29/08/2013
6952

 

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin cộng đoàn

3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin

 

MỤC THỨ HAI

BẢY BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH

 

Bài 36: BẢY BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH

GLHTCG: 1210-1212; BTY: 250-251

"Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giêsu là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập Giao ước vĩnh cửu" (Dt 13,20).

 

1. MỞ ĐẦU

1.1   Phút thánh hóa

Hát kinh: Xin Ngôi Ba Thiên Chúa hoặc một bài thích hợp.

1.2 Ôn bài cũ, giới thiệu chủ đề, nội dung chính và những vấn đề cần tìm hiểu

- Ôn bài cũ:  Chúng ta vừa tìm hiểu ở bài trước về tính chất đa dạng của phụng vụ, nhưng tất cả chỉ để diễn tả tính duy nhất nơi mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, và tính duy nhất này được bảo đảm khi chúng ta hiệp cùng một đức tin nơi các Tông Đồ, và trong cùng một truyền thống mà các ngài lưu truyền lại.

Hôm nay chúng ta tiếp tục bàn về Bảy bí tích, là một trong những nền tảng để bảo đảm cho tính tông truyền này.

Giới thiệu chủ đề

Câu chuyện minh họa:  “Bảy sắc cầu vồng”

Chang chang giữa trưa hè, trên cánh đồng lúa đang đơm bông, có chàng họa sĩ mải miết vẽ, chẳng để ý gì đến thời gian. Chiều đến, mặt trời ngả dần về phía chân trời, bỗng mây đen ùn ùn kéo đến. Chẳng mấy chốc, mặt trời bị che khuất, rồi đổ mưa. Chàng họa sĩ vội lấy dù ra để che đầu và che cả bức tranh vừa vẽ xong đang bị thấm vài giọt nước.

Các khối màu mệt mỏi, quần quật từ sáng sớm dưới nắng chói chang, phải vật lộn, hòa quyện với cây bút lông vẽ và giấy trắng, rồi lại bị mưa ướt nên càng thấy ngao ngán. Chúng bắt đầu càu nhàu. Màu đỏ thấy thế bèn lên tiếng bảo ban:

- Các bạn chán thật, chưa chi đã chán nản. Hãy kiên trì lên nào và đừng than vãn vớ vẩn nữa.

- Cậu nói ai thế?   Màu da cam như tôi đây, nổi tiếng toàn thế giới. Tất cả các quả cam đều phải sơn màu của tôi.

- Thôi đi, đúng là cái đồ vỏ cam - màu vàng chua chát nói: Hãy nhớ rằng mặt trời và ánh nắng chói chang trên toàn thế giới này mang màu của tớ đấy!

- Cứ cho là thế đi, màu xanh lục điềm tĩnh nói: Nhưng màu quan trọng nhất trên quả đất là màu của cây cỏ, của thiên nhiên. Chính con người nói, khi họ nhìn vào màu xanh lá cây, mắt của họ chả được nghỉ ngơi còn gì…

- Thế còn bầu trời, màu xanh lam thốt lên, giọng nghẹn ngào: Làm sao các bạn có thể quên được màu xanh của bầu trời rộng lớn bao la trên đầu mình. Vậy còn gì tuyệt vời hơn màu xanh lam này… Nói xong xanh lam bật khóc òa lên vì ấm ức.

- Xem kìa, họ oách thật. Màu xanh chàm mỉa mai: Thế còn sắc biếc của đại dương, của sông suối thì sao? Cả bầu trời nữa, đâu chỉ xanh lam, nhìn kìa, còn có những khoảng xanh lơ nữa. Thưa các bạn, xanh chàm mới là màu quan trọng nhất trên thế gian.

- Các bạn bình tĩnh, màu tím thì thầm nói: Khoe khoang màu sắc của mình như thế thật là lố bịch. Muốn gì đi nữa, màu sắc đằm thắm, huyền ảo nhất vẫn là màu tím, cứ nhìn hoa violet thì biết…

Chàng họa sĩ hiểu ngôn ngữ của các màu, nên lắng nghe câu chuyện từ đầu chí cuối. Chàng mỉm cười và vẽ lên bức tranh một cây cầu vồng trên cánh đồng lúa vàng rực.

Đúng lúc đó, mưa vụt tạnh, mây đen tan biến, mặt trời ló ra và trên cánh đồng lấp lánh muôn ánh hào quang từ một cầu vồng thật. Tất cả các màu cùng bừng sáng. Các màu nắm tay nhau và trong vòng tay ấy các màu cùng rực rỡ hơn cả ngàn lần khi đứng một mình.

Chàng họa sĩ lại mỉm cười rồi vẽ thêm một bông cúc đại đóa có các cánh hoa mang tất cả bảy sắc cầu vồng.

- Nội dung chính:  Câu chuyện trên cho chúng ta một sứ điệp hết sức quan trọng đó là: sức mạnh của sự hiệp nhất. Nhờ vào các bí tích mà Hội Thánh được qui tụ từ nhiều dân tộc với trăm ngàn dị biệt. Mầu nhiệm hiệp nhất này bắt nguồn từ bảy bí tích của Hội Thánh là những hành động cụ thể của Đức Kitô làm cho Hội Thánh trở nên Nhiệm thể duy nhất mà Ngài chính là Đầu.

- Những vấn đề cần tìm hiểu:  Phân loại bí tích và sơ lược về các bí tích về khai tâm, chữa lành và phụng vụ.

 

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ

2.1   Các bí tích của Hội Thánh được phân loại thế nào?

Thảo luận:

Kể những nhu cầu cần thiết trong đời sống thường ngày của bản thân mình? Nếu không đáp ứng các nhu cầu cần thiết con người có thể sống được không?

Đúc kết: 

Con người có rất nhiều nhu cầu cho đời sống mình, nhưng trong đó có những nhu cầu không thể thiếu được: ăn uống, ngủ nghỉ, hít thở… Trong đời sống đức tin cũng vậy, các Bí tích là những phương tiện đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho đời sống thiêng liêng của các Kitô hữu: được sinh ra và sống trong ơn nghĩa với Chúa; được chữa lành khi vấp ngã hoặc đau ốm; được quản trị, chăm sóc và làm cho phong phú lẫn nhau hoặc xây dựng phục vụ nhau. Các Bí tích được phân chia thành ba nhóm: khai tâmchữa lành và phục vụ.

2.2 Các bí tích khai tâm Kitô giáo gồm có những bí tích nào?

Thảo luận:

Theo em, mọi người thường tổ chức mừng kỷ niệm ngày nào trong đời mình? Người ta ăn uống để làm gì? Khi nào thì xã hội công nhận một người đã trưởng thành?

Đúc kết:

Ai ai cũng nhớ đến sinh nhật của mình vì nó đánh dấu ngày có mặt trên đời này. Khi họ đã làm người thì cần phải ăn uống để sự sống được nuôi dưỡng và phát triển. Đến một mức nào đó thì xã hội công nhận họ đã trưởng thành về mặt thể lý. Ví dụ ở Việt Nam công nhận một người trưởng thành khi đủ 18 tuổi.

Về khía cạnh đức tin chúng ta có 3 bí tích thuộc nhóm Khai tâm, có nhiệm vụ tương tự như các giai đoạn phát triển thể lý mà ta vừa kể:

- Bí tích Rửa Tội: Khai sinh chúng ta vào đời sống Kitô hữu.

- Bí tích Thánh Thể: nuôi dưỡng chúng ta trong đời sống mới này.

- Bí tích Thêm Sức: đánh dấu sự trưởng thành đức tin của chúng ta nhờ việc lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần.

2.3 Các bí tích chữa lành gồm có những bí tích nào?

Thảo luận:

Chăm sóc bản thân, thường người ta chú trọng nhất là điều gì? (sức khỏe, sắc đẹp…). Để có một sức khỏe tốt người ta thường làm điều gì?

Đúc kết:

Dù rất nhiều người quan tâm đến sắc đẹp, nhưng sức khỏe vẫn quan trọng hơn. Để có một sức khỏe tốt, chúng ta phải chú trọng đến chế độ dinh dưỡng: đủ chất, thức ăn không có độc tố gây hại cho cơ thể, rồi người ta còn thường xuyên đến bác sĩ để khám định kỳ… Khi đau ốm thì phải uống thuốc, chữa bệnh…

Về đời sống thiêng liêng chúng ta cũng có các bí tích thuộc nhóm chữa lành có nhiệm vụ tương tự như vậy. Bí tích Hòa Giải: giúp chúng ta nhận ra thực trạng tội lỗi của mình để chúng ta thống hối và xin Chúa tha thứ và chữa lành cho ta. Bí tích Xức Dầu bệnh nhân ngoài việc chữa lành, nó còn tăng sức mạnh cho ta giống như người võ sĩ qua tập luyện, kiêng cử, bóp thuốc để tăng sức dẽo dai trước khi ra trận đấu.

2.4 Các bí tích phục vụ gồm có những bí tích nào?

Thảo luận:

Theo em ngoài mừng ngày kỷ niệm sinh nhật, bổn mạng, các linh mục, tu sĩ, thường tổ chức mừng kỷ niệm ngày nào nữa? Còn những người sống đời hôn nhân thì mừng ngày nào?

Đúc kết:

Ở xã hội, nhiều người thường tổ chức mừng kỷ niệm ngày mình nhận chức, trong Hội Thánh các linh mục, tu sĩ thường tổ chức mừng kỉ niệm ngày lãnh nhận thiên chức linh mục, ngày thánh hiến… Còn những ai sống đời hôn nhân thì mừng kỷ niệm ngày cưới. Các điều trên cho thấy con đường hoàn thiện của họ là qua vai trò và tương quan của họ với cộng đoàn và xã hội.

Trong đời sống Đức tin, các bí tích thuộc nhóm phục vụ nhằm bảo đảm mục đích tương tự như trên. Nghĩa là nhóm bí tích này đem lại ân sủng riêng cho mỗi ơn gọi hay sứ vụ đặc biệt trong Hội Thánh, để xây dựng Dân Thiên Chúa. Nhóm bí tích này gồm có Bí tích Truyền Chức và Bí tích Hôn Phối.

2.5  Cầu nguyện giữa giờ

Lạy Chúa qua việc lãnh nhận và sống theo ý nghĩa của các bí tích, chúng con nhận ra một cách cụ thể là Chúa đang ở với chúng con, Chúa đang yêu thương và chăm sóc một cách cẩn trọng cuộc đời chúng con. Xin cho con đừng vì một lý do nào mà đánh mất ân nghĩa chúng con đang có trong đời mình. Amen!

 

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH

3.1   Sinh hoạt giáo lý

Kể chuyện: Thánh Nikolas de Flue không ăn vẫn sống

Thánh Nikolas de Flue có tên gọi thân mật là Bruder Klaus (1417-1487), bổn mạng nước Thụy Sỹ. Trong 20 năm, Ngài đã từng sống hạnh phúc trong bậc gia đình với vợ và 10 người con, giàu sang và chức quyền. Năm 1467, nghe tiếng Chúa gọi, với sự ưng thuận của vợ con, ngài từ giã gia đình, bỏ hết mọi sự sống đời ẩn tu, nhiệm nhặt, chay tịnh, ở miền Alsace. Suốt 20 năm không ăn không uống gì cho đến khi qua đời. Quãng đời 20 năm sau cùng đó, coi như một phép lạ về Phép Thánh Thể.

Thời ấy, dân chúng hay tin nên đã đến bao vây hang động Ranft nơi ngài tu trì, xem có ai ra vào tiếp tế gì không. Sau một tháng canh giữ, không thấy gì, người ta mới cho đó không phải là chuyện bịa đặt.

Về Giáo quyền, trước những tin ngược xuôi, đã cử Ðức Cha Thomas, giám mục phụ tá Konstanz, đến tận nơi gặp thánh nhân. Ðức Cha đem theo bánh rượu để thử nghiệm. Sau khi tìm hiểu về ơn gọi của Nicolas, Ðức Cha hỏi Nicolas: Theo Nicolas, nhân đức nào quan trọng. Nicolas thưa: đức vâng lời. Ðức Cha liền lấy bánh và rượu mang theo trong cặp, đưa cho Nicolas, và bảo: hãy vâng lời, ăn đi. Nicolas cầm một miếng bánh, bẻ 1 miếng nhỏ. Nicolas mới ăn hết phần nhỏ bánh và uống chút rượu. Nhưng vừa nuốt khỏi miệng, liền ói ra ngay. Kinh ngạc, Ðức cha kính phục Nicolas không ăn không uống mà vẫn sống.

Chuyện lạ được loan ra khắp miền. Cha Oswald Ysner, linh hướng của Nicolas đã làm sáng tỏ sự việc và cho biết: từ đầu, cha đã hướng dẫn Nicolas về việc chay tịnh và xác quyết, mỗi lần sau khi chịu lễ, Nicolas cho biết trong người sức mạnh tràn ngập, bùng lên trong người, như ngây ngất khiến mình dư sức chịu đựng không còn muốn ăn uống gì nữa. Sau khi thánh nhân qua đời, người ta thử nghiệm một khúc xương của ngài xem xương đó của một người có bao nhiêu tuổi. Kết quả cho biết khúc xương đó của người từ 40 đến 60 tuổi. Khoa học khảo nghiệm xác định sự biến dưỡng của Nicolas ngưng vào quãng 50 tuổi. Kết quả vừa kể, bổ túc và xác nhận Thánh Nicolas trong 20 năm cuối đời sống nhờ tác động của Phép Thánh Thể.

Ðức Giáo Hoàng Pio XII tôn phong ngài lên bậc hiển thánh ngày 15-5-1947. Và chọn ngày 25-9, làm lễ kính Thánh Nicolas. (Ðiển Ngữ Các Thánh, Lm. Hồng Phúc, tr. 222-223.)

3.2  Bài học ghi nhớ

1. Các bí tích của Hội Thánh được phân loại thế nào?

Các bí tích của Hội Thánh được phân thành ba loại này:

- một là các bí tích khai tâm Kitô giáo,

- hai là các bí tích chữa lành,

- ba là các bí tích phục vụ. [250]

2. Các bí tích khai tâm Kitô giáo gồm có những bí tích nào?

Các bí tích khai tâm Kitô giáogồm có bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Các bí tích này tái sinh, củng cố và nuôi dưỡng các tín hữu trong đời sống mới. [250. 251]

3. Các bí tích chữa lành gồm có những bí tích nào?

Các bí tích chữa lành gồm bí tích Thống Hối và Xức Dầu bệnh nhân. Các bí tích này phục hồi và củng cố đời sống mới của các tín hữu đã bị suy yếu hoặc mất đi do tội lỗi. [250. 295]

4. Các bí tích phục vụ gồm có những bí tích nào?

Các bí tích phục vụ gồm có bí tích Truyền Chức Thánh và Hôn Phối. Hai bí tích này đem lại ân sủng riêng cho mỗi sứ vụ đặc biệt trong Hội Thánh, để xây dựng Dân Thiên Chúa. [321]

 

4. CẦU NGUYỆN KẾT

-   Cảm nghiệm mới:  Cám ơn Chúa vì giờ đây chúng con cảm nghiệm được sự gần gũi của Chúa trong đời sống của chúng con.

Quyết tâm sống: Nhờ vào sức mạnh ân sủng Chúa ban qua các bí tích con sẽ cố gắng thay đổi đời sống con ngày một xứng đáng hơn với tình yêu của Chúa và năng rước Lễ thật sốt sắng.

 

Ban Giáo lý Giáo phận