họ bị cấm tuyệt đối không được tuyên xưng đức tin Ki-tô giáo và loan báo Tin mừng cho các học trò của họ ở trường. Tuy nhiên cách thức dạy dỗ của họ, đặc biệt, đời sống gương mẫu của họ sẽ là sự đóng góp tốt nhất cho việc sự thăng tiến những giá trị tôn giáo và đạo đức trong đời sống học sinh của họ. Vì thế bất cứ nơi nào có thể, Giáo hội khuyến khích các giáo viên công giáo thành lập các hiệp hội là nơi họ có thể chia sẻ cho nhau những thách thức và khó khăn, và hỗ trợ cho nhau để vượt qua những chướng ngại này hầu hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh giáo dục của họ. Càng được chuẩn bị một cách thoả đáng cả về đạo lẫn đời, họ càng trở nên những nhân chứng sống động cho những giá trị tôn giáo và đạo đức trong một môi trường càng ngày càng bị tục hóa.

IV. KIẾN NGH

1. Với tinh thần đối thoại, Giáo hội tại Việt Nam phải đóng góp nhiều hơn nữa cho Giáo dục. Hiện nay một trong những quan tâm hàng đầu của mọi người ở Việt Nam là sự suy thoái trong ngành Giáo dục, đặc biệt là suy đồi về đạo đức tại các trường. Tham nhũng, dối trá và giả mạo đang gia tăng tại các trường học mà lẽ ra phải là nơi tốt nhất để gìn giữ và lưu truyền những giá trị nhân bản. Thế nên, giáo dục luôn là một đề tài thu hút sự chú ý của công chúng. Trong bối cảnh như thế, người Công giáo lẫn người không Công giáo đều khao khát được sự hướng dẫn và cống hiến của Giáo hội về vấn đề này, vấn đề có liên quan mật thiết đến sứ mạng của Giáo hội. Đồng thời Giáo hội phải yêu cầu nhà chức trách dân sự cho mình được thiết lập và quản trị các trường Công giáo ở mọi hình thức và trình độ, vì đó là quyền của Giáo hội, không phải để tìm kiếm quyền lực, nhưng đúng hơn là để đóng góp tích cực nhằm gìn giữ  những giá trị đạo đức cũng như thăng tiến văn hoá và xã hội. Sự thật là ở nhiều quốc gia Châu Á, hệ thống giáo dục Công giáo nổi tiếng về tính hiệu quả trong quản trị, xuất sắc về chuyên môn và phục vụ xã hội là một bằng chứng cho sự đóng góp của nền Giáo dục Công giáo cho thiện ích của xã hội.

2. Giữ gìn và thăng tiến các giá trị tôn giáo, đạo đức là nghĩa vụ đặc biệt của tất cả các tôn giáo. Thực tế lịch sử Việt Nam cho thấy các tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ và nuôi dưỡng di sản tinh thần và đạo đức của dân tộc. Trong giai đoạn mới của lịch sử dân tộc, khi mà nền văn hoá vật chất và thế tục thâm nhập vào tất cả mọi lãnh vực của đời sống và xói mòn những giá trị tôn giáo đạo đức đến nay vẫn còn giúp con người và xã hội  đứng vững, các tôn giáo cần cộng tác với nhau chặt chẽ hơn vì thiện ích của con người. Vậy nên gặp gỡ, đối thoại và hợp tác với các tín đồ các tôn giáo khác là một nghĩa vụ cần được quan tâm nhiều hơn bao giờ hết.

KẾT LUẬN

Với tinh thần đối thoại, chúng tôi muốn chia sẻ với tất cả tham dự viên buổi hội nghị này niềm hân hoan và hy vọng của chúng tôi, thử thách và khó khăn của chúng tôi. Chúng tôi trông đợi được lắng nghe các kinh nghiệm từ những Giáo hội ở Châu Á vì chúng tôi tin rằng các Giáo hội sẽ đóng góp lớn lao cho Giáo hội Việt Nam nhằm chu toàn sứ mệnh yêu thương và phục vụ trong hoàn cảnh riêng của mình.

 

Chuyển ngữ từ “Toward vision 2020: dialogue in moral and religious formation in education”

Nhóm giáo viên Gx. Chánh Toà Mỹ Tho