07/09/2013
20083

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin cộng đoàn

3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin

 

CHƯƠNG I

CÁC BÍ TÍCH KHAI TÂM KITÔ GIÁO

Bài 37: BÍ TÍCH RỬA TỘI

GLHTCG: 1212-1419; BTY: 252-264

"Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần" (Ga 3,5).

 

1. MỞ ĐẦU

1.1 Phút thánh hóa

- Hát: Thánh Thần khấn xin ngự đến

- Cầu nguyện đầu giờ: Lạy Chúa, chúng con tin Chúa đang hiện diện nơi đây vì chúng con tụ họp nhân danh Chúa. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, dạy chúng con biết chăm chú lắng nghe và hiểu được những gì Chúa muốn nói với chúng con trong giờ giáo lý hôm nay. Amen.

1.2 Ôn bài cũ, giới thiệu chủ đề, nội dung chính và những vấn đề cần tìm hiểu

Ôn bài cũ:

- Ai đã lập ra các Bí tích? (Chúa Giêsu).

- Hội thánh có mấy Bí tích và được phân loại thế nào?

Có 7 Bí tích, chia thành ba loại: các bí tích khai tâm Kitô giáo; các bí tích chữa lành; các bí tích phục vụ.

- Kể tên các Bí tích trong từng loại:

·       3 bí tích khai tâm Kitô giáo: Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.

·       2 bí tích chữa lành: Bí tích Thống Hối và Xức Dầu bệnh nhân.

·       2 bí tích phục vụ: Bí tích Truyền Chức Thánh và Hôn Phối.

- Các bí tích khai tâm Kitô giáo có tác dụng gì? Các bí tích khai tâm Kitô giáo tái sinh, củng cố và nuôi dưỡng các tín hữu trong đời sống mới.

Giới thiệu chủ đề: Bí tích Rửa Tội

Sự kiện minh họa: Lễ tắm Phật

Tương truyền khi Phật sinh ra, có chín vị rồng tới phun nước tắm rửa cho Ngài. Cùng với nước là hương hoa do các vị trời cho rơi xuống làm thanh tịnh thân Phật. Về sau Ấn Ðộ, các Tự viện thường hay để tượng một vị Phật sơ sinh, mỗi ngày tín đồ có thể tới viếng chùa và lấy nước rưới lên mình Phật như là một hành động tẩy trừ sự ô nhiễm nơi thân Phật, cũng như thân mình.

Mỗi khi tắm Phật như vậy, các tín đồ cho rằng thân Phật cũng ví như là thâm tâm của mình vậy. Ba muỗng nước rưới lên thân Phật như nước tẩy, sẽ gội rửa ba nghiệp ác do thân, miệng và ý của mình tạo ra. Tức là nếu ta sửa đổi thói hư tật xấu, xả trừ chấp trước, minh tâm, kiến tánh, thì ta sẽ khôi phục lại được thể tánh thanh tịnh sẵn có xưa nay. (Tham khảo: www.dharmasite.net).

Thảo luận:

Các tín đồ Phật giáo thực hiện nghi thức tắm Phật để “tẩy trừ sự ô nhiễm nơi thân Phật, cũng như thân mình”, nghĩa là tẩy rửa mình khỏi mọi điều xấu xa, ô uế nhằm khôi phục lại con người “thanh tịnh sẵn có”.

Tương tự như thế, Công Giáo chúng ta có nghi thức gì? Đó là nghi thức Rửa tội, còn gọi là Phép rửa hay Bí tích Rửa tội.

Tuy nhiên nghi thức tắm Phật chỉ là một truyền thống có ý nghĩa tốt đẹp của Phật giáo chứ không phải là lời truyền của Đức Phật, càng không có căn cứ chứng tỏ hiệu quả của nó trên các tín đồ. Bí tích Rửa tội thì khác, chính là lệnh truyền của Chúa Giêsu (Mt 18,19) và hiệu quả là:“Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ”(Mc 16,16).

Nội dung chính: Chúa Giêsu đã lập Bí tích Rửa tội, để làm cho chúng ta là những người tin vào Chúa được tái sinh và đổi mới thành con cái Thiên Chúa.

Những vấn đề cần tìm hiểu:

- Bí tích Rửa Tội là gì?

- Trong Kinh Thánh có những hình ảnh nào về bí tích Rửa Tội?

- Nghi thức của bí tích Rửa Tội ra sao? Và mang ý nghĩa gì?

- Hiệu quả của bí tích Rửa Tội là gì?

 

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ

2.1 Bí tích Rửa Tội là gì?

Thảo luận: Đối với cuộc đời con người, ngày nào là quan trọng nhất và tại sao?

Đa số cho đó là ngày sinh vì Sinh nhật đánh dấu sự hiện diện của một con người trong cuộc đời, có ý nghĩa đặc biệt với bản thân mình và với mọi người trong gia đình.

Chúng ta còn có “ngày sinh” nào khác nữa không?

Câu chuyện:

Có một cụ già mới được Rửa tội. Một hôm được hỏi bao nhiêu tuổi, cụ trả lời: Năm nay tôi được hai tuổi! Mọi người tròn mắt ngạc nhiên, tưởng cụ nói đùa. Cụ giải thích: Tôi mới được hai tuổi bởi vì tôi mới được rửa tội cách đây hai năm.

Thật ra cụ già trả lời rất đúng. Ngày ta lãnh nhận bí tích Rửa tội là ngày ta được sinh ra để tiếp nhận sự sống mới, sự sống của Đức Kitô Phục Sinh.

Cơ sở nào cho chúng ta biết sự sinh ra lần thứ hai này?

Bởi vì Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,18-20) .

Đúc kết: Chính Chúa Giêsu truyền lệnh cho các Tông đồ làm Phép Rửa cho muôn dân. Cho nên Bí tích Rửa tội l à bí tích Chúa Giêsu đã lập. Như vậy, bí tích Rửa tội là nền tảng của đời sống Kitô hữu, là cửa mở vào sự sống mới trong Chúa Thánh Thần và là lối dẫn vào các bí tích khác.

2.2    Những hình ảnh nào về bí tích Rửa Tội trong Kinh Thánh:

a. Trong Cựu Ước:

- Trong sách Sáng Thế, cơn lụt Hồng Thủy đã tiêu hủy loài người trên mặt đất ngoại trừ gia đình ông Nôe. Nước lụt làm chết đi một thế giới cũ đầy tội lỗi và làm sinh ra một thế giới mới tràn ngập ân sủng.

- Trong sách Xuất Hành, dân Ítraen đi qua Biển Đỏ được bình an. Nước Biển Đỏ giết đi đời sống cũ - nô lệ cho Ai Cập và khai sinh đời sống mới của Dân được Thiên Chúa tuyển chọn.

Tóm lại, trong Cựu ước, diễn tả nước như một nguyên nhân gây nên sự chết và sự sinh sản. Bí tích Rửa Tội được báo trước bằng hình ảnh nước, con tàu Nôe, cuộc vượt qua Biển Đỏ của dân Do Thái và việc băng qua sông Giođan.

b. Trong Tân ước:

- Hình ảnh Gioan làm phép rửa tại sông Giođan làm chết đi đời sống cũ của tội lỗi và góp phần làm nảy sinh sự sống mới qua sự thống hối của dân chúng. Đây là h ình ảnh tiên trưng cho bí tích rửa tội mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập.Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gioan: biết đâu ông chẳng là Ðấng Mêsia. Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. (Lc 3, 15-16)

- Trong cuộc Vượt Qua, Ðức Ki-tô đã khơi nguồn bí tích Thánh Tẩy cho mọi người. Người nói về cuộc tử nạn sẽ phải chịu tại Giê-ru-sa-lem như "một Phép Rửa" Người phải lãnh nhận (x. Mc 10,38; Lc 12,50). Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người bị đâm thâu trên thập giá (Ga 19,34) tiên trưng cho bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thánh Thể (x.1Ga 5,6-8): từ giây phút ấy, chúng ta có thể "sinh ra nhờ nước và Thánh Thần" để được vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,5).

- Tóm lại, tất cả các hình ảnh báo trước về bí tích Rửa Tội trong Cựu Ước đều được hoàn thành trong Ðức Ki-tô Giê-su. Trong Tân Ước Chúa Giêsu những hình ảnh báo trước qua việc chịu phép Rửa tại sông Giođan và qua cái chết trên thập giá.

2.3 Nghi thức và ý nghĩa của bí tích Rửa Tội

Thảo luận:

- Chúa Giêsu đến trần gian để cứu độ những ai ? Kinh thánh trả lời thế nào ? vậy, ai có thể lãnh bí tích Rửa Tội?

Tất cả những ai chưa bao giờ lãnh bí tích này, nhất là các trẻ em. Với người đến tuổi khôn muốn lãnh bí tích Rửa Tội phải có lòng tin và ước ao, phải học biết giáo lý và tham dự những nghi thức chuẩn bị gia nhập Kitô giáo. Hội Thánh đòi hỏi người lãnh Bí tích Rửa Tội phải tuyên xưng đức tin.

- Bạn có bao giờ tham dự nghi thức Rửa tội? Hãy kể lại trình tự các giai đoạn.

Nghi thức cử hành Bí tích Rửa tội gồm bốn giai đoạn như sau: Giới thiệu ứng viên, làm phép Nước Rửa tội , ứng viên tuyên xưng đức tin và các ứng viên được rửa tội.

- Ý nghĩa và nghi thức chính yếu của bí tích Rửa Tội là gì?

Thánh Phaolô cho chúng ta thấy : Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Ðức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. [...] Nếu chúng ta cùng chết với Ðức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. [...] Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Kitô Giêsu (Rm 6, 3-11).

Nghi thức chính yếu là việc dìm xuống nước hay đổ nước trên đầu người lãnh bí tích và nói:  “Tôi rửa con (ông/bà/anh/chị) nhân danh Cha (đổ nước lần thứ nhất), và Con (đổ nước lần thứ hai), và Thánh Thần” (đổ nước lần thứ ba).

Đúc kết: Cử hành Bí tích Rửa tội thì người ban bí tích Rửa Tội (thường là  Linh mục) đổ nước trên đầu người lãnh nhận và đọc: X (tên thánh của người được Rửa tội), Tôi rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Để chỉ việc cùng chết với Đức Kitô và sống lại với Ngài; là phép rửa trong Chúa Thánh Thần để chỉ việc tái sinh và đổi mới đời sống.

2.4 Hiệu quả của bí tích Rửa Tội

Câu chuyện:

Nhiều năm trước đây, một nhà nhân chủng học đã đưa ra lý thuyết là những người Nam Mỹ có thể từ quần đảo Nam Dương dùng bè mà tới. Họ chỉ cần để mặc cho dòng nước chảy đem họ đi. Để chứng minh lý thuyết này, ông ta đã đóng một cái bè nhỏ và thả trôi từ Nam Mỹ tới quần đảo Nam Dương. Có điều ngạc nhiên trong câu truyện này là nhà nhân chủng học ấy lại rất sợ nước. Ai mà chẳng sợ khi phải vượt 4,300 dặm đường biển trên một cái bè nhỏ xíu?

Vào thời đệ nhị thế chiến, một biến cố đã xảy tới cho nhà nhân chủng học khiến ông ta không còn sợ nước nữa.

Một ngày kia đang khi hành quân, chiếc xuồng của ông ta bị mắc cạn giữa sông, gần một thác nước. Khi dòng nước cuốn nhanh ông ta về phía thác thì một ý nghĩ lạ chợt đến trong đầu. Ông nhớ ngay tới cha hoặc mẹ ông đã nghĩ thế nào về cuộc sống mai sau. Cha ông tin có đời sau, còn mẹ ông thì không tin.

Rồi một điều lạ lùng hơn nữa đã tới. Đó là những lời trong kinh Lạy Cha vang lên trong trí ông và ông bắt đầu cầu nguyện. Bỗng ông cảm thấy trong người bừng dậy nguồn sức mạnh và bắt đầu phấn đấu với dòng nước cuốn. Mấy phút sau, ông vào tới bờ.

Thảo luận:

- Kinh nghiệm của nhà nhân chủng học có liên hệ gì đến Bí tích Rửa tội?

Chính dòng nước đã thay đổi con người và cuộc đời nhà nhân chủng học. Giữa dòng nước trắng xóa, con người sợ hãi kia đã chết, để rồi một con người mới và đầy can đảm sinh ra.

- Bí tích Rửa tội có cần cho ta được ơn cứu độ không? Chúa Giêsu khẳng định rằng phép Rửa tội cần thiết cho ơn cứu độ khi nói với ông Nicôđêmô: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Bởi vậy trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã truyền dạy các tông đồ rửa tội cho muôn dân: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án…” (Mc 16,15-16).

Đúc kết:

Qua Bí tích rửa tội, Chúa ban cho ta ơn cứu độ: “Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,16). Đó là ta được tha tội nguyên tổ và các tội ta phạm trước khi lãnh nhận Bí tích ấy; đồng thời, thông ban sự sống siêu nhiên cho ta được làm con Chúa và con Hội Thánh; nhờ đó ta được ghi vào linh hồn ấn tích thiêng liêng không bao giờ tẩy xóa được.

2.5 Cầu nguyện giữa giờ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con hết lòng cám ơn Chúa vì chúng con đã được Rửa tội, được thanh tẩy mọi tội và làm con Chúa. Tất cả là nhờ vào công nghiệp giá máu của Chúa đổ ra trên thập giá để ban cho chúng con được sự sống mới của Chúa .

Chúng con còn sẽ được sống lại với Chúa: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, thì cũng được chỗi dậy với Người” (Cl 2,12). Chúng con biết mình thuộc về Chúa Kitô, được trở nên con Chúa và là anh chị em của nhau trong gia đình Hội Thánh.

Xin cho chúng con luôn biết giữ lấy tấm áo trắng tinh tuyền và ngọn nến sáng đã được trao ban khi lãnh nhận Bí tích bằng cách sống thánh thiện hơn và hăng say hơn trong việc sống chứng nhân Tin mừng cho Chúa để mai sau chúng con được vào sống trong Nước vĩnh cửu của Thiên Chúa. Amen.

 

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH

3.1 Sinh hoạt giáo lý

Chia sẻ tâm tình:

Truyện ngắn “Dòng sông” của Flannery O’Connor có viết một đoạn thật hay kể lại việc Rửa tội cho chàng thanh niên Bevel. Rửa tội xong, vị mục sư nói với anh ta: “Bây giờ anh mới là đáng kể. Trước kia thì không”. 

Chia sẻ cảm nghiệm về hồng ân Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận làm cho bạn “đáng kể” biết bao. Cùng cám ơn Chúa.

Băng reo: CÁM ƠN

- NĐK : Xin cám ơn Chúa. TC: Bằng lời (2 tay trên miệng)

- NĐK : Xin cám ơn Chúa. TC: Bằng lòng (2 tay trên ngực)

- NĐK : Xin cám ơn Chúa. TC: Bằng tay (vỗ tay 3 cái)

Hát: Cùng hòa lên hai tiếng cám ơn, cùng dâng lên trong mối dây tình thân, ngàn con tim rung nhịp cảm mến, đến muôn đời không thể nào quên.

Ý hay cho cuộc sống:

Trong Bí tích Rửa tội, hướng đi được đặt ra chứ không phải đích tới được đặt ra. (Frederich Rest)

Khi cử hành Bí tích Rửa tội tại Ấn-độ là ứng viên đặt bàn tay lên đầu của mình và nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (E. Paul Hovey)

3.2 Bài học ghi nhớ

1) Bí tích Rửa Tội là gì?

T. Là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để làm cho chúng ta được sinh lại trong đời sống mới bởi nước và Thánh Thần. [252]

2) Bí tích Rửa Tội còn được gọi là gì?

Bí tích Rửa Tội còn được gọi là "dìm xuống nước", để chỉ việc cùng chết với Đức Kitô và sống lại với Ngài; là phép rửa trong Chúa Thánh Thần để chỉ việc tái sinh và đổi mới; cùng là ơn soi sáng cho chúng ta được trở thành con cái ánh sáng. [252]

3) Trong Cựu ước, bí tích Rửa Tội được báo trước bằng những hình ảnh nào?

Trong Cựu ước, Bí tích Rửa Tội được báo trước bằng hình ảnh nước, con tàu Nô-e, cuộc vượt qua Biển Đỏ và việc băng qua sông Gio-đan. [253]

4) Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã hoàn thành những hình ảnh báo trước về bí tích Rửa Tội thế nào?

Chúa Giêsu hoàn thành những hình ảnh báo trước về bí tích Rửa Tội qua việc chịu phép Rửa tại sông Giođan, qua cái chết trên thập giá và qua việc sai các Tông đồ làm phép Rửa cho muôn dân. [254]

5) Hội Thánh đã ban bí tích Rửa Tội cho những ai và từ bao giờ?

Hội Thánh đã ban bí tích Rửa Tội cho tất cả những người tin vào Chúa Giêsu, từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. [255]

6) Nghi thức chính yếu của bí tích Rửa Tội là gì?

Nghi thức chính yếu của bí tích Rửa Tội là việc dìm xuống nước hay đổ nước trên đầu người lãnh bí tích và nói: «Tôi rửa anh, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần». [256]

7) Những ai có thể lãnh bí tích Rửa Tội?

Tất cả những ai chưa bao giờ lãnh bí tích này. [257]

8) Tại sao Hội Thánh rửa tội cho trẻ em?

Hội Thánh rửa tội cho trẻ em, vì các em đã sinh ra trong tội tổ tông, nên cần được giải thoát để làm con Thiên Chúa. [258]

9) Hội Thánh đòi hỏi gì nơi người lãnh bí tích Rửa Tội?

Hội Thánh đòi hỏi người lãnh Bí tích Rửa Tội phải tuyên xưng đức tin. [259]

10) Người đến tuổi khôn muốn lãnh bí tích Rửa Tội phải làm gì?

Phải có lòng tin và ước ao, phải học biết giáo lý và tham dự những nghi thức chuẩn bị gia nhập Kitô giáo. [259]

11) Người lãnh bí tích Rửa Tội có cần người đỡ đầu không?

Người lãnh bí tích Rửa Tội cần người đỡ đầu để nêu gương sáng và giúp họ sống xứng danh người công giáo. [GLHTCG 1255. 1311]

12) Ai có thể ban bí tích Rửa Tội?

T. Thông thường thì giám mục, linh mục hoặc phó tế, nhưng khi cần thiết thì bất cứ ai cũng có thể cử hành, miễn là làm theo ý muốn và cách thức của Hội Thánh. [260]

13) Bí tích Rửa Tội có cần thiết cho ơn cứu độ không?

Bí tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu độ, đối với những ai đã nghe rao giảng Tin Mừng và có khả năng xin lãnh nhận bí tích này. [261]

14) Người không lãnh bí tích Rửa Tội có được cứu độ không?

Người không lãnh nhận bí tích Rửa Tội có thể được cứu độ trong ba trường hợp này:

- một là chết vì đức tin,

- hai là có lòng ước ao nhưng chưa có điều kiện lãnh nhận bí tích Rửa Tội,

- ba là chưa được biết Chúa Kitô và Hội Thánh, nhưng đã theo tiếng lương tâm mà sống ngay lành. [262]

15) Bí tích Rửa Tội ban cho chúng ta những ơn nào?

Bí tích Rửa Tội ban cho chúng ta những ơn này:

- một là được tha tội tổ tông và các tội riêng đã phạm,

- hai là được làm con cái Thiên Chúa,

- ba là được tháp nhập vào Đức Kitô và Hội Thánh,

- bốn là được ghi vào linh hồn dấu ấn thiêng liêng không bao giờ xóa được. [263]

16) Việc nhận tên thánh rửa tội có ý nghĩa gì?

Có hai ý nghĩa này:

- một là được chính thức có tên trong Hội Thánh,

- hai là có ý xin thánh bổn mạng chuyển cầu và cố gắng noi gương nhân đức của ngài. [264]

 

4. CẦU NGUYỆN KẾT

- Cảm nghiệm mới: Tự hào vì được làm con Chúa qua Bí tích Rửa tội. Sống vui tươi trong tâm tình cảm tạ Chúa đã ban ơn được làm con Chúa và con cái trong Hội Thánh.
 
- Quyết tâm sống: Cố gắng sống tốt với mọi người bằng quyết tâm từ bỏ những thói xấu, sống xứng đáng với Phép Rửa đã lãnh nhận.

 

Ban Giáo lý Giáo phận