GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN
1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin
2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn
3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn
4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin
Bài 33 – MẦU NHIỆM VƯỢT QUA TRONG CÁC BÍ TÍCH
CỦA HỘI THÁNH
GLHTCG: 1113-1134; BTY: 224-232
"Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra"
(Ga 19,34).
I. MỞ ĐẦU
1. Phút thánh hóa
- Bài hát: Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con. Thần trí tác tạo của Chúa Người đổi mới tâm can, đổi mới muôn lòng (hát 2 lần)
- Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay, xin Chúa ban ơn soi sáng giúp chúng con hiểu biết các bí tích mà Chúa đã thiết lập để chúng con luôn quý trọng và năng chịu các bí tích hơn. Amen.
2. Ôn bài cũ, giới thiệu chủ đề, nội dung chính và những vấn đề cần tìm hiểu
- Ôn bài cũ:
Các em đã hiểu con người cần đến những cử hành phụng vụ (những dấu chỉ bên ngoài) để diễn tả đức tin sâu kín bên trong. Phụng vụ gồm có: Thánh Lễ, Bí tích – Á bí tích và phụng vụ giờ kinh. Nhờ đó con người tôn vinh Thiên Chúa và được thánh hóa.
Qua hình ảnh của 3 cơ quan chính nơi con người: tủy sống sản sinh máu, trái tim vận chuyển máu nuôi sống cơ thể và lá phổi đem dưỡng khí biến đổi máu tạo nên sức sống, cho chúng ta thấy tác động của Chúa Ba Ngôi trong phụng vụ: Chúa Cha đổ tràn phúc lành trong Đức Kitô và trao ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta. Hình ảnh ly nước có đá làm cho nước ngưng tụ bên ngoài ly nước cho thấy trong phụng vụ Chúa Kitô là tác nhân chính đem đến ân sủng của Thiên Chúa.
- Giới thiệu chủ đề bài mới: Các em hãy nghe “CÂU CHUYỆN ĐẾM SAO” của một người cha đã thuật lại tâm tình và những cảm nghĩ của mình qua tương quan với đứa con gái nhỏ:
Một đêm kia đang đọc báo, ông nghe thấy tiếng đứa con gái nhỏ gọi ông: - Bố ơi, con sẽ đếm xem trên trời có bao nhiêu ngôi sao. Sau đó, bé bắt đầu cất tiếng đếm với giọng êm đềm và ngây thơ: 1, 2, 3, 4… ông bố lại tiếp tục đọc báo, không để ý gì đến bé nữa. Vậy mà không ngờ, khi ông đã đọc xong tờ báo, xếp lại và định đi ngủ, thì ông lại nghe tiếng con gái vẫn đang tiếp tục đếm: 223, 224, 225,… Đếm đến đây, tự nhiên bé ngừng lại, quay sang bố thỏ thẻ: - Bố ơi, con không dè trên trời lại có nhiều ngôi sao đến thế.
Nghe con nói một cách ngây thơ như thế, ông chợt nhớ lại, thỉnh thoảng ông cũng thầm nói với Chúa: - Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã nhận lãnh được bao nhiêu ơn lành Chúa đã ban và càng đếm, trái tim ông càng thổn thức, không phải vì u sầu, nhưng là vì có quá nhiều hồng ân Chúa đã tuôn đổ tràn ngập trên đời ông. Và ông bật lên lời nói, lời tận đáy lòng để thưa chuyện với Chúa: - Lạy Chúa, con không tài nào ngờ rằng, đời con lại được hưởng nhiều ơn Chúa đến như vậy!
Các em thân mến! Mỗi giây phút chúng ta sống, chúng ta hít thở đều là hồng ân Chúa ban cho dư tràn. Lời Chúa dưới đây sẽ cho chúng ta biết điều này.
- Lắng nghe Lời Chúa: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 1, 14 - 15)
“Ngôi lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, Người là con một của Chúa Cha đầy tràn ân sủng và sự thật…, từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”.
Đó là lời Chúa/ Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.
Lời Chúa chúng ta vừa nghe cho biết: Vì yêu thương nhân loại, Ngôi Lời là chính Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Tuy nhiên, Chúa Giêsu chỉ hiện diện trên trần gian này vỏn vẹn có hơn 30 năm. Vậy làm thế nào để con người ở mọi nơi và mọi thời có thể gặp gỡ Ngài và nhận được ơn cứu độ Ngài ban? Các em hãy thảo luận và ghi nhận.
Trong đời người thì ai cũng phải trải qua: sinh, bệnh, lão, tử. Tuy nhiên, Đức Kitô đã chết và đã sống lại, Ngài không chết mãi mãi, nơi Ngài đã thể hiện một mầu nhiệm Vượt Qua, chất chứa nhiều dấu chỉ hữu hiệu phát sinh ân sủng. Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta và đã sống lại thật để ban ơn cứu độ cho chúng ta. Người đang hiện diện. Những gì Người đã làm trong cuộc sống trần thế, Người vẫn tiếp tục làm, cách riêng qua các bí tích. Trong phụng vụ thì mầu nhiệm Vượt Qua là nền tảng đức tin của chúng ta: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến”.
- Nội dung chính: Chúa Giêsu đã lập ra các bí tích (dấu chỉ ân sủng) làm phương tiện giúp ta gặp gỡ Ngài và làm dấu hữu hiệu thông ban ơn Ngài cho ta.
- Những vấn đề cần tìm hiểu: Hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem mục đích Chúa Giêsu đã lập những bí tích để làm gì? Bí tích là gì? Phải có điều kiện nào để Bí tích sinh ích lợi cho ta? Ngoài ra, ta cũng tìm hiểu xem các bí tích liên hệ với Chúa Kitô và Hội thánh của Người như thế nào? Tại sao Bí tích cần thiết cho được cứu độ? Và giúp chúng ta sống đời sống vĩnh cửu thế nào?
2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ
1. Mục đích Chúa Giêsu lập Bí tích để làm gì? Bí tích là gì? Có mấy bí tích? Muốn nhận lãnh bí tích cần có những điều kiện nào?
a) Thảo luận:
Cuộc đời con người có những ngày thật đáng nhớ: ngày sinh, ngày đầu tiên nhận giấy thi đậu, ngày nhận được công việc tốt, ngày lập gia đình, ngày chịu chức, ngày ốm đau hoặc gặp một tai nạn bất ngờ nào đó… Những lúc ấy, các em thấy cần có những ai trợ lực và cần những sự cố gắng của ta không?
Qua tất cả mọi biến cố đó, Chúa Giêsu đều muốn hiện diện với ta, đồng hành bên ta để ban ơn nâng đỡ ta tiến về nhà Cha. Câu chuyện của tông đồ Tôma: Hôm đó ông Tôma đi vắng. Khi ông về, các tông đồ hớn hở khoe: “Chúng tôi đã thấy Chúa”. Nhưng ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, thì tôi không tin” (Ga 20, 24-25). Như thế, để chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã sống lại thật, ông Tôma đòi phải được thấy dấu đinh ở tay Chúa, ở ngực Chúa, hơn nữa ông còn đòi xỏ tay vào các vết đinh đó. Nghĩa là ông đòi thấy Chúa tận mắt, sờ được Ngài tận tay.
Quả thật, nhu cầu chung của con người chúng ta là cần đến những dấu hiệu cụ thể thấy được, nghe được hoặc đụng chạm tới được, để giao tiếp, để gặp gỡ nhau. Thiên Chúa đã đáp ứng nhu cầu này của con người. Chính Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người, ở giữa chúng ta, để chúng ta thấy được, gặp gỡ được Thiên Chúa vô hình. Chúa Giê-su đã có sáng kiến chọn một số dấu chỉ cho ta biết gặp gỡ Ngài và ban ơn cho ta.
b) Đúc kết:
Chúa Giêsu truyền lệnh cho các tông đồ làm Phép Rửa; Trong bữa Tiệc Ly, Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể. Sau khi Chúa sống lại, Ngài thổi hơi và ban Chúa Thánh Thần. Trong cuộc đời Chúa Giêsu, qua lời nói và hành động, Ngài thường dùng những dấu chỉ khả giác để chữa lành. Như vậy, Chính Chúa Giêsu đã dùng các dấu chỉ để ban ơn. Hay nói các khác Ngài đã lập 7 bí tích và ban cho Giáo hội sử dụng như những phương tiện hữu hiệu để:
·
Tái sinh con người: Bí tích Rửa Tội;
·
Chữa lành: Bí tích Hòa Giải và Xức Dầu Thánh;
·
Thêm sức mạnh thiêng liêng và Thánh hóa: Bí tích Thêm Sức và Thánh Thể;
·
Xây dựng cộng đoàn: Bí tích Hôn Phối và Truyền Chức Thánh.
Vậy, Bí tích là gì?
Thưa, là một dấu chỉ giác quan nhận biết được, hay đúng hơn, là một hành động biểu tượng, gồm lời nói và cử chỉ, và hành động ấy thực hiện điều nó biểu thị. Đó chính là các dấn ấn của tình yêu thương, chính Chúa Giêsu hoạt động và thông ban ân sủng qua thừa tác viên cử hành Bí tích. Ân sủng này được ban không lệ thuộc vào sự thánh thiện bản thân của thừa tác viên, nhưng do quyền năng của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô hay do chính hành động Bí tích được thực hiện.
Điều kiện để lãnh nhận bí tích:
Khi nói các Bí tích là dấu chỉ của tình yêu thương. Do đó, khi lãnh nhận chúng ta cần một tình yêu đáp trả của đức tin: nghĩa là, chúng ta cần chuẩn bị chu đáo về giáo lý, ý thức khi cử hành và sống theo những đòi hỏi của dấu chỉ ấy. Nhờ đó các Bí tích sẽ mang lại ơn Chúa dồi dào và sinh ích lợi cho ta. Việc học hỏi về ý nghĩa của các bí tích là điều cần thiết. Học giáo lý để chịu phép Thêm Sức cũng quan trọng như những năm đào tạo để chịu chức thánh. Việc chuẩn bị cũng cần thiết đối với những bí tích chúng ta lãnh nhận thường xuyên như Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giao Hòa. Thế nhưng, nhiều khi chúng ta rước lễ mà rất ít ý thức. Chẳng hạn, những giây phút thinh lặng sau khi rước lễ là điều cần thiết, nhưng ngày nay lại bị coi thường và lãng quên. Cuối cùng, toàn bộ đời sống chúng ta đều góp phần vào việc lãnh nhận các bí tích cách phong phú và hiệu quả nhất.
2. Các bí tích liên hệ với Chúa Kitô và
Hội thánh của Người như thế nào?
a) Thảo luận:
Tại sao nói các bí tích bắt nguồn từ chính đời sống của Đức Kitô?
Trong phép lạ chữa lành cho người phụ nữ mắc bệnh loạn huyết. Thánh Marcô kể rằng bà ta chạm đến gấu áo Chúa và ngay lập tức được chữa lành. Còn Chúa Giêsu ghi nhận “quyền năng từ nơi Người phát ra” (Mc 5,30).
b) Đúc kết:
Như thế, các bí tích tiếp tục điều mà Chúa Giêsu đã làm. Qua các bí tích, Chúa Giêsu “chạm” đến chúng ta để chữa lành và ban cho ta sự sống của Chúa. Các bí tích là quyền năng phát xuất từ Thân Thể Đức Kitô. Qua bí tích, Đức Giêsu tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta, tha thứ cho chúng ta, chữa lành chúng ta, tựa như Ngài đã làm cho những người trong thời của Ngài.
Các bí tích liên hệ với Hội thánh. Bắt đầu từ khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Giêsu không chỉ hiện diện trong thế giới qua Giáo hội, mà Người còn hành động qua Giáo hội. Bởi vậy sau này thánh Augustinô có thể nói: “Khi Giáo hội rửa tội là chính Đức Kitô rửa tội”. Sách Giáo lý Công giáo đã nhấn mạnh: Các bí tích “thuộc về Hội thánh” theo hai nghĩa: do Hội thánh và cho Hội thánh.
"Do Hội thánh" vì Hội thánh là bí tích của Chúa Kitô, Ðấng đang hoạt động trong Hội thánh nhờ sứ vụ của Thánh Thần. "Cho Hội thánh" vì các bí tích xây dựng Hội thánh chúng bày tỏ và thông truyền cho con người, nhất là trong Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Tình Thương, Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Chí Thánh.
3. Các bí tích có cần thiết cho ơn cứu độ không? Bí tích giúp chúng ta sống đời sống vĩnh cửu ra sao?
a) Thảo luận:
Có những ý kiến cho rằng “Giáo hội Công giáo bày vẽ ra quá nhiều Bí Tích”, em có ý kiến gì khi thấy mình phải lãnh nhận các Bí tích?
Con người bình thường không ai chê trách một bệnh viện có nhiều máy móc tối tân, nhiều phương pháp trị liệu và thuốc men đầy đủ, có công dụng chữa trị cho các bệnh nhân cách hữu hiệu và nhanh chóng hơn. Giáo hội không phải là tác giả bày vẽ ra các Bí Tích, Giáo hội chỉ lãnh nhận các Bí Tích do Chúa Kitô thiết lập mà thôi.
Em có cần phút giây hạnh phúc kéo dài mãi không? Khi đang vui và hạnh phúc, em có muốn mất nó ngay không?
Một điều rất thú vị là trong mỗi bí tích, quá khứ, hiện tại và tương lai nối kết với nhau. Điều ấy đem lại cho chúng ta thời gian của vĩnh cửu! Tất cả các bí tích đều nhắc nhớ một biến cố lịch sử cụ thể. Phép Rửa trong Kitô giáo nhắc nhớ Phép Rửa của Chúa Giêsu tại sông Giođan, và xa hơn nữa, việc dân Israel băng qua Biển Đỏ. Chúng ta nhớ đến sự kiện này cách đặc biệt trong Đêm Canh Thức Vượt Qua. Lại càng rõ ràng hơn nữa khi cử hành Bí tích Thánh Thể: theo mệnh lệnh của Chúa là “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
b) Đúc kết:
Thiên Chúa yêu thương con người và cung ứng cho con người nhiều phương tiện cần thiết (các Bí tích) để được cứu giúp và hỗ trợ hữu hiệu trong cuộc hành trình tiến về Nhà Cha.
Các Bí tích giúp chúng ta sống đời sống vĩnh cửu. Theo lệnh truyền của Chúa, Ngài muốn chúng ta làm cho đến khi Chúa lại đến. Như thế, những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm trong bữa Tiệc Ly trở thành hiện tại. Hy lễ của Chúa trên Thánh Giá nay đang hiện diện. Chúng ta liên kết với Người tại bàn tiệc, trở thành “người cùng thời” với Người.
Tuy nhiên, các bí tích còn hướng chúng ta đến tương lai. Nói cách khác, các bí tích là “cửa thiên đàng”, qua đó Đức Kitô đến gặp gỡ chúng ta. Thánh Phaolô nói về các hoa trái mà người tín hữu nhận được của Chúa Thánh Thần như “hoa quả đầu mùa” của vinh quang sẽ tới (Gl 5, 22-23). Cũng vậy, nhờ các bí tích, Hội thánh nhận được bảo chứng gia tài của mình, nếm hưởng trước đời sống vĩnh cửu.
Trong Đêm Vọng Phục Sinh, các Kitô hữu bắt đầu cử hành Thánh Thể. Đức Kitô, Đấng Phục Sinh, lại chẳng đến trong Bí tích Thánh Thể đó sao? Dĩ nhiên là cách ẩn giấu, nhưng thực sự Người ở với chúng ta, ngày nay trong hình thức khiêm tốn của các bí tích, và mai ngày trong vinh quang của Chúa.
4. Cầu nguyện giữa giờ:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng các bí tích kỳ diệu mà nâng đỡ chúng con là những kẻ yếu hèn, xin cho cho chúng con được vui mừng lãnh nhận những hiệu quả dồi dào của các bí tích ấy và quyết tâm đổi mới cuộc đời để biểu dương ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH
1. Sinh hoạt giáo lý
- Bài hát TÔI CHỌN GIÊSU
1.
Tôi chọn Giêsu là nắng. Tôi chọn Giêsu là mưa. Cho tháng năm thôi nỗi đìu hiu giá lạnh khô cằn. Nắng về tôi chia em nồng ấm. Mưa về tôi trao anh mầm xanh. Xanh ấm cho nhau hết buồn tênh hết phai tàn. Cho trái tim xanh mãi thêm xanh. Cho trái tim tươi mãi thêm tươi. Tôi chọn Giêsu.
2. Bởi vì Giêsu thuở ấy. Suốt ngàn năm qua còn đây. Vẫn hát cho tôi khúc tình ca, yêu là tất cả. Tôi chọn Giêsu yêu là sống. Tôi cùng Giêsu sống để yêu. Cho mãi xôn xao những niềm vui giữa cuộc đời. Cho trái tim yêu biết yêu hơn. Cho trái tim vui sẽ vui hơn. Tôi chọn Giêsu.
2. Bài học ghi nhớ
1. Bí tích là gì?
Bí tích là dấu bên ngoài Chúa Giêsu đã lập và truyền lại cho Hội thánh cử hành, để diễn tả và thông ban cho chúng ta ơn bên trong là sự sống thần linh. [224]
2. Có mấy bí tích?
Có 7 bí tích:
- một là Bí tích Rửa Tội,
- hai là Bí tích Thêm Sức,
- ba là Bí tích Thánh Thể,
- bốn là Bí tích Thống Hối,
- năm là Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân,
- sáu là Bí tích Truyền Chức Thánh,
- bảy là Bí tích Hôn Phối. [224]
3. Các bí tích liên hệ với Đức Kitô thế nào?
Các bí tích đều bắt nguồn từ các mầu nhiệm trong cuộc đời của Đức Kitô. [225]
4. Các bí tích liên hệ với Hội thánh thế nào?
Các bí tích đều là của Hội thánh:
- một là do Hội thánh, vì là hoạt động của Hội thánh;
- hai là cho Hội thánh, vì các bí tích xây dựng Hội thánh. [226]
5. Ấn tín bí tích là gì?
Ấn tín bí tích là dấu ấn thiêng liêng mà Thiên Chúa in vào lòng những người lãnh Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh, như lời hứa và bảo đảm cho sự che chở của Ngài. Vì ấn tín không thể xóa được, nên các bí tích này chỉ được lãnh một lần mà thôi. [227]
6. Tại sao gọi là bí tích đức tin?
Vì khi lãnh nhận bí tích, ta phải có đức tin, đồng thời nhờ các bí tích, đức tin của ta thêm mạnh mẽ vững vàng. [228]
7. Ai mang lại hiệu quả cho các bí tích?
Chính Đức Kitô hoạt động và thông ban ân sủng trong các bí tích, nhưng ân sủng này có mang lại lợi ích hay không còn tùy thuộc vào sự chuẩn bị nội tâm của người lãnh nhận. [229]
8. Tại sao các bí tích cần thiết cho ơn cứu độ?
Vì các bí tích trao ban ân sủng của Chúa Thánh Thần để Ngài chữa lành và biến đổi chúng ta. [230, 231]
9. Các bí tích giúp chúng ta sống đời sống vĩnh cửu thế nào?
Các bí tích cho chúng ta tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu, đang khi mong chờ ngày Đức Kitô ngự đến trong vinh quang. [232]
4. CẦU NGUYỆN KẾT
- Cảm nghiệm mới:
Các em thân mến! Chúa Giêsu chính là nguồn mạch ân sủng mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Chúa Giêsu đã lập ra các bí tích để tiếp tục công cuộc cứu độ chúng ta. Chính vì thế, mỗi khi lãnh nhận các bí tích, ta hãy ý thức rằng mình đang đến để gặp gỡ Chúa Kitô, và Ngài sẽ ban dư tràn ân phúc cho ta. Giờ đây, chúng ta cùng đứng lên và dâng Chúa lời nguyện xin:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã lập ra các bí tích để ở với chúng con và ban ơn cho chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến các bí tích và năng lãnh nhận 2 bí tích: Giải tội và Thánh Thể để nhận được ơn cứu độ, được đón nhận chính Chúa là Đấng yêu chúng con vô cùng. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
- Quyết tâm sống: Để cảm tạ Chúa đã ban các bí tích cho ta, các em quyết tâm dọn mình cho xứng đáng và siêng năng lãnh nhận, nhất là siêng năng tham dự Thánh lễ vì Bí tích Thánh Thể ban cho ta chính Chúa Giêsu, nguồn mạch mọi ơn phúc. Tuần này các em hãy quyết tâm tham dự thêm một thánh lễ ngoài thánh lễ ngày Chủ nhật.
Ban Giáo lý Giáo phận